“Về mặt học thuật, từ Võ Trường Toản, Trịnh Hoài Đức đến Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký,… đều là những bậc uyên bác, muốn đem sở học ra giúp nước, nhưng mà trong những tình hình chính trị khác nhau, có vị không đạt được ý nguyện của mình, thậm chí có vị còn đi một bước “lỡ chân” như Nguyễn Trường Tộ từng nói". Đó là nhận định của Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai. Ở tuổi cửu tuần, ông là một trong những nhân chứng sống quý hiếm còn lại của gần một thế kỷ qua trên những chặng đường lịch sử hào hùng và bi tráng của dân tộc. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, Nhà văn TP.HCM xin giới thiệu bài viết của nhà thơ - nhà báo Phan Hoàng, một học trò gần gũi với GS. Hoàng Như Mai, đã đúc kết trong những lần trò chuyện, phỏng vấn thầy mình như bó hoa gửi đến vị giáo sư đáng kính đã có công xây dựng nền giáo dục, văn hoá mới của Việt Nam từ những ngày đầu lập quốc.
Hoàng Như Mai sinh tại tỉnh Hà Đông nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Cha làm quan nhà Nguyễn. “Tiếng là làm quan, nhưng là quan kiểu cổ, lại xuất thân từ gia đình nông dân lao động, nên cha tôi giữ mức thanh liêm, trong nhà không có tiền của gì, nếp sống thanh bạch cho đế khi nghỉ hưu”- giáo sư cho biết. Còn mẹ ông là con gái lớn của gia đình nông dân nghèo, quê mùa, không được học hành, tuy nhiên vì theo chồng đi làm quan từ tri huyện lên tri phủ rồi tuần phủ, tổng đốc nên bà dần dần biết chữ nghĩa, am hiểu sâu sắc lễ giáo gia phong, đối nhân xử thế.
Tuổi thơ Hoàng Như Mai gắn bó một phần với đất Bắc Giang, với con sông Thương thơ mộng, nơi cha từng làm quan tuần phủ. Nhưng lúc ông mới lên sáu tuổi thì cha mất. Mẹ ông một thân một mình vượt qua ốm yếu bênh tật, lo làm lụng trông nom một cái ấp nhỏ ở vùng núi Đông Triều để thu hoa lợi nuôi con ăn học. Chỉ đến kì nghỉ hè ông mới lên Đông Triều ở với mẹ. Mỗi lần rời mẹ trở lại trường, ông được mẹ ân cần dặn môt câu mà ông thuộc lòng: “Con đi, con cố, con chăm, con học”!
Sau khi học hết tiểu học ở Bắc Giang, Hoàng Như Mai xuống Hà Nội học trung học trường Bưởi. Thi đỗ tú tài, ông vào đại học Y Hà Nội, nhưng chỉ được một năm thì bỏ trường Y sang trường Luật vì thích làm chính trị. Hoàng Như Mai học luật được ba năm, đến kỳ thi cuối cùng lại tiếp tục bỏ dở để lên Quảng Ninh “thị sát” công nhân mỏ sống và làm việc ra sao. Lặn lội với công nhân mỏ một thời gian, Hoàng Như Mai bị bọn chủ mỏ theo dõi, nghi ngờ, nên phải quay về Hà Nội.
Cái máu thích làm chính trị pha chút phiêu lưu nghệ sĩ trong con người Hoàng Như Mai đã khiến ông không chịu tiêp tục gò mình trong khuôn viên đại học nữa. Và để nhanh chóng có vốn kiến thức làm chính trị ông đã xin vào trường Viễn Đông bác cổ đọc sách. Ông say sưa đọc suốt ngày đêm, đủ mọi loại sách từ cổ chí kim, từ đông sang tây, nhất là sách liên quan đến chính trị. Thư viện trường Viễn Đông không đủ sách đọc, ông lần sang đọc cả Thư viên Quốc gia. Vì mê đọc sách quên ăn quên ngủ nên ông ngã bệnh phải rời Hà Nội về chữa trị tại đồn điền của người anh ruột ở Chí Linh. Và từ đây, ông thực sự dấn thân vào cuộc đời, vào con đường cách mạng, với bao thăng trầm thử thách, trở thành một nhân vật nổi tiếng trên lĩnh vực giáo dục và văn hóa, người thầy đáng kính của nhiều thế hệ học trò đã thành danh, được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất. Song hành với ông trên mọi nẻo đường đất nước, trợ lực cho ông những lúc khó khăn là người bạn đời- nhà thơ Phạm kim Trang chung thủy và nhân hậu.
Cho tới nay GS Hoàng Như Mai đã cho xuất bản các tác phẩm chính gồm ba vở kịch: Tiếng trống Hà Hồi, Sát thát, Người tù binh; tập thơ Trao cho nhau cuộc đời và các công trình biên khảo: Trần Hữu Trang- soạn giả cải lương, Thơ một thời, Trí thức và nghệ sĩ, Bản sắc dân tộc trong thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hồi ức và suy nghĩ về văn hóa- giáo dục, Chân dung và tác phẩm…. Ngắm nhìn mái tóc pha sương và gương mặt tinh anh của thầy Hoàng Như Mai, tôi hỏi:
- Thưa giáo sư, trước hết giáo sư là một thầy giáo, nhà biên kịch, hay…
- Là thầy giáo. Nhưng thú thật nghề nào - biên kịch, diễn viên, nhà giáo đều đến với tôi cũng hết sức ngẫu nhiên. Năm 1944, sau khi khỏi bệnh, bạn bè rủ tôi rời Chí Linh về dạy học trường tư ở Hải Dương. Đến đầu năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, trường giải tán, nhưng tôi vẫn ở lại Hải Dương để làm công tác thanh niên trong tổ chức yêu nước Thanh niên Phan Anh. Lúc dạy trường tư, tôi tham gia hoạt động truyền bá quốc ngữ. Tôi bị quân Nhật nghi làm cộng sản, vì ở trường có mấy thầy giáo làm cộng sản, như thầy Kha sau này là Đại tá Đoàn Phụng.
- Thế lúc ấy giáo sư chưa tham gia tổ chức cộng sản nào?
- Chưa. Nhưng thanh niên chúng tôi có tinh thần yêu nước hết sức mạnh mẽ. Có một cậu sinh viên, quê ở Hải Dương rất thích tôi. Anh của cậu ta dạy cùng với tôi. Một bữa nọ, khoảng 5 giờ chiều, cậu ta về Hà Nội gặp tôi và hỏi: “Anh này, nếu bây giờ có một việc gì làm mà có lợi cho tổ quốc thì có nên làm không? Tôi bảo: “Nên quá đi chứ!”. Cậu ta ra về, theo quân Nhật, tấn công một đồn lính Pháp, và bị bắn chết. Vì cậu ta nghĩ như vậy là “có lợi cho tổ quốc”. Đến nay, tôi vẫn còn ân hận mãi về cái chết của anh sinh viên yêu nước. Giá mà lúc ấy tôi hỏi kỹ hơn thì cậu ta đã không chết…
- Vâng, đó cũng là một kinh nghiệm sống quí giá. Ngoài dạy học, được biết thời trẻ giáo sư còn tham gia diễn kịch và viết kịch?
- Từ năm 1945-1946, tôi làm báo và có viết một quyển sách về kinh tế Mác-xít, loại sách “vỡ lòng” phổ biến những kiến thức sơ đẳng. Trước đó, tôi rất thích kịch và quen biết với nhiều nghệ sĩ cải lương. Từ năm 1940, tôi chơi thân với Sĩ Tiến là một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng. Năm 1946, có phong trào Nam tiến, anh rủ tôi vào Nam, thành lập một đoàn kịch tuyên truyền chống thực dân Pháp quay lại đánh chiếm Nam bộ. Vợ chồng tôi khoá cưả lại, gửi nhà cho một anh bạn, rồi lên đường.
- Làm cách mạng như giáo sư bấy giờ thật… lãng mạn. Ngoài vợ chồng giáo sư thì đoàn kịch vào Nam bộ còn có những nghệ sĩ nào?
- Đoàn kịch Độc Lập còn có anh Đào Mộng Long, anh Sĩ Tiến, anh Tô Hải, chị Thu Hà… Chúng tôi đi vào Nam bằng tàu hỏa. Đến Huế thì dừng lại, tập kịch. Tôi nhớ lúc sắp ra mắt đồng bào thì bỗng có lệnh bắt “Việt gian” Đào Mộng Long. Anh Long tự ra nộp mình. Đã quảng cáo rồi, không thể thôi được và cũng cần phải diễn để kiếm tiền (đoàn chúng tôi tự túc), nhưng thiếu anh Long, không biết làm cách nào. Ai cũng có vai cả, chỉ còn mình tôi là người lo công tác giao dịch nên không nhận vai diễn. Vậy là tôi liều nhận đóng thay các vai của Đào Mộng Long. Cho đến lúc đó, tôi chưa một lần lên sân khấu.
Đào Mộng Long bị đưa vào tới Đà Nẵng thì được xác minh là nhầm và được thả! Lúc Đào Mộng Long về đến Huế thì vở kịch đang diễn, anh lấy vé ngồi bên dưới xem chúng tôi diễn. Đêm diễn kết thúc, anh bảo với tôi: “Ông đóng hơn mình đấy. Ông to con, giọng ông lớn, sang sảng, đóng hợp hơn mình!”. Rồi anh Long đề nghị tôi tiếp tục diễn, còn anh thì đóng vai khác. Thế là tự nhiên tôi thành một diễn viên (cười). Tôi lên sân khấu một cách tài tử như thế.
- Hành trình lưu diễn của đoàn kịch tiếp theo ra sao, thưa giáo sư?
- Sau khi lưu diễn ở Huế, đoàn tiếp tục đến các tỉnh phía Nam. Nơi nào chúng tôi cũng được đón tiếp nồng nhiệt. Khi đoàn đến Tuy Hoà của tỉnh Phú Yên thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Những ngày ở Phú Yên đầy kỷ niệm. Lãnh đạo tỉnh chuyển chúng tôi thành Đội Tuyên truyền vũ trang, hoạt động trong địa bàn tỉnh. Chúng tôi ở lại vùng tự do Phú Yên một tháng, quân Pháp mở rộng chiến tranh từ Khánh Hoà vượt đèo Cả đánh ra, lãnh đạo tỉnh khuyên chúng trôi trở về miền Bắc tham gia kháng chiến thuận lợi hơn. Và chúng tôi đã vượt núi băng rừng theo đường Trường Sơn giữa vòng vây của địch, mỗi người chạy một ngả, cuối cùng trên đường ra Bắc chỉ còn hai vợ chồng tôi đi cùng nhau.
- Không chỉ diễn kịch mà giáo sư còn viết kịch. Trong những vở kịch đã viết, kịch bản nào giáo sư tâm đắc nhất?
- Tiếng trống Hà Hồi nói về chiến công của vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Vở kịch này tôi viết và được công diễn nhiều lần ở vùng kháng chiến. Sau đó, vở kịch được diễn ở Hà Nội, Hải Phòng… nhưng phải phải trốn chui trốn nhủi vì quân Pháp vây bắt. Năm 1950, các anh chị diễn viên từng đóng vở kịch Tiếng trống Hà Hồi bị “lùa” vào Hà Nội (trừ tôi và vợ tôi). Các anh ấy đem luôn vở này vào diễn ở giữa lòng thành phố bị quân Pháp chiếm. Thật liều mạng. Rõ ràng vở kịch tuyên truyền cho tổng phản công. Vì thế, Tây định bắt mấy lần. Rồi có anh thích vở kịch ấy lại đem vào diễn ở Huế, ở Sài Gòn.
- Theo nhìn nhận của giáo sư, đâu là giá trị đích thực của Tiếng trống Hà Hồi?
- Tôi nghĩ vở kịch cũng được thôi, không có gì xuất sắc, nhưng vì khán giả thấy ở nó tín hiệu tổng phản công quét sạch quân xâm lược cho nên nó thành ra nổi tiếng. Vở kịch này cũng lắm gian truân. Bản thảo viết tay của tôi được anh Sĩ Tiến xé ra nhét vào áo giáp may lại, nên qua được các cuộc lục soát của lính Pháp, mang ra Hà Nội diễn, rồi về sau in ra. Nhờ vậy mà nó còn. Mấy vở khác nay bản thảo không còn. Tại Sài Gòn, Tiếng trống Hà Hồi cũng được diễn và nhiều người biết đến. Tôi đọc sách Miền Nam giữ vững thành đồng của giáo sư Trần Văn Giàu thấy có nhắc đến Tiếng trống Hà Hồi trong phong trào văn hoá yêu nước ở miền Nam trước giải phóng. Một lần gặp giáo sư, tôi hỏi: “Ai là tác giảvở kịch…?”. Giáo sư trả lời: “Không biết”. Tôi mới rút trong người ra kịch bản Tiếng trống Hà Hồi. Ông hết sức ngạc nhiên vì không ngờ tôi là tác giả.
- Giáo sư còn nhớ những văn nghệ sĩ nào tham gia diễn vở kịch này lần đầu tiên không?
- Nhớ chứ. Lúc bấy giờ tôi đang là tổng thư ký Hội Văn hoá kháng chiến tỉnh Hưng Yên, có đoàn kịch trong tay, gồm toàn văn nghệ sĩ tài năng, có người đã từng diễn kịch, có người chưa diễn nhưng cảm rất nhanh và đóng rất hay. Vai chính do tôi đóng, còn các vai khác do vợ tôi là nhà thơ Phạm Kim Trang, nhạc sĩ Hoàng Thư, kiến trúc sư Phạm Tịch, họa sĩ Phạm Khanh, kịch sĩ Lê Thanh Phương, hoạ sĩ Năng Hiển tức Duy Nhất…. Đạo diễn là kịch sĩ Phan Tại. Họ đóng rất giỏi. Sau này chính anh Phan Tại dựng lại vở kịch này trong vùng Hà Nội với đoàn kịch Hoa Quỳnh.
- Nghe nói Hội Văn hoá kháng chiến tỉnh Hưng Yên lúc đó tập hợp được nhiều anh tài….
- Đúng vậy. Năm 1947, Hội Văn hoá kháng chiến tỉnh Hưng Yên tiến hành Đại hội thành lập tại đình làng Đọ. Họa sĩ Lương Xuân Nhị được bầu làm hội trưởng, thi sĩ Vũ Đình Liên làm phó hội trưởng, tôi làm tổng thư ký, nhà báo Thiều Quang (Lê Quang Lộc) làm phó tổng thư ký. Trong số hội viên có nhiều văn nghệ sĩ tài năng đang nổi tiếng lúc bấy giờ như: kịch sĩ Phan Tại, hoạ sĩ Phạm Khanh, kịch sĩ Hoàng Thư, nhạc sĩ Nguyễn Đình Khoa, nhạc sĩ Lê Vy, hoạ sĩ Năng Hiển, kiến trúc sư Phạm Tịch, nữ thi sĩ Chu Thị Tuyết Anh cháu của thi hào Chu Mạnh Trinh…
- Thưa giáo sư, từ môi trường hoạt động văn hoá, giáo sư trở về với ngành giáo dục lúc nào?
- Tỉnh Hưng Yên bị Pháp chiếm, chúng tôi đưa đoàn kịch sang Thái Bình mở một trường trung học chuyên khoa tư thục mang tên nhà yêu nước Phan Thanh và mời một số văn nghệ sĩ và nhà khoa học làm giáo viên, các ông lãnh đạo “mượn” tôi ít lâu làm hiệu trưởng. Từ đó, Bộ Giáo dục giữ tôi hoài, thành ra tôi bị mất “hộ khẩu” bên sân khấu. Như trên tôi nói, tôi dạy học cũng là một sự ngẫu nhiên.
- Trong chống Pháp, giáo sư là một trong những cán bộ lãnh đạo và trực tiếp giảng dạy ở Khu học xá Trung ương của nước ta đóng tạm ở nước bạn bên Nam Ninh, Trung Quốc. Khu học xá này được thành lập ra sao?
- Năm 1951, cuộc kháng chiến chống Pháp chuyển từ giai đoạn cầm cự sang phản công. Quân Pháp đứng trước nguy cơ thất bại đã dùng mọi thủ đoạn tàn độc để cứu vãn tìnnh thế, thi hành chính sách “tam quang”: đốt sạch, giết sạch, phá sạch. Chúng cho phi cơ ném bom bừa bãi khắp nơi, bất chấp đền chùa, chợ búa, trường học, bệnh xá… đứng trước tình hình cực kỳ khẩn cấp, Trung ương và Hồ chủ tịch quyết định sang nhờ nước bạn Trung Quốc cho mượn một địa điểm tại Nam Ninh thuộc tỉnh Quảng Tây để đưa một số trường học sang cho an toàn. Khu trường Việt Nam ở Nam Ninh mang tên Khu học xá Trung ương, tiếng Trung Quốc gọi là Dục Tài học hiệu. Lúc ban đầu có bốn trường dời sang là Sư phạm cao cấp, Cao đẳng sư phạm Tuyên Quang, Sư phạm Việt Bắc và Khoa học cơ bản (tiền thân của Đại học Bách khoa). Sau đó, Trung ương cho thành lập thêm một trường phổ thông để làm trường thực tập sư phạm. Học sinh số đông là con em miền Nam và trường Ngoại ngữ (học Trung văn). Các trường ở Khu học xá Trung ương đều học chương trình của Việt Nam, các môn học đều do thầy cô giáo Việt Nam dạy. Chỉ có môn Trungvăn và văn nghệ ngoại khóa là nhờ thầy cô Trung Quốc giúp. Các lớp thầy cô giáo được đào tạo ở Nam Ninh đã và đang có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo nước nhà.
- Được biết, Giáo sư Nguyễn Lương Ngọc là người trực tiếp mời giáo sư về dạy đại học. Là một đồng nghiệp lâu năm, xin giáo sư cho biết vài kỷ niệm của mình với Giáo sư Nguyễn Lương Ngọc trong những ngày còn trên giảng đường.
- Anh Nguyễn Lương Ngọc thuộc thế hệ đàn anh của tôi. Anh Ngọc ở đoàn kịch Tỉnh Hoa. Tôi với anh ấy cũng có khá nhiều kỷ niệm. Sau khi xảy ra vụ Nhân văn giai phẩm, bốn giáo sư trụ cột của Đại học Tổng hợp là Đào Duy Anh, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường không còn được đứng trên diễn đàn. Ông Trần Đức Thảo về làm biên tập ở Nhà xuất bản Giáo dục. Ông Trương Tửu thì bỏ văn học, đi làm ông lang châm cứu. Do vậy, mà trường thiếu giảng viên văn học Việt Nam hiện đại (trước do ông Trương Tửu phụ trách). Tôi đang làm hiệu trưởng Trường Sư phạm trung cấp trung ương. Anh Nguyễn Lương Ngọc là tổ trưởng Văn học của hai trường Đại học sư phạm và Đại học Tổng hợp (hồi đầu các giáo sư dạy cả hai trường) đến tìm tôi, nói rằng: “Tôi biết anh nghiên cứu về văn học hiện đại. Anh đã từng hoạt động văn nghệ trong kháng chiến, anh làm thì hợp hơn người khác”. Tôi vốn quý trọng anh Nguyễn Lương Ngọc là một người rất tận tụy nhiệt tình trong công việc nên nhận lời về dạy Đại học Tổng hợp. Tôi soạn Giáo trình văn học Việt Nam hiện đại 1945-1960, anh Hoài Thannh bấy giờ là viện phó Viện Văn học góp ý cho tôi.
- Trước khi làm thầy, giáo sư cũng từng là học trò. Vậy trong ký ức của mình, ai là người thầy đáng kính nhất?
- Thầy Dương Quảng Hàm, thầy Trần Văn Khang, thầy Nguyễn Hữu Tảo. Riêng thầy Khang mà học trò chúng tôi thường gọi là “Ba Khang”, nguyên hiệu trưởng trường Chu Văn An, không phải một học giả nổi tiếnng, nhưng là người thầy thương yêu học trò rất mực, được mọi thế hệ học trò tôn kính. Khi thầy rời Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc, rất nhiều học trò theo thầy. Thầy bán cả gia tài, vay tiền lương trước của Bộ Giáo dục để nuôi học trò mình. Hết dạy học, thầy lao vào dịch sách, làm việc cật lực cho đến hơi thở sau cùng. Ở trong tôi thầy Khang như một dòng suối mát mà tôi được uống từng ngụm mát mẻ tâm can và nhờ thế tôi biết yêu quí nghề dạy học, yêu thương học trò của mình.
- Đối với các vị thầy người Pháp thì sao, thưa giáo sư?
- Tôi không nghĩ là nên coi tất cả giáo sư người Pháp đều là thực dân. Có những người họ muốn làm công việc khai hóa thực sự. Khi chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra, một số học sinh chúng tôi đến thăm thầy Lucas, giáo sư trường Bưởi dạy cho học sinh Việt Nam. Chúng tôi hỏi: “Cuộc chiến tranh này sẽ đưa nhân loại đến đâu?”. Thầy trả lời: “Tôi khó mà biết trước được. Nhưng theo tôi, điều chắc chắn sẽ xảy ra, là sẽ có cái hay cho đất nước của các anh”. Thầy nguyên là một sinh viên Pháp nghèo, được nhận học bổng để đi dạy học ở các xứ thuộc địa. Thầy Lucas là giáo sư địa lý, hết sức tận tâm đối với học trò, không bao giờ gắt gỏng hoặc mắng mỏ học trò Việt Nam cả. Thầy rất tôn trọng học sinh của mình.
- “Tôn sư trọng đạo” là châm ngôn sống của người Việt Nam, nhưng thưa giáo sư, vì sao ngày nay có nhiều trường hợp học trò vô lễ với thầy cô, thậm chí có nơi xảy ra hiện tượng học trò hành hung giáo viên?
- Đạo thầy trò từ nghìn xưa không bao giờ có chuyện ấy. Hiện tượng đánh thầy cô là hiện tượng bệnh hoạn, không thể chấp nhận được. Quả là đau lòng khi thấy đạo đức của người đi học sút giảm. Tôi ngẫm ra thì thấy những nước phát triển nhanh như Nhật, Hàn Quốc thì “tôn sư trọng đạo” là một chiến lược quốc gia trong những chiến lược phát triển.
- Nếu có sự so sánh thời sinh viên của giáo sư với các lớp sinh viên ngày nay thì có gì khác biệt?
- Sinh viên bây giờ phung phí thời gian quá. Thời tôi đi học, tôi học và đọc rất nhiều. Những kiến thức hiện nay tôi sử dụng, phần lớn là những kiến thức cơ bản tôi học và đọc từ xưa. Tôi mong các bạn sinh viên cố gắng tận dụng thời gian để học và đọc càng nhiều càng tốt. Các bạn sinh viên cũng cần có một nhận thức đúng đắn về vị trí của mình. Các bạn là những người quyết định cho sự phồn vinh, giàu mạnh của tổ quốc trong tương lai. Vì vậy phải cần nỗ lực hơn nữa!
- Có một thực tế là trong thời gian dài sinh viên Ngữ văn Đại học Tổng hợp nước ta sau khi tốt nghiệp khong có “tay nghề chuyên môn” rõ ràng, tỉ lệ thất nghiệp rất lớn. Là giáo sư đầu ngành, giáo sư có ý kiến gì không?
- Mục tiêu đào tạo của Khoa Ngữ văn là cho “ra lò” những nhà nghiên cứu văn học, chứ không phải sáng tác. Nhưng nước ta đâu cần nhà nghiên cứu văn học nhiều như thế.
- Hình như giáo sư cũng khá duyên nợ với thi ca…
- (Cười) Thật ra, cả đời tôi làm thơ chỉ vì tình bạn mà thôi. Như bài thơ tôi tặng anh Nguyễn Xiển, một trí thức tiêu biểu của Việt Nam:
Từ độ cùng anh thăm Quế Lâm
Ngoảnh đo nghoảnh lại bốn mươi năm
Tháng ngày vùn vụt theo dòng thác
Đất nước gian nan rút ruột tằm
Một sự trông chờ chưa thấy một
Trăm điều buồn giận vẫn hoàn trăm
Mong anh cố gắng thêm con giáp
May gặp trời quang bóng nguyệt rằm.
Bài thơ đầu tiên tôi chính thức gửi đăng báo là bài Ru mình trên Kiến Thức Ngày Nay số 153. Còn các bài khác thì anh em tự lấy từ tập thơ Trao cho nhau cuộc đời. Tôi chưa bao giờ tự nhận mình là nhà thơ cả.
- Thưa giáo sư, giáo sư là người thầy của nhiều thế hệ. Là nhà viết kịch, diễn viên kịch, đồng thời còn là người làm thơ, quả thực cuộc đời của giáo sư vô cùng phong phú và sôi động. Nói theo Kinh Phật, nếu như được luân hồi trở lại kiếp người, thì giáo sư sẽ làm gì?
- Làm nhà báo (cười). Tôi rất thích làm báo. Tôi từng cộng tác thường xuyên với nhiều nhà xuất bản, nhiều báo, đài phát thanh, truyền hình. Và hiện nay, tôi vẫn tiếp tục viết báo. Có điều, tôi thường nói hơn viết, nên người ta liên tục mời tôi đi nói chuyện. Tôi cũng không bao giờ chuẩn bị trước cho cuộc nói chuyện nào cả, vì tôi chỉ nói những điều mà tôi suy nghĩ từ lâu. Nhà báo ngày xưa oai lắm. Tôi làm báo không cần nhiều giấy bút đâu, và gần hết hạn nộp bà thì tôi mới viết…
- Một cuộc đời tài hoa như thế, chắc thời trẻ, chuyện tình cảm của giáo sư cũng “phong phú” chẳng kém?
- Thời trẻ lãng mạn, thích đi làm chính trị, nên tôi gác mọi chuyện tình cảm, cả đối với tình cảm gia đình, với mẹ tôi, mà sau này tôi rất ân hận. Tôi cũng gác cả chuyện tình yêu. Vợ tôi, Phạm Kim Trang, vốn là một học sinh của tôi ở Hải Dương. Cô ấy có tham gia bán tín phiếu ủng hộ Việt Minh và bị Tây bắt giam để truy tìm cán bộ. Rất may, một thời gian ngắn sau, Nhật đảo chính Tây, cô ấy được thả. Có một anh bạn tìm đến tôi báo cho biết rằng, cô Trang và cả tôi sẽ bị Nhật bắt trở lại. Tôi không biết thực hư thế nào, nhưng vẫn quyết định đưa cô ấy đi trốn. Và để “danh chính ngôn thuận”, tôi xin cưới cô làm vợ, gia đình đồng ý. Tôi đưa cô lên đồn điền anh tôi. Tôi giới thiệu cô ấy với mẹ và anh. Từ đó, cô ấy nghiễm nhiên trở thành vợ tôi. Cô theo tôi suốt trong mọi cuộc hành trình, sống hạnh phúc với nhau cho đến nay được năm mặt con.
- Như vậy là giáo sư chưa kịp yêu…
- Bạn gái của tôi thì nhiều, nhưng chuyện tình yêu không có. Nhiều bạn bè bảo rằng, tôi phiêu lãng như vậy suốt đời chỉ chung thủy với một cuộc tình thì thật khó tin. Nhưng sự thật là như vậy. Vì làm chính trị, tôi không nghĩ đến tình yêu. Mà cũng vì làm chính trị mà tôi lấy vợ tôi bây giờ.
- Từng sống và hoạt động trên nhiều miền đất nước, cuối đời giáo sư gắn bó với Thành phố Hồ Chí Minh, giáo sư có cảm nhận gì về thành phố mình đang sống?
- Mỗi thành phố có đặc điểm riêng. Hà Nội mang vẻ trang nghiêm, bề thế của thủ đô, Thành phố Hồ Chí Minh đầy sức sống, sức trẻ, sức tiếp nhận hội nhập văn hóa mới. Người dân thành phố có tác phong công nghiệp, rất nhạy cảm với cái mới, từ ý nghĩ đến việc làm hết sức nhanh nhạy.
- Đối với một số bậc khoa bảng, trí giả mà thân thế và sự nghiệp đầy phức tạp của họ gắn với Sài Gòn với Nam bộ như Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký,… giáo sư có quan điểm ra sao?
- Về mặt học thuật, từ Võ Trường Toản, Trịnh Hoài Đức đến Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký,… đều là những bậc uyên bác, muốn đem sở học ra giúp nước, nhưng mà trong những tình hình chính trị khác nhau, có vị khong đạt được ý nguyện của mình, thậm chí có vị còn đi một bước “lỡ chân” như Nguyễn Trường Tộ từng nói.
- Đã có một số cuộc tọa đàm lịch sử về những nhân vật này đã diễn ra. Riêng về Phan Thanh Giản, vị tiến sĩ khai khoa của Nam kỳ, giáo sư có quan tâm nghiên cứu?
- Có chứ. Tôi dành khá nhiều thời gian để suy gẫm thơ Lương Khê Phan Thanh Giản. Cụ là một nho gia. Các văn hào nho gia chân chính quan niệm thơ là “Thi ngôn chí”, tức làm thơ để nói lên chí hướng của mình. Họ rất trân trọng ngọn bút của mình. Chữ là chữ thánh hiền. Họ không dùng chữ nghĩa để gian dối. Những vần thơ tâm sự chỉ để riêng mình, hoặc có chia sẻ thì với rất ít người tri âm tri kỷ. Thi hào Nguyễn Khuyến từng thổ lộ: “Câu thơ nghĩ đắn đo muốn viết- Viết đưa ai, ai biết mà đưa”. Thơ của Phan Thanh Giản cũng thế. Đọc thơ cụ ta thấy sự chân thành của một tấm lòng ngay thẳng, trung thực. Đó là tiếng đoạn trường của một người công minh, chính trực, nhân nghĩa, yêu nước thương dân…
- Trường hợp Phan Thanh Giản là thế. Còn Tôn Thọ Tường, ông ta cũng làm thơ tâm sự, nói lên chí hướng của mình?
- Tôn Thọ Tường là một trường hợp khác, “khẩu Phật tâm xà”, dù dùng thơ khéo léo biện hộ cho hành vi bán nước cầu vinh của mình bằng lý luận sắc sảo, ngôn từ hoa mỹ nhưng không lừa được ai.
***
Năm 1999 thầy Hoàng Như Mai chuyển từ đường Phó Đức Chính, quận 1 về ở bên cạnh một ngôi chùa trên đường Võ Thị sáu, quận 3 rồi sau đó “lui” xuống Gò Vấp ở trong một con hẻm đường Trần Quốc Tuấn. Tuy có xa nhưng căn nhà rộng rãi, thoáng mát và yên tĩnh hợp với tuổi già. Lần đầu đến thăm thầy ở căn nhà mới này, chúng tôi không bỏ phí thời gian quí hiếm. Tôi hỏi:
- Thưa giáo sư, nhìn lại nền văn hoá Việt Nam thế kỷ XX, giáo sư nhận thấy những nhân vật nào thực chất nổi bật và có tầm ảnh hưởng xuyên suốt thế kỷ?
- Nhà văn hoá phải là người có bản lĩnh, có tư tưởng và có tầm nhìn về văn hóa. Họ là những bậc thầy, không những có đóng góp to lớn vào nền văn hóa nước nhà bằng những công trình, mà còn đào tạo nhiều thế hệ tài năng văn hóa thế kỷ XX và còn ảnh hưởng mãi về sau. Nhà văn hóa lớn đầu tiên, dĩ nhiên là Hồ Chí Minh. Kế đến có thể kể những gương mặt tiêu biểu: Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường, Đạm Phương, Phan Văn Hùm, Nguyễn Văn Tố, Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai, Trần Đức Thảo, Cao Xuân Huy, Trần Văn Giáp, Hoàng Đạo Thuý, Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Khắc Viện, Phạm Thiều, Bùi Kỷ, Tạ Quang Bửu, Hải Triều…
Ở chuyên môn hẹp, qua tác phẩm của mình, nhiềi tài năng đã phản ánh được sự đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Chẳng hạn, trong âm nhạc có Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Xuân Khóat, Lưu Hữu Phước, Trần Văn Khê,… Trong hội họa thì có Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Phan Chánh, Diệp Minh Châu, Nguyễn Thị Kim, Điềm Phùng Thị…
- Vậy còn lĩnh vực văn chương là những ai, thưa giáo sư?
- Khá nhiều. Những nhà văn, nhà thơ có tầm vóc văn hóa của thế kỷ XX, theo tôi là: Tản Đà, Hồ Biểu Chánh, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nhất Linh, Khái Hưng, Nguyễn Tuân, Thế Lữ, Đông Hồ, Xuân Diệu, Huy Cận,…
- Trong số những nhân vật trên đây chưa thấy giáo sư nhắc đến giáo sư Hoàng Minh Giám, dù ông từng đứng đầu Bộ Văn hóa?
- Giáo sư Hoàng Minh Giám là một nhà trí thức tiêu biểu theo truyền thống của trí thức dân tộc Việt Nam, cuộc đời xuyên suốt thế kỷ XX. Ông từng khẳng khái chấp nhận mọi sự trù dập, khước từ mọi sự mua chuộc của chính quyền thực dân Pháp. Sau khi nước nhà độc lập, được Hồ Chủ tịch đích thân mời ra giúp nước, giáo sư Hoàng Minh Giám đã từ giã ngôi trường tư thục Thăng Long mà mình dày công xây dựng để ra phục vụ cách mạng và lần lượt đảm nhận các trọng trách: bộ trưởng Bộ Ngoại giao, bộ trưởng Bộ Văn hóa… Ông là một nhân chứng trực tiếp tham dự vào nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, nhưng trước sau vẫn giữ nguyên bản chất của người trí thức dân tộc, sống thanh đạm, tinh thần trung chính.
***
Bằng kiến thức uyên thâm và tài hùng biện của mình, giáo sư nhân dân Hoàng Như Mai luôn hấp dẫn người nghe, dù trên diễn đàn hay ngồi trò chuyện riêng. Lúc nào lịch làm việc của thầy vẫn dày. Hết hướng dẫn luận án thạc sĩ, tiến sĩ lại được “thỉnh” đi nói chuyện trường nọ tỉnh kia. Và đêm về thầy bật đèn phòng văn lặng lẽ viết. So với vốn sống phong phú của mình thì có thể nói những gì thầy đã viết ra trước đây chưa tương xứng. Hình như về già nhận ra điều này, thầy đã cật lực viết để bù đắp lại khoảng trống. Nhờ đó, các tác phẩm của thầy đã lần lượt xuất bản, tái bản. Qua hàng ngàn trang sách gần đây, thầy đã tái hiện sinh động và sâu sắc một phần hình ảnh đất nước trong thế kỷ XX đầy biến động, qua những kỷ niệm sâu sắc và chân dung những nhân vật nổi tiếng cùng thời, đặc biệt là những nhà trí thức yêu nước. Không chỉ những vấn đề lớn lao, mà trang viết của thầy còn lôi cuốn, gợi cho người đọc nhiều cảm xúc suy tư về những tình cảm gần gũi thân thương. Giữa một đêm khuya thanh vắng, tôi bàng hoàng đến ngơ ngẩn khi đọc đến những dòng thầy viết về đôi mắt người mẹ kính yêu của mình suốt đời chờ đợi con: “Lúc mẹ tôi sắp trút hơi thở cuối cùng, bỗng nhiên anh tôi nảy ra một ý rồi nói với mẹ tôi: “Chú Mai nhắn tin sắp về đây, mẹ cố đợi chú ấy”. Mẹ tôi đợi thật. Người nhà kể: suốt ba ngày ba đêm, mẹ tôi nằm quay mặt ra cửa trông tôi. Nhưng tôi đâu có về. Năm ấy mới là năm 1948, cuộc kháng chiến chống Pháp còn đang gian lao, ác liệt.
Đến nay và cho đến hết đời tôi, tôi vẫn còn trông thấy đôi mắt của mẹ tôi, đôi mắt quá thân thương đối với tôi, từ hồi tôi còn nhỏ, đôi mắt sâu thẳm đầy những lo âu và tình thương. Ba ngày cuối cùng của mẹ tôi, tôi không có mặt ở bên mẹ, nhưng tôi thấy rất rõ đôi mắt ấy. Tôi chắc chắn như thế: đôi mắt đầy lo âu và thương xót cho đến khi chút sống cuối cùng tiêu tan, vẫn ngóng đợi con, đứa con út mà bà thương yêu nhất và ít được sống với bà nhất.
Đối với đất nước, có thể nói tôi lo tròn nghĩa vụ không có gì phải ân hận. Nhưng đối với mẹ, tôi tự thấy có , tôi không bao giờ thôi hối hận”. (Mẹ, con và chiến tranh trong tập Hồi ức và suy nghĩ về văn hóa giáo dục, Nhà xuất bản Giáo dục 1998).
nguồn: Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh
===========
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ