bài đọc thêm: " Cù Mai Công:' SÀI GÒN MỘT THUỞ' / -- nguồn báo thanhnien
Dù chỉ vỏn vẹn gần 200 trang sách cho tập mở màn nhưng Sài Gòn một thuở “dân Ông Tạ đó!” ngồn ngộn sử liệu, được tác giả khéo léo lồng trong những câu chuyện đan xen giữa xưa và nay bằng lối văn phong nhà nghề của một cư dân “chính gốc” vùng đất Ông Tạ, cuốn hút người đọc từ đầu đến cuối. Đó là câu chuyện về khu chợ Bắc với những món đặc sản giò chả, mắm tôm, bún chả... theo bước chân vào Nam của cư dân “Bắc 54” cùng khát vọng sống và vươn lên mạnh mẽ. Bên cạnh đó là đại đồn Chí Hòa cùng các trại lính thời trước năm 1975, những khu nghĩa địa với bao tin đồn hư hư thực thực và đặc biệt đây cũng là nơi quy tụ những văn nghệ sĩ nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực.
Dù “những người muôn năm ấy” có khi không còn, hoặc đã đi muôn phương, nhưng một thời họ là “dân Ông Tạ đó” đã góp phần tạo bản sắc riêng cho vùng đất này. Hẳn nhiều người trẻ ở Sài Gòn hôm nay đều đã nghe danh “ngã ba Ông Tạ”, thế nhưng “ông Tạ” thực ra là ai, vì sao được lấy tên đặt tên ngã ba, tên chợ... thì có thể không rõ. Bằng người thật việc thật, nhà báo Cù Mai Công tìm gặp cho bằng được lương y Nguyễn Văn Huệ để nghe kể lại gốc tích của ông Tạ, rằng: “Ông nội tôi tên là Trần Văn Bỉ (1918 - 1983) quê Mỹ Tho. Sau khi tu học nghề thuốc ở núi Bà Đen (Tây Ninh), ông về Sài Gòn và nhận thấy ngã ba này có một vị trí thuận lợi có chùa và xung quanh đều là đất trống nên chọn nơi đây làm điểm khám chữa bệnh”. Và “vị lương y hiền lành của phòng mạch từ tâm này đã làm nên một địa danh Sài Gòn nổi tiếng, ngay khi còn sống, được đặt tên (không chính thức nhưng ai cũng gọi như vậy): ngã ba Ông Tạ, chợ Ông Tạ, cầu Ông Tạ và Bắc di cư Ông Tạ”, sách viết.
Gắn bó và trưởng thành từ mảnh đất Ông Tạ với bề dày trầm tích văn hóa, nhà báo Cù Mai Công có điều kiện hiểu rõ từng địa danh, thuộc lòng mọi ngóc ngách các phố, mỗi cảnh đời và nhiều sự kiện xảy ra từ ngày ông còn nhỏ cho đến tận ngày nay. Chứng kiến bao thăng trầm của vùng đất Ông Tạ, tác giả như “con thoi” kết nối giữa quá khứ với hiện tại. Qua các tư liệu lịch sử mang tính phát hiện và hình ảnh tư liệu có thể nói là độc đáo, nhà báo Cù Mai Công đã “vẽ lại” khá thành công không khí của đại đồn Chí Hòa năm xưa với nhiều trận quyết chiến vang bóng, thể hiện lòng quả cảm của những người con đất Việt.
Nối nhịp với những chuyện hấp dẫn lâu nay còn ít biết về ông Tạ, tác giả đi sâu vào giải đáp tiếp nhiều “thắc mắc không biết hỏi ai” của người đọc xung quanh khu “Bắc 54” đậm đặc tại miền Nam trước 1975 ra sao, giang hồ khu Ông Tạ và “trai Nam Thái, gái An Lạc” như thế nào, rồi chuyện ra ngõ không gặp giang hồ thì gặp… văn nghệ sĩ, tản mạn chuyện ma… được lồng ghép trong giai đoạn “tuổi thơ dữ dội” của tác giả những ngày trộm rau muống của nhà xứ ra đổi bún ăn giữa nguy cơ mưa đòn roi của ông quản Vụ, quản Thành. Cùng với đó là bao thân phận người dân khu Ông Tạ như chú Bảo “mù” bán vé số, vì mê tít giọng ca Nam bộ của quái kiệt Trần Văn Trạch nên nhái giọng có tiếng, chuyện bà cụ Ngoạn bán xôi cạnh xe bánh mì của bà cụ Liêm mà gắn bó tình bạn hơn mấy chục năm trời, xe phở ông cụ Khang trụ đến giờ trên dưới 60 năm…, càng hiểu thêm về tình đất, tình người luôn thủy chung luôn trước sau như một của những cư dân tha hương nơi vùng đất phương Nam hào sảng - đã làm tròn trịa nội dung cho “tình yêu tha thiết đối với khu Ông Tạ” của tác giả Cù Mai Công. ./.
=========
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ