Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2021

về hoạ sĩ Pham Cung [ i.e. Phạm Ngọc Cung 1936- 12/2020 saigon] / bài viết: Hoàng Nhân -- trích blog Virgil Gheorghiu (23/ 04/ 2020)

 

THỨ NĂM, 23 THÁNG 4, 2020

Hoạ sĩ PHẠM CUNG: " Thiếu đàn bà, đàn ông vô vị " / bài viết: Hoàng Nhân --- source: báo Thể Thao & Văn Hoá


Hoạ sĩ Phạm Cung:" Tôi trẻ lâu nhờ vẽ đàn bà "


HOÀNG NHÂN


(TT&VH) Như TT & VH đưa tin, 8/2 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM (218 A Pasteur, Q.3), họa sĩ Phạm Cung đã khai mạc triển lãm Đàn bà trong mắt tôi. Dù ở tuổi 80 nhưng Phạm Cung vẫn nhìn đàn bà một cách đắm đuối như thể ông chưa bao giờ già. Ngoài đời, Phạm Cung trẻ hơn tuổi thật, ông cho rằng mình trẻ nhờ biết ngắm đàn bà và trân trọng họ.


Triển lãm trưng bày 37 tranh sơn dầu được Phạm Cung vẽ trong một năm trở lại đây. Các người đẹp trong tranh đều mặn mà với chiếc áo dài gợi cảm, còn có hai người đàn bà đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc mà Phạm Cung quen và chân dung danh ca Thái Thanh nổi tiếng một thời. Đặc biệt, dù tên gọi là Đàn bà trong mắt tôi, nhưng Phạm Cung cũng trưng bày một tranh chân dung thi sĩ Bùi Giáng bụi bặm giữa các nàng đẹp như tiên.

“Người điên” giữa các người đẹp

Tại sao lại có chân dung Bùi Giáng “lạc chủ đề” bị bao quanh bởi các người đẹp trong triển lãm này? Họa sĩ Phạm Cung hóm hỉnh: “Bùi Giáng khi còn sống mê nhiều đàn bà đẹp. Bùi Giáng chết rồi nhưng tôi nghĩ linh hồn người đàn ông trong ông vẫn tiếp tục mê đàn bà đẹp. Tôi được diễm phúc vẽ nhiều người đẹp thì cũng nên chia sẻ với Bùi Giáng. Treo chân dung Bùi Giáng giữa muôn trùng người đẹp để ông ấy từ trong tranh bước ra ngắm cho đã mắt”.

Họa sĩ Phạm Cung

Sinh thời, Bùi Giáng và Phạm Cung rất thân nhau. Bùi thi sĩ thường xuyên ăn ở nhà Phạm Cung. Khi họa sĩ Phạm Cung vẽ tranh thì nhà thơ Bùi Giáng cũng xin màu, xin giấy và hí hoáy cầm cọ. Hiện nay, tranh của Bùi Giáng được Phạm Cung lưu giữ thuộc loại nhiều nhất nhưng không có ý định bán. Phạm Cung cho rằng: “Đàn bà trong mắt tôi thế nào thì đàn bà trong mắt Bùi Giáng chắc cũng như vậy. Người sống như tôi nhìn đàn bà ra sao thì linh hồn người đàn ông đã khuất Bùi Giáng cũng sẽ thấy đàn bà giống thế. Được ngắm nhiều đàn bà đẹp để rồi bị điên như Bùi Giáng, tôi cũng xin sẵn lòng”.

Phạm Cung thích vẽ đàn bà hơn là vẽ thiếu nữ, bởi nét đẹp của các quý bà thể hiện được sự trải nghiệm của cuộc đời nhiều hơn. Tranh của Phạm Cung trong triển lãm này “đã chín” ở nhiều góc độ: sắc màu đã chín, nhân vật cũng chín và đường nét cũng chín. Mỗi người đàn bà trong tranh Phạm Cung đều đạt được nét đầy đặn của tạo hóa ban tặng sau khi họ đã biết yêu và biết hy sinh vì yêu.

Đáng tiếc là có hai bức tranh Phạm Cung vẽ đàn bà mặc bikini không được phép triển lãm lần này. Đáng tiếc bởi, các người mẫu bằng xương bằng thịt đều có thể mặc bikini đi lại trên sân khấu, chụp ảnh in báo hoặc lên truyền hình. Trong các cuộc thi người đẹp đều có phần thi áo tắm, vậy mà tranh vẽ bikini lại không được treo? Phạm Cung cho rằng: “Không treo cũng không vấn đề gì. Vì thế nào thì đàn bà trong mắt tôi vẫn đẹp dù họ có trùm chăn kín mít và chỉ ló ra ngoài đôi bàn tay và đôi mắt”.

Thi sĩ Bùi Giáng được Phạm Cung “đặt cách” ngắm nhìn đàn bà trong triển lãm

Thiếu đàn bà, đàn ông vô vị

Có một phụ nữ hỏi Phạm Cung: Sao anh lại lấy chủ đề “đàn bà trong mắt tôi”, nghe “gay cấn” quá. Phạm Cung trả lời rằng: “Tôi là đàn ông nên tôi thích ngắm đàn bà, đó là lẽ tự nhiên. Còn nếu có người nữ nào đó bảo rằng “đàn ông trong mắt tôi” cũng là sự bình thường, có gì đâu mà gay cấn, thì với tôi, thế giới mà thiếu đàn bà thì bọn đàn ông sẽ trở nên vô vị. Tạo hóa sinh ra đàn bà để đàn ông ngắm và ngược lại”.
Chẳng những say mê vẽ chân dung các bà rồi đem triển lãm khắp nơi, Phạm Cung còn in chân dung các bà lên danh thiếp của mình. Danh thiếp của Phạm Cung thật lạ, có bao nhiêu tranh vẽ các bà, ông đều đưa lên danh thiếp hết. Khi được Phạm Cung đưa danh thiếp, người thích tranh sẽ xin thêm cái nữa, vì mỗi cái danh thiếp là một bức tranh hoàn toàn khác nhau. Hỏi sao ông chơi “tốn kém” quá vậy? Phạm Cung cười hề hề: “Có gì đâu. Tôi vẽ toàn đàn bà đẹp. Tôi làm không biết bao nhiêu cuộc triển lãm trong đời. Nhưng đâu phải ai cũng đến được triển lãm để xem tranh của tôi. Do vậy tôi in các quý bà lên danh thiếp của mình để có nhiều người được ngắm nhìn càng tốt”.

Chân dung danh ca Thái Thanh trong mắt Phạm Cung

Phạm Cung từng triển lãm về Thúy Kiều của cụ Nguyễn Du và “hậu Kiều” của thi sĩ Phạm Thiên Thư. Nàng Kiều của cụ Tiên Điền được Phạm Cung vẽ với lối trang phục đúng như Nguyễn Du miêu tả: “Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh/ Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng”. Còn nàng Kiều của Phạm Thiên Thư vận thời trang hợp mốt với bối cảnh ra đời tác phẩm này. Tuy nhiên, hai nàng Kiều cùng có chung một gương mặt. Phạm Cung cho rằng: “Kiều cũng là đàn bà, mà đàn bà trong mắt tôi người nào cũng như người nấy với những phẩm chất trời định, chỉ khác nhau ở đôi mắt mà thôi. Riêng với những người đàn bà nổi tiếng như ca sĩ Thái Thanh, tôi mới vẽ giống gương mặt người thật”.

Hơn một năm trước, họa sĩ Phạm Cung đeo đôi kính cận dày cộp, một mắt cận 18 độ, mắt kia cận 21 độ. Nhiều người quen thân của Phạm Cung nói vui rằng do ông ngắm nhìn quá nhiều đàn bà và say mê vẽ họ nên mắt mới cận nặng như vậy. Mới đây, Phạm Cung đi mổ mắt tốn gần 50 triệu đồng để thoát khỏi đôi kính cận nặng nề. Ông nói mổ mắt để mắt sáng mà tiếp tục ngắm và vẽ đàn bà đẹp. Thật vậy, Phạm Cung chưa bao giờ thôi yêu các người đẹp. Dù ở tuổi 80, với người lần đầu gặp Phạm Cung, không ai nghĩ là ông 80 tuổi mà cứ nghĩ ông mới nhận sổ hưu. Có lẽ nhờ luôn ngắm nhìn và yêu đàn bà không nguôi nên ông trẻ hơn tuổi rất nhiều chăng? Hỏi câu này, lão họa sĩ Phạm Cung cười giòn như trẻ thơ: “Đúng, đúng. Làm thằng đàn ông mà không ngắm đàn bà, biết quý trọng đàn bà thì xem như tiêu đời rồi”.  ./.
Hoàng Nhân

==============

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét