Nhà thơ Hoàng Tố Nguyên một ấn tượng Nam Bộ/ Vân Long -- nguồn: www.vanchuongviet.org>
Chân dung | |
Nhà thơ Hoàng Tố Nguyên một ấn tượng Nam BộVân Long | |
Hoàng Tố Nguyên là nhà thơ Nam Bộ tập kết ra Bắc vào năm 1954.
Thời gian đầu, khi anh “ngồi” ở báo Văn Nghệ, lớp trẻ chúng tôi ít dám lai vãng, coi nơi đó như “thánh đường” của văn học, bởi ở đó có Xuân Diệu, có Chế Lan Viên, có Tế Hanh…những cái tên vang vang chúng tôi thuộc thơ họ từ nhỏ. Hoàng Tố Nguyên là tác giả mới xuất hiện, về sau chúng tôi mới được đọc tập thơ Gò Me của anh. Nhưng khi anh về báo Độc Lập thì lại khác, đó là tờ báo của chúng tôi. Nơi có ông Ngô Quân Miện nhỏ thó mà gần gũi, luôn hỏi về đời sống của chúng tôi và biết lắng nghe…đặc biệt luôn có sự đồng tình, bộc lộ chỉ bằng một từ “đúng! đúng!” làm người nghe hởi dạ khi vừa được lắng nghe, vừa được đồng tình, khích lệ. Nhưng niềm vui trên hết: thỉnh thoảng được in bài thơ, bài bút ký, truyện ngắn…nhất là khi mỗi chúng tôi vừa có chuyến đi thực tế ở đâu về, đang hào hứng vì thấy văn mình khởi sắc khi viết về những miền đất lạ, con người mới…
Hoàng Tố Nguyên xuất hiện ở báo Độc Lập với nhiệm vụ biên tập văn học, trực tiếp cả phần mỹ thuật, “mi” các trang báo thì một không khí mới tràn về. Phòng khách của báo Độc Lập nhỏ lại vì tiếng cười cởi mở xả láng của anh, “cười rung cả rốn” là ấn tượng khá thống nhất của chúng tôi khi anh tiếp bạn tại phòng riêng, khi anh ngồi xếp bằng trên giường uống rượu, phanh áo đề lộ cái bụng bự mà nói cười rỗn rãng. Anh là điển hình chất người Nam Bộ như chúng tôi vẫn hình dung. Anh có cách chê độc đáo, khi nghe bài thơ dở: “Này! Cậu nằm cả tuần dưới ấy, kể hay như thế mà lại viết thế! Thật là …phí rượu!” rồi cười ha hả. Chả ai giận anh được!
Ngoại hình của anh cũng rất đặc biệt: anh bị hỏng một chân từ nhỏ, phải chống đôi nạng, nhưng thể lực rất sung mãn. Khi cần anh có thể đu từng bước dài, một chân mà đi nhanh hơn chúng tôi. Khi cần, chiếc nạng tay phải trở thành vũ khí. Anh chưa đánh ai, nhưng thẳng tính, đôi lúc nổi nóng, hay quát lớn, dỗ cây nạng rầm rầm xuống sàn lát gỗ, có vụ rắc rối nào ngoài phố, chỉ vài câu can thiệp của anh là êm. Người ta còn ngỡ anh là thương binh, nên vừa sợ vừa nể. Trẻ con đường phố Bà Triệu rất thích anh, theo anh ròng ròng, nhất là thời gian anh nuôi được con khỉ nhỏ, thường cho ngồi lên vai. Hai thày trò ngất nghểu trên phố như gánh xiếc nhỏ càng khiến trẻ con thích thú..
Khó hình dung con người bặm trợn ăn to nói lớn như vậy lại là người viết những dòng thơ đau đáu với quê hương Gò Công mà không biết khi nao anh mới được trở về:
Quê tôi đó, mặt trông ra bể Đốm hải đăng tắt lóe đêm đêm Con đê cát đỏ, cỏ viền Leng keng nhạc ngựa ngược lên chợ Gò Ruộng vây quanh bốn mùa gió mát Lúa nàng Keo cháy rực mặt trời Ao làng trăng tắm mây bơi Nước trong như nước mắt người tôi yêu… (Gò Me, 1957) Còn những câu thơ tình thì quá chừng da diết và hào sảng: Anh từng ngắm em lặng lẽ Với tâm tình của trẻ mồ côi Trong tay có cả đất trời Vẫn chưa có trái tim người cạnh bên (Quê chung,1962)
Chúng tôi hình dung ra quê anh qua những cảnh anh miêu tả:
Ruộng Gò Công cò bay thẳng cánh Ao Gò Me nước gánh không vơi
từ những tên đất, cách gọi cũng rất Nam Bộ, của một thời khai hoang lập ấp, chỉ lấy những đặc điểm thiên nhiên hoang dã ra mà đặt tên:
Ông Trương…Đám lá tối trời đánh Tây Còn anh thì tiếp xúc với miền Bắc một cách nôn nóng, muốn đi bất cứ đâu, đi thực tế vùng mỏ, lê đôi nạng vào các hầm lò, về các hợp tác xã nông nghiệp:
Tôi về Vũ La cạn bát chè xanh Lót mảnh mo cau ngồi giữa sân đình
Chưa có chuyến đi xa thì anh la cà giang hồ vặt quanh quanh ngoại vi Hà Nội, Hà Đông. Những chiếc xe đạp của chúng tôi là những tình nguyện viên đáp ứng mọi nhu cầu đi lại của anh. Anh may mắn có chúng tôi, chúng tôi may mắn hơn bởi những cuộc đàm đạo văn chương xen những chuyện vui nổ trời. Những bài thơ, câu thơ mới viết được đọc cho nhau nghe và được khen, được phang thẳng cánh, để tước đi những kể lể rườm rà, những cảm hứng nóng vội…Nơi gần, anh thích lui tới nhất là bãi Giữa sông Hồng, có nhà anh Thanh Hào. Đó là một xóm nhỏ trù phú, cây trồng trên đất phù sa màu mỡ xanh mát mắt, trước khi bị quy luật lở bồi của sông Hồng cuốn đi mất hút…Không gì thú bằng chỉ mươi phút đạp xe, đến giữa cầu Long Biên, đến cái thang khá dốc xuống bãi Giữa, chúng tôi đặt cái yên xe trên vai mà leo xuống, họ Hoàng thì khéo léo đu từng bậc bằng đôi nạng. Ít phút sau, chúng tôi đã ở giữa một cảnh sắc nông thôn yên bình, có tiếng gà nhẩy ổ, có tiếng chào mào đối đáp nhau trên bụi ớt đỏ au. Mấy con lợn nuôi thả tự do ủn ỉn ngay chân khách. Về đêm, mấy đứa chúng tôi cùng anh ngồi trên bãi cát giữa trời trăng sáng, nhâm nhi chén rượu với mấy củ lạc…hoặc mấy bắp ngô nếp non do chính vợ chồng chủ nhân gieo trồng, giữa gió sông Hồng lộng thổi. Có hồi, anh còn được hấp dẫn bởi cô em gái hiền hậu của chủ nhân ( cũng bị tật ở chân) mà chúng tôi ngây thơ cứ định vun vào cho anh, mà không hiểu rằng hạnh phúc là sự bù đắp những thiếu hụt cho nhau chứ không phải hợp nhau ở những thiếu hụt! Chúng tôi nhanh chóng gạt ngay ý đồ đó để ít lâu sau anh có được cô Sa mạnh mẽ đảm đang ở Hương Canh mà anh luôn âu yếm gọi cả trong thơ là Em Sa (chúng tôi nhái là Elsa của nhà thơ). Ở Hà Nội, kèm anh đi thường có Băng Sơn, Tạ Vũ, Lữ Giang, Nguyễn Hà, Vân Long… rồi thi thoảng mấy đàn anh Quang Dũng, Trần Lê Văn, Ngô Quân Miện. Ở Hà Đông thì có họa sĩ Lai Vu, Bế Kiến Quốc gầy nhom kẻo kẹt đèo anh lang thang khắp các huyện Phúc Thọ, Ba Vì, thị xã Sơn Tây…
Hành trình trong cuộc sống, tôi cũng bôn ba tỉnh này tỉnh khác như anh, nhưng có sự trùng hợp đặc biệt là hai chúng tôi cùng công tác ở báo Độc Lập, ở Ty Văn hoá Hà Tây với thời gian lệch nhau: Anh thì làm báo Độc Lập, chán lại xin vào Hà Tây làm cán bộ phong trào, chán rồi lại đòi chuyển về Thái Bình cũng với công việc đó. Tức là anh đi một vòng cung từ thủ đô ra vùng biển, chặng dừng giữa đường là Ty văn hoá Hà Tây, tôi lại từ biển (Hải Phòng) về thủ đô, điểm dừng là Ty văn hoá Hà Tây đến dăm năm. Vậy là chúng tôi đi ngược đường đời của nhau, trong khi vẫn cùng một con đường thơ, cùng một nghề biên tập!
Có lần, tôi về Hà Tây thăm chỗ làm việc của anh, cũng là thăm dò, “dọn đường” để thay chân anh khi biết anh định rời đi Thái Bình. Anh thì có chị Sa bên cạnh, tỉnh nào muốn cầu hiền thì phải rước cả gia đình anh đi cùng. Còn tôi, sức hút lại là gia đình ở Hà Nội, nhưng Hà Nội đóng chặt cửa, tôi phải ghé tạm ở cửa ngõ Thủ đô. Hôm đó, tôi gặp đúng lúc anh đang bị “tra tấn” bởi một vè sĩ địa phương. Nguyên ông này viết được một bản trường ca Ta đi đắp đê, đưa đến Ty Văn hoá đòi in để phục vụ kịp thời nhiệm vụ đi dân công của tỉnh. Mấy hôm trước bản thảo đã được trả lời không in được. Tác giả không chịu, đòi phải được đọc cho nhà biên tập nghe, xem yếu chỗ nào thì sửa chỗ đó. Hoàng Tố nguyên đã tìm cớ thoái thác. Nhưng đến hôm nay, tác giả đem theo một vệ sĩ to con, mặt mũi căng thẳng như sẵn sàng gây gổ, đòi nhà biên tập phải nghe bằng được...hàng nghìn câu…vè. Cực chẳng đã, mọi người khuyên họ Hoàng nên thực hiện khổ nhục kế, cứ lặng mà nghe hết rồi tìm cớ thoái thác sau. Tôi đến đúng lúc nhà thơ đang thọ nạn nghề nghiệp, mặt mũi khó đăm đăm vờ nghe chăm chú. Đại loại tôi nghe được những câu như: Đắp đê thì phải tiến lên/ Tiến lên là phải tiến lên hàng đầu/ Hàng đầu là đứng ở đâu? Hàng đầu là đứng trên đầu chứ sao!...Gã vệ sĩ đứng ngay sau lưng Hoàng Tố Nguyên, hai tay nổi bắp khoanh lại trước ngực như sẵn sàng đè dí anh xuống nếu anh có ý định đứng lên…Biết không có cách nào cứu được anh, tôi chạy thoát thân sang phòng làm việc của bác Trần Lê Văn cạnh đó. Một hồi lâu sau, nghe tiếng nạng lộc cộc, tôi biết cuộc bình vè đã kết thúc, không rõ anh thoát ra bằng cách nào, nhưng tác giả và vệ sĩ đã hết căng thẳng, có lẽ đọc hết được tác phẩm của mình cho ông nhà thơ nghe là tác giả đã hả lòng…Thấy chúng tôi ngó ra, Hoàng Tố Nguyên kẹp cái nạng vào nách, vái dài một vái sau lưng khách. Bất đồ, gã vệ sĩ quay lại, chúng tôi tái mặt lo cho họ Hoàng, nhưng may quá, gã vệ sĩ chỉ cau mặt, hẳn là gã thấy mục đích chính của đại ca đã đạt được, chẳng cần gây sự làm gì…
Sinh ngày 30 tháng Tám-1928 tại xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, tên khai sinh là Lê Hoằng Mưu. Hoàng Tố Nguyên chỉ sống ở quê Gò Công vào những năm thơ ấu: học xong bậc tiểu học, ông lên Sài Gòn học trường Mỹ thuật Gia Định. Mười bẩy tuổi tham gia Cách mạng tháng Tám 1945 tại đây. Khi Pháp tái chiếm Sài gòn, ông hoạt động bí mật ở nội thành Sài Gòn. Từ 1947 đến 1949, ra vùng kháng chiến, ông làm chủ tịch Hội học sinh Mỹ thuật kháng chiến Gia Định. 1949- 1950 là cán bộ Ty Thông tin Thủ Đầu Một. Tài viết và vẽ của ông thật đắc dụng trong thời kỳ cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền vận động toàn dân đánh giặc cứu nước (viết báo, làm thơ, vẽ tranh cổ động). Năm 1950- 1952 là trưởng ban tuyên truyền Tỉnh đoàn Thanh niên Cứu quốc Thủ Đầu Một kiêm uỷ viên Ban chấp hành phân hội Văn nghệ liên tỉnh Thủ Biên (Thủ Đầu Một – Biên Hoà). 1952 – 1954 cán bộ Sở Thông tin Nam Bộ, biên tập viên báo Vì Chúa, vì Tổ quốc của Công giáo kháng chiến Nam Bộ. Cho đến 1954, như ta đã biết, Anh còn là ủy viên thường trực Ban đại diện văn nghệ Nam Bộ, hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam (1957). Sau ngày 30.4 hai tháng, chưa kịp thu xếp trở lại quê nhà, anh đã bị bạo bệnh, rồi mất (tại Thái Bình) để lại người vợ goá và 3 đứa con thơ. Nhà thơ Chế Lan Viên đã định vị về anh trong lời đề tựa tập Từ thương đến nhớ: “ Trong mấy nhà thơ (Ở một góc nhìn khác, năm 1974, nhà phê bình văn học ở Sài Gòn Thế Phong cũng nhận xét trong Lược sử văn học Việt Nam-Nhà văn tiền chiến:“Thơ Hoàng Tố Nguyên truyền cảm người đọc như Tha La của Vũ Anh Khanh. Như Vũ Anh Khanh, Hoàng Tố Nguyên nổi tiếng vì thơ có hình tượng sống mới, tiết tấu âm thanh mới, không dùng sáo ngữ hoặc điển cố (như thơ của Thẩm Thệ Hà và Hoàng Tấn, đoạn trích trong ngoặc này không in trên VNCA). Với tôi, Hoàng Tố Nguyên là một người bạn thơ lớn tuổi, một người anh thật cởi mở chân tình, hết mình với bạn bè và cuộc sống… ./.
| |
Vân Long | |
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ