Nhà văn Dạ Ngân - lặng lẽ trước mùa xuân
Mất đi người bạn đời thống thiết, người bạn văn chương tri kỷ, người đã cùng mình nếm qua tất thảy những buồn vui tục lụy của cuộc đời dù đã gần một năm nhưng đến nay, nhà văn Dạ Ngân bảo mình vẫn chưa hết choáng váng. Không phải vì đau khổ mà bởi, bà vẫn chưa quen cảnh thiếu ông. Từ gương mặt, tiếng cười, thói quen cho tới cả những lời gắt gỏng. Với bà, Nguyễn Quang Thân không chỉ là chồng mà còn là một nửa định mệnh cuộc đời.
Nhà văn Dạ Ngân.
Vẫn biết, sinh tử biệt ly sẽ đến bất kỳ lúc nào nhưng lần đầu tiên sau hơn hai mươi năm, không có chồng bên cạnh, một người phụ nữ gai góc, kiêu ngạo từng vượt qua bao nhiêu khen chê của kiếp người cũng phải thấy chao đảo. Giữa khoảnh khắc giao thời của trời đất, bà như trở về thân phận một người phụ nữ yếu mềm, lặng lẽ đắm chìm trong thế giới kỷ niệm vừa hư, vừa thực.
1. Gặp nhà văn trong căn hộ chung cư nho nhỏ nằm ở bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) vào một sáng cuối năm, tôi thấy bà vẫn giữ thói quen pha cà phê, pha trà xanh cho chồng mình, dù ông đã vĩnh viễn ra đi. Tôi không hỏi, nhưng bà đã kể về mối lương duyên cuộc đời mình một cách đầy tự hào và kiêu hãnh. Bà bảo, bà gặp Nguyễn Quang Thân trong một Trại sáng tác văn chương ở thành phố biển Vũng Tàu khi cả hai đều đã có gia đình. Và lập tức bị tiếng sét ái tình, hay đúng hơn là cảm nhận rõ ràng, người kia chính là một nửa định mệnh của mình. Khi ấy, Dạ Ngân đã ba mươi tuổi, có hai con, còn nhà văn Nguyễn Quang Thân có tới ba người con. Đó là những năm tám mươi của thế kỷ trước, khi mà điện thoại chưa thông dụng như bây giờ nên sau trại sáng tác, để thể hiện tình cảm, họ chỉ có thể liên lạc với nhau bằng những lá thư từ Cần Thơ ra Hải Phòng và ngược lại.
Phải lâu lâu, Nguyễn Quang Thân mới có thể từ ngoài Bắc vào thăm bà. Thế nhưng, không vì khoảng cách hai ngàn cây số xa cách mà tình cảm nhạt phai mà ngược lại, mối lương duyên của họ ngày càng mặn nồng hơn. Ngừng lại một chút, nhìn ra khoảng không gian êm đềm trước khu cư xá, bà tiếp lời. Để có được hạnh phúc sau này, khi ấy cả hai đã phải vượt qua bao nhiêu khó khăn, và cả những định kiến của thời cuộc. Chỉ đến khi bà ra Hà Nội học Trường viết văn Nguyễn Du thì hai người mới chính thức được ở bên nhau, cùng tờ giấy kết hôn.
Thế nhưng, cuộc sống của đôi vợ chồng sau hơn mười năm yêu đương ấy cũng không hoàn toàn chỉ có màu hồng bởi những khác biệt về văn hóa vùng miền, lối sống gai góc của cả hai người, hai cá tính văn chương mãnh liệt. Đặc biệt, để xây dựng tất cả từ hai bàn tay trắng, họ đã phải làm việc, lao động cật lực. Và cũng may mắn thay, đây là thời gian mà độc giả chứng kiến sự ra đời của nhiều tác phẩm để đời của cả Dạ Ngân và Nguyễn Quang Thân. Đó là tiểu thuyết “Gia đình bé mọn”, tiểu thuyết được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2005 và ngay sau đó là tặng thưởng của hội Nhà văn Việt Nam năm 2006, và không lâu sau đó nữa nó được dịch ra cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp. Trước đó nữa là truyện ngắn “Con chó và vụ ly hôn”, từng gây náo loạn văn đàn một thủa...
Thế nên bà bảo, 24 năm ở bên Nguyễn Quang Thân là quãng thời gian đáng sống, đáng yêu, đáng viết đến từng ngày của cuộc đời bà. Ngoài ra, được sống và làm việc 15 năm ở Hà Nội, với một không gian văn hóa đậm đặc cũng mang đến cho bà những trải nghiệm đáng giá. Và nếu ai đọc những tác phẩm của Dạ Ngân, từ tiểu thuyết cho tới truyện ngắn, truyện dài hay cả những tập tạp bút, đều dễ dàng nhận ra bóng dáng của chính đời bà. Ở đó là sự quán xuyến, tận hiến để làm việc, để vắt kiệt cùng đời mình cho văn chương và cuộc đời. Nhưng ở đó cũng là một người phụ nữ gai góc, lì lợm, sẵn sàng chấp nhận để có được hạnh phúc, tự do. Và cũng như vô vàn người cầm bút khác, không gian êm đềm của sông nước miền Tây, của dòng sông Hậu tuổi thiếu nữ xa xôi cũng thấp thoáng đâu đó trong những trang văn của Dạ Ngân.
Nhưng không chỉ có văn chương, Dạ Ngân nói rằng mấy chục năm qua, bà sống và làm việc như một người làm báo. Ở đó, bà đã có 11 năm gắn bó với tuần báo Văn nghệ của hội Nhà văn Việt Nam, từng làm trưởng Ban văn xuôi của báo. Cho tới tận bây giờ, bà cũng đã có hơn chục năm gắn bó với báo Nông nghiệp Việt Nam ở chuyên mục gỡ rối hôn nhân gia đình với cái tên Dạ Hương quen thuộc của nhiều bạn đọc nông dân. Kể về chuyện này, bà chỉ cười lặng lẽ, có lẽ bản thân mình đã nếm trải nhiều gian truân của hôn nhân, của những tan vỡ, đắng cay và cả những vỡ òa hạnh phúc. Nếm trải cả cảm giác con mình, con chồng cho tới khi nhìn con cháu lớn lên khiến bà có sự thấu hiểu về đời sống hôn nhân sâu sắc hơn. Bà bảo, nói về hôn nhân của người khác, dù hạnh phúc hay đắng cay cũng phải bằng con mắt yêu thương và tấm lòng đồng cảm. Đó vừa là cội rễ của hôn nhân, vừa là nền móng của một gia đình lại vừa như hạt mầm gieo xuống những cây non.
Vợ chồng nhà văn Nguyễn Quang Thân và Dạ Ngân năm 1995. (Ảnh: John Foley).
2. Trước thềm năm mới, khi người người đang hướng tới những điều mới mẻ thì thật lạ, trong không gian cuộc đời mình, Dạ Ngân lại hướng về những điều cũ kỹ, đã qua. Bà cho biết, qua tết ít ngày sẽ là lần giỗ đầu của chồng mình. Ông không viết văn từ sau tiểu thuyết “Hội Thề”, di cảo còn lại sau sự ra đi đột ngột chỉ là những bài chân dung bè bạn như về Nguyên Hồng, về Bùi Ngọc Tấn, và mấy mươi bài thơ dịch Akhmattova ông lưu trong tủ như báu vật đã lâu. Và dĩ nhiên, là thơ tình của ông cùng những truyện ngắn sắc sảo. Bên cạnh đó là những trang viết trải lòng mà đồng nghiệp, bè bạn của nhà văn dành cho ông lúc ra đi vào cõi vĩnh hằng. Đặc biệt, ngoài 2 cuốn sách này, dịp giỗ đầu lần này, Phương Nam Book cũng ký hợp đồng tái bản 6 cuốn sách khác của Nguyễn Quang Thân để phục vụ độc giả yêu mến nhà văn.
Ở cái tuổi 65 và trải qua tất thảy những gì có thể phải đối mặt, Dạ Ngân bây giờ ở một mình trong căn chung cư này. Thi thoảng cuối tuần, con cháu bà mới có thời gian tới thăm. Hàng ngày, bà vẫn lặng lẽ với những trang báo, trang bản thảo văn chương cùng những dự định đang còn dang dở. Với nhiều người, nhất là phụ nữ, ở cái tuổi này, họ đã nghĩ đến sự nghỉ ngơi thì với bà, lạ thay, vẫn tràn trề kế hoạch và trí lực. “Từ nay tới tết, tôi có một người bạn văn chương bên Hàn Quốc tới Sài Gòn chơi, muốn được đưa đi dạo phố, mua sách. Rồi lại có một bà bạn Pháp, người dịch “Gia đình bé mọn” về chơi như ruột thịt. Những cuộc gặp gỡ, “vui chốc nào mừng chốc đó, đời quá vô thường, bận rộn để biết mình đang thở và đang sống”, bà cười, buồn buồn.
Dù đã đạt tới vị trí nhất định của một người phụ nữ viết văn trong thế giới ngôn từ khó phân định này nhưng không hiểu sao, nhìn dáng vẻ mạnh mẽ và cương nghị của bà, tôi vẫn cảm giác rằng, bà vẫn còn có thể cho ra đời nhiều tác phẩm văn chương có giá trị nữa. Niềm tin ấy, không chỉ là cảm nhận của tôi về những góc nhìn tinh tế trước thời cuộc, sắc sảo trong văn hóa, đau đớn giữa cõi người mà còn bởi, bà có cái số “muộn màng”. Bà có được hạnh phúc gia đình khi đã ở tuổi bốn mươi. Và bà cũng bắt đầu học đại học ở cái tuổi ấy thì biết đâu, ở cái tuổi ngoài lục tuần này, bà sẽ cho ra đời một tác phẩm nữa khi mà xung quanh là một thế giới hiện thực sôi động, ám ảnh, đầy đủ tất thảy “chất liệu” để làm lên một tác phẩm văn chương đỉnh cao . ./.
ĐOÀN ĐẠI TRÍ
nguồn: daidoanket.vn>
================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét