Nhà thơ Ý Nhi có bao giờ thôi đắn đo, âu lo ..." / phỏng vấn của Tiểu Quyên -- nguồn : www.phunuonline.com.vn>
Nhà thơ Ý Nhi phụ nữ có bao giờ thôi đắn đo, âu lo
PNO - Giải Nobel văn học 2016 dù đã được trao cho nhạc sĩ , ca sĩ người Mỹ Bob Dylan. Nhưng cho dù là ai, thì Việt Nam cũng có chút vinh dự khi có một tên tuổi được nhắc đến trước thềm trao giải: nữ nhà thơ Ý Nhi.
Năm 2015, bà được trao giải thơ Cikada của Thụy Điển. Từ giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ Người đàn bà ngồi đan (1985) đến nay đã quá dài, nhưng từ giải Cikada đến đề cử Nobel văn học lại là một quãng rất ngắn.
Ý Nhi nói, ở tuổi bà bây giờ (nhà thơ sinh năm 1944, tại Quảng Nam), giải thưởng chẳng phải là đích đến hay mong cầu. Mọi thứ bà xem như là đủ duyên:“Bất ngờ khi nhận được đường link dự báo giải thưởng năm nay do vài người bạn gửi tới thấy vui vui chứ cũng không nghĩ ngợi gì nhiều”. Nhưng một lần bước ra thế giới của một tên tuổi từng giữ vị trí hàng đầu trong làng thơ nữ từ nhiều thập niên trước, khiến người ta phải nghĩ lại. Rằng phải có niềm tin kiên cường và bản lĩnh hơn trong sáng tạo, văn chương Việt cần tự tin bước ra thế giới.
Tác phẩm hay sẽ luôn có giá trị trường tồn và đủ sức vượt ra khỏi đường biên của những giới hạn, chứ đâu chỉ “mua vui cũng được một vài trống canh” như cách nghĩ tếu táo của giới làm thơ lâu nay.
Cũng trải đi hàng thập niên rồi, nhà thơ Ý Nhi (tên thật là Hoàng Thị Ý Nhi) tuần tự và âm thầm cho ra đời những tác phẩm: Cây trong phố chờ trăng (in chung với nhà thơ Xuân Quỳnh, 1981), Nỗi nhớ con đường (in chung với nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, 1984), Ngày thường (1987), Mưa tuyết (1991), Thơ tuyển (2000), Ý Nhi tuyển tập (2011).
Mới đây nhất Có gió chuông sẽ reo (NXB Trẻ, 2014). Và bà vẫn lặng lẽ viết trong những năm tháng mà người ta thường nói rằng, sau 60 năm cuộc đời, điều quý giá nhất của người già có lẽ là ký ức...
Mọi điều đẹp đẽ xem như duyên may tốt lành
* Trong suốt đời thơ, có khi nào bà trăn trở vì sao Việt Nam mãi chẳng chạm đến giải Nobel. Có lẽ nào văn đàn Việt chẳng bao giờ sánh nổi với thế giới?
Nhà thơ Ý Nhi: - Tôi chưa từng nghĩ đến những gì tương tự như vậy. Tôi cũng không nghĩ mình sẽ là tác giả được trao giải Nobel. Nhưng tôi vẫn nhớ hoài câu nói của nhà văn Nguyễn Minh Châu, cách đây đã mấy mươi năm. Trong một bài viết tâm huyết về nền văn học Việt Nam đương đại, ông đã đặt câu hỏi: “Chẳng lẽ nhà văn Việt Nam đi ra ngoài mãi mãi chỉ có chung một cái tên là nhà-văn-ViệtNam sao?”. Ông là một nhà văn lớn và những ý kiến của ông rất đáng cho các nhà văn nhiều thế hệ phải suy nghĩ.
Văn chương Việt Nam trải qua nhiều thế hệ, cũng có được những tác phẩm rất hay, nhưng có khi nhà văn lại không có cơ hội giới thiệu mình ra với thế giới. Thành công trong cuộc sống đôi khi còn được định nghĩa là có thêm một phần may mắn. Nhưng cũng có những lúc văn đàn thật sự vắng những tác phẩm hay, quá ít thành tựu, không chạm nổi đến các giải thưởng trong nước thì làm sao mà có tầm ảnh hưởng ra nước ngoài. Bản thân tôi cũng vậy, cho đến ngày công bố kết quả vẫn thấy mình như kẻ lạ, bình thản đứng bên ngoài cuộc chơi vì chẳng tin mình sẽ được vinh danh. Tôi chỉ xem mọi điều đẹp đẽ, bất ngờ trong đời như là duyên may tốt lành.
* Suốt “60 năm cuộc đời”, bà đã bao lần vì thơ mà thăng trầm hay vì bao lần thăng trầm mà có thơ?
- Trong cuộc sống này, không có con đường nào bằng phẳng cả. Nhưng nhìn lại thì thật ra mọi việc cũng giản dị thôi. Người ta thường nghĩ cuộc đời của một người làm thơ hẳn phải thăng trầm dữ lắm. Trong thực tế, cũng có những trường hợp như vậy. Những người bạn thơ cùng thời của tôi như Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mỹ Dạ… có đường đời thật thăng trầm. Nhưng riêng tôi thì gần như không có gì đặc biệt để nói. Suôn sẻ nhẹ nhàng lắm. Hồi nhỏ đi học, lớn lên đi làm, rồi lập gia đình, sinh con, bây giờ có các cháu nữa…
Nhà thơ Ý Nhi |
Tôi “sống cuộc đời bình thường” như tất cả mọi người. Tôi vẫn hay nói đùa, Ý Nhi có một lý lịch trích ngang thật đơn sơ. Cũng chưa bao giờ tôi có suy nghĩ kiểu giá như mình đừng làm thơ thì hẳn là cuộc sống, tâm hồn sẽ bình an hơn. Vì tôi vẫn bình an mà. Tôi luôn nghĩ, làm thơ không phải là một nghề. Vì vậy tôi cũng không nghĩ nhiều đến sự chọn lựa hay phải đánh đổi cảm xúc. Cuộc sống của mỗi người đều có duyên có số hết. Cái gì đã xảy ra có nghĩa là nó phải xảy ra. Hiểu được như vậy, thì làm thơ hay là trước mọi trạng huống nào của đời sống cũng sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.
* Vậy mà “người đàn bà ngồi đan” năm xưa buồn quá, buồn như một nỗi cô đơn trong im lặng thét gào trước những xô đẩ y của đời sống…
- Có lẽ, những gì chúng ta không thể hiện ra bên ngoài, sẽ được trao gửi qua chữ nghĩa. Người ta vẫn nói thơ, hay văn chương nói chung, phản ánh rõ nét nhất tâm cảm của người sáng tác. Kinh nghiệm vẫn cho ta thấy, những gì còn lại của sáng tạo văn học-nghệ thuật thường hàm chứa trong nó nỗi buồn, sự cô đơn của con người.
Nhưng tôi cũng không nói rằng những gì chúng ta đối diện, trải qua trong bất kỳ đoạn đời nào cũng là những “phần người” rất buồn, rất cô đơn hay thơ luôn có thể là điểm tựa. Những nhà thơ nữ, ngày trước cũng như bây giờ luôn ẩn chứa nỗi cô đơn, những điều sâu thẳm không thể giãi bày.
Con đường thơ - dù được viết bằng cảm xúc buồn, vẫn luôn để lại những dòng thơ duy cảm, luôn nhận được sự đồng cảm của số đông. Chỉ khác một điều, thế hệ chúng tôi làm thơ về tình yêu, cá nhân không nhiều, phần lớn là những cảm thức thời đại, của lý tưởng về đất nước, con người thời ấy.
* Hẳn là phụ nữ thời “ngồi đan” và bây giờ khác nhau nhiều. Nếu làm thơ cho phụ nữ hôm nay thì bà chọn góc độ nào?
- Người phụ nữ hôm nay giỏi giang hơn, tự tin, quyết đoán hơn. Người làm thơ hôm nay cũng tự do, phóng khoáng hơn. Nhưng tôi vẫn tin, trong mỗi tâm hồn phụ nữ vẫn còn đó những đắn đo, lo âu, chờ đợi của “người đàn bà ngồi đan” năm cũ. Vì phụ nữ thời nào cũng tiềm ẩn những đức tính, những nỗi niềm thăm thẳm như vậy.
Dù có làm gì chữ nghĩa vẫn nằm trong đầu mình
* Văn chương cũng thật lạ, có khi đứng giữa xưng tụng yêu mến của đám đông, nhưng vẫn phải là những lúc đối diện với trang viết. Theo bà, thơ có còn chỗ đứng trong cuộc sống muôn màu hôm nay?
- Câu hỏi này khiến tôi nhớ đến bài thơ Đêm của tác giả W.Szymborska. Buổi đọc thơ của bà chỉ có 12 người tham dự, trong đó sáu người là họ hàng và sáu người khác vào để trú mưa. Nhưng nhà thơ đã không rời khỏi nơi ấy, không rời bỏ thơ. Trong xã hội hiện đại, người ta có quá nhiều mối bận tâm và cũng có quá nhiều phương tiện giải khuây. Chỗ đứng của thơ đã trở nên chật hẹp nhưng đó là một chỗ đứng cần thiết và chắc chắn sẽ luôn bền vững. Thơ chính là phần thiện của con người.
* Vậy rồi vì sao bây giờ bà lại chuyển sang viết truyện ngắn?
- Khi in xong Ý Nhi tuyển tập, tôi nghĩ có lẽ vậy là đủ rồi, mình về nhà thôi và sẽ không viết lách gì nữa. Nhưng văn chương kỳ lạ, mình đến với chữ nghĩa không phải là sự quyết tâm hay phải cố gắng, mà đó là những gì bên trong mình. Cho dù mình có đi đâu làm gì, trong năm tháng nào thì chữ nghĩa vẫn nằm trong đầu mình. Tôi lại viết như một nhu cầu, nhưng muốn làm cái gì đó vượt qua những gì bản thân đã làm. Vậy là viết văn xuôi, thời gian đầu cũng không thành công. Nhưng rồi vẫn viết, rồi cũng in sách và bắt đầu được khen. Lại thấy có thêm niềm vui nhỏ bé. Hiện tại tôi vẫn viết các bài chân dung, ký về các nhà thơ, nhà văn, họa sĩ…
* Nhưng nhà thơ có ngậm ngùi khi đời vẫn nói rằng người già không còn phía trước, chỉ còn phía sau - là những hồi ức vàng son…
- Tôi nhìn tuổi già của mình với ánh nhìn bình thản. Bây giờ mỗi ngày tôi ở trong ngôi nhà nhỏ của mình, chăm sóc gia đình và khu vườn. Mỗi ngày đều rất bận rộn với những việc không tên của phụ nữ, nhưng đó là sự bận rộn hạnh phúc.
Tôi nhớ có lần trong cuộc giao lưu giữa các nhà thơ, một nhà thơ nữ đến từ Đài Loan có hỏi đại loại nữ nhà thơ Việt Nam như thế nào trong gia đình. Tôi đùa rằng chúng tôi vừa làm thơ vừa làm bếp, giặt là, rửa chén bát… Tôi không xem đó là nhiệm vụ hay hy sinh, mà là tình yêu thương và sự chăm sóc. Tất cả những điều đó khiến mình hạnh phúc, bình an chứ không cảm thấy vất vả hay phiền muộn vì hai từ “trách nhiệm”. Vậy đó, con người ta hạnh phúc hay không cũng là do lòng mình, do cách mình suy nghĩ và lựa chọn cảm xúc.
Đến giờ nghĩ lại, tôi thấy đời mình sao may mắn quá. Tôi được cha mẹ, anh chị em trong nhà yêu thương, được chồng con tin cậy, được bạn bè quý mến và được làm công việc mình yêu thích. Còn cần gì thêm nữa để nói về sự may mắn của một người? (cười)
* Sau tất cả, bà nghĩ điều kỳ diệu nhất của năm tháng dành cho con người có thể là gì?
- Là tình yêu. Nói rộng ra là tình yêu thương giữa con người với con người. Điều này cũng phản ánh rất rõ nét trong văn chương: mục đích của sáng tạo nghệ thuật cho dù là đỉnh cao đến mấy cũng đều hướng đến vấn đề con người, tình yêu, thân phận. Con người trong chiến tranh hay con người của hiện tại, dù là trong bi kịch khốn cùng, tình yêu có thể cứu rỗi tất cả. ./.
Tiểu Quyên (thực hiện)
===========
được đăng bởi khedo@outlook.com @ 13:16 0 Nhận xét
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ