Thứ Ba, 8 tháng 6, 2021

bài đọc thêm (1) : " Nhà văn Quỳnh Trang đi buôn để ' nuôi dưỡng văn chương' -- nguồn : Phụ Nữ Việt Nam

 

DOANH NGHIỆP - DOANH NHÂN

Nhà văn Quỳnh Trang đi buôn để nuôi dưỡng văn chương

03/05/2017 - 13:26 (GMT+7)
“Việc kinh doanh giúp tôi sống tỉnh táo, thực tế hơn, cũng như quyết liệt, mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó còn đảm bảo tài chính để theo đuổi việc văn chương được vô tư nhất”, nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang lý giải việc vừa viết văn vừa kinh doanh của mình.
    trang-1.jpg
    Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang 

    Nữ văn sĩ kiêm thương nhân

    Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang cho biết, kinh doanh là việc chị đã định trước, từ khi bắt đầu chuyển từ Hà Nội vào TPHCM sinh sống năm 2014. “Ở Sài Gòn, để trụ lại và duy trì được cuộc sống thực sự ổn định, bạn cần có hai yếu tố: Hoặc nổi tiếng (tham gia guồng máy giải trí - showbiz) hoặc là đầu tư kinh doanh. Cuộc sống ở đây buộc bạn phải nỗ lực rất nhiều và không thể dừng lại, nếu bạn là người chủ và lo mọi mặt cho gia đình mình”, chị chia sẻ.
    Vậy là sau 2 năm “Nam tiến”, vào giữa năm 2016, khi hoàn thành cuốn tiểu thuyết Yêu trên đỉnh Kilimanjaro, đồng thời với việc vẫn duy trì làm báo, chị chuyển sang kinh doanh hải sản.

    “Mọi thứ đến với tôi vừa là định trước, nhưng cụ thể xảy ra như thế nào lại là do tự nhiên. Sau lần đầu tiên được ăn cua cũng như những con tôm sú thiên nhiên từ đầm Cần Giờ, to bằng cổ tay (tôi chưa từng thấy con tôm sú nào to như thế trước đó), tôi rất ấn tượng vì hương vị bùi thơm ngọt với thớ thịt trắng và chắc của chúng, tôi rủ bạn tôi phân phối mặt hàng này tới trước hết là người thân, bạn bè của mình. Vì tôi thực sự mong mọi người sẽ cùng thưởng thức và biết, hải sản tự nhiên trên đất nước mình, ngon và thơm thế nào”, Nguyễn Quỳnh Trang cho biết.

    Từ việc phân phối hải sản, nữ văn sĩ sinh năm 1981 hướng việc kinh doanh vào nuôi trồng sản xuất hàng nông sản “xanh và sạch”. Chị cùng các cổ đông thành lập Công ty CP XasaThương hiệu hải sản 2Cua được chị mở ra cũng là một cách để cho mọi người tiếp xúc tốt hơn với các mặt hàng này.

    img_3442.PNG
    Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang vừa viết văn vừa kinh doanh hải sản

    Tự tay chọn cua, cá; vào bếp giám sát việc chế biến…

    Nguyễn Quỳnh Trang cho biết, những ngày đầu kinh doanh, phần lớn bạn bè, người thân đều rất lo lắng cho chị. “Tôi rất kém về tài chính, thiếu thực tế, lại hết sức mơ mộng, mục đích lại không phải vì tiền, mà bởi muốn gia đình, người thân bạn bè, khách hàng của mình ăn thực phẩm sạch, đảm bảo sức khoẻ. Đó thực sự là con đường đi rất khó nhọc”, chị nói. Tuy nhiên, mọi người lo lắng bao nhiêu, thì cũng ủng hộ chị hết sức bấy nhiêu.

    Thời gian đầu, khách hàng của Nguyễn Quỳnh Trang là những người thân, mỗi người mua cả chục kg hàng để ủng hộ. Bởi thế, việc kinh doanh ban đầu rất thuận lợi. “Nhưng sau đó để giữ được khách hàng, thì chất lượng sản phẩm và uy tín phải đặt lên hàng đầu. May sao, một năm qua, khách hàng ngày càng mở rộng, trong khi những người thân và bạn bè vẫn đều đặn mua hàng, không còn là ủng hộ nữa, mà mặt hàng của tôi đã trở thành món ăn thường ngày rồi”, chị nói thêm.

    Việc một văn sĩ nữ “chân yếu tay mềm” đúng nghĩa lần đầu dấn thân vào thương trường không phải là chuyện dễ dàng. Nguyễn Quỳnh Trang cho biết, thời gian đầu để xây dựng hệ thống, rất vất vả. Tiền đầu tư “ngốn” không biết bao nhiêu kể xiết.

    Riêng việc tuyển chọn nhân viên cũng hết sức gắt gao và khó khăn. “Vì yêu cầu của tôi là các nhân viên trong công ty đều phải ý thức rất rõ ràng về việc vì sức khỏe khách hàng và uy tín công ty cần đặt lên hàng đầu. Chính vì thế, tôi trực tiếp tham gia tất cả các khâu, từ thu chi tài chính đến giao dịch đặt hàng, nhập hàng, lựa chọn hàng, sơ chế hàng hóa, cùng vào bếp giám sát việc chế biến, cho đến khi hàng đến tay khách, chủ động hỏi khách hàng về chất lượng sản phẩm, rút kinh nghiệm từ những góp ý của khách hàng và chăm sóc khách hàng...”,  Nguyễn Quỳnh Trang nói. Có những khi trở về nhà, chị cảm giác kiệt sức và căng thẳng đến không thể chịu đựng. Nhưng khi nghĩ việc mình đang làm là thực sự có ý nghĩa, nên chị lại tiếp tục.

    trang-5.jpg
    Tiểu thuyết Yêu trên đỉnh Kilimanjaro ra mắt năm 2016 của Nguyễn Quỳnh Trang

    Yên tâm làm báo, viết văn nhờ kinh doanh

    Trong quan niệm của nhiều người, kinh doanh và viết lách là hai lĩnh vực hoàn toàn đối lập, thậm chí có thể… tiêu diệt nhau, bởi nói đến văn chương là người ta nghĩ đến sự bay bổng, lãng mạn, còn nhắc tới kinh doanh – là những con số chính xác, thực tế. Trước khi vào kinh doanh, Nguyễn Quỳnh Trang đã quyết định nghỉ 2 năm viết văn. Thế nhưng sau nhiều vấp váp và nhanh chóng sửa sai, sau nửa năm, công ty đã vận hành tương đối trôi chảy, vì thế, chị lại có thời gian để mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực khác như xuất bản, xây dựng hệ thống trang trại, bất động sản…

    “Và không chỉ có thế, tôi còn có thời gian chăm sóc gia đình, tiếp tục làm báo và viết văn. Sau 1 năm kinh doanh, tôi lại chuẩn bị ra mắt tuyển tập truyện ngắn mới”, chị cho biết.

    Theo Nguyễn Quỳnh Trang, với một cây bút đã được nhiều người biết đến với những tác phẩm cũng như tính cách của mình thì khi bước sang kinh doanh dễ nhận được sự tin tưởng lập tức của khách hàng. “Ngay tuần đầu khai trương, tôi nhận được rất nhiều đơn đặt hàng lớn từ nhiều người mà mình không biết, nhưng họ đã “theo dõi” tôi trong thời gian dài trước đó rồi. Bên cạnh đó, tư duy người viết văn lại mang tới nhiều sáng tạo, và có thể nhanh chóng nhìn ra hướng đi nào cho đúng đắn”, chị nói.

    trang.jpg
    Sau 1 năm kinh doanh, Nguyễn Quỳnh Trang lại chuẩn bị ra mắt tuyển tập truyện ngắn mới 

    Kinh doanh cho cuộc sống đàng hoàng, văn chương giúp tinh thần bay bổng

    Còn khiếm khuyết nhất của nhà văn khi đi kinh doanh, theo Nguyễn Quỳnh Trang, là… rất dốt về tài chính, không tham về tiền, không ham lợi nhuận, mục đích lại rất lãng mạn mơ mộng. “Nhưng may sao, tôi không đi một mình, mà còn được sự giúp đỡ rất mạnh của người đồng sáng lập công ty. Chúng tôi đồng ý tưởng, và được cổ đông giao toàn quyền điều hành công ty với sự hỗ trợ nhệt thành, nên tôi chỉ việc phát huy các điểm mạnh của mình”, chị chia sẻ.

    Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang cho biết thêm, kinh doanh với chị là thử trí và thử sức. “Việc kinh doanh giúp tôi sống tỉnh táo, thực tế hơn, cũng như quyết liệt, mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó còn đảm bảo tài chính để theo đuổi việc văn chương được vô tư nhất”.

    Với chị, kinh doanh và văn chương là hai nhịp song hành, bổ trợ cho nhau, kinh doanh cho tôi một cuộc sống đàng hoàng, còn văn chương giúp tinh thần tôi bay bổng. “Trên thực tế, với tôi, kinh doanh là mang tới những sản phẩm tốt cho khách hàng, còn văn chương là sự cống hiến đương nhiên tư tưởng tích cực cho xã hội. Đời cho gì, thì tôi nhận nấy, và làm hết sức mình”, nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang khẳng định.

    trang-2.jpg
    Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang sinh năm 1981 tại Hà Nội. Chị đã xuất bản các tiểu thuyết 1981, Nhiều cách sống, Mất ký ức, 9x’09, Yêu trên đỉnh Kilimanjaro; các tập truyện ngắn 24h, Cho một hành trình; tập ký Đi về không điểm đến… Ngoài viết văn, chị còn viết báo và làm MC. Hiện chị làm việc tại báo Đại đoàn kết.



    ============================

    0 Nhận xét:

    Đăng nhận xét

    Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

    << Trang chủ