bài đọc thêm (2 ) : " Nhớ NGUYỄN CAO ĐÀM - TRẦN CAO LĨNH " / bài viết: Phan Lạc Phúc -- source : www.nguoi-viet.com>
Nhớ Nguyễn Cao Đàm – Trần Cao Lĩnh
PHAN LẠC PHÚC
Phan Lạc Phúc
(Bài viết năm 2001)
Ngày 4 tháng 6 vừa qua, nghệ sĩ lão thành Nguyễn Cao Đàm – nhà nhiếp ảnh lừng danh của Việt Nam đã từ biệt cõi đời này về cõi vĩnh hằng, hưởng thọ 86 tuổi. Chúng tôi xin được đăng lại bài “Nhớ Nguyễn Cao Đàm – Trần Cao Lĩnh” như một tưởng niệm chân thành đối với lão nghệ sĩ. Vô cùng thương tiếc.
Phan Lạc Phúc
Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Cao Đàm ở ĐàLạt
Trong tủ sách ngày xưa của tôi có một cuốn tôi rất quý. Đó là cuốn sách hình “Việt Nam Quê Hương Yêu Dấu” của hai tác gíả Nguyễn Cao Đàm và Trần Cao Lĩnh. Cuốn sách rất đẹp, cả về hình ảnh lẫn văn chương, đặc biệt có lời đề tặng rất thân ái của hai tác giả. Cao Đàm – Cao Lĩnh là hai nghệ sĩ nhiếp ảnh lớn của Việt Nam cũng như quốc tế, “tranh” của các ông đẹp là lẽ dĩ nhiên rồi khỏi phải khen “phò mã tốt áo”, nhưng đối với tôi, cuốn sách còn có thú vị riêng.
Tôi vốn là một người sinh trưởng ở thôn quê, lớn lên sau lũy tre xanh, quen thuộc với ruộng đồng, với cây đa đầu làng, rặng tre trước
ngõ. Sau này lớn lên, thời cuộc đẩy đưa, tôi di cư vào Nam sống ở đô thị, quen với văn minh kỹ thuật, bên ngoài dù có “bắng nhắng” đến đâu chăng nữa nhưng bên trong tôi vẫn là một anh nhà quê.
Những lúc nửa đêm về sáng, hoặc là những khi canh tàn – rượu tỉnh, một mình một bóng thấy nhớ nhà, nhớ quê ghê lắm ông ơi! “Mình về mình có nhớ ta – Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”.
Những lúc ấy đem cuốn “Việt Nam Quê Hương Yêu Dấu”ra xem, thấy sao mà bồi hồi, sao mà xúc động. Đây quê hương đất nước ta đây. Bao nhiêu hình ảnh vừa nhớ, vừa quên, nào “Đường vào xóm nhỏ”, “Giếng nước đầu làng”, nào “Chiều cô thôn”, “Nắng chia nửa bãi”, cho đến “ Rừng xanh lau bạc”, “Đấtnước”, “Rạt rào”, “Bờ Hương Giang”, “Miền Nam vị ngọt”. Lần giở cuốn “ Việt Nam Quê Hương Yêu Dấu”…như lần giở từng trang kỷ niệm. Hai ông Cao Đàm và Cao Lĩnh, trong cuộc đời nghệ thuật đã đoạt nhiều danh vị quốc tế (mà tôi nhớ không hết được, nhưng biết là hết sức cao quí), nhưng tôi nghĩ cái danh vị đầu tiên các ông đáng được hưởng phải là Nghệ Sĩ Việt Nam.
Tranh của các ông không lẫn với ai được, thuần túy Việt Nam. Các ông chắc cũng phải yêu cái đất nước đau thương nhưng vô cùng đẹp đẽ này nhiều lắm, nên mới ghi lại được những hình ảnh có sức rung cảm sâu xa như vậy.
Tháng Tư đen 1975, tôi đi cải tạo sau 10 năm trở về – thấy mất nhiều thứ quá. Nhà cửa còn bị tịch thu thì cái tủ sách sao mà tồn tại được. Nhưng đau hơn vẫn là mất bạn bè. Nhìn lại trong thời gian ấy bao nhiêu anh em mình đã mất, trong đó có Trần Cao Lĩnh. Chả bao giờ gặp lại Trần Cao Lĩnh nữa. Người ta thường bảo “văn tức là người”, nhưng trong trường hợp anh, có lẽ phải xét lại. “Tranh” của anh tài hoa, thông minh tinh nghịch nhưng rất đôn hậu như nét cười tươi tắn của anh, sao anh từ biệt anh em sớm vậy ? Anh Cao Đàm còn hơn tuổi anh rất nhiều chứ!!
Ấy vậy mà bây giờ, người tóc bạc phơ, nhưng vẫn “nhất kiếm trấn ải” ở vùng Nam bán cầu này đấy. Xưa nay tôi không được quen biết nhiều những nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhưng đối với tôi, Cao Đàm – Cao Lĩnh là song kiếm hợp bích trong làng ảnh Việt Nam. Cao Lĩnh là khóe nhìn thông minh, tươi tắn của một con người hướng ngoại (extrovert), còn Cao Đàm con mắt đăm chiêu, sâu sắc, nhìn vào bên trong, hướng nội (introvert). Trong cuốn album chung “Việt Nam Quê Hương Yêu Dấu”, hai cái nhìn một hướng nội, một hướng ngoại đã “chụp” được những hình ảnh rất đáng ghi nhớ về đất nước Việt Nam.
Trên mục này, tôi từng đề cập đến tấm hình bìa báo đặc biệt Chiêu Dương, giai phẩm xuân Giáp Tuất của Trần Cao Lĩnh. Tấm hình này theo phong cách một bức tranh tĩnh vật, rất bắt mắt, rất mời gọi người xem. Một không khí Tết Việt Nam tràn ngập với chữ đại tự, hoa đào, cây trái và bộ tách trà song ẩm. Tâm hồn Trần Cao Lĩnh hướng ngoại…anh mở toang cửa sổ tâm hồn mời gọi người xem…xin cứ tự nhiên ra vô thong thả. Còn Cao Đàm, ngược lại, cái nhìn của anh kén chọn, trầm tư, sâu sắc; chụp hình mà anh như muốn ghi lại
những gì vô ảnh, vô hình. Hãy ngắm kỹ bức hình “Đế”(tiếng Anh dịch: Drunk)
Say – của Nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm
Say là một trạng thái tâm hồn, làm sao mà chụp được. Nhưng cứ nhìn kỹ chân dung ông già thiểu số trong bức này đi. Nhìn vào mắt ông ta. Say lắm, xỉn lắm !!! Nhìn mà như không thấy gì, những tia máu trong mắt hằn lên. Nét mặt đờ đẫn. Càng nhìn càng thấy say kịch liệt. Hay là bức hình “Past and Present” (Quá khứ và hiện tại). Đây chỉ là một gốc tre già và một chồi măng. Rất đơn giản, rất tự nhiên, không có bố cục, không có gia công một chút nào.
Loại tranh này, theo anh Cao Đàm không gọi là” tĩnh vật” được, mặc dù nó đơn sơ gần gũi. Cái gì ở ngoài trời, còn đang sống, đang tươi ngoay- ngoảy, đang chuyển động (dù là chuyển động âm thầm) thì phải gọi là tranh phong cảnh (paysage) dù rằng rất gần với tĩnh vật (loại tranh chụp trong nhà). Quá khứ: gốc tre già cốc- đế rễ xoắn – xuýt từng chùm, bên cạnh hiện tại: một chồi măng mới mọc, vừa nhú lên từ lòng đất- Những cái lông măng như còn đọng giọt sương mai.
Tuy vậy, ông già Cao Đàm này không có nghiêm nghị, khô khan đâu. Ông già này “hóm” lắm, “nghịch ngầm “ lắm. Có một bức tranh ghi hình một dãy cau chĩa thẳng lên trời, có một thằng bé đang trèo nhún nhẩy.
Đây là bức”Mày trèo cây cau”. Bức hình tươi vui, “ca dao” một cách kỳ lạ. Hình như đâu đây có tiếng hát” Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà. Nhưng mà từ mấy chục năm nay, tôi thú nhất bức tranh “Lá trầu trao duyên” của Cao Đàm. Chỉ là hai lá trầu tơ, phồng căng đang khoe mình dưới nắng. Lá trầu làm nghĩ tới cưới xin, đến đôi lứa, đến động phòng hoa chúc. Lá trầu trao duyên. Lá trầu đang sắp
sửa hiến dâng, với tất cả vẻ say nồng của nó…
Quạt nồng của Nhiếp Ảnh Gia Trần Cao Lĩnh
Ngày xuân con én đưa thoi…Chúng tôi cùng vài người bạn tới thăm
anh Cao Đàm. Tác giả được dịp bàn về nghệ thuật, hình như không biết mỏi, trình bày hết bức này đến bức kia, cuốn này sang cuốn khác. Bỗng nghe anh Cao Đàm nói với chị Cao Đàm ( Một người 80 tuổi và một người trên 70 tuổi) :” Mình ơi, lấy hộ cho mình cuốn sách…” Hai ông bà vẫn cứ ríu- rít như đôi chim bồ câu già. Tôi chợt nhớ đến chữ “mình” trong ca dao và trong đời sống Việt Nam:
Mình về ta chẳng cho về,
Ta nắm vạt áo ta đề câu thơ.
Câu thơ ba chữ rành rành,
Chữ Trung, chữ Hiếu, chữ Tình là ba.
Chữ Trung thì để phần cha,
Chữ Hiếu thờ mẹ, đôi ta…
Phan Lạc Phúc
(1995)
Thưa chị Nguyễn Cao Đàm,
Chiều thứ sáu tuần qua (8 tháng 6-2001) tôi tới để chào anh Nguyễn Cao Đàm lần cuối. Như vậy là anh Đàm đã theo anh Lĩnh về thế giới bên kia-hai anh lại “song kiếm hợp bích” ở dưới ấy.
“Mình về, ta chẳng cho về- Ta nắm vạt áo, ta đề câu thơ…”, bây giờ không ai “nắm vạt áo” anh Đàm mà đề thơ được nữa.
Nhưng thưa chị Nguyễn Cao Đàm, “tranh” của anh còn ở lại hoài hoài trên cõi đời này, và cái ríu rít “mình mình- ta ta” của anh chị cũng còn vang vọng trong tâm hồn chúng tôi mãi mãi. ./.
Phan Lạc Phúc
(2001)
source : nhật báo Người Việt( California)
===========================
được đăng bởi khedo@outlook.com @ 05:34 0 Nhận xét
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ