bài đọc thêm : Hoạ sĩ Phạm Cung ra đi ... / bài viết: Lê Công Sơn -- nguồn: www.thanhnien.com>
Họa sĩ Phạm Cung ra đi trong sự tiếc thương của bạn văn và người hâm mộ
Dẫu biết rằng, quy luật “sinh lão bệnh tử” của cuộc đời là bình thường nhưng sự ra đi của họa sĩ Phạm Cung, gây nên niềm thương cảm sâu sắc của bạn văn và những người hâm mộ ông ở khắp nơi.
Theo nhà nghiên cứu Lý Đợi, họa sĩ Phạm Cung trút hơi thở cuối cùng lúc 11 giờ ngày 5.12, hưởng thọ 85 tuổi. Ngoài vẽ tranh, Phạm Cung còn làm điêu khắc, làm thơ, viết văn. Say mê hoạt động nghệ thuật từ nhỏ nhưng cuộc đời của người họa sĩ tài hoa bước sang con đường chuyên nghiệp vào năm 1955, khi ông vào Sài Gòn cùng họa sĩ Duy Liêm vẽ nhạc cho nhiều nhà xuất bản: Tinh Hoa miền Nam, Ly Tao, An Phú, Minh Phát…, rồi vẽ sơn mài cho công ty Thanh Lễ – Thủ Dầu Một. Vẽ tranh và tiếp tục trưng bày chung với các họa sĩ: Ngọc Dũng, Lương Văn Tỷ….
Tác giả Xuân Kỳ - một người quen của họa sĩ Phạm Cung tiết lộ: “Ông có lối nói chuyện hóm hỉnh duyên dáng. Xuất thân là họa sĩ tự do, không tốt nghiệp một trường hội họa nào, nhưng ông cộng tác với rất nhiều họa sĩ kỳ cựu, cùng thời với họa sĩ Duy Liêm, Nguyễn Đỗ Cung, Hoàng Kiệt… thời liên khu V tại Quảng Ngãi và Bồng Sơn".
Nhà báo Trần Hoàng Nhân cho biết thêm: “Thực ra ông Phạm Cung chuyên điêu khắc, nhưng vì nhiều lý do khác ông mới chuyển sang nghề vẽ. Họa sĩ Phạm Cung thường đeo đôi kính cận dày cộp, một mắt cận 18 độ, mắt kia cận 21 độ. Nhiều người quen thân của Phạm Cung nói vui rằng do ông ngắm nhìn quá nhiều đàn bà và say mê vẽ họ nên mắt mới cận nặng như vậy. Cách đây 5 năm, Phạm Cung đi mổ mắt tốn gần 50 triệu đồng để thoát khỏi đôi kính cận nặng nề. Có lẽ mổ mắt để mắt sáng mà tiếp tục ngắm và vẽ đàn bà đẹp”.
Nhớ lại lần cuối cùng được gặp họa sĩ Phạm Cung và kỷ niệm bằng… chai nước mắm không thể nào quên, nhà thơ Trần Hoàng Nhân kể: “Hôm đó ngày 2.1.2020, tôi ghé thăm chú Phạm Cung tại nhà của ông số 26 Trần Cao Vân, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, biếu ông chai nước mắm Gành Đỏ loại mắm mà ông rất thích ăn. Khi đó ông đã yếu vì vừa trải qua cuộc tai biến nằm viện. Tuy nhiên ông vẫn rất minh mẫn, hài hước như vốn vậy. Ông tặng tôi cuốn sách Khúc ca quê hương do ông tự in. Lần đầu tôi thấy ông ghi nơi sinh Quảng Ngãi khi tặng sách. Giờ thì hay tin ông mất. Tôi vô cùng thương tiếc người nghệ sĩ tiền bối rất dễ thương này và tôi sẽ nhớ ông Phạm Cung mãi".
Còn nhà thơ Vũ Trọng Quang thì nhận xét họa sĩ Phạm Cung rất đơn giản: "Ông là một người anh tôi luôn kính trọng về thái độ". Đồng nghiệp Nguyễn Bá Văn tâm sự: “Anh Phạm Cung rất thương tôi, thời tôi mới bắt đầu tham gia mỹ thuật, anh tìm cho tôi xưởng điêu khắc chỗ anh Nguyễn Lương Vỵ để đúc hoa văn kiến trúc trang trí kiếm sống. Tôi luôn biết ơn anh ấy và vô cùng thương tiếc một người anh đa tài, rất ngang tàng của một thời gắn bó”. Nhà thơ Triệu Từ Truyền chân thành kính chia buồn cùng gia đình và khẳng định: "Triệu Từ Truyền sẽ mãi nhớ Phạm Cung".
Hiện linh cữu của họa sĩ Phạm Cung được quàn tại tư gia số 26 Trần Cao Vân (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) để mọi người đến thăm viếng. Lễ động quan sẽ diễn ra lúc 6 giờ ngày 9.12, sau đó đưa đi hỏa táng tại Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa (TP.HCM).
Bạn văn, người hâm mộ mãi thương tiếc Phạm Cung, một họa sĩ đầy nhân cách và tài năng . ./.
LÊ CÔNG SƠN
nguồn : báo Thanh Niên (Tp. HCM)
============
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ