bài đọc thêm: " nhà văn Trần Đức Tiến : Sống & viết đều quyết liệt " -- nguồn http;//vnca.cand.com>
Nhà văn Trần Đức Tiến: Sống và viết đều quyết liệt
08:07 27/04/2016Phải đến khi liều lĩnh dấn bước vào mê cung chữ, tôi mới biết Trần Đức Tiến là nhà văn đã thành danh từ thời tôi còn mặc quần khoét đáy nghịch đất bên bờ ao, với giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của Báo Người Hà Nội năm 1986, và hai lần giải Nhì cuộc thi truyện ngắn uy tín trên tạp chí Văn nghệ Quân đội vào các năm 1987 và 1990...
1. Truyện ngắn đầu tiên của nhà văn Trần Đức Tiến mà tôi đọc được là "Thiếu phụ răng đen". Tôi không nhớ cơn cớ nào mà có tờ phụ trương "Truyện ngắn hay năm 2005" của Báo Văn nghệ. Thời ấy top ten truyện ngắn hay chưa có tính… mặt trận như giờ, nên đa số các truyện đều rất "đã". Và trong dàn truyện tinh tuyển đa thanh nhiều sắc năm 2005, chẳng hiểu sao tôi lại nhớ nhất "Thiếu phụ răng đen". Giờ thì tôi hiểu, có thể không khí liêu trai, ma mị của truyện ngắn ấy đã khiến cậu chàng mới lớn còn nhát ma như tôi nhớ lâu.
Không lâu sau, cái tên Trần Đức Tiến lại gây cho tôi nhớ với truyện "Đồng hồ báo tử" trong tuyển hiện thực kỳ ảo, "Hồn hoa đêm tháp cổ" do nhà sách Đông A in và phát hành mà tôi kiếm được từ sạp sách báo cũ vỉa hè. So với "Thiếu phụ răng đen", "Đồng hồ báo tử" có lối viết khác, mới lạ hơn, sắp đặt hơn và ảo diệu hơn.
Phải đến khi liều lĩnh dấn bước vào mê cung chữ, tôi mới biết Trần Đức Tiến là nhà văn đã thành danh từ thời tôi còn mặc quần khoét đáy nghịch đất bên bờ ao, với giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của Báo Người Hà Nội năm 1986, và hai lần giải Nhì cuộc thi truyện ngắn uy tín trên tạp chí Văn nghệ Quân đội vào các năm 1987 và 1990. Văn nghệ Quân đội đến giờ vẫn là tạp chí văn chương không chỉ của người lính mà của cả văn đàn. Tuy nhiên, thời "Những con cá cờ", "Tiếng gọi" và "Mười lăm năm mưa xói", "Làng cũ" của Trần Đức Tiến vào giải còn "linh thiêng và hào hoa" hơn bây giờ nhiều.
2. Con đường đến với văn chương của nhà văn Trần Đức Tiến xem ra khá lắt léo. Từng là học sinh giỏi văn của Nam Hà (tỉnh cũ của Hà Nam với Nam Định) và toàn miền Bắc, chàng trai Trần Đức Tiến ôm mộng trở thành sinh viên Đại học Tổng hợp Văn. Tréo ngoe sau đó, khi thi đỗ, Trần Đức Tiến lại được xếp vào Trường Đại học Kinh tế - Kế hoạch, (bây giờ là Đại học Kinh tế quốc dân). Sự thực ấy ngỡ đã giết chết mầm văn ở ông. Ai dè văn chương là thứ khó dứt. Khi đã thành cán bộ ngành Thống kê, được người bạn, sau này là nhà văn, Trần Quốc Huấn,… "kích động", Trần Đức Tiến hăm hở nhảy bổ vào văn chương. Truyện ngắn đầu tay của ông in đĩnh đạc trên Báo Văn nghệ thời ấy khiến nhiều cây viết trẻ thèm thuồng.
Và rồi "đôi bạn cùng tiến" này đã cùng nhau ẵm giải Nhất và Nhì cuộc thi Truyện ngắn của Văn nghệ Quân đội năm 1987.
Năm 1986, giắt lưng 11 năm lập nghiệp ở Hà Nội, Trần Đức Tiến gây bất ngờ cho không ít bạn bè khi cùng bầu đoàn thê tử làm cuộc thiên di vào mảnh đất "hợp chủng tỉnh" Vũng Tàu. Rồi từ ngành Thống kê, ông làm cuộc thiên di thứ hai bất ngờ không kém là chuyển sang cơ quan Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh.
Khi tôi về làm biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu, nhà văn Trần Đức Tiến đã kịp nhận sổ hưu. Nhiệm vụ đầu tiên của tôi ở đây là hệ thống hóa, đóng tập các số tạp chí theo từng năm. Và tôi nhận ra, thời nhà văn Trần Đức Tiến ở cương vị Chủ tịch Hội kiêm Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu, tạp chí đã thu hút được bài vở cộng tác của khá nhiều tên tuổi từ khắp ba miền. Tiêu biểu như Tô Hoài, Phong Lê, Trinh Đường, Trúc Thông, Ngô Quân Miện, Vương Trí Nhàn, trẻ hơn là Phạm Xuân Nguyên, Trung Trung Đỉnh, Tạ Duy Anh, Sương Nguyệt Minh, Tô Hải Vân, Ngô Tự Lập, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Thanh Hà, trẻ hơn nữa là Nguyễn Hữu Hồng Minh, Trần Nhã Thụy, Vi Thùy Linh, Nguyễn Thị Châu Giang…
Một đồng nghiệp của ông nói: Trần Đức Tiến có tham vọng đưa tờ tạp chí Văn nghệ vươn ra khỏi quy mô tờ tạp chí của tỉnh nhà, của Hội Văn học - Nghệ thuật. Chính vì điều này mà không ít lần ông vấp phải sự cự nự của một số hội viên có chất lượng bài vở chỉ nhấp nhổm nhỉnh hơn mức câu lạc bộ phong trào.
Sự riết róng quyết liệt của Trần Đức Tiến không chỉ trong chữ nghĩa mà còn cả trong cuộc sống. Ông sẵn sàng lên tiếng, tranh đấu để mọi sự phải ở đúng trật tự, vị trí của nó. Ít nhất là theo cảm quan của ông. Có câu chuyện bạn bè văn nghệ vẫn truyền tai nhau, là hồi còn đương chức Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật, trong lần Hội nghị Mặt trận Tổ quốc xin ý kiến về chức danh Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Cả rừng cánh tay giơ lên.
Theo nguyên tắc chủ tọa vẫn phải hỏi những ai không đồng ý. Hội trường lặng ngắt hướng mắt về phía cánh tay lạc lõng giơ lên đầy quyết đoán. Cánh tay ấy là của nhà văn Trần Đức Tiến. Người thông minh và tỉnh táo như Trần Đức Tiến thừa hiểu cánh tay của ông chẳng thể làm nên… mùa xuân. Tại sao ông không đứng về số đông cho khỏe? Đơn giản đấy là cá tính của ông. Có chính kiến. Rõ ràng. Và quyết liệt.
3. Đọc các truyện ngắn của Trần Đức Tiến, không khó để nhận ra ông là nhà văn giỏi xoay trở ngòi bút trong khoảng không gian hẹp. Theo ngôn ngữ bóng đá, phải là cầu thủ có kĩ thuật cá nhân cao, điêu luyện mới có thể làm được điều này. Các truyện ngắn của Trần Đức Tiến, từ tập "Bão đêm", đến "Mười lăm năm mưa xói" rồi "Tuyệt đối yên tĩnh", "Lỏng và tuột", càng về sau càng ít truyện có bối cảnh không gian rộng và thời gian trải dài.
Một số tập sách của nhà văn Trần Đức Tiến. |
"Nhiều truyện ngắn của Trần Đức Tiến là truyện không có chuyện. Những truyện không thể kể lại được. Những truyện hấp dẫn ở cách viết, cách dẫn dắt, nhất là những chi tiết, những chi tiết không có gì đặc biệt, đầy rẫy quanh ta, trong truyện Trần Đức Tiến bỗng tỏa sáng, khiến ta cảm thất bất ngờ như mới gặp lần đầu". Tác giả của "Chuyện kể năm 2000", nhà văn Bùi Ngọc Tấn, đã nhận xét như vậy.
Còn nhà văn "Bước qua lời nguyền", Tạ Duy Anh, thì nói: "Thế giới mà Trần Đức Tiến tạo ra luôn ở ranh giới giữa thực và ảo, giữa một bên là cuộc đời bề bộn, huyên náo, ngầu lên những dục vọng nhưng đầy bất trắc, đầy nguy cơ biến mất với một bên là những gì chỉ thoáng hiện, không dễ xác định nhưng lại luôn có cơ hội tồn tại phi thời gian".
4. Nếu chỉ tiếp cận Trần Đức Tiến ở những sáng tác dành cho người lớn, chẳng mấy ai nghĩ ông còn là tác giả sung sức và nhiều thành tựu trên vuông sân chữ nghĩa cho đối tượng thiếu nhi. Thực tế, nếu bỏ đi mảng sáng tác cho thiếu nhi của Trần Đức Tiến là bỏ mất một nửa thế giới chữ của ông.
Phần đa người viết vẫn xem văn học thiếu nhi là chiếu dưới, thi thoảng tiện tay thì viết, kiểu thâm canh ngòi bút, thâm canh lại tuổi thơ một chút rồi thôi. Trần Đức Tiến không thế. Ông nói: "Tôi không phân biệt văn học theo đề tài, cũng như không coi sáng tác cho trẻ em là công việc chỉ làm bằng tay trái. Văn hay cho thiếu nhi cũng oách chẳng kém gì văn hay cho người lớn. Viết cho trẻ em là nhu cầu của tôi. Có 2 điều tôi luôn luôn nghĩ tới mỗi khi ngồi viết cho các em: Viết thế nào cho các em thích đọc và có những tác phẩm văn học được đọc từ lúc còn nhỏ sẽ đi theo người ta suốt đời".
Chỉ cần lướt qua các đầu sách Trần Đức Tiến chăm chút cho thiếu nhi, như: "Ốc mượn hồn", "Vương quốc vắng nụ cười", "Dế mùa thu", "Thằng Cúp", "Làm mèo", "Thi sĩ còng gió", "Trăng vùi trong cỏ", "Những truyện hay viết cho thiếu nhi - Trần Đức Tiến", "Trên đôi cánh chuồn chuồn" cùng hàng loạt giải thưởng văn học thiếu nhi uy tín ông đã sở hữu, như: hai lần đoạt giải Nhì về sáng tác cho thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam vào các năm 1992 và 1997, Giải C cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng năm 1997, giải Nhất cuộc thi sáng tác cho lứa tuổi mầm non của Bộ GD & ĐT và Hội Nhà văn năm 2005, Giải Nhất Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng và Hội Nhà văn Đan Mạch năm 2009, là phần nào hiểu được tâm huyết con chữ ông dành cho lứa tuổi tương lai của đất nước.
5. Mười lăm năm trở lại đây, nhà văn Trần Đức Tiến luôn giữ thói quen đi bộ lên núi mỗi chiều. Thêm thói quen nữa, là ông vẫn giữ nếp tránh xa những chỗ ồn ào. Ông không hào hứng với các cuộc bù khú, vừa mất thời gian vừa tổn hao sức khỏe. Nếu có tới đâu đó, thì thoáng chốc đã không thấy ông đâu. Dường như ông đang chạy đua với thời gian, với trang viết, với những kế hoạch cá nhân.
Nhưng dẫu quỹ thời gian có eo hẹp thế nào thì Trần Đức Tiến vẫn đọc. Nhờ đọc mà thời còn ở Hội đồng Văn xuôi và Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn, không ít lần ông đề cử tác phẩm của các tác giả mới vào giải của Hội Nhà văn, như "Paris 11 tháng 8" của Thuận, "Bãi vàng, đá quý, trầm hương" của Nguyễn Trí.
Ở tuổi 63, nhà văn Trần Đức Tiến vẫn đọc nhiều và viết kĩ, với truyện ngắn, đoản văn và truyện thiếu nhi. Nghĩa là, trong ông luôn thường trực tinh thần quyết liệt với từng con chữ và cuộc sống. ./.
==========
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ