Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2021

bài đọc thêm (3) : Nguyễn Trọng Khôi với cuộc triển lãm cuối hè / bài viết : Diên Vỹ -- nguồn : doanhnhanplus.vn>

 

Nguyễn Trọng Khôi với “Triển lãm cuối hè”

Gần tròn một năm kể từ triển lãm “Cảm xúc đại ngàn” tại gallery Tự Do, họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi lại từ Mỹ trở về quê nhà để trưng bày tranh; lần này là một chuyến du hành đến Đà Nẵng với “Triển lãm cuối hè” tại gallery La Tour Eiffel bên bờ sông Hàn (số 277 Trần Hưng Đạo, Q. Sơn Trà, từ 11-9 đến 18-9-2015).

Đây là lần đầu tiên họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi ra mắt công chúng yêu hội họa tại thành phố biển, vùng đất mà hàng chục năm rồi anh mới có dịp trở lại. Các bạn hữu và đồng nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh cũng như tại Đà Nẵng – nhất là nhà báo Nguyễn Trọng Chức và họa sĩ Vũ Trọng Thuấn, chủ nhân gallery La Tour Eiffel – đã giúp đỡ, hỗ trợ anh từ vài tháng trước để “Triển lãm cuối hè” có thể diễn ra suôn sẻ. Trước ngày khai mạc 11-9-2015, các họa sĩ ở Đà Nẵng như Hồ Đình Nam Kha (Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. Đà Nẵng), Phan Ngọc Minh, Tôn Thất Bằng, Trần Hải, Nguyễn Văn Cường… đã giúp tổ chức phòng tranh từ khâu thiết kế poster, treo tranh… đến hòa nhạc để “Triển lãm cuối hè” trở thành một sự kiện đáng nhớ trong sinh hoạt mỹ thuật tại địa phương.

DN625_HH180915_Nguyen-Trong-Khoi-4
Tác giả (thứ ba từ phải sang) và đôi vợ chồng họa sĩ đã mua bức Tĩnh vật 3 (bên dưới) cùng họa sĩ Vũ Trọng Thuấn, chủ nhân gallery La Tour Eiffel (bìa phải)

“Triển lãm cuối hè” giới thiệu 23 bức tranh sơn dầu, tất cả được tác giả sáng tác tại Boston, nơi anh định cư từ nhiều năm nay, trong đó có một số bức đã được triển lãm tại gallery Tự Do năm ngoái. Riêng các tác phẩm mới sáng tác gần đây nhưBóng tối hạnh phúc, Ngỗng trời, Người bán sáo là những thể nghiệm mới của Nguyễn Trọng Khôi mà anh rất tâm đắc. Nếu theo dõi hành trình sáng tạo nghệ thuật của anh trong nhiều năm qua, có thể thấy một nét đặc biệt ở Nguyễn Trọng Khôi là anh không ngừng tìm kiếm những cách thức để làm mới tác phẩm của mình, không “ăn” mãi vào những thành tựu đã đạt được dù có thể tranh của chặng sáng tác đó bán được nhiều.

DN625_HH180915_Nguyen-Trong-Khoi
Bức Ngỗng trời được dùng làm poster triển lãm

Điển hình như loạt tranh tĩnh vật mà anh vẽ cách đây vài năm, những bức tĩnh vật khổ nhỏ và vừa với cách dựng hình và phối màu nhuần nhuyễn về mặt thủ pháp và kỹ thuật, chất chứa tình cảm của tác giả với những đồ vật vô tri – những quyển sách cũ kỹ đã được đọc nhiều lần, những chai rượu còn nguyên hay đã cạn, mớ bình gốm già nua hay đám ly cốc thủy tinh trong veo, bình hoa còn tươi rói những bông hồng mới cắm… và cả những hòn cuội thinh lặng ngàn đời. Nguyễn Trọng Khôi cho biết những bức còn lại của xê-ri tranh tĩnh vật này cũng là những bức cuối cùng vì anh sẽ không còn vẽ như vậy nữa. Bên cạnh những tranh mới vẽ với phong cách tạo hình Tân hiện thực, họa sĩ cho biết chặng sắp tới của anh sẽ là những thể nghiệm trừu tượng mà anh đã và đang ấp ủ, thai nghén để có dịp sẽ trưng bày trong lần về Việt Nam trong tương lai không xa.

DN625_HH180915_Nguyen-Trong-Khoi-3
Ly nước và ghế đỏ

Trở lại với ngày khai mạc “Triển lãm cuối hè”, ngoài khách thưởng lãm là người yêu thích hội họa thì hầu như toàn bộ giới tạo hình tại Đà Nẵng đã đến dự. Trước hết, đó là tình cảm dành cho một đồng nghiệp xa quê lần đầu tiên đến với thành phố này, một họa sĩ mà nhiều người đã biết đến tên tuổi từ trước năm 1975 qua các sinh hoạt nghệ thuật, xuất bản cũng như trong thời gian anh sống ở Sài Gòn trước khi sang Mỹ định cư. Sau nữa là ở tác phẩm của Nguyễn Trọng Khôi mà họ biết đến qua các triển lãm trước đây, đã được giới thiệu khá nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như qua những thông tin trên mạng xã hội về triển lãm lần này. Theo nhiều nhà báo, họa sĩ ở địa phương thì họ “chưa thấy một khai mạc triển lãm nào đông vui như vậy ở Đà Nẵng”.

DN625_HH180915_Nguyen-Trong-Khoi-5
Khách đến xem tranh trước ngày khai mạc triển lãm

Trong phát biểu khai mạc triển lãm, họa sĩ Hồ Đình Nam Kha cho rằng anh cũng như nhiều đồng nghiệp thuộc thế hệ đi sau Nguyễn Trọng Khôi không chỉ đánh giá cao chất lượng tác phẩm của “Triển lãm cuối hè”, mà còn coi đây là một dịp để nhìn lại mình trên hành trình sáng tác, nói cách khác “Triển lãm cuối hè” như một chất men gợi cảm hứng cho nhiều họa sĩ trẻở thành phố bên bờ sông Hàn. Đi cùng người bạn họa sĩ thân thiết của mình từ TP. Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng dự khai mạc triển lãm, nhà thơ Nguyễn Duy nói: “Anh Nguyễn Trọng Khôi sống mãnh liệt nhưng sáng tạo trong âm thầm, lặng lẽ, và những tác phẩm của anh đã đem đến cái đẹp cho cuộc đời”. Có lẽ đó cũng là nhận định của nhiều bạn hữu khác nếu đã từng đến với ngôi nhà của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi ở Boston. Trong xưởng vẽ của anh ở dưới tầng hầm tràn ngập tác phẩm. Vẽ là một nhu cầu sáng tạo không ngưng nghỉ nơi anh, cả trong những ngày mùa đông giá buốt, tuyết trắng trời Boston. Vẽ và triển lãm. Chỉ nhìn vào tiểu sử sáng tác của anh đủ biết Nguyễn Trọng Khôi đã dành cho hội họa bao thời gian và tâm sức dù rằng anh vẫn có một công việc thường nhật như nhiều người Việt sống ở Mỹ đã nhiều năm. Từ đầu thập niên 1990 cho tới năm 2014, gần như không năm nào Nguyễn Trọng Khôi không có triển lãm, phần lớn là triển lãm cá nhân tại Boston và các thành phố lân cận ở tiểu bang Massachusetts cũng nhưở nhiều địa điểm khác ở Virginia, California, Texas… Nếu như nhiều họa sĩ người Việt sống ở Mỹ thường chỉ triển lãm tranh ở các cộng đồng người Việt thì tranh Nguyễn Trọng Khôi đã đi vào những gallery “chính thống” như gallery Scollay Square của Tòa thị chính Boston, gallery Hill Library của Đại học Harvard, gallery Four Hundred của Đại học Emmanuel ở Boston… và nhiều phòng tranh khác.

DN625_HH180915_Nguyen-Trong-Khoi-2
Bóng tối hạnh phúc

Ngay trong ngày khai mạc “Triển lãm cuối hè” đã có bốn bức tranh được gắn nơ. Thật cảm động khi có một đôi vợ chồng đều là họa sĩ ở Đà Nẵng – người chồng từng theo học một học viện mỹ thuật danh tiếng ở Liên bang Nga – đã do dự rất lâu trước những bức tranh tĩnh vật để có một quyết định cuối cùng bởi bức nào họ cũng muốn gắn nơ!

  • Diên Vỹ
================

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ