Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

bài đọc thêm (2) : " Anh hoa phát tiết ra ngoài" / bài viết : Trần Thị Bông Giấy -- source: Newvietart.com / Việt Văn Mới ( France)

 





Anh hoa phát tiết ra ngoài 

Trần Thị Bông Giấy 


Xem hình

Tên thật : Trần Thị Thu Vân .
Chào đời tại Huế, lớn lên tại Sài Gòn.
Trước 1975 sinh sống tại Đà Lạt.
Hiện đang ở San José, Californie, Hoa Kỳ
Đã in hàng chục tập sách gồm bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết


(Nguyên thủy bài được viết vào ngày 29/12/1992. Sau gần 19 năm bị vùi quên trong mớ sáng tác dang dở, bài được lục tìm vào ngày 29/11/2011, thứ ba).

San Jose, tháng 12/1992. Một ngày…

I.

i đang ngồi nơi bàn viết, TNH (vừa đưa Âu Cơ khi ấy mới 5 tuổi đi học về), đến cạnh, giơ ra một bức tranh theo lối con nít vẽ, hỏi:

"Em có ngờ bức tranh này là do Âu Cơ �?sáng tác’ không?"

Tôi cầm lên xem. Bức vẽ với vài nét quẹt đơn sơ bằng bút mực màu xanh lá cây đậm thành hình dáng một người phụ nữ. Đôi mắt là hai vạch không đều, ngả nghiêng to nhỏ. Một chấm đen thật lớn, biểu tượng cho hai cánh mũi. Cái miệng được đánh một vòng màu đỏ thật rộng từ mang tai này qua mang tai kia. Hai cánh tay khẳng khiu. Chiếc váy đầm xoè ra. Hai chân giống như đang đứng nhón trên đôi giày mũi nhọn. Trên mái tóc là một cái nơ màu đỏ thật lớn. Dưới tà váy là chữ ký quen thuộc: Âu Cơ.

Tôi ngắm bức tranh, cảm nghe thích thú vì sự ngộ nghĩnh lạ kỳ và có nét quyến rũ riêng của nó. Lại nghe TNH bày tỏ:

"Số báo Văn Uyển Mùa Đông 1992 Bộ Mới năm thứ tư kỳ này, bố sẽ dùng bức tranh Âu Cơ làm bìa."

Tôi quay sang hỏi Âu Cơ đang đứng cạnh TNH, dáng băn khoăn chờ đợi:

"Con vẽ ai vậy?"

Giọng nó đầy hãnh diện:

"Mẹ!"

Tôi đùa:

"Con không thương mẹ sao mà vẽ mẹ xấu quá vậy?"

Tức thì đôi mắt nó trông tiu nghỉu hẳn:

"Con xin lỗi mẹ nghe! Con đâu biết vẽ Người. Con chỉ biết vẽ Ma thôi!"

TNH lại lôi từ trong túi một tấm khăn ăn bằng giấy đã nhầu nát:

"Còn cái này nữa."

(Rồi đọc):

"M�?T

Con chim đậu trên cây xương rồng
Mặt trời đậu trên lưng con chim
Mặt trời làm con chim nóng quá
Con chim bực mình bay mất tiêu luôn!

HAI

Con ma không biết mang giày
Đôi giày tự nó biết đi
Con ma không biết mang găng tay
Đôi găng tay tự nó biết bay."

Tôi buột miệng:

"Bài thơ dễ thương quá!"

Tức thì Âu Cơ giơ tay tự chỉ vào ngực mình:

"Chính con làm ra đó! Con nhìn vô sách hình rồi giảng cho bố nghe."

TNH xác nhận:

"Đúng. Đang lái xe, nghe Âu Cơ đọc lên, thấy hay quá, bố vội tắp vô lề ghi ngay lên tờ giấy lau miệng. Nó chỉ nhìn vào sách hình, tưởng tượng ra mà đọc."

Rồi TNH lắc đầu nói với tôi:

"Cái nghiệp nghệ thuật, thế nào Âu Cơ cũng không thoát được."

Tôi cũng nghĩ như TNH.

Âu Cơ có nhiều điều khá bất thường so với đám con nít và với cả Vân San khi ở vào cái tuổi hiện tại của nó. Không thiếu gì các món đồ chơi được bố mẹ và cả bạn bè bố mẹ mua cho, vậy mà Âu Cơ chỉ tỏ ra ưa thích các quyển sách. Từ khi 3 tuổi, một chữ bẻ làm hai cũng chưa biết, vậy mà một mình nó đã sở hữu đến mấy chục cuốn sách bằng tranh do tự chính tay nó chọn mỗi khi theo chúng tôi vào tiệm sách. Đi đâu, Âu Cơ cũng kè kè trong cặp dăm ba quyển, ngồi đâu cũng giở sách, tưởng tượng theo tranh vẽ, rồi đọc lên những lời tự nó sáng chế ra.

Điểm khác nữa là Âu Cơ rất mê âm nhạc và có cái tai nghe nhạc rất tốt. Bất cứ bài bản nào tôi dạy học trò, nó đều thuộc nhuyễn rồi bắt chước đàn lại từng note rất đúng, dù rằng kỹ thuật các ngón tay hoàn toàn sai bét. Mỗi khi nghe đâu đó một khúc cổ điển Tây Phương là nó vội kêu lên:

"Đây là nhạc Beethoven!" (Mozart, Chopin…)

Khi viết về tiểu sử Edgar Allan Poe, một lần vui miệng, tôi kể cho Âu Cơ nghe rằng Edgar Poe mất mẹ từ khi hai tuổi. Vậy là nó ra chiều cảm động lắm, cứ lân la bắt kể thêm về cuộc đời các danh nhân khác, về Pushkin, Van Gogh, Émily Bronté… rồi sau đó chính nó đem kể lại cho Bà Ngoại nghe vanh vách từng chi tiết một.

Một tối, Âu Cơ đến cạnh tôi, hỏi:

"Mẹ có �?dzẳng’ không?"

Tôi đáp:

"Mẹ không rảnh, đang làm việc. Chi vậy?"

Nó đáp thản nhiên:

"Con tưởng mẹ �?dzẳng’, con đọc một �?bài thơ quí báu’ cho nghe!"

Thấy lạ, tôi gật đầu:

"Con đọc thử nghe coi!"

Thế là nó giở ra một trang hình không có chữ viết của cuốn sách đang cầm trên tay, nhìn vào và đọc lên theo sự tưởng tượng riêng thành một "bài thơ quí báu".

"Bài thơ quí báu" trở thành là từ ngữ đầu môi của nó để lúc nào nó cũng sẵn sàng hỏi tôi hoặc TNH:

"Mẹ (bố) có �?dzẳng’ không, con đọc �?bài thơ quí báu’ cho nghe?’

Lúc bốn tuổi, một hôm tôi nghe Âu Cơ hỏi:

"Sao chú Trần Quảng Nam, chú Đằng Sơn kêu mẹ là �?chị Thu Vân’, còn bác Trần Ngọc, ông Lê Tư Vinh lại kêu mẹ là �?Bông Giấy’. Giấy là tên con mà? Sao kỳ quá vậy?"

Tôi giải thích:

"Thu Vân là tên thật của mẹ, do ông bà ngoại đặt. Cũng như Âu Cơ là tên thật của con do bố mẹ đặt. Còn TTBG là bút hiện mẹ chọn, và Giấy là nickname của con, tên gọi trong nhà."

Nhà văn Trần Thị Bông Giấy

Nó thắc mắc:

"Bút hiệu là gì?"

Tôi lại phải giảng giải:

"Là khi mình viết văn hay làm thơ, mình ký bài viết ấy bằng một cái tên do chính mình đặt ra, gọi là bút hiệu."

Tức thì Âu Cơ kêu lớn:

"Con lấy bút hiệu Dã Chừng được không?"

Tôi kinh ngạc:

"Dã Chừng? Con nghe ai nói chữ ấy vậy?"

"Không ai cả. Con vừa tự chế ra", nó trả lời, vẻ rất hãnh diện.


Vậy là từ đó, hễ đọc lên bất cứ "bài thơ quí báu" nào cho tôi, TNH hay Bà Ngoại nghe xong, Âu Cơ đều nói:

"�?Bài thơ quí báu’ này phải ký bút hiệu Dã Chừng.’"

(Theo điều này, đôi lúc làm nên vài câu thơ nho nhỏ, TNH đều đưa tặng Âu Cơ để nó ký tên Dã Chừng bên dưới. Ví dụ:

"Mưa ngày ngập trí nhớ đêm
Nhớ tôi. Chỉ một trái tim điên rồ
Nhớ hôm xưa đến bây giờ
Trong cơn nhớ quá, tình cờ lại quên "

(Thơ TNH, ký tên Dã Chừng, đăng trên Văn Uyển bộ mới, Xuân 1992).


II.


Còn rất nhỏ vậy mà Âu Cơ đã sớm tỏ lộ bản chất độc lập, cương quyết. Nó hay dùng chữ "dứt khoát" trong mọi câu nói. Ví dụ: "Con �?dứt khoát’ phải đi ngủ.", "Con �?dứt khoát’ phải làm cái này (cái kia…)".

Để rồi từ chữ "dứt khoát" quen thuộc ấy mà TNH đã sáng tác nên bài thơ đăng trong Văn Uyển bộ mới Đông 1991 nhân dịp mừng sinh nhật 4 tuổi của Âu Cơ.


MỖI SỢI TÓC MỌC HOÀI M�?T NIỀM HẠNH PHÚC.

“Dứt khoát” là niềm vui
Dù lúc con cười hay khi con khóc
Trong hơi thở thơm tho của con
Mặt trời luôn luôn mọc
Mặt trời mọc ở trái tim bố
Trái tim ngang dọc những vết thương đời.
“Dứt khoát” là niềm vui
Dù buổi chiều đang hấp hối
Vì buổi trưa hay buổi tối
Của con
Chỉ cần là một chiếc “ối” có mùi riêng của mẹ.
Đầu mỗi sợi tóc bạc là một giọt buồn rất nhẹ
Bởi từ gốc mỗi sợi tóc
Đã mọc lên hoài nỗi hạnh phúc con
Bệt nước miếng thơm trên gò má sau mỗi lần hôn
Con đã mở ra
Những thiên đàng có thật
Trong hơi thở con bố có đủ rồi hạnh phúc
.

(“Ối” -nghĩa là “gối”- theo lối nói ngọng của Âu Cơ).

Bản chất “độc lập đầy nam tính” cũng tỏ ra trên hành động. Mới bốn tuổi mà Âu Cơ đã biết cầm búa cầm đinh tự đóng vào tường cho mình một chỗ móc đồ chơi. Bà Ngoại hỏi:

“Ai dạy con đóng đinh vậy?”

Nó trả lời:

“Con tự dạy! Con thấy mẹ biết đóng đinh nên con cũng đóng.”

Luôn cá tính biết “tự kềm hãm”. Ví dụ một lần đứt tay, máu chảy lênh láng, nó vẫn bặm môi không khóc. TNH hỏi tại sao không khóc, nó đáp dửng dưng:

“Mẹ ghét khóc lắm. Mẹ nói mẹ không bao giờ khóc. Con muốn giống mẹ!”

Cũng vì lối nói năng kẻ cả trịch thượng này mà chẳng đứa học trò nào ngang ngang tuổi nó trong lớp dạy tôi lại thích chơi đùa với nó. Nhiều lần bị các đứa bé “nghỉ, không chơi nữa”, Âu Cơ đều chạy vào than với tôi:

"Mẹ ơi, con buồn quá! Con không có bạn."

Một bữa lại nghe nó than buồn vì không có bạn, tôi trả lời :

"Con có nhiều bạn lắm chứ!"

Nó tỏ vẻ ngạc nhiên.

Tôi đưa tay chỉ lên hai bức tường đầy sách:

"Bạn con là mẹ, là Beethoven, Mozart, Chopin, là Pushkin, Edgar Poe, Van Gogh… và nhiều nữa. Con cứ ráng học cho gỉỏi để đọc sách, ngắm tranh, nghe âm nhạc của họ, con sẽ thấy Họ là bạn và Họ cũng sẽ rất thích chơi với con."

Từ đó mỗi lần giở ra một quyển tranh của một tác giả lớn nào, chỉ từng bức cho Bà Ngoại xem, Âu Cơ đều nói thêm, vẻ rất hãnh diện:

"Các bức tranh này là do �?Bạn con’ vẽ!"

Những thời kỳ Mẹ tôi trở về Âu Châu, trong tất cả các cuộc đàm luận văn chương cuối tuần tại nhà tôi, Âu Cơ đều có mặt, ngồi lặng im cạnh tôi điệu rất nghiêm chỉnh, không tỏ ra lăng xăng hay buồn nản. Nếu có buồn ngủ thì tự động nằm lăn ra sàn, đầu gối lên đùi tôi ngay trong chiếu ruợu mà ngủ.

Trong số những khách thường xuyên, người được Âu Cơ quấn quít nhất là chú nhạc sĩ trẻ tuổi Nguyễn Dũng, từng là học trò Trần Quảng Nam và đã cho chào đời một cuốn CD có những sáng tác với lời ca trữ tình phong phú.

Theo lý luận của Âu Cơ, sở dĩ "thích chú Dũng" vì "chú Dũng chịu làm học trò!" của nó.

Với điều này tôi hỏi:

"Con dạy được gì cho chú Dũng?"

Nó đáp tỉnh queo:

"Con dạy chú đọc ê bi xi (a b c) rồi đọc one là một, two là hai, three là ba… vậy mà! Nếu chú đọc sai thì con lấy thước gõ vào tay chú!"

Nó cũng thân với Đằng Sơn vì Đằng Sơn tỏ ra rất thích thú với cái bút hiệu Dã Chừng của nó, làm cho nó tự cảm thấy mình thành như quan trọng. Thêm nữa, nó quấn Đăng Lạt, không gọi Đăng Lạt bằng bác mà là "Ma Lạt". Có thắc mắc với chữ "Ma" thì nghe nó đơn giản giải thích:

"Tại vì bác Đăng Lạt ốm như con ma!"

Nó hay đem khoe với Đăng Lạt những bức tranh do chính tay nó vẽ trong lớp Mẫu giáo, còn bảo rằng lớn lên muốn vẽ tranh đẹp như Van Gogh! Nếu có hỏi Van Gogh là ai, nó thản nhiên đáp:

"Là ông họa sĩ điên!"

Bạn bè chúng tôi ai cũng thích thú với khả năng nói nhuyễn tiếng Việt và sử dụng ngôn ngữ VN một cách chính xác đầy văn chương tính của nó. Ví dụ nếu tôi bảo:

"Hôm nay trời nóng quá!"

thì Âu Cơ tiếp ngay câu nói:

"Hèn chi con thấy bà mở toang cửa sổ."

Nó thường hay đến cạnh mà ôm ghì tôi, kêu lớn:

"Con thương mẹ lắm! Thương mẹ bằng ông Trời!"

TNH nghe vậy, hỏi:

"Còn bố, con có thương không?"

Nó gật đầu:

"Có chứ! Nhưng ít thôi!"

Tôi hỏi:

"Ít là cỡ nào?"

Nó vụt đáp:

"Bằng cái mũi đinh!"

Cả tôi lẫn TNH đều kinh ngạc. "Ông Trời" đối nghịch với "mũi đinh"! Quả là một lối so sánh và hình dung rất lạ trong cái đầu tưởng tượng của một con bé chưa đầy năm tuổi!

Một bữa, thấy tôi ngồi gục trên ghế, miên man trong những suy nghĩ, Âu Cơ đến cạnh, giơ tay vỗ vỗ vào lưng tôi, vẻ rất âu yếm:

"Mẹ đừng buồn! Anh San không đi luôn đâu mà sợ. Anh San mê bạn mê bè chút đỉnh thôi rồi tối ảnh cũng về nhà ngủ."

Tôi kinh ngạc vì lời và lối nói chững chạc của nó, lắc đầu cười:

"Mẹ đâu có buồn anh San…"

Chưa dứt câu thì đã nghe nó tiếp:

"Không lý mẹ buồn con? Con đâu có mê bạn mê bè để mẹ buồn? Con chỉ mê sách và mê mẹ thôi mà!"

Rồi với vẻ nghiêm trọng, đôi mắt nheo nheo, nó đi luôn một tràng giảng giải với tôi thật lưu loát:

"Con nghĩ là đừng bao giờ mẹ la anh San trước mặt người ngoài hết, kỳ lắm! Anh San bị mẹ la trước mặt người ngoài nên mắc cỡ, bỏ đi luôn đó! Mẹ hứa đừng bao giờ la con với anh San trước mặt người ngoài nghe?"

Tôi thấy tức cười, thú vị vì lối lý luận chính xác của nó, nghe nó tiếp:

“Mẹ có thể la người ngoài, nhưng đừng la con với anh San vì con với anh San là người trong. Ví dụ như mẹ la chú Trần Quảng Nam thì được!”

Tôi hỏi:

“Còn chú Nguyễn Dũng, chú Đằng Sơn, bác Đăng Lạt thì sao? Mẹ la được không?”

Nó lắc đầu quầy quậy:

“Không được! Tuy rằng chú Nguyễn Dũng, chú Đằng Sơn, bác Đăng Lạt là người ngoài, nhưng họ là bạn con, con nghĩ mẹ không nên la!”

Tôi bật cười:

“Chú Trần Quảng Nam cũng là bạn bố mẹ, la sao được?”

Tức thì Âu Cơ phân biện:

“Đúng rồi, nhưng chú Nam mỗi lần đến uống rượu với bố mẹ, cứ hay chọc con làm con giận lắm.”

Rồi nó e dè hỏi:

“Con muốn kêu anh San đánh chú Nam một trận, mẹ nghĩ là bố có buồn không?”

Tôi ngạc nhiên:

“Sao con hỏi vậy?”

Âu Cơ đáp:

“Vì chú Nam là bạn của bố, con sợ ổng thương chú nên bênh chú.”

Tôi cười xòa:

“Nhưng bố thương con hơn thương chú Nam.”

Ngày 20/12/1992, vừa đúng 5 tuổi 2 tháng 11 ngày, Âu Cơ bắt đầu được tôi tập cho viết nhật ký (mà luôn luôn nó gọi rằng “vẽ thư ký”) Nghĩa là đêm đêm trước khi đi ngủ, tôi bắt nó nhớ lại tất cả mọi chuyện xảy ra trong ngày rồi đọc vào máy thâu âm tất cả những nhận định. Sau đó, tôi viết xuống giấy, giữ nguyên văn từng chữ nghe được. Nó tỏ ra rất hứng thú với điều này, đêm nào cũng tự nhắc tôi cùng “vẽ thư ký”.

Có những đoạn đọc với những nhận xét rất mạch lạc, ví dụ đoạn sau đây (hẳn nhiên phần kỹ thuật chấm phết câu cú là do tôi phân định thêm thắt):

San Jose, thứ năm 24/12/1992

Hôm nay ngày Noel. Buổi tối Giấy và mẹ đến bên cây Noel. Mẹ biểu Giấy:

“Con mời Bà lên mở quà đi”.

Lúc đó Bà đang rửa chén dưới bếp.

Giấy chạy xuống kêu bà:

“Dạ thưa Bà lên mở quà!”

Ba người, Bà, mẹ và Giấy bắt đầu mở quà. Thấy có nhiều hộp kẹo chocolate của học trò mẹ cho.

Giấy có bốn hộp quà trong đó có hai áo màu hồng màu tím. Có áo màu tím quần màu tím, áo màu hồng quần màu hồng. Một quà là của bác Uyển mẹ chị Hạnh bạn của anh San cho. Một quà học trò mẹ tên Hồng Trâm cho. Một quà là áo đầm màu hồng của cô Tami mẹ chị Michelle học trò mẹ cho. Một quà là con búp bê của học trò mẹ tên chị Uyên Di cho.

Bố gọi điện thoại cho chú Trần Quảng Nam và chú Đằng Sơn. Bố nói “Tới đây nhậu nhẹt”.

Chú Đằng Sơn và chú (Nguyễn Quang) Vinh 10 tới trước. Mẹ đi nấu ăn cho mấy bạn của bố nhậu nhẹt.

Chú Vinh và chú Đằng Sơn ngồi nhậu nhẹt dưới đất với bố mẹ. Bố đuổi Giấy đi qua phòng Bà tại vì bố sợ khói thuốc. Lúc đầu Giấy không chịu đi. Bố bắt nằm xuống để đắng (đánh; nói ngọng) vô đít �?thúi ình’ của Giấy. Nhưng Giấy năn nỉ “Bố tha cho con!”

Bố hỏi: “Muốn đắng mấy roi?”

Giấy nói: “Đắng một roi thôi!”

Sau cùng bố chẳng đắng roi nào cả.

Bố hỏi Giấy ăn kẹo không?

Giấy nói “Dạ thưa bố ăn.”

Bố lấy hai cái kẹo chocolate của mẹ cho Giấy.


Bố hỏi: “Bây giờ có chịu đi qua phòng Bà không?”

Giấy đành phải đi qua phòng Bà coi phim Tàu với Bà.

Giấy buồn ngủ. (Giấy quên nói cái đoạn lúc bố cho kẹo thì Giấy dặn bố hứa là nhậu nhẹt xong nhớ nói mẹ qua ẵm Giấy về ngủ với mẹ.)

Giấy ngủ với Bà. Bà kêu bên lỗ tai Giấy:

“Con ơi dậy đi tiểu!”

Giấy tỉnh dậy không đi tiểu mà chạy tọt qua mẹ, thấy cô Thanh Mai 11 với chú Nam, chú Đằng Sơn và chú Vinh vẫn còn nhậu nhẹt cùng bố mẹ. Giấy chạy tọt vô ngồi trên bụng mẹ.

Một lát Giấy chạy qua chỗ chú Vinh. Chú Đằng Sơn lấy bắp cho Giấy ăn. Còn chú Vinh thì lấy đồ chơi trong cái bánh Noel của chú Đằng Sơn mang lại, đưa cho Giấy.

Giấy thấy chú Đằng Sơn cãi lộn với chú Nam. Bố cũng cãi luôn. Còn mẹ ngồi lắng tai nghe. Chú Vinh thì chơi với Giấy. Cô Thanh Mai nằm ngủ trên cái �?cục’ (ý nói cái beam bed).

Lâu thiệt lâu mấy chú đi về. Giấy bye chú Vinh.

Bố đi theo họ. Giấy bye bố luôn.

Chú Nam biểu Giấy bye mà Giấy không chịu bye. Giấy giận chú Nam tại vì chú Nam hay chọc Giấy, mỗi lần chú đến uống rượu với bố mẹ thì hay cởi vớ thúi ra bắt Giấy ngửi sẽ cho 10 đồng. Giấy không chịu ngửi nhưng vẫn ghét chú.

Mấy chú đi về, Giấy được ngủ với mẹ, Giấy thích lắm.”

III.

Nhận xét về Âu Cơ, nhiều lần TNH đưa ra nhận định:

“Cá tính Âu Cơ cứng cỏi quá, trán vồ, lại thêm hai xoáy! Nó đối xử với bất cứ ai cũng đều rất vụt chạc, chỉ riêng em nó mới tỏ ra lép vế mềm mỏng. (Nhấn mạnh) “Phải nói là nó ái mộ và cưng chiều em lắm!”

TNH thở ra:

“Với cá tính làm cái gì cũng muốn làm cho được, bố sợ lớn lên nó sẽ chẳng có mấy người bạn.”

Tôi đồng ý nghĩ với TNH. Vì vậy trong tôi, cái khuynh hướng lèo lái Âu Cơ đi vào con đường văn chương lại càng mạnh mẽ. Rồi mỗi lần nghe mẹ tôi bảo:

"Nên tránh đừng cho Âu Cơ đi vào con đường nghệ thuật, đời không khổ như con đã trải!"

là tôi đều phản đối:

"Có nghệ thuật, con tin rằng đời nó đỡ khổ hơn!"

Đây cũng là ý nghĩ làm dày vò tôi nhiều nhất theo tình cảm dành cho đứa con trai lớn. Hai đứa con cùng chung dòng máu mẹ mà hai tâm tính có nhiều khác biệt. Tuy cũng được cho học dương cầm nhạc cổ điển Tây Phương từ nhỏ, nhưng cho tới bây giờ, Vân San vẫn không thích đọc sách, không thích hội họa và chưa từng mơ mình là nghệ sĩ. Trước những vấn đề thuộc các lãnh vực trên, nó tỏ ra rất xa lạ, mù mờ.

Dẫu rằng mỗi người cưu mang một định mệnh và có cái nhìn riêng về cuộc sống để không thể nói cho chính xác rằng “ai sai ai đúng”, nhưng trên tình mẹ cho cả hai đứa con, tôi luôn luôn cảm nghe đau khổ vì những thiếu sót nghệ thuật trong tâm hồn đứa con trai lớn. Điều đó, phải nhận, chính là một phần lỗi của tôi gây ra từ trước. Cái gia tài tinh thần, ngày xưa tôi đã không dành nhiều thì giờ mà un đúc cho Vân San, như bây giờ Âu Cơ đang được rút tỉa từng chút một từ chính bàn tay gầy dựng của tôi.

Vả, nếu nói như Goethe:

"Không có lối nào dẫn vào đời sống một cách chắc chắn cho bằng đi qua nghệ thuật và cũng không có lối nào thoát khỏi đời sống một cách chắc chắn hơn bằng đi qua nghệ thuật", thì rõ ràng cả "lối dẫn vào" lẫn "lối thoát ra" này, Vân San ít may mắn hơn dưới cái nhìn của một người mẹ như tôi. ./.


  

Cali, ngày 29/11/2011, thứ ba.


TRẦN THỊ BÔNG GIẤY



source: Newviertarrt.com ( Việt Văn Mới)



================



0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ