Thứ Ba, 11 tháng 5, 2021

bài đọc thêm (2) : " Nhà văn NGUYỄN MỘNG GIÁC : Vừa trực đêm, vừa viết" Sông Côn Mùa Lũ" / bài viết: Hoàng Nhân -- nguồn : báo Thể Thao & Văn Hóa

 

Nhà văn Nguyễn Mộng Giác: Vừa trực đêm, vừa viết 'Sông Côn mùa lũ'

Thứ Bảy, 25/08/2012 13:48 GMT+7

    (TT&VH) - NXB Thanh niên vừa ấn hành tập san văn học nghệ thuật Quán Văn để giới thiệu một cách đầy đủ về cuộc đời và tác phẩm của nhà văn Nguyễn Mộng Giác - tác giả trường thiên tiểu thuyết 2.000 trang Sông Côn mùa lũ sau hơn một tháng ông qua đời.

    Nhà văn Nguyễn Mộng Giác (sinh năm 1940 tại Tây Sơn, Bình Định - mất 2/7/2012 tại Mỹ) được biết đến như một tác giả quan trọng trong nền văn học Việt Nam hiện đại với tác phẩm tiêu biểu Sông Côn mùa lũ viết về triều đại nhà Tây Sơn - Nguyễn Huệ. Thế nhưng, rất ít độc giả biết nhiều về cuộc đời tác giả và hoàn cảnh ra đời tác phẩm này.


    Nhà văn Nguyễn Mộng Giác
    Ông giáo viết văn
    Quán Văn tập hợp bài viết về Nguyễn Mộng Giác của các nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình văn học, như: Nguyên Minh, Lữ Quỳnh, Mang Viên Long, Ban Mai, Đặng Tiến, Trầm Hương, Trần Hữu Thục, Khuất Đẩu… Các bài viết chia làm hai phần chính về cuộc đời và đặc biệt là tác phẩm đồ sộ Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác.
    Nguyễn Mộng Giác là người học rất giỏi, ông tốt nghiệp thủ khoa trường ĐH Sư phạm Huế năm 1963 rồi về giảng dạy tại trường nữ trung học Đồng Khánh. Sau này ông chuyển về dạy học tại quê nhà Bình Định, làm Hiệu trưởng trường Cường Để, Quy Nhơn - một trường trung học danh tiếng lúc bấy giờ của tỉnh Bình Định. Với bản tính cẩn trọng, dù bén nghiệp văn chương đã lâu, nhưng mãi đến ngoài 30 tuổi ông mới có bài viết đầu tiên in trên tạp chí Ý Thức (1971) là một tiểu luận về văn hóa Việt Nam.
    Cả đời Nguyễn Mộng Giác gần như gắn với công việc của một ông giáo yêu nghề, nhưng sự nghiệp cầm bút của ông trước và sau 1975 đều thật đáng nể. Ngoài Sông Côn mùa lũ - tác phẩm tiêu biểu của ông - có thể kể: Xuôi dòng (tập truyện ngắn, NXB Văn Nghệ, 1987), Mùa biển động (tiểu thuyết gồm 5 tập, NXB Văn Nghệ, 1984-1989), Bão rớt (truyện ngắn, NXB Trí Ðăng 1973), Tiếng chim vườn cũ (NXB Trí Ðăng, 1973), Qua cầu gió bay (truyện dài, NXB Văn Mới, 1974), Ðường một chiều (truyện dài, NXB Nam Giao, 1974), Ngựa nãn chân bon (truyện ngắn, NXB Người Việt, 1983)...
    Đã có rất nhiều bài phê bình, nhận định về Sông Côn mùa lũ kể từ lần đầu được xuất bản tại Việt Nam đến nay. Đài truyền hình TP.HCM từng mua bản quyền chuyển thể tiểu thuyết này thành phim. Đến nay, tiểu thuyết này được tái bản rất nhiều lần và là tác phẩm của một nhà văn Việt Nam ở hải ngoại được tái bản nhiều lần nhất.


    Cuốn sách viết về cuộc đời nhà văn Nguyễn Mộng Giác và tác phẩm Sông Côn mùa lũ
    Vừa làm công nhân vừa sáng tác

    Theo nhà nghiên cứu Đặng Tiến, Sông Côn mùa lũ được Nguyễn Mộng Giác viết từ tháng 3 đến 8/1981, sau đó tu chỉnh tại Mỹ năm 1990. Năm 1998, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học ấn hành Sông Côn mùa lũ tại Việt Nam.
    Nhà văn Mang Viên Long, một người từng làm nghề giáo và quen biết Nguyễn Mộng Giác, kể: Những năm bao cấp, Nguyễn Mộng Giác sống bằng đủ thứ nghề tại Sài Gòn: đi bán sách cũ, làm công nhân lò bánh mì, rồi tham gia chế biến mì sợi… Những năm sống trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, anh Nguyễn Mộng Giác cho biết - đã luôn cố gắng, kiên nhẫn viết từng chương cho cuốn trường thiên tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ trong những lúc được thay ca, nghỉ trưa hay trực gác đêm ở cơ sở sản xuất mì sợi.
    Sức lao động và thái độ làm việc nghiêm túc của nhà văn Nguyễn Mộng Giác khiến Mang Viên Long khâm phục. Vì trong thời kỳ bao cấp khó khăn, Mang Viên Long phải buông bút còn Nguyễn Mộng Giác thì tranh thủ từng giờ để làm nên một bộ tiểu thuyết lớn, đóng góp quan trọng vào văn học nước nhà.
    Với nhiều đồng nghiệp cầm bút, Nguyễn Mộng Giác là một trí thức lớn, ông luôn có thái độ bình tĩnh, ôn hòa trước thời cuộc. Ngay cả những năm phát hiện mình bị ung thư, Nguyễn Mộng Giác vẫn luôn lạc quan, thậm chí còn biết cách khôi hài trước sự sinh tử vô thường.  ./.

    HOÀNG NHÂN 


    =====================

    0 Nhận xét:

    Đăng nhận xét

    Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

    << Trang chủ