bài đọc thêm (2) : " Dã Lan- Nguyễn Đức Dụ -- Người viết gia phả lớn nhất nước " (nhiều người viết / Quang Mai sưu tập) -- source: thuviendpt.info>
Dã Lan Nguyễn Đức Dụ
– Người viết Gia Phả lớn nhất nước Việt
0Cụ Dã Lan tên thật là Nguyễn Ðức Thu sinh ngày 6/9/1919 tại làng Thượng Cốc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Thân phụ là một cựu công chức thời Pháp. Thân mẫu người họ Bùi quê ở làng Phương Điếm cùng huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Ðầu thập niên 1940 cụ vào miền Nam làm thư ký ở Sở Máy Bay Biên Hòa, rồi làm quản thủ thư viện Ðại Học Kiến Trúc Sài Gòn. Chính trong thời gian này, cụ bắt tay vào việc nghiên cứu gia phả.
Là trưởng tộc của dòng họ Nguyễn Ðức (làng Thượng Cốc, tỉnh Hải Dương), hơn 40 năm nay cụ Dã Lan Nguyễn Ðức Dụ chuyên tâm vào lĩnh vực nghiên cứu gia phả (từ năm 1961). Bắt đầu từ công trình Nguyễn Tộc Thế Phả của chính dòng họ mình, sau đó là 2 công trình gây nên tiếng vang lớn: Gia Phả – Khảo Luận Và Thực Hành (Giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật Miền Nam 1969) và Một Lối Chép Gia Phả Thật Đơn Giản (1974). 2 cuốn sách này được tái bản nhiều lần và đã đưa tên tuổi của cụ Dã Lan Nguyễn Ðức Dụ vào cuốn Nhân Vật Việt Nam 1973 và Who’s who in Vietnam 1974. Từ đó, cụ Dã Lan Nguyễn Ðức Dụ được nhìn nhận như là người khai mở ngành gia phả học Việt Nam.
Ngoài những công trình biên soạn nói trên, cụ còn lần lượt giới thiệu bộ sách Dõi Theo Tông Tích Người Xưa (nhiều tập) và Lược Khảo Phổ Trạng Các Nhà Văn được cụ khởi thảo từ năm 1974.
Công việc của cụ hết sức lặng thầm, thế nhưng lại gây được tiếng vang rất lớn. Cho tới nay, đã có khoảng 30 cơ quan văn hóa trên thế giới có lưu trữ những công trình của cụ – trong đó có cả thư viện Trường Ðại học Oxford (Hoa Kỳ). Tổ chức Gia Phả Học Quốc Tế và Viện Ðại Học Brigham Young (Hoa Kỳ) cũng đã đến tận nhà riêng của cụ để bàn luận về việc nghiên cứu gia phả. Giáo sư Richard C. Beals thuộc Viện Ðại Học Brigham Young đã từng phát biểu: “Tôi đã được xem nhiều tài liệu gia phả học trên thế giới nhưng có thể nói những tài liệu biên khảo của Dã Lan Nguyễn Ðức Dụ là xuất sắc nhất”.
Khởi đầu từ dòng họ của chính mình, đến nay cụ đã truy cứu đến tận gốc của hơn 60 dòng họ trên đất nước Việt Nam, trong đó có những dòng họ nổi tiếng: Hồ (Hồ Quý Ly, Hồ Xuân Hương…), Ngô (Ngô Quyền, Ngô Tuấn – Lý Thường Kiệt, Ngô Văn Sở, Ngô gia văn phái, Ngô Thị Ngọc Dao…), Phan Thanh Giản, Ðoàn Thị Ðiểm, Nguyễn Thiện Thuật… Trong lời giới thiệu cuốn “Dõi Tìm Tông Tích Người Xưa” của cụ Dã Lan, giáo sư Mạc Ðường viết: “…Cho tới nay, có lẽ cả nước mới có một cụ Dã Lan Nguyễn Ðức Dụ đã dành hàng chục năm trời cho sự nghiệp gia phả học Việt Nam…”.
Nhưng nay nhân tố quý giá ấy đã vĩnh biệt chúng ta vào lúc 1 giờ 45 phút ngày 3/5/2002 để lại tập bản thảo đang viết dở dang: “Phổ Trạng Các Nhà Văn Việt Nam Đương Đại”. Cụ ra đi để lại cho gia đình, thân hữu cũng như người ái mộ niềm thương tiếc khôn cùng và một nỗi băn khoăn: Sau cụ, biết còn ai đam mê dõi tìm tông tích người xưa?
Quang Mai (St).
Về người viết gia phả lớn nhất nước Việt
Sinh năm 1919, Dã Lan Nguyễn Đức Dụ đã được giới nghiên cứu gia phả trong và ngoài nước biết đến như nhà nghiên cứu gạo cội về lĩnh vực này.
Cho đến thời điểm này, mặc dầu ông đã khuất nhiều năm nay nhưng những công trình biên khảo nghiên cứu công phu độc đáo của Dã Lan Nguyễn Đức Dụ về gia phả vẫn được coi là nhà phả trạng lớn nhất Việt Nam. Đọc cuốn hồi ký của cụ Nguyễn Hiến Lê, số chữ cụ dành cho ông không nhiều nhưng sao cứ ám mãi vào người đọc hình ảnh một ông già râu tóc bạc cả, di chuyển trong thành phố rồi đi xa hơn nữa ra mấy tỉnh phụ cận Sài Gòn mà toàn đạp xe đạp, kể cũng kỳ…
Lạ hơn, ông cụ không quản mệt nhọc vì ông đang có niềm vui trong lòng, niềm vui mà những người khác khó lòng mà có được, hơn cả cái sướng của những người, những dòng họ được ông gây dựng và tạo cho một cuốn phả!
Cách viết của Dã Lan thật duyên dáng độc đáo, ông mô tả phong tục ở từng nơi, từng con người qua các thời đại lịch sử thật khéo và hấp dẫn.
Lúc sinh thời người viết cuốn hồi ký này đã có lần để suốt cả một tuần lễ đọc đi đọc lại văn của Dã Lan và tập viết theo kiểu Dã Lan nhưng đành chịu thua lối viết giản dị trong sáng mà chững chạc, mà không biền ngẫu của Dã Lan!
Nơi chôn nhau cắt rốn của ông không phải phương Nam mà là miền Bắc. Làng Thượng Cốc, huyện Gia Lộc, Hải Dương. Cha là cựu công chức thời Pháp. Mẹ họ Bùi quê ở Phương Điếm cùng huyện. Ông là lớp hậu sinh, gần như thế hệ chót của những người đi mở đất vào Nam làm ăn đầu những năm 50.
Như một thứ tiềm thức lặn bám vào ông dai dẳng, thứ tiềm thức ấy bắt đầu cựa quậy trước sự thật xứ Nam này việc làm phả quả là còi cọc. Liên miên tao loạn. Trập trùng không dứt chuyện nhà tan cửa nát… nên chuyện người ta sao nhãng việc làm phả, lập phả cũng là điều dễ hiểu. Ông bàng hoàng. Nhưng ông không hoảng hốt…
Ông rời cái chân thủ thư Thư Viện Trường Đại Học Kiến Trúc Sài Gòn để chuyên tâm với việc làm phả, lập phả. Đó là những năm đầu 60. Hàng chục rồi hàng trăm gia đình, dòng họ được ông bỏ công sức lập phả…
Họ mừng, nhưng nỗi mừng ấy ở ông lớn hơn. Niềm vui thường tìm thấy ở những tấm lòng tận tụy dâng hiến… Ông từng viết như thế này khuyến người và hình như cũng cổ vũ cho chính mình nữa:
Nôm na gọi có mấy lời
Nhắn ai nòi Việt ngàn đời đừng quên
Chữ rằng “Mộc hữu bản; Thủy hữu nguyên’’
Người mà bỏ gốc sao nên thân người…
Nhưng như vậy thì chả có chi đáng nói. Bất quá là ngợi khen một con người hằng tâm mặc dầu ông không hằng sản. Ông phải chịu cực rất nhiều, gia đình trở nên túng thiếu từ cái đận bỏ việc đi lập phả cho thiên hạ.
Gia phả ở nước ta đã có từ lâu, ý nghĩa và lợi ích của việc làm phả thì thiên hạ đã rõ. Nhưng cái gì là đặc điểm của gia phả Việt Nam? Xây dựng một cuốn gia phả như thế nào cho khoa học và thiết thực?
Ông từng bộc bạch: lối chép sử ta thường dập khuôn theo lối chép biên sử của Trung Hoa, cũng có khi những việc ấy chưa từng nghe ai nhắc tới. Một lẽ nữa các sử gia nói chung cũng ít quan tâm đến gia phả các dòng tộc, ngoại trừ tông phả, tộc phả của các triều đại phong kiến. Ngoài ra tìm hiểu lai lịch cội nguồn, có tên tuổi qua gia phả ta mới thấy rõ sự cống hiến vô bờ bến của dòng tộc ấy.
Vốn tiếng Pháp, tiếng Anh và chữ Hán khá điêu luyện đã khiến ông bừng tỉnh ra nhiều điều khi nhìn ra xa hơn… Ông dõi ra xứ Bắc, chiêm nghiệm lịch sử sâu hơn qua những thư viện Sài Thành bấy giờ không thiếu những kho sách tầy tặn nghiêm chỉnh. Ông tham khảo, dõi theo việc làm phả ở xứ Trung Hoa từ cổ đến kim. Rồi ở bên Tây phương, Âu châu, như Anh, Pháp, Mỹ, La Mã… có gia phả không, và người ta làm phả như thế nào? Rồi Ấn Độ và Nhật Bản cái sự làm phả ra làm sao? v.v… và v.v…
Qua tư liệu và việc trao đổi thư từ với những nhà làm phả nổi tiếng ở Pháp, Mỹ… (Thời đó mà có sự giao lưu như vậy kể cũng đáng nể!), trên cơ sở nguồn lẫn nền tư liệu sẵn có và đặc thù của gia phả Việt, ông đã làm cái việc “nối mạng’’, đặt gia phả Việt Nam vào cái nền chung của gia phả thế giới.
Ông đã cho công bố công trình “Gia Phả – Khảo Luận và Thực Hành”. Mặc dù lần xuất bản đầu tiên năm 1972 chỉ bằng Việt ngữ (chưa phải những lần sau được nước ngoài tái bản; và sau năm 1975, chế độ mới đã 3 lần tái bản tác phẩm tày tặn công phu về tư liệu chắc rõ, nghiêm cẩn về kiến giải này). Công trình của Dã Lan Nguyễn Đức Dụ ngay lập tức có tiếng vang xa. Lần đầu tiên trong lịch sử, gia phả Việt Nam gặp gia phả quốc tế.
Riêng nước Mỹ đã cử ngay một phái đoàn giáo sư đại học tới Việt Nam xin gặp cụ Dã Lan sau khi tác phẩm của cụ được Viện Đại học Brigham Young nhìn nhận là một tài liệu rất hữu ích.
Cho tới nay, cụ Dã Lan vẫn nhất định từ chối mọi sự tài trợ của ngoại quốc và vẫn mong sẽ được sự giúp đỡ của người Việt Nam để xuất bản tác phẩm của cụ, hầu phổ biến một ngành nghiên cứu văn hóa dân tộc cổ truyền vẫn được nhiều quốc gia xem là một khoa học (báo Chính Luận, chủ nhật 24/7/1972).
Bao năm rồi mà giới nghiên cứu vẫn phải lật lại những chương của cuốn sách như :
– Nguồn gốc ngành gia phả Á Châu.
– Ngành gia phả học Âu Châu.
– So sánh và phân tách quan niệm của Đông và Tây trong việc lập phả.
– Vấn đề gia phả ở miền Nam.
– Sự chuyển mình của gia phả Việt Nam.
– Những nét đặc thù của vài cuốn gia phả cũ và mới.
– Tình hình gia phả ở miền Bắc.
– Cách thức lập một cuốn phả mới.
– v.v… và v.v…
Riêng công trình này của Dã Lan đã đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật của chính quyền cũ về bộ môn gia phả. 29 cơ sở văn hóa nước ngoài có lưu trữ một số công trình nghiên cứu của Dã Lan, đặc biệt là cuốn “Gia Phả – Khảo Luận & Thực Hành”. Cái tên Dã Lan Nguyễn Đức Dụ đã được đưa vào cuốn “Nhân Vật Việt Nam 1973” và cuốn “Who’s who in Vietnam 1974”.
Quả là những cuốn sách không phải đọc một lúc đọc một thời như cuốn của Dã Lan Nguyễn Đức Dụ bây giờ đang trở nên thưa vắng hiếm hoi. Ta hãy cùng chia sẻ, thưởng lãm với những nhận xét:
“Nghiên cứu cẩn trọng, bút pháp có vẻ sử gia nhưng lại diễn tả với bút pháp văn chương, nên những tác phẩm của Dã Lan có phong cách riêng khác với những cuốn gia phả cổ truyền.
Dã Lan Nguyễn Đức Dụ đã kế thừa truyền thống lâu đời về gia phả đã tồn tại ở Việt Nam hơn một ngàn năm, mà còn chỉnh lý và tổng kết lại kiến thức về môn học này so sánh với những phương pháp nghiên cứu của phuơng Tây, lý luận hóa và phong phú thêm phần di sản quý báu của dân tộc Việt Nam.
Là một phụ nữ, tôi thích phương pháp nghiên cứu và quan điểm của nhà khoa học này, không ép buộc gò bó trong lề lối cũ mà trái lại, được xây dựng thêm một quan điểm mới, nghĩa là thêm ngành Ngoại, tức là thêm đàn bà con gái.”
Đó là nhận xét của Litana tức Lý Bảo Thạch, tác giả luận án tiến sĩ về “Lịch Sử Đàng Trong Thời Chúa Nguyễn”. Hiện bà giảng dạy khoa lịch sử và chính trị Trường Đại Học Quốc Gia Úc (Universite of Wollongong Australia).
“Từ xa xưa nước ta đã có gia phả, nhưng nghiên cứu gia phả Việt Nam và hướng dẫn cách viết, cách xây dựng cuốn gia phả như thế nào ở nước ta thì chưa thấy ai viết thành sách.
Sau nhiều năm say mê nghiên cứu, ông Dã Lan Nguyễn Đức Dụ đã thực sự trở thành chuyên gia số một ở nước ta về gia phả học. Công trình “Gia Phả – Khảo Luận và Thực Hành” là một tác phẩm có giá trị khoa học và thực hành cao’’ . (Cố giáo sư Thái Ninh).
“Gần cả đời mình để chuyên tâm miệt mài cho việc sưu tầm, biên soạn gia phả các dòng họ ở Việt Nam. Công việc xứng đáng được gọi là vấn tổ tầm tông cho tiền đồ của dân tộc. Thật vậy, cho đến nay có lẽ cũng mới chỉ có cụ Dã Lan Nguyễn Đức Dụ dành hàng chục năm trời cho sự nghiệp gia phả học Việt Nam”. (Á Nam – Trần Tuấn Khải).
Tôi đã có nhiều buổi ngồi với Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Lê, người đã có hàng chục công trình nghiên cứu về cổ văn nổi tiếng. Chính những công trình của nhà nghiên cứu Hoàng Lê đã khiến ông gần gụi với Dã Lan Nguyễn Đức Dụ trong nhiều năm mặc dầu kẻ Nam người Bắc.
Mặc dù địa hạt nghiên cứu của Tiến sỉ Hoàng Lê không phải là gia phả nhưng có lẽ vì liên tài. Công phu, cẩn trọng… thì nhà nghiên cứu nào mà lại không có phẩm chất đó nhưng Tiến sĩ Hoàng Lê cho hay: vượt lên sự công phu, cẩn trọng ấy, Dã Lan Nguyễn Đức Dụ còn có một tố chất nữa mà không phải nhà nghiên cứu nào cũng có là uyên bác, là thông minh.
Khả năng phân tích, tổng hợp, khái quát của Dã Lan đã khiến ông không chìm lút trong bể học nói chung cũng như khối tài liệu nói riêng. Cuốn “Gia Phả – Khảo Luận và Thực Hành”, Dã Lan Nguyễn Đức Dụ đã tham khảo trên 70 đầu sách Việt Nam và nước ngoài. Đó là chưa kể những lần tái bản sau này ông còn tham khảo thêm mấy chục đầu sách nữa.
Nội việc nghiên cứu kỹ càng công phu gia phả của các dòng họ nổi tiếng như Ngô Vương; Đinh Tiên Hoàng; Nguyễn Kim; Nguyễn Trãi; Nguyễn Du; Nguyễn Xí; Đào Tấn; Vũ Hồn; Mạc Thị; Phạm Ngũ Lão; Phạm Sư Mạnh; Trịnh Kiểm; Nghè Tân; Vọng Sơn Niên Phổ; Dương Khuê; Bùi Viện; Trần Trọng Kim; Quang Trung; Hồ Xuân Hương; Vũ Phạm Hàm; Nguyễn Thượng Hiền; Chu Mạnh Trinh; Nguyễn Sinh Huy; Nguyễn Khuyến; Lương Văn Can v.v… đã là sự công phu lẫn vượt thoát rất lớn. Cuốn “Dõi Tìm Tông Tích Người Xưa” (tập I), số sách mà Dã Lan Nguyễn Đức Dụ tham khảo đã lên 126 cuốn!
Tiến sĩ Hoàng Lê cũng cho biết, cụ Dã Lan cũng đã định ra ngoài Bắc một thời gian hoặc thường xuyên, ngõ hầu đáp ứng nhu cầu của nhiều cơ quan nghiên cứu là để cụ giúp cho việc xây dựng ngành gia phả học ở ngoài này, nhưng do nhiều nguyên nhân trong đó có việc cụ cuối đời vẫn dong xe đạp khắp Sài Gòn như thế, một bận bị ngã gãy chân. Thế rồi liệt không đi lại được, mấy năm sau thì mất!
Tiến sĩ Hoàng Lê cứ chép miệng than tiếc mãi không thôi rằng có lẽ vì thế nên ngành gia phả học nước mình nói chung hiện giờ vẫn cứ èo uột. So với cái mốc từ khi có cụ Dã Lan đến nay hầu như vẫn dẫm chân tại chỗ! Tiến sĩ Hoàng Lê cũng than phiền thêm, không rõ cuốn “Dõi Tìm Tông Tích Người Xưa” (tập II) và cuốn “Lược Khảo Phổ Trạng Các Nhà Văn” rất có giá trị mà đến nay không hiểu vì lý do gì vẫn chưa ra được?
Tôi bàng hoàng đọc lá thư viết tay của cụ Dã Lan gửi cho Tiến sĩ Hoàng Lê trước khi cụ mất không lâu là cái việc cụ nhờ Tiến sĩ hỏi giùm cụ nhà xuất bản nọ là tại sao sách ra muộn vậy! Kèm theo là bài thơ của cụ Đào Tử Nghi – Chắt đích tôn cụ Đào Tấn – tặng Dã Lan Nguyễn Đức Dụ:
Ôi ngọn gió nào đưa hương thảo dã
Ngỡ là tiên hóa ra lan
Từ nơi sơn dã mà vương giả
Lạc chốn lầm than chẳng thở than.
Thanh Minh năm Tuất
Xuân Ba
Đôi lời giải thích: Chúng tôi (Ban Biên Tập TV.GĐPT) thu thập được mấy tấm ảnh bút tích chữ ký cùng ảnh scaner bìa 2 cuốn sách của cụ Dã Lan (đăng trong bài). Rất tiếc, những hình ảnh này do một member có nickname Giấy Gói Xôi post lên internet và đã “đóng dấu” bản quyền vào đó. Tuy đăng nguyên vẹn có vẻ thất kính nhưng tôn trọng tác quyền hình ảnh thu thập lại, chúng tôi không dùng kỹ thuật để bôi xóa, chỉnh sửa. Mong quý độc giả hoan hỷ.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ