Nhạc sĩ Tuấn Khanh bất mãn hay bất chấp?
Cho rằng những ca khúc viết về đề tài xã hội của mình nếu xin phép phát hành sẽ không được duyệt nên Tuấn Khanh tự phổ biến trên mạng. Việc làm này có vi phạm?

Những ngày vừa qua trên một số diễn đàn âm nhạc bàn tán khá nhiều xung quanh sự kiện nhạc sĩ Tuấn Khanh (người đang làm giám khảo cuộc thi Việt Nam Idol) tuyên bố từ nay không tập trung vào khuynh hướng sáng tác những ca khúc tình ca thông thường như vẫn thấy trên các đài phát thanh, truyền hình mà chuyển qua những đề tài xã hội. Đặc biệt anh sẽ không xin phép kiểm duyệt các đĩa nhạc của mình mà sẽ tự phát hành trên mạng.

Phát hành nhạc bằng... web

Bắt đầu cho tuyên bố nói trên, Tuấn Khanh đã chính thức cho phát hành mười ca khúc trong CD Bụi đường ca lên blog của mình và hai trang web: http://my.opera.com, http:www.vmuzik.com. Đây là những sáng tác mới nhất của anh phản ánh những vấn đề bức xúc của xã hội trong thời gian gần đây. Đặc biệt nhất là ca khúc 47.8 kể lại bằng âm nhạc chuyện một giáo viên và công an “ép cung” một em học sinh vì nghi em lấy cắp 47.800 đồng tiền quỹ lớp khiến em bị hoảng loạn tinh thần mà báo chí đã nêu. Ngoài ra, một ca khúc khác trong CD cũng thể hiện rõ thái độ của anh về vụ Đỗ Hoài Phương Minh “múa kiếm” ở sân bay Đà Nẵng hồi đầu tháng 8 vừa qua. Các ca khúc còn lại hầu hết chia sẻ và gửi gắm những suy nghĩ của Tuấn Khanh về những vấn đề nổi cộm mà báo chí phản ánh.

Trên blog của mình, anh cũng thẳng thắn giới thiệu đây là những bài hát chịu ảnh hưởng của nhạc trẻ miền Nam từ phong trào Phượng Hoàng (nhạc sĩ Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang khởi xướng) nhưng đã có cách tân nhất định. Hiện nay các ca khúc trong CD Bụi đường ca...) đã được phổ biến ở dạng MP3 stereo trên mạng cho hàng trăm khán giả tải về nghe. Tuấn Khanh cho biết lý do anh không xin phép phát hành theo cách thông thường vì không muốn gửi các ca khúc cho cơ quan quản lý duyệt rồi phải lắng nghe những nhận xét về bìa, ca từ... Anh khẳng định sẽ từ chối các lời mời hợp tác phát hành theo lối truyền thống qua băng đĩa mà tự làm CD, thiết kế bìa và đưa tất cả lên mạng bằng MP3. Ai muốn nghe thì cứ lên tải về, ai muốn duyệt thì cứ lên Internet... duyệt.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM lý do vì sao chưa gửi ca khúc đi xin phép mà đã biết không được duyệt, Tuấn Khanh nói ngắn gọn “Liệu có cơ quan nào dám cấp phép khi nghe đề nghị một bộ trưởng từ chức không?” và từ chối phát biểu trên báo chí vấn đề này. Tuấn Khanh cho biết từ nay đến cuối năm anh sẽ tiếp tục phát hành thêm CD Vỉa hè ca theo cách thức giống như Bụi đường ca.

Kiểm duyệt không có nghĩa cấm

Ông Võ Trọng Nam, Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật, Sở Văn hóa- Thông tin TP.HCM, cho biết đến nay cơ quan này chưa kiểm tra chính thức nhạc sĩ Tuấn Khanh đã đăng ký bao nhiêu ca khúc. Cũng theo ông Nam, Tuấn Khanh là một nhạc sĩ được đánh giá cao về tài năng. Có nhiều tác phẩm được nhiều người biết, được mời làm giám khảo nhiều cuộc thi âm nhạc lớn trong nước nên việc anh tuyên bố như trên blog là chưa ổn. “Về nguyên tắc, không xin phép cơ quan quản lý mà phổ biến tác phẩm là sai. Tuy nhiên, việc quản lý trên mạng là không thuộc phạm vi thẩm quyền của Sở, Sở chỉ quản lý với băng đĩa và phổ biến tác phẩm trực tiếp qua biểu diễn trước công chúng...” - ông Nam nói.

Trao đổi chiều 9-9, ông Lê Ngọc Cường, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa-Thể thao và du lịch), cho biết Cục cũng mới nhận được thông tin về việc phát hành đĩa nhạc trên mạng của Tuấn Khanh. Theo ông Cường, việc phát hành đó cũng là một hoạt động phổ biến tác phẩm tới công chúng. “Hiện Cục chỉ quản lý đối với các ca khúc được phổ biến bằng biểu diễn trực tiếp hoặc phát hành băng đĩa. Đối với việc phát hành nhạc trên mạng không xin phép về nguyên tắc là vi phạm quy định quản lý và cấp phép băng đĩa. Tuy nhiên, xử lý việc phổ biến tác phẩm trên mạng lại thuộc các cơ quan quản lý về công nghệ thông tin...” - ông Cường nói. Cũng theo ông Cường, các nhạc sĩ không nên hiểu kiểm duyệt và xin phép là gây khó khăn. “Việc kiểm duyệt và quản lý tác phẩm nghệ thuật không đồng nghĩa với việc cấm đoán tự do sáng tác của nghệ sĩ. Quy định đăng ký tác phẩm vì nó là sản phẩm hàng hóa rất nhạy cảm. Cơ quan quản lý không gây khó dễ cho các tác giả nhưng bất cứ một đất nước nào cũng cần quản lý những sản phẩm về văn hóa nghệ thuật theo cách đó. Hơn nữa, hoạt động văn hóa nghệ thuật phải mang tính định hướng cho công chúng. Do đó, bản thân nghệ sĩ phải chọn “món ăn” bổ ích cho công chúng giống như cung cấp “thực phẩm” cho xã hội” - ông Cường nhấn mạnh.  ./.

THANH HẢI

================