Thứ Ba, 27 tháng 4, 2021

" Song Thao, phiếm" / bài viết: Du Tử Lê -- source: báo Người Việt ( Hoa Kỳ)

 

Song Thao, phiếm

 


Du Tử Lê


 


Tôi vẫn nghĩ, người Việt Nam không chỉ có truyền thống thích thơ, yêu thơ và, đa số trong đời, ít nhiều cũng có đôi lần làm thơ, dù phổ biến hay không. Mà, người Việt Nam còn có tinh thần trào phúng mạnh mẽ, không kém cạnh gì tinh thần yêu thi ca.










Nhà văn Song Thao. (Hình: Võ Văn Thạnh)


Thiết tưởng, cũng từ truyền thống trào phúng của người Việt, nên phần nào đặc tính này đã góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước, chống trả những cuộc tấn công, xâm lăng của ngoại bang.


Thí dụ khi người Tàu tấn công, thôn tính Việt Nam, dân gian đã gắn cho quân Tàu những hình ảnh xấu xa, khinh miệt như “Tầu Phù,” “Tầu Ô,” “Thằng Tàu.” Ở miền Nam, dù người Việt và người Tàu có nhiều năm chung sống êm đềm, nhưng dân gian vẫn gắn cho họ một tên gọi xách mé như “Ba Tàu,” hoặc “Chệt.”


Cũng vậy, khi người Pháp đặt ách thống trị lên đầu, lên cổ dân tộc Việt Nam thì, dân gian cũng có ngay những danh từ biếm nhẽ, để chỉ họ, như “Bạch Quỷ” hay “Tây Mũi Lõ,” “Tây Cà Lồ.”


Và dù ở miền nào thì người dân Việt Nam cũng dùng chung một tiếng “Thằng” để chỉ tất cả quân ngoại nhập ấy.


Bên cạnh đó, theo tôi, cũng đáng kể không kém, trong mục đích duy trì nòi giống, chống quân xâm lược, người dân Việt đã gọi những phụ nữ (trước đây,) lấy chồng Tàu, Pháp hoặc Mỹ là “Me.” Như “Me Tàu,” “Me Tây,” “Me Mỹ.”


Nói rõ hơn, dù thuộc dân tộc nào thì, tinh thần trào phúng vẫn là một thứ võ khí tinh thần đáng kể, hữu hiệu của kẻ yêu, chống lại kẻ mạnh. Cũng chính từ sự coi khinh kẻ xâm lăng hay quân ngoại nhập, in sâu trong tiềm thức người dân mà, trước đây, nếu so sánh với các dân tộc khác, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam có chồng thuộc hàng ngũ quân xâm lược, rất thấp. (1)


Không người phụ nữ Việt Nam bình thường nào, muốn bị xã hội gọi họ bằng hai chữ “Me Tầu,” “Me Tây,” hoặc “Me Mỹ.” Cực chẳng đã, người phụ nữ Việt Nam mới phải cắn răng, cúi mặt, đeo lên ngực mình chữ “Me” đầy rẻ rúng, bị xã hội xa lánh. Hầu hết phụ nữ Việt Nam trước đây, cương quyết không lấy chồng ngoại quốc, ở một khía cạnh nào đó, cũng là một hình thái bảo vệ, duy trì nòi giống Việt. (1)


Tinh thần hay truyền thống trào phúng của người Việt thể hiện rất rõ trong văn chương Việt từ thời ca dao cho tới hiện tại. Rất nhiều tác giả nổi tiếng, có thơ trào phúng được lưu truyền tới bây giờ. Ðiển hình như tất cả thơ của Tú Xương (ngoại trừ bài “Gọi Ðò.”) (2)


Kế tiếp Tú Xương, chúng ta có thơ trào phúng của Tú Mỡ, rồi Tú Kếu… Về văn xuôi, chúng ta có rất nhiều phóng sự hoạt kê của nhiều tác giả nổi tiếng mà, sâu sắc nhất tính đến hôm nay, vẫn là những tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng. (3)


Tuy nhiên, xét về phương diện số lượng (tôi nhấn mạnh, số lượng) thì, có dễ chưa một tác giả nào, từ quá khứ tới hiện tại, có nhiều tác phẩm thuộc loại trào phúng như nhà văn Song Thao. Trong thực tế, có tác giả có số lượng chuyện trào phúng nhiều hơn Song Thao. Nhưng những tác giả đó, không gom tất cả bài viết của họ để in thành sách. Nên, theo tôi, Song Thao là người có số lượng bài trào phúng nhiều nhất hiện nay.


Chọn từ ngữ ngắn, gọn, rất phổ biến hiện nay là “phiếm,” Song Thao đã xuất bản tập “Phiếm” thứ 10, cách đây vài tháng.


Chỉ trong vòng trên dưới 10 năm, với 10 tập chuyện phiếm mà, trung bình mỗi tập dầy khoảng 500 trang, nhân lên, chúng ta có 5,000 trang sách… phiếm. Tôi e kỷ lục này, khó tác giả nào, có thể vượt qua. Nhất là Song Thao vẫn chưa cho thấy một dấu hiệu… mệt mỏi, hay muốn ngưng nghỉ bài hát “đường trường xa!”


Cách đây khoảng 2 năm, khi Song Thao loan báo đã cho lên khuôn tập “Phiếm” thứ 8, tôi tình cờ đọc được một bài viết về “võ công” viết phiếm của “đệ nhất cao thủ… Phiếm” này.


Có dễ bài viết hay bản tin của tác giả vừa kể, đã cố tình nhái theo tính cách phiếm… loạn của Song Thao, nên tôi cho đấy cũng là một bản tin văn nghệ khá đặc biệt:


“Từ một người viết truyện ngắn (may quá, hình như ông không làm… thơ. May quá!) nhà văn Song Thao, trong vòng trên dưới một thập niên, đã chuyển sang viết… phiếm.


“Sự thành công liên tiếp của ông, trong lãnh vực mới này, qua những tập phiếm dày cui và, những chuyện phiếm được nhiều trang mạng, cũng như báo giấy đăng tải (có và quên trả tiền nhuận bút,) đã biến ông thành một thứ “siêu sao” trên sân khấu… phiếm loạn. (4)


“Ông phối hợp võ công hư ảo của Ba Tư và, chưởng lực kỳ bí của Tây Vực (nói theo chuyện chưởng của Kim Dung,) đã giúp ông sớm thành một trong những cao thủ trên ‘võ đài phiếm’ hải ngoại.


“Với sự tiếp tay của các ‘kiếm khách bịt mặt’ như Kha Trấn Ác/Luân Hoán, Trang chủ Cà Na Trang/Hoàng Xuân Sơn… chỉ trong vòng ít năm, “Phiếm chủ” Song Thao đã lưu lại giang hồ 7 ‘kỳ tích’ cực kỳ ‘hoành tráng.’ Kỳ tích nào của ông cũng rộng lớn về không gian, cũng như số… trang!


“Với đủ thứ võ công… cười. Từ cười mỉm chi, cười nửa miệng, cười nắc nẻ (như bị cù léc,) tới cười… nhạt và, luôn cả ‘cười không nổi…’’ dư luận đồn dãi rằng nhà văn của chúng ta đã tậu được tới mấy ‘ô tô con,’ để di chuyển đó đây. Thay vì ông phải ‘vận cước đằng vân’ và… hú ầm ầm như đại ca Dương Qua!


“Tôi cho rằng ‘Phiếm chủ’ Song Thao từ chối biểu dương võ công kiểu này, cũng tốt thôi! Bởi vì nó vừa bớt hao tổn chân khí (vốn không còn được bao nhiêu,) lại vừa đỡ mất thì giờ (cũng còn khá ít;) chưa kể, loạng quạng, có khi trúng ám khí của các nữ hiệp thì, sẽ thập phần… mất vui!


“Theo một nguồn tin yêu cầu ‘quên tên tôi đi’ cho biết, trong năm Canh Dần, (cọp không phải đàn bò vào thành phố,) ‘Phiếm chủ’ Song Thao sẽ tung vào thế giới sách vở đang ‘xuống cấp can không nổi,’ ‘phiếm chưởng’ thứ tám của ông.


Nghe đâu, lần này, ngay ở bìa sách, tác giả sẽ cho ‘chạy’ một ‘xì lô găng,’ rằng:


“Bảo đảm nếu không cười, được hoàn lại tiền… tươi!”


“Vẫn theo nguồn tin này thì ngay sau đấy, nhà văn Song Thao lại khẳng định:


“Cười hay… nhăn thì cũng một nghĩa như nhau mà thôi…


“Nghĩa là chúng tôi ‘bố cáo’ trước rằng, chúng tôi sẽ từ chối việc ‘hoàn lại tiền’ đấy, quý vị ạ…”


(5 tháng 8, 2012)

DU TỬ LÊ


 

------------

Chú thích:


(1) Chúng tôi cố tình nhấn mạnh hai chữ “trước đây” vì sau này, cùng với thời gian, tinh thần chống lấy chồng ngoại của người Việt đã thay đổi.


(2) Nhà thơ Tú Xương, tên thật Trần Tế Xương. Ông sinh ngày 5 tháng 9, 1870, tại Nam Ðịnh. Ông mất ngày 29 tháng 1, 1907, cũng tại Nam Ðịnh. Có tư liệu gần đây, ghi nhận rằng bài “Gọi Ðò” được Tú Xương viết sau khi nhà cách mạng Phan Bội Châu ghé thăm ông.


(3)Nhà văn Vũ Trọng sinh ngày 20 tháng 10, 1912 tại Hưng Yên. Ông mất ngày 13 tháng 10, 1939 tại Hà Nội, khi mới 27 tuổi..


(4) Nhà văn Song Thao tên thật Tạ Trung Sơn, sinh năm 1938 tại Hà Nội. Cùng gia đình, ông hiện cư ngụ tại Montreal, Canada ./.


source: https://www.nguoi-viewt.com>


===========

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ