Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2021

" Tưởng niệm & tiễn biệt ' ký- mục- gia" BÙI BẢO TRÚC [ 1944- 2016] bài viết: Ngọc Lan (ngoclan@nguoi-viet.com>) -- source: www.nguoi-viet.com>

 


Tưởng niệm và tiễn biệt ký mục gia Bùi Bảo Trúc

 

WESTMINSTER, California (NV) – Đúng 5 giờ, khi cơn mưa chiều vừa dứt hạt thì cũng là lúc chương trình lễ tưởng niệm ký mục gia Bùi Bảo Trúc được bắt đầu một cách trang trọng tại phòng số 5 nhà quàn Peek Family, Westminster, với số người tham dự vượt quá sức chứa của gian phòng.

Trong khi những người sau cùng đến thắp hương cho ông lần tìm về chỗ ngồi, Luật Sư Derrick Nguyễn Hoàng Dũng, trong vai trò người dẫn dắt chương trình, bắt đầu giới thiệu về tiểu sử của nhà văn, nhà báo, nhà giáo Bùi Báo Trúc, người mà theo Luật Sư Dũng không chỉ “là một người thông thái, mà còn là người có óc khôi hài, dí dỏm,” “người đã ra đi nhưng để lại cho chúng ta biết bao nhiêu là kỷ niệm.”

Qua những video clip được trình chiếu lại, người tham dự được nghe xướng ngôn viên Quỳnh Anh nhắc lại những kỷ niệm đáng nhớ với người đã cùng cô thực hiện chương trình “Ngày Này Năm Xưa” ghi đậm dấu ấn Bùi Bảo Trúc qua bút danh nhà báo Bảo Lâm; cũng như được nghe những mẫu chuyện thú vị về ông, do cựu Tổng Trưởng Hoàng Đức Nhã kể qua phần phỏng vấn của xướng ngôn viên Ngọc Ân, trong thời gian ông làm việc ở Phủ Tổng Ủy Dân Vận và Chiêu Hồi.

Nói về Bùi Bảo Trúc, nữ tài tử Kiều Chinh cho rằng ông là “bậc thầy của chữ nghĩa văn chương.”

Nhà báo Đỗ Quý Toàn nói lời chia buồn cùng gia đình nhà báo Bùi Bảo Trúc. (Hình: Dân Huỳn/Người Việt)
Nhà báo Đỗ Quý Toàn nói lời chia buồn cùng gia đình nhà báo Bùi Bảo Trúc. (Hình: Dân Huỳn/Người Việt)

“Anh ít nói, nhưng đã nói thì ra nói. Người ta biết anh như nhà báo, như nhà văn. Nhưng tôi yêu anh như một nhà thơ. ‘Tôi cũng như ông, đời biệt xứ/Trẻ ra đi, già vẫn tha hương/Mấy chục năm buồn trên xứ lạ/Tôi đọc thơ ông nát cả hồn,” bà Kiều Chinh đọc những câu thơ cuối cùng của ông Trúc trong bài “Xa Nhà Đọc Thơ Hạ Tri Chương” như một lời tiễn biệt của người cùng thế hệ tha hương.

Nhà báo Nguyễn Văn Khanh, trưởng ban Việt Ngữ đài RFA, từ Washington DC cũng bay về đưa tiễn ông, người đã “chọn một nghề đầy khó khăn và sống trọn đời với cái nghiệp khó khăn, đó là nghề phát thanh.”

“Anh Bùi Bảo Trúc thành công tới mức, có lẽ, chính anh cũng không ngờ. Thử tưởng tượng mỗi ngày từ buổi sáng, anh có cơ hội làm bạn với biết bao nhiêu người, ngay cả lúc tối về, cũng lại có biết bao nhiêu người làm bạn với anh, trong suốt bao nhiêu năm trời.”

“Chính vì thế, chúng ta thường nói với nhau rằng Bùi Bảo Trúc là người bạn thân tình nhất của mọi gia đình, chữ thân tình đó phải viết hoa, vì mọi người ai ai cũng đều cần có một người bạn thân, và không mời cũng chẳng gọi, chúng ta may mắn cùng có một người bạn mang tên Bùi Bảo Trúc,” ông Khanh nhận xét.

Nghệ sĩ khiếm thị Nguyễn Đức Đạt tiễn đưa ký mục gia Bùi Bảo Trúc bằng nhạc phẩm Let It Be (Hình: Dân Huỳnh)
Nghệ sĩ Nguyễn Đức Đạt tiễn đưa ký mục gia Bùi Bảo Trúc bằng nhạc phẩm “Let It Be.” (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái, người khá gắn bó với ký mục gia Bùi Bảo Trúc, chia sẻ suy nghĩ của mình về người bạn cao niên gói trong ba chữ “Tâm-Tài và Tật.”

Ông nhắc đến những nghĩa cử mà nhà báo Bảo Lâm dành cho những người tranh đấu cho tự do nhân quyền tại quê nhà, cho những người dân nghèo khó gặp phải những nghịch cảnh đau thương trong đời sống.

“Nói về tài thì anh nhiều tài lắm. Kiến thức của anh ‘cực’ rộng trong nhiều lãnh vực. Nhưng anh nhiều tài mà cũng lắm tật nên bị không ít người ghét, vì anh không kiêng dè, không chấp nhận những giả trá hay thói rởm của người khác, nhất là khi liên quan đến ngôn ngữ. Không biết bao nhiêu lần, anh cay nghiệt nói như vỗ vào mặt người khác – ngay cả trên radio, trên mặt báo. ‘Chữ tài liền với chữ tai một vần’ là vậy,” nhà báo Đinh Quang Anh Thái nói như tâm sự trong buổi tưởng niệm.

Người ta không chỉ biết đến một Bùi Bảo Trúc qua các chương trình phát thanh Little Saigon Radio, trên đài truyền hình Hồn Việt TV, mà người đời còn biết ông qua mục Thư Gửi Bạn Ta trên nhật báo Người Việt. Đây chính là lý do để ông Đỗ Quý Toàn, chủ tịch Hội Đồng Chủ Biên của nhật báo Người Việt, nói về ông, về “mối duyên” của Bùi Bảo Trúc với Người Việt bằng những tình cảm trân quý, tiếc thương. Ông nhắc lại những kỷ niệm gắn bó của người vừa đi xa với những người sáng lập Người Việt từ thủơ còn ở Sài Gòn và trải dài theo năm tháng, sang đến tận quê hương mới.

“Ở tuổi mà chúng tôi gọi là ‘tuổi già giọt lệ như sương’ không thể nào bày tỏ lòng thương tiếc nhiều hơn được, chúng tôi chỉ xin gia đình anh Bùi Bảo Trúc chứng giám cho nỗi thương tiếc của tất cả bạn bè đối với người bạn quý và rất có tài là Bùi Bảo Trúc,” ông chia sẻ.

Nhà văn Bồ Đại Kỳ, một cựu sĩ quan Không Quân VNCH, nhắc đến nét “cười cười” cố hữu của linh hồn “Ngày Này Năm Xưa” và chỉ muốn “mọi người buồn nhưng đừng buồn nhiều vì chưa chắc anh Trúc buồn, mà giờ này có lẽ anh đang ở đâu đó nhìn chúng ta cười cười. Chúc anh bình an nơi miền cực độ.”

Nhà thơ Du Tử Lê, người bạn một thời thân thiết với nhà báo Bùi Bảo Trúc, thì cho rằng, “Nhà báo, nhà văn Bùi Bảo Trúc là một nhân vật ‘ngoại khổ.’ Do đó, sự ra đi của ông, không chỉ là một mất mát lớn cho các cơ quan truyền thông, báo chí ông từng cộng tác mà, còn là một thiệt thòi lớn cho hàng triệu độc giả, thính giả, của ông ở khắp nơi trên thế giới nữa.”

“Sống và làm được những việc ý nghĩa cộng với tài năng như ông, tôi trộm nghĩ, chúng ta không có được nhiều người lắm,” tác giả của “Khúc Thụy Du” kết luận.

Đến viếng nhà báo Bùi Bảo Trúc, MC Đào Đại Dương, bày tỏ, “Cách đây chừng 6-7 năm, khi nhóm The Friends tổ chức một chương trình nhạc chủ đề mang tên Đá Xanh của Lê Uyên Phương, tôi may mắn được làm MC cùng chú trong chương trình đó. Hai thế hệ cùng nhìn âm nhạc qua một lăng kính như thế. Tôi yêu thương, kính trọng kiến thức, sự uyên bác của chú. Tôi học hỏi ở chú rất nhiều và chính sự học hỏi to lớn đó mà tôi có mặt ngày hôm nay.”

Bà Loan Nguyễn, hiện sống ở Anaheim, người biết đến nhà báo Bùi Bảo Trúc từ những ngày còn ở quê nhà, nói trong xúc động, “Anh là người hiểu biết nhiều, rất dí dỏm, lại còn hát hay nữa. Tôi không biết có ai đã từng được nghe anh hát chưa? Như bao nhiêu khán thính giả khác, tôi rất mến mộ anh. Tôi thấy buồn và xem đây là một mất mát lớn khi anh ra đi như vậy. Thật ra 72 tuổi là còn trẻ, còn trẻ lắm. Đúng ra anh phải sống đến 102 tuổi để anh kể chuyện cho thính giả nghe, viết cho độc giả đọc cũng như chia sẻ những hiểu biết vui buồn của anh với mọi người khắp nơi.”

Cũng trong buổi tưởng niệm này, quyển sách mang tên “Chuyện Thật Mà Như Đùa” của tác giả Bùi Bảo Trúc, một tổng hợp của các bài viết “Thư Gửi Bạn Ta,” cũng được nhà xuất bản VietStream phát hành, như thực hiện tâm nguyện cuối đời của ông, “Để lại cho con một gia tài, không bằng viết lại cho con một cuốn sách.” Toàn bộ số tiền bán sách được dành cho quỹ bảo trợ cô nhi quả phụ tại quê nhà.

Chỉ còn trong khoảnh khắc nữa thôi thì thân xác ông sẽ về với cát bụi. Nhưng điều ông đã làm và điều ông có được không phải ai trên đời này cũng đều có được.

Tạm biệt ông, ký mục gia Bùi Bảo Trúc.

Tác phẩm “Chuyện Thật Mà Như Đùa” của Bùi Bảo Trúc được phát hành đúng ngày tưởng niệm, như thực hiện tâm nguyện cuối đời của ông. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Tác phẩm “Chuyện Thật Mà Như Đùa” của Bùi Bảo Trúc được phát hành đúng ngày tưởng niệm, như thực hiện tâm nguyện cuối đời của ông. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

***

Sơ Lược Tiểu sử Ký Mục Gia Bảo Lâm/ Bùi Bảo Trúc

Ông sinh năm 1944 tại làng Trình Phổ, tỉnh Thái Bình.

Năm 1952 ông đi học ở Hải Phòng. Năm 1953 ông lên Hà Nội để theo học tiểu học tại trường Lý Thường Kiệt nằm ở phố Sinh Từ.

Năm 1954 ông cùng gia đình di cư vào Nam. Ông học tiếp chương trình bậc tiểu học ở trường Nguyễn Tri Phương, Sài Gòn. Ông theo học trung học ở trường Chu Văn An, và tốt nghiệp tú tài toàn phần, Ban C năm 1963.

Ông du học ở Tân Tây Lan (New Zealand) và trở về nước năm 1965, dạy Anh ngữ ở Hội Việt Mỹ và trường London School của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Linh.

Ông có thời gian làm việc ở Phủ Tổng Ủy Dân Vận và Chiêu Hồi.

Năm 1973 ông đảm nhiệm chức vụ phát ngôn viên chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.

Năm 1974, ông làm việc tại Tòa Đại Sứ Việt Nam ở Anh.

Sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975, ông từ London qua Canada định cư, vào Tháng Sáu cùng năm.

Năm 1977 ông làm việc cho Ban Việt Ngữ đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) ở Washington, DC cho đến năm 2001 thì nghỉ hưu.

Trong thời gian này ông giữ mục Lá Thư Hoa Thịnh Đốn (sau này được đồi thành Thư Gửi Bạn Ta), viết mỗi ngày một bài cho nhật báo Người Việt.

Năm 2002 ông dời về Nam California, cộng tác với đài Little Saigon Radio, báo Việt Tide, Hồn Việt TV, phụ trách những chương trình truyền hình/truyền thanh Ngày Này Năm Xưa, Chào Hoàng Hôn, và Anh Ngữ Trong Đời Sống.

Ông qua đời lúc 11 giờ 45 phút tối ngày 16 Tháng Mười Hai, 2016 tại bệnh viện Fountain Valley, California.


Liên lạc tác giả: ngoclan@nguoi-viet.com


=================

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ