Thứ Hai, 15 tháng 3, 2021

bài đọc thêm (2) : Thơ PHẠM TIẾN DUẬT -- nguồn: http://vanvan.net/

 

(1941-2007)

                                                                                 Nhà thơ Phạm Tiến Duật-- (ảnh: Internet)

Nhà thơ Phạm Tiến Duật, sinh năm 1941, quê gốc thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Cha ông là nhà giáo, dạy chữ Hán và chữ Pháp. Mẹ ông làm ruộng, không biết chữ. Từ bé Phạm Tiến Duật đã đi học xa nhà. Ông học qua bậc phổ thông, đến hết Đại học Sư phạm Văn khoa Hà Nội rồi gia nhập quân đội. Phạm Tiến Duật sống và viết trong chiến tranh trên đường mòn Hồ Chí Minh ở Trường Sơn (8 năm trong trong tổng số 14 năm quân ngũ). Sau khi được trao giải nhất cuộc thi thơ báo Văn Nghệ năm 1969-1970, ông về làm biên tập thơ rồi làm Phó trưởng Ban đối ngoại Hội nhà văn VN và Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn văn nghệ VN. Các tập thơ đã xuất bản của nhà thơ Phạm Tiến Duật: Vầng trăng và quầng lửa (1970), Thơ một chặng đường (1971), Ở hai đầu núi (1981), Vầng trăng và những quầng lửa (1983), Thơ một chặng đường (1994), Nhóm lửa (1996), Tiếng bom và tiếng chuông chùa (1997). Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về  HNT năm 2001 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2012. Nhà thơ Phạm Tiến Duật qua đời ngày 4.12.2007.

 Nhà thơ Phạm Tiến Duật là một trong những gương mặt nổi trội của thi ca Việt Nam thời chiến tranh chống Mỹ, thậm chí có nhà phê bình đánh giá, thời ấy một mình Phạm Tiến Duật làm nên một trường phái thơ chiến tranh mà bài thơ “Lửa đèn” của ông là một đỉnh cao của phong cách Phạm Tiến Duật. Một số nhà văn đã dùng hình ảnh “Con đại bàng” của thi ca Trường Sơn để nói về nhà thơ Phạm Tiến Duật trong những năm 1969-1970, những bài thơ của ông viết trên đường mòn Hồ Chí Minh giữa những đợt bom B52 rải thảm, đã vượt bay lên trên bầu trời thi ca yêu nước, làm xúc động hàng triệu trái tim thanh niên đang ra trận và thơ của ông như cánh chim đại bàng kiêu hãnh dự báo ngày toàn thắng đang đến gần.

 

                                 THƠ PHẠM TIẾN DUẬT

 

LỬA ĐÈN

 

I - ĐÈN

 

Anh cùng em sang bên kia cầu

Nơi có những miền quê yên ả

Nơi có những ngọn đèn thắp trong kẽ lá

Quả cây chín đỏ hoe

Trái nhót như ngọn đèn tín hiệu

Trỏ lối sang mùa hè,

Quả cà chua như cái đèn lồng nhỏ xíu

Thắp mùa đông ấm những đêm thâu,

Quả ớt như ngọn lửa đèn dầu

Chạm đầu lưỡi chạm vào sức nóng...

Mạch đất ta dồi dào sức sống

Nên nhành cây cũng thắp sáng quê hương

Chúng nó đến từ bên kia biển

Rủ nhau bay như lũ ma trơi

Từ trên trời bảy trăm mét

Thấy que diêm sáng mặt người

Một nghìn mét từ trên trời

Nhìn thấy ngọn đèn dầu nhỏ bé

Tám nghìn mét

Thấy ánh lửa đèn hàn chớp loé

Mà có cần đâu khoảng cách thấp cao

Chúng lao xuống nơi nao

Loé ánh lửa,

Gió thổi tắt đèn, bom rơi máu ứa.

Trên đất nước đêm đêm

Sáng những ngọn đèn

Mang lửa từ nghìn năm về trước,

Lấy từ thuở hoang sơ,

Giữ qua đời này đời khác

Vùi trong tro trấu nhà ta.

Ôi ngọn lửa đèn

Có nửa cuộc đời ta trong ấy!

Giặc muốn cướp đi

Giặc muốn cướp lửa tim ta đấy

 

 

II - TẮT LỬA

 

Anh cùng em sang bên kia cầu

Nơi có những miền quê yên ả

Nơi tắt lửa đêm đêm khiến đất trời rộng quá

Không nhìn thấy gì đâu

Bóng tối che rồi

Cây trúc làm duyên phải nhờ gió thổi

Cô gái làm duyên phải dùng giọng nói

Bông hoa làm duyên phải luỵ hương bay...

Bóng tối phủ dày

Che mắt địch

Nơi tắt lửa là nơi vang rền xe xích

Kéo pháo lên trận địa đồng cao

Tiếng khẩu đội trưởng ở đâu

Đấy là đuôi khẩu pháo

Tiếng anh đo xa điểm đều

Vang ở đâu, đấy là giữa điểm đồ

Nơi tắt lửa là nơi in vết bánh ôtô,

Những đoàn xe đi như không bao giờ hết,

chiếc sau nối chiếc trước ì ầm

Như đàn con trẻ chơi u chơi âm

Đứa này nối hơi đứa khác.

 

Nơi tắt lửa là nơi dài tiêng hát

Đoàn thanh niên xung phong phá đá sửa đường;

Dẫu hố bom kề bên còn bay mùi khét

Tóc lá sả đâu đó vẫn bay hương

Đêm tắt lửa trên đường

Khi nghe gần xa tiếng bước chân rậm rịch

Là tiếng những đoàn quân xung kích

Đi qua.

Từ trong hốc mắt quầng đen bóng tối tràn ra

Từ dưới đáy hố bom sâu hun hút

Bóng tối dâng đầy toả ngợp bao la,

Thành những màn đen che những bào thai chiến dịch

Bóng đêm ở Việt Nam

Là khoảng tối giữa hai màn kịch

Chứa bao điều thay đổi lớn lao,

 

Bóng đêm che rồi không nhìn thấy gì đâu

Cứ đi, cứ đi nghe lắm âm thanh mới lạ.

 

 

III - THẮP ĐÈN

 

Anh cùng em sang bên kia cầu

Nơi có những miền quê yên ả

Nơi đêm ngày giặc điên cuồng bắn phá

Những ngọn đèn vẫn cứ thắp lên

Chiếc đèn chui vào ống nứa

Cho em thơ đi học ban đêm,

chiếc đèn chui vao lòng trái núi

Cho xưởng máy thay ca vời vợi,

Chiếc đèn chui vào chiếu vào chăn

Cho những tốp trai làng đọc lá thư thăm

 

Ta Thắp đèn lên trên đỉnh núi

Gọi quân thù đem bom đến dội

Cho đá lở đá lăn

Lấy đá xây cầu, lấy đá sửa đường tàu

Ta bật đèn pha ôtô trong chớp loè ánh đạn

Rồi tắt đèn quay xe

Đánh lạc hướng giặc rồi ta lại lái xe đi...

Ngày mai, ngày mai hoàn toàn chiến thắng

Anh dắt tay em, trời chi chit sao giăng

"Thắp đèn ta sẽ chơi trăng ngoài thềm"

Ta thắp đèn lồng, thắp cả đèn sao năm cánh

Ta dẫn nhau đến ngôi nhà đèn hoa lấp lánh

Nơi ấy là phòng cưới chúng mình

 

Ta sẽ làm cây đèn kéo quân thật đẹp

Mang hình những người những cảnh hôm nay

Cho những cuộc hành quân nào còn trong bóng tối

Sẽ hiện muôn đời trên mặt ngọn đèn xoay.

                         1967

 

VỚI KHÁNH LY

 

Tiếng hát em còn trong băng nhạc ấy

Em ơi em, sao em không về

Cả Sài Gòn đông vui nhộn nhịp

Tôi gọi em mà em có nghe?

 

Đời em đi qua những khúc hát sầu bi

 Hạnh phúc lội tìm, lặn tìm chẳng thấy

Trả nợ đời em, chỉ có đồng tiền giấy

Mỏng như là hơi thở cắt vuông ra

 

Đặt đồng tiền xuống, thấy nước mắt sa

Soi đồng tiền lên, chỉ thấy hình vợ Thiệu

Như mụ xì ke nhìn đời bêu riếu

Và bóng triệu người vất vưởng khuất sau lưng

 

Tiếng hát gieo sương chót lá rưng rưng

Thoắt cái giọng hiền thành lời phẫn nộ

Giọng em bỗng già như giọng bà quả phụ

Khóc chồng đi theo Mỹ lìa nhà

 

Để gió cuốn đi rồi tình nhớ với tình xa

Tất cả cạn dần chỉ còn mơ ước

Ngày đoàn tụ ôi vẹn tròn đất nước

Cầu mong, cầu mong, em hát khúc cầu mong

 

Thì đầu phố nhà em cây điệp lại lên hồng

Môi của mùa hè hát trời xanh giải phóng

Người về. Giặc tan. Đất lành yên tiếng súng

Bè bạn quây quần mà thiếu bóng em

 

Tôi thương em dù chưa một lần quen

Dù giữa hai ta có khác nhau đến mấy

Thì sẽ gần lại với nhau nếu em ở lại

Khánh tận chi mà ly biệt vội vàng?

 

Lặng rồi giọng hát mịn màng

Kìa bao cánh nhạc rộn ràng lại bay

Đời vui rạng rỡ ánh ngày

Chút riêng lựa một khúc này tiếc thương.

 (Sài Gòn, đêm 21/5/1975)

 

TIỄN CÁC CHÁU ĐÁNH GIÀY VỀ QUÊ ĂN TẾT

Đường phố sẽ rộng ra vì vắng các cháu

Những gốc cây, hè phố sẽ buồn thiu

Có các cháu thì ồn ào, vướng bận

Các cháu đi rồi chú nhớ biết bao nhiêu.

 

Ôi những mái tóc rối bù, khét mùi nắng, mùi bụi

Nửa chất phác ngây thơ, nửa du đãng bụi trần

Đô thị hóa đi kèm ô hợp hóa

Những dòng sông nâu sồng giữa phố,

                              những đoàn quân

Khi các cháu trở lại nơi này, thế kỷ cũ đã hết

Mà người cần đánh giày thì ngày một đông lên

Chăm sóc hai bàn chân thì loài người rất nhớ

Chăm sóc trái tim mình,

                    có lúc có người quên.

Chỉ mấy ngày thôi về với cha với mẹ

Các cháu sẽ gặp lại quê mình xanh như thể tre xanh

Từ nghìn năm xưa tre vẫn xanh như thế

Dẫu chẳng phồn hoa mà cuộc sống an lành

 

Chú kể các cháu nghe một tên người. Cố nhớ!

An-đéc-xen viết chuyện Nàng Tiên Cá

                                  thật là hay

Ông ấy là nhà văn của trẻ con toàn trái đất

Cũng xuất thân từ chú bé sửa giày

(Cuối năm 2000)

 

LÝ NGƯ TÔI VỌNG NGUYỆT

              Tặng Thành Chương

 

Vẫn cá đớp tranh nhưng tranh anh đã khác

Không phải cá chép ngu ngơ ngó mặt trăng lành

Trăng cũ kỹ đến như là khuôn sáo

Mà cá tinh ranh hiện đại với tinh ranh

 

Cá ấy là anh, cứ thấy hoa là lú

Suốt một đời du đãng với mây trời

Cá ấy là tôi ham mê vùng vẫy

Để bây giờ sững sờ đứng ngắm mặt trăng trôi.

 

HỎA THIÊU CHO MỘT NGƯỜI ĐANG SỐNG

                 (Tặng Nguyễn Khắc Phục)

 

Trong bóng tối bùa mê, anh ấy tự làm ma

Tự thiêu cái bóng mình giữa thanh thiên bạch nhật

 

Thân xác ngỡ còn mà biến mất:

Đã cháy rồi những ngày tháng bơ vơ

Chàng thủy thủ không tàu, không biển

Túi không tiền, đầu không ý nghĩ

Ngủ lang với một sợi tóc rụng của đàn bà

Đã cháy rồi những hào quang huyễn hoặc

Những năm tháng làm vua mà không có triều đình

 

Đã cháy rồi những vướng bận linh tinh

Những xuẩn ngốc, tham lam cùng dối trá

Những thân thể lưu manh mặc áo trịnh trọng

Những phản bội ngọt ngào đòi được mang ơn

 

Đã cháy rồi những trống rỗng đầy ắp

Với rượu với bia và trăm thứ bà rằn

Không cô đơn ồn ào không chỗ nấp

Những con đường nhựa bị rải đinh 5 phân

 

Đã cháy cả rồi những thành công đích thực

Những ân nghĩa của dân và của lính

Thành công nào cũng chỉ là quá khứ mà thôi

Anh tự thiêu cái bóng và gia tài của mình

Tất cả đều cháy tàn cháy rụi

 

Từ đám tan trở về, tôi quay trở lại

Thấy một trái tim không cháy

Những trang giấy không cháy

Và những giọt nước mắt đàn bà hóa ngọc giữa tàn tro…


                                           Hà Nội, trưa 27 tháng 7 năm 200x.

                                             PHẠM TIẾN DUẬT


                                         =====================

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ