Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2021

bài đọc thêm (1) ; " Nguyễn Thị Vinh & " Truyện Người của Tình Phụ "/ Lê Văn Nghĩa ( Tp. HCM) -- nguồn: Văn Học Sài Gòn 1954 - 1975 / những chuyện bên lề / Nxb Tổng hợp Tp. HCM / 2020

 


                                              NGUYỄN THỊ VINH

                                      &

              TRUYỆN NGƯỜI CỦA TÌNH PHỤ


                                                            Lê Văn Nghĩa



Trong  Tản mạn văn học ( 2018),.ông  Nguyễn Văn Lục có câu hỏi rắc rối một chút:  "Trường hợp Nguyễn Thị Vinh từng sống cạnh Nhất Linh, khi ở bên Tàu - với tư cách vừa là đồng chí vừa là bạn văn, người tình - hay là tất cả những kia cộng lại ".

Tôi (LVN) có dịp đọc được quyển Truyện người của tình phụ ( Nhà xuất bản Thanh niên, 2001) in lại chung với truyện Cô gái Nghĩa Lộ, và cùng thời may mắn được hầu chuyện trực tiếp với tác giả: nhà văn Thế Phong với đầu óc cực kỳ minh mẫn dù đã trên 80, mỗi sáng vẫn hít đất ba lần 75 cái nha nha.

Truyện này nhà văn Thế Phong viết vào năm 1963, lúc ấy ông là nhà văn rất trẻ, còn Nguyễn Thị Vinh và những người trong truyện đều sống nhăn, xinh trai, đẹp gái. Nhất là Nguyễn Thị Vinh " có giọng nói mê hồn" theo nhận xét của người viết truyện. Nhà văn Thế Phong đã mượn một số choi tiết trong đời sống riêng tư của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Vinh viết thành Truyện người của tình phụ (một cái tựa sách trúc trắc, đọc một lần đố ai nói trúng). Ban đầu truyện được in ronéo (Đại Nam Văn Hiến xuất bản cục) - sau tác giả cho đăng dang dở trên tập san Biệt chính (Trung tâm Xây dựng nông thôn Vũng Tàu). Năm 1964, truyện được Đại Nam Văn Hiến xuất bản cục in thành sách.

Trong truyện này, Nguyễn Đoan Trang là nhân vật chính, xưng tôi, một cô gái đã có chồng, rất mê văn chương Tự lực Văn đoàn và mơ ước được gặp tác giả Đoạn tuyệt. Trong thời gian ở với chồng - một người rất là đáng chán, chỉ biết ân ái và hì hục ái tình mà ái tình thì chả ra làm sao nên Trang yêu một thầy giáo nho nhã tên là Trường Bảo, người hoạt động cách mạng trong Việt Nam Quốc dân đảng dưới quyền nhà văn kiêm đảng trưởng. Vì vậy, sau này qua Trường Bảo, nhà văn Thiên Tài đã đến thăm Trang tại nhà của hai người.

Thiên tài đã cùng Trang đi trước, vượt biên lánh nạn ở một thành phố nhỏ bên Tàu, cách thủ phủ Liễu Châu vài chục km. Trên đường đi, nhà văn Thiên Tài đã nói với Trang;

 " Chị có thể trở thanh tiểu thuyết gia nổi tiếng được. Anh bảo cần phải săn sóc sự nghiệp chị và lần này ở ngoại quốc có cơ hội rất tốt thúc đẩy chị viết một tác phẩm lớn.  Đời tôi có hai việc cần làm, thứ nhất tìm những tương lai cách mệnh và nhà văn triển vọng trong người trẻ tuổi".

Xin tóm tắt, Trang trên đường đi theo chồng là Trường Bảo và Thiên Tài đã viết được quyển sách đầu tay với lời giới thiệu của nhà văn Thiên Tài, nếu không vì hư thai thì cả hai đã có "tí nhau".

 Sau này bà trở thành một nữ tiểu thuyết gia nổi tiếng. Cuối truyện nữ tiểu thuyết gia tự tử: " Tôi chết đi vì không biết sống để làm gì?"

  Đọc truyện, nhiều nhà văn thời ấy đoán biết nhân vật Trường Bảo chính là dịch giả Trương Bảo Sơn, chồng của Nguyễn Thị Vinh. Nhà văn Thiên Tài kiêm đảng trưởng đích thị là nhà văn Nhất Linh. Rồi một số nhân vật khác như Hoàng - em ruột Trường Bảo - sau này là người yêu của Trang và có ba năm chung sống khi Trường Bảo bị bắt giam chính là Trương Cam Vĩnh; nhà văn lão thành tiền chiến Đục Tràng là hình ảnh của Lê Văn Siêu. Riêng hình ảnh Thế Phong là nhà báo trẻ Xích Diệt trong truyện. Lạ một điều, sau khi truyện in ra thì chẳng thấy Trương Bảo Sơn, Trương Cam Vĩnh, Nguyễn Thị Vinh lên tiếng phản ứng. Riêng nhà văn Nhất Linh thì không thể phản ứng được vì đã chết trước khi quyển truyện này ra đời.

Tuy nhiên, có một câu  chuyện rất cảm động do chính Nguyễn Thị Vinh kể cho Lê Phương Chi ( Tâm tình văn nghệ sĩ, tr. 297) là vào buổi sáng sớm ngày 7/ 7/ 1963  -  ngày Nhất Linh tự xử cuộc đời mình  -  đã đến chào từ biệt bà :

 " ... Tôi còn đang ngủ, anh Nhất Linh đến nhận chuông  dưới nhà, khi tôi xuống mời anh vào, anh chỉ đứng tựa cửa và nói vội:

" Tôi đến chào từ biệt chị vì khi ra tòa có thể tôi sẽ bị giữ.  Thế thôi! Còn bây giờ tôi phải đi gấp mấy việc nữa cho xong sáng nay ".

Trong một dịp, gặp nhà văn Thế Phong tôi hỏi:" Anh cho biết nhà văn nữ "hoa khôi tiền chiến" Nguyễn Thị Vinh mới qua đời ở tuổi trên 90, được anh mượn cuộc đời riêng tư đưa vào Truyện người của tình phụ có là chuyện thực ngoài đời tất cả không? "  

. Nhà văn cho biết chuyện này kia vớiThiên Tài Nhất Linh khi hoạt động ở bên Tàu thì rõ ràng. 

Tôi hỏi tiếp:" Còn chuyện liên hệ tình cảm với Nguyên Sa, nhà văn Lê Văn Siêu, mà anh gọi "nhà biên khảo thợ mộc" của nhóm Hàn Thuyên tiền chiến, là  chuyện thức, hay hư cấu?".

  Ông trả lời: " Hoàn toàn hư cấu"!

Tuy nhiên, nhà văn Thế Phong không phản bác câu chuyện tình với người em ruột của Trường Bảo mà người mẫu chính là Trương Cam Vĩnh.

 Riêng nhà văn Phan Kim Thịnh cho biết khi nghe tin Trương Cam Vĩnh đi lấy vợ, bà Nguyễn Thị Vinh đã tự tử, chính ông là người đưa bà đi bệnh viện. Trong tập san văn chương Nhân chứng năm 1967 và 1969, bà có đăng hai bài thơ - theo tôi là đầy tâm trạng. Xin được giới thiệu hai bài thơ này.


 RỒI MỘT BUỔI NÀO


Một buổi nào nhìn trang tròn mảnh

Anh có còn nhớ tới tình tôi

Hay bảo chi rằng' trăng đẹp quá"

Chỉ đẹp cho người vẹn lứa đôi

Còn tôi,

Tiếc ái ân không tròn giấc mộng

Chuyện tâm tình nói dở đầu môi

Vẫn muốn quên nhưng lòng vẫn nhớ

Dài cuộc đời nhớ mãi không thôi

Đã hận không cùng chung duyên kiếp

Thì sầu cách biệt phải đa mang

Trách chi con tạo câu tàn ác

Chỉ xót tình ta sớm dở dang

Rồi những buổi có trăng tròn mảnh

Tôi nhìn trăng mà tưởng tới anh

Tôi cũng nhủ thầm trăng đẹp quá

Sáng lạnh như tình em yêu anh.


TÔI CON CHIM NHỎ


Gió mưa trời đất tơi bời

Tôi con chim nhỏ tìm nơi ẩn mình

Yêu ai bằng yêu người tình

Hận ai bằng hận người mình đã yêu


Thơ của bà cũ và cổ như thế hệ Tự lực Văn đoàn.  Nhưng trong ý thơ ta thấy nói rõ về tình yêu tuyệt vọng.   Và đặc biệt lại có một chữ" Chị" trong câu ba? Tại sao lại là "chị", khiến lòng người càng thêm thắc mắc.

Sau này bà Vinh tục huyền với họa sĩ Động Đình Hồ (Nguyễn Hữu Nhật). Cả hai quen biết nhau khi cùng đi thăm mộ Nhất Linh. Chẳng biết có ngụ ý gì chăng mà bộ biên tập tạp chí Văn đã  chọn  bà là " nhà văn nổi sóng nhất" trong năm 1974? ./.


LÊ VĂN NGHĨA

(tr.  173 -178)


===========






0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ