" có người thục nữ dám theo NGU "/ bài viết: Lê Ký Thương ( Tp. HCM) -- nguồn : Trang nhà Bác sĩ ĐỖ HỒNG NGỌC
CÓ NGƯỜI THỤC NỮ DÁM THEO… NGU *
Lê Ký Thương
(viết về Bà Thoại Dung, vợ nhà văn Nguiễn Ngu Í)
Năm 1998, qua lời giới thiệu của một người bạn cùng chủ trương nguyệt san Ý Thức trước 75, nhà thơ Đỗ Nghê (tức Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc), bà Thoại Dung biết tôi làm sách, đến nhà gặp và nhờ thực hiện quyển:
Ngu Í Nguiễn Hữu Ngư
QUA KÝ ỨC NGƯỜI THÂN
do bà sưu tập
(Sách không bán, dành biếu người thân…).
Tôi biết nhà giáo – nhà báo Nguiễn Ngu Í là cậu của bạn, người nổi tiếng với những bài phỏng vấn giới văn nghệ sĩ, nhà giáo ở Miền Nam đăng trên tạp chí Bách Khoa trước 75, người cải tiến cách viết chữ quốc ngữ theo cách riêng của mình, và cũng là người làm “thơ điên thứ thiệt”: “Má ơi con Má điên rồi / Má đừng khóc đứng khóc ngồi mà chi” và “Ta đi lang thang /Ta nói tàng tàng / Ta cười nghinh ngang / Ta chửi đàng hoàng”. Quả thiệt, chỉ có “người điên thứ thiệt” mới rút hết chất tinh túy của tâm can thốt ra những vần thơ như vậy.
Bà Thoại Dung là nhà giáo, tâm huyết với nghề dạy học.
Tôi đề nghị với bà muốn thực hiện quyển sách này, bà hãy tập trung bản thảo đầy đủ của những người viết và những hình ảnh cần đưa vào sách.
Nhờ thế mà tôi có dịp đọc trước những bản thảo đó.
Qua hồi ký của Đỗ Hồng Ngọc, tôi được biết “ông Ngư khùng, Ngư điên vì học giỏi, học cao” là cậu của bạn tôi. Đến năm 12 tuổi, bạn tôi mới gặp “cậu Ngư” bằng xương bằng thịt khi ông từ Sài Gòn về Phan Thiết thăm bà con. Và cũng nhân dịp này mà bạn tôi đổi đời: từ một đứa trẻ theo cha đi kháng chiến, cha hy sinh ở chiến khu, theo mẹ về thành, suốt ngày phụ giúp mẹ chằm nón, nấu cơm, và bỗng nhiên ông Tiên xuất hiện, dắt đi mua sách vở chuẩn bị vào trường ở nhà sách Vui Vui bên bờ sông Cà Ty. Hỏi không bất ngờ và không vui sao được?!
Nhưng tâm trạng của bạn lúc đó vừa lo vừa sợ: “Tôi (ĐHN) vừa đi vừa ngó chừng cậu. Cái huyền thoại học giỏi hóa điên của cậu làm tôi ngờ ngợ, lo lo… Nhưng thà học giỏi hóa điên còn hơn là học dỡ. Trước đây tôi học trong rừng, vùng kháng chiến quê mẹ tôi, không biết sức học thực của mình ra sao. Mười hai tuổi, biết đọc, biết viết, làm toán khá, còn chưa biết một chữ ‘le, la’ trong tiếng Pháp, mà hồi đó, học trò tiểu học đã học tiếng Pháp rồi. Tôi hoảng lắm. Cậu thì tỉnh queo, nắm tay tôi kéo vào tiệm sách… Cậu… mua cho nào vở nào tập nào viết chì, viết mực, cục gôm, không thiếu một thứ gì. Cậu còn mua cho một cây viết chì hai đầu xanh đỏ mà tôi rất khoái. Mấy cuốn sách Pháp vở lòng, sách Việt, sách Toán đủ cả. Cậu thực là rành nghề học, tôi nghĩ…”.
Ông Ngu Í “rành nghề học” vì ông là cựu học sinh Pétrus Ký, được GS Phạm Thiều thương, bạn đồng môn của Trần Văn Khê và thi đổ vào Cao đẳng Sư phạm Sài Gòn, nhưng vì lý do sức khỏe không thể tiếp tục “nghề học”!
Bà Tùng Long kể lại trong hồi ký của mình: “… Có lẽ tôi quen với Ngư do những câu chuyện do em Hân kể về Ngư. Theo lời em tôi, Ngư là một học sinh thông minh, học giỏi, có tài hùng biện, đối đáp mau lẹ. Và Ngư cũng là con một nhà cách mạng lão thành chống thực dân. Bấy giờ Ngư được giáo sư Phạm Thiều đem về nuôi cho ăn học, vì giáo sư cũng dạy trường Pétrus Ký… Cũng có người nói Ngư khùng, Ngư điên, nhưng theo tôi nhận xét như vậy thì quá khắt khe, vì điên, khùng thì làm sao lại là một học sinh giỏi, lanh trí, và còn xuất khẩu thành thơ nữa (…) Rồi năm 1942, Mỹ thả bom Sài Gòn, tôi phải đưa các con về Quảng Ngãi quê chồng (…). Thời gian ấy, tôi sanh đứa con thứ tư, cũng dịp này tôi quen với cô Thoại Dung, một thiếu nữ thích hoạt động và thường ghé qua nhà xem có cần gì khi lâm bồn sẽ giúp đỡ. Và Thoại Dung cũng là người hàng xóm tính tình vui vẻ trẻ trung của chúng tôi. Thế rồi, một hôm tôi đang bồng đứa con sơ sinh đứng chơi trước cửa, (… ). Có một đoàn người vai mang ba-lô đi ngang qua, đó là những sinh viên từ miền Nam ra Bắc để tham gia phong trào kháng chiến cứu nước (…), bỗng có một người trong đoàn ấy lùi lại nhìn, rồi tạt vào ngó tôi sững sốt và hỏi: “Sao trông giống chị Hân quá. Có phải chị là chị Bạch Vân không?”. Tôi đang ngơ ngác chưa biết người khách này là ai, thì người ấy quả quyết: “Ồ, đúng là quả đất tròn. Tại sao chị lại ở đây?”. Tiếp theo người khách ấy đọc luôn mấy câu thơ gì đó nay tôi không nhớ. Khi ấy, đoàn người đã đi khá xa, trong đoàn có người chạy ngược lại kêu lớn: “Ngư, đi chớ. Phải đến Châu Ổ trời tối nhé!”. Ngư! Khi nghe tên Ngư làm tôi nhớ lại em Hân và các bạn thường nói với nhau, một Nguyễn Hữu Ngư tóc húi ngắn, mang kiến cận dày, người ốm nhom ốm nhách. Đúng là Nguyễn Hữu Ngư”.
Cũng trong hồi ký này, bà Tùng Long kể một giai thoại về ông Ngu Í khi bị bắt giam ở nhà lao Quảng Ngãi. “(…) anh ta la hét om sòm rằng mình đã ra Hà Nội để gặp Hồ chủ tịch, nhưng không muốn ở lại, nên mang ba-lô trở vào Nam, thì can chi mà bắt. Ta đâu phải Việt gian. Vì la hét om sòm cả ngày, cho nên người ta phải chuyển về trại giam của huyện lỵ Nghĩa Hành (…), anh ta cứ đòi gặp các cấp lãnh đạo, để tường trình anh là thành phần yêu nước, phải thả cho anh về Nam để tiếp tục chiến đấu chống xăm lăng. Rồi ngày nào anh ấy cũng sắp sẵn ba-lô ngồi chờ giấy ân xá. Đợi hoài không được, anh thừa cơ chạy trốn. Một nhân viên CA gặp, định bắt anh lại, anh ta làm ra vẻ hiền lành, thản nhiên cười nói: “Tôi ra một câu đối, nếu anh đối được thì tôi để anh bắt. Không, thì phải thả tôi đi. Rồi Ngư đọc: “Rầu rỉ râu ria ra rậm rạp”. Người CA nhìn thấy người vượt nhà giam râu ria đầy hàm, mặt mũi vì thiếu ăn nên choắt lại chỉ còn da bọc xương. Đôi mắt lờ đờ sau cặp kính cận dày mụp. Anh CA còn đang lúng túng và cũng có phần thương hại người điên, thì anh ta liền đọc vế đối tiếp theo: “Ngông nghênh ngốc nghếch ngó ngu ngơ”. Rồi bỏ chạy một mạch mất dạng”.
Bà Tùng Long kể tiếp: “Để rồi sau đó, bất chấp cơ quan an ninh đang truy lùng, Ngư quyết định ở lại Quảng Ngãi chỉ vì cô giáo Thoại Dung và đám trẻ ngây thơ vui đùa múa hát với “một ngón tay nhúc nhích” đã quyến rủ. Và, mối tình Dung – Ngư nẩy nở vào dịp thị xã Quảng Ngãi có lệnh tiêu thổ kháng chiến. Dung theo gia đình tản cư lên Đồng Cọ, chúng tôi cũng dắt díu đàn con chạy về chợ Gò vùng Mỹ Thịnh nơi có thắng cảnh Thạch Bích Tà Dương. Vì sinh kế chật vật, tôi quên bẵng mối tình thơ mộng của hai người bạn trẻ ấy. Mãi một hôm, Ngư tìm đến Mỹ Thịnh nhờ anh Hồng Tiêu đứng chủ hôn. Thì ra người yêu mà Ngư định cưới là cô giáo Thoại Dung của các con tôi và cũng là cô bạn trẻ của chúng tôi. Vợ chồng tôi có ngỏ ý trực tiếp lo lắng một cách chân tình với cô Thoại Dung, cho Dung biết Ngư là một người không bình thường, làm vợ Ngư chưa hẳn là hạnh phúc, mà phải mất mát nhiều hy sinh, bởi vì Ngư còn nuôi mộng quá lớn. Chưa hẳn đã chịu dừng chân trong một mái nhà tranh với hai quả tim vàng. Nhưng cô Thoại Dung quả quyết trả lời: Em sẵn sàng hy sinh để anh ấy đạt chí lớn”.
Theo hồi ký của GS Trần Văn Khê, người bạn đồng môn ở trường Pétrus Ký thì ông Nguiễn Ngu Í: “sanh ra trong một gia đình có óc cách mạng, thân phụ anh có chân trong Đông Kinh Nghĩa Thục, và từng ủng hộ hoạt động của những nhà cách mạng, vì giúp tù Côn Đảo tấp bè vào biển gần làng ông cư trú, trong đó có mấy đồng chí cũ. Sau đó bị lộ, ông chịu án ba năm Lao Bảo và đưa về xứ an trí (Hà Tĩnh). Vì thuộc thành phần “gia đình cách mạng”, nên sau ngày nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa khai sinh, anh ra miền Bắc, được làm việc tại Bắc Bộ phủ. Khi tự biết mình không thể hòa hợp đường lối của chính phủ đương thời, anh xin thôi. Nhờ một vài vị trong cấp lãnh đạo, nhớ ơn của thân sinh anh, cho anh về miền Trung công tác trong đài Phát thanh Nam Bộ đóng ở Quảng Ngãi, do Huỳnh Văn Tiểng là bạn học cùng trường Pétus Ký Sài Gòn với chúng tôi trước kia phụ trách. Về lại Quảng Ngãi, có lần đương kiêm Thủ tướng Phạm Văn Đồng gặp anh và viết trong quyển sổ lưu niệm của anh: “Một thanh niên nhiều lý tưởng, nhiều quá, và thiếu óc thực tế, thiếu quá, nên chưa biết bay nhảy về đâu. Tất cả cái hay cái dở của anh đều ở đó. Vậy tìm hiểu con người mình hơn, hoàn cảnh của mình hơn nữa, để nhìn thẳng vào thực tế rồi chọn một con đường mà đi”. Quảng Ngãi cũng là nơi nhờ duyên may anh đã gặp được “Nàng Suối Bùn Reo” để sau này cùng anh nắm tay đi trọn đường đời”.
Nói về mối tình giữa ông và bà Thoại Dung, qua lời kể của bà Thoại Dung: “… Tôi thầm nghĩ: Tại sao anh lại đếnthăm mình? Anh muốn nói gì đây? Ta nên có thái độ như thế nào nếu anh nói điều gì đó với mình? (…) Có lẽ anh cũng đang tính nói gì với tôi trước khi từ giả mà chưa có dịp nên được tôi mời nghỉ, anh vui vẻ đến ngồi đối diện với tôi, và mở đầu câu chuyện: “- Sở dĩ tôi tìm thăm chị là tôi có ý muốn hỏi ý kiến chị về việc này, nhưng tôi ngại vì… sợ. Tôi cười xã giao: – Anh mà sợ gì, muốn nói gì cứ nói, muốn hỏi gì cứ hỏi. Tôi nghĩ là anh mà còn sợ ai. – Thế mà tôi sợ chị. – Thế à? Như vậy thì hân hạnh cho tôi quá. Anh Ngư mà lại sợ Dung sao? Bây giờ anh muốn nói gì cứ nói. Tôi sẵn sàng ngồi nghe và sẵn sàng trả lời liền nếu có thể. Thế là anh ngỏ lời cầu hôn tôi hôm ấy. Tôi rất ngỡ ngàng, nhưng đã nói mạnh dạn tự nảy giờ nên tôi lưỡng lự một chặp rồi hẹn sau một trăm ngày sẽ trả lời dứt khoát với anh. (…) Tôi băn khoăn tự hỏi tại sao một thanh niên như thế mà lại thiếu những cơ hội may mắn để thi thố tài năng, để đến nỗi phải bất đắc chí? Ta có thể đem lại may mắn đến cho anh không? Ta thử đem nghị lực của mình để giúp anh vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống hôm nay được không?”.
Trong hồi ký, bà Thoại Dung kể tiếp: “Tôi về thưa lại với gia đình chuyện anh Ngư cầu hôn, thế là gặp sự phản đối của người thân (…) Trong khi đó, người anh thứ ba của tôi đi tìm hiểu về anh Ngư, anh ra Bình Sơn gặp anh giáo Ba là người thân của gia đình để hỏi thăm về gia thế anh Ngư. Anh giáo Ba là người am hiểu về ông giáo Hoàn, cụ thân sinh anh Ngư, cho biết ông cụ là một nhà cách mạng, gia đình tốt, anh Ngư học giỏi, và là người con hiếu thảo. Sau chuyến đi đó, anh Ba tôi về thưa lại với mẹ tôi, trong gia đình tất cả đều đồng ý cho tôi nhận lời cầu hôn của anh Ngư”.
Đọc qua phần hồi ký bà viết mối tình giữa bà và ông ở Quảng Ngãi thật cảm kích khi “có người thục nữ dám theo… Ngu và sẵn sàng hy sinh để anh ấy đạt chí lớn”. Nhưng sau khi cưới một năm, bà tưởng “sống hạnh phúc bên người chồng tốt và rất dễ thương, biết lo và chăm sóc vợ chu đáo”… Nhưng rồi sau đó, bệnh điên của ông tái phát! “… Anh bắt tôi phải đi theo anh dưới mưa, đang đêm bắt tôi phải cùng anh lội qua rạch nước. Vì anh quậy phá làm rối trật tự xã hội nên CA phải giữ anh ở trại Nghĩa Hành. Một tuần lễ tôi phải đi bộ trên ba mươi cây số để thăm và mang thức ăn tiếp tế thêm cho anh, mặc dầu trong lúc tôi và gia đình cha mẹ tôi đang sống rất khó khăn. (…) Nhưng riêng tôi, tôi vẫn nghĩ: Tại sao lại thua? Sông có khúc người có lúc! Mình phải chấp nhận để sống với hoàn cảnh hiện tại. Cuộc sống lứa đôi này do mình chọn, đã thấy trước là sẽ gặp khổ mà vẫn quyết định đi đến hôn nhân, thì nay mình phải can đảm chịu đựng và phải tìm cách xoay xở để làm tròn bổn phận của một người vợ có chồng bệnh hoạn – cũng có thể nói là chồng đang lâm cơn hoạn nạn! Cũng may là có sự quan tâm của UBHC tỉnh Quảng Ngãi cho tôi nghỉ việc dài hạn để nuôi chồng mà vẫn được hưởng lương. Sau bốn tháng, bịnh của anh Ngư giảm hẳn, anh được trở về với gia đình, và tôi được đổi vào bệnh viện ở Đồng Cát tại huyện Mộ Đức, chúng tôi ở gần gia đình anh Phạm Văn Diêu cũng là bạn thân của anh Ngư. (…) Khoảng đầu năm 1952, anh Ngư làm đơn xin đưa vợ về Bình Thuận để dưỡng bịnh thần kinh. UBHC tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận, và giúp đỡ chúng tôi được toại nguyện”.
Thay vì tỉnh Bình Thuận, nơi song thân của ông sống ở Lagi, ông bà vào thẳng Sài Gòn mất ba ngày ba đêm bằng ghe bầu. Lên bờ, ông đón xe ngựa đưa bà đến tòa báo Sài Gòn Mới, tìm gặp bà chủ nhiệm Bút Trà là chị dâu của Bà Tùng Long, nhờ giúp đỡ chỗ ở tạm thời và công ăn việc làm trong khi ông đi tìm các bạn học cũ ở trường Pétrus Ký để nhờ bạn tìm giúp việc làm…
“… Anh Ngư đi dạy được vài tháng, không may bị xe nhà binh Pháp đụng ngã, cán phải chân trái, xe đạp bị gãy, phải nằm nhà thương thí Sài Gòn (…). Sau khi xuất viện, nhà tôi làm đơn đòi nhà binh Pháp bồi thường tiền cơm thuốc. Khi lãnh được một số tiền khá lớn, anh Ngư nói: – Dung khổ sở vì anh nhiều quá. Anh lấy số tiền này mua cho Dung cây đàn piano. Tôi ngăn anh: – Thôi đi ông ơi, phải thực tế một tí chớ. Nhà còn chưa có mà mua đàn piano về rồi để đâu? Mà Dung chỉ cần cây đàn mandoline, tập những bài hát nhỏ để khi vào lớp dạy các cháu hát mà thôi. Nghe tôi nói có lý, anh đến nhờ nhạc sĩ Lê Thương đưa đi lựa một cây đàn mandoline loại tốt, chiều đi dạy học về, anh đem đàn ra khoe. Cây đàn mandoline tôi vẫn còn giữ nguyên mãi cho đến nay đã hơn bốn mươi tám năm qua mà vẫn còn tốt. Vừa rồi, trong ngày Phụ nữ Quốc tế 8/3/97, cũng là dip 70 tuổi, tôi lấy đàn ra ngồi đàn lại bản Xuân và tuổi trẻ của La Hối cho bạn gái nghe. Tôi ngậm ngùi nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa của chúng tôi. Tôi nhớ anh Ngư là một người chồng dễ thương và hết lòng yêu vợ (…) Nhưng ác thay, căn bệnh của nhà tôi không sao dứt hẳn, cứ vài ba năm lại tái phát một lần, mỗi lần vài ba tháng mới dứt (…) Có lần, anh nổi cơn bỏ nhà đi bặt tăm, tôi tin cho chú Phạm Văn Thơm, tức Trường Sanh là một người em kết nghĩa thân tín với anh Ngư, nhờ chú hỏi thăm coi anh Ngư đang ở đâu tìm về. Sau mấy ngày dò la những nơi anh Ngư thường đến, chú đã tìm được anh Ngư đang ở La- Gi (Bình Tuy bấy giờ), anh cương quyết không chịu về vì sợ tôi sẽ đưa vào Dưỡng trí viện Biên Hòa. Chú Trường Sanh phải tìm mưu kế bằng cách nói rất thành khẩn với anh Ngư: – Chị Dung có việc nhà cần giải quyết mới nhờ em đi kiếm anh về, em đi mấy ngày nay thần kinh em căng thẳng quá, nhức đầu chịu không nổi, anh quen thân với bác sĩ Hiệp, nhờ anh đem gởi em nằm Dưỡng trí viện vài tuần, chớ kiểu này nếu anh không giúp chắc em điên mất…”.
Bác sĩ Tô Dương Hiệp, con trai nhà văn Bình Nguyên Lộc, lúc bấy giờ là Phó Giám đốc Dưỡng trí viện Biên Hòa am hiểu bịnh tình của ông, nói riêng với bà Thoại Dung “anh Ngư bị bệnh văn chương tâm bệnh, y học gọi là Litterature Psychopathologique. Khi lên cơn, anh sáng tác thơ văn rất hay và cũng rất nhanh.
Năm 1979, ông đang nằm điều trị ở Dưỡng Trí Viện Biên Hòa thì bệnh viện báo tin ông bị té, chấn thương sọ não, yêu cầu bà đem ông về nhà chăm sóc. “Khi tôi lên Dưỡng trí viện đem anh về, gần nhà có anh Nguyễn Hữu Chánh là bạn anh Ngư, người trong xóm quen gọi là ông Tám Yoga. Ông đến thăm và bảo mỗi sáng đưa anh đến nhà cho ông chạy điện miễn phí, vì ông biết gia đình chúng tôi đang túng bấn. Tôi thì mỗi ngày đi dạy kèm để kiếm tiền nuôi gia đình. Còn hai con tôi thay nhau cõng nhà tôi đến để ông Tám Yoga chạy điện. Nguiễn Hữu Tuiền anh lớn lo thay quần áo, giặt giũ, còn Nguiễn Hữu Nguiên là em thì lo bồng lên xuống ván và lo nấu cháo đút cho cha. (…) Thế rồi, vào lúc 18 giờ 30 ngày 22 tháng Giêng năm Kỷ Mùi, ngằm ngày 18-2-1979 nhà tôi từ trần trên tay con trai là Nguiễn Hữu Nguiên trong khi tôi đang chạy lo sinh kế chưa kịp về. Theo lời Nguiên kể, khi thấy cha hấp hối, sợ quá chạy xuống dưới nhà kêu chị Mai – là cháu dâu của tôi – lên xem Ba sao lạ vậy? Mai biết là anh quá yếu, liền chạy xuống nhà Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc báo tin. Bác sĩ Ngọc vội vàng chạy đến, làm hô hấp nhân tạo và chích thuốc, còn Mai lấy dầu xoa khắp người. Nửa giờ sau anh vẫn không tỉnh, rồi vĩnh viễn ra đi.”.
Ngoài thiên hồi ký của bà Thoai Dung, của Bà Tùng Long còn có những bài viết của BS Đỗ Hồng Ngọc, của GS Trần Văn Khê, của BS Tô Dương Hiệp, của ông Huỳnh Văn Tiểng (phụ trách Đài Tiếng nói Nam bộ Kháng chiến 1946 ở làng Thọ Lộc, Quảng Ngãi), của ông Lê Phương Chi, của nhà thơ Đông Thùy Phan Chính, của nhà báo Lê Ngộ Châu, của nữ sĩ Hoàng Hương Trang, của dược sĩ Hồ Trường An, của nhà văn Trần Huiền Ân, của ông Châu Anh Đỗ Đơn Chiếu, của thi sĩ Phan Khắc Khoan, tất cả hợp lại thành một chân dung hết sức phong phú và đa dạng trong một con người là nhà giáo – nhà báo Nguiễn Ngu Í.
Khi thực hiện xong tập “Ngu Í Nguiễn Hữu Ngư QUA KÝ ỨC NGƯỜI THÂN”, bà Thoại Dung mời vợ chồng tôi đi La Gi thăm mộ của ông. Mộ ông được an táng kề bên ngôi mộ của Cha Mẹ ông, xung quanh có nhiều bụi dứa, tại Ngãnh Tam Tân. Tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của ông: “Nằm đây mà ngó lên trời / Lá cây dứa đã mấy đời đong đưa”.
Tôi chấp tay, cúi đầu thầm khấn: Cầu cho hương linh ông vãng sanh cực lạc! ./.
LÊ KÝ THƯƠNG
------------
Chú thích:
- Tựa đề bài hồi ký của bà Nguyễn Thoại Dung.
- Theo Bs Đỗ Hồng Ngọc cho biết bà sinh năm 1925, mất năm 2018, thọ 93 tuổi tại Xóm Bầu Sen, Q.5. Khoảng năm 2006, bà bị Alzheimer, mất trí nhớ, nhưng vẫn vui vẻ, chỉ nhớ tên Nguiễn Ngu Í. Trước kia bà có ước nguyện được chôn nơi quê nhà, Quảng Ngãi, do đó, con trai bà là Nguiễn Hữu Nguiên mới đây (2021) đã mang tro cốt của bà rải xuống sông Trà Khúc (cầu Cỗ Lũy).
(chú thích : LKT 5,2021)
==================
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ