"Ông là Lê Đạt " - bài viết: Hữu Việt ( Hà Nội) -- nguồn ; vanhocsaigon
“Ông là Lê Đạt”
Nhớ một ngày đầu năm Giáp Ngọ (1994), tôi đến chúc Tết nhà thơ Khương Hữu Dụng, khi ấy còn ở phố Phan Bội Châu. Già Khương đang chuẩn bị đi đâu, ăn mặc tề chỉnh, giày đen, áo dạ, khăn len, mũ len, giống như sắp tiếp khách quốc tế. Tôi vội kính chúc ông năm mới trường thọ, toan ra về. Ông níu tay tôi, bảo: “Chở ông đi đằng này một lát”.
Trên đường đi, già Khương không nói gì về nơi sắp đến. Xe xịch đỗ trước một căn nhà hai tầng cũ kỹ, mặt phố Lãn Ông, cửa xếp đang hé mở. Già Khương sửa sang lại quần áo, từ tốn gõ cửa. Chủ nhà ăn vận giản dị, nếu không nói là khá xuềnh xoàng vào dịp năm mới, reo lên thân mật pha chút hài hước: “A, rồng đến nhà tôm!”. Chúng tôi ngồi chơi trong căn phòng cũng ít không khí năm mới như ông chủ, ba bề bốn bên chất đầy hàng hóa, khoảng trống dành để kê bàn tiếp khách có vẻ như vừa tạm dẹp đồ đạc đi. Thái độ chủ nhà khá thoải mái, ông nói là chính, nhanh, giọng hơi vỡ, nhưng to và vang, thi thoảng lại cất lên tiếng cười sảng khoái. Tiếng cười ấy, sau này tôi mới biết, một số người nghe thì cảm thấy ấm áp, yên lòng trong khi số khác lại thấy khó chịu.
Hôm đó nói chuyện gì tôi không nhớ, đã gần 30 năm rồi, làm sao mà nhớ được, bởi sau này, có thời gian tôi gặp ông gần như hằng ngày và những gì ông nói với tôi đều đáng nhớ. Nhà thơ Khương Hữu Dụng khác với lệ thường, chăm chú lắng nghe với thái độ hết sức lịch thiệp. Đến cuối buổi, chủ nhà mới hỏi tôi cháu làm gì, ở đâu. Tôi lễ phép đáp mình học kỹ sư kinh tế ở Liên Xô, hiện đang làm kế toán ở một công ty xuất nhập khẩu công nghệ. “Sinh ngữ thế nào?” – “Tiếng Nga tàm tạm còn tiếng Anh mới abc thôi ạ”. Già Khương nói đỡ, nó có làm thơ. Chủ nhà gật đầu, đi lên gác, lúc xuống cầm theo cuốn sách mỏng, lấy bút ra đề: “Tặng cháu Việt. Xuân con ngựa”, ký tên. Đó là cuốn 36 bài tình Lê Đạt – Dương Tường, Nhà xuất bản Trẻ in tháng 2 năm 1989. Khi chia tay, ông bảo, ra Giêng lúc nào rỗi thì qua đây chơi.
Về đến nhà, tôi mở cuốn thơ ra đọc ngay. Trong tổng số 36 bài tình, thơ Lê Đạt có 20 bài. Chỉ đọc mấy bài đầu tôi đã choáng váng. Đó là sự choáng của người ngoại đạo, đọc văn chương một cách ngẫu hứng, cảm tính, thiếu hệ thống, thưởng thức là chính, chưa hề có ý thức nghề nghiệp. Những bài thơ đã khiến toàn bộ cảm xúc, kinh nghiệm thẩm mĩ non nớt của tôi bị đảo lộn. Tôi thao thức không tài nào ngủ được trong tâm trạng hoang mang và sung sướng, rạo rực và bối rối. Nó giống như trước tình yêu đầu tiên, nhưng lẽ dĩ nhiên, rộng lớn và quyến rũ hơn, vượt ngoài phạm vi một cá thể, và sâu xa hơn.
Vin vào lời mời hôm trước, hai, ba ngày sau tôi một mình tìm đến nhà thơ Lê Đạt. Những ngày Tết đã qua, cuộc sống trở lại nhịp bình thường. Tầng một ngôi nhà đúng như tôi đoán là một cửa hàng tạp vặt (chữ của Lê Đạt) luôn tấp nập khách mua bán giấy vệ sinh, bỉm, phụ kiện cho mẹ và bé…, nhìn hoa cả mắt. Ông bảo ra quán cà phê gần nhà ngồi cho tiện. Đó là quán cà phê mậu dịch trên phố Hàng Buồm, chỉ có hai thứ đồ uống duy nhất mà tôi nhớ là cà phê (chất lượng như tên quán) và trà túi lọc lipton. Đây cũng là nơi tiếp khách chủ yếu của ông khi còn ở “9 gác Lãn Ông/ lòng xanh xuân chờ/ gió mùa xổ cửa/ tim đèn rong khuya”.
Tôi thổ lộ, cháu đã đọc cuốn thơ, rất thích, nhưng cũng không hiểu vì sao mình lại thích. “Vì cháu quen đọc thơ làm bằng ý, chứ không phải bằng chữ”. Câu nói đơn giản ấy như nhát chổi quét vẹt đi lớp lớp mây mù. Đây cũng là quan điểm nhất quán của ông, mà nhiều người biết đến qua tiểu luận nổi tiếng “chữ bầu lên nhà thơ” (của Et-mong Gia-bex, nhà thơ Pháp gốc Do Thái). Những lời quan trọng ông nói với tôi, hầu hết đều cô đọng bằng đoản ngôn. Thoạt nghe rất dễ hiểu, nhưng càng ngẫm càng thấy thêm tầng nghĩa và làm theo thì không dễ chút nào. Ví dụ ông nói thơ là một lạng cảm hứng cộng với một tạ mồ hôi. Ông cho tôi xem những mảnh giấy rời rạc hoặc đóng thành quyển sổ nhỏ (thường là tờ lịch đã cũ, mặt sau cuốn hóa đơn hay bảng chấm công… mà tôi đồ rằng trong giai đoạn khó khăn ông phải đi xin hoặc tận dụng), trên đó có một hai câu thơ, thậm chí chỉ một chữ, được sửa đi chữa lại, dập xóa nhiều lần, như vật lộn với từng con chữ. Ông hay nhắc tôi, đừng tin, bằng lòng với những câu thơ sản phẩm của cảm hứng, viết ra rồi, phải sửa đi sửa lại cho đến lúc không sửa được nữa mới thôi. Tôi rụt rè: sửa nhiều quá có khi làm hỏng bài thơ, bác ạ. Ông kiên quyết: Cũng có thể sau khi sửa nhiều lần ta giữ lại bản ban đầu, nhưng nhất định phải sửa, cứ làm đi, chắc chắn cháu sẽ thấy khác!
Một đoản ngôn khác của Lê Đạt: Người ta làm thơ không chỉ bằng chữ mà còn bằng cả bóng chữ. Tôi đi làm về, thấy cha tôi đang kỳ cạch đánh máy bản thảo một tập thơ. Ông bảo: Hội (Nhà văn Việt Nam) chuẩn bị in thơ cho các nhà văn mới được phục hồi hội tịch: Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm, Phùng Quán…, đây là tập thơ của ông Đạt. Tôi bảo: Bố để con đánh máy nốt cho – Không, bố muốn tự tay làm. Tôi hiểu cha làm thế để bày tỏ sự biết ơn với thầy của con trai. Gần đến ngay đưa nhà in nhưng tập thơ vẫn chưa có tên. Cha tôi gọi điện cho nhà thơ Lê Đạt. “Mình đang nghĩ, một là Vườn màu, hai là Bóng chữ [1], chưa biết chọn tên nào?”. “Bóng chữ là đúng với ông nhất!”. “Tuân lệnh thủ trưởng!” – Ông thường hài hước gọi cha tôi “thủ trưởng” vì khi ấy cha tôi là ủy viên Ban Chấp hành Hội nhà văn khóa IV, Trưởng ban Công tác hội viên và nằm trong hội đồng tuyển chọn (thực chất là phê duyệt) tập thơ gồm có ba người: Chính Hữu, Hữu Mai, Vân Long. Tháng 4/1994 Bóng chữ ra đời, và như mọi người đã biết, suốt một năm liền tập thơ đã làm náo động văn đàn. Riêng chuyện này chắc ít người biết. Ông Đạt tặng Bóng chữ cho người bạn cùng hoạn nạn thân thiết nhất, nhà thơ Trần Dần. “Đã từ lâu, chú và Trần Dần đi những con đường khác nhau, nên khi đưa cho Dần đọc, chú cũng hồi hộp, không biết nó thấy thế nào”. Lần gặp sau đó, nhà thơ Trần Dần đã nói ngắn gọn: “Hay! Nhưng kỹ quá”. Mỗi lần nói về ông Dần, tôi thường nghe ông Đạt bảo: “Dần là người có tư cách thủ lĩnh”. Sau này có ai đó gọi nhà thơ Trần Dần là “thủ lĩnh bóng tối”. Tôi không thật hiểu rõ nội hàm của bốn chữ này, nhưng bằng những gì tôi biết về ông thì thấy chưa thật thuyết phục, tuy nhiên đó chỉ là ý kiến cá nhân tôi.
Tôi may mắn được gần nhà thơ Lê Đạt 15 năm, được ông cư xử và dạy bảo như con cháu trong nhà, mà thật ra cũng không hẳn giống với người trong nhà. Ông vừa thương yêu, tôn trọng, vừa nghiêm khắc, gần gũi. Những lúc gặp phải điều bối rối, tôi chỉ việc chạy đến ông và khi ra về ngay lập tức yên lòng trở lại. Phải vậy chăng mà bây giờ trong tôi còn nhiều điều bối rối thế? Mỗi lần trước khi đến thăm ông hoặc đưa ông đi chơi đâu đó, tôi gọi điện thoại: “A lô, bác đang làm gì đấy ạ?” thì đầu dây đằng kia có tiếng cười đáp lại ngay cùng giọng nói hài hước, ấm áp: “Thì tôi đang chờ anh gọi điện đây!”. Tôi nhận ra có một Lê Đạt cười và Lê Đạt không cười. Khi cười nom ông xởi lởi, sảng khoái, còn khi không cười sẽ thấy ở ông một nỗi đăm chiêu mênh mông.
Nhiều chục năm ông mắc bệnh mất ngủ, thường xuyên phải dùng thuốc. Lại thêm chứng hay hồi hộp và bệnh huyết áp cao nên ông rèn luyện sức khỏe bằng đi bộ hằng ngày. Cuối giờ chiều, nếu đột xuất muốn tìm ông thì cách dễ nhất là ra Hồ Hoàn Kiếm. Tôi có một phát hiện thú vị. Đường thuận chiều ở khu vực này ngược với chiều kim đồng hồ, còn ông luôn đi xuôi chiều kim đồng hồ nên rất dễ nhận ra. Thói quen đi bộ hầu như ông không bao giờ bỏ, còn gọi vui đó là “hành cước” (hành cái chân mình). Sau này nhà chuyển tới phố Phó Đức Chính ông chuyển sang đi bộ men Hồ Tây. Phải chăng vì thế mà ông có nhiều câu thơ hay kiểu như Nhớ liễu hồ tới nhờ em xõa tóc/ Em vắng nhà bồ kết chửa đi xa… Chợt nhớ đến một đoản ngôn khác của ông: Trong động tác chân tôi ghét nhất là dậm chân tại chỗ vì nó đi mà vẫn đứng yên.
Tuy nhiên, bệnh mất ngủ ngày càng hành hạ ông. Những đêm dài dằng dặc với ông là điều khó đối phó nhất. Tôi có cảm giác nhiều lúc ông muốn buông xuôi khi nghe ông đọc câu thơ: Bất tài minh chủ khí/ Đa bệnh cố nhân sơ (Bất tài thì minh chủ coi thường/ Lắm bệnh thì bạn thân sẽ nhạt). Và đến câu thơ này: Bạn phần lớn đều đã thay địa chỉ/ Tái định cư vùng ngoại thị Yên Kỳ/ Đó có bãi đánh cầu lông không nhỉ?/ Mưa bụi hồ sớm liễu rủ ta đi khiến tôi càng lo lắng dõi theo ông. Nhưng ông vẫn kiên cường chống chọi với thái độ thản nhiên để người thân khỏi phiền lòng. Cho đến một lần, sau chuyến đi Tây Nguyên trở về, lúc bước xuống cầu thang dốc, ông đã bị trượt chân. Quãng nửa đêm, anh Uẩn, con trai ông điện thoại cho tôi báo tin vừa đưa ông vào bệnh viện Việt Đức. Tôi đến một lúc thì nhà thơ Dương Tường cũng tới. Đó là đêm cuối cùng tôi được ở bên ông…
Một thời gian dài sau ngày ông rời cõi tạm, tôi hay đi lang thang, không hiểu sao thường ngang qua phố Hàng Buồm, ngẩn ngơ trước quán cà phê mậu dịch năm nào, rồi mới xuôi về phía phố Lãn Ông. Bài thơ này là một nén hương, dâng lên ông, thay cho bao điều muốn nói.
NHÀ THƠ
Ông bảo người làm thơ
Phải có gan cãi nhau với cả nước
Nhưng tôi chưa thấy ông đôi co bao giờ
“Anh em văn nghệ
Đoàn kết vẫn hơn là đánh lẫn nhau”
Và cười.
Ông bảo người ta có quyền được sai
Bằng quyền được đúng
Trong thơ, tất cả đều bình đẳng
“Tôi thích đối thoại hơn đối thụi”
Lại cười.
Trời hành bệnh mất ngủ
Ông bảo có lần đã toan tự tử
Nhưng chữ còn nặng nợ, đành thôi
“Người ta có thể thua nhưng không thể thất bại”
Lần này ông không cười.
Ông bảo chịu thiệt nhiều thú vui
Vì chót mang thân phu chữ
Nhưng tôi biết ông cũng có lúc… mải chơi
Cà phê Hàng Buồm ngồi tiếp khách cả ngày
Hôm nay đứng đầu phố Mã Mây
Nhớ ly cà phê đen đắng
Hình dung ông đang ngồi giữa miền mây trắng
Kể chuyện trần gian cho những bạn bè hoạn nạn của ông
Ông rộng rãi, khoan dung, lịch sự
Chỉ nghiêm khắc những khi làm chữ
Và khi đọc thơ
Ông là Lê Đạt.
______
[1] Tên hai bài thơ trong tập Bóng chữ của Lê Đạt.
HỮU VIỆT
=============
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ