Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2021

bài đọc thêm (2): NGUYỄN VY KHANH [ 1951- ] -- source : http://phannguyenartist.blogspot.com/

 


Monday, 8 August 2016

Nguyễn Vy Khanh


















Nguyễn Vy Khanh

(5/3/1951 - ......) Quảng Bình
Nhà văn, Nhà thơ,

Nhà nghiên cứu phê bình văn học
















 Nguyễn Vy Khanh Sinh ngày 5-3-1951 (28-1 Tân Mão), tại Vĩnh Phước, Quảng Trạch, Quảng-Bình. Cử nhân giáo-khoa Triết Tây (1973), Cao học Triết Tây (1975) - đại-học Văn khoa Sài-Gòn, và tốt nghiệp thủ khoa ban Việt-Hán khoá 13 (1971-1974) đại học Sư phạm Sài Gòn. Sau khi tị nạn chính trị tại Canada, tốt nghiệp Cao-học Quản trị Thư viện (Master of Library Science, đại học Montréal, 1978). 
Hai nghề chính thức: giáo chức trước 1975, và chuyên viên thư viện (librarian) Quốc hội và chính phủ Québec từ 1978 ở Montréal và Quebec City; ngoài ra chuyên nghiên cứu lịch-sử và nhân-văn liên hệ đến Việt Nam, với quan niệm: 
“Kiến thức cũng như nghề nghiệp chính thức và nghiệp dư, sau nhiều thập niên hoạt động, cho chúng tôi tâm niệm và ý chí, trong khả năng khiêm tốn và khả thể, đi tìm sự thực và ghi lại cho các thế hệ sau, với hy vọng rằng chỉ có thống nhất nhân tâm và địa lý khi nào những khúc mắc và vấn nạn lịch sử đã được nhìn nhận và giải tỏa”.
Hiện sống và làm việc tại Montréal và Quebec City (Canada).























Tác phẩm đã xuất bản















1
Khung Cửa
(Thơ, Tác giả xb, Sài Gòn, 1972)









2
Ngô Đình Diệm Và Nổ Lực Hoà Bình Dang Dở


(dịch-thuật, “Ngo Dinh Diem En 1963” của Nguyễn Văn Châu; Los Alamitos CA: Xuân Thu, 1989)









3
Lỗ Tấn Và Truyện Xưa Viết Lại
(biên khảo và dịch-thuật; Xuân Thu, 1997) 









4
Bốn Mươi Năm Văn Học Chiến Tranh 1957-1997
(Đại Nam, 1997; tái bản 2000)









5
Văn Học Và Thời Gian
(Văn Nghệ, 2000)









6
Văn Học Việt Nam Thế Kỷ 20
Một Số Hiện Tượng Và Thể Loại
(Đại Nam 2004)








7
33 Nhà Văn Nhà Thơ Hải-Ngoại:

tuyển tập nhận-định văn-học (ebook; Montréal: TGXB, 2008; tái-bản Toronto: Nguyễn Publishings, 2016). 






8
Văn Học Miền Nam 1954-1975


nhận-định, biên-khảo và thư-tịch; 2 tập.
(Toronto: Nguyễn Publishings, 2016; tb, Nguyễn Publishings, 2018). 







9
Trương Vĩnh Ký: Tinh-Hoa Nước Việt


(Toronto: Nguyễn Publishings, 2018)















Bài đã đăng trên văn học & nghệ thuật





















(tiểu luận)






(tiểu luận)



(phê bình)


(tiểu luận)


(tiểu luận)


(phê bình)


(tiểu luận)


(tiểu luận)


(tiểu luận)


(chân dung)


(phê bình)


(tiểu luận)


(tiểu luận)


(tiểu luận)


(đối thoại)


(tiểu luận)


(tiểu luận)


(tiểu luận)


(tiểu luận)


(tiểu luận)


(phê bình)


(tiểu luận)


(phê bình)


(phê bình)


(tiểu luận)


(tiểu luận)


(tiểu luận)


(chân dung)


(tiểu luận)


(phê bình)


(tiểu luận)


(kịch)


(tiểu luận)


























Nguyễn Vy Khanh trên Tạp chí Da Màu









Thảo Trường, nhà văn dấn thân với nỗi ý thức không rời






Nguyễn Vy Khanh nói về Duyên Anh

















Tản mạn về dục-tính và nữ quyền
Nguyễn Vy Khanh


Người xưa như tác giả Truyện Kiều, viết về chuyện tình dục là với điển tích (Ra tuồng trên Bộc trong dâu; Vòng ngoài bảy chữ vành trong tám nghề), hay dùng nghĩa bóng (Tiếc thay! Một đóa trà mi / Con ong đã mở đường đi lối về). Dục tính không thật có với văn chương cổ điển vì những tính cách ước lệ, trí thức và hình thức. Không có sáng tạo, cá tính, do đó không cần cả tác giả, phải chăng đó là một lý do của hiện tượng vô danh của tác phẩm thời xưa?

Dục tính khác thô tục, tục tĩu, như áo mỏng dính với trần truồng, dâm thư dĩ nhiên không phải là tác phẩm văn chương. Henry Miller mà tác phẩm từng bị cấm ở quê hương của ông, trong Obscenity and the Law of Reflection đã xem dâm tục (obscenity) xuất hiện trong văn chương như một kỹ thuật, không liên hệ gì đến dâm thư (pornography). Dục tính như một giá trị chỉ nhắm đánh thức, khêu dậy, dẫn nhập, đem ý nghĩa đến cho thực tại cuộc sống . Đối với Việt Nam, dục tính chỉ thực sự xuất hiện trong văn học ở thế kỷ XX, bước đầu bởi nam giới và dục tính luôn chỉ có ý nghĩa trong một văn hóa, trong một xã hội. Dâm tính trở thành yếu tố tiểu thuyết, gia vị hấp dẫn cho tác phẩm. Thời Nhất Linh, dâm tính chỉ chớm thoáng qua, như trong truyện ngắn Tháng Ngày Qua, nhân vật Giao trọ học nhà bạn, đã dám ... để ý đến vợ bạn, "bốn mắt gặp nhau (...) cặp môi nàng mấp máy, dưới tấm áo mỏng, ngực nàng phập phồng, hai con mắt nhìn đăm đăm vào chàng có vẻ lẳng lơ, nồng nàn như đắm tình..." (1). Các tác giả thời này kể chuyện tình yêu, nhưng ít người đi vào chi tiết làm tình hay tả chân thân thể người nam hay nữ. Vũ Trọng Phụng, Trọng Lang,... từng bị kết án là khiêu dâm, thực ra họ chỉ có ý trình bày bộ mặt khác, trái, của xã hội, nêu lên những tệ hại, có ý giáo dục, hướng thượng. Phùng Nguyễn trong Bia Ôm (2) tả "đôi vú nhỏ mềm nhũn và âm hộ nhầu nát" hình như cũng không có mục đích viết dâm thư! Trước 1975, Lê Xuyên đã bị tố viết văn khiêu dâm, trong thực tế tiểu thuyết của ông chỉ tả cảnh tả tình những hẹn hò, những ăn chơi trắc tréo dài dòng nhưng không mấy tả chi tiết cảnh làm tình; kẻ lên án chỉ chứng tỏ đạo đức giả hoặc chưa từng đọc qua.

Tạp chí Sáng-Tạo vào thập niên 1960 ở miền Nam, đã đăng nhiều truyện đầy dục tính của các tác giả về sau không đi tiếp nghiệp văn, như Duy Thanh (Khép Cửa, Thằng Khởi, Chiếc Lá,...), Thạch Chương (Tinh Cầu,..). Giải phóng tình dục “hôm nay” là một trong những chủ trương văn nghệ của nhóm. Thạch Chương tức nhạc sĩ Cung Tiến sau này lúc bấy giờ viết truyện ngắn "hiện sinh" và là lý thuyết gia cho khai phá này, trong bài "Giới thiệu một nhận thức siêu thực về nghệ thuật" đã viết : "... Chúng tôi muốn quay lại vũ trụ hoang sơ dục tình nguyên vẹn mà tâm hồn mỗi kẻ còn trinh như sữa. Nhưng là cái tinh khiết đáng sợ của con bò rừng. Nghệ thuật hôm nay là sự biểu lộ một "furie du total", một tiếng gọi quay trở về rừng sâu thẳm mà ở đó còn vẳng lên những tiếng cười điên mê, những tiếng la cuồng dại vọng về từ trăm thế kỷ của bản năng thuần túy. (...). Nghệ thuật hôm nay còn được biểu tỏ mãnh liệt trong tình yêu ngọt ngào của xác thịt, hay "tình điên". Dục tình, như có người đã nói trên mặt báo này, là động lực độc nhất của thế giới. Đọc .. phần lớn những tác phẩm của D.H. Lawrence, ai mà không cảm thấy vật dục mình xao xuyến, một thứ xao xuyến rất nghệ thuật, rất siêu thực, rất trắng, rất tinh khôi...". Lý do ông đưa ra vì sống trong một thời đại "sống trong cái thế trên đe dưới búa, một bên là tự do tuyệt đối cá nhân, một bên là áp bức chính đáng..." (3).

Trong truyện Thằng Khởi, Duy Thanh để cho nhân vật xưng Tôi, một cô gái 16 tuổi, muốn ngủ và rồi ra tay "hiếp dâm" một thằng gánh nước người Chàm: "Tôi đã để ý đến nó năm tôi 16 tuổi. Cái vẻ đẹp man rợ ngu xuẩn ấy mang cho tôi nhiều ý nghĩ dâm dục. Tôi chắc rằng thằng Khởi chưa hề ngủ với ai bao giờ (...) Thằng Khởi vẫn ngủ trong lều. Đôi môi dầy của thằng Khởi mấp máy và vị nước bọt của nó sền sệt nhạt nhẽo. Tôi lay nó dậy. Thằng Khởi chồm lên chắc định la làng nhưng tôi bít miệng nó lại. Mắt nó mở to có vẻ ngạc nhiên lắm, nhưng cũng ngồi im. Rồi đưa tay quờ vào người tôi. Hơi thở của nó và của tôi hừng hực trong đêm tối..." (Sáng Tạo, 21). Cũng Duy Thanh trong truyện Chiếc Lá để nhân vật là cô gái 18 tuổi "thích thay đổi, từ vấn đề ái tình, sinh lý, không khí, đồ ăn,..." và không thích cái gì quen hoặc vô nếp cả. Khi còn là cô bé 15 tuổi, cô ta đã ngủ với anh rể vừa để trả thù chị mình vừa tìm cảm giác: "Tôi muốn đo cái độ dục của hắn khi hắn ngủ với chị ấy thế nào. Cũng lạ, cái cảm xúc ấy lúc đề phòng trước thì thấy tầm thường hết sức. Tôi thấy cái hình thù sát cạnh mình đến vô nghĩa..." (4).

Nhưng người tả cảnh thật sự dục tính đầu tiên có thể là Lê Hoằng Mưu, chủ bút Lục Tỉnh Tân-văn, tác giả Hà Hương Phong Nguyệt (1915), Oán Hồng Quần (tức Phùng Kim Huê Ngoại Sử, 1920), nhất là với Người Bán Ngọc (1930-31), dù văn còn ảnh hưởng biền ngẫu và câu chuyện xảy ra ở Trung Hoa nhưng nhân vật và khung cảnh rất Việt Nam. Một câu chuyện tình cổ điển gần 400 trang, nhưng suy nghĩ, ngôn ngữ và hành cử của nhân vật cũng như cách diễn tả tiểu thuyết có tính thật của đời sống lúc bấy giờ. Người bán ngọc đây là Tô Thương Hậu giả phụ nữ bán ngọc để gần gũi và trờ thành tình nhân của Hồ phu nhân"trững mỡ" trong hai năm chồng đi buôn xa, trước là đồng tình luyến ái, sau trai gái thật khi Thương Hậu không cầm lòng được đã để lộ cái "oan gia".

"Vén mùng rồi vừa gạt chưn để lên giường, xẩy thấy một tòa thiên nhiên, lịch sự như tiên giáng thế, làm cho người bán ngọc mảng mê nhan sắc trố mắt đứng nhìn, quên bổn phận mình, mưu sự tệ tình, bất cẩn, ... Thấy Hồ phu nhân mê mẩn giấc nồng sổ đầu, nằm bỏ tóc, xấp xả khó gìn cho đặng. Bèn sẽ lén lấy mền đắp bụng cho Hồ phu nhân; rồi lại muốn đưa tay rờ rẫm vuốt ve cho thỏa. Không dè, mới thò tay vừa tới bụng sợ phập phồng nó làm cho tấc dạ bồi hồi, tay rung lập cập. Người bán ngọc không dám rờ! Lật đật thục tay vào rồi xây mặt ngó quanh quẩn bên mình, ... Vuốt qua vuốt lại, rờ xuống rờ lên đôi ba phen mà Hồ phu nhân mê mẩn không hay, người bán ngọc thấy vậy mới dễ ngươi, ái tình lại dồi long tà dục... muốn kề má hôn cho phỉ dạ. Có một điều là rờ rẫm vuốt ve thì không sao, chớ hễ muốn kề má xuống hun, thì lại hườn cựu lệ, trống ngực đánh rầm rầm, chân tay run lẩy bẩy... đổ mồ hôi ướt đẫm như người bị cảm mạo phong sương... dục thúc quá dằn long không tiện, ngườI bán ngọc bèn gượng đưa tay ra rờ cái ngọc cốt phi phàm ... Rờ tới đâu chết điếng tới đó,..." (5).

*

Văn chương dục tính có khuynh hướng đi với nữ quyền. Hồ Xuân Hương - giả dụ có một Hồ Xuân Hương thật, tác giả những bài thơ Nôm tục lưỡng nghĩa, bà đã phải gò bó trong lối thơ hai nghĩa thời bấy giờ, đê nói lên những dồn nén và những đòi hỏi nữ quyền, "chém cha cái kiếp lấy chồng chung". Ở Việt Nam, cho đến giữa thập niên 1960, tác phẩm của các nhà văn nữ đã là những đóng góp làm đẹp cho đời, cho thế giới văn chương dù với tính cách bên lề, ngoại lệ. Thật vậy, đối với văn học chữ quốc ngữ thì năm 1927, bà Tương Phố với Giọt Lệ Thu đã thật sự khởi đánh dấu sự có mặt của nữ giới trên văn đàn chữ nghĩa. Thụy An với Một Linh Hồn (1942), Bốn Mớ Tóc (1950, ký Lưu Thị Yến) nhìn ra cuộc đời, Anh Thơ với Răng Đen (1943) rồi Nguyễn Thị Vinh với Thương Yêu (1953) đã bắt đầu nói đến thân phận người đàn bà trong đời sống đại gia đình, trong khuôn khổ phong hóa - họ không sống cho cá nhân mình. Thụy An, Nguyễn Thị Vinh nói đến số phận những thế hệ phụ nữ đã phải sống trong đứt đoạn, nghịch lý khó khăn giữa giáo dục thời thiếu nữ và thực tế ở đời khi trở thành phụ nữ ! Linh Bảo với Những Đêm Mưa, Tàu Ngựa Cũ xuất bản cùng năm 1961, đã nhẹ nhàng khởi nêu vai trò người phụ nữ. Đến Nhã Ca, người nữ tình yêu đã lãng mạn và mạnh mẽ nhưng chiến tranh và trách nhiệm đã khiến đôi lứa và gia đình quan trọng hơn cá nhân. Nói như Virginia Woolf, họ vẫn quanh quẩn trong "những hành lang tối ám của lịch sử". Người đàn bà sinh ra sống cho gia đình, lo cho cha mẹ, cho em, rồi khi rời gia đình thì rơi vào gia đình khác, lo cho chồng, cho con rồi cho cháu, ăn ở có đức, rồi chết ... theo đúng lễ nghi, phong tục! Người phụ nữ cho đến giai đoạn này chỉ đi tìm hạnh phúc!

Phải đến Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy-Vũ và Trùng Dương, văn chương mới trở thành phương tiện cho nữ quyền và quyền sống. Thật vậy, từ cuối thập niên 1960, người viết nữ đã mạnh bạo đi xa hơn, tự tin hơn và những vấn đề phụ nữ được chính thức trương lên chữ nghĩa. Cái Tôi, nhân vật chính, nội dung, tình cảm, tình yêu, tình dục, ... không còn là của riêng những nhà văn thơ phái nam. Hơn là những "hình ảnh người nữ" trong tác phẩm viết bởi nhà văn nữ hay nam, từ Khái Hưng, Nhất Linh,.. đến Hồ Trường An, Nguyễn Thị Phong-Dinh,v.v.

Lê Thị Thấm Vân, một nhà văn hải ngoại đã phát biểu rằng:"Trong quá khứ, văn chương tình dục đa phần viết bởi ngòi bút đàn ông. Văn thơ kể, nói, chỉ, "dạy", diễn tả, ... những cảm xúc, "cách thức" rung động, thèm muốn, bày tỏ (thay cho) người đàn bà" (6). Văn chương dục tính hay có dâm tính lại do người nữ viết hình như hấp dẫn hơn vì cũng hình như có tính tự thuật nhiều hơn. Vì từ nay, người nữ làm chủ con người, tư duy, tình cảm và cuộc đời của họ trong văn chương. Làm người nữ, với văn chương! Simone de Beauvoir trong Le Deuxième Sexe (1949) đã phát động cái ý thức nữ quyền đó khi hô hào "On ne nait pas femme, on le devient". Trong văn chương, trong ngôn ngữ vì là cái có thực, có sự sống. Như vậy, viết trở thành hành động tự xác định của người phụ nữ, trở thành phát ngôn viên chính thức của con người phụ nữ, tiếng nói chính thức và từ tình dục.

Từ thuở tạo thiên lập địa, nếu theo truyền thuyết sáng thế từ Adam Eva thì Eva đã phạm tội ở vườn địa đàng, Adam dại gái nên bị cám dỗ; thân phận phụ nữ gãy đổ ở gốc cây táo từ đó. Đến lúc xảy ra phong trào đòi nữ quyền, người ta bắt đầu thấy phụ nữ lộ diện trên mọi sân khấu và đến cuối thế kỷ XX thì sân khấu gần như nhường hết cho các bà. Từ thập niên 1960, họ "lấn" thêm chuyện cái giường và thân xác. Họ gạt bỏ vòng cương tỏa tình dục nam quyền để làm lại thế giới với hình ảnh và dục vọng phái tính của họ. Marguerite Duras đã cho nhân vật nữ chủ động trong tình yêu: "Il a arraché la robe, il la jette, il a arraché le petit slip de coton blanc et il la porte ainsi nue jusqu’au lit. Et alors il se tourne de l’autre côté du lit et il pleure. Et elle, lente, patiente, elle le ramène vers elle et elle commence à le déshabiller" (7). Không xa nơi cô đầm Sadec, thập niên 1960 đã có một thế hệ nhà văn nữ như Trùng Dương đã tỏ tinh thần độc lập, dứt khoát tự giải thoát khỏi những ràng buộc của chế độ phụ hệ, cả trong động tác làm tình: "Một lúc nàng nới lỏng tay ra , thôi hôn tôi, mắt say đắm. Tôi nghe tiếng nàng nói qua hơi thở : Em lên anh nhé? Tôi khẽ gật đầu. Diệu xô tôi nằm xuống giường và lên người tôi. Diệu thường mở màn bằng cách đó. Hình như nàng tìm thấy cái thú nằm trên người tôi, một cái thú khá man dại và cũng chóng tàn"(8). Thử so với Loan của Đoạn Tuyệt chỉ muốn được đọc sách tiếp rồi ngủ sau đã phải đưa đến án mạng!

Hoặc các nhà văn nữ lên tiếng chống lại những thân phận tùng thuộc, nhận chịu, chờ đợi. Họ vạch mặt những qưyền lực đàn áp của định chế chính trị, của xã hội, của đồng lõa phái nam. Cái Tôi trước cái "anh, mày" tức người đối diện, trước cái Ta, cái chúng ta! Cái Moi của Simone de Beauvoir là cái Tôi xồ xề, sung túc ! Từ đó tình yêu có thêm nhiều hình dung từ, ngoài những tình yêu lý tưởng, cao thượng, đau khổ, ... lỗi thời, nay thêm tình yêu bản năng, tình dục, tự do, đổi chác, khoái lạc, cả tình yêu phút chốc, bồng bột, hiểm nghèo, ... Về điểm này, người viết nữ thời nay như muốn trở lại thời bán khai, tự nhiên, giải phóng tình dục khỏi những quy ước của hôn nhân, phong hóa. Đi xa hơn, không chỉ đòi bình quyền, còn tự chứng minh tự xác tín cái cá biệt "nữ", khác biệt về tình dục, về xúc cảm thân xác, về kinh nghiệm và cả ngôn ngữ. Họ làm chủ cơ thể, cảm xúc và tư duy. Trùng Dương trong Mưa Không Ướt Đất chẳng hạn cho nhân vật lý luận triết lý, truyện có tính cách lý luận hơn là sống nếu muốn gọi đó là hiện sinh. Xưa kia nhà văn nam viết, phân tích tâm lý mọi người thì nay các nhà văn nữ muốn phân tâm đàn ông và tự phân tâm! Một loại "văn hóa" mới, năng động và cách tân phái tính. Họ không ngừng ở thể loại nhật ký, thi ca, tiểu thuyết , mà đi xa hơn, làm chủ cơ quan văn nghệ, lên tiếng phỏng vấn, thuyết trình, ... Nhưng chính với văn chương, với tiểu thuyết và thi ca như phương tiện, mà người nữ lên tiếng, phát biểu, làm chứng.

Lệ Hằng thời trẻ xảnh xoẹ đi tìm hạnh phúc, hạnh phúc là ái ân, da chạm da, nói như Phượng Uyên trong Thung Lũng Tình Yêu chỉ muốn "thiên đường chính là vòng tay, là mùi hương đàn ông, là hơi thở của chàng. Tôi không tìm nữa một cảnh bồng lai, vì đôi môi người yêu, giọng nói người yêu, và đôi mắt chàng, là giòng sông tình ái, là rừng say sưa là suối bất tử đời đời tắm mát tình yêu " (9). Sẽ đòi hỏi hơn với Sóc Nâu là chuyện tình yêu khả thể với một người bạn nam Dũng, kiểu " Em thèm được làm một người đàn bà. Dưới tay anh, dưới thân thể anh, và dưới tình yêu của anh nữa... Dũng ơi ... Hãy trở thành một người đàn ông với em đi" (10).

Với Túy Hồng trước 1975, nhân vật nữ luôn đầy sức sống vùng vẫy trong một xã hội tù túng, ngộp thở. Họ luôn muốn phá đổ những lễ nghi, cung cách, những nếp sống phụ hệ, gia phong theo họ đã lỗi thời. Dục tính, mà một số nhà văn nam phê bình bà trước 1975, đã bị gán ghép, đồng hóa với thái độ và lối sống tự do, theo bản năng giấu dưới những mỹ từ tình yêu, tình bạn. Hãy còn bóng bẩy, rụt rè hiện thực, cùng lắm qua lời nói, ý nghĩ như nhân vật nữ trong Vết Thương Dậy Thì (1967): "Hãy ngậm em giữa hai môi dầy trác táng, uống em đi, nuốt em đi ừng ực. Chỉ vẽ cho em cách chế cà phê và cách chui vào lòng anh để thao thức cồn cào tỉnh người bỏ ngủ vì đã liếm em trên đầu môi chót lưỡi, đã ngậm, đã nuốt ực em vào anh rồi"(11). Người nữ đi thẳng, nói trắng : "nếu yêu em thì đừng đi quanh nữa (...). Anh hãy cho em đi con đường ngắn nhất, con đường độc đạo của tình yêu" nói như bạn cô giáo Cam Thảo, nhân vật Thở Dài, trong khi cô thì viết thư thúc người yêu cưới mình!

Trần Thị Ng.H. qua Lạc Đạn - viết năm 1973, và một số truyện ngắn đăng báo trước 1975 cũng đã, qua văn chương, tự xác nhận, ra tay để phá đổ huyền thoại phụ nữ như là đối tượng, xây dựng lại tương quan với người khác giống, đảm nhận tự do, một cách lạnh lùng, dứt khoát, dù vẫn cho thấy một loại bất mãn, dồn nén! Nơi thái độ, như hối hận sau liên hệ đồng tính với Thắm, sau khi đã "ôm nhau như đôi tình thân. Thắm rà đôi môi nhỏ trong cổ tôi, đôi vú non căng nở phập phồng, hốt hoảng. Tôi kinh hãi xúc động dầm dề. Tôi muốn la lớn trong cơn khoái cảm mộng mị và kì cục...". Như sau khi chấp nhận trò chơi "đau xé nổ tung đầm đìa. .. đỏ lòm oan uổng" với "người đàn ông lạ mặt", rồi phải "dỗ dành chỗ mềm yếu nhất, dỗ ngọt, săn sóc" đã xác tín - trong ý tưởng, với người mẹ âu lo rằng "con trinh bạch không tội lỗi, con nguyên vẹn của má" (12). Tình yêu, tình người ở đây, không là những bất ngờ! Trong các truyện ngắn khác ở tập này và tập Tập Truyện Ngắn Trần Thi Ng.H. (1999), bà còn nói đến những mặt trái, tội ác, cái chết tự xử, cái chết người khác, những cái chết dàn cảnh!

Cách mạng tình dục tiếp tục với văn học hải ngoại : Đỗ Kh., Khánh Trường, Trần Vũ, Trân Sa, Lê Thị Thấm Vân, Nguyễn Thị Hoàng Bắc,... Bài này chúng tôi nhìn qua phía các nhà văn nữ, họ lên tiếng về những âu lo, tâm tình mà lâu nay nhất là ở Việt Nam ít thấy. Những âu lo của Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan thanh cao quá, trừu tượng quá, Hồ Xuân Hương nếu là tác giả thật những bài thơ về tính giống và tác động phòng the, cũng vẫn ở ẩn dụ, bóng gió, không trực tiếp, trốn trong cách thế nho nhã! Nhà văn nữ Việt Nam ở hải ngoại nói thẳng những lo âu thực tế, sờ được, cảm được, không cần nhiều ngõ quanh, đi vòng. Sinh lý hết được xem như cấm đoán, lại được xem như đòi hỏi chính đáng, tình dục trở thành nhu cầu tự nhiên, phải có, không thiên kiến và mặc cảm phạm tội, cả có khi ngây thơ trong tìm kiếm. Tự nhiên và chấp nhận trò chơi trăm phần trăm, với tấm thân sẵn đó, như đó!

Nói chung, phụ nữ chống văn minh, văn hóa dựa trên quyền hành đàn ông, phụ quyền, chống Tây phương kỹ nghệ định nghĩa đàn ông ở khả năng sáng tạo và chế biến sự vật. Phụ nữ chống văn chương như một nền chế, họ thích mặt trận "ngôn ngữ" hơn, thích phổ dương liên hệ trực tiếp với chữ viết cũng như với thân xác. Phụ nữ Mỹ châu đòi quyền lợi, họ dấn thân, xuống đường, lập nghiệp đoàn,... ít cho người đọc thấy dây dưa tình cảm. Ngôn ngữ không quan trọng, cái quan trọng là chống đàn áp, đô hộ của đàn ông . Trong khi đó ở Pháp và Âu châu, ngôn ngữ được đặt lại vị trí, thẩm mỹ học, một loại phản văn hóa đặt nền trên sự đè nén. Người viết nữ xây lại nội dung, cấu trúc lại những ngõ thoát, lối ra của ngôn ngữ. Sướng khoái thể chất đi với sướng khoái lời nói, chữ dùng. Thêm vào, những khuynh hướng mới về tiểu thuyết như hậu thuộc địa (postcolonial) là một loại diễn văn muốn thay thế những quan điểm đã được thiết lập trước về lệ thuộc và vâng lời bằng quan điểm hoàn toàn ngược lại, đề cao tự lập cá nhân và tự chủ. Xây dựng lại nội dung bằng đường thoát ngôn ngữ. Lạc thú thân xác đi liền với lạc thú ngôn ngữ, đến sau lạc thú ngôn ngữ. Người nam đi vào văn để tìm hoặc nếu đã thấy, trình bày lý thuyết, triết lý hay một "nghiệp", người nữ thì đến để thực hiện cái tôi, xác định cái tôi, cá nhân. Và họ đi vào tình dục. Sex được dịch là hữu-tính (tự điển Thanh Nghị), làm như không sex là số không to tướng! Đưa đến những cuộc sống ...ngoại lệ: đàn bà không sanh con, đồng tính luyến ái, lãnh cảm (Jane Austen, chị em Emily và Charlotte Bronte, Simone de Beauvoir, George Eliot, ...). Sống đời thế tục, tận hưởng phút giây, lãng mạn tình yêu đến tự do tình dục!

Người nữ sống đời hải ngoại hội nhập, choáng ngợp giữa những lạ-lẫm (exotic), đầy ắp và choáng ngợp trước tự do ở xứ người, tự do tuyệt đối và cá nhân chủ nghĩa, từ vật chất, thân xác, tình cảm,.. Có thể họ muốn giả vờ, trưởng giả , nhưng lại không giữ lề, thích tự do ngoại tình,.. Có người đi đến thái độ hài hước đen, ngầm nữ quyền. Người nữ những thập niên cuối thế kỷ XX choáng ngợp tự do, tình dục, đi xa hơn cô giáo Hoàng. Cái giường hết còn là ám ảnh chính như với Nguyễn Thị Thuỵ Vũ, Túy Hồng (từng viết "cái giường là đồ vật tội lỗi nhất trong những đồ vật" trong Vết Thương Dậy Thì),... Sau chiến tranh, nhân vật Túy Hòng sống trong chia cách và đời sống mới, trở nên yếu ớt, căng thẳng, vô định trước tương lai, lại tăng dâm tính, tình dục trở nên cách hành xử hoặc tác động xác thân lên trên tình cảm. Đây là một hiện tượng từng chứng minh với những biến động lớn như vụ không tặc Tháp Đôi ở New York ngày 11-9-01. Để xóa căng thẳng và tái xác nhận đời đáng sống, cái sống đáng trân trọng, một tâm trạng sống sót, cho nên buông thả tình dục, với cả người mới quen. Cứ Tay Che Thời Tiết "có thể chờ chồng nhưng tôi không thể thủ tiết được" cho nên cứ "xoạc mông xoãi đùi đu bay lẫn lộn trong bát ngát tự do rì chặt chữ tình làm cứu cánh" (tr. 73), cuối cùng mới thấy chỉ là ảo tưởng, lãng mạn. Ảo mộng vun trồng vẫn hóa ra mộng ảo, con người không dễ thay đổi lớn !

Nhân vật Mưa của Lệ Hằng trong Bên Kia Là Núi (1998) một khi ra được ốc vỏ văn hóa cũ (cô giáo, vai chị), đã lồng lộn thụ hưởng đời sống tình dục hơn cả người tình Phi châu Saba của Hãn. "... Cô bỗng khùng lên, cánh đồng khô khát của cô ghì lấy Hãn. Chưa một lần nào, Hãn thấy cô tả xông hữu đột truy bức thân thể Hãn dữ dằn hơn. Gầm gừ mê mỏi, hào hển đứt hơi. Cuồng lên vì lạc thú, cô làm Hãn kích ngất vì những rung cảm khốc liệt của cô... "(13).

Như vậy, nay chính thân xác là đối tượng, là đề tài chính! Với Trân Sa và một vài nhà văn nữ, tôn giáo ngưng lại ở chỗ tình dục; tình dục không những tháo gỡ cấm đoán mà còn vô hiệu hóa cấm đoán. Tình yêu khác tình dục, cái sau cũng làm ... tình nhưng hết mình, chính xác, một chuyện. Làm tình phức tạp hơn, đòi hỏi con tim, lời nói, cử chỉ, cả văn hóa. Làm tình, trò chơi thân xác, tựu trung là một khoảng trống cần thiết, một chiến thuật đầy đủ, cũng là cách thức sống, một cách biểu tỏ, một phương tiện hiện hữu thể chất, máy móc - là những thứ nếu thiếu, thì cái còn lại chỉ là phó sản, hiện tượng phụ. Làm tình cũng là một cách học hỏi bằng tự xóa. Tình dục trước khi là hiện tượng xã hội, văn hóa, đã là thân xác.

Khi tay anh xoa xoa xà phòng vào “nơi ấy”,

nắng bên ngoài rực sáng thêm một chút nữa.

“Nơi ấy” giờ thì mềm xìu, bé tí, bình thường như vành tai, chóp mũi, khuỷu tay, đầu gối, gót chân… như bất cứ phần nào trên thân thể anh.

Trước đấy một giờ. Nó cương cứng, nóng hổi, hùng hổ

trong miệng em, giữa rãnh ngực em, trên mông em. Nó cố đâm thấu-xuyên-sâu-qua bao lớp da thịt để vào trong em. (Là nó, chẳng thuộc về ai).

(Lê Thị Thấm Vân, Căn Phòng 2.2 Âm Thanh Sóng) (14).

"... Suốt một buổi chiều / Yêu dọc từ dưới lên - và xuống / Từng lằn chỉ - khớp - từng phân li thịt da / Nhập một / ấm áp - rịn - ướt / Suốt một buổi chiều / Không ngớt / Nghiêng - xoay - cong - mềm mại / Cọ - trườn - lướt / Sau - trước / Những điệu thuần nữ / Có khi là một / Hai - ba - hoặc cả năm / Yêu khắp cùng lòng kia ưỡn ngã xuống như sóng / Và lượn úp lên - uốn chụp xuống / Đan khít mười / Không rời / Không một kẻ hở / Tuần tự - tất cả / Ngoài và trong - không một bỏ trống / Gò và trũng / Suốt một buổi chiều / Hai bàn tay lần đầu yêu nhau / Suốt buổi chiều / Trong căn phòng..." (Trân Sa, Động Tác Yêu) (15).

Thế giới ẩm ướt, trò tình dục không được một số nhà văn nữ Lệ Hằng, Trần Thị NgH, Trân Sa, ... coi là cấm đoán hay lớp áo mỏng che. Broadway ở New York còn đưa lên sân khấu vở Độc thoại của cái l. (Vagina Monologues) của Eve Ensler trong ngày được gọi là V-day, địa đàng trở nên ẩm ướt mà đối với một số nhà văn nữ, cái ẩm ướt cũng là căn cước của họ. Với họ, tình dục là tự nhiên và những hành cử tình dục cũng như bộ phận sinh dục bị bêu xấu hay không nói đến chắc là để làm dơ, làm xấu, làm mờ phai chính hành cử đó, đối tượng đó. Nên họ làm ngược lại!

Dương Như Nguyện đưa vào đời sống hội nhập Mùi Hương Quế (2000), một mùi thơm của tiềm thức và một thân xác của-lạ để đối phó với thực tại vật chất của xứ người. Một cái nhìn xuyên suốt tâm thức văn hóa gốc khi sống đời hội nhập và thành công ở xứ người. Nhân vật Trâm Kha chẳng hạn hội nhập nhanh: "Trong giai đoạn đầu, tôi tình nguyện ngủ với hắn" (tr. 138), chạy theo tình dục như lâm trận tranh đấu cho nữ quyền, và trên ngay phần đất cơ thể chính mình. Tâm thức về cái thân phận nữ phái, qua những nhân vật thân thích gia đình của bà. Qua nhiều thế hệ: bà ngoại, Tĩnh Tâm, ... Cũng là mùi thơm của oan khiên, tiếc nuối. Trong một truyện ngắn, Như Mưa, Nắng...?, Nguyễn Thị Hoàng Bắc kể một chuyện tình đồng tính giữa hai người phụ nữ như một chớm nở pha lẫn nghi ngờ:

"Tôi không lesbian, nhưng yêu (...)

Tôi run động ngẩn ngườị Ai là tôi, khi tôi/ai thích chuyện này, khi tôi/ai mê cái khác? Tôi/ai biết quá đại khái về ai/tôỉ Như mưa nằng tầm phàỏ" (16).

Rồi những khám phá như S. Hite về điểm cực khoái của thân xác phụ nữ năm 1976, người nữ hết phải chờ, hết cần được cho; muốn là tìm cho được, hối thức, vồ vập... Người nữ vô tình đánh mất tình cảm đã đành mà mất luôn "ngây thơ tình dục", gia vị thiết yếu cho đam mê, tình yêu, gây quyến rủ. Người viết nữ giới từ ý muốn làm chủ văn chương về phái nữ, đã đi đến chổ làm chủ ảo mộng cho người nữ bởi người nữ. Naomi Worlf, một người tranh đấu nữ quyền Hoa Kỳ nổi tiếng, sau những đòi hỏi triệt để đã quay 180 độ, trở về tự nhiên, chủ trương "nữ quyền làm mẹ" (motherhood feminism) trong mấy cuốn như Fire with Fire, Misconceptions đòi hỏi quyền làm việc đồng thời làm mẹ. Vì hai hình ảnh chính của văn chương nữ phải là người mẹ và người nữ, nên thành đề tài, lý do và thể loại xử dụng và ngay cả việc tận dụng ngôn ngữ.

Trên đà đấu tranh bình quyền, thuốc ngừa thai, của thập niên 1960, người phụ nữ đã bớt hoặc không còn làm mẹ. Thuốc ngừa thai khiến người phụ nữ không phải mặc cảm tội lỗi ! Ngay có con đã có cách cấy giống khỏi cần yếu tố dương, nghĩa là xa hơn thái độ của nhân vật của Trần Thị Ng.H. trong truyện Sinh Nhật (17) định nghĩa một người mẹ/người nữ mới, một mình nuôi con, không cứ phải qua định chế hôn nhân. Và rồi bộ phận có tuyệt vời đến mấy cũng chỉ là một ... cơ quan, cái thiếu vẫn là liên hệ, luật âm dương kinh dịch từng nói đến! Cách mạng tình dục đã là hậu quả của cách mạng nữ quyền, nhưng đã đảo lộn mục đích-đối tượng. Thập niên 1960 họ đòi trả thân xác cho họ nhưng khi thân xác trở thành chính cái Tôi thì thân xác lại chiếm nhiều chỗ quá. Nhục dục từ chỗ bị dồn nén, trở thành khuôn mẫu, khoái lạc, là cấm kỵ trở thành totem (tổ vật), không sanh đẻ, trục trặc nhục dục (libido), cái giống trở nên buồn thiu sau khi tả tơi máy móc hóa, tầm thường hóa (chương trình truyền hình Sex and the City ở Mỹ). Thân xác không tình yêu, từ đối tượng trở nên chủ thể của nhục dục! 

Chống đề cao giống mạnh, nam quyền macho, phong trào nữ nêu khẩu hiệu "đàn bà là tương lai nhân loại, thế kỷ XXI là thế kỷ đàn bà". Mỗi giống tính không thể rút vào vỏ cô đơn tình dục, trí thức và luân lý, cuộc sống còn gì thú vị và tương lai! Nay có thể nói người nữ còn lại bốn ám ảnh chính: tình dục, sợ hãi, bạo lực và khinh rẽ. Nữ quyền đòi hỏi đến một lúc nào đó sẽ rơi vào chán nản, tình dục cũng thành buồn thiu. Saba, nhân vật trong Bên Kia Là Núi của Lệ Hằng, sống buông thả và bạo động tình dục như để chứng minh nữ quyền, cuối cùng đâm ra sợ cả tự do tình dục. Chưa kể đến hiện tượng tiểu thuyết dành cho độc giả phụ nữ, có khuynh hướng xem như những tranh đấu nữ quyền đã qua, nay đưa ra những hoàn cảnh nhân vật nữ bị tiếng sét ái tình hoặc tô điểm một hình ảnh "hoàng tử của lòng em", mà nếu gặp, người vai nữ dám bỏ hết tương lai sự nghiệp để đi theo - như trước kia, nhưng khác là nay do nhà văn nữ viết ra! Và cứ thế, những trào lưu tiếp nối, hết nữ-lưu luận sẽ thuyết lý gì khác?

Không đóng vai luân lý, đạo đức nhưng đối với văn chương dục tính, thiển nghĩ tính văn chương sẽ không ở lâu với những quẩn quanh tình dục không lối thoát. Không bắt buộc phải hướng thượng, nhưng nếu nhân vật, hành động và nội dung của văn chương cứ bị tình dục, thân xác giam hãm tù đày, định nghĩa về văn chương hình như đã bị hãm hiếp một cách tội nghiệp vậy! Đây là chỗ khép lại của nhiều thập niên thử nghiệm kể từ khi nhóm Sáng-Tạo đề nghị buông thả và khai phá tình dục trong văn chương. Cuối cùng, cũng cần nói thêm là dục tính trong văn chương phải chăng một phần do ở người đọc - một thứ "cây sậy biết suy nghĩ"; người đọc trở thành đồng lõa với loại văn chương dục tính ?./.



Chú-thích:

1. Nhất Linh & Khái Hưng. Anh Phải Sống (Sài Gòn : Đời Nay, 1961?), tr. 19.
2. Phùng Nguyễn. Tháp Ký Ức (Westminster CA: Văn, 1998), tr. 97.
3. Sáng Tạo b.m., 5, 11-1960, tr. 97-102.
4. Sáng-Tạo b.m., 1, 7-1960, tr. 26-32.
5. Sài Gòn : Đức Lưu Phương, 1931. Trích theo bản chụp lại.
6. Văn học CA, 124, 8-1996.
7. L’Amant. Paris : Minuit, 1984.
8. "Miền Chân Trời". Văn (SG), 31, 1965, tr. 76.
9. Sài Gòn : Gió, 1973, tr. 276-277.
10. Lệ Hằng. Sóc Nâu, XT tb, tr. 242.
11. Sài Gòn : Kim Anh, 1967, tr. 87.
12. Trần Thị Ng.H. Lạc Đạn Và Mười Truyện Ngắn (Toronto: Thời Mới, 2000), Tr. 67, 43 và 47.
13. San Francisco CA: Mõ Làng, 1998, tr. 183.
14. Tạp chí Thơ CA, số mùa đông 1999.
15. Nhánh Nhỏ (www.nhanhnho.org), 27, 1-2001.
16. Nguyễn Thị Hoàng Bắc. "Như Mưa, Nắng...?". Việt, 6, 2000, tr. 181&182.
17. Một truyện Trần Thị Ng.H. khác, viết năm 1998, in trong Lạc Đạn... Sđd.



30-1-2002
Nguyễn Vy Khanh















Nguyễn Vy Khanh

Văn học Miền Nam qua một bộ "văn học sử" của trong nước





Miền Nam đây là Việt Nam Cộng hòa và nền văn học của những năm 1954-1975. Văn hóa và nền văn học của miền Nam sau những cuộc thanh lọc, bắt bớ và cấm đoán, vẫn tiếp tục bị những bất thường và quái gở của một thế giới văn hoá, biên tập cố tình làm cho sai lạc. Ai cũng biết sau ngày cưỡng chiếm miền Nam 30-4-1975, văn học và văn hóa Việt Nam Cộng hòa đã bị cấm đoán, phủ nhận như thế nào qua nhiều đợt tấn công, dàn cảnh. Nay, đã 35 năm sau, chiến thuật đó vẫn còn ở một nước Việt Nam hô hào cái gọi là 'cởi mở', 'kinh tế thị trường'. Mới đây, chúng tôi được đọc bộ Văn học Việt Nam nơi miền đất mới trên 4 ngàn trang gồm 4 tập của soạn giả Nguyễn Q. Thắng (NXB Văn Học, Hà Nội). Miền Đất Mới ở đây được soạn giả bao gồm miền Nam Lục tỉnh và miền Nam Cộng hòa; và trong các tập 3 và 4 chủ yếu vẫn là những cây viết của Đảng Cộng sản Việt Nam gồm nằm vùng, ly khai, tập kết, gởi vô Nam hoặc những cây viết từng có mặt thời Việt Nam Cộng hòa nhưng sau này sinh hoạt với các hội và báo chí của Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt Nguyễn Q. Thắng đã xen vào đó những nhà văn của miền Nam 1954-1975, nhưng vì ông có thể nói hãy còn tuân theo một “chính sách” hay “chỉ thị” nào đó, do đó chưa thể là một bộ văn học sử đúng nghĩa – nghĩa là ghi nhận, tổng kết và phê phán các tác giả và tác phẩm như đã xuất hiện và sinh hoạt một thời.



Những phê phán, nhận xét có thể có những chủ đích chính trị:



1. Cố tình nêu sai danh tính các nhà văn Việt Nam Cộng hòa: Ngoại trừ trong một số trích (nguyên) văn, toàn bộ sách của Nguyễn Q. Thắng không nêu đích danh các nhà văn qua các bút hiệu đã dùng, đã quen với người đọc và đã đi vào văn học sử như Mai Thảo, Nhã Ca, Dương Nghiễm Mậu, Võ Phiến, mà lại dùng tên thật (tên khai sanh) của họ để làm tiêu đề cũng như đánh giá. Mai Thảo trở thành Nguyễn Đăng Sinh (tập 3, tr. 1233, trong khi tên thực thật của Mai Thảo là Nguyễn Ðăng Quý) với chú thích rằng phần này được làm để thông tin về sinh hoạt báo chí và thơ tự do. Nhã Ca lúc được gọi là Thu Vân, lúc lại là Trần Thị Thu Vân. Võ Phiến thành Đoàn Thế Nhơn, Trùng Dương có lúc là Trùng Dương Nguyễn Thị Thái, v.v…


Nhà văn học sử khi viết về các tác giả văn học đều phải ghi bút hiệu là chính, chỉ ở những phần tiểu sử mới nhắc đến tên thật, hoặc giả tác giả đó dùng tên thật để sinh hoạt văn học nghệ thuật thì mới ghi tên thật: Giáo sư Nguyễn Văn Trung có các bút hiệu Hoàng Thái Linh, Phan Mai, nhưng các bút hiệu này chỉ được sử dụng hạn chế và khi xuất bản tác phẩm, tên thật của ông được ghi thì nhà viết văn học đương nhiên phải dùng tên thật của ông. Nguyên Sa ngược lại là một nhà thơ khi ký Nguyên Sa, và khi viết sách giáo khoa triết học (Descartes nhìn từ phương Đông, Luận lý học, Luận Triết học, v.v…) thì ký Trần Bích Lan (riêng cuốn Một bông hồng cho văn nghệ ký Trần Bích Lan khi nhà Trình Bày xuất bản năm 1967; khi ra hải ngoại NXB Đời của ông tái bản thì ký Nguyên Sa); do đó khi viết về nhà thơ Nguyên Sa, người ta có thể nói đến những sách giáo khoa mà ông là tác giả, dĩ nhiên là không thể ngược lại, viết về ”nhà thơ Trần Bích Lan” vì không hề có nhà thơ Trần Bích Lan dù Nguyên Sa và Trần Bích Lan là một người.


- Lê Vĩnh Hòa được ghi trong tiểu sử là “em ruột văn sĩ Đoàn Thế Nhơn...” (tập 4, tr. 270 – từ đây các chú thích đều trích từ tập 4) - thay vì Võ Phiến!
- Về hai nhà văn Y Uyên và Doãn Dân, ông Nguyễn Q. Thắng chỉ ghi năm mất của Doãn Dân; còn Y Uyên thì “mất năm 1969 đang độ tài hoa nẩy nở”(tr. 827) nhưng không ghi rõ chết vì đạn pháo của ai (Việt Cộng!) trong khi các tay văn nghệ nằm vùng ở miền Nam vô bưng chết thì được ghi lý do chết: Lê Vĩnh Hòa thì “hi sinh trong một trận chống càn tại Long Mĩ, Xẻo Giá...” (tr. 270); Trần Triệu Luật thì “hi sinh trên đường công tác ở Tây Ninh (cùng nơi cùng ngày với) Trần Quang Long”. Trần Triệu Luật được đề cao trong một mục từ riêng (51- TTL, nhà văn chiến sĩ) cũng như Trần Quang Long (42- TQL với thi đề 'nghiêng nón'”!
- Về Luân Hoán thì một chi tiết trong tiểu sử nếu không được nhắc đến vẫn còn hơn là ghi như Nguyễn Q. Thắng: “Những năm 60 ông (LH) bị động viên vào quân trường Thủ Đức một thời gian rồi trở về đời sống dân sự” vì phải thêm rằng sau Thủ Đức, nhà thơ Luân Hoán ra chiến trường và bị đạn pháo “quân thù” làm mất một chân!
- Hay khi viết về nhà văn Lê Tất Điều “Sau năm 1975 ông (LTĐ) định cư (?) ở Hoa Kì và nghe đâu vẫn có tác-phẩm in ở nước ngoài” - một nhà nghiên cứu, tác giả của bao bộ sách hàng vạn trang, mà chỉ biết “nghe đâu”!
- Cũng vì nghe đâu nên mới viết về nhà văn “Hồ Trường An, dược sĩ, nhà văn” (mục từ 32): “Từ năm 1977 định cư ở Pháp. Chưa có tác phẩm in thành sách, nhưng có nhiều truyện ngắn trên các tạp chí ở Sài Gòn trước năm 1975”.
- Còn gọi Viên Linh là “hoàng đế”, “nhà độc tài” văn học, như mục đề 28 về nhà văn Viên Linh, là hơi… quá, dù có thể cốt ý bênh cô Phương Thảo tức Vũ Hạnh. Thiển nghĩ với văn học miền Nam thời 1954-1975, Viên Linh vừa là một nhà thơ, nhà văn vừa là một chủ biên tạp chí (Thời Tập) có công, dĩ nhiên không phải công kiểu Vũ Hạnh!

2. Những thiếu sót, sai lầm có chủ đích:

Trong phần về giáo sư Nguyễn Văn Trung (tập 4, trang 7-54), mở đầu Chương 8-Các Văn Gia Hiện Đại, Nguyễn Q. Thắng ghi rằng giáo sư Trung còn có bút hiệu Nguyễn Nam Châu. Thực ra, Nguyễn Nam Châu (bút danh Hoài Kim Yến) là một giáo sư đại học Huế những năm cuối thập niên 1950, viết nhiều bài trên tạp chí Đại Học và là tác giả những cuốn Sứ mệnh văn nghệ và Những nhà văn hóa mới (1958). Sau này ông Nguyễn Nam Châu trở về Bỉ làm giáo sư đại học và không lâu trước khi mất đã xuất bản một tập sách nhìn lại chủ nghĩa Marx. Nguyễn Q. Thắng còn ghi thời trước 1975, giáo sư Nguyễn Văn Trung sinh hoạt trong một số lực lượng, hội đoàn “dưới sự chỉ đạo trực tiếp, có lúc gián tiếp của lực lượng cách mạng nội thành” mà không dẫn chứng bằng cớ, dễ khiến hiểu lầm và trong trường hợp này sai lầm rất nghiêm trọng. Trong phần trích văn tác giả Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Q. Thắng trích lại một phần cCương 5 – “Văn-học trong vòng tay chính trị” của hồi ký Những chặng đường đã qua của giáo sư Trung, nhưng trong phần tiểu sử nhắc việc Phạm Công Thiện phê bình các tác phẩm của gs Trung, mà Nguyễn Q. Thắng lại không ghi nhận những 'feedback' về việc ấy mà giáo sư Trung đã ghi lại trong cùng tập hồi ký đã kể; hơn nữa nếu quan sát đã thấy bài phê bình của Phạm Công Thiện đã không xuất hiện trong các lần tái bản tập Hố thẳm tư tưởng, nhưng lại được một nhóm Phật tử ở Huế in lại thành tập in mỏng Phê bình luận án tiến sĩ triết học của Nguyễn Văn Trung năm 1973.

Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã viết trong hồi ký của ông:

“Sau đảo chánh 01/11/1963, ông Phạm Công Thiện xuất bản cuốn Hố thẳm tư tưởng, dành một chương phê phán luận án tiến sĩ của tôi với một thái độ khinh bỉ, trịch thượng, mạt sát thậm tệ. Cuốn sách bán chạy, dư luận bàn tán sôi nổi vụ “ông Phạm Công Thiện phê phán ông Nguyễn Văn Trung”, chờ đợi tôi lên tiếng đối đáp; nhưng cho đến nay tôi vẫn giữ im lặng, không có một lời nói công khai nào. (…) Tôi và ông Thiện gặp nhau ở tòa báo Bách Khoa với sự chứng kiến của anh Lê Ngộ Châu. Trong bữa gặp gỡ đó, ông Thiện thú nhận với tôi đại ý như sau: Tôi viết bài phê bình anh để thỏa mãn những uất ức bất mãn của giới Phật giáo coi anh là tiêu biểu cho trí thức Việt Nam nói chung và trí thức Công giáo nói riêng. Tôi xin hứa với anh sẽ bỏ bài đó trong lần tái bản sách sắp tới. Ông Phạm công Thiện đã giữ lời hứa.” (Chương IV-. Ông Phạm Công Thiện).

3. Những đánh giá và xếp loại vô nghĩa, lỗi thời:

Đây là trường hợp các nhà văn nữ miền Nam thời ấy Túy Hồng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ, kể cả Nhã Ca, đều bị Nguyễn Q. Thắng gán cho nhãn hiệu 'vô sỉ'. Theo ông, các này mà ông gộp chung là “những người cùng nhóm là một thứ 'vô sỉ' (cynique) trong văn chương. Nghĩa là họ đem những cái không đáng phô trương ra quảng diễn không chút e dè (Nguyễn Thị Thụy Vũ tr.455, Trùng Dương tr.872, Nguyễn Thị Hoàng tr.629,…)”. Nguyễn Q. Thắng thêm rằng Nguyễn Thị Thụy Vũ làm công việc này “khá nhiệt tình trên từng trang văn”, còn tác phẩm nhà văn Trùng Dương “đều được dựng nên bởi nhân sinh quan và thế giới quan một cách “hiện sinh”, buông xả và gần như vô sỉ” (tr. 872, 873). Nặng nề nhất là với nhà văn Túy Hồng mà Nguyễn Q. Thắng cho rằng cùng với các nhà văn nữ kia “từng gây nên hiện tượng văn học có tính nhục cảm dồn nén thể xác của các cô gái lỡ thì... (một cách) tiêu biểu nhất” (tr. 538). Đây là thứ ngôn ngữ của Vũ Hạnh và Tin Văn (do Nguyễn Ngọc Lương, Trần Bạch Đằng chi phối, điều khiển)!

Nhà văn Nhã Ca có lẽ bị nặng nề nhất trong bộ gọi là văn học sử này. Với mục đề “35-Thu Vân, nhà văn dùng tính dục để giải quyết vấn đề” mấy ai nghĩ là Nguyễn Q. Thắng nói về nhà văn Nhã Ca? Ở trang 639, “Thu Vân” biến thành “Trần Thị Thu Vân”, và khi viết về thơ Nhã Ca, không, về nhà thơ Thu Vân chớ, thì ông Nguyễn Q. Thắng viết như sau: “Bà còn là một thi sĩ với những thi đề có giá trị nghệ thuật của mĩ tính thi ca hiện đại có thể nói thơ bà Thu Vân vượt trên văn bà Thu Vân”. Sau đó ông trích bài thơ nổi tiếng của bà nhưng lại cắt mất một phần tựa đề chỉ vì trùng với bút hiệu thật của bà (Nhã Ca!): “Bài… Ca thứ nhất”!

Nhà văn Nhật Tiến khi viết về các nhà văn nữ này đã nhẹ nhàng nhận xét rằng “...những tác phẩm viết táo bạo của giới cầm bút phụ nữ, gây cho độc giả một ấn tượng mới mẻ về những ý tưởng muốn thoát ly cái vỏ phụ nữ Á-đông thuần túy...” (Bách Khoa, 1967). Gần đây, nhà thơ Du Tử Lê thì khẳng định rằng “Nhã Ca, nhà văn nữ nói “không” với dục tính” trong bài viết cùng tựa đề trên tờ Người Việt (CA) số 6-4-2010.

Bộ sách của ông Nguyễn Q. Thắng đã khiến người đọc nhận thấy sự hiện diện quẩn quanh của một chỉ thị nào đó của bộ chính trị!

Cách nhìn của mấy cây viết “phải đạo” như Vũ Hạnh, Lữ Phương, Trần Trọng Đăng Đàn, và nay Nguyễn Q. Thắng đã là một cái nhìn mang tính xã hội, chính trị của một quan niệm macho toàn trị, tức không mang tính văn chương; quan niệm bao cấp này đã lỗi thời và rất bất cập! Gần 10 năm trước, chúng tôi đã có dịp viết về đề tài Tính dục và nữ quyền này:

“Phải đến Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trùng Dương văn chương mới trở thành phương tiện cho nữ quyền và quyền sống. Thật vậy, từ cuối thập niên 1960, người viết nữ đã mạnh bạo đi xa hơn, tự tin hơn và những vấn đề phụ nữ được chính thức trương lên chữ nghĩa. Cái Tôi, nhân vật chính, nội dung, tình cảm, tình yêu, tình dục,... không còn là của riêng những nhà văn thơ phái nam (...) Văn chương dục tính hay có dâm tính lại do người nữ viết hình như hấp dẫn hơn vì cũng hình như có tính tự thuật nhiều hơn. Vì từ nay, người nữ làm chủ con người, tư duy, tình cảm và cuộc đời của họ trong văn chương. Làm người nữ, với văn chương! Simone de Beauvoir trong Le Deuxième Sexe (1949) đã phát động cái ý thức nữ quyền đó khi hô hào "On ne nait pas femme, on le devient". Trong văn chương, trong ngôn ngữ, vì là cái có thực, có sự sống. Như vậy, viết trở thành hành động tự xác định của người phụ nữ, trở thành phát ngôn viên chính thức của con người phụ nữ, tiếng nói chính thức và từ tình dục (…) Không đóng vai luân lý, đạo đức nhưng đối với văn chương dục tính, thiển nghĩ tính văn chương sẽ không ở lâu với những quẩn quanh tình dục không lối thoát. Không bắt buộc phải hướng thượng, nhưng nếu nhân vật, hành động và nội dung của văn chương cứ bị tình dục, thân xác giam hãm tù đày, định nghĩa về văn chương hình như đã bị hãm hiếp một cách tội nghiệp vậy! Đây là chỗ khép lại của nhiều thập niên thử nghiệm kể từ khi nhóm Sáng Tạo đề nghị buông thả và khai phá tình dục trong văn chương...”

Một quan niệm khác mà Nguyễn Q. Thắng hay nói đến và gán cho vài nhà văn, là sadisme. Theo các từ-điển thì sadisme có nghĩa là “thói loạn dâm gây đau” trong y học và một cách tổng quát chỉ những trò, những lối sống và cả bút pháp “chủ khoái lạc bạo tàn”. Bút pháp của nhà văn Duy Lam mà Nguyễn Q. Thắng gọi là “nhà văn của dòng họ” đã được ông gọi là “bút pháp nặng tính sadique của văn chương hiện đại tây phương” (tr. 256). Em ông, nhà văn Thế Uyên thì được xem là “một nhà văn thuộc trường phái sadique như ông tự nhận ‘có lẽ tôi hơi sadique’” (tr. 325). Khuynh hướng này nhà thơ Nguyên Sa ở Miền Nam đã là người đầu tiên sử dụng. Sadisme là một ý niệm, một style, nếu áp dụng vào lãnh vực văn chương thì cũng chẳng có gì tai hại cần phải nhấn mạnh.


4. Bất nhất về thời gian:

Với những nhà văn Việt Nam Cộng hòa sống sót và thoát rời khỏi nước được, về sau tiếp tục sinh hoạt ở hải ngoại, Nguyễn Q. Thắng dừng tiểu sử họ và ngừng ghi tác phẩm của họ ở mốc 1975, trong khi các nhà văn của Việt Nam cộng sản hay theo Cộng thì lại được tỉ mỉ tiểu sử và tác phẩm đến ngày xuất bản bộ sách (2008-9). Một điểm khác nữa là Nguyễn Q. Thắng thường trích các tác phẩm đã đăng báo hơn là từ văn bản đã xuất bản của các tác phẩm và tác-giả đó. Vậy đây là một tuyển tập văn học qua báo chí hay văn học sử? Võ Phiến trước khi xuất bản các tuyển tập về văn học miền Nam 1954-1975, đã cất công viết một tập Tổng quan, trong khi bộ sách của Nguyễn Q. Thắng chỉ là một sưu tập và tiểu truyện về các tác giả miền Nam với những giới thiệu có tính thương mại hơn là đi vào nội dung!

Xem bộ sách của Nguyễn Q. Thắng không khỏi nhớ đến dĩ vãng tàn độc đối với nền văn học của những kẻ sống ở miền Nam, trong vùng Việt Nam Cộng hòa bị chiến bại, đã bị 'kẻ thắng' xóa bỏ bằng những nghị định và chiến dịch: Nghị định 20-8-1975 của Lưu Hữu Phước bộ trưởng Thông tin văn hóa của chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam - nghị định cấm lưu hành sách báo xuất bản tại miền Nam trước đó. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV (1976) ghi rõ nhiệm vụ phải "quét sạch ảnh hưởng của tư tưởng và văn hóa thực dân mới" ở miền Nam (Trích từ Văn hóa văn nghệ miền Nam dưới chế độ Mỹ Ngụy (Hà Nội: Văn Hóa, 1977), tr. 8). Tháng 3-1976, từng đoàn từng đoàn cán bộ càn quét tịch thu hết sách báo xuất bản dưới thời chế độ cũ, để đốt, "tẩy". Chiến dịch thanh toán "bọn văn nghệ sĩ phản động" khởi đầu sáng 3-4-1976, hai ngày sau vụ nổ công viên con rùa đường Duy Tân: công an lùng bắt hầu hết văn nghệ sĩ và trí thức. Sau đó là tù đày, cải tạo, và khi nghi bóng nghi gió lại tiếp tục càn quét thu vén sách Việt Nam Cộng hòa như vào tháng 3-1981, nhà cầm quyền ra hẳn một cuốn danh mục sách và tác giả cấm lưu hành. Những gì không xuất phát từ văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa và chuyên chính vô sản đều phải xóa bỏ, phủ định, vì "mảng" văn học này bị kết án là "đồi trụy hóa con người", "phục vụ xã hội tiêu thụ miền Nam" tức một thứ "văn học phục vụ chính trị phản động", phản cách mạng - những cái nhãn hiệu có thể làm tiêu mạng sống con người! Từ 1975 đến nay có hơn 20 cuốn sách phê phán xuyên tạc nền văn nghệ Việt Nam Cộng hòa: văn học tay sai cho thực dân mới cũ nhưng đáng sợ như những trái bom! Như vậy, ngay sau khi "chiến thắng", các cán bộ và cả guồng máy liền gấp rút tấn công và thủ tiêu những thành tích văn hóa văn học ở miền Nam trước khi họ đến.

Gần đây đã có vài cử chỉ có tính “xét lại”. Vài tác phẩm của nhà văn Việt Nam ở hải ngoại được xuất bản ở trong nước, dĩ nhiên đã qua gạn lọc (gần đây thêm Kiệt Tấn - Em điên xõa tóc, Hoàng Khởi Phong - Người trăm năm cũ). Riêng tác phẩm của các nhà văn Việt Nam Cộng hòa từng bị cấm đoán sau 1975, nay cũng được tái bản (như của Dương Nghiễm Mậu, Lê Xuyên, Thế Uyên, Nhật Tiến, v.v...), vậy mà Nguyễn Q. Thắng làm công việc gọi là văn học sử lại không cho biết Phi Ích Nghiễm là Dương Nghiễm Mậu! Khi giới thiệu các truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu được NXB Phương Nam hợp tác với NXB Văn Nghệ xuất bản năm 2007, Phạm Xuân Nguyên đã có cái nhìn thích đáng hơn Nguyễn Q. Thắng:

“Văn chương dân tộc Việt Nam thế kỷ XX, do nhiều hoàn cảnh lịch sử và lý do khác nhau, đã không thuần nhất và thống nhất. Có một thực tế đã trở thành lịch sử là trong giai đoạn 1954 - 1975 đất nước bị chia thành hai miền lãnh thổ với hai thể chế khác nhau và dưới hai thể chế trên hai miền lãnh thổ ấy đã tồn tại hai nền văn chương khác biệt về ý nghĩa chính trị. Nhưng ở những tác giả và tác phẩm tiêu biểu, ở bên này hay bên kia, đó đều là văn chương đúng nghĩa, tức là có giá trị nhân bản, nhân văn đối với con người. Tôn trọng lịch sử thì phải thừa nhận một thực tế khách quan là văn chương Việt Nam thế kỷ XX có các bộ phận khác nhau, và để hình dung bức tranh đầy đủ về văn chương dân tộc thì phải có sự tổng hợp, thống nhất các giá trị văn chương đích thực từ các bộ phận cấu thành ấy. Độ lùi thời gian và hoàn cảnh chính trị xã hội hiện thời của đất nước đã tạo điều kiện cho việc này. Trên tinh thần đó, “Tủ sách văn học miền Nam trước 1975” do Nhà xuất bản Văn Nghệ và Công ty văn hóa Phương Nam phối hợp thực hiện là một ý tưởng và công việc cần thiết và hợp thời, trên cả hai phương diện chính trị và văn chương, đáng được trân trọng và ủng hộ. Lựa chọn in lại những tác phẩm có giá trị văn chương của các nhà văn nhà thơ từng sáng tác ở Sài Gòn giai đoạn 1954 – 1975 là nhìn văn học ở tư cách văn học dưới con mắt lịch sử. Hơn thế, đó còn là đưa trả lại cho văn chương nước nhà những giá trị xứng đáng của nó và đem lại cho độc giả văn chương những tác phẩm họ cần biết, cần đọc để hiểu đầy đủ, toàn diện hơn nền văn chương dân tộc thế kỷ XX. Có thời ném đá đi và có thời lượm đá về.

Bốn tập truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu (Đôi mắt trên trời, Cũng đành,Nhan sắc, Tiếng sáo người em út) vừa được ra mắt ở Nhà xuất bản Văn Nghệ là trên tinh thần này. Đọc nó, độc giả sẽ được phát hiện một nhà văn xuất sắc với một lối viết hiện đại, thấm đầy chất hiện sinh, đi sâu vào thân phận con người, phơi bày những cảnh ngộ làm người trong một thế giới nhiều bất trắc, phi lý. Do đó đọc ông không thể đọc theo kiểu ngoại quan mà phải bằng con mắt nội quan...” (Thể Thao & Văn Hóa, 13/4/2007).

Viết văn học sử mà gọi Nguyễn Đăng Sinh thay vì Mai Thảo, Đoàn Thế Nhơn thay cho Võ Phiến, Thu Vân và Trần Thị Thu Vân thay vì Nhã Ca, v.v... thì quả là bất thường thật! Không lẽ những danh tính nhà văn Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, Võ Phiến, Nhã Ca, v.v… hãy còn nhạy cảm và gây dị ứng đến thế sao? (Dĩ nhiên không thể có Hồ Hữu Tường, Duyên Anh, Nguyễn Mạnh Côn, v.v... trong bộ sách của Nguyễn Q. Thắng!). Cũng cần nhắc lại, những nhà văn nhà thơ của miền Nam bị giấu tên trong bộ sách của Nguyễn Q. Thắng nằm trong số 10 vị từng bị gọi là Những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt trận văn hóa tư tưởng - tựa sách do nhà xuất bản Văn hóa in năm 1980 và tái bản nhiều lần. Tập này gồm 10 chương, nêu đích danh 10 nhà văn miền Nam để xóa bỏ sự nghiệp văn hóa và văn học của họ, những người theo họ là nguy hiểm nhất vì ảnh hưởng “di hại” lâu dài. 10 “biệt kích” đó là Vũ Khắc Khoan, Doãn Quốc Sỹ, Nhất Hạnh, Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh, Dương Nghiễm Mậu, Mai Thảo, Võ Phiến, Hồ Hữu Tường và Nhã Ca.

Một nền văn học giấu mặt, danh xưng đảo lộn,... thì làm sao đến gần được sự thật mà lại còn lớn tiếng kêu gọi hòa hợp hòa giải? Và phải chăng nền “học thuật một nửa sự thật” này đã khiến cho một giảng viên đại học sư phạm đã không biết Tự Lực Văn Đoàn là gì, hoặc Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam là ai (Chương trình Ai là triệu phú? của đài truyền hình Hà Nội, 1-2007).

Chúng tôi tự hỏi không biết có nên thêm vào bài này rằng sau bộ sách Văn học Việt Nam nơi miền đất mới của Nguyễn Q. Thắng là vụ Nguyễn Đức Tùng in tập Thơ đến từ đâu gồm những phỏng vấn một số nhà thơ trong ngoài và sau đó là vụ Hội thảo văn học Việt – Mỹ sau chiến tranh được tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 5 đầu tháng 6 năm nay, 2010, vụ trước còn có lời ra tiếng vào, vụ sau chỉ có báo Nhà Nước Việt Nam đưa tin. “Con đường văn học Việt Nam vào Hoa Kỳ”: tên nghe kêu nhưng con đường đó chỉ đi rất giới hạn, từ Hà Nội đến Trung tâm William Joiner ở Boston rồi trở về, không quá khứ xa hơn, cũng không có tính truyền thống lẫn văn học!

Ngày song thất 2010

© 2010 Nguyễn Vy Khanh
© 2010 talawas


--------------


(...)   


source : Phan Nguyên Blog


=======================

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ