Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2021

bài phỏng vấn Thế Phong từ năm 1970 ở Sài Gòn ( Nguyễn Trọng Tạo Blog / Hà Nội ) -- nguồn : trích Nguyễn Trọng Tạo Blog

 

một bài phỏng vấn Thế phong

LÝ DO VIẾT VĂN LÀM THƠ?

 
 
 
 
 
 
1 Votes


NTT: Trên tuần báo ĐỜI (Saigon) số 51, ra ngày 5/11/1970 có đăng bài phỏng vấn nhà văn Thế Phong với những câu hỏi và trả lời khá ngộ. Mới thấy dân làm báo ngày xưa luôn “bẫy” người ta phải nói lên sự thật, nhưng là những cái “bẫy” tinh nghệ, không phải ai cũng làm ra được. Nói lên sự thật, đó là tiêu chí của báo chí bất cứ thời nào. Thấy trên blog của nhà văn Thế Phong vừa đăng lại cuộc phỏng vấn này cách đây đã 42 năm, xin được giới thiệu cùng bạn.  

Lời dẫn của Thế Phong khi cho đăng lại bài phỏng vấn: Khoảng 1970, Chu Tử thuê manchette tuần báo Đời (chủ nhiệm: Trần thị Anh Minh) – hình như Uyên  Thao và Đỗ Quý Toàn  phụ trách thư ký tòa soạn – chẳng biết anh nào, đã gửi 16 câu hỏi  tới  tôi, người được phỏng vấn. Tòa soạn đặt những câu hỏi  phỏng vấn thật khác lạ, vừa điều tra nhân thân, vừa buộc bộc bạch điều cấm kỵ, khó nói, nhận trả lời tất khó tránh né nói thật – tôi tự  nói với tôi – chắc  là: “gíáo sư Nhất Vạn đã đặt các câu hỏi hắc búa này đây! ” (trong bài ‘chắn‘ có một quân bài nhất vạn, tóc dựng ngược, trông thấy, cảm được  vất vả dặm trường,  nên  có một buổi, đánh chắn, ngồi cùng chiếu, với T.T.H., U.T. và  đôi bạn nữa,  nickname giáo sư nhất vạn được gán cho U.T.). 


LÝ DO VIẾT  VĂN LÀM THƠ?

1   Tên, tuổi bút hiệu?     

–  Đỗ Mạnh Tường, bút danh hay dùng:Thế Phong.

2. Ngày, mơi sinh, hiện ngụ  tại?  

– 10 tháng 7 năm 1932 ở Yên Bái , trong căn cước đề 1936.

3. Có gia đình chưa ?  Mấy con, trai, gái ? 

– 2 trai và 1 gái  ( tính tới  năm 1970 ) .

4. Ngoài nghề viết văn còn làm nghề gì ?  

 Lính tàu bay (airman)  từ  1 tháng 8 năm 1967.

5. Khởi sự viết văn từ bao giờ ? Lý do chọn nghề viết văn, làm thơ ?  

– 1952 .  Lý do rất giản dị: cuối 1952, Nghĩa Lộ  (tỉnh  Yên Bái, Bắc Việt), quân đội  Pháp thua trận, Việt Minh chiếm  Nghĩa Lộ. Buồn quá (khi đang học ở Hà Nội) viết để bày tỏ niềm thương nhớ quê.

6. Tác phẩm đã xuất bản, hoặc viết xong ?  

–  Trên 40 tác phẩm, đa số in ronéotypé, và trên 20 tác phẩm đã in lại ty-pô.  Đủ 2 thứ tiếng đã được dịch ra, như Anh, Pháp – tiếng anh đăng tải trên tạp chí TENGGARA (trường đại học  Malaysia), đăng truyện ngắn dịch ra tiếng Pháp ở Paris (truyện ngắn Les Immondices dans la Banlieue, Le Monde/ Dec. 1970)  bản dịch  pháp ngữ: Cao Giao (một bút danh của Huỳnh Văn Phẩm) và anh ngữ là Đàm Xuân Cận. 

7. Ưng ý tác phẩm nào nhất, trong số các tác phẩm đã viết ?  

 – Nửa đường đi xuống (tự -sự-kể)
–  Nam Việtnam, đưa trẻ thơ của vú em Huê Kỳ (thơ in song ngữ) (South Việtnam, the baby in the arms of the American Nurse, translated by Đàm Xuân  Cận (bilingual). 

8. Có thói quen đặc biệt nào ? Tính xấu , tốt, đặc biệt nào ? 

– Nhiều tật xấu hơn tốt. Tuy nhiên, biết tật xấu, nên thay đổi. “Ni ange ni bête”, A. Huxley mà! Tính tốt không nên nói ra, vì xấu cả, thì tuy làm người , đi bằng 4 chân .  Làm người là phải tốt, lẽ dĩ nhiên (vậy rồi)! Còn tôi ư, tự nhận mình là người-vật-người.  

9. Có những sở thích gì ? thích đọc sách gì, mê giọng ca nào ? v.v..   

– Đọc rất nhiều, nhưng nhớ chẳng bao nhiêu. Biết nhớ và biết quên: “…vào trong tác phẩm rất chậm nhưng phải thoát ra rất nhanh” – Adolf Hitler nói – đúng điều  cách đọc sách của tôi.

10. Có những kỷ niệm nào sâu đậm nhất, vui, buồn? 

 – Nhiều lắm, nói không hết!  Đã viết gần hết trong Nhà văn, tác phẩm, cuộc đời rồi.   Nên, một ông người Huê Kỳ, tên Leonard Overton, nguyên giám đốc Asia Foundation, đọc bản dịch  tiếng Anh (Thephong by The Phong: the writer, the work & the life – translated by Đàm Xuân Cận) – mời tôi lại văn phòng ông ta ở 36 Đoàn Thị Điểm, Saigon 3. Câu đầu, hỏi: 
“Ông đã từng  đói thật như trong tác phẩm sao?”
– “Đúng, vì đối với ông thì khó hiểu, vì các ông nhiều may mắn quá, và nhất là ông là người Huê Kỳ, thì càng không thể hiểu những điều không may mắn để là 2 người Việtnam nhược tiểu dân tộc? (kể cả hai bên) .

ADVERTISEMENT
REPORT THIS AD

11. Đã thất tình bao giờ chưa ?  

– Nhiều lắm, cũng viết ra hết cả rồi !

12. Quan điểm yêu đương và  hôn nhân ?   

– Chán yêu rồi thì lấy vợ; lấy vợ rồi thì không yêu đương lem nhem nữa. 

13. Quan niệm nghệ thuật ?     

– Cũng viết ra trong tự-sự-kể rồi (Nửa đường đi xuống, Nhà văn, tác phẩm, cuộc đời ) . Không thể trả lời, qua mấy giòng ở đây.  Bắt voi bỏ giọ thì tội quá ! 

14.  Lợi tức hàng tháng ? Có xe hơi, xe gắn máy hay không có xe gì ? Nhà mua hay ở thuê ? 

–  10.330 Vnđ  lương lính  hàng tháng cho 1  vợ + 3 con.  Xe gắn máy thì có một chiếc Honda – thằng bạn cho – nhưng lấy  rẻ (*). Viết dăm, ba bài báo, đủ tiền hút thuốc lá Philip.  Nhà thì Không quân cho. Cũng phải nói là cảm ơn tác giả “Cái nhà” (**) .

15. Có biết đánh bài không ?  Bài gì ? Thích thuốc lá không?  Thuốc (hiệu) gì ? 

– Đánh phé thì thua Chu Tử “bán Trời không văn tự’  và rất thích ta-pi.  Thua Lô Răng, 
Phan Nghị; được  thì được Hồ Nam thôi.  
Còn thuốc lá chỉ: Philip, Bastos  xanh. 

 16. Những điều cần  nói, ngoài các câu hỏi trên ? 

– Trước kia, háo danh nên thích làm văn sĩ.
– Bây giờ, sau 18 năm, lại muốn làm tiều phu. 
– Nhưng còn  chiến tranh, chưa cho phép, nên tôi còn làm lính.
– Văn chương đất nước này, chỉ có thể khá được, nếu chính phủ (hay gọi là Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa) biết tại sao, xưa kia vua Tây  (có tên là Louis thứ …  thì phải?) , đã từng biết cách đối xử rất tốt với Molìère và Marceline Desborde Valmore .
Xin tạm khép. ./.


THẾPHONG.
Nguồn: Tuần báo ĐỜI (Saigon ) số 51, ra ngày 5/11/1970.


_______

Chú  thích sau, 6/2012:

*  Văn sĩ , chủ nhà xuất bàn Đại  Ngã (Nguyên Vũ-Vũ Ngự Chiêu)  tái bản “Nhà văn, tác phẩm, cuộc đời “  thấy tôi không có xe gắn máy- bèn giới thiệu mua chiếc Honda 78  cũ  (  15 ngàn đồng , không giấy tờ). Anh ta phán :   ” …phải luôn mặc  áo lính KQ thỉ cảnh sát không hỏi giấy xe, có ngán  chỉ ngán  CU XÊ thôi !  “.  (CU XÊ:  Quân cảnh).

**  1 /8/1967 mặc áo lính  KQ,  đưa vợ con vào ”trại Gia binh KQ” luôn – thượng sĩ Bảng  cho ở nhờ một phòng nhỏ.  Một buổi vợ tôi  thủ thỉ:

“… Bà cụ anh Bảng nói vậy, là không muốn chúng mình ở đây.   Mặc dầu anh chị Bảng, các em anh ấy rất tốt.  Vậy em đề nghị  với anh thế này , xem có được không ?  Tướng Minh, tác giả truyện ngăn’ Cái nhà’  mà em đọc trong tập truyện của ông tướng khi còn là trung tá  , cũng rất khó khăn mới được cấp miếng đất làm nhà ở Khu Quí Tộc . Như vậy, ông cũng có bao nhiêu kinh nghiệm đau khổ về cái nhà có được. Anh gặp ổng, thử gợi ý, xin ông miếng đất, rồi mình xin gỗ, ván, tôn, dựng đại một căn nhà để ở vậy . Được không anh ?  (….)  (trang 45,  Hồi ký ngoài văn chương…)  

“…  một buổi sáng ở phòng làm việc, trung sĩ 1 Đường, Khối Yểm Cứ, vào tìm tôi.  Tôi chưa biết anh, mà anh cũng chưa biết tôi.  Khi gặp, anh bảo tôi có giấy mời lên Liên Đoàn Yểm Cứ gặp trung tá chỉ huy trưởng nhận giấy cấp nhà , và căn nhà đó ở Cư Xá Phi Long, dẫy sĩ quan rất đẹp và rộng.   Anh ta còn nói đùa tôi, anh có giấy của Tư lệnh  chỉ thị, làm gì mà không sớm.   Ở Liên Đoàn, đơn còn xếp hàng mấy chồng mà chưa được xét đấy .  Ông trung tá ,  Sếp tôi, khi nhận mẩu giấy   nhỏ,  lệnh  của Tướng Minh, ông giận, đem vo viên lại, vứt vào sọt rác; sau, lại bắt tôi lấy ra, đem
‘ ủi’ cẩn thận, rồi xếp vào hồ sơ cấp nhà : 3989 / 39 A Khu Cư Xá Phi Long cho trung sĩ  Đỗ Mạnh  Tường , số quân: 56/ 600 595   . ..” (trang 56 , Hồi ký ngoài văn chương/ Thế Phong  
/  Đồng  Văn xb, Văn nghệ phát hành , USA 1994)  ./.


===================

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ