bài đọc thêm (2) : Nhà văn Lê Văn Nghĩa gom nhặt ký ức văn chương/ Gia Quan -- trích : nongnghiep.vn
Nhà văn Lê Văn Nghĩa gom nhặt ký ức văn chương
Thứ Tư 28/10/2020 , 20:00 (GMT+7)(...) Cuốn sách “Văn học Sài Gòn 1954-1975, những chuyện bên lề” của nhà văn Lê Văn Nghĩa, vừa được Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM ấn hành, lập tức gây chú ý cho nhiều thế hệ độc giả. Bởi lẽ, đó là một vùng ký ức văn chương gần như ít được nhắc tới. Bây giờ, có người gom nhặt những giai thoại để trưng bày trước công chúng, thì còn gì thú vị hơn.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa đã mất hơn một năm để hoàn thành cuốn sách “Văn học Sài Gòn 1954-1975, những chuyện bên lề”. Thế nhưng, đó là nói về thời gian viết, còn để có nguồn tư liệu như vậy, tác giả đã phải sưu tầm và nghiền ngẫm hàng thập niên.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa thổ lộ một cách khiêm tốn: “Quá rảnh, tôi thường đọc lại những tờ báo, các tạp chí văn học trước năm 1975 để tìm tư liệu về Sài Gòn. Rồi sau đó, được đọc thêm một số hồi ký của các nhà văn Sài Gòn kể lại cuộc đời của họ có liên quan đến bạn bè, bối cảnh xã hội, và những lý do “bí mật” thúc đẩy họ trở thành người cầm bút. Có những câu chuyện thật vui, cũng có những câu chuyện buồn thật rơi nước mắt. Có những chuyện cảm động có những chuyện thật chán phèo cho cái tình đời.
Tôi quan niệm những trang văn, những quyển truyện dài, khi đã ra mắt bạn đọc đều có dấu ấn của cuộc đời tác giả - không ít thì nhiều. Những chuyện đằng sau trang văn, đằng trước cơm áo được ghi lại trong hồi ký của người này người kia, trong những cuộc trả lời phỏng vấn trên báo mà nếu lẩy ra thì ít nhiều cũng hình dung được không khí làm văn, làm báo thời trước 1975. Không ít sự chia sẻ cũng như không ít sự tỵ hiềm. Nào ai biết, nào ai hay những chuyện này nhất là bạn đọc trẻ - những người muốn nghiên cứu, tìm hiểu một thời kỳ văn chương của Sài Gòn từ 1954 - 1975”.
Từng xuất bản nhiều cuốn truyện dài và tạp bút viết về Sài Gòn, nhưng đề cập trực diện đến văn chương Sài Gòn hoàn toàn không đơn giản. Nhà văn Lê Văn Nghĩa hiểu được điều ấy, nên chọn cho mình một góc độc riêng để tiếp cận: “Hiện nay, trên văn đàn muốn tìm hiểu về thời kỳ này chủ yếu có một vài quyển phác họa toàn cảnh văn học Sài Gòn, một vài quyển viết về chân dung của tác giả nầy, tác giả kia ở nước ngoài của Võ Phiến, Nguyễn Vy Khanh, Du Tử Lê, Hồ Nam - Vương Tân… Trong nước thì chỉ có những quyển sách nhận định một thời kỳ văn học của tác giả Trần Trọng Đăng Đàn, Lữ Phương là chính. Ngoài ra cũng có những quyển sách, những bài báo nhận định văn chương của các tác giả Huỳnh Như Phương, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trần Hoài Anh, Đỗ Lai Thúy… ít nhiều cũng đóng góp để cho hiện ra mờ mờ một dòng văn học Sài Gòn ngày xưa.
Quyển sách của tôi không hy vọng có danh dự tham gia vào dòng sách nghiên cứu văn học một cách chính thống. Đây chỉ là sự lượm lặt tình cờ sau nhiều năm “tầm chương, trích cú” đủ thứ chuyện gần như theo kiểu “nghe hơi nồi chỏ”, có tính chất gần với giai thoại. Chỉ là những câu chuyện chung quanh cuộc sống, những sự kiện văn học… được ghi lại trong hồi ký của các nhà văn, của những tờ báo ngày trước. Đọc lên thấy vui vui, ngồ ngộ và cũng giúp người đọc khám phá một chút gì đó, mặc dù không chính thống, chỉ như là một loại “ngoại văn sử”, ai tin thì tin, không tin thì cũng chẳng mất mát gì. Quên nữa, cũng phí chút thời gian để đọc”.
Cuốn sách “Văn học Sài Gòn 1954-1975, những chuyện bên lề” dày gần 500 trang, chứng tỏ tác giả đã sở hữu một nguồn tư liệu đồ sộ. Bởi lẽ, có những giai thoại rất ít người biết như “Một vụ đạo văn đáo tụng đình”, “Nhà văn nào ký vào sách trực tiếp cho bạn đọc đầu tiên” hoặc “Ba nhà văn quen của dưỡng trí viện Biên Hòa”, “Tập thơ in ở Hà Nội, phát hành ở Sài Gòn”.
Với tư cách đồng nghiệp, nhà thơ Cao Thoại Châu nhận định về cuốn sách “Văn học Sài Gòn 1954-1975, những chuyện bên lề” bằng sự trân trọng: “Tác phẩm rất phong phú về dữ liệu khi tập họp tới 70 tác giả mà mỗi người là một “vũ trụ” mà là thứ “vũ trụ” đa góc cạnh, “thường dân vô tội” khó lòng biết, thì nay Lê Văn Nghĩa làm giùm! Thường thì viết về nhân vật, người ta hay dừng lại ở những giai thoại được tô vẽ cho nên có chút yếu về độ trung thực, thậm chí chủ quan và “ác ý|” hoặc “thổi phồng” như người đọc đã từng biết. Lê Văn Nghĩa thì không, anh cẩn trọng và chắt lọc từ những tư liệu có tính chuẩn xác, nhất là từ hồi ký để vẽ lại chân dung nhân vật.
Khi còn trẻ tôi có đọc một vài cuốn của một nhà văn viết về chân dung văn nghệ sĩ, trong đó có những ác ý, hư cấu…làm lem đi chân dung người kia. Có người làm việc này vì muốn trưng cái Tôi thay vì chân dung người được viết đến! Trước khi đọc Lê Văn Nghĩa tôi cũng ngại như thế, nhưng không , hóa cho nên cuốn sách của anh vừa chân thực vừa trong trẻo đáng là một tư liệu cho những ai muốn biết thêm về văn học Sài Gòn một thời đã xa”.
Cuốn sách “Văn học Sài Gòn 1954-1975, những chuyện bên lề” không sắp xếp theo trình tự thời gian hay khu biệt tác giả, mà được thể hiện ngẫu hứng như những câu chuyện nhàn đàm đắc ý. Độc giả vì vậy có thể đọc bất chợt một đề mục nào đó hoặc một nhân vật nào đó khi mở cuốn sách. Bố cục của cuốn sách được nhà văn Lê Văn Nghĩa giải thích: “Tôi hệ thống lại một cách không có hệ thống những gì đã được đọc, nghe kể và ghi chép lại để bạn đọc có thể biết ít nhiều khi không đọc được những hồi ký của những tác giả trước năm 1975, giống như tôi đang đọc dùm bạn vậy mà. Phần suy ngẫm, tìm hiểu thêm, thích thú hay thấy là quyển nầy toàn chuyện tầm phào là của các bạn.
Xin nói trước, quyển sách nầy không dành cho bạn đọc nào có mục đích nghiên cứu lịch sử văn học, nhận định hay phê bình sự đúng sai, hay dở của các nhà văn Sài Gòn ngày xưa. Việc nầy đã có các nhà nghiên cứu văn học, lý luận thực hiện rồi. Quyển nầy chỉ đọc để… vui, để giết thì giờ thôi. Vì không phải là sách nghiên cứu văn học Sài Gòn nên có nhiều tác giả nổi danh khác không được đề cập đến. Phần vì người viết không thể đọc hết tất cả hồi ký của nhà văn nầy và ngược lại chính những nhà văn nầy cũng chẳng thèm ghi lại cho hậu thế vài dòng để tôi còn chép lại. Quả là tiếc thật”.
Nhiều năm qua, trên các diễn đàn văn hóa, đã có không ít ý kiến về việc đánh giá lại một cách nghiêm túc hơn về những đóng góp của văn chương miền Nam trước ngày đất nước thống nhất. Bây giờ, nhà văn Lê Văn Nghĩa đã đưa ra cuốn sách “Văn học Sài Gòn 1954-1975, những chuyện bên lề” như một sự khơi mở: “Tác giả không mong (và cũng không đủ sức) làm một nhà lý luận để nhận định hay ghi lại tiến trình văn học của Sài Gòn. Chỉ là cóp nhặt trong thời đại làm biếng, lười lẫm khi có máy tính với các nút chức năng cắt và dán. Tác giả chỉ có chút xíu công trạng là đọc, viết và chép lại, trích đoạn những hồi ký, tạp chí, sách vở.
Mọi sự kiện, dù chính xác hay không đều nằm ngoài tầm tay và kiến thức của người chép. Nếu hồi ký của một nhà văn, bài báo nào đó trung thực, chính xác thì những điều ghi lại trong sách này sẽ đúng, nhưng còn ngược lại thi người chép bó toàn thân chấm com luôn. Nói trước vậy cho nó lành” ./.
Gia Quan
nguồn: Kiến thức gia đình ( số 43)
===============
(
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ