Ba mươi ba năm trước, khi tôi từ một thị trấn nhỏ gửi tác phẩm đầu tay dự thi giải trẻ em sáng tác của báo
Thiếu niên Tiền phong ở Hà Nội, thế giới hoàn toàn dễ hiểu. Tôi không còn nhớ gì về tác phẩm ấy. Chắc phải là chuyện một em bé lười học, bị điểm kém, khiến mẹ buồn phiền. Nhưng mẹ lại viết thư khoe với bố đang ở chiến trường rằng em ngoan và học giỏi. Vô tình xem được bức thư ấy, em xấu hổ, ân hận, quyết phấn đấu cho xứng đáng với hình ảnh mình trong thư. Mọi phân mảnh của thế giới ấy đều lắp khít vào nhau và lắp rất dễ. Mặt trái và mặt phải được đánh dấu rõ, không thể nhầm. Ở Quảng Trị quân và dân ta đang thắng lớn, quân và dân ta thắng trong loa truyền thanh đúng hẹn hơn mặt trời mọc mỗi ngày. Ở trường, mỗi điểm 10 là một dũng sĩ diệt Mĩ-Ngụy, điểm 10 môn toán giá trị bằng xác một Mĩ, điểm 10 môn thủ công bằng xác một Ngụy, máu giặc chảy thành sông và xương giặc chất thành núi trong sổ học bạ của tôi. Ở huyện bên cạnh, thi sĩ thần đồng Trần Đăng Khoa hơn tôi hai tuổi đang viết những câu thơ nức lòng dân tộc, một dân tộc từ trẻ đến già đều biết mình là ai, mình sẽ mỉm cười chết cho điều gì nếu ngày mai phải chết. Ở thế giới xa tít bên ngoài, một nhân loại tiến bộ mơ sáng mai ngủ dậy thành người Việt Nam.
Từ ấy đến nay, chỉ trong vòng một phần ba thế kỉ mà thế giới ấy đối với tôi đã nhiều lần thay đổi trật tự, những thay đổi đủ để một bản tính dù bảo thủ thế nào cũng buộc phải cải biến, một số phận dù khép kín thế nào cũng tất yếu là sản phẩm và bộ phận của xã hội và thời đại mình. Những cái mốc trong hành trình văn học của tôi cho đến nay không do tôi tự cắm, những lựa chọn của tôi không hoàn toàn do tôi tự quyết định. Chúng ít nhiều đều là những can thiệp từ bên ngoài. Ngay cả những thứ tưởng như hoàn toàn thuộc về mình, nung nấu bên trong mình, riêng tư như thể chỉ do mình sắp đặt, cũng ít nhiều sinh ra từ tác động của những hoàn cảnh đã thay đổi. Tôi có thể khẳng định rằng nếu thời đại không diễn ra như thế, nếu số phận đứng im một chỗ, tôi đã và sẽ là tác giả của những chuyện kể thành tâm về ai tốt hơn ai, cái xấu ắt bị tiêu diệt, nghị lực sẽ chiến thắng, sai lầm có thể khắc phục; những lời nói dối nho nhỏ trong các câu chuyện ấy bao giờ cũng xuất phát từ một tình thương bao la và bi kịch là những nét vờn cho bức tranh đã đóng sẵn khung thêm sinh động. Như một trăm phần trăm người Việt cùng thế hệ, tôi không sinh ra để được tắm đẫm trong hoài nghi, giễu cợt và phê phán. Cả những yếu tố bỗng cấu tạo nên tác phẩm sau này của tôi ấy cũng là quà của thời đại.
Với tất cả lòng tôn trọng sự tự do vô hạn của người nghệ sĩ, tôi cho rằng mỗi cái cõi riêng của sáng tạo mà từng nhà văn Việt Nam đang chăm sóc -trong số ấy có người tự hào rằng mình là một thiên thể chẳng nằm trong thiên hà nào - đều gắn chặt với thời đại của nó. Tôi không thể nói gì về những cõi bên trong ấy. Chỉ chủ nhân của chúng mới có thẩm quyền đó và không hiếm khi đánh mất thẩm quyền. Hãy cho phép tôi nói về quan hệ của nhà văn với thời đại mình: tôi muốn nói về nhà văn Việt Nam thời Hậu Đổi mới. Hay chính xác hơn: nhà văn viết tiếng Việt thời Hậu Đổi mới. Sự điều chỉnh này mở rộng phạm vi để bao gồm cả những nhà văn Việt Nam đang sống ở nước ngoài, đồng thời lại thu hẹp, không đề cập đến những nhà văn gốc Việt đang viết bằng một ngôn ngữ khác. Tôi có lí do để làm như vậy. Tiếng Việt là hiện thân, là chứng nhân và tác nhân của những biến động xã hội và thời đại Việt Nam. Sử dụng nó là trải nghiệm, dù chỉ trong vô thức, những biến động ấy.
Phong trào văn học Đổi mới được tính từ năm 1986, đạt tới cao trào vào những năm 1988-1989, cho đến nay không có một kết thúc chính thức. Khái niệm "Hậu Đổi mới" dùng ở đây cho khoảng thời gian từ nửa cuối thập niên 90 đến nay, không thật cụ thể từ năm, tháng nào; mong được cung cấp một chỉ dẫn chính xác từ các nhà quan sát và nghiên cứu lịch sử giai đoạn này. Nếu có một Đổi mới 2, đương nhiên khái niệm đang dùng phải được chuyển thành Hậu Đổi mới 1. Thay vì một định nghĩa, xin đi vào một số vấn đề của Hậu Đổi mới đối với văn học mà theo tôi là đáng lưu ý.
*
Then chốt của cuộc Đổi mới trong văn học nghệ thuật là "cởi trói", một hình ảnh nhanh chín để đạt mức biểu tượng nhưng chậm giải thích: 1) ai trói và ai cởi? 2) cởi cái dây trói nào? Chúng ta không biết, bao nhiêu phần của sự "bung ra" ấy thật sự bắt nguồn từ
glasnost, bao nhiêu phần là thành tích của một nhãn hiệu bắt buộc? Chúng ta không hỏi, giải phóng mình giờ đây là quyền của mình, hay độc quyền của ai. Chúng ta bỗng thấy mình là con cuốn chiếu, chân nào cũng bị buộc, buộc chặt nhất là bởi những dây lạt rất mềm. Phải mất một thời gian người ta mới tìm đúng cái nút trói của mọi cái nút: trói văn nghệ vào chính trị. Nếu kết quả của Đổi mới là chính trị chấp thuận về nguyên tắc cho văn nghệ những khoảng tự do nhất định và bộ máy chính trị rút bớt một số quyền hạn can thiệp vào guồng máy văn nghệ thì công việc của Hậu Đổi mới là xác định cụ thể: đó là những khoảng tự do nào của văn nghệ, những phạm vi can thiệp nào của chính quyền.
Đến giữa thập niên chín mươi, ranh giới sân chơi của văn học trong nước đã được cắm cờ, những cây cờ vô hình nhưng hoàn toàn đủ hiệu lực với các nhà văn Việt Nam, vốn đã tôi luyện trong nghệ thuật tinh mắt, thính tai và cử động khéo léo. Đó là sân chơi rộng nhất mà văn giới Việt Nam có được so với mọi giai đoạn văn học trước đó - với ngoại lệ cần đánh giá theo những tiêu chuẩn khác, là văn học thời 30-45 và văn học miền Nam trước 75. Nội quy căn bản của nó có thể tóm gọn trong mấy chữ: "Muốn làm gì thì làm, miễn đừng làm chính trị.". Không thể khôn ngoan hơn: sự thoả thuận chung sống hoà bình này cho phép cả hai bên tránh những xung đột như trong quá khứ mà chẳng bên nào muốn lặp lại. Về phía các nhà văn, nó còn cho phép họ yên tâm thấy mình đang trọn vẹn phụng sự nghệ thuật, là việc từng bị bỏ bễ, thậm chí bị cấm đoán suốt một thời gian dài
[1] . Hành vi tách văn nghệ khỏi chính trị tại Việt Nam có một tầm vóc được so, không phải là quá phóng đại, với việc tách tôn giáo khỏi nhà nước.
Quả nhiên có nhiều việc không nhất thiết trực tiếp liên quan đến chính trị cần phải làm trong giáo đường nghệ thuật: tiếp cận và thu hẹp khoảng cách với thế giới, hình thành một avant-garde, phát hiện đề tài, tìm những hình thức nghệ thuật mới, làm quen với con người cá nhân lạ lẫm của mình vừa thoát xác từ con thú xã hội, đối thoại với thế hệ trẻ, nhận thức lại các bậc kinh điển, làm phong phú sinh hoạt văn chương, khôi phục nếp tranh luận trí thức, đặt nền móng chất lượng cho ngành xuất bản, phát triển nghiên cứu và giảng dạy văn học, hay đơn giản là hưởng thụ thành quả của những nền văn chương may mắn hơn... Những việc bình thường của mọi nền văn học trong hoàn cảnh bình thuờng, nhưng với chúng ta là cả một chân trời tươi rói chưa bao giờ có điều kiện ngắm. Tưởng như vài thế hệ liên tiếp dốc sức ra làm những việc như thế cũng chưa hết. Tưởng như khối lượng công việc có thể hình dung ra và cái năng lượng của tự do vừa được giải phóng đủ để gây một không khí "Đâu văn học cần, ta có. Đâu văn học khó, có ta"
[2] , một cuộc
lên đường tiếp theo cuộc
xuống đường của những năm Đổi mới.
Nhưng điều đó không diễn ra, hoặc diễn ra ở một cấp độ dưới mức mong đợi rất nhiều. Dường như mọi việc đều được tiến hành, song kết quả thật kì lạ. Hãy lấy một ví dụ, hi vọng làm sáng tỏ điều chúng ta muốn lí giải.
Mấy chục năm chiến tranh, eo hẹp và trói buộc vẫn cho phép một bộ phận quan trọng các tác phẩm văn học thế giới được dịch tương đối cẩn thận, truyền bá rộng rãi và ảnh huởng lớn đến đời sống tinh thần của người Việt. Tôi đã không trở thành nhà văn nếu ở cái thị trấn nhỏ ấy, giữa những năm chạy bom và ăn bí ngô không có một thư viện. Nó bé lắm, chưa đầy một ngàn đầu sách, nằm ngay trong trụ sở Ủy ban huyện, tôi phát hiện trong một lần sang giếng Ủy ban tắm nhờ, bên ấy nước giếng xây sạch hơn nước giếng đất của nhân dân. Cô thủ thư kiêm y tá, đầu bếp, trực điện thoại và quét dọn, nhưng cô cũng đọc như tôi, một đứa trẻ không có đồ chơi, từ trên xuống dưới cả thư viện một lần, rồi từ dưới lên trên thêm một lần, không biết bao nhiêu lần những Andersen, Shakespeare, Thackeray, Pushkin, L. Tolstoy, Gogol, Sholokhov, Mayakovsky, Gorky, Balzac, Hugo, Stendhal, Maupassant, Molière, Aragon, Romain Roland, L. Stevenson, Cervantes, Heine qua bản dịch của Tế Hanh, Schiller qua bản dịch của Thế Lữ, cũng như Ibsen, Pablo Neruda, Hemingway, Jack London và tất nhiên những tác giả Trung Quốc kinh điển.
Tôi không có nhu cầu tô cho thành quả dịch thuật của thời kì ấy hồng hơn để tăng phần kịch tính của sự thảm hại mà chúng ta đang có hiện tại. Bộ phận văn học và văn hoá thế giới được truyền bá ở Việt Nam những năm phơi phới đi lên chủ nghĩa xã hội, những năm chiến tranh hào hùng, và những năm hậu chiến ảm đạm là bộ phận đã được lọc kĩ, được tách khỏi tổng thể, và được giới thiệu như thể văn học và văn hoá thế giới chỉ có chừng ấy là xứng đáng đến với dân tộc Việt Nam, đám rác rưởi vô bổ, độc hại còn lại cần tránh tiếp xúc hoặc nghiêm cấm. Văn học Xô-viết đã mau chóng chiếm vị trí cố vấn nghệ thuật cao nhất, John Reed toàn quyền đại diện cho văn học Mĩ, Louis Aragon cho văn học Pháp, Anna Seghers cho văn học Đức... Bảng xếp hạng đó dĩ nhiên là một biếm hoạ khó gây cười về văn học thế giới. Nó quy định một lăng kính nghệ thuật sơ lược và méo mó mà cho đến nay tiếp tục là lăng kính nghệ thuật chủ đạo của nhiều người hơn ta tưởng. Nhưng cũng phải nói rõ: dù thế nào, đó là nguồn thức ăn tinh thần không dở nhất đối với công chúng văn học Việt. Mayakovsky, Gorky, Ehrenburg, Fadeyev... không hề là những tác giả xoàng, sự có mặt của họ trong tiếng Việt phải được coi là một ân huệ. Nhưng ân huệ lớn hơn cả lại đến từ tham vọng nổi tiếng của chủ nghĩa cộng sản, tham vọng độc quyền giải phóng loài người khỏi mọi đau khổ, nhất là loại đau khổ do các giai cấp phong kiến, tư bản, thực dân và đế quốc chịu trách nhiệm. Thế là dù đứng ngoài dòng văn học cách mạng vô sản nhưng Victor Hugo, L. Tolstoy, E. Hemingway... và đông đảo các nhà văn thế giới xuất sắc vẫn được dịch, chừng nào họ chưa quay sang chống luôn cả sự đau khổ của loài người do chủ nghĩa toàn trị và những thể chế độc tài gây nên, và chừng nào đường lối sáng tạo của họ không mâu thuẫn nghiêm trọng với đường lối hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Song chưa đầy một thập niên hoà bình, cởi mở hơn và sung túc hơn của Hậu Đổi mới lại đủ để nền dịch thuật Việt Nam lâm vào một khủng hoảng sâu sắc. Bằng một loạt các bài viết và phát biểu gần đây, nhà văn Nguyên Ngọc đã báo động đỏ về tình trạng này. Ông cho rằng "một nền dịch thuật nghiêm túc, những người dịch thuật nghiêm túc đang bị đánh tơi tả và thua liểng xiểng trước cuộc tấn công ồ ạt của thị trường dịch hoàn toàn theo quan điểm thương mại hung dữ mà nhà nuớc thả rông ra cho tự do hoành hành". Ông kêu gọi "một kế hoạch quốc gia có tính chiến lược về dịch thuật, và nhà nước phải nắm lấy công việc chỉ huy, tổ chức công cuộc có tính chiến lược đó"
[3]Tôi ngưỡng mộ Nguyên Ngọc, tổng biên tập báo
Văn nghệ nổi tiếng của thời Đổi mới, tôi lại càng khâm phục nhiệt tình không hề suy giảm và nghị lực bền bỉ đáng kinh ngạc của ông suốt những năm Hậu Đổi mới này. Chắc chắn ông có lí do để đi đến kết luận và lời kêu gọi ấy. Nhưng cho phép tôi trình bày một quan điểm khác: tôi không cho rằng thị trường thương mại ở Việt Nam là nguồn gốc của bi kịch này, và lại càng ít hình dung nổi các nhà chức quyền Việt Nam hiện tại trong vai chỉ huy trưởng của công trình kiến thiết tinh thần ấy.
Nếu quả thật được "tự do hoành hành" thì thị trường thương mại này đã vồ lấy một tác phẩm như
Lolita, đã nhẩm rất nhanh rằng mấy trăm ngàn độc giả từng mua
Những thiên đường mù cũng có thể là khách hàng của
Gulag Archipelago, và
American Psycho sẽ bán chạy hơn Harry Potter, vì nhóm độc giả quan trọng nhất của Harry Potter ở Việt Nam còn bận học 3 ca, trong khi nhóm độc giả của
American Psycho đang không biết giết thời gian và sự buồn chán bằng cách nào. Tôi cũng tin rằng nếu được chấp hành nguyên tắc của lợi nhuận thì một doanh nghiệp ngành xuất bản tại Việt Nam không chỉ chọn
Playboy bản tiếng Việt thay báo
Phụ nữ Việt Nam mà còn chọn
Cahier du Cinema bản tiếng Việt thay tạp chí
Điện ảnh Việt Nam. Còn vì sao các tuyển tập Lê Duẩn và Trường Chinh vẫn tiếp tục được in với số lượng không thể gọi là khiêm nhường, trong khi hầu hết các nhà tư tưởng thế giới - không chỉ của phương Tây - lại bị "thua liểng xiểng"? Các tác gia thế giới kén độc giả ư? Không, tôi không tin là Lê Duẩn và Trường Chinh dễ tiêu hoá hơn Rousseau, giải trí hơn Sir Winston Churchill, và đối với những vấn đề của Việt Nam hôm nay có lẽ họ còn vô bổ hơn Marcus Aurelius. Song chúng ta không phải lo cho sự mạo hiểm tài chính của những nhà xuất bản chăm chỉ sản xuất các loại sách tuyệt đối không ai đọc như vậy. Chúng sinh ra để tiêu ngân sách được phê chuẩn, để áp đặt một nhu cầu giả hay duy trì hờ một nhu cầu đã tàn lụi. Thành công của chúng ở Việt Nam hôm nay chẳng so được với kỉ lục chưa một tác phẩm nào trên thế giới vượt qua của
Mao tuyển trong Đại Cách mạng Văn hoá Trung Quốc, nhưng ở đó quy luật thị trường chỉ có mặt để chầu rìa. Cuộc chơi được thiết lập trên những nguyên tắc khác. Con thú lợi nhuận chưa hề được thả rông cắn càn trên thị trường văn hoá và truyền thông Việt Nam. Nó được xích bằng một sợi dây đủ dài để khuynh loát vương quốc của nó, song ngoài độ dài của bán kính ấy là một vương quốc khác, quy mô hơn nhiều, giầu thâm niên hơn nhiều, giầu quyền lực hơn nhiều và đã từng chứng tỏ là không kém phần dã thú, vương quốc của nền chính trị hiện hành.
Nói cách khác, khoảng tự do theo phương châm "muốn làm gì thì làm, miễn đừng làm chính trị" trong dịch thuật văn học tất yếu là tự do dịch Kim Dung chứ không phải tự do dịch George Orwell
[4] . So với cảnh vừa chẳng có Orwell vừa chẳng có Kim Dung của mấy chục năm trước, có thể coi đầu nậu sách trong ngành xuất bản hiện nay là những ân nhân của thời đại mà công lao chỉ có thể sánh với những đầu sỏ buôn lậu đã và sẽ trang bị xe máy cho đến người nông dân cuối cùng, bất chấp người đó có biết dùng phanh hay không. Công cuộc xe máy hoá dân tộc này đem lại một số lượng tử vong cao hơn hai cuộc chiến tranh cuối cùng gộp lại, chiến tranh biên giới Việt-Trung và chiến tranh Cămpuchia. Công cuộc Kim Dung hoá
[5] cũng nghiền nát vô số người viết và người dịch văn học, trong đó tỉ lệ Kim-Dung-rởm có lẽ cao hơn phản-Kim-Dung. Bối cảnh Việt Nam dường như được kiến tạo để ân nhân và đao phủ hoà làm một, có công chỗ này ắt mắc tội với chỗ kia, công càng cao thì tội càng trọng. Nhưng nếu phải bắc lên bàn cân của riêng mình, tôi không thấy bên tội của thị trường thương mại tại Việt Nam nặng hơn bên công, và tổng trọng lượng của nó không đủ để được làm nguồn cơn của khủng hoảng văn hóa hiện tại.
Hãy trở lại với vai trò của nhà nước trong câu chuyện dịch thuật. Việc chấm dứt bao cấp từ khâu dịch đến xuất bản và phát hành quả nhiên làm cỗ máy dịch thuật đang đều đặn hoạt động ngưng lại. Song vấn đề không thật sự nằm ở chiếc van tài chính bị khoá đột ngột. Sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân cho thấy có những chiếc van khác, tuy nhỏ bé hơn, nhưng vì vậy mà không rót lênh láng vô tội vạ, và nhiều chiếc chụm lại cũng nên một sự nghiệp. Nhưng tư nhân trong lĩnh vực văn hoá và truyền thông cho đến nay không có cùng cơ hội như những người chung vốn sản xuất giấy vệ sinh, bột giặt, nước rửa chén, dầu gội đầu, dầu tắm, kem đánh răng và băng phụ nữ. Rõ ràng không phải vì nhu cầu giặt giũ, rửa ráy, tắm gội, chùi và giữ sạch bộ phận kín của cả dân tộc cần cấp bách giải quyết hơn, dù mật độ dày đặc không thể tin nổi của những quảng cáo về chúng và sự bẩn, bụi của môi trường khiến tôi có cảm giác ấy suốt 4 tuần vừa qua khi về thăm Việt Nam.
Theo tôi, điều đáng lưu ý không phải là việc nhà nước (hay nói đúng hơn: của giới lãnh đạo quốc gia, một sự pha trộn không bóc tách được của Đảng và nhà nước) đã thôi chỉ huy và tài trợ cho chiến lược dịch thuật, đã thôi làm đầu tầu, mà ở chỗ nó vừa đi vắng, vừa không cho phép ai khác thay mình làm việc đó. Thời Hậu Đổi mới quả nhiên là thời của những khoảng trống kì lạ của những thẩm quyền không có mặt, của những toa tầu không có đầu máy và người lái. Chúng tiếp tục lăn bánh, thường thì uể oải, đi cho hết quán tính, ở những đoạn xuống dốc có thể lao với tốc độ khiếp đảm, ở những đoạn lên dốc có thể đi giật lùi. Uy tín cũ của lí tưởng, ý thức hệ và những giá trị tinh thần rường cột bỏ đi, song khoảng trống để lại bị niêm phong, không nhường cho một uy tín mới vào chiếm chỗ. Guồng máy chỉ đạo do Đảng và nhà nước nắm giữ đã đánh mất sự hữu hiệu, nhưng một hệ thống điều hành khác chưa được phép kế ngôi. Tổ chức từ trên xuống không còn tác dụng, song sự liên hiệp của các cá nhân từ dưới lên lại chưa hình thành. Chưa bao giờ trong mấy chục năm qua, kể cả trong thời Đổi mới, các nhà văn Việt Nam xuất phát từ sáng kiến và nguyện vọng cá nhân mà xây dựng được những nhóm độc lập, có thể cạnh tranh với uy tín tinh thần của các tổ chức do chính quyền chỉ định và bảo trợ. Tôi nói điều ấy không phải như một lời trách cứ. Sự dũng cảm hay hèn nhát chẳng đóng vai trò gì ở đây. Lá đơn xin thành lập một Hội Khiêu vũ Cổ điển có số phận hoàn toàn khác lá đơn xin thành lập một nhóm văn nghệ độc lập, trừ phi các nhà văn nghệ đăng kí dưới cái tên Hội Sinh vật Cảnh và tổ chức thả diều thay vì thả thơ.
Vậy là cuộc chung sống giữa văn nghệ và chính trị thời Hậu Đổi mới này chỉ hoà bình chừng nào bộ máy thực thi quyền lực chính trị có mặt hay vắng mặt tùy theo ý của riêng nó. Nó không có bổn phận phải báo cáo và xin phép ai ngoài chính nó. Cho nên, một mặt không ai có thể phủ nhận một không khí chung đã khoan dung và cởi mở hơn rất nhiều, ngay cả so với thời Đổi mới. Thậm chí hình phạt dành cho những "sai phạm đối với đường lối văn hoá, văn nghệ" cũng giảm nhẹ đáng kể so với những ví dụ tương đương trong quá khứ. Tùy đánh giá về mức độ "có vấn đề" mà tác phẩm - trong phạm vi là tác phẩm văn nghệ chứ không phải tác phẩm chính trị - bị đình chỉ phát hành, không được cấp giấy phép xuất bản, bị phê phán mạnh trên báo chí, hay đơn giản là được lẳng lặng tồn tại; tác giả của chúng hiển nhiên mất cơ hội được làm khách mời thường xuyên trên truyền hình, mất tiêu chuẩn trở thành Tổng Biên tập báo
Văn nghệ, Tổng Thư kí Hội Nhà văn hay đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh; nhưng không bị treo bút, tước quyền xuất ngoại, cản trở sinh hoạt riêng, bị đi cải tạo hay quản thúc, giam cầm. Đó không hề là những thành tựu đương nhiên. Rõ ràng đời sống văn học tại Việt Nam những năm này đã được bình thường hoá tới mức thế hệ viết trẻ trưởng thành sau Đổi mới không thể hình dung nổi áp lực của sợ hãi từng tháp tùng tất cả các thế hệ đồng nghiệp trước mình. Thời buổi quả nhiên đã thay đổi, những người lạc quan cho rằng bánh xe lịch sử đã lăn đủ xa để không bao giờ quay ngược về chỗ cũ nữa.
Nhưng mặt khác, chẳng những nền chính trị Việt Nam chưa bao giờ thôi quan niệm rằng nền văn học Việt Nam có bổn phận phục tùng nó và chịu sự chỉ đạo của nó, mà cũng không có bất kì một đảm bảo chính thức, một cơ sở luật pháp hay một quy định trên văn bản hành chính nào cho sự khoan dung và cởi mở nêu trên. Cũng không có những lời hứa danh dự và bảo trợ cá nhân nào đằng sau cánh gà, đơn giản vì chẳng một cá nhân nào đủ niềm tin rằng ngày mai cái danh dự hôm nay của mình vẫn còn nguyên vẹn. Phần lớn các biển cấm, đủ to và rõ để người mù cũng sờ được, đã bị gỡ xuống. Không phải vì các vùng cấm đã trở thành an toàn, mà lí do dễ thông cảm nhất có lẽ là: cho đỡ vất vả. Hôm nay treo biển này, ngày mai treo biển khác, chẳng thà gỡ hết là xong chuyện. Một cách xử sự rất Việt Nam. Tai nạn vì thế dễ xảy ra hơn. Tôi có thể hiểu những người thà trở lại cái thuở rạch ròi, bên này là ta bên kia là địch, được bề trên cầm tay chỉ việc, phải viết như thế này, không được viết như thế kia. Họ sẽ được yên tâm dồn năng lượng sáng tạo của mình vào một việc rõ ràng. Văn học cách mạng Việt Nam đạt tới những tầm vóc nhất định có lẽ cũng nhờ khối năng lượng không bị phân tán, tập trung đậm đặc vào cùng một hướng như vậy. Thơ Chế Lan Viên giai đoạn tận tâm dâng hiến cho cách mạng có thể mất những loé sáng kinh dị của thiên tài thuở
Điêu tàn, nhưng theo tôi mạnh mẽ, xuất sắc hơn thời gian đắn đo chiêm nghiệm cuối đời. Tôi cũng luôn có cảm giác rằng, những tác phẩm sau này của Nguyễn Tuân tẻ nhạt hơn thuở
Vang bóng một thời không phải vì ông
đi theo, mà vì ông
miễn cưỡng đi theo cách mạng; vừa theo, nhận những ân sủng của nó, vừa cho mình cái đặc cách làm một kẻ khác. Dường như ông sẻ 6 phần tài hoa của mình cho cách mạng, 4 phần giữ lại làm vốn giắt lưng cho một cơ hội khác, kết quả gộp lại không hề là một Nguyễn Tuân mười phân vẹn mười. Trong bối cảnh ấy, ngay cả các tai nạn cũng tự khắc mang một tầm vóc. Hoặc là hào quang của Tố Hữu, hoặc là bóng tối của Trần Dần, cả hai đều đủ cường độ thuyết phục, và - tôi mong mình không bị hiểu sai - thậm chí bổ sung nhau như những yếu tố kích thích sáng tạo.
Tất cả những quyến rũ ấy không còn tác dụng trong những năm Hậu Đổi mới. Uy tín chính thống ra đi và rủ người anh em sinh đôi của nó, uy tín phản chính thống, cùng ra đi một thể. Những tác phẩm bị đình chỉ phát hành vài năm gần đây:
Chuyện kể năm 2000,
Đi tìm nhân vật,
Thượng đế thì cười, Thời của những tiên tri giả... theo tôi có một tầm quan trọng và chất lượng nghệ thuật cao hơn hẳn phần lớn các sáng tác cấm thời
Nhân văn-Giai phẩm, nhưng chúng không trở thành huyền thoại như thế, không phát ra một sức hút đủ mạnh để đánh thức ít nhất là lòng hiếu kì của một công chúng văn học từng háo hức nếm trái cấm. Như đã nói, phần lớn các biển cấm đã bị gỡ xuống, mỗi người viết trước hết hãy nướng tài trí và năng lượng vào việc tự hướng đạo thay vì được lãnh đạo, tự lập bản đồ các vùng an toàn cho mình, tự định nghĩa thế nào là chính trị trong cái phương châm "muốn làm gì thì làm, miễn đừng làm chính trị", tự điều chỉnh áp lực có thể chịu được của tự do: Hậu Đổi mới là thời hoàng kim của tự kiểm duyệt. Nếu mỗi người chỉ canh gác cái phạm vi hữu hạn của bản thân thì dẫu sao cũng còn những
No man's land, những vùng trắng để mạo hiểm. Nhưng trước khi là một tác giả cá nhân, mỗi chúng ta luôn là một tập thể, ít nhất gồm một viên chức trong guồng máy văn nghệ, một nhà báo trong guồng máy truyền thông, một người bạn trong guồng máy giao lưu, một thành viên trong guồng máy gia đình. Phạm vi kiểm duyệt của mỗi chúng ta trải ra vô tận. Chúng ta canh gác mình, canh chừng nhau và canh chừng cho nhau. Và với mọi ngón nghề của tự kiểm duyệt mà vẫn gặp tai nạn thì hãy chấp nhận bằng tinh thần Kafka: không một cá nhân, một cơ quan, cấp, ngành, thẩm quyền nào biết rõ câu trả lời; không có ai là kẻ thù, không thằng bạn nào là thằng bạn đểu, chẳng còn phe cấp tiến và phái bảo thủ, tả khuynh và hữu khuynh đã trộn lẫn, các toạ độ hoà vào nhau, tất cả đều được phép và không được phép, mọi tai nạn đều có thể và không thể xảy ra. Gọi toàn bộ nền văn học Việt Nam những năm tháng này là một cõi bình an vô sự và mở rộng cũng không sai, là một vùng bất trắc và khép kín cũng đúng. Câu hỏi ưa thích của người nước ngoài: nhà văn Việt Nam có được phép tự do viết những điều mình nghĩ không, được nhiều nhà văn trong nước khẳng định chân thành rằng, hoàn toàn được phép, bây giờ ai muốn viết gì thì viết. Tôi cho rằng chẳng phải bây giờ mà bao giờ cũng vậy, viết và nghĩ luôn trùng khít, tầm nghĩ luôn quy định tầm viết, vì vậy có lẽ nên đặt lại câu hỏi ấy. Trước hết hãy hỏi rằng các nhà văn Việt Nam có được tự do nghĩ hay không. Từ vài năm nay, bộ óc tự do nhất tại Việt Nam không phải là bộ óc nhà văn nào. Mà là tờ
An ninh Thế giới.
Vì sao tờ báo lá cải nhất trong diện lá cải, chính thống nhất trong diện chính thống, mang phù hiệu "Công an Nhân dân Việt Nam", mang khẩu hiệu "Vì an ninh Tổ Quốc", và mang biển "Cơ quan của Bộ Công an" lại trở thành một trong những thế lực tinh thần hàng đầu, nếu không muốn nói là số 1, như vậy? Cùng với nguyệt san
Văn hoá Văn nghệ Công an và đặc biệt với phụ san
An ninh Thế giới Cuối tháng [6] dành cho văn nghệ, đế chế Văn nghệ Công an của thời Hậu Đổi mới đã thay thế đế chế Văn nghệ Quân đội của thời trước Đổi mới. Câu trả lời đã nằm sẵn trong cuộc đổi ngôi này. Thời của Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc, Bảo Ninh, Dương Thu Hương, Nguyễn Khải, Lê Lựu, Dương Huớng, Nguyễn Khắc Trường..., những người lính và sĩ quan trong một đất nước mà lịch sử chủ yếu được viết bằng lịch sử chiến tranh, các thành tựu quan trọng nhất là những thành tựu quân sự, mọi lựa chọn đều phải rõ ràng như cái chết và sự sống, thời ấy đã qua. Chúng ta đang ở thời Hậu Đổi mới. Tờ báo của ngành công an có thể cho những người viết ở Việt Nam một tự do mà không cơ quan ngôn luận nào dám ban phát, đơn giản vì ngành chủ quản của nó có thể quyết định sự co giãn của những giới hạn cho phép
[7] , quyết định lúc nào và cái gì là phù hợp hay không phù hợp với chính thống. Họ là người thổi còi. Thổi sai cũng không sao, vì chẳng có người thổi còi nào khác. Sau một hồi dè bỉu, nghi kị, tẩy chay, đại đa số các nhà văn trong nước đã dẹp cái quá khứ đầy những chuyện đau lòng giữa giới văn nghệ với cơ quan được phân công kiểm soát văn nghệ sang một bên. Chẳng có lí do gì để từ chối việc xuất hiện trên tờ báo có nhiều độc giả nhất toàn quốc
[8] , được trả một mức nhuận bút có thể so với
New York Times trong hoàn cảnh Việt Nam
[9] , được phát biểu những điều không nơi nào khác dám công bố, và trên hết là được sự bảo trợ của quyền lực chính thống. Nếu không muốn tiếp tục là một nền văn học của những tác giả ần dật, chuyên đi tìm những tảng đá chênh vênh giữa trời xanh
[10] mà khắc tác phẩm dành cho tương lai, văn học Việt Nam phải tìm cách làm bạn với báo chí và truyền thông. Người bạn lớn nhất hiện nay của nó là tờ
An ninh Thế giới, người cho phép nó lọt vào kẽ hở giữa hai bánh răng khổng lồ, một bên là thương mại và văn hoá đại chúng, một bên là chính trị và văn hoá chính thống. Chúng ta có thể lạc quan mà cho rằng có một kẽ hở còn hơn không có kẽ hở nào. Chúng ta có thể bi quan mà phủ nhận vị thế làm một kẽ hở, với số phận hoàn toàn phụ thuộc vào việc thương mại và chính trị sẽ xích chặt vào nhau đến mức độ nào. Điều gì còn lại, khi hai bánh răng ấy ngoạm vào nhau, cài vào nhau khăng khít?
Con cuốn chiếu của chúng ta đã cởi được khá nhiều chân. Bây giờ hình như nó đang làm phép tính nổi tiếng của loài cuốn chiếu: chân nào trước, chân nào sau, chân nào sau rốt. Tôi nói điều ấy cũng không phải như một lời trách, gửi đến một tập thể văn học nào đó. Người ta có quyền hết lòng cống hiến cho nghệ thuật trong sự nghiệp của cá nhân mình, có quyền nói to lên rằng: "Tôi chỉ làm nghệ thuật, mọi chuyện khác tôi không can dự". Nhưng, nghệ thuật là can dự. Bản thân tôi cũng không hiểu được ngay điều đó. Nhiều năm tôi đóng cửa, cho rằng cự tuyệt là hình thức phản kháng hữu hiệu nhất. Tôi từ chối cả việc dịch, cho rằng đó là việc của người khác. Người này chuyển đơn đặt hàng của tương lai cho người khác, người cuối cùng thì ném nó qua cửa sổ, ngầm hi vọng có một nhà nước, một chính quyền nào đó thường xuyên túc trực ngoài cửa sổ thư phòng tao nhã của mình để nhặt tấm đơn ấy, đem về giải quyết. Có lẽ có một chính quyền từng chăm chỉ trực sát bên cửa sổ của chúng ta thật, nhưng để làm những việc rất khác. Bây giờ ở đó là một khoảng trống được niêm phong.
*
Cách đây ba tháng tôi lại có dịp về thăm cái thị trấn nhỏ, nơi tôi đã viết, gửi đăng tác phẩm đầu tiên trong đời và nhận Giải Nhì của cuộc thi, phần thưởng văn chương duy nhất của tôi cho đến nay ở Việt Nam. Cái giếng xây ở trụ sở Ủy ban không còn, ban lãnh đạo địa phương đã dùng nước máy, nhân dân có lẽ không đến đó xin tắm nhờ nước nóng từ vòi hoa sen. Cái thư viện nhỏ cũng không còn, chỉ thấy một số tuyển tập (hình như Lê Duẩn, Trường Chinh...), báo
Nhân dân, báo
Quân đội Nhân dân, báo
Công an Nhân dân và báo
An ninh Thế giới trong phòng tiếp khách trang bị vô tuyến, đầu video, giàn karaoke, tượng Hồ Chí Minh, biểu ngữ "Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Hồ Chủ tịch", rèm Thái hai tầng mầu hồng, bộ xa-lông giả da đệm mút, ấm chén và phích nước Trung Quốc, và một chiếc bô nhựa mầu đỏ để đổ bã trà. Cả huyện không có một hiệu sách, không nơi nào bán báo, không một ai truy cập
Internet nhưng có 3-4 điểm chơi điện tử luôn đông khách, toàn thanh thiếu niên. Trong mọi nhà tôi ghé thăm đều không tìm đâu ra bóng dáng một ấn phẩm, trừ sách giáo khoa trong cặp của bọn trẻ và lịch treo tường. Và trừ một nhà mà chủ nhân là hội viên hội văn nghệ tỉnh, đồng chủ nhiệm câu lạc bộ thơ của địa phương. Những dịp sinh hoạt câu lạc bộ, xe hơi từ tỉnh và Hà Nội đổ về như có đám, xe của đại diện hội văn nghệ tỉnh, đại diện hội nhà văn Việt Nam, xe của những thứ trưởng, viện trưởng, cục phó, những cán bộ thoát li quê ở địa phương nay đã nghỉ hưu. Những người tận tâm nhất cho văn chương Việt Nam bây giờ là những người đã cầm chắc sổ lương hưu, đã thoát áp lực của cả chính trị và thương mại. Những bài thơ của dòng văn học hưu trí tôi được đọc hôm ấy quả nhiên quay lưng lại thị trường do đầu nậu lũng đoạn, nhưng hiển nhiên để và chỉ đáp ứng nhu cầu văn nghệ phong trào và quần chúng. Cũng không do chính trị đặt hàng, song chẳng đi chệch khỏi đường lối văn nghệ chính thống lấy một nghịch vần.
Chuyến đó tôi đi cùng một nữ đồng nghiệp người Pháp. Chị ấy hỏi, làm một nhà văn Việt Nam bây giờ có hạnh phúc không. Tôi đáp, dù sao thì cũng không bất hạnh bằng làm một nhà văn Pháp, chưa có một Proust và một Céline nào án ngữ trong văn học Việt Nam. Còn rất nhiều việc có thể làm.
Tháng 1.2004
© 2004 talawas
[1]Một trong những hình thức phản kháng phổ biến và được ưa chuộng nhất của văn học ngoài luồng trước Đổi mới là tập trung vào cái gọi là nghệ thuật thuần túy. Phép tu từ và sự thể nghiệm, gọt rũa là một trong những pháo đài oanh liệt của tinh thần đương đầu với chính thống.
[2]Khẩu hiệu của Đoàn thanh niên cộng sản Việt Nam một thời là: "Đâu cần, thanh niên có. Đâu khó, có thanh niên", sau này được nhại thành nhiều dị bản: "Đâu tiền nhiều, ta có. Đâu tiền nhiều quá, có ta", hoặc "Đâu việc cần, ta không có. Đâu việc khó, không có ta"...
[3]Nguyên Ngọc, "Cần khôi phục lại một nền dịch thuật lành mạnh", tạp chí
Tia sáng số 21, Hà Nội tháng 11.2003, đăng lại trên eVăn:
http://evan.vnexpress.net/Functions/WorkContent/?CatID=5&TypeID=8&WorkID=82&MaxSub=82[4]Việc dịch một văn bản như "What Is Democracy?" trên website của Đại sứ quán Mĩ không tính vào dịch thuật văn học. Khi tin về bản án đầu tiên, 13 năm, dành cho Phạm Hồng Sơn được Yahoo đăng trong phần tin thời sự nổi bật, tôi tình cờ chứng kiến một forum của Đức sôi sục về việc này. Một người trong forum bình luận rằng: ai ấu trĩ và dại dột tới mức đi tuyên truyền cho cái gọi là dân chủ của chính phủ Mĩ, người đó đáng bị cách li khỏi cộng đồng, để cộng đồng bớt đi một kẻ ngớ ngẩn. Phần lớn những người khác trong forum tuy đồng tình rằng bài "What Is Democracy?" không đáng đọc, và lại càng không đáng để bất kì ai phải hi sinh dù một ngày giam cầm, nhưng quyết liệt cho rằng sự giễu cợt kia hoàn toàn không thích hợp với mức độ nghiêm trọng của việc đàn áp tự do tư tưởng đang diễn ra tại Việt Nam. Cuối cùng, người có ý kiến giễu cợt ấy xin lỗi.
[5]Đây chỉ là một cách nói, không hàm ý miệt thị sự nghiệp của Kim Dung. Cá nhân tôi cho rằng người viết tiếng Việt nên trải qua một số tác phẩm chính của Kim Dung như
Tiếu ngạo giang hồ,
Anh hùng xạ điêu,
Cô gái Đồ Long..., ít nhất là để hiểu nguồn gốc của vô số thành ngữ, hình ảnh, khái niệm...vốn từ truyện Kim Dung mà đi vào tiếng Việt.
[6]An ninh Thế giới ra số đầu tiên ngày 15.8.1996, lúc đầu là tập san chuyên đề 2 tuần một kì của tạp chí
Văn hoá Văn nghệ Công an, sau chuyển thành báo tuần ra vào ngày thứ tư; từ tháng 9.2000 có thêm số đặc biệt
An ninh Thế giới Cuối tháng. Từ tháng 1.2004, theo "yêu cầu của nhiệm vụ mới",
An ninh Thế giới hợp nhất với báo
Công an Nhân dân và trở thành ấn phẩm của báo
Công an Nhân dân (
www.anninhthegioi.com.vn)
[7]Tiếu thuyết
Thời của những tiên tri giả của Nguyễn Viện đã đi khắp các nhà xuất bản, đều bị từ chối, cuối cùng được Nhà xuất bản Công an chấp nhận. Lệnh đình chỉ phát hành sau đó cũng do ngành công an thực thi.
[8]An ninh Thế giới cùng lúc được in ở 4 nhà in trong nước và 2 nhà in ngoài nước (CHLB Nga và CH Séc), số lượng phát hành mỗi kì lớn nhất Việt Nam, ổn định ở mức 550.000 bản (
www.anninhthegioi.com.vn)
[9]An ninh Thế giới là tờ báo Việt Nam duy nhất đủ kinh phí để gửi một phóng viên sang Iraq, trực tiếp thông tin và bình luận vế cuộc chiến tranh vừa qua.
[10]Xin xem những lời mở đầu của
Hồng lâu mộng về sự tích này. ./.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ