Thứ Tư, 3 tháng 2, 2021

bài đọc thêm (2) : Huyền Thoại Hoa Ty Gôn / bài viết : Ngọc Thiên Hoa -- nguồn: ngocthienhoa.wordpress.com>

 

HUYỀN THOẠI HOA TI-GÔN [Phần 2 – 1]

HUYỀN THOẠI HOA TI GÔN – PHẦN II

A. Những vấn đề tồn động chưa thống nhất:

Thời gian 1937 – 1938, do những va chạm mảng (họa sĩ họ Lê và cô gái gỡ Ti-Gôn ở Hà Nội) từ động đất (Thanh Châu) tạo nên sóng thần (Tsunami) T.T.Kh xuất hiện trên thi đàn với 4 đợt sóng (4 bài thơ HSHTG, BTTN, BTCC, ĐACCđể lại các vụ lở đất (những bút hiệu ký TT ăn theo) tạo thành những cơn sóng địa chấn (bao nhiêu ngòi bút nhảy vào lập mạng nhện, thêu dệt hậu tình sử).

 I. Bốn bài thơ ký T.T.Kh.:

     1. Bài thơ HSHTG đăng trước hay đăng sau BTTN?

 HT-HC: (TNVN, sđd): “Hồi tháng 9-1937, Tiểu thuyết thứ bảy đăng một chuyện ngắn của ông Thanh Châu: ‘Hoa ti-gôn’. Ít ngày sau, tòa báo nhận được một bài thơ nhan đề ‘Bài thơ thứ nhất’, rồi lại nhận được bài nữa: ‘Hai sắc hoa ti-gôn”’.

– Thanh Châu (Những cánh hoa tim, sđd): kể; “Được ít lâu T.T.Kh. lại gởi đến một bài nữa (tuy là bài thứ hai, nhưng lại thấy đề là “Bài thơ thứ nhất”… Hai sắc hoa Ti-Gôn” là “bài thơ đầu của bà T.T.Kh. kèm theo với một bức thư xin chữ ký của tôi… Được ít lâu T.T.Kh. lại gởi đến một bài nữa (tuy là bài thứ hai, nhưng lại thấy đề là ‘Bài thơ thứ nhất’ “.

– Phạm Thanh: (TNVNHĐ, sđd): “Nữ sĩ gởi đến cho nhà báo trên một bài thơ nhan đề là Bài thơ thứ nhất, kế một bài nữa là bài Hai sắc hoa ti-gôn. Cả hai, đều ký bút hiệu là T.T.Kh”.

Tác giả này coi như chép lại từ HT – HC.

– NTK (T.T.KH. nàng là ai? sđd): “Hoa Ty-gôn thực sự đã khơi dậy vết thương lòng của Thâm Tâm và cô gái tên Khánh. Một ngày, Tòa soạn báo Tiểu Thuyết Thứ Bẩy bỗng nhận được bức thư, trong đó chỉ có một bài thơ nhan đề Hai sắc hoa Ty-gôn… “.

* Theo ngày đăng, HSHTG được gởi trước là chính xác.

2. TTTB đăng bao nhiêu bài thơ của T.T.Kh?

– HT – HC (sđd): Chỉ có hai bài. “‘Bài thơ thứ nhất’ rồi lại nhận được một bài thơ nữa: ‘Hai sắc hoa Ty-gôn’… Hai bài này đều ký tên T.T.Kh. và đều một nét chữ run run. Từ đấy toà soạn Tiểu thuyết thứ bảy không nhận được bài nào nữa…”.

– Thanh Châu: (Nói thêm về T.T.Kh., sđd): “truyện ngắn đã gây xúc cảm cho T.T.Kh., nên sau đó tòa soạn đã nhận được mấy bài thơ của T.T.Kh. gửi đăng…”. Tức là Thanh Châu chưa khẳng định bao nhiêu bài.

– NTK(sđd): Ba bài trừ bài ĐACC.

* Không sách vở nào ghi khác hơn, chúng ta tạm thời thống nhất T.T.Kh gởi đăng 3 bài trên TTTB trừ bài ĐACC.

    3. Thời gian đăng:

– HT- HC: (sđd): “Ít ngày sau… rồi lại nhận được…”. Tức chẳng xác định thời gian chính xác.

– Thanh Châu (sđd): “Cùng dạo ấy“: Chưa xác định thời điểm.

– NTK: (sđd): “Hai sắc hoa Ty-gôn” đăng trên “Tiểu Thuyết Thứ Bảy số 179, ngày 30-10-1937…”. “Bài thơ thứ nhất”,  “số 182, ngày 20-11-1937″… “Bài thơ cuối cùng” “số 217, ra ngày 23-7-1938…”

* Thống nhất theo thời điểm của NTK. Lý do vì sao, chúng ta đã đọc trong phần I.

     4. Bài thơ ĐACC:

– Đăng ở đâu? Thống nhất đăng trên “Phụ Nữ Thời Đàm” và “Ngọ Báo” do J. Leiba in lại. (NTK, sđd).

Theo Nguyễn Tố (VNTNTC, tr 431) chính TT đã đăng bài này lên “Phụ Nữ Thời Đàm”: “Đọc xong bài thơ Đan áo cho chồng, Tuyết trao tôi xem. Tôi thấy bài thơ đó hay, liền đăng vào báo Phụ Nữ Thời Đàm…”.

– Tại sao ba bài đăng một nơi còn một bài lại đăng chỗ khác? Chẳng ai lý giải được.

Nhận xét chung: Ngoại trừ Thanh Châu là người trong cuộc làm việc trực tiếp với TTTB còn lại, những tác giả khác đã không ghi rõ nguồn trích? Ngay cả những bài của Thanh Châu, tác giả Hoài Việt, Thế Nhật, NTK, NTL…  trích trong sách mình cũng chỉ nói tới “đăng trên TTTB”. Trong khi TTTB ra đời năm 1934 và tiêu luôn khi cách mạng 1945 tới. Nơi nào đã lưu trữ TTTB để các tác giả này lấy trích? Ai đã từng đọc được TTTB? Nếu HT – HC đọc được thì tại sao, hai ông chỉ nói T.T.Kh gởi đăng có 2 bài?

Câu hỏi này bỏ ngõ cho các nhà nghiên cứu yêu thích đề tài này có… “sân đá bóng!”.

 II. Nguồn cảm xúc từ đâu tới T.T.Kh và từ thơ T.T.Kh tới người đọc?:

1. Từ Thanh Châu: Cảm xúc từ truyện ngắn của Thanh Châu “Hoa Ti-Gôn” nên T.T.Kh. đã làm HSHTG:

Buồn quá! hôm nay xem tiểu thuyết

Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa

2. Từ thơ T.T.Kh sinh ra chuyện:

– Nguyễn Bính viết “Dòng dư lệ” tức “Cô gái vườn Thanh” (đổi tên năm 1940) đề “Tặng T.T.KH”.

– J, Leiba đăng lại bài ĐACC từ “Phụ Nữ Thời Đàm” lên “Ngọ Báo” với 4 câu thơ “Tặng T.T.KH.”

         3. Từ sinh chuyện, sinh ra… giành giật:

Đồn đại TT làm “Màu máu Ti-Gôn”, “Các anh”, “Dang dở” đăng trên TTTB” để “giành giật người yêu” với NB và J. Leiba trên thi đàn.

– Bài thơ “Các anh”, “Màu máu hoa tim” ký Thâm Tâm liên quan tới T.T.Kh đã đăng trên TTTB được MGL in vào sách “Thơ Thâm Tâm”.

Chúng ta chỉ xét những bài viết về việc này của những tác giả đã in thành sách như: MGL (Thơ Thâm Tâm, Nxb VH – 1987), NTL (VNTNTCTT, Nxb VH – 2000), Thế Nhật (T.T.Kh nàng là ai?, Nxb TT-VH -1994), NTK (VNKNQH, Nxb Phuong Hoang – 1996),  Hoài Việt (Thâm Tâm & T.T.Kh Nxb, VH – 1997)… Những cuốn sách này cũng chưa phải là nguồn chính xác là TT đã từng có những bài ấy.

III. Chuyện tình TT với người con gái tên Khánh có thật không?:

        1. Có thật qua những lời kể:

– Nguyễn Vỹ: Trong“Thâm Tâm và sự thật về T.T.KH.” (VTSTC, sđd) kể rằng: “Đêm ấy cao hứng, Tuấn Trình ngà ngà say rượu Văn-Điển, kể chuyện tình của anh với cô Khánh cho tôi nghe. Trần Thị Khánh là một cô học trò lớp Nhất trường Tiểu học Sinh-Từ…”.

– Hồ Thông: Trong “Trong lửa đạn thù” (NTK, sđd): “Vào những ngày đầu của cuộc chiến chống thực dân Pháp năm 1947, tình cờ tôi được điều về đơn vị có nhà thơ Thâm Tâm hiện diện…Bữa ấy, ở xa trận địa, nằm bên nhau trong lán giữa núi rừng, Thâm Tâm đã tâm sự hết sự thực cho tôi nghe… Anh hỏi tôi tên thật của T.T.Kh? Nàng, ai cũng phỏng đoán là Trần Thị Khánh. Ngày ấy, khi đưa nàng coi kết quả kỳ thi Tiểu học, tôi nhớ mài mại là nàng họ Từ… Đôi khi gạn hỏi về lai lịch gia đình nàng thì nàng đều phụng phịu bảo ‘Em họ Từ hay họ Trần, cái đó đâu có đáng kể. Sao anh cứ hỏi mãi? Đúng, em gốc Thường-Tín đấy!…”

– Hoài Anh (tác giả những bài hội thảo về Hồ Biểu Chánh): “Thơ T.T.KH, sự thật hay huyền thoại” (thanhtung.net): “Năm 1951, nhân làm công tác địch vận và quân báo của Liên khu III, tôi vào nội thành Nam Định hoạt động, ngẫu nhiên được đọc một bài báo của Anh Đào, đăng trên một tập san của Hà Nội tạm chiếm, tôi xiết bao kinh ngạc khi thấy trong đó có kể tường tận về mối tình giữa Thâm Tâm và T.T.Kh. (Ông Anh Đào bảo đó là tên viết tắt của Thâm Tâm và Khánh).

+ Ngân Giang, Nguyễn Tố (Nhật báo Sống, ngày 15-4-1967 Sài Gòn): “Lúc đó, Khánh là người mà Thâm Tâm yêu đến say đắm. Bởi vậy đến khi Khánh đi lấy chồng thì Thâm Tâm đau khổ đến phát điên…”.

       2. Không nghe nói về chuyện tình này:

– Hoài Anh (web đd): “Sau ngày giải phóng thủ đô năm 1954, tôi gặp các nhà thơ Trần Huyền Trân và Nguyễn Bính (mới ra tập kết). Tôi kể lại việc tôi đọc được bài báo viết về mối tình của Thâm Tâm với T.T.Kh, tức bà Khánh thì hai ông đều nói chưa nghe thấy chuyện ấy bao giờ”.

Các nguồn này, hầu hết có trong cuốn VNTNTCTT của NTL.

 IV: Phỏng đoán:

        1. Khánh là… Trần Thị Khánh, cháu gái Tế Hanh:

– Hoài Anh (web đd): “Một một bài báo trên nguyệt san Triền sóng xanh xuất bản tại Cần Thơ tháng 3-1966 ông Thạch Hồ dẫn lời ông Giang Tử nói rằng: ‘Tôi đã gặp thi sĩ Tế Hanh trong một chuyến xe lửa đi Quảng Ngãi năm 1944, nhà thơ Tế Hanh cho biết T.T.Kh là em gái đồng tông của Tế Hanh tên thật là Trần Thị Khánh, và còn kể lại mối tình thơ mộng và trắc trở rồi tan vỡ giữa thi sĩ Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình với em gái T.T.Kh”.

– Nhà thơ Tế Hanh: Theo Hoài Anh: “Nhà thơ Tế Hanh đã khẳng định là ông chưa hề gặp ông Giang Tư nào đó, và giữa ông với T.T.Kh không hề có chút quan hệ nào cả”.

– Thế Nhật (sđd) Do đó, ông Hoài Việt muốn kiểm chứng tin này có xác thực đã phải lặn lội để hỏi tác giả“. Tế Hanh lắc đầu: “đó là tin vu vơ”.

 2. Khánh là… T.T.Kh?

– Hoàng Tiến T.T.Kh là ai?” (Nhân dân chủ nhật số 23 tháng 7-1989, Hoài Việt, Thế Nhật, sđd)): Nhà thơ Lương Trúc là người cung cấp tư liệu, và tất nhiên ông sẽ sẵn sàng chịu trách nhiệm về họ tên tác giả Hai sắc Hoa ti-gôn được công bố dưới đây. Cùng nghe hôm đó với tôi có nhà thơ Trần Lê Văn và nhà thơ Tú Sót. T.T.Kh. tên thật là Trần Thị Khánh, người yêu của Thâm Tâm. Hai người yêu nhau, nhưng biết không lấy được nhau, hẹn giữ kín mối tình, để đỡ phiền đến gia đình của nhau sau này. Cô Khánh đọc Tiểu thuyết thứ bảy in truyện ngắn Hoa ti-gôn của Thanh Châu (số tháng 9-1937) xúc động, tự  thổ lộ câu chuyện riêng bằng bài thơ Hai sắc hoa ti-gôn và gửi đăng Tiểu thuyết thứ bảy… Được biết T.T.Kh. về sống ở Thanh Hóa đã bốn năm nay, không biết bây giờ bà còn hay mất… “.

– Thế Phong “Thâm Tâm và T.T.KH” (Lược  sử văn nghệ Việt Nam, Nhà văn tiền chiến 1930-1945, Nxb Vàng son, Saigon – 1974) cùng cuốn “T.T.KH nàng là ai“, Nxb VHTT – 1994): “Bài thơ Các anh hãy uống thật say của Thâm Tâm, nói rõ lòng mình yêu và chính bài thơ ấy cho biết KH. là Khánh. Vậy chúng ta tạm tin giả thuyết này, nhưng các bài thơ của Khánh đăng báo chỉ ký là T.T.KH, mà Thâm Tâm cho là Thâm Tâm Khánh”.

Nhưng sau đó, Thế Phong trong cuốn “T.T.KH nàng là ai” (Nxb VHTT- 1994) viết chung với Thế Nhật đã phủ nhận điều mình viết khi cho rằng T.T.KH. chính là bà Trần Thị Vân Chung tức Vân Nương!?

 Hoài Anh: “Ông Anh Đào khoe là năm 1941, trong một lầu nhỏ phố Mã Tây, Hà Nội, Thâm Tâm đã thú nhận với ông và nhà thơ Nguyễn Bính rằng: ‘T.T.Kh là tên một thiếu nữ mà trước kia tôi đã yêu… T.T.Kh tức là Thâm Tâm hay Tuấn Trình (tên thật nhà thơ) còn Kh là Khánh. T.T.Kh muốn đặt tên T.T để nhớ con người cũ Thâm Tâm… “Tóm lại, hai người đưa ra vấn đề đầu tiên đã mâu thuẫn nhau: Ông Anh Đào bảo T.T.Kh là Thâm Tâm Khánh, ông Giang Tử bảo là Trần Thị Khánh, nhưng khi nêu hai nhân chứng là Nguyễn Bính và Tế Hanh, thì cả hai người đều phủ nhận…”??!

– Phạm Thanh: TNVN H Đ (quyển thượng): “Nhưng thật T. T. Kh. chẳng phải là người yêu của ông nào trong Tiểu thuyết thứ bảy. Nữ sĩ chính là Trần Thị Khánh, một nữ sinh nhà ở phố Sinh Từ, Hà Nội, có tâm hồn thơ lắm. Nữ sĩ có yêu một thanh niên, hai người đã cùng đi lại, hứa sẽ thành hôn, nhưng nửa chừng vì sự ép buộc của gia đình, nữ sĩ đành phải hát khúc chia ly, về làm vợ một người khác tên Nghiêm, làm công cho một hãng buôn nọ”.

– Nguyễn Tố: “Những ngày sống với thi sĩ T.T.Kh., Hai sắc hoa ty gôn” (VNTNTCTT của NTL, sđd tr 431): “Thật tôi không ngờ đêm ấy tôi lại ngồi đối diện với con “người ấy”của T.T.Kh…Thâm Tâm bỗng cất tiếng cười hỏi tôi:

– Anh có hiểu vì sao lại có Bài thơ cuối cùng không?

Tôi lắc đầu. Thâm Tâm nói tiếp:

– Có một hôm Khánh (T.T.Kh.) làm xong bài Đan áo cho chồng đưa cho người bạn gái thân nhất đời của nàng xem. Cô bạn đó tên là Tuyết… Đọc xong… Tuyết trao tôi xem.Tôi thấy bài thơ đó hay liền đăng vào báo Phụ Nữ Thời Đàm… Đột nhiên thấy bài thơ không định đăng báo của mình lại in trên tờ Phụ Nữ thì lấy làm bất mãn và đau khổ vì lâu nay chồng Khánh đã hành hạ Khánh vì ghen với “người ấy” của Khánh. Vì vậy, Bài thơ cuối cùng được in ra”. Tôi nghe Thâm Tâm nói cũng có lý, mà kể về phương diện tinh thần thì Thâm Tâm quả là con người mơ mộng, có biệt tài làm thơ, vẽ nữa, thật xứng đáng là ‘người ấy’ của T.T.Kh. (Nhân Loại bộ mới)”.

Bài không định đăng báo” mà… bị đăng nên “bất mãn, đau khổ” của T.T.Kh nghe như… cải lương. Lý do đơn giản? Làm bốn bài mình đăng thì ba bài mình đăng, không sao, người khác đăng lên thì lại thấy… sao! Là sao? Biết chồng hay ghen, hành hạ mà vẫn tiếp tục ra thơ, T.T.Kh quả “uống mật gấu”, “ăn gan hùm”! Lời kể của Nguyễn Tố vô tình hạ thấp giá trị bài thơ và nhân phẩm đáng được có của hai bút hiệu này.

          3. Ai thấy được T.T.Kh?

– Trần Quân – Trần Viết Phương (Văn nghệ tiền phong số 657, ngày 15-6-1971: “Tôi được đọc một bài thơ với nét chữ của T.T.Kh, trên giấy màu xanh, tuy nhiên Thanh Châu cũng chưa gặp T.T.Kh”.

– MGL (sđd): cụ Lương Trúc đã có dịp gặp đôi ba lần?”.

– Hoàng Tiến (sđd): “Được biết T.T.Kh. về sống ở Thanh Hóa đã bốn năm nay, không biết bây giờ bà còn hay mất”??

– Thế Nhật (sđd): “Đúng T.T.KH ở Thanh Hóa với chồng thật”?!

Các cuốn sách của các nhà nghiên cứu đăng tin này, cũng chẳng biết lấy nguồn từ đâu? Trong sách này có đăng “thủ bút” của T.T. Kh Vân Chung?? Vậy, phiền Trần Quân và Trần Viết Phương dùng mắt thần Dương Tiễn rọi qua coi có phải không? Bà Oanh, chị TT, chỉ mới đọc bài “Đây cảnh cũ, đâu người xưa” của TT?? lấy bút hiệu Trăm Năm trên “Tiểu thuyết xa xu” có một lần mà thuộc lòng, đọc vanh vách cho Hoài Việt chép (?!) huống hồ nét chữ?

Cụ Lương Trúc có dịp gặp T.T.Kh đôi ba lần, làm ơn nhận mặt T.T.Kh là bà Vân Chung (hình trong sách này) thử coi có giống không? Nếu bà T.T.Kh là thật như Lương Trúc nói thì Thế Nhật và TĐT coi như “công dã tràng”. Bà T.T. Kh – Vân Nương của hai tác giả vẫn ở tận Sài Gòn từ khi đất nước chia hai và xuất ngoại sang Pháp chớ nào có hồi hương về Thanh Hóa ở? Còn Thế Nhật gật gù như thế coi như “gà chọi” chưa biết “mèo nào cắn miêu nào”!

– Thạch Hồ và Y Châu (NTL, sđd tr 428): “T.T.Kh là một nhân vật có thật, đã đôi lần đến thăm thi sĩ Thâm Tâm ở phố Khâm Thiên lúc ông này cùng ở chung với Nguyễn Bính và Trần Huyền Trân”. Tin này thật khó tin.

          4. TT là T.T.Kh?

– Nguyễn Vỹ (sđd): “Vì tự ái văn nghệ đối với mấy người bạn kia, Tuấn Trình đã phải thức một đêm, theo lời anh, làm một bài thơ là “Hai sắc hoa tigôn ký T.T.Kh với thâm ý để Trần Huyền Trân và Vũ Trọng Can tin là của Khánh làm, để thương tiếc mối tình tan vỡ… Thâm Tâm lấy hết chữ nghĩa trong bức thư đoạn tuyệt tàn nhẫn của Trần Thị Khánh làm bài thơ cuối cùng đó mà vẫn ký T.T.Kh.”.

– Bùi Viết Tân (Thâm Tâm là T.T.Kh?, TĐT, sđd): “Cuối năm 1949, trong một chuyến đi dài ngày từ Liên khu III lên Việt Bắc, tôi có dịp đồng hành với thi sĩ Thâm Tâm… Nhân vui câu chuyện, tôi hỏi anh Thâm Tâm về chuyện những bài thơ ký tên T.T.Kh… “. Bùi Viết Tân dẫn lời TT khẳng định chắc nụi: “Đúng thế, tất cả đều liên quan tới một chuyện tình, nhưng thật ra thì những bài thơ ký tên T.T.Kh. là do mình sáng tác ra cả thôi… Chuyện này chỉ mình và Trần Huyền Trân biết thôi. Nguyễn Bính là một nhà thơ tài hoa nhưng ‘ngây thơ’ lắm…”.

– Hồ Thông (sđd) dẫn lời TT kể: “Người yêu tôi tên là Kh. Khi viết, tôi định ký rõ dưới bài là Thâm Tâm, giản dị vậy thôi, như những bài tôi vẫn thường ký khi đăng báo. Tuy nhiên, cảm về chuyện Hoa Ty-gôn, một tối, tôi lại làm bài Hai sắc hoa Ty-gôn cực tả mối tình của ai kia, và liều chọn một bí danh ký dưới những bài thơ bằng ba chữ viết tắt T.T.Kh…”.

– Ngân Giang (bạn Đào Tiến Đạt – Anh Đào): “Bà cho biết hồi trước có lần hỏi Thâm Tâm về T.T.Kh thì Thâm Tâm trả lời: Thâm Tâm làm thay cho một bạn” theo Hoài Anh (web đd).

 Nguyễn Tố (nhật báo Sống 15-4-1967, Sài Gòn): “Thâm Tâm còn mấy bài thơ ký tên T.T.Kh như Hai sắc hoa ti gôn”.   

         – Đỗ Nhân Tâm (tuần báo Cải tiến số 3, 6-4-1957) theo Hoài Anh: “Ông Đỗ Nhân Tâm kể lại hồi khánh chiến chống Pháp ông đã cùng đi một chuyến công tác với Thâm Tâm từ Liên khu III qua chiến khu Việt Bắc, khi hỏi về bốn bài thơ ký T.T.Kh, Thâm Tâm đã trả lời: ‘Chính tôi làm những bài đó’”.

– Lê Công Tâm (báo Giáo dục phổ thông số 49 ngày 1-11-1959) theo Hoài Anh: “Ông Lê Công Tâm cũng cho rằng thơ ký tên T.T.Kh, do chính Thâm Tâm làm”.

– Hoàng Tấn, theo Hoài Anh: “một người bạn thân của Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính từ trước 1945, trong bài viết ở mục ‘Ngàn lẻ một chuyện nhà văn’ đăng tạp chí Văn số 5, tháng 6-1989 và bài viết trong Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, số xuân 1990 (ký bút danh Nguyễn Thị Xuân Trâm) cũng khẳng định rằng những bài thơ ký T.T.Kh, do chính Thâm Tâm sáng tác”.

– Hoài Anh (bài, web đd): “Chúng tôi khẳng định: Các bài Hai sắc hoa ti gôn, Bài thơ thứ nhất, Đan áo cho chồng, Bài thơ cuối cùng là do chính Thâm Tâm sáng tác ký tên T.T.Kh…”.

Cuốn VNTNTCTT của NTL đăng những tin này trong “Nghi án T.T.Kh và Thâm Tâm” từ trang 427 – 434. Không biết các ông trên, hay ông dưới này “copy” của ông nào? Từ nguồn nào? Nói không có bằng chứng, chi bằng không nói, “lấy vàng” cất chơi sướng hơn!

         5. T.T.Kh là… T.T.Kh:

– Thanh Châu Nói thêm về T.T.KH.”  (Hoài Việt, “Thâm Tâm – T.T.KH”,sđd): Riêng tôi, đọc lại thơ T.T.KH tôi ngạc nhiên thấy phong cách thơ bà khác xa thơ của ba ông bạn Thâm Tâm, Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân cùng thời…. T.T.KH. là ai? Có lẽ ta cũng chẳng cần biết rõ đó là ai!”. Lời Thanh Châu bộc bạch chân thật cũng giống như một số người chẳng biết gì về T.T.Kh chứ đâu phải ông “biết mà vẫn giấu” như Thế Nhật nói? Ông giấu T.T.Kh là Vân Chung, mà “mang bầu tâm sự”… rót vào tai Trần Đình Thu chính Vân Chung là “người yêu cũ” của ông?!

         6. Bút hiệu T.T. Kh bị… phanh thây?:

– Thanh Châu (sđd): “Vậy T.T.Kh. là ai? Có phải là Trần Thị Khánh? Hay Tào Thị Khê? Hay Tôn Thị Khuê? Trần Thị Khải, Thái Thị Khương? Ai mà biết được”.

– Thế Nhật giải thích bút hiệu: T.T.KH là gì?

“- T chữ thứ nhất là: TRẦN – T chữ thứ hai là: THANH – KH. hai chữ sau cùng: KHÓC. T.T.KH cả hai cùng khóc cho mối tình chân ngoài đời – mối tình thơ trong dòng thơ lệ” (sđd tr 62).

– Một tác giả vô danh: Không biết từ đâu lại nhảy ra lời giải thích gần như copy: “T chữ thứ nhất là TRẦN  T chữ thứ hai là THANH  KH chữ thứ ba là KHÓC. KHÓC ở đây là khóc cho mối tình có duyên không nợ, khóc cho cái éo le cuộc đờị Tạo hoá chớ trêu kiến cho họ gặp nhau rồi đem cho họ bao nhiêu là nước mắc ngậm ngùi khi xa nhau. THANH là Thanh Tâm. là tác giả của bài “Hoa Ti-gôn” mà tôi đã nhắc ở trên…

TRẦN là Trần Thị Chung, (Tên thường gọi là Trần Thị Vân Chung) Sinh ngày 25-8-1919 tại thị xã Thanh Hoá, Hà Nội. Sinh trưởng trong một gia đình Quan lại thời bấy giờ, Vân Chung có một người anh cả, hai người em gái và một người em trai út. Năm 1934, qua mối mai, gia đình nàng đã hứa gả nàng cho môt. luật sư (Lê Ngọc Chấn, ông đã chết sau khi mãn tù cải tạo học tập). Hiện nay bà cùng các con sinh sống ở miền nam nước Pháp trong một thị xã nhỏ và bà vẫn tiếp tục làm thơ, viết văn với nhiều bút hiệu khác khau như vân nương, tơ sương v.v…” (thovn.net).

Thế Nhật và tác giả vô danh này “banh” bút hiệu T.T.Kh nghĩa là gì y như Hồ Xuân Hương… “tốc váy bà ra”! Nghe Thế Nhật, người viết cũng muốn… “thế mạng” đánh cá là chẳng bao giờ có ai đi lấy cái bút hiệu đến ma cũng chê, quỷ cũng chẳng thèm như thế cả! Cái gì mà Trần Thanh Khóc? Có người chơi ngông, sẽ giải nghĩa rằng, T.T.Kh là… “Tiểu Tử Khùng”!

Bút hiệu T.T.Kh là “Thâm Tâm –  Khánh”, “Tuấn Trình – Khánh” dù sao nghe cũng… huyền thoại hơn!

– Nguyễn Thế Bá tức Thế Nguyên (lại Thế?): “T.T.Kh không ai xa lạ, chính là Thẩm Thệ Hà, nhà văn kiêm thi sĩ Thẩm Thệ Hà tên thật là Tạ Thành Kỉnh. ‘T.T’ là ‘Tạ Thành’, còn ‘K’ là do chữ ‘K’ ở đầu và chữ ‘h’ ở cuối chữ ‘Kỉnh’ ghép lại” (VNTNTCTT sđd tr 428). (*)

--------

(*) - đúng ra tên thật Nguyễn BÁ THẾ, từng sử dụng bút danh THẾ NGUYÊN ( sách do Nxb Tân Việt ấn hành)

trùng khớp với bút danh THẾ NGUYÊN( i. e. Trần Gia Thoại, chủ nhiệm tạp chí Trình Bày). (Bt) 


Nghe có lý nhưng mà lý… cùn! Nếu nói như thế thì Trần Tuấn Khải (Á Nam Trần Tuấn Khải) tác giả của “Tráng sĩ hành” không có những ký tự T.T.Kh với Kh là Khải gần hơn từ K…h (Kỉnh) sao? Đây là tác giả có bài liên quan đến TBH của TT “bà con họ hàng” gần hơn ông Tạ Thành Kỉnh, Tạ Thành Kính nào đó của ông Nguyễn Tố. Thơ của Tạ Thành Kỉnh này có gì hơi hám của T.T.Kh? Nếu MGL nghe, đọc được những lời giải thích này, mắc công lại mắng “đồ bịa đặt”!

             7. T.T.Kh là Vân Nương?

+ Khẳng định:

– Thế Nhật T.T.KH – Nàng là ai?” (“T.T.KH nàng là ai?sđd): “T.T.KH tên khai sinh và thẻ căn cước là Trần Thị Chung (tên thường gọi là Trần Thị Vân Chung) sinh ngày 25 tháng 8 năm 1919 ở thị xã Thanh Hóa… Chồng là luật sư Lê Ngọc Chấn… Bà Lê Ngọc Chấn, nhũ danh Trần Thị Vân Chung (có thể gọi là T.T.KH hậu chiến) dưới bút danh Vân Nương là chính…”.

– TĐT: Ai có thể là T.TKh?” (“Giải mã nghi án văn học T.T.Kh”, sđd): “Trong số những người phụ nữ được giả định trước đây, chỉ có một ‘ứng viên’ duy nhất phù hợp với vị trí của T.T.Kh theo tiêu chí nói trên. Đó chính là bà Trần Thị Vân Chung…”.

+ Phủ định:

– NTK: “Huyền thoại, chỉ nên mãi mãi là huyền thoại” (sđd): “từ đầu thập niên 50 trở về trước, Vân Nương chưa làm thơ. Do đấy, Vân Nương không phải là T.T.Kh.!” (sđd tr 207).

Muốn phải hay không phải không phải chỉ… cãi mà phải đối chiếu nhân thân, đối chiếu bằng thi ca của họ.

B. Hai cuốn sách của Thế Nhật và TĐT:

     I. Đối chiếu về hình thức (số lượng trang viết thực và trang phụ lục bài viết khác):

 1. “T.T.KH nàng là ai?” (Thế Nhật, Nxb VH-TT – 1994): Số trang 165. Cuốn thứ hai năm 2001 có số trang 151.

 a. Bài viết chính của tác giả: Chiếm 77/165 tính từ trang 9 (Dẫn nhập, Một nghi án văn học, T.T.KH – Nàng là ai?, Thơ T.T.KH (hậu chiến) hay là Vân Nương qua Tơ Sương, Bức thư ngỏ thay lời kết) chưa được nửa cuốn sách. Trong cuốn năm 2001, Thế Nhật rinh “Thư ngỏ…” lên trang đầu.

b. Phần phụ lục: Phần còn lại 88/165 chiếm hơn một nửa.

– Phụ lục I đăng lại “Bài thơ đan áo” tức ĐACC (không biết cái tên bài thơ lấy từ nguồn nào mà khác nguồn của NTL trong VNTNTCTT? “Các anh, Màu máu Ti-Gôn” của bút hiệu Thâm Tâm, “Cô gái vườn Thanh” của NB và bài viết“Những cánh hoa tim” của Thanh Châu.

Cuốn năm 2001, lấy từ phụ lục 2 của cuốn sách năm 1994 chuyển lên (HT-HC, Hoàng Tiến, MGL, Thanh Châu, Thế Phong, Nguyễn Vỹ, thơ Vân Nương) làm phụ lục 1.

– Phụ lục II đăng lại những bài viết: “T.T.KH” trong TNVN của HT – HC, “T.T.KH – là ai?” của Hoàng Tiến, “Ghi chú thêm về Thâm Tâm và T.T.KH” của MGL, “Nói thêm về T.T.KH” của Thanh Châu, “Thâm Tâm và T.T.KH” – Thế Phong, “Thâm Tâm và sự thật về T.TKH” của  Nguyễn Vỹ, “Thơ T.T.KH ở nước ngoài” của TC, “Sầu thu” của Vân Huyền thoại Nương.

Phần phụ lục chiếm hơn một nửa cuốn sách. Cuốn sách năm 2001 bổ sung thêm: Thư từ của Thư Linh, Vân Nương, “Nhà văn Thanh Châu nói về T.T.Kh” của Đoàn Minh Tuấn, Thư Vân Chung gởi phản đối cuốn sách, Thư Thế Phong trả lời Vân Nương và Lời cuối sách của Thế Phong làm Phụ lục 2. Một hoán chuyển… không cần ghi chú thích… Cũng hay!

Đặc biệt, cuốn thứ hai này, Thế Nhật “xóa hẳn” trang “Tư liệu tham khảo” có trong cuốn 1. Không hiểu là ý gì? Viết sách không cần tư liệu tham khảo quả… thần thánh thật! Hèn chi, dạo này đi đâu cũng thấy ông A kiện tụng, phàn nàn ông B xào nấu tư liệu, “mượn đầu heo nấu cháo vịt“!

2. “Giải mã nghi án văn học T.T.Kh”, TĐT (Nxb VHSG – 2007: Số trang 179.

a. Bài viết chính của tác giả: 78/179 cũng tính từ trang 9 (Câu chuyện tình buồn bảy mươi năm xưa, T.T.Kh là Nàng hay Chàng? Ai là người yêu của T.T.Kh, Ai có thể là T.T.Kh? Vì sao bà Trần Thị Vân Chung không nhận mình là T.T.Kh?) cũng chưa được nửa cuốn sách.

b. Phụ lục: Chiếm 101/179 trang.

– Phụ lục I đăng lại truyện ngắn “Hoa ti gôn“, “Những cánh hoa tim” của Thanh Châu.

– Phụ lục II đăng lại bài viết “Thâm Tâm và sự thật về T.TKH” của Nguyễn Vỹ, “Thâm Tâm là T.T.Kh?” của Bùi Viết Tân, “T.T.Kh là ai” của Hoàng Tiến, “Thơ T.T.Kh – sự thật hay huyền thoại” của  Hoài Anh, “Nói thêm về T.T.Kh” của Thanh Châu.

– Phụ lục III đăng lại hai lá thư của bà Trần Thị Vân Chung phản đối Thư Linh và cuốn sách Thế Nhật, lá thư trần trình của bà Thư Linh gởi bà Vân Chung, “T.T.Kh nàng là ai? Cuốn sách được viết ra từ một sự ngộ nhận” của Phan Đức.

– Phần tư liệu tham khảo ghi 4 cuốn của Hoài Việt, Thế Nhật, HT – HC và Nguyễn Vỹ. Trong đó không có tư liệu tham khảo từ TTTB “xuất bản 1937 – 1938 tại Hà Nội”.

 3. Kết luận về hình thức:

Hai cuốn sách này được hình thành theo chung một kiểu: Có 2 phần (Bài viết và Phụ lục). Phần bài viết luôn ít hơn những bài tư liệu góp nhặt.

Trong đó không có tư liệu tham khảo từ TTTB “xuất bản 1937 – 1938 tại Hà Nội” như trong cuốn năm 1994, Thế Nhật đã ghi. Dẫu sao, đây cũng là một thái độ “thành thật”. Không khéo, người thế gian lại mắc công bỏ dấu hỏi: Đọc TTTB hồi nào? Thấy cái gì ở trỏng thì… bỏ bà!

II. Đối chiếu về nội dung:

     1. Cùng một đối tượng bị… ép phải làm T.T.Kh là Trần Thị Vân Chung:

        a. Đường đi tìm… người của Thế Nhật:

– Loại bỏ TT: Bản thân Thâm Tâm, dù chỉ có một bài thơ ‘Tống biệt hành’, cũng đã để lại một dấu ấn trong nền thi ca hiện đại Việt Nam… Đối với Thâm Tâm thế là đủ. Chẳng cần phải là Trần Thị Khánh hay Thâm Tâm – Khánh để có cái tên ghép T.T.KH” (sđd tr 34).

– Loại bỏ NB: Bằng cách cho Nguyễn Bính chỉ vì lãng mạn mà ngộ nhận T.T.Kh là người vườn Thanh trong “Cô gái vườn Thanh“: “Với ai, chứ với Nguyễn Bính, chúng ta có thể chấp nhận được, bởi con người vốn rất thi sĩ, vốn rất lãng mạn của ông”.

Vì đã tự định cho mình một nhân vật “người yêu T.T.Kh” khác nên Thế Nhật đã cho rằng Nguyễn Vỹ “đã nhầm lẫn với cái phố Sinh Từ – Hà Nội… nơi ở của cô nữ sinh Trần Thị Khánh mà Thâm Tâm (Tuấn Trình) thường hay qua đấy. Phố Sinh Từ có vườn Thanh Giám mọc rất nhiều hoa Antigone… Rồi tự đó, ông dựng đứng lên mối tình Thâm Tâm và T.T.KH, với bao tình tiết éo le, diễm lệ sặc mùi cải lương; bởi ông suy từ câu: Ở lại vườn Thanh có một mình của T.T.KH mà cứ nghĩ đấy là lời than của Trần Thị Khánh”. (sđd tr 38).

– Mang râu, đội mão cho Thanh Châu vào tuồng với vai người yêu của T.T.Kh: Bằng nhiều cách:

+ Ca ngợi Thanh Châu: “Riêng người đàn ông, tác giả Hoa Ti -gôn, nhân vật chính hay là nguồn cảm hứng cho bài thơ Hai sắc hoa ti-gôn của T.T.KH vẫn như người đứng ngoài cuộc, khoanh tay nhìn thiên hạ chơi cái trò ‘đuổi bắt’ ấy. Phải có một trái tim cứng rắn, có một tấm lòng vị tha cởi mở và có một bản lĩnh phi thường, ông mới đứng ra ngoài cuộc chơi ấy không một lời thở than. Ông tiếp tục im lặng cho đến khi Bài thơ cuối cùng của T.T.KH xuất hiện trên Tiểu thuyết thứ bảy ngày 30 tháng 10 năm 1938″. (sđd tr 33).

Một lời ca tụng… “một trái tim cứng rắn, có một tấm lòng vị tha cởi mở và có một bản lĩnh phi thường” khá… Tào Tháo. Một lổ hổng chân không! Căn cứ vào bài viết của Thanh Châu, Thế Nhật vội vã nghĩ rằng Thanh Châu biết T.T.Kh là ai: “T.T.KH im lặng đã đành. Con người gây ra ‘cú sốc hoa ti-gôn ấy thì lại lặng lẽ viết tiếp một truyện ngắn nữa: Những cánh hoa tim đăng vào mùa thu năm 1939 (một năm sau xuất hiện Bài thơ cuối cùng của T.T.KH đăng trên Tiểu tiểu thuyết thứ bảy). Truyện ngắn này lấy từ nguồn cảm hứng từ bài thơ Hai sắc hoa ti-gôn của nàng. Cũng như truyện ngắn trước, lần này ông lại lấy câu: Bảo rằng: Hoa dáng như tim vỡ làm đề từ cho truyện ngắn của mình cùng với câu của Khái Hưng trong Gánh hàng hoa” (sđd tr 39).

– Thế Nhật khẳng định: “Đến đây thì mọi việc đã rõ và cũng có thể khẳng định: Chỉ có ông Thanh Châu mới biết rất rõ T.T.KH là ai? Vì ai? mà có “Hai sắc hoa ti-gôn”. Ông biết mà vẫn im lặng? T.T.KH biết mà vẫn im lặng? Mặc cho người đời bày đặt, thêu dệt”. (tr 39).

Thế nhưng, người biết mà im lặng không nói biết còn hơn kẻ không biết mà tài lanh nói là cái gì cũng biết! Cái câu “Im lặng là vàng” lúc ấy sao mà đáng giá!

– Thế Nhật viết y thật: “Năm 1954, hòa bình trở lại trên đất Bắc, T.T.KH cùng gia đình di cư vào Nam… đằng đẵng mấy chục năm trời, họ mới lại gặp nhau. Đáng nhẽ cái nghi án văn học này chấm dứt từ năm 1976 trong ngôi nhà của cô em gái T.T.KH là Trần Thị Anh Minh… nếu hai người không giữ im lặng đến ngay nay, để nhiều người mất công kiếm tìm”. (tr 41). Không hiểu văn chương này nói cái gì!

– Thanh Châu… được Thế Nhật đưa lên sân khấu: “Nhà văn tự buộc mình đóng vai kịch  sĩ có tài là Thanh Châu… ông thắt nút, rồi cởi, lại cởi cởi, thắt thắt… khiến màn kịch thơ T.T.KH càng mờ mịt như đêm ba mươi” (tr 40-41). Đọc bài viết của Thanh Châu, lòng dạ Thanh Châu trong như pha lê, khác với dạ Thế Nhật đục ngầu! Thanh Châu làm gì mà “thắt nút rồi mở nút”? Bản thân Thanh Châu cũng muốn biết T.T.Kh là ai đến phát điên! Văn là người. Đọc người mà không hiểu ý người chỉ có hai trường hợp: Một người dốt. Hai ta dốt!

– Tại sao Thế Nhật từ bỏ quan niệm TT là T.T.Kh như trong bài viết ký Thế Phong trước đây?

+ Thế Nhật nhận được một bức thư của bà Đ.T.L: “Saigon, 1-7-1994

Thân gửi anh Th…

(…) ‘Anh đọc qua bài Hoa Tim, coi tôi viết vậy có đủ ý chưa? Tôi viết đêm thứ 5 đó, vì thấy ý anh muốn vậy nên viết cho anh vui lòng. Có điều, anh đừng cho ai rõ T.T.KH là ai hộ tôi, để tôi giữ lời hứa vi chị ấy”.

Đ.T.L.”

+ Thế Nhật vin vào đó để thay đổi quan điểm của mình: “Thế là rõ lắm rồi, bà đã vui lòng kể cho tôi nghe những bí ẩn đời T.T.KH. do chính T.T. KH. kể, trước khi xuất cảnh sang Pháp. Qua nhiều buổi, một lần tôi khuyên bà nên viết thành một bài thơ để cho đời biết được nghi án này trở thành hiện tượng văn học có thực. Bà đồng ý và viết bài thơ Hoa Tim – T.T. KH phương xa… hé mở cánh cửa, đủ để rọi sáng những mờ ảo về thân thế T.T.KH.” (sđd tr 43). Rất tiếc, thư này bị đẵng khúc. Thế Nhật “không tiện” đăng cho người thưởng thức thì thôi. Nhưng “Sen tàn, sen vẫn ngát hương. Chồn hôi tô phấn cũng phường chồn hôi!”. Đọc qua là biết loại chồn hay sen?

 + Bà Vân Nương (Trần Thị Vân Chung) bỗng trở thành… T.T.KhQua bức thư của Thế Nhật gởi cho bà:

“Gửi chị Trần Thị Vân Chung và anh Thanh Châu,

Xin được gọi là chị như ngày nào chị đã ký dưới các bài thơ của mình là T.T.KH. Bởi những năm ấy chị vừa 17,18 tuổi… tác giả của ba bài thơ nổi tiếng: Hai sắc hoa ti-gôn, Bài thơ thứ nhất, Bài thơ cuối cùng, thay vì gọi bà như một lẽ thường tình trong cách xưng hô của người đời. (cuốn 2001, Thế Nhật đổi “người đời” thành “đời thường“)

Xin chị hãy rộng lượng tha thứ (cuốn 2 bỏ từ “rộng lượng“) cho chúng tôi đã khơi dậy câu chuyện tình buồn cách đây hơn nửa thế kỷ mà trong thâm tâm chị không bao giờ muốn nhắc tới. (cuốn 2 thêm từ “còn“> “còn muốn“)

Ngày ở Sài Gòn, chị vẫn mai danh ẩn tích. Cái tên T.T.KH chỉ xuất hiện với Bài thơ cuối cùng ngày 30 tháng 10-1938. Tôi biết chị vẫn làm thơ viết văn, với nhiều bút hiệu khác nhau cùng với các bạn cùng giới lập nên nhóm Quỳnh Giao… (cuốn 2 cắt “tôi” thêm “vẫn” > “Vẫn biết chị”…)

Bây giờ chị ở tận miền Nam nước Pháp xa xôi, nhưng có một điều may mắn là tôi vừa được xem bức thư chị gửi về cho một người bạn. Ngoài bức thư, tấm hình mới chụp nhà thờ ở Notre Dame de Paris còn cả một bài thơ mới nữa. (cuốn 2 sửa lại: “Bây giờ chị ở tận Sarlat, nhưng có điều may mắn vừa được xem bức thư chị gửi về cho bà Như Hiên. Ngoài thư, tấm hình mới chụp ở nhà thờ Notre Dame de Paris, chị còn kèm cả bài thơ mới nữa”).

Và cũng trước đó, trong một ngày mưa – người bạn gái của chị – bà Đ.T.L đã hé lộ cho nghe về cuộc đời của chị – của T.T.KH trong một buổi bàn chuyện văn chương đơn thuần. Sau đó bà Đ.T.L. có viết bài HOA TIM – T.T.KH PHƯƠNG XA. Bài thơ gần như viết lại cuộc đời và cuộc tình định mệnh của chị. Chúng tôi phải cám ơn bà Đ.T.L nhiều, bởi vì không có bà thì sẽ không có cuốn sách này. Tuy là trái với lời bà Đ.T.L. căn dặn: Chuyện này bà vì chị mà giữ kín như chúng tôi viết trong phần T.T.KH – NÀNG LÀ AI? (cuốn 1, Thế Nhật chỉ ghi Đ.T.L, cuốn 2, Thế Nhật ghi: Đặng Thị Lạc. NTK ghi: “Đỗ Thị Lạc. Họ nào chính xác?)

Giá như… người bạn trong nhóm Quỳnh Dao ngày trước vừa nhận được thư chị, cho phép chúng tôi được in tấm hình mới nhất chị vừa chụp cũng như bút tích bài thơ chị viết thì tư liệu cuốn sách còn thú vị xác đáng hơn nhiều! (cuốn 2 ghi “Giá như bà Thư Hiên trong nhóm Quỳnh Dao, cho phép được được in tấm hình mới nhất vừa chụp cùng bút tích bài thơ chị; thì tư liệu cuốn sách còn thú vị hơn nhiều!”).

Nhưng cũng đừng trách bà ấy, vì bà ấy cũng đang viết một cuốn sách gồm nhiều tác giả là phụ nữ viết văn, làm thơ trong đó có chị – có T.T.KH. Bà giữ lại làm tư liệu riêng cho mình là quá đúng. Chúng tôi nào nỡ trách! (cuốn 2: “Nhưng cũng đừng trách, vì bà cũng đang viết một cuốn sách gồm nhiều tác giả là phụ nữ viết văn, làm thơ trong đó có T.T.KH. Bà giữ lại làm tư liệu văn học riêng cho mình cũng phải lẽ“)

Chỉ tiếc bạn đọc đã không gặp chị bằng xương bằng thịt ở ngoài đời mà cho đến tận bây giờ họ không nguôi nhớ chị, không nguôi nhớ sắc hoa ti-gôn; không nguôi lòng trắc ẩn; chia xẻ cảm thông với chị.

… Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng

Trời ơi! Người ấy có buồn không?…

Đấy không phải là lời than riêng nữa, mà của rất nhiều người con gái đã có một tiền duyên định mệnh như chị.

Ở đây, chúng tôi cũng có lời tạ lỗi với ông nhà: – Ông Lê Ngọc Chấn (dầu đã qua đời) và các con của chị, vì những điều ‘thóc mách’ chúng tôi viết trong cuốn sách này. (cuốn 2: “lời tạ lỗi với ông nhà: – Luật sư Lê Ngọc Chấn (đã qua đời)… Tiếp đến, chúng tôi tạ lỗi với các nhà văn có bài được trích dẫn trong sách, vì chưa kịp xin phép trước).

Cuối cùng xin anh Thanh Châu – nhà văn – tác giả Hoa ti-gôn và Những cánh hoa tim, hiện đang ở Hà Nội, người mà theo chúng tôi gọi là nhân vật chính trong cuộc tình thơ này. (cuốn 2: “Cuối hết, xin nhà văn Thanh Châu thông cảm. Là tác giả Hoa ti -gôn và Những cánh hoa tim, hiện đang ở Hà Nội, người mà theo chúng tôi cho: một, trong hai nhân vật chính trong cuộc-tình-thơ này“).

Nếu bây giờ không công bố cái nghi án văn học trên 50 năm qua, chúng tôi cảm thấy mình có lỗi với bạn đọc, bởi vì chúng tôi đã lỡ biết T.T.KH – Nàng là ai rồi. (cuốn  2: “Nếu bây giờ không công bố nghi án văn học trên 50 năm qua, chúng tôi có lỗi – bởi đã lỡ biết T.T.KH – Nàng là Ai! Đành vậy, xin cúi đầu mong được sự rộng lượng tha thứ của tất cả qúi vị.”.

                                                     Tp. Hồ Chí Minh 1994

                                                         THẾ NHẬT”

(Cuốn 2: TP. HCM, tháng 7 năm 1994 ).

Hai cuốn sách cùng nội dung, một bức thư đổi nhiều chỗ khác nhau? Đọc ra, chúng ta thấy tâm ý hay gì của Thế Nhật? Tâm sáng. Lòng lương thiện. Mục đích vô tư. Làm sao đêm thấy ác mộng? Ngày thấy bão going? Làm điều thiện? Không cần câu xin lỗi. Đã xin lỗi thì phải thành tâm. Thế Nhật có thể lấy những từ đã thêm, hay bớt trong lá thư thứ nhất để vào trong lá thư thứ hai đăng trong cuốn 2 mới đúng tác phong người nghiên cứu văn học.

– Phản ứng của… T.T.KH – ?! Trần Thị Vân Chung: Bà viết hai bức thư liền phản ứng kịch liệt… (hai bức thư này được Thế Nhật đăng trong sách mình và TĐT đăng trong cuốn “Giải mã nghi án văn học T.T.Kh, sđd 159 – 163 và 164-174). Trong cuốn này, có kèm bản sao từ sách Thế Nhật.

– Phản ứng của độc giả:

+ NTK:“Thái độ côn đồ trong văn nghệ” (sđd tr 90-91): “ Thế Phong – Trần Nhật Thu giữa thập niên 90 khi lăng xê một cuốn sách nhan đề T.T.KH., Nàng là ai? để vu khống và lừa gạt độc giả. Hệt những kẻ múa gậy vườn hoang, coi thường hết cả thảy các đấng cha, chú và toàn thể bạn đọc… Có một cuốn sách in ronéo, bìa đề tên tác giả Thế Phong do Đại Nam Văn Hiến xuất bản và phát hành, chúng tôi đọc trong năm 1956, cảm nhận ngay ‘tầm vóc’ người viết…Văn phong của Thế Phong cũng rập khuôn nhà phê bình Thượng Sĩ… cũng thiếu cả sự hòa nhã khi phê phán văn chương và tư tưởng người khác… Nhà thơ Sa Giang Trần Tuấn Kiệt biên soạn cuốn Thi ca Việt Nam hiện đại… vẫn còn là một hiện tượng Thế Phong chẳng bao giờ thay đổi: Thế Phong và một văn công Hà-Nội tên Trần Nhật Thu vừa cho xuất bản cuốn T.T.KH. Nàng là ai? Năm 1994, với mục đích bôi lọ người khác khiến chúng tôi không thể không lên tiếng”.

Phan Đức“T.T.Kh nàng là ai? Cuốn sách được viết rà từ sự ngộ nhận?”

“Cảm tưởng đầu tiên của tôi khi đọc cuốn sách T.T.Kh nàng là ai? cuả Thế Nhật… là: cuốn sách chưa kết thúc được một nghi án văn học… thì lại tạo ra một nghi án mới: Tác giả Hoa ti gôn có phải là người tình của T.T.Kh?Và nữ sĩ Vân Nương có phải là T.T.Kh hay không?… Tôi chỉ nói một điều: Người viết quá ẩu. Trong bài viết, tác giả đã công bố một bức ảnh (ở trang 4) và chú thích: “Bà T.T.Kh và người bạn chụp trong vườn cam tại Mỹ Tho năm 1984 – Bà T.T.Kh cầm trái cam”. Sự thật người cầm trái cam là nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương… “.

Phan Đức đưa ra những người trong gia đình bà Vân Nương nhận xét: “sách viết thiếu đứng đắn và sai quá nhiều…” (phần sai 9 điều, trong bức thư phản đối, bà Vân Chung đã nói rõ). Phan Đức nhận định: “Tôi cho rằng ngay từ đầu, bà Thư Linh đã ngộ nhận từ sự ‘không phủ định’ của bà Vân Nương, để rồi cứ trượt dài trên con đường ngộ nhận. Và tác giả Thế Nhật đã căn cứ vào một ‘tài liệu giả tưởng’ để viết nên cuốn sách… Nếu bà Thư Linh kể đúng sự thật và Thế Nhật viết đúng sự thật, thì hà cớ gì bà Vân Chung lại ‘phản ứng gay gắt’, nhất là đối với bà Thư Linh, một người ‘quen biết lâu đời’?”. (Giải mã nghi án văn học T.T.Kh sđd, tr 176-179). Tư liệu trên, TĐT không ghi nguồn trong sách mình nhưng Thế Nhật có ghi: Phan Đức in trong “Tuần báo Thanh Niên, số 119 (559) ra ngày 11-10/94, phát hành ở TP.HCM”.

+ NTK Nguyên nhân nào sống dậy huyền thoại T.T.KH.? (sđd tr 144-145): “2. Thế Nhật chỉ căn cứ vào những bài thơ đã đăng báo liên hệ tới chuyện nàng T.T.Kh. như bài Cô gái vườn Thanh (sau in trong Lỡ bước sang ngang đổi lại là dòng dư lệ) của Nguyễn Bính, mấy bài thơ ký tên T.T.Kh., và một số bài linh tinh khác như Mầu máu Ty-gôn, Các anh hãy uống cho say, v.v… và điều quan trọng nhất là mới đây bài Hoa tim, gửi chị phương xa của Thư Linh Đỗ Thị Lạc cộng với mấy dòng Thư Linh viết để áp đặt Ai là tác giả mấy bài thơ Hai sắc hoa Ty-gôn thuở xưa.

Đọc thơ và hiểu thơ như Thế Nhật có lẽ chỉ có Thế Phong và Trần Nhật Thu thôi. Bởi lẽ, các ông ấy không thưởng thức Thơ bằng tâm hồn, trái tim người nghệ sĩ mà chỉ nhận chân được một điều là tất cả những diễn tả trong thơ hẳn phải là sự thật đời thường của nhân vật nên căn cứ vào vai trò bỉ ổi của Thư Linh Đỗ Thị Lạc để áp đặt cho Vân Nương chính là Nàng Thơ T.T.Kh. thời tiền chiến.

Ở đây, chúng tôi không có ý kiến về thơ của Thư Linh Đỗ Thị Lạc với bài Hoa tim mà Thế Nhật coi là chủ đề ‘chìa khóa của một bí mật’ tìm ra chính tác giả những bài thơ Hai sắc hoa Ty-gôn: nữ sĩ Vân Nương!

Chúng tôi khẳng định, nữ sĩ Vân Nương vốn rất tế nhị, kín đáo không bao giờ tỏ lộ những gì phù phiếm cho bất cứ ai. Huống hồ là một Thư Linh Đỗ Thị Lạc không phải là người trong Hội Thơ Quỳnh Dao với nữ sĩ. Thư Linh Đỗ Thị Lạc đến với Vân Nương và Hội Thơ Quỳnh Dao sau 30.4.1975 với một dụng ý. Tốt hay xấu chỉ khi nào chuyện xảy ra, mọi người mới có thể đánh giá? Họa sĩ Vũ Hối và nhạc sĩ Đức Quỳnh phải ngồi tù cũng do dụng ý xấu của một vài anh chị em trong giới văn nghệ vào những năm 1987-1990 là một thí dụ…

3.Thế Phong viết vốn văng mạng, trịch thượng và hỗn xược từ xưa, lại coi trời bằng vung và dao to búa lớn với Vân Nương và MộtngTuyết khi bị Vân Nương phản ứng chỉ cho những điểm sai lầm. Bạn đọc xem đến đoạn “Thế Phong” trả lời là rõ tư cách Thế Phong và Trần Nhật Thu vậy”.

Chính là bài “Trả lời 9 điểm của bà Vân Nương: ‘Tôi không phải là T.T.KH'” của Thế Nhật trong cuốn 2. Trước khi nhận đúng sai, Thế Nhật đã nêu “thành tích” cuốn sách mình: “đến nay có khoảng 70 bài nói về, tán đồng có, phản bác có, nhiều nhất là phản bác, thực ra mà nói, chưa có một cuốn sách nào được nhắc tới nhiều như vậy. Bởi ý nguyện riêng của người viết, không phải là đặt hàng…” (sđd tr 124). Ý nguyện riêng hay chung, công hay tư chưa thấu lý nhưng lá thư của Đặng – Đỗ Thị Lạc còn rành rành: “thấy ý anh muốn vậy nên viết cho anh vui lòng…” thì còn gì mà ý nguyện công chánh!

Thế Nhật có điểm qua những bài phản bác trên các báo “Market Sunday Issue”, Thanh Niên, Sài Gòn Nay,  Người Việt, Sài Gòn Giải Phóng với Thúy Nga, Trần Phá Nhạc (tên nghe rợn như tàu… phá băng!), Phan Đức, cô cháu gái của Vân Chung… không đồng tình với cuốn sách: “không được mạch lạc và khoa học cho lắm, là ngộ nhận, sách viết sai lạc, thiếu đúng đắn, sai quá nhiều…”. :

Những người khen sách mình như Ngọc Tình,  Lý Văn Sâm, Mai Quốc Liên: “đây là cuốn sách có ích và đáng yêu” còn nói tới khả năng “trả tác quyền cho bà Trần Thị Vân Chung” mới nực cười. Tác quyền mình, mình tự nhận lấy chứ, ai đi “ép” con quạ đội lớp con công! Than rằng: Giới trí thức có tuổi của đất nước Việt Nam càng ngày càng ngóng nhiều hơn nghe, có nghe thì nghe một tai. Có nhìn, chỉ nhìn một mắt. Có sờ thì sờ đuôi voi!

Cũng như Trần Ngọc Giàu, bao nhiêu nhà đại sử gia trước xem Nguyễn Văn Tường là phản, sau vài ba hội thảo gọi là khoa học, tư liệu chẳng gốc, lý giải không nguồn lại nhận là Trung! “Đại Nam Thực Lực chính biên” ghi chép rành rành, chẳng ai đọc cho kỹ lưỡng! Tiên – Rồng nòi giống cha ông/ Nửa phần là rắn chứ Rồng thế đâu!

Thế Nhật lý giải vì sao cô cháu gái Vân Nương phản đối bác trai mình “mê gái”: Vì cô cháu kia sinh năm 1954 nên nhỏ không biết chuyện người lớn. Người cung cấp tin chồng Vân Chung “mê cô thư ký” là… luật sư Trần Thanh Hiệp chứ không phải Vân Chung. Dẫu là có sự thật (vì “35, 71” là máu của quý ông, máu “HT” – Hoạn Thư, mới là máu quý bà!), Thế Nhật cũng không nên “khai mương nước chảy, bùn trôi” như vậy trong một cuốn sách mà Thế Nhật cho là “không phải đặt hàng“. Điều đó, mang tư tưởng hết sức tầm thường trong nhân vật T.T.Kh – Vân Chung: Bà đi gặp “người khách trung niên” tình xưa cũng vì chồng bà ngày nọ “đớp chả” thì nay bà “xơi nem” thì cũng chẳng lỗi phải gì! Muốn truyện mình viết về T.T.Kh gặp người yêu là ai cũng được, tác giả phải nhập vào nội tâm nhân vật với những mối quan hệ xưa, nay níu kéo và trái tim phải thật như trái tim người tình trong HSHTG chứ không phải trong BTTN, BTCC… Thế Nhật chưa tới điểm cực này. Ông đem lời Hỷ Khương (chẳng biết nguồn đâu): “đã hơn một lần gọi điện thoại cho Thư Linh: ‘chị chỉ cần trả lời đó là ngộ nhận, hẳn sẽ êm xuối tất cả’ có nghĩa T.T.KH muốn cho Thư Linh phải tự dối mình, để tội này đổ lên đầu hai anh chàng tác nghiệt của cuốn sách mà không là tác giả?”. Thư Linh có dối hay không, ngộ nhận hay không, qua lời lẽ trong thư của bà và Vân Chung, ai có “thiện cảm” và nghĩ rằng bà Thư Linh là người bạn tốt?

Các phần thư còn lại, Thế Nhật nhận mình sai hết nhưng cũng “vẽ lòng vòng” bào chữa cho cái sai của mình. Người xưa cho đó là “nguỵ biện”!

Với Thế Nhật, một cuốn sách viết về nhân thân tác giả mà sai hết trọi, thử hỏi có giá trị văn học nào mà Mai Quốc Liên, Lý Văn Sâm… vuốt râu “tấm tắt ngợi khen tài” nhưng hỡi ơi, “hoa tay thảo… sai bét, còn trợn mét (mắt) với ai?!”!

Thế nhưng, văn nghiệp khổ thân. Các nhà văn, nhà báo ta cũng được Thế Nhật… tế sống: “Các báo có bài phản bác hẳn không dễ bỏ qua những chi tiết như vậy, khai thác bán báo chạy hơn; như chính một Tổng biên tập một tờ tuần báo đăng nhiều bài về T.T.KH nói với T.N.T: ‘Mày phải cho tao nói về T.T.KH chứ, cả nước đang ăn theo T.T.KH, thời điểm này nếu không khai thác, báo ế’. Ngay như nguyệt san Văn hóa, khi trích đăng loạt bài này, theo sự tiết lộ của người có thẩm quyền là Lâm Quốc Trung, trong LTS, từng viết:… ‘Nếu như cuốn sách không đưa ra những phát hiện có thể xem là mới mẻ so với những lần ồn ào trước đây thì NSVH đã không để bạn đọc mất phí thời giờ theo dõi 3 kỳ báo…'”. (sđd).

Bán tin, phao tin, “nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm” là cái nghề “moi tiền” quần chúng dễ nhất. Điều này khiến chúng ta nghĩ thử xem hiện tượng T.T.Kh xuất hiện trên TTTB báo bán chạy như tôm tươi mà Vũ Đình Long làm sao có thể không “vồ” lấy để cho đàn em hành động. Nếu Vũ Đình Long không “bật đèn xanh” thì những người trong TTTB phải nhanh tay mà “chụp lấy” kẻo “Ngày nay”, “Phong Hóa”, “Hà Nội Báo”… giành hết thì… lỉnh nhợ! Cũng “ngón làm ăn” PMU 18 bị bể ổ mà vụ xử hai nhà báo Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Việt Chiến đã kéo theo theo không biết bao nhiêu quan với quân “lên voi, xuống ngựa“! Sai hay đúng, trật hay ngay, cũng là một cách của báo chí và sách vở Việt Nam hiện nay phải có chiêu này để “sinh tồn”! “Trời hỡi Làm sao khi khát đói. Gió trăng có sẵn làm sao ăn?”. Không phải thi nhân xưa của ta từng ngửa mặt than dài hay sao! Ngón làm ăn của Vũ Bằng chuyên “bịa chuyện” mà MGL từng mắng mỏ ra trò. Giới văn sĩ, hiền sĩ, hàn sĩ… hèn sĩ hiện nay cứ thích tác phẩm mình bị “đánh”, “đánh dập đầu bể trán” thì mình mới… nổi! Một quan niệm… “khổ nhục kế” Mao Toại bị biến dạng đáng buồn!

Một điều khiến cho người đọc thấy “mất thiện cảm” với Thế Nhật là hình như ông đã “thách” bà Vân Chung khi bà đòi kiện ông. Ông nêu ra lý do là bà Vân Chung không thể nào kiện được vì: Bà Vân Chung có nhờ cặp vợ chồng Thanh Vân và Như Hiên nhưng “ông Thanh Vân khước từ. Bởi một lẽ giản dị, ông là bạn thân với tôi và Trần Nhật Thu”. Bà Vân Chung đã “chọn mặt gởi vàng” lầm người. Nhưng nếu bà tin Thanh Vân và Như Hiên (gia đình em, cháu bà còn bên VN sao bà “ruột bỏ ra, da bỏ vào” mà không nhờ họ?) thì đôi vợ chồng này có lẽ “có tem” đối với bà. Nhưng trong thời giờ phút chọn một chọi một, hai vợ chồng này đã chọn Thế Nhật. Không hẳn vì là “bạn thân” với Thế Nhật như Thế Nhật tự hào mà vì người ta muốn “yên cái thân”. Người đi đường có thấy kẻ cướp chầm dầm ra đó mà cũng không dám la. Đó là cái muốn yên thân đến mức “hèn đại nhân” trong con người ta sống dậy. Không ai bênh vực cho ai cả. “Người với nhau là chó sói” cũng tới phiên!

Thứ hai, muốn kiện thì “đương sự phải nhờ một luật sư. Bà hiện ở Pháp, có thể luật sư sẽ từ Pháp qua đây để cãi ở tòa. Nếu (tôi nhắc lại chữ nếu hai lần) thắng kiện, bên bị là chúng tôi phải chịu bồi hoàn án phí, bồi thường một đồng danh dự. Nhưng trước hết phải sẵn hiện kim để làm việc này. Và tôi cũng xin cảm ơn trước, nhân danh nhà xuất bản, cuốn sách sớm tái bản hơn bao giờ!”. Trời ơi! Thật không tin, một nhà nghiên cứu văn học mà có thể “đao to búa lớn” với một bà già 77 tuổi tại thời điểm 1994, và 84 tuổi tại thời điểm 2001 như Vân Chung! Bà làm sao có thể “bôn ba không qua thời vận” “đa kim ngân phá luật lệ” này được? Tất nhiên, bà có thể mướn luật sư VN và ký giấy “uỷ quyền” để kiện Thế Nhật. Luật nước ngoài đâu đó rõ ràng mà còn “xảy” huống hồ luật VN? Với luật VN, bà Vân Nương chào thua là cái chắc. Bà có kiện như “cái kiến mày kiện củ khoai” . Không những “mất cả chì lẫn chài” mà làm cho cuốn sách Thế Nhật sớm “tái bản”! Nhưng:

Chạy đâu cho thoát lưới trời

Quả nào, cây ấy là lời nhắc sau!

Tình người, ta bỏ ở đâu

Lương tâm cắn rứt là câu nhớ đời!

Sai đúng thế nào, chúng ta “hạ hồi phân giải”!

– TĐT: “Năm 1994, khi cuốn sách T.T.Kh, nàng là ai? ra đời, nêu đích danh tên tuổi bà Vân Chung, thì chính bà Vân Chung đã công khai lên tiếng phủ nhận mình là T.T.Kh. Thư của bà từ Pháp gửi về được đăng tải trên Thanh Niên và một số tờ báo khác. Ngoài ra có một số độc giả cũng viết bài gửi đến báo, không tin bà Vân Chung chính là T.T.Kh. Điều này đã làm nhiều người ngờ vực tính chân thực của cuốn sách nói trên. Bởi vì cuốn sách được viết ra dựa trên sự tiết lộ vô tình của một người khác là bà Thư Linh, người quen biết với bà Vân Chung sau năm 1975 chứ tác giả không có thông tin trực tiếp” (sđd).

TĐT quả “ăn cháo đá… nồi”. Thế Nhật với cuốn sách “T.T.Kh nàng là ai?” đã cung cấp thông tin Trần Thị Vân Chung là T.T.Kh và Thanh Châu là người yêu của Vân Chung nên TĐT mới có thể có cuốn “Giải mã nghi án văn học T.T.Kh”. Vậy mà T ĐT không biết “ăn qủa nhớ kẻ trồng cây” gì ráo trọi!

        b. Đường đi tìm… người của TĐT:

– Theo chủ quan: “T.T.Kh Nàng hay Chàng” (sđd tr 35): “Một điều rất rõ là, khi đọc các bài thơ của T.T.Kh, người ta có cảm giác ngay lập tức tác giả phải là một người phụ nữ…. Thật ra, nhiều câu thơ của T.T.Kh thể hiện rất rõ tính nữ trong đó. Đọc kỹ những câu thơ của T.T.Kh, có những câu dường như chỉ là tác giả nữ thì mới viết như thế: ‘Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng/Trời ơi người ấy có buồn không’ (Hai sắc hoa ti gôn). Chúng ta phải thừa nhận điều này, đàn ông và phụ nữ có cách nói, cách nghĩ khác nhau. Có những điều, đàn ông nghĩ thế này nhưng phụ nữ sẽ nghĩ thế khác. Chẳng hạn người đàn ông thường lo người mình yêu bị khổ còn phụ nữ sẽ lo người mình yêu bị buồn. Cho nên là phụ nữ thì T.T.Kh mới viết câu: “Trời ơi người ấy có buồn không’. Ta tin rằng Thâm Tâm hoặc Nguyễn Bính sẽ không bao giờ viết câu này nếu họ là tác giả của bài thơ. Trong ba bài thơ có khá nhiều câu thể hiện cách nghĩ cách nói của người phụ nữ mà đàn ông không thể nghĩ và nói: “Từ đấy, thu rồi, thu, lại thu/Lòng tôi còn giá đến bao giờ?/Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ…/Người ấy cho nên vẫn hững hờ”. Đây là những cảm nhận hết sức tinh tế của một người phụ nữ, hơn nữa là người phụ nữ đã có chồng. Đàn ông không thể làm được những câu thơ này.

Chúng tôi muốn nói với bạn đọc điều này: thơ là tiếng nói của tâm hồn, là sự thể hiện ra bằng ngôn ngữ những tâm tư tình cảm của con người. Nếu là một người hóa thân thành người khác để làm thơ thì rất khó, ngoại trừ đấy là thể loại truyện thơ. Đọc những vần thơ của T.T.Kh, ta thấy tràn ngập trong đó những nỗi niềm tâm sự, những xót xa ngậm ngùi, những buồn thương uất hận: “Tôi oán hờn anh mỗi phút giây/Tôi run sợ viết bởi rồi đây/Nếu không yên được thì tôi chết/Đêm hỡi, làm sao tối thế này” (Bài thơ cuối cùng), “Là giết đời nhau đấy phải không/Dưới giàn hoa máu tiếng mưa rung/Giận anh em viết dòng dư lệ/Là chút dư hương điệu cuối cùng” (Bài thơ cuối cùng), “Đâu biết lần đi một lỡ làng/Dưới trời gian khổ chết yêu đương/Người xa xăm quá tôi buồn lắm/Trong một ngày vui pháo nhuộm đường” (Hai sắc hoa ti gôn)…

Với những câu thơ này, làm sao có thể tin rằng do một người khác phái “đóng vai” để tạo ra? Làm sao từ một câu chuyện tình phụ tầm thường nhạt nhẽo giữa Thâm Tâm với một cô gái mang tên Trần Thị Khánh nào đó mà thi sĩ viết nên được những câu thơ đớn đau thế này? Thật là ngây thơ khi chúng ta tin rằng Thâm Tâm hay Nguyễn Bính có thể là tác giả của những bài thơ mang tên T.T.Kh. T.T.Kh dứt khoát phải là một tác giả nữ.
…T.T.Kh đã sáng tác nên những bài thơ tình bất hủ vì chuyện ngang trái tình duyên. Điều này thì đã quá rõ. Nhưng ta cần biết ai là người đã làm cho thi sĩ đớn đau đến tột cùng khiến phải thốt ra những lời thơ thấm đẫm đầy nước mắt ấy? Đây là một câu hỏi quan trọng. Giải đáp được câu hỏi này là ta có trong tay chiếc chìa khóa để có thể mở cánh cửa đi sâu vào những ngóc ngách bí ẩn bên trong câu chuyện kỳ lạ này.
 Cũng loại bỏ TT và NB: Thâm Tâm và Nguyễn Bính rõ ràng là những nhà thơ thuộc tầng lớp ‘cựu’ trong khi đó T.T.Kh lại rất ‘tân’”(sđd tr 51).

“Quá trình lần theo dấu vết con người bí ẩn này, chúng ta đã đưa ra được một số tiêu chí để xác định ai có thể là T.T.Kh. Thứ nhất, T.T.Kh phải là một người phụ nữ. Thứ hai, T.T.Kh phải là người thân thiết với nhà văn Thanh Châu. Cụ thể hơn, người đó phải là người yêu của nhà văn Thanh Châu. Như vậy, ta phải loại bỏ tất cả các “ứng viên” là nam giới như Thâm Tâm, Nguyễn Bính, J.Leiba… cùng một số “ứng viên” nữ như Trần Thị Khánh…” (thanhnien.com)
– Cũng khẳng định T.T.Kh chính là… Trần Thị Vân Chúng – Vân Nương như sách Thế Nhật:

Tiêu chí: “Vậy còn lại ai sẽ là người phù hợp với T.T.Kh? Đến đây, có lẽ ta cần cho nhân vật thật xuất hiện để đối chiếu. Trong số những người phụ nữ được giả định trước đây, chỉ có một “ứng viên” duy nhất phù hợp với vị trí của T.T.Kh theo tiêu chí nói trên. Đó chính là bà Trần Thị Vân Chung, người được tác giả Thế Nhật phát hiện ra và tiết lộ trong cuốn sách T.T.Kh, nàng là ai? Đây là nhân vật đã gây ra nhiều tranh cãi trên công luận vào năm 1994” (web và sđd).
+ Cảm nhận của TĐT: “Riêng chúng tôi, khi xem xét lại tất cả các vấn đề, thật đáng ngạc nhiên là chúng tôi thấy bà Vân Chung có một nhân thân phù hợp với T.T.Kh đến kỳ lạ.
Trước hết, bà Vân Chung chính là người yêu của nhà văn Thanh Châu, tác giả truyện ngắn Hoa ti gôn. Đây là thông tin được chính nhà văn Thanh Châu xác nhận – một điều trước nay chưa từng được tiết lộ bởi người trong cuộc. Đây là một điều tối quan trọng, đáp ứng tiêu chí cần phải có của T.T.Kh (xin nhấn mạnh lại một lần nữa, bất cứ nhân vật nào, muốn là “ứng viên” để vào vị trí T.T.Kh thì theo quan điểm của chúng tôi, người đó phải là người yêu của nhà văn Thanh Châu).
Nhà văn Thanh Châu cùng sinh trưởng ở thị xã Thanh Hóa như bà Vân Chung, gia đình thuộc dòng dõi quan lại nhưng đến thời của ông thì gia cảnh sa sút. Ngược lại, gia đình bà Vân Chung lúc đó làm kinh doanh buôn bán, kinh tế khá giả hơn rất nhiều.
Thanh Châu là bạn của người anh ruột bà Vân Chung. Ông có dịp trò chuyện với cô em của người bạn mình là bà Vân Chung khi đi trên chuyến tàu từ Hà Nội về Thanh Hóa. Cuộc gặp gỡ định mệnh này đã khởi đầu cho một cuộc tình đầy nước mắt về sau.
Mối tình giữa Thanh Châu và Vân Chung là một mối tình văn chương cao đẹp vì cả hai người đều có tâm hồn văn nghệ sĩ. Truyện ngắn Hoa ti gôn của Thanh Châu thể hiện đầy chất lãng mạn và những bài thơ của Vân Chung viết sau này cũng thật lãng mạn mà chúng tôi sẽ giới thiệu với bạn đọc trong kỳ tới để tiện so sánh với thơ T.T.Kh.
Sau khi chia tay, hai người không có điều kiện gặp lại nhau nữa vì đến năm 1954, hai miền Nam Bắc chia đôi, Vân Chung đã cùng chồng vào Nam còn Thanh Châu ở lại quê nhà. Mãi cho đến bốn mươi năm sau, khi miền Nam giải phóng, Thanh Châu mới tìm vào Sài Gòn để thăm lại cố nhân.
Nhà văn Thanh Châu đã trực tiếp xác nhận chừng đó thông tin với chúng tôi. Nhưng ông không đồng ý khi chúng tôi đặt vấn đề rằng T.T.Kh chính là bà Trần Thị Vân Chung. Vì vậy, chúng ta hãy tiếp tục so sánh đối chiếu”. 
(web và sđd).

NB hay TT có làm được những bài thơ ký T.T.Kh hay không, chúng ta cũng rõ rồi. Cuộc tình được dựng lên có hợp thời gian, tuổi tác, thời điểm hay không, những bài thơ của Vân Chung có “lãng mạn” hay không từ từ sẽ phơi ra ánh sáng.
        2. Cùng việc hai tác giả hai cuốn sách đều cho Thanh Châu là người yêu của T.T.Kh (tức Vân Nương – Trần Thị Vân Chung):

           a. “T.T.KH. Nàng là ai?”:

– Thế Nhật: “Chỉ có ông Thanh Châu mới biết rất rõ T.T.KH là ai? Vì ai? mà có Hai sắc hoa Ti-gôn. Ông biết mà vẫn im lặng?… Thanh Châu không nỡ giấu diếm về T.T.KH,… Thanh Châu cực lực bác bỏ huyền thoại Thâm Tâm, Nguyễn Bính… những văn thi sĩ giây máu ăn phần với T.T.KH là không có thực, là hoàn toàn sai. Chỉ có một điều quan trọng duy nhất mà bạn đọc muốn biết, vậy nếu không là Thâm Tâm, Nguyễn Bính… hay là ai đi nữa… có một ai đích thực cho ai mà có thơ T.T.KH thì ông lại không nói ra. Theo tôi, đương sự không thể nói ra – dẫu đương sự rất muốn công bố, nên dường như chúng tôi đã trở thành cái gạch nối để nói rõ ra điều bí ẩn đó – mà cả T.T.KH và Thanh Châu đều không thể nói ra” (sđd tr 45-46).

    b. “Giải mã nghi án văn học T.T.Kh”:

– TĐT: “Trước hết, bà Vân Chung chính là người yêu của nhà văn Thanh Châu. Đây là thông tin được chính nhà văn Thanh Châu xác nhận – một điều trước đây chưa từng được tiết lộ bởi người trong cuộc”.

– Đối chiếu của TĐT: “Nhà văn Thanh Châu cùng sinh trưởng ở thị xã Thanh Hóa như bà Vân Nương…Thanh Châu là bạn của người anh ruột bà Vân Chung. Ông có dịp trò chuyện với cô em của người bạn mình là bà Vân Chung khi đi trên chuyến tàu từ Hà Nội về Thanh Hóa. Cuộc gặp gỡ định mệnh này đã khởi đầu cho một cuộc tình đầy nước mắt về sau. Trở về Thanh Hóa, hai người tiếp tục qua lại với nhau và tình cảm càng ngày càng thắm thiết. Gia đình hai bên cũng đều biết việc này.Nhưng cuộc tình duyên không đi đến đoạn kết vì vấn đề môn đăng hộ đối. Sau cú sốc này, Thanh Châu ra Hà Nội sống, Vân Chung ở lại quê nhà. Một thời gian sau thì lấy chồng. Chi tiết nói trên là phù hợp với câu thơ trong Bài thơ thứ nhất:

Ở lại vườn Thanh có một mình… Ra Hà Nội một thời gian, Thanh Châu nhận được tin tức từ gia đình nhắc ra cho biết bà Vân Nương chuẩn bị lên xe hoa về nhà chồng. Câu thơ tiếp theo của T.T.Kh viết đúng như hoàn cảnh của bà Vân Chung:

Và một ngày kia tôi phải yêu

Cả chồng tôi nữa lúc đi theo…

Từ đó Thanh Châu không bao giờ còn gặp lại người yêu xưa nữa cho đến bốn mươi năm sau, khi miền Nam giải phóng, ông tìm vào Sài Gòn để thăm lại cố nhân. Nhà văn Thanh Châu xác nhận thông tin chừng đó với chúng tôi. Nhưng ông không đồng ý khi chúng tôi đặt vấn đề rằng T.T.Kh chính là bà Trần Thị Vân Chung” (sđd tr 70-72).

 Vì Thanh Châu viết tới… hai tác phẩm?: “Một là truyện ngắn Hoa Ti gôn mà từ đó có thơ của T.T.Kh ‘họa’ lại. Hai là bài tùy bút Những cánh hoa tim vào năm 1939 để kết thúc câu chuyện. Ta thấy gì trong những trang viết của Thanh Châu? Khi xa Vân Chung ra Hà Nội, Thanh Châu đã hết sức sầu thương về mối tình ấy… Trong bài Tùy bút Những cánh hoa tim đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy, ông đã thú nhận điều này: “Vì tôi thấy tôi cảm thấu hết được những cái gì là tê tái trong tình ái. Tôi có tất cả tâm sự của một người đã từng chua xót vì yêu”. Đó chính là sự chua xót về mối tình giữa ông và Vân Chung mà nay ông đã xác nhận”.

   3. Dàn dựng:

      a. Thế Nhật dàn dựng cuộc gặp gỡ giữa Thanh Châu và Vân Nương sau 42 năm bằng nội dung HSHTG và “Hoa tim – T.T.KH Phương xa” của Thư Linh Đỗ Thị Lạc: “Năm 1976… có một trung niên lặn lội từ Hà Nội vào Sài Gòn…Đôi mắt chàng dáo dác tìm nàng, người thơ Hai sắc hoa ti-gôn của 42 năm xa cách. Từ 1934, nàng lập gia đình ở vườn Thanh cho đến 1976 chàng mong gặp nàng ở miền Nam… Có người ở Thanh Hóa đã cho chàng hay, bà Lê Ngọc Chấn có người em gái tên Trần Thị Anh Minh…Khi bà Anh Minh ra gặp khách lạ, ông giới thiệu tên và nói thẳng cho cô em vợ ‘hờ’, ông cần gặp T.T.KH.

– Ở đây không có ai là T.T.KH…

– Vậy bà cho tôi hỏi bà Trần Thị Vân Chung, tôi muốn gặp bà và tôi chỉ đi khỏi đây khi gặp được bà ấy….

Em gái bà vẫn nhắc lại lời người khách trung niên kia… Bà không thể tiếp chàng ở nhà được… Chồng đi học tập chưa về, các con đã trưởng thành… Bà khổ tâm vô cùng… Thôi thì một liều ba bảy cũng liều, bà vội vàng cùng cô em gái đi bộ trên đường Nguyễn Minh Chiếu… Ngày xa xưa, cũng chiều thu, bà đã khóc mối tình chính của mình:

Thuở ấy nào tôi có hiểu gì?

Cánh hoa tan tác của sinh ly

Cho nên cười đáp: ‘màu hoa trắng

Là chút lòng trong chẳng nghĩ suy…’’’

Ra khỏi cổng nhà, bà giẫm phải cánh hoa ti-gôn mọc bên tường, hoa một mùa rụng? một mùa nở?nhiều cánh đủ màu mọc bên tường rụng trên mặt đường. Bà hẳn không quên:

… Trách ai mang cánh ‘ti-gôn’ ấy

Mà viết tình em có ích gì?

đến bây giờ vẫn còn đúng với tâm trạng:

… Đẹp gì một mảnh lòng tan vỡ

Đã bọc hoa tàn giấu xác xơ

Tóc úa giết dần đời thiếu phụ

Thì ai trông ngóng chẳng nên chờ…

Hai chị em đã đi hết đường Nguyễn Minh Chiếu, qua Thoại Ngọc Hầu, đến ngã tư, rẽ trái sang Trương Minh Ký. Buổi nay cũng là một chiều thu Saigon, lòng tê tái gặp chàng – như lòng tê tái vào một chiều thu xưa, gió lạnh lẽo vì bà đã lấy chồng, nhớ đến người ấy… đứng ngóng đò:

… Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ

Chiều thu hoa đỏ rụng chiều thu

Gió về lạnh lẽo chân mây vắng

Người ấy sang song đứng ngóng đò…

Giờ này đây, người khách năm xưa ngóng đò đang ngóng chờ bà, bà đã biết rất rõ; cả chàng cũng biết rất rõ:

… Nếu biết rằng tôi đã có chồng

Trời ơi! người ấy có buồn không?

Có thầm nghĩ đến loài hoa vỡ

Tựa trái tim phai, tựa máu hồng…

Bắt đầu rẽ vào hẽm 333 Trương Minh Ký, tim bà đập liên hồi, bà nhớ chồng bà lên đường trình diện học tập cải tạo. Bà cũng nhớ đến những ngày phu quân mê một nữ thư ký ở văn phòng luật sư, nơi ông làm việc. Bà đau khổ về chuyện này không ít, song không dám kêu than, buông lời trách móc, nói làm chi đến ghen tuông. Bởi phu quân bà đã biết rõ, rất rõ vợ mình:

… Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ

Người ấy cho nên vẫn hững hờ.

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời

Mà từng thu chết, từng thu chết

Vẫn giấu trong tim một bóng người…

Bà sợ con đường này, những con đường khác, nhất là con đường mang tên Trương Minh Ký (thuộc tỉnh Gia Định) sao nó ngắn quá. Bà mong gặp lại, lại mong không nên gặp – nhưng bước chân hai người vẫn bước tới. Bà nhớ đến nội dung một đoạn truyện Hoa ti-gôn…

… ‘Họa sĩ được tin, đem những dây hoa ‘tigôn’ thứ hoa giống hình quả tim vỡ mà trước kia nàng hái ở vườn nhà…’

Chính truyện Hoa Ti-gôn khiến bà buồn khổ khi ở vườn Thanh, buồn qua hôm nay xem tiểu thuyết – bà khóc bằng chính dòng lệ nóng chảy trên gò má; bà khóc nhớ đến khi quyết định bút hiệu T.T.KH ký dưới bài thơ được gửi đăng báo. Bài thơ thứ nhất, Hai sắc hoa ti-gôn, rồi Bài thơ cuối cùng… T.T.KH xưa… Chao ơi! biết bao văn nhân thi sĩ dệt thảo thành huyền thoại, nào là THÂM TÂM KHÁNH, nào là,,, chính chàng cũng làm lạc hướng qua THÁI THỊ KHƯƠNG, TÀO THỊ KHÊ, TRẦN THỊ KHÁNH… hay Nguyễn Bính gửi ‘Cô gái vườn Thanh’. Không một ai biết được bút hiệu T.T.KH khi thành hình kể cả chàng, chỉ biết sau khi bài thơ có bút hiệu ấy, ký dưới những bài thơ. Bà hình dung lại những giây phút tại sao lại đặt là T.T.KH.

– T chữ thứ nhất là: TRẦN

– T chữ thứ hai là: THANH

– KH. hai chữ sau cùng: KHÓC.

T.T.KH cả hai cùng khóc cho mối tình chân ngoài đời – mối tình thơ trong dòng thơ lệ.

Tiếng cô em nhắc sắp đến nhà cô: nghĩa là sắp gặp chàng. Trống liên hồi đập trong trái tim hồng, như cách đây bốn mươi năm ngoài. Lại nhớ đến thơ mình ngày xưa kia, có câu:

… Tuy thế tôi tin vẫn có người

Thiết tha theo đuổi nữa than ôi!

Biết đâu, tôi một tâm hồn héo

Bên cạnh chồng nghiêm luống tuổi rồi!

– Cọc, cọc, cọc… tiếng gõ ngoài cổng… rồi tiếng của cô em: ‘… Mở cửa, mẹ đây…’.

Cổng sắt mở nửa cánh, phòng khách phía trước, phải qua một cái sân xi măng. Trên ghế salon bày một cách tuỳ tiện, một khách trung niên, người dỏng cao, mảnh khảnh, lưng hơi gù, đôi mắt sáng, quần áo chỉnh tề…

Thế giới ấy chỉ còn có hai người, họ không cần biết đến có ai xung quanh.

Chàng chạy tới, giơ hai tay chào đón…

Nàng xúc động, run run, mi mắt nằng nặng, thế là dòng nước mắt tuôn rồi. Thân hình nàng ngả về phía trước, lọt vào vòng tay khách trung niên.

Lời thơ Hoa ti-gôn – T.T.KH Phương Xa đến thật gần:

… Tái phùng, trúc cỗi, mai gầy

Lệ thu dàn dụa hương ngây mủi lòng.

Bài thơ ký tắt não nùng

Bao dòng tâm sự ngàn trùng quan san.

Sau đó, người khách trung niên nói với cố nhân: ‘Khi anh về Hà Nội, biết được chồng em có chức vụ quan trọng như thế, đầy quyền uy như thế; anh đành mất thực em rồi…’

Người khách trung niên ấy chính là nhà văn Thanh Châu – tác giả truyện ngắn Hoa ti-gôn ngày trước”. (Thế Nhật, cuốn 1 tr 56-64, cuốn 2 tr 42-47).
          b. TĐT dàn dựng cuộc hội ngộ và chia tay giữa Thanh Châu và T.T.Kh qua 3 bài thơ của T.T.Kh và 2 bài của Thanh Châu: Truyện “Hoa Ti-Gôn” và “Những cánh hoa tim”:

– “Thưa bạn đọc, chúng tôi đã có dịp nói chuyện với nhà văn Thanh Châu và chỉ ra với ông việc T.T.Kh đã trách ông. Nhà văn cũng đồng ý với chúng tôi rằng quả thật câu thơ của T.T.Kh có hàm ý như thế. Ở trên, chúng ta có nói đến mối quan hệ giữa tác giả truyện ngắn và tác giả thơ. Qua phân tích cuộc “đối thoại”, chúng ta đã thấy được phần nào mối quan hệ “không phải người dưng” giữa họ. Tác giả truyện ngắn, tức nhà văn Thanh Châu chính là nhân vật ai mà nàng đã trách “Trách ai mang cánh “ti gôn” ấy/Mà viết tình em được ích gì”. Chúng ta tiếp tục phân tích thêm. Trước hết khẳng định Thanh Châu chính là nhân vật ai trong các câu thơ. Nhưng trong thơ T.T.Kh, ngoài ai ra còn có thêm nhân vật anh: “Giận anh em viết dòng dư lệ/Là chút dư hương điệu cuối cùng”. Vậy nhân vật ai này và nhân vật anh trong câu thơ trên là hai người hay một người?
Có thể có hai trường hợp: Ai là một người bạn của nàng, hoặc ai chính là người yêu của nàng, tức ai chính là anh. Nếu xảy ra trường hợp đầu thì Thanh Châu chỉ là người bạn của T.T.Kh, được biết đến chuyện tình duyên ngang trái của nàng nên cảm hứng viết nên truyện Hoa ti gôn. Nếu xảy ra trường hợp sau thì Thanh Châu chính là người yêu của T.T.Kh.
Chúng ta chú ý, trong ba bài thơ, chỉ có Bài thơ cuối cùng là nàng đối thoại trực tiếp với người yêu mình: “Anh hỡi, tháng ngày xa quá nhỉ?”. Tại sao như vậy? Là vì lúc này nàng đang giận chàng. Nàng muốn nói chuyện “đâu ra đấy” với chàng một lần cho xong. Chúng ta đọc thêm khổ thơ thứ năm: “Từ đây anh hãy bán thơ anh/Còn để yên tôi với một mình”. Ta thấy lúc này nàng cự cãi với chàng một cách khá căng thẳng. Có lẽ chàng vừa gây ra một lỗi lầm gì đó làm cho nàng giận. Liên hệ đến khổ thơ thứ ba có câu “Bài thơ đan áo nay rao bán/Cho khắp người đời thóc mách xem” thì ta sẽ hiểu ngay chuyện gì. Đó là chuyện Bài thơ đan áo, chàng đã lấy nó đem “rao bán” làm cho nàng bực tức. “Rao bán” là từ mà nàng ví von cho hả tức chứ thực sự là chàng đã để lọt bài thơ đó ra ngoài. Bài thơ này vì một lẽ gì đó mà nàng không muốn cho ai đọc. Việc đăng báo bài thơ này có lẽ gây nên điều gì hệ trọng lắm nên nàng đã hết sức tức giận: “Là giết đời nhau đấy biết không”.
Hãy để ý thêm chút nữa. Sau khi nói xong chuyện Bài thơ đan áo, nàng liền quay sang chuyện những cánh hoa ti gôn: “Những cánh hoa lòng, hừ đã ghét/Thì đem mà đổi lấy hư vinh”. Chúng ta thấy rất rõ: người gây ra chuyện Bài thơ đan áo cũng chính là người nhắc đến những cánh hoa ti gôn. Trước thì nàng cố giấu nhưng bây giờ vì đang tức giận nên nhân nói chuyện này nàng nói qua chuyện kia một thể luôn. Như vậy thì nhân vật ai, người liên quan đến những cánh hoa ti gôn (Trách ai mang cánh ti gôn ấy) và nhân vật anh, người yêu của nàng (Anh hỡi tháng ngày xa quá nhỉ) chính là một. Như vậy mối quan hệ là đã rõ. Thanh Châu chính là người yêu của T.T.Kh. Điều này cũng phù hợp với lời kể của nàng ở khổ thơ đầu trong Bài thơ thứ nhất rằng người yêu nàng là một chàng văn nghệ sĩ: “Thuở trước hồn tôi phơi phới quá/Lòng thơ nguyên vẹn một làn hương/Nhưng nhà nghệ sĩ từ đâu lại/ Êm ái trao tôi một vết thương”.
Thật sự ta đã giải mã được vấn đề quan trọng là tìm ra người ấy của T.T.Kh.

Sau khi chia tay, hai người không có điều kiện gặp lại nhau nữa vì đến năm 1954, hai miền Nam Bắc chia đôi, Vân Chung đã cùng chồng vào Nam còn Thanh Châu ở lại quê nhà. Mãi cho đến bốn mươi năm sau, khi miền Nam giải phóng, Thanh Châu mới tìm vào Sài Gòn để thăm lại cố nhân”.

 4. Dàn dựng xong thì cả hai tiền bối và hậu bối… lãnh đủ:

" Tiền bối Thế Phong nhớ lại trong tùy bút của mình"


NGỌC THIÊN HOA


===========

              

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ