Thứ Tư, 2 tháng 6, 2021

" Trần Hoài Thư, Người Của Di sản Văn học Miền Nam "/ bài viết: Nguyễn Minh Nữu ( Hoa Kỳ) -- source: trang VHNT Phạm Cao Hoàng

 


TUESDAY, JUNE 1, 2021

2041. NGUYỄN MINH NỮU Trần Hoài Thư, Người của Di Sản Văn Học Miền Nam.

Trụ sở của tạp chí Thư Quán Bản Thảo và
NXB Thư Ấn Quán do Trần Hoài Thư chủ  biên

Trong khoảng thời gian cuối tháng 5/2021, tôi nghĩ về Trần Hoài Thư thật nhiều. Có lẽ khởi đầu từ một tin tức trên mạng xã hội Facebook nói về một cuộc hội thảo về Văn Học Miền Nam  sẽ tổ chức trực tuyến do trường UNIVERSITY HAMBURG  tại Đức tổ chức. Những tin tức ban đầu có người đưa lên và gọi bằng Văn học Đô Thị Miền Nam (theo ngôn ngữ trong nước), hoặc là Văn Học Cộng Hòa Miền Nam. Những cụm từ này lập tức bị phản bác nhiều vì xử dụng không đủ chuẩn mực và chính xác.  Người xử dụng cụm từ Cộng Hòa Miền Nam này, sau đó đã im lặng và tự sửa lại đề tài thuyết trình thành : “Nhìn lại Thơ văn thời Việt Nam Cộng Hòa tiếp cận văn chương và nghệ thuật phương tây như thế nào” (Theo bản tin mới nhất mà nhà biên khảo Nguyễn Vy Khanh, một trong bốn người chủ tọa hội thảo cho biết ngày 25/5/2021) Tên của đề tài đã thay đổi, còn nội dung ra sao thì chưa rõ, vì hội thảo chưa diễn ra. Nhưng chính những tranh biện này làm tôi nhớ nhiều đến Trần Hoài Thư. Bởi lẽ chính anh là người sớm nhất nhìn thấy và đích thân vào việc duy trì, bảo quản và phổ biến về một nền văn học mà anh gọi là Di Sản Văn Chương Miền Nam.

Sau thời gian đầu dành cho sinh kế, tới năm 2001, với sự tiếp tay của chị Nguyễn Ngọc Yến và một bạn thân trong văn chương là Phạm Văn Nhàn, Trần Hoài Thư bắt đầu sưu tập và ấn hành tủ sách Di sản Văn Chương Miền Nam với các bộ tác phẩm đồ sộ.

Tôi và Trần Hoài Thư gặp nhau giữa chiến trường. Nói vậy có quá không? Nhưng thật sự lần gặp nhau đầu tiên ở Ban Mê Thuột năm 1970 đó, cao nguyên đang là vùng chiến tuyến, Ban Mê  chưa phải là mặt trận, mà là nơi tạm dưỡng cho các chiến binh từ mặt trận trở về. Thành phố nhỏ chỉ có vài ba con đường trung tâm, và một nhà sách, nhà sách Văn Hoa. Chủ nhà sách là anh Linh, người thấp và đầy đặn. Anh Linh yêu văn học, cho nên những tờ báo văn học khi phát hành tới Ban Mê, anh cẩn thận bọc thêm một lớp giấy bóng mờ, và anh thuộc mặt thuộc tên những người ghé lại mua các tờ báo này mỗi tháng. Tôi là người may mắn khi quen với anh nhờ tới thường xuyên . Mỗi khi tạp chí Văn, Khởi Hành, Bách Khoa phát hành, tôi ghé vào, là anh vui vẻ đưa ra và ân cần, tiện thì trả, không thì chừng nào lãnh lương ra trả cũng được.

Có lần ghé vào, anh đưa cuốn Văn mới phát hành và nói với tôi Trần Hoài Thư cũng mới ở đây ra. – Sao anh biết? Ông ta mua sách và tự giới thiệu tên. - Khoảng bao lâu rồi? – Chừng 10 phút, đi về phía chợ kia kìa. – Làm sao nhận dạng ra THT? –Cao lêu khêu, đeo kính cận , mặc đồ lính, cấp bậc Trung Úy.

Tôi gặp Trần Hoài Thư dễ dàng ngay ngã tư gần đó. Anh đang bị Quân Cảnh giữ lại vì mặc quân phục xốc xếch và đeo cấp bậc không đúng quy định. Bộ đồ lính Trần Hoài Thư thực sự nhăn nhúm, và hơi bẩn, nhưng cái mà Quân Cảnh bắt lỗi là hai bông hoa Mai anh đeo trên cổ áo. Trần Hoài Thư gằn giọng: Tôi hỏi anh Trung Úy là mấy hoa mai? –hai. – Vậy tôi đeo hai hoa mai là đúng chứ sao? – Sai, Trung Úy phải đeo hai hoa mai ở bâu cổ trái, và hai hoa mai ở bâu cổ phải, nay Trung Úy chỉ đeo ở một bên là sai quân phong. – Đeo hoa mai hai bên thành 4 hoa mai thì cấp bậc gì? Viên Quân Cảnh tức giận mời Trung Úy về đồn.  Tôi quen với viên Quân Cảnh này, và quen luôn cả Trưởng Đồn Quân Cảnh lúc đó là Đại Úy Nguyễn Vinh Hiển tức nhà thơ Hoàng Khởi Phong , nên bước tới dàn xếp, khi nói đây là một nhà văn nổi tiếng vừa đổi từ đơn vị xa tới đây, và có lẽ sơ ý bị rớt mất  hai hoa mai ở một bâu áo, tôi sẽ đưa ông ta đi mua ngay.

Buổi sơ ngộ với Trần Hoài Thư diễn ra như thế, vừa buồn cười vừa thương cảm. Anh vừa từ một đơn vị Thám Kích ở Sư Đoàn 22, trải qua rất nhiều những trân chiến gian khổ. Cầm bút viết văn  làm thơ dưới chiến hào, giữa khi khói súng còn mịt mờ.  Tập truyện đầu tay “Những Vì Sao Vĩnh Biệt” do Ý Thức xuất bản bằng kỹ thuật Roneo vừa xuất bản và tạo một tiếng vang đáng kể trên văn đàn. Cùng lúc truyện của Trần Hoài Thư xuất hiện dày đặc trên Bách Khoa, Văn, Văn Học, Nghệ Thuật tạo nên một tư thế nhà văn trẻ được nhiều người yêu thích.

Thời gian ở Ban Mê Thuột của Trần Hoài Thư không nhiều, Thư bị chuyển qua một đơn vị tác chiến (Hình như Đại Đội Thám Kích Sư Đoàn) Chuyện bị đổi tới một đơn vị tác chiến với một sĩ quan mắt cận thị nặng, và là một nhà văn trẻ đang khởi nghiệp là chuyện không bình thường, anh bị cấp trên ghét, và tại sao bị ghét có lẽ do tính cách kiêu bạc, ương bướng và cảm giác bị bạc đãi khiến anh ăn nói  bất chấp người khác. 

Sau đó,  được tin anh được chuyển về làm Phóng Viên Chiến Trường ở vùng 4 do lệnh của chính vị Tổng Cục Trưởng CTCT, tôi vẫn đọc văn và thơ của anh , dù không còn gặp lại từ năm 1972.

Cách biệt nhau suốt hai mươi năm. Bất ngờ gặp lại anh ở khu thương xá Eden tại vùng Hoa Thịnh Đốn. bên cạnh anh là chị Nguyễn Ngọc Yến, một phụ nữ rất dễ mến, thân thiện và chuyện trò cởi mở. khi vợ chồng tôi anh, anh nhìn vợ tôi , rất vui vẻ và thân tình thăm hỏi: - Lâu quá mới gặp, nhìn vẫn trẻ như xưa hén. Hai vợ chông chưng hửng nhìn nhau, rồi chợt nhớ ra, tôi nhắc anh: - Lầm rồi anh Thư ơi, anh nhớ về một cô gái nào khác ở ban Mê Thuột hả? Chị Yến và Kim Mai đều bật cười. Lúc đó, Trần Hoài Thư xuống Washington DC để trả lời một cuộc phỏng vấn của đài Á Châu Tự Do về văn học, đồng thời anh  liên lạc  để tổ chức tiệc cưới cho con trai , mà sau này là Bác Sĩ Trần Quý Thoại.

Những năm đó, tôi đang làm một tuần báo thương mại  nên thời gian dành cho văn học viết lách không nhiều, tuy biết anh đang thực hiện tạp chí Thư Quán Bản Thảo nhưng cũng không có thời gian viết bài tham gia. Trần Hoài Thư có thân tình với nhiều người cầm bút trong vùng, đặc biệt là đối với Đinh Cường, Phạm Cao Hoàng, Giang Hữu Tuyên và còn nhiều nữa. Khi tôi quen với Phạm Cao Hoàng, có lần Hoàng muốn làm cầu nối giới thiệu tôi Trần Hoài Thư. Tôi nói tôi và anh Thư quen biết đã lâu. Hoàng lại hỏi vậy sao không bài nào trên Thư Quán Bản Thảo. Tội nghĩ mình viết ít mà lại lười, nên đã gọi điện thoại xin lỗi và gửi tới anh  một vài bài thơ...


Từ trái: Đinh Cường   Trần Hoài Thư   Ngọc Yến   Cúc Hoa
Phạm Cao Hoàng   Nguyễn Minh Nữu   Võ Chân Cửu
Virginia, 22.10.2012 - Ảnh Kayla


Khi Giang Hữu Tuyên đột ngột từ trần, Trần Hoài Thư gọi cho tôi và đề nghị tôi làm chủ biên số đặc biệt  về nhà thơ này. Tôi sốt sắng nhận lời và số về Giang Hữu Tuyên đã được thực hiện phong phú gồm rất nhiều thơ của Tuyên, và các bài khác của nhiều người viết về Giang Hữu Tuyên.

Nhà văn Ngô Thế Vinh là một bằng hữu lâu năm của Trần Hoài Thư, mới đây có  bài viết Trần Hoài Thư và Ngọc Yến, với con chim chằng nghịch và nỗi nhớ quê “ là một bài viết dài và rất đầy đủ về Trần Hoài Thư, trong lời mở, tôi rất tâm đắc:


“Cũng nhân đây, có một gợi ý với các bạn trẻ trong và ngoài nước đang chuẩn bị luận án tiến sĩ văn học, thì chân dung văn hoá của Trần Hoài Thư cùng với nỗ lực phục hồi Di Sản Văn Học Miền Nam 1954 – 1975 là một đề tài vô cùng phong phú và hấp dẫn, rất xứng đáng để các bạn khám phá và dấn thân vào. Các bạn cũng không còn nhiều thời gian – nói theo cách ví von của nhà văn trẻ Trần Vũ, chiếc kim đồng hồ trên tay anh Trần Hoài Thư đã chỉ 12 giờ kém 5 phút sắp qua nửa đêm và chỉ sau năm phút phù du đó, khi Trần Hoài Thư trở thành “người của trăm năm cũ”, tất cả sẽ bị lớp bụi thời gian mau chóng phủ mờ”

12 năm cùng với Nguyễn Ngọc Yến, Trần Hoài Thư đã lục lọi khắp các thư viện của các đại học danh tiếng để sưu tầm, tập họp và xuất bản:

-Bộ Văn Miền Nam (gồm 4 cuốn)
-Thơ Miền Nam Thời Chiến (2 cuốn)
-Thơ Tình Miền Nam
-Thơ Tự Do Miền Nam

Tập nào cũng dày cộm năm bảy trăm trang, riệng bộ Văn Miền Nam có lẽ gần 2000 trang. Ngoài ra, trong các số đặc biệt, Thư Quán Bản Thảo đã in lại toàn bộ các tạp chí Sáng Tạo, Khởi Hành, Vấn Đề… Tâm huyết của Trần Hoài Thư dành cho Di Sản Văn Học Miền Nam là lớn lao và quan trọng. Tên của anh gắn liền với dòng chữ “Di Sản Văn Học Miền Nam 1954-1975".

Nhắc lại kỷ niệm đi thăm Trần Hoài Thư lần đầu, do Đinh Cường đề xướng khi chị Yến vừa tạm hồi phục về nhà,  nhớ bài thơ Đinh Cường viết:

 Trên đường về tôi cứ nghĩ
thiếu bó bông tặng chị Yến
nhân Mother’s Day
nhưng có hề chi
chúng tôi với tấm lòng chân thật
từ Virginia lên thăm chị
và Trần Hoài Thư
với những khay xôi đậu phộng,
bánh nậm, bánh ít, bánh giò
bánh bèo tôm chấy
tự tay chị Cúc Hoa và cháu Thiên Kim
làm thật ngon …
anh Phạm Cao Hoàng chỉ có bưng vào
 
bày ra bàn buổi ăn trưa thật vui
đầm ấm tình bè bạn

Chị Yến ngồi trên xe lăn
mặc dù từ khi bị stroke đến nay
đã năm tháng đã khá hơn nhiều
chị nói Trần Hoài Thư
đem mấy tách trà nhỏ có hình vẽ con rồng xanh
khi pha trà nóng vô hình con rồng đổi màu ra đỏ
trà thật ngon và tách sứ nhỏ có hình rồng
chị nói để mời bạn quý
 
cám ơn giọng nói thanh trong
đôi mắt ngời sáng của chị
bây giờ chân trái đã cử động được chỉ còn tay trái
với ý chí kiên trì tập luyện sẽ bình phục theo thời gian
nhìn chị chống cây gậy bằng nhôm ba chấu
anh mua ở ebay, anh đẩy chị đi quanh phòng
thấy mà thương.

nhìn những thanh gỗ anh đóng quanh các vách tường
anh dẫn ra khoe cái thanh nhôm anh chế
gắn trước cửa chính để chị có thể vịn
bước lên tầng cấp vào nhà
rất vui được lên thăm chị
đúng vào ngày lễ mẹ
( tôi vẫn nói ai yêu mẹ là anh hùng )
chị rưng rưng nước mắt
nước mắt của người con gái Cần Thơ một thời
lấy người lính trận …
 
cám ơn chị vẫn để dành cho mỗi người ba xấp bánh tráng
bánh tráng mè đen ít nơi nào có
cám ơn chuyến đi và về thật đẹp
chị Mai và Nguyễn Minh Nữu lái
ghé rest area Delaware uống ly cà phê Starbucks quen thuộc
sẽ nhớ hoài cái giang sơn in ấn cắt xén vô bìa tráng bóng
Thư Quán Bản Thảo nay dời hết xuống basement
mới thấy nỗi đam mê mãnh liệt của Trần Hoài Thư
nay anh đang chuẩn bị làm số mới …niềm vui và tự hào hiếm có.
 
cám ơn chiếc sofa tôi đã nằm nghỉ lưng trưa nay
chiếc sofa anh đã nằm những đêm từ nhà thương với chị về
 
giã từ sân nhà có thân cây cao tuổi
có vòm hoa tím
giã từ mặt hồ im ngôi nhà thờ cổ ở Plainfield - New Jersey
trên đường về tôi cứ nghĩ thiếu bó bông tặng chị
nhưng có hề chi bằng tình bạn thật lòng thương quý nhau.


Virginia, May 12, 2013
[ ĐINH CƯỜNG]


Khi đến thăm Trần Hoài Thư lần đâu, anh hướng dẫn xuống besement  xem chỗ anh in ần Thư Quán Bản Thảo và các bộ sách Di sản văn chương miền Nam, thấy anh xử dụng máy in HP8000, Tôi nói tôi không làm báo nữa, nên dư hai cái máy in HP8000, có điều máy nặng lắm, hai người khiêng cũng ì ạch, nếu anh muốn tôi sẵn lòng gửi tặng như một đóng góp với anh trong việc phổ biến Di Sản Văn Chương. Anh hào hứng nhận lời, và hẹn sẽ tới lấy máy vào tuần sau. – Nhưng phải có người phụ, máy lớn , nặng và cồng kềnh lắm. anh mỉm cười bí mật, tôi có cách.

Và anh có cách thật, khi xuống lấy máy, chỉ với một cây tuộc-nơ-vít và khoảng 15 phút, cái máy cồng kềnh đồ sộ đã được tháo ra thành mấy chục mảnh, và gọn gàng xếp vào lòng xe chạy về New Jersey. Bây giờ tôi đã hiểu thêm một tính cách khác của Trần Hoài Thư, đó là một Kỹ Sư Điện Toán, đó là một bàn tay khéo léo và đó là một con người đầy chất sáng tạo. Những cái đó phối hợp nhau nhịp nhàng để làm người in sách, xấy keo đóng sách, cắt vuông vức cuốn sách sau khi đã viết ra cuốn sách. Thực lòng ngưỡng mộ và khâm phục.

Sau đó, một chuyến khác lái xe ba trăm dặm đưa nhóm anh em Quán Văn mà người chủ biên Nguyên Minh chính là người xuất bản tập truyện đầu tay của Trần Hoài Thư hồi xưa. Chuyến đi có Nguyên Minh, Đoàn Văn Khánh, Trương Văn Dân, Elena, Nguyễn Minh Nữu, lúc này chị Yến đã nằm trong nursing home. Dù đã dặn trước, nhưng khi đến nhà  thì hoàn toàn vắng lặng. Ngoài sân chiếc xe nằm đó , cửa kính kéo xuống, Gõ cửa nhiều lần không nghe đáp lại. gọi điện THT không bắt máy. Cửa không đóng nên chúng tôi vào nhà, nhà vắng lặng, Chúng tôi bạo dạn đi thẳng xuống basement mà lòng hồi hộp âu lo, có chuyện gì xẩy ra không? Có bao giờ đi xuống gặp…gì không? Nhưng cũng hoàn toàn vắng lặng, dàn máy computer vẫn mở mà …trước sau không một bóng người. Chúng tôi hội ý là không nên tự ý ở trong căn nhà không có mặt chủ nhân này, nên lái xe ra một góc đường chờ liên lạc. Nửa tiếng sau, Trần Hoài Thư gọi lại cho biết vừa đem cơm cho chị Yến về. Sau đó đưa chúng tôi trở lại nursing home thăm chị Yến. Chị Yến yếu nhưng minh mẫn và rất vui gặp lại bạn bè xưa.

Kết luận bài này, xin nói về tấm lòng của Trần Hoài Thư mỗi khi gặp nhau, là cả một nồng nhiệt, chí tình cùng bằng hữu, là thiết tha chia sẻ tâm sự về việc đang làm, như một bài viết của Phạm Cao Hoàng ( mà tôi rất đồng cảm)  khi nhắc đến Trần Hoài Thư:

“Anh say sưa nói về những công trình anh và chị Yến đã thực hiện được trong tủ sách di sản văn chương miền nam và tạp chí Thư Quán Bản Thảo. Rất nhiều người ở hải ngoại cũng như trong nước yêu mến Trần Hoài Thư và Nguyễn Ngọc Yến vì công lao của anh chị trong việc sưu tầm, in ấn và phổ biến các tác phẩm văn học miền nam 1954-1975.”

Cảm tạ Văn Chương là tác phẩm mới nhất của Trần Hoài Thư, những bài viết như những lời nhắn gửi. Tôi thật lòng mong được đọc tiếp Cảm Tạ Văn Chương Tập 2. Cứ như vậy nhé anh Trần Hoài Thư.   ./.


Nguyễn Minh Nữu.

June 1, 2021


===============

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ