Thứ Bảy, 3 tháng 4, 2021

' Chiều cuối năm, thăm tác giả " Áo Mơ Phai" ' / bài viết: Đinh Quang Anh Thái -- source; VOA

 

Chiều cuối năm, thăm tác giả ‘Áo Mơ Phai’

06/12/2017

Nguyễn Đình Toàn. --   (hình: Đinh Quang Anh Thái)

Đinh Quang Anh Thái


Tình ca, những tiếng nói thiết tha và tuyệt vời nhất của một đời người bao giờ cũng bắt đầu từ một nơi chốn nào đó: một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau. Tất cả mùa màng, thời tiết, hoa lá, cỏ cây của cái vùng đất thần tiên đó, kết hợp lại làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta. Em đâu ngờ, anh còn nghe vang tiếng em trong tất cả những tiếng động ngù ngờ nhất của những ngày sung sướng đó. Tiếng gió may thổi trên những cành liễu nhỏ, tiếng những giọt sương rơi trên mặt hồ, tiếng guốc khua trên hè phố, ngần ấy thứ tiếng động ngân nga trong trí tưởng anh một thửa thanh bình nào, bây giờ đã gần im hơi, nhưng một đôi khi vẫn còn đủ sức làm ran lên trong ký ức một mùa Hè háo hức, một đêm mưa bỗng trở về. Gió cuốn từng cơn nhớ, anh bỗng nhận ra, anh vẫn còn yêu em, dù chúng ta đã xa nhau như hai thành phố.”

Nhà văn Nguyễn Đình Toàn mở đầu như thế, trong chương trình “Nhạc Chủ Đề Tình Ca Quê Hương” do anh phụ trách hàng tuần vào mỗi tối Thứ Năm trên làn sóng Đài Phát Thanh Sài Gòn trước năm 1975.

Giọng Bắc, sang, trầm, buồn, tác giả “Áo Mơ Phai” đã làm say đắm lòng người với hàng trăm buổi tối “Nhạc Chủ Đề”. Thuở ấy, nhiều người, bận gì thì bận, tối Thứ Năm cũng phải về để bắt kịp Nguyễn Đình Toàn:“Chiều đang xuống trên đường về, mệt mỏi giăng mắc quanh tôi, như vòng tay của tình yêu quyến rũ. Sương lam buông kín trên ngọn cây như khói của buổi chiều đang thắp hương cầu nguyện. Tôi yêu em như con ong say mật ngã vào lòng bông hoa. Tình yêu giống như cái chết nuốt trôi tất cả. Trong đám cỏ may, tiếng gió nào đang khóc và trên trời, những đám mây bay giống như những kẻ bại vong. Chiều trở về trong nỗi tiếc thương. Lòng ta ta không hiểu nữa là ai thấu hiểu. Hỡi em, tình yêu giống như cái chết, nuốt trôi tất cả. Đêm bắt đầu trải dài dưới bước chân đi, sao trên cao nín thở đếm thời gian, trăng ẻo lả bơi trong đêm chìm lặng. Hỡi em, tình yêu giống như cái chết, nuốt trôi tất cả.”

***

Một buổi chiều cuối năm, đến thăm tác giả “Áo Mơ Phai”.

Bước ra khỏi xe, ngước nhìn lên căn nhà trọ, đã thấy bóng anh hắt qua khung cửa sổ. Anh nhìn xuống, tôi đoan chắc là anh chỉ thấy thấp thoáng bóng người từ xa. Mắt anh đã mờ, vì khói bụi cuộc đời – và cả tình người - kể từ ngày thoát khỏi những năm tháng nghiệt ngã trong nhà tù; rồi đặt chân đến Mỹ.

Căn nhà trọ một phòng u ám, anh đứng dậy mở cửa, lưng như trĩu xuống vì sức nặng cuộc đời, lao chao như vừa thoát ra khỏi cái bóng của ngọn đèn vàng vọt trên trần chiếu xuống bàn ăn.

Trở lại chỗ ngồi cố hữu nơi cửa sổ, giọng anh yếu, nhưng vẫn còn hơi hướng Nguyễn Đình Toàn vào mỗi tối Thứ Năm ngày nào. Anh bảo, chán thật, thế mà đã ngoài “tám bó.” Nghe mà giật mình, thoáng chốc anh đã bước vào tuổi 82.

Nhớ những buổi tối Thứ Sáu vừa ra khỏi tù năm 1984, trên căn gác nhà bác Dzoãn Quốc Sĩ, bác gái cho ăn bữa cơm đạm bạc, có anh Nguyễn Đình Toàn, anh Thanh Tâm Tuyền và anh Duy Trác. Chỉ là kẻ hậu bối hàng con cháu, tôi ngồi hóng chuyện những tên tuổi lẫy lừng của làng văn, và học được vô số điều trân quý. Giá lúc ấy anh Toàn đồng ý cùng tôi đào thoát và may mắn như chuyến đi của tôi ít tháng sau đó, anh đã có thể chữa được bệnh mắt. Hỏi anh sao nhất quyết ở lại, anh bảo, nghệ sĩ như cái nhau của thai nhi và quê hương như bà mẹ, một khi cái nhau bị cắt rời khỏi cuống là lúc nguồn nuôi dưỡng trực tiếp đứa bé không còn nữa.

Ngày chia tay anh ở Sài Gòn, thoắt cái đã hơn 30 năm. Rốt cuộc anh cũng đành phải ra đi. Hỏi anh, quê hương trong anh bây giờ ra sao, anh nói “tận cùng của tình yêu chính là nỗi nhớ quê nhà; đôi lứa là quê nhà; hạnh phúc lẫn khổ đau cũng là quê nhà,” rồi anh cho nghe một đoạn anh từng đọc năm nào nơi quê hương giờ đây đã cách xa nửa vòng trái đất: “Ngày đã tàn nhưng mưa chẳng chịu ngừng giây lát, chiều âm u như giấc ngủ không yên. Những cành tre nào lạ ngọt dưới những giọt nước u sầu. Quê hương ở phương nào trong bốn phương mù mịt. Tiếng chim kêu buồn trên những cành cây khô. Ngày sắp tàn cùng với cuộc tình đã rũ áo ra đi. Tình yêu rực sáng như trân châu trong bóng mờ của trái tim ẩn kín đã tắt cùng với ánh sáng thảm thương của một ngày Thu buồn nhưng cũng đủ làm vọng lên trong ta những giây phút hoan lạc của một thời nơi quê nhà yêu dấu. Bên bếp đỏ tro than, em hãy hơ nóng hai bàn tay rét mướt. Ngày gần nhau đã vĩnh viễn xa rồi. Liệu có kiếp nào mai sau cho chúng ta những ngày đầm ấm?”

Hỏi anh giờ này anh mong gì, anh nói, chả biết mình mong gì nữa, “ngày hai bữa nấu cơm cho vợ ăn là đủ hết ngày rồi”, còn mong gì nữa.

Chị Hồng, vợ anh đau bệnh. Mà chính bản thân anh cũng nào khá hơn, anh cũng đã “làm bạn” với tật bệnh từ nhiều năm nay.

Tôi gợi lại anh về “Nhạc Chủ Đề Nguyễn Đình Toàn”, anh nói, chắc chẳng còn bao người nhớ đến; thế hệ trẻ bây giờ, khó cho họ để cảm được cái cảm của một thời vang bóng đó. Tôi nói với anh, dù thế nào chăng nữa thì vẫn phải “gìn vàng giữ ngọc”, vì đó là dấu ấn trong lòng nhiều người trong một giai đoạn tan nát nhất của đất nước.

Hai anh em ngồi với nhau, có những lúc thinh lặng không một lời. Tôi cảm được nỗi cô quạnh đang bủa vây anh. Tôi nói, anh cho em nghe thêm đi, những lời thì thầm anh vẫn cất lên vào những tối Thứ Năm xưa cũ.

Tình chúng ta bắt đầu vào một Thu rất xa xôi, khi những chùm Hoa Thạch Thảo ngát hương trên những lối đi quanh. Mùa Thu bắt đầu trên giòng sông bát ngát. Mùa Thu nhuộm vàng những cách rừng. Mùa Thu với áo mơ phai, chiều võ vàng, với xác hoa trên mình bướm. Em đã đến với anh như đám mây Tháng Bảy nặng mưa rào. Em hãy đừng quên, dù bây giờ mùa Thu đã chết. Những mùa Thu khác có thể trở về nhưng mùa Thu của chúng ta đã chết. Anh không bào giờ quên những ngày sung sướng, hạnh phúc đó. Đừng quên nhau, dù đôi chúng ta chẳng còn tao phùng được nữa.”

“Hãy cầu nguyện cho tình ta dù một ngày tình đã vỡ tan. Cầu nguyện cho sự yên vui hằng cửu của mỗi người. Cầu nguyện cho sự tình cờ sầu hận đã đưa chúng ta đến với nhau. Khi em bước ra khỏi đời, anh chỉ còn hai bàn tay không với những chuỗi ngày cô quạnh. Đời có người khôn ngoan, có kẻ dại khờ. Có những đôi mắt cười, có những đôi mắt khóc. Riêng trong mắt anh, có điều gì như đang tan trong lòng. Em làm sao hiểu được từ ngày em bỏ đi, anh đã rã mục dưới gánh nặng của trái tim. Có những người tiến xa trên đường đi, có những kẻ lẽo đẽo theo sau. Có người tự do, có người tù túng. Riêng anh đứng lại rã rời dưới gánh nặng u buồn của trái tim mình.”

Em có nhìn thấy mây giăng kín buổi chiều, nhìn thấy giòng sông trôi. Ngày đã muộn và con thuyền đã theo sóng trôi xa. Em có nhìn thấy mây giăng kín bầu trời, nhớ lại những ngày chúng ta còn gần nhau. Những trận gió từ phương Nam thổi về lòng anh đầy nỗi nhớ nhung. Anh không thể nào nhớ chúng ta đã xa nhau giữa mùa Xuân hay mùa Hè. Bởi vì mắt anh đã tràn ngập sương lam mỗi lần nhớ tới em, mỗi lần anh dõi theo chân trời nơi anh tưởng rằng có em. Ôi! ngôi mộ của bình minh nơi em cư ngụ. Anh muốn tan thành giòng nước cuốn trôi đến nơi mênh mông cô quạnh ấy. Anh muốn được cùng em tan trong ánh sáng rạng rỡ của ngày bắt đầu, và được cùng em, hòa trong ánh chiêu dương khi chiều trở lại.”

Khói thuốc tỏa ra từ cái tẩu, anh chìm trong hoài niệm và như đang bềnh bồng trên đôi cánh chim bay về cố hương. Anh bảo, để anh đọc cho chú nghe bài thơ anh viết ở Sài Gòn năm 1984. Bài “Tro Tàn”:


Ta có thở khói thương nhau

Tình cũng như nhang tàn

Ta còn nương náu trong đời không bao lâu

Lòng có đau thì cũng như nắng qua chiều

Thôi cũng nhẹ

Ta yêu nhau trong nghèo khó

Khi quê hương tàn phá

Được mấy ngày vui trong đời

Tóc biếc ngoảnh đi đã đỏ màu phai

Ta xa nhau vào lúc xa đời

Bóng bỏ theo người

Đổ một lần cho hết cuộc rủi may

Cứ coi là mất coi là hết

Lật ngửa bàn tay mà cắt dây

Dẫu cho còn có khi nào nữa

Gặp lại được nhau cũng muộn rồi

Đừng hỏi tình xa bao lâu tình sẽ lạ

Và hỏi người chia xa nhau lòng có sợ

Gương lạnh bóng mờ

Còn một phần ba cây nhang đợi cháy vội

Đội một hòn than chôn chân sầu đứng đợi

Tro tàn rụng rơi.

***

Bóng bỏ theo người

Đổ một lần cho hết cuộc rủi may

Ừ, anh nói, cũng đã sắp tới lúc “bóng bỏ theo người”.

Nhìn những thùng sách chất chồng trong căn phòng hẹp của anh, tôi hỏi, “Nguyễn Đình Toàn tiểu thuyết 1 và 2” có được độc giả chú tâm không, anh cười nhưng không dấu được chua chát: “cứ xem đây là lần in cuối cùng dành tặng bằng hữu”.

Ngồi chơi với anh rồi cũng phải về. Anh đóng cánh cửa sau lưng tôi và nói vói theo: “Đã thấy ta gần với cái xa.”

Câu thơ này, anh đã đọc cho tôi nghe hôm đám tang Nhạc sĩ Nhật Ngân buổi sáng Mùng Sáu Tết năm nào.

Theo đoàn người sau quan tài, đi ngang nơi an nghỉ của Nhà báo Đỗ Ngọc Yến, anh Toàn ngồi xuống bãi cỏ trước mộ phần anh Yến, đọc cho nghe trọn bài thơ “Đã Nghe”:

Đã nghe đời xa ta

Người xa ta

Tình xa ta

Như cây khô trút dần hết lá

Đường đang đi bỗng như

Chập chờn có sóng đưa

Xô dồn

Trong một lối về

Đã thấy quanh ta đời quạnh quẽ

Những tiếng xôn xao im dần đi

Đời một phía ta trôi về một phía

Có phải ta mù dở hay sương che

Những bóng hình xưa

Nhập vào trong ước mơ

Giờ cũng bay ra làm gió

Ta có quên đâu

Nhưng nhìn xem cũng lạ

Hoa ngỡ như không còn là hoa nữa

Những mặt người ta giấu trong ta

Dấu mốc đời qua

cười băng giá

Ta cũng không mong quay lại nữa

Trăng thoắt rơi ngang trên đường đi

Ta bỗng nghe ra bằng thịt da

Đã thấy ta gần với cái xa

Ô hay đất đá nào rơi lở

Hay tự lòng ta lấp lối về.

Rời căn phòng trọ của tác giả “Áo Mơ Phai”, ngoái lại nhìn thấy dáng anh xiêu đổ.

Đêm California se lạnh, trong đầu bỗng vang lên câu cuối của bài thơ: “Hay tự lòng ta lấp lối về”.

***

Nguyễn Đình Toàn sinh ngày 6 tháng 9 năm 1936 tại huyện Gia Lâm, bên bờ sông Hồng, ngoại thành Hà Nội. Di cư vào Nam 1954, Nguyễn Đình Toàn bắt đầu viết văn làm thơ, viết kịch, viết nhạc, cộng tác với các tạp chí Văn, Văn Học (trong nhiều năm, Nguyễn Đình Toàn phụ giúp Trần Phong Giao tuyển chọn thơ và truyện cho báo Văn); Nguyễn Đình Toàn cũng viết feuilleton cho các nhật báo Tự Do, Chính Luận, Xây Dựng, Tiền Tuyến; biên tập viên đài phát thanh Sài Gòn, nổi tiếng với chương trình Nhạc Chủ Đề trong những năm 1970s. Sau 1975, cùng chung số phận như mọi văn nghệ sĩ Miền Nam, Nguyễn Đình Toàn bị bắt hai lần và đi tù cải tạo một thời gian gần sáu năm. Sang Mỹ định cư từ cuối năm 1998, Nguyễn Đình Toàn và vợ, chị Thu Hồng cùng phụ trách chương trình Đọc Sách cho đài phát thanh VOA, Nguyễn Đình Toàn còn viết cho tuần báo Việt Tide mục Văn Học Nghệ Thuật của nhà văn Nhật Tiến cho tới khi nghỉ hưu. Gia đình Nguyễn Đình Toàn hiện sống tại Nam California.

Tác phẩm đã xuất bản:

Văn: Chị Em Hải (truyện, Nxb Tự Do 1961); Những Kẻ Đứng Bên Lề (truyện, Nxb Giao Điểm 1974); Con Đường (truyện, Nxb Giao Điểm 1965); Ngày Tháng (truyện, Nxb An Tiêm 1968); Phía Ngoài (tập truyện, viết chung với Huỳnh Phan Anh, Nxb Hồng Đức 1969); Đêm Hè (truyện, Nxb Hiện Đại 1970); Giờ Ra Chơi (truyện, Nxb Khai Phóng 1970); Đêm Lãng Quên (Nxb Tân Văn 1970); Không Một Ai (truyện, Nxb Hiện Đại 1971); Thành Phố (truyện, Nxb Kẻ Sĩ 1971); Đám Cháy (tập truyện, Nxb Tân Văn 1971); Tro Than (truyện, Nxb Đồng Nai 1972); Áo Mơ Phai (truyện, Nxb Nguyễn Đình Vượng 1972); Đồng Cỏ (truyện, Nxb Đồng Dao/ Úc châu 1994).

Thơ: Mật Đắng (thơ, Nxb Huyền Trân 1962).

Kịch: các vở kịch của Nguyễn Đình Toàn đều là kịch truyền thanh, trừ Cơn Mưa được trích đăng trong bộ môn Kịch Văn Học Miền Nam của Võ Phiến, những bản thảo khác đều thất lạc.

Nhạc: Hiên Cúc Vàng (tập nhạc, 1999); Tôi Muốn Nói Với Em (tập nhạc, 2001); Mưa Trên Cây Hoàng Lan (tập nhạc, 2002).

Ký: Bông Hồng Tạ Ơn I & II (Nxb Đêm Trắng 2006, 2012).

Áo Mơ Phai đoạt giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật 1973.

(Trích “Nguyễn Đình Toàn Từ Đồng Cỏ Tới Áo Mơ Phai” trong tác phẩm “Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật Và Văn Hóa” của Nhà văn Ngô Thế Vinh.)


(Tháng 12, 2017)


ĐINH QUANG ANH THÁI



source: VOA


==========

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ