Nhà văn Thanh Châu sinh năm 1912. Vào năm 1937, khi văn đàn xôn xao về mấy bài thơ của tác giả bí ẩn T.T.Kh, ông đã 25 tuổi, có ít vốn liếng văn chương. Ông sinh ra và lớn lên tại thị xã Thanh Hóa, là quê mẹ. Nơi ấy cũng có một người con gái kém ông 7 tuổi đang sinh sống, tên là Trần Thị Vân Chung. Vào năm 1937, nàng đã 18 tuổi. Trên chuyến tàu định mệnh Hà Nội - Thanh Hóa vào một chiều cuối thu trước đó, hai người đã gặp nhau để khởi đầu một mối tình đầy nước mắt. Cũng một ngày cuối thu cách nay 4 năm, tôi đã đến căn nhà mà nhà văn Thanh Châu ở tại Tân Bình - TPHCM để nghe ông nói về mối tình ấy. Khi đó ông đang nằm trên giường bệnh, nói năng rất khó khăn nhưng vẫn cố gắng trả lời những câu hỏi tò mò của tôi. Dù phải chắp nối để nghe cho rõ câu chuyện nhưng tôi cảm nhận được sự thổn thức trong tim ông khi ông nhắc lại mối tình đã tan vỡ gần bảy mươi năm về trước. Có lẽ đó là lần đầu tiên ông tiết lộ vài chi tiết về mối tình bi thương ấy cho một người nghiên cứu như tôi nghe. Vì sao tôi đến thăm ông lần ấy? Bởi vì trước đó tôi đã thấy hé mở một số vấn đề rất thú vị trong khi nghiên cứu truyện ngắn Hoa ti-gôn của ông và bốn bài thơ tình của T.T.Kh. Tôi đã chắc rằng giữa hai người này có mối quan hệ dây mơ rễ má gì đó. Công việc giải mã truyện ngắn và bốn bài thơ cho tôi kết quả: T.T.Kh chính là người yêu của nhà văn Thanh Châu. Và thế là tôi đến để hỏi ông, về một mối tình tan vỡ đớn đau vào lúc ông khoảng 22 - 23 tuổi. Tôi đã đưa đích danh Trần Thị Vân Chung ra để hỏi, nhưng trong lòng tôi cứ sợ ông chối, không nhận mình là người yêu của Trần Thị Vân Chung. Vì trước đó mười năm, tác giả Thế Phong đã công bố rằng Trần Thị Vân Chung là người yêu của Thanh Châu nhưng chính Thanh Châu đã lên tiếng rằng hai người chỉ là bạn bè một thuở mà thôi. Nếu nhà văn Thanh Châu không thừa nhận Trần Thị Vân Chung là người yêu của ông thì kết quả giải mã của tôi vô nghĩa. Vì thế tôi vô cùng hồi hộp khi gõ cửa ngôi nhà vắng vẻ ấy để lên căn gác nhỏ thăm ông. Và, tôi đã lặng người đi khi ông gật đầu trước câu hỏi của tôi. Sợ ông nghe nhầm câu hỏi, tôi phải hỏi đi hỏi lại ba, bốn lần, ghi âm cẩn thận và ông vẫn gật đầu. “Vâng, bà Vân Chung và tôi có yêu nhau”. Sau câu trả lời đó của ông, tôi đi sâu vào chuyện tình và ông đã không ngần ngại kể cho tôi nghe một số tình tiết câu chuyện. Có lẽ tôi phải trở lại đôi điều mà tôi đã trình bày trong cuốn sách Giải mã nghi án văn học T.T.Kh. Trước đó, nhiều giả định cho rằng T.T.Kh có thể là Thâm Tâm hoặc Nguyễn Bính. Có nghĩa là T.T.Kh là những người đàn ông. Nhưng qua phân tích truyện ngắn Hoa ti-gôn của Thanh Châu, các bài thơ Hai sắc hoa ti-gôn, Bài thơ thứ nhất, Bài thơ cuối cùng và Bài thơ đan áo của T.T.Kh, tôi đã đưa ra được một số tiêu chí khác hẳn để xác định T.T.Kh như sau: Bất cứ nhân vật nào nếu muốn giả định là T.T.Kh thì đó phải là một người phụ nữ và hơn thế nữa, người phụ nữ ấy phải là người yêu của nhà văn Thanh Châu. Ngoài các tiêu chí chính đó, còn có các tiêu chí phụ khác như nhân vật đó phải có độ tuổi hợp lý (đến năm 1937 phải là một thiếu nữ 17 – 18 để có thể đã có chồng dạm hỏi hay lên xe hoa rồi), T.T.Kh phải là một người có sinh hoạt văn học (có thơ đăng báo, in sách)... Và thật kỳ diệu, nhân vật Trần Thị Vân Chung, mà trước đó nhà văn Thế Phong đã phát hiện nhưng chính bà từ chối, có những đặc điểm nhân thân khớp một cách gần như hoàn toàn với T.T.Kh. Tôi chỉ còn phải làm một “phép thử” nhỏ, là xác định xem giữa Thanh Châu và T.T.Kh có mối quan hệ tình cảm thực sự nào không. Vì thế tôi đã đến gặp nhà văn Thanh Châu. Và tôi đã gặp may. Cho đến bây giờ tôi cũng không hiểu vì sao nhà văn Thanh Châu lại nói thật với tôi về mối tình này. Theo đó, sau khi gia đình Vân Chung không đồng ý cho hai người lấy nhau, Thanh Châu liền ra Hà Nội học và bắt đầu viết văn, làm báo. Ông mang theo mối tình sầu thảm ấy như ông viết trong bài tùy bút Những cánh hoa tim vào mùa thu năm 1939: “Vì tôi thấy tôi cảm thấu hết được những cái gì là tê tái trong tình ái”. Một thời gian sau, Thanh Châu nhận được thư từ Thanh Hóa của gia đình gửi ra thông báo Vân Chung đã lấy chồng. Dĩ nhiên là Thanh Châu không có mặt trong ngày lên xe hoa đó của nàng (chồng Vân Chung lúc đó đã là một người có vai vị, về sau làm đến tri huyện, cho đến thời chính quyền Sài Gòn, làm đến chức tổng trưởng quốc phòng). Tôi sung sướng tột độ trước những thông tin từ tiết lộ chân thành này của nhà văn Thanh Châu. Cùng đi với tôi có nhà văn Nguyễn Khoa Đăng, khi đó dù chưa nắm thật rõ việc giải mã của tôi nhưng cũng chia sẻ niềm vui với tôi. Thế là những câu thơ T.T.Kh có thể gắn vào cho Trần Thị Vân Chung. Chẳng hạn đây là giây phút khi Thanh Châu ra Hà Nội viết văn, làm báo, Vân Chung ở lại thị xã Thanh Hóa một mình trong nỗi tiếc thương: Ở lại vườn Thanh có một mình Tôi yêu gió rụng lúc tàn canh (Bài thơ thứ nhất) Lúc Vân Chung chuẩn bị lên xe hoa về nhà chồng: Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng Trời ơi! Người ấy có buồn không (Hai sắc hoa ti-gôn) Có vô vàn sự trùng khớp nữa mà tôi không thể kể ra hết trong một bài báo nhỏ này. Tôi liền quyết định dấn thêm một bước nữa. Tôi ghé miệng vào tai nhà văn Thanh Châu và hỏi (vì khi đó ông đã khá nặng tai rồi): - Trần Thị Vân Chung có phải là T.T.Kh không ạ?
Hai, ba lần hỏi ông mới nghe rõ và ngó mặt đi chỗ khác: -Không! Không phải! Bà Vân Chung không phải là T.T.Kh. Toàn là bày vẽ chuyện. Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng thất vọng ra mặt. Nhưng tôi thì khác. Tôi không hề đón chờ câu trả lời “Vâng, Trần Thị Vân Chung chính là T.T.Kh” vào lúc này. Dù rằng tôi phải hỏi cho bằng được câu hỏi ấy. Câu trả lời ấy nếu có phải là lúc ông sắp sửa đi xa mãi mãi vào cõi vô cùng. Hoặc có thể là không bao giờ có câu ấy, vì họ đã thề rằng: Cố quên đi nhé câm mà nín (Bài thơ thứ nhất) Sau khi tôi hoàn thành cuốn sách, mấy lần tôi định đem đến tặng ông nhưng rồi tôi lại chần chừ không muốn tặng. Không rõ vì lẽ gì. Thật kỳ lạ. Cho đến hôm nay ông đã đi xa vĩnh viễn. Sáu mươi mấy năm trước Hoài Thanh viết trong Thi nhân Việt Nam: “Ai biết “con người vườn Thanh” bây giờ ra thế nào? Liệu rồi đây người có thể lẳng lặng ôm nỗi buồn riêng cho đến khi về chín suối?”. Không biết T.T.Kh nghĩ gì trong ngày buồn này? Bà có thầm đọc những vần thơ đau đớn khi xưa để tiễn biệt nhà văn Thanh Châu về cõi vô cùng:

 Anh hỡi, tháng ngày xa quá nhỉ? Một mùa thu cũ một lòng đau...

(Bài thơ thứ nhất)


TRẦN ĐÌNH THU    


nguồn: báo người lao động 


============