Thứ Ba, 9 tháng 2, 2021

bài đọc thêm (3) : Có một người vừa khuất bóng: Ngọc Tự -- source: http://t-van.net/?author=24

 ngọctự: Có một người vừa khuất bóng

GS-Cao-The-Dung-300x265

GS Cao Thế Dung (1933-2017)


 (tưởng nhớ anh Cao Thế Dung)

Anh Cao Thế Dung từ trần ngày 31.10.2017, nhưng mãi mấy ngày sau tôi mới được biết tin, do anh Bùi Đức Uyên, một người anh em huynh đệ cũ cùng trong nhóm Tạp chí Quần Chúng ngày xưa, hiện đang ở bên Cali chuyển tiếp đến cho. Gia đình tang quyến đã đăng cáo phó và báo chí mạng cũng có những Phân ưu, nhưng vì ít theo dõi thường xuyên các trang mạng đó nên tôi không biết sớm hơn về sự ra đi của anh.

Có lẽ anh Cao Thế Dung là một tên tuổi không mấy xa lạ với cộng đồng người Việt tại hải ngoại, cách riêng tại Hoa Kỳ, đặc biệt vào thời điểm nhiều vấn đề liên quan đến những sinh hoạt của tổ chức quen gọi là Mặt trận Hoàng Cơ Minh,bùng nổ dữ dội và sôi nổi một thời, mà anh có mặt nơi vài diễn biến quan trọng. Thêm vào đó là những bài nhận định và bình luận thời sự của anh trên báo chí, những buổi anh thuyết trình ở nhiều nơi về thời sự chính trị; cùng những bộ sách Biên khảo đủ loại đầy giá trị mà anh là tác giả, xuất hiện trên văn đàn và được người đọc đón nhận

Riêng tôi, cũng có ít nhiều gần gũi thân tình với anh, cũng như một vài anh khác trước đây tại Sài gòn, khi may mắn được ở trong nhóm tạp chí Văn học Thời đàm Quần Chúng (1967-1971) mà anh là chủ biên; rồi cả thời gian dài lâu sau đó nữa, lúc báo đã đình bản.

Trong tôi bỗng dưng bùi ngùi xao xuyến quá khi khoảng thời gian tháng năm ấy bất chợt ùa về cùng bao buồn vui quên nhớ. Và hình ảnh anh Cao Thế Dung lẫn vào những kỷ niệm ngày nào, cứ chập chờn ẩn hiện vây quanh từng nơi chỗ, từng thời điểm…

*

Vào giữa năm 1966, khi tôi bắt đầu ghi danh học năm thứ Nhất trường Luật Khoa Sàigòn, thì cũng đã có thời gian tấp tểnh đôi chút chuyện thơ văn báo chí. Và rồi đến cuối năm ấy sang đầu năm 1967, qua trung gian giới thiệu của một ông anh trong Không Quân ở Căn cứ Tân Sơn Nhất; sau thời gian chuẩn bị, sắp xếp,một đám tuổi trẻ chúng tôi được giao phụ trách Bán nguyệt san Quần Chúng, tờ báo ra đời do sự bảo trợ của Trung tá Lưu Kim Cương, một ông quan lính tầu bay đầy chất nghệ sĩ, vô cùng yêu thích văn chương nghệ thuật, khi đó đương nhiệm Tư lệnh Không Đoàn 33. Mọi thứ đều sẵn sàng ngay thời gian đầu, từ việc đã có giấy phép xuất bản (đứng tên Chủ nhiệm là bà Nguyễn Thị Bảo Kim, người trong gia đình ông) để được Bộ Thông Tin cấp “bông”giấy, cùng việc có được những quảng cáo dài hạn của các cơ sở thương mại lớn trong phi trường Tân Sơn Nhất, đủ trang trải các chi phí điều hành.

Nhưng rồi chỉ được đâu vài ba tháng, do thiếu kinh nghiệm báo chí và còn non nớt quá nên thành phần đa dạng, đầy phức tạp lúc đầu của bọn tôi đã phải giải tán, nhường chỗ cho Ban Biên tập mới gọn nhẹ hơn, do anh Cao Thế Dung được mời làm chủ bút. Anh Khải Triều (hiện ở Sàigòn), Chu Vương Miện (hiện nay,Cali) và tôi trong nhóm cũ tiếp tục còn ở lại.Có thêm hai anh Đỗ Đức Thịnh (nay cũng ở Cali), Bùi Đức Uyên bên Đại học Văn Khoa cùng tham dự vào ban biên tập mới này.

Khi có sự hiện diện của anh Cao Thế Dung, với tiêu đề Văn học Thời đàm, tờ báo được cải tổ toàn diện từ hình thức đến nội dung.Ngay mấy số đầu tiên của bộ mới, Quần Chúng đã trở nên khởi sắc và được độc giả khắp nơi chú ý đón đọc nhiều hơn.Và rồi uy tín của báo ngày càng tăng, có một vị trí vững vàng trên văn đàn và báo giới. Nhờ thế, dù rằng Cố Chuẩn tướng Lưu Kim Cương đã hy sinh đền nợ nước vào thời điểm chiến trận tháng 5/1968, tờ báo vẫn vững mạnh,tiếp tục được duy trì mãi cho đến khoảng giữa năm 1971 mới phải đình bản, do tình hình khó khăn chung của làng báo khi đó.

Trong các số báo buổi đầu lần lượt được ấn hành, bên cạnh những bài tiểu luận trình bầy về các vấn đề thời sự chính tình khi ấy của anh và các tác giả thân hữu, như Trương Tử Phòng (bút danh của Giáo sư Phạm Kim Vinh, đồng nghiệp của anh ở Lasan Taberd), Lữ Tuấn (Nguyễn Công Luận)…; nơi nội dung Văn học, loạt bài nhận định về các Tác giả & Tác phẩm đương thời do anh phụ trách, được bắt đầu với Văn của Nguyễn Thị Hoàng, rồi Thơ của Thanh Tâm Tuyền, là những tác giả tiêu biểu được yêu mến khi đó, đã có một sức hút đáng kể trong bạn đọc. Đây cũng là tiền đề để anh biên soạn bộ sách Văn học hiện đại mà quyển đầu về Thi ca và Thi nhân, được hoàn tất và xuất bản mấy năm sau.

Các vấn đề thời sự chung quanh chính tình, kinh tế và văn hóa xã hội, cuộc chiến tranh Việt Nam, rồi sự có mặt để trực tiếp tham chiến của lực lượng quân sự Hoa Kỳ tại Miền Nam, tạo ra những hệ lụy như thế nào… là những chủ điểm được trình bầy, trao đổi, đàm luận thường xuyên; xuất hiện đều đặn trong nội dung nhiều số báo qua năm tháng. Tờ Quần Chúng đã bị Bộ Thông Tin đặc biệt để ý và được xếp vào thành phần có tư tưởng “ngụy hòa, phản chiến”. Cơ quan Thông tin Văn hóa Hoa Kỳ JUSPAO cũngchú ý tìm hiểu về đường lối và chủ trương của báo.

*

Tôi không thể nào quên được ngày đầu tiên tìm đến nhà để gặp anh. Khi ấy, anh chị còn ở trên căn gác nhỏ khu xóm Bàn cờ. Buổi chiều mùa hạ Sài gòn oi nồng.Anh vui vẻ đón tôi ngay chân cầu thang, nụ cười rạng rỡ thật tươi và ánh mắt thì vô cùng ấn tượng, đã òa vỡ trong tôi một cảm xúc khó lòng mà diễn tả. Nụ cười và ánh mắt rất riêng lạ này đã theo tôi suốt buổi chiều chuyện trò với anh hôm đó cho đến tận hôm nay đây, khi tôi đang nghĩ nhớ lại về anh.

Ở bất cứ nơi chỗ nào và với bất cứ ai, hình như tôi cũng đều luôn thấy anh có nụ cười và ánh mắt như thế.

Anh tuy thấp người nhỏ nhắn, hơi gầy nhưng khuôn mặt to rộng, kiểu vuông chữ điền thật sáng, vành tai hai bên dài đều, vầng trán cao thông minh và đôi mắt anh khi nhìn người đối diện, như thể có một nhãn lực xoáy hút vô cùng mãnh liệt. Tướng cách gọi đây là “nhãn minh thủ khoái” của những con người có kiến thức thông thạo và sức làm việc thì thật bền bỉ.Cuộc đời anh với những thành công qua các lãnh vực đã chứng tỏ điều này.

Tôi đã cảm động biết mấy khi anh xuống bếp lấy thêm một cái ly, rồi tự tay sẻ đều ly cà phê đá còn đầy nguyên để hai anh em cùng uống. Chừng như đây là cách thức thân tình dễ thu phục người bậc dưới của các huynh trưởng.Tôi thấy thật thích giang sơn làm việc của anh,dù chỉ bao gọn nơi phần ban công phía trước sàn gác thấp lè tè, gần sát với mái tôn bên trên, chung quanh chất đầy các loại sách báo gọn gàng ngăn nắp, cái bàn viết nằm cạnh góc vách có để đống tập vở, hình như anh đang dở dang việc chấm bài cho học trò.

Thời gian này, công việc chính của anh là dậy học ở trường Taberd Sàigòn và tham gia tờ nội san của hệ thống Lasan Taberd.Vài sinh hoạt văn chương chữ nghĩa vẫn còn trầm lặng chứ chưa nổi trội như về sau trong lãnh vực báo chí. Mà chuyện văn chương chữ nghĩa của anh khởi đầu bằng tập thơ “Khúc ca nhược tiểu” dưới bút hiệu Cao Đan Hồ, do Đại Nam Văn Hiến của anh Thế Phong giới thiệu khoảng năm 1963 thì phải.

Thế rồi dần dà tôi có được thân tình với anh và có lẽ anh cũng dành cho đứa em nhỏ tuổi nhất trong nhóm mấy anh em những yêu mến đặc biệt.

Tôi học được ở anh sự chững chạc, khoan thai mà ung dung, luôn chỉnh tề tươm tất trong trang phục và chú ý chăm chút con người mình. Thỉnh thoảng có dịp đến anh để cùng đi công việc, tôi thường chứng kiến anh đứng đối diện gương soi rất lâu, vuốt cẩn thận từng lớp “bi ăng tin” lên mái tóc dầy, trước khi cầm lược chải gọn gàng xong xuôi vừa ý rồi mới thay quần áo, mà bao giờ cũng phẳng phiu nếp ủi.Gần anh, tôi được trang bị nhiều tự tin, dạn dĩ hơn khi gặp gỡ, giao tiếp với mọi người. Kinh nghiệm và vốn sống của tôi được tích lũy nhiều lên qua thời gian làm việc chung với anh trong những công việc của tờ báo.

Trải dài từ ngày tòa soạn còn đặt ở nhà in Hồng Lam của linh mục Cao Văn Luận trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, gần ngã tư Phan Đình Phùng chỗ đài phát thanh Sài gòn mà nằm chéo bên kia đường có căn nhà cũng là cái quán số 44, nơi ra vào gặp gỡ của nhiều thành phần văn nghệ sĩ mỗi ngày. Đôi lần trong tuần, tôi theo anh ghé vào đây.

Văn phòng nhà in Hồng Lam có quản đốc là anh Trần Tuấn Nhậm, một con người như thể kẻ sĩ bất phùng thời, luôn có bạn hữu nhiều giới ghé đến chuyện trò.Lại có thêm chị Phương Khanh, một nhà văn nữ làm quản lý. Đây cũng là chỗ các ông nhà báo, các ông viết văn làm thơ thường hay lui tới luôn.

Nhờ mấy nơi này, tôi biết thêm ít nhiều về sinh hoạt và những khuôn mặt trong thế giới văn chương chữ nghĩa cũng như nghệ thuật.

Rồi sau chiến cuộc Tết Mậu Thân 1968, khu vực chung quanh đài phát thanh bị phong tỏa lâu dài, mỗi lần ra vào thật khó khăn, anh Cao Thế Dung chuyển tòa soạn Quần Chúng về nhà in Xây Dựng của linh mục Nguyễn Quang Lãm, nằm trên đường Thánh Mẫu khu ngã ba ông Tạ. Chỗ này gần sát ngay bên cà phê Thăng Long, địa điểm quen thuộc của đủ loại người trong thành phố. Tôi cũng thường ghé đến đây nên được dịp biết thêm đôi chút nữa về sinh hoạt văn nghệ, báo chí và xã hội lúc bấy giờ.

Linh mục Nguyễn Quang Lãm cũng là chủ nhiệm tờ nhật báo cùng tên và nhà in Xây Dựng là nơi đã in ấn quyển “Làm thế nào để giết một Tổng Thống”của anh và mấy quyển sách của nhà xuất bản Quần Chúng.

Phải nhận rằng anh là người có thực tài dù bằng cấp không cao.Với các loại tài liệu nào thu thập được, anh nhận định rồi tổng hợp, phân tích đánh giá mọi vấn đề rất nhanh và khi trình bầy, dàn trải ra bài viết thật mạch lạc, dễ hiểu đầy thuyết phục. Ngoài khả năng nổi bật ấy, sức làm việc của anh cũng thật đáng nể. Anh không sử dụng máy đánh chữ để viết bài, mà những trang bản thảo đều được anh viết tay trên giấy vở học trò, bao giờ cũng rất rõ ràng nắn nót, thường dầy hàng vài chục trang vì nét chữ rất to.Quả là kỳ công, nhưng lại rất dễ dàng cho anh em thợ sắp chữ dưới nhà in.

Khởi đi từ tờ Quần Chúng, bằng nội lực và khả năng phong phú, đa dạng của một con người từng trải, anh bước mạnh mẽ dần vào làng báo Sàigòn, rồi nhanh chóng có một chỗ đứng vững chắc. Tôi nhớ hai tờ nhật báo lớn mà anh cộng tác chính thức; thường xuyên tham gia nhiều bài viết là Chính Luận của bác sĩ Đặng Văn Sung và Hòa Bình của linh mục Trần Du.

Bút lực chắc tay sung mãn của anh, một ngòi bút chân chính, luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự trung thực; lại tràn đầy nhiệt huyết lý tưởng quốc gia dân tộc, đã được nhiều người ghi nhận. Tôi đoan chắc từ đó mà anh, chứ không phải một người nào khác trong số những người viết văn viết báo cùng thời, đã được bác sĩ Trần Kim Tuyến hoàn toàn tin cậy giao phó những tài liệu quý hiếm và còn có thêm nhiều ý kiến trao đổi, các sự yểm trợ nhiệt tình khác nữa, để anh hoàn tất bộ sách “Làm thế nào để giết một Tổng Thống” năm 1969, gây tiếng vang, làm chấn động dư luận ngày ấy và cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị lịch sử.

Dù đã thành công và thành danh ở làng báo, không bao giờ anh bỏ quên anh em chúng tôi trong sinh hoạt chung nơi tờ báo nhà, cũng như trong mọi chuyện tình nghĩa huynh đệ, kể cả thời gian về sau này, khi báo đã đình bản rồi.

Anh luôn tìm phương cách để không ngừng phát triển uy tín của tờ Quần Chúng, cũng như thúc đẩy, khuyến khích anh em trong nhóm tăng tiến hơn lên.Anh luôn có mặt bên chúng tôi với nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

Thời gian ấy, chỉ mình anh đã lập gia đình và đã có con cái, còn mấy anh em chúng tôi đều độc thân như nhau. Anh nói khi nào chúng tôi lập gia đình, anh sẽ đặt may tặng chú rể bộ veste mặc trong đám cưới để kỷ niệm. Tuy vậy phải chọn tìm được người vợ đừng có máu Hoạn Thư quá đáng.Tôi cứ nhớ mãi câu chuyện vui anh kể về sự ghen tương rất nổi tiếng của bà vợ một ông ký giả ở toàn soạn báo Hòa Bình.

Chỉ riêng Chu Vương Miện lấy vợ sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, khi anh em đã tan tác mỗi người mỗi ngả, còn chúng tôi từ anh quản lý Đỗ Đức Thịnh, thư ký tòa soạn Bùi Đức Uyên, anh Khải Triều rồi đến tôi, đã lần lượt lấy vợ với món quà tặng ấy của anh trong ngày cưới. Anh Khải Triều trở thành cột chèo với anh Nguyễn Tấn Khang, người bạn mới của anh (một ông Nghị viên Hội đồng Đô thành Sàigòn, trong gia đình BS Nguyễn Đan Quế, BS Nguyễn Quốc Quân)) cũng do anh mai mối và giúp đỡ rất nhiều trong việc cưới xin.

Phần tôi, một ngày đầu tháng 12 năm 1972 là ngày đám hỏi, trời bỗng dưng trở mưa gió bất thường từ sáng sớm. Dù rất bận rộn công việc nhưng anh đã đến để cùng bố mẹ tôi vàgia đình họ hàng nhà trai đi sang nhà gái. Quả là một bất ngờ và thật xúc động cho tôi biết mấy, vì từ ngày báo đình bản, anh em ít còn gặp nhau nhiều, và khi đưa thiệp mời, tôi vẫn nghĩ anh sẽ chỉ có thể dự tiệc ngày đám cưới mà thôi. Tôi nhớ trước khi về, anh còn ghé tai tôi nói nhỏ, hôm nào xong việc thì ghé đến ông quản lý Đỗ Văn Nguyện báo Chính Luận để lấy tí tiền còm anh tặng mừng trước, anh sẽ dặn ông ấy việc này.

Cùng với hoạt động của báo, theo dự tính và đề xướng của anh, chúng tôi cũng bắt đầu bước vào lãnh vực xuất bản sách. Ngoài hai tập thơ của tôi và tập tiểu luận “Bản Tự Thú” của anh Khải Triều viết chung với Trình Phổ (bút danh của Bùi Đức Uyên) chỉ phổ biến ở mức độ khiêm tốn trong vòng thân hữu, quyển “Văn học hiện đại_Thi ca và Thi nhân” của anh năm 1969 hay quyển “50 năm Triết lý và Khoa học Liên Xô” của giáo sư Lê Thành Trị thuộc Đại học Văn Khoa Sài gòn năm 1968 (do họa sĩ Cao Bá Minh trình bầy bìa), đã tạo tiếng vang tốt khi phát hành rộng rãi ngoài thị trường sách báo.

Sau lần định đưa nhóm anh em chúng tôi cùng về làm bên nhật báo Chính Luận (để phụ trách phần trang trong) không thành; năm 1971, anh giới thiệu anh Khải Triều, người anh em thân thiết thuở hàn vi của anh, về chung sức với ký giả lão thành Nhị Lang, đảm trách Thư ký tòa soạn tuần báo “Diễn đàn Chính đảng” của ông Trương Vĩnh Lễ, một nhân sĩ tiếng tăm, vốn đang có sẵn Sàigòn Ấn quán trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Tân Định. Cùng với các anh em khác trong nhóm, tôi cũng có tham gia bài vở văn nghệ trong tờ báo này.

Hồi ấy, tôi còn nhớ thường ra cứ hàng tháng, anh Cao Thế Dung đưa tất cả anh em chúng tôi đi ăn ở một tiệm ăn nào đó. Có khi chỉ là bữa tiết canh vịt nơi quán hẻm nổi tiếng ở khu Hồng Thập Tự, hay buổi thịt chó trên sàn gác quán “Sống trên đời” đường Trần Quốc Toản phía bên kia Viện Hóa Đạo, hoặc thực đơn Tây, Tầu ở một nhà hàng nhỏ vùng ngã Bẩy.

Từ sau ngày anh nhận chức phụ tá Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục cho Sư huynh Mai Tâm và được cấp căn nhà rất rộng rãi trong khuôn viên của Viện ở khu Hùng Vương-Nguyễn Tri Phương, đã có được một xe hơi làm phương tiện di chuyển cho gia đình; ngày mùng bốn Tết mỗi năm, chúng tôi cùng đến nhà anh theo ước hẹn để được anh tự tay xuống bếp nấu nướng các món ăn, thết đãi bữa cơm họp mặt huynh đệ đầu năm. Cũng là chúc mừng cho anh chị đã qua những ngày khó khăn vất vả.

Mọi điều tốt đẹp của tình huynh đệ giữa anh em chúng tôi vẫn còn tiếp tục ngay cả sau khi tờ Quần Chúng đã đình bản năm1971.

Cùng thời gian ấy, dù anh Khải Triều đã đồng hóa vào phục vụ ngành Chiến Tranh Chính Trị tại Bộ Tư lệnh Không Quân Tân Sơn Nhất từ đầu năm 1967 (qua anh Trần Quốc Minh, bạn của anh), ngoài tờ Quần Chúng, vẫn còn tham gia điều hành “Nguyệt san Giáo dục “của hệ thống Lasan Taberd nên cũng được cấp căn phỏng nhỏ hơn, sát bên cạnh gia đình anh Cao Thế Dung. Nhờ thế mà sau này tôi thường tiện dịp ghé qua thăm anh luôn mỗi khi đến anh Khải Triều. Chẳng là sau khi động viên nhập ngũ vào Thủ Đức năm 1969, lúc mãn khóa, tôi được về cùng đơn vị với anh Khải Triều. Tôi nhớ, anh Cao Thế Dung cười rất vui và nói rằng chắc có lẽ ông Lưu Kim Cương đã run rủi để anh em chúng tôi về cùng một chỗ trong phi trường.

Những năm tháng tiếp theo, khi đã tỏa sáng, anh phát triển thêm rất nhiều những mối giao tiếp rộng rãi với đủ mọi giai tầng, thành phần trong xã hội. Ngoài văn giới và báo giới, anh còn có được cảm tình của nhiều sĩ quan cao cấp trong quân đội, các vị Dân biểu, Thượng nghị sĩ, các nhân sĩ chính khách…Nơi phòng khách nhà anh, tôi thấy bầy nhiều tặng vật kỷ niệm, đặc biệt là hai bình hoa bằng đồng sáng bóng, chế tác từ vỏ đạn đại bác 105 ly rất đẹp, với hàng chữ khắc tặng của một đại đơn vị quân đội thuộc Quân đoàn III.

Anh được ông Lê Phước Sang mời về làm Phó khoa trưởng Phân khoa Nông Nghiệp thuộc Viện Đại học Hòa Hảo dưới An Giang trong bối cảnh như thế. Và tại môi trườnggiáo dục mới này, anh đã nhanh chóng hoàn thành việc biên soạn “Lịch sử Văn minh Nông thôn”, đề tài rất đặc biệt và mới lạ, dùng trong giảng dậy và học tập cho sinh viên phân khoa của anh.

Dù sinh hoạt trong làng báo và cũng rất chuẩn mực, thêm dáng vẻ một nhà giáo, trông anh lúc nào cũng như đầy vẻ nghiêm nghị.Tuy thế anh Cao Thế Dunglà người xuề xòa dễ tính và độ lượng.Tôi chưa thấy anh tỏ ra trách giận ai một điều gì, dù điều đó có thể như là vô tình xúc phạm đến anh.Một lần tôi đưa Phan Lạc Giang Đông, người bạn thân cùng đơn vị (mất ngày 9.11.2001 ở Seattle) đến thăm anh. Do hào hứng trong câu chuyện và để bầy tỏ sự ngưỡng mộ, Phan Lạc Giang Đông đã liên tưởng anh với nhân vật Nguyễn Hữu Chỉnh. Tôi giật mình vì nhìn thấy anh hơi sững người một chút, nhưng rồi lại mỉm cười ngay. Ông bạn tôi vội luống cuống nói lại rằng chỉ muốn nhắc đến khía cạnh văn tài nổi bật của một Nguyễn Hửu Chỉnh nhân sĩ thời loạn, chứ không phải hình ảnh, thái độ ông quan Nguyễn Hữu Chỉnh đa mưu thời Tây Sơn- Hậu Lê. Anh xua tan sự ngượng nghịu cho Phan Lạc Giang Đông khi chuyểnsang kể câu chuyện ít người biết, liên quan đến người anh Phan Lạc Tuyên (từ trần tại Sàigòn ngày 10.11.2011) của Phan Lạc Giang Đông, nơi thời gian còn đang theo đơn vị hành quân ngoài miền Trung dạo 1955-1956, có bài thơ Tình Quê Hương, được nhạc sĩ Đan Thọ phổ nhạc rất nổi tiếng. Bất ngờ vừa nghe được tin người bạn văn chương là nữ sĩ Linh Bảo (chị của nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh) đang có mặt ở Sàigòn, chàng sĩ quan trẻ Phan Lạc Tuyên đã cùng với tài xế vội vã phóng xe Jepp vượt bao dặm trường đường xa, để chỉ vừa kịp tới phi trường tiễn bạn lên máy bay trở lại Hồng Kông là quay ngay về đơn vị. Anh tỏ ý vô cùng tiếc cho một con người lãng mạn đến thế, mà lại vướng vào sai lầm sau vụ binh biến 11.11.1960. Trong quyển “Văn học hiện đại_Thi ca và Thi nhân” anh đều dành cho thi sĩ Phan Lạc Tuyên và Phan Lạc Giang Đông những trang chữ thật đẹp.

Trong văn giới ai cũng biết anh Thế Phong là một nhà văn “cao bồi”, có tiếng “ngang tàng”.Rất nhiều người được anh nhắc tới qua các dòng chữ hay trang viết bằng thứ ngôn ngữ dễ “gây khó chịu”. Nhưng riêng với anh Cao Thế Dung, bao giờ anh Thế Phong cũng dành sự tương kính quý mến đầy thân tình trong những câu chữ, đoạn văn nói về giai đoạn quen biết, ân nghĩa giữa hai anh, lúc còn long đong cơ cực ở Sàigòn thuở nào. Đây là một trong những ngoại lệ hiếm hoi đối với anh Thế Phong mà tôi biết.

Trước ngày miền Nam thân yêu bị đổ vỡ tang thương đau xót, có một chi tiết để ghi thêm khúc quanh nữa trong sinh hoạt sôi nổi của anh, nhưng chưa được bao lâu, là việc anh bắt đầu có dính dáng tí chút đến chốn quan trường, khi đảm nhận chức vụ đầu não trong một tổ chức đoàn thể thuộc Bộ Canh Nông.

*

Phải mất nhiều năm dài sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, khi về lại Sàigòn từ những trại tù Cộng sản ngoài miền Bắc, tôi mới biết anh Cao Thế Dung và cả gia đình đã đi thoát trong những ngày dầu sôi lửa bỏng ấy và định cư yên ổn tại Hoa Kỳ. Ở Sàigòn, thỉnh thoảng tôi và anh Khải Triều gặp nhau, khi nhắc về chuyện cũ cùng những khuôn mặt thân quen với dăm ba tin tức nào đó vừa  mới nhận được, thường có những tin tức về anh Cao Thế Dung nơi xứ người.

Từ đấy, tôi biết anh Cao Thế Dung thường xuyên có những hoạt động hăng say sôi nổi không ngừng nghỉ đầy tâm huyết trong lãnh vực báo chí và đoàn thể, tổ chức đấu tranh chính trị tại hải ngoại.Tôi cũng hơi thảng thốt qua lần nghe tin anh bị mưu sát, nhưng may mắn không đến nỗi nào. Anh cũng là một trong những nhà biên khảo, nhà báo uy tín có tiếng tăm được yêu mến.

Cái lý tưởng và hoài bão của một con người Việt Nam Quốc Dân đảng trung kiên, tất cả cho đất nước và quốc gia dân tộc, được ôm ấp ngay từ thuở thanh niên mới lớn nơi những năm tháng ở Nam Định quê nhà trước ngày di cư 1954, như vẫn còn nguyên khí thế hừng hực,luôn nung nấu và cháy bỏng khát vọng trong con người anh đâu có bao giờ ngừng.

*

Tôi sang Hoa Kỳ vào những ngày cuối năm 2006; và ngay sau thời gian tạm ổn định cuộc sống, tôi cũng đã có ý tìm cách để có thể liên lạc với anh, nhưng rồi không hiểu sao cứ chần chừ lần lữa mãi. Từ Houston, tôi đã chuyện trò qua điện thoại, trao đổi email được với nhiều huynh đệ, bạn hữu cũ, kể cả mấy anh em trong nhóm Quần Chúng. Riêng với anh thì chưa một lần, dù vào khoảng đâu trong năm 2008 thì phải, qua thân hữu đây đó, tôi có biết về tin cháu Trang, con gái anh bị tử nạn trong một lần đi chơi biển. Lẽ ra tôi phải chia buồn với anh lúc đó mới đúng phép.

Tôi biết tờ báo Thế Giới Mới mà anh cộng tác thường xuyên từ rất lâu với bút danh Hà Nhân Văn ký dưới bài bình luận, và thỉnh thoảng vẫn đọc bài các bài anh viết được đăng tải lại đây đó, dẫu không được đều đặn cho lắm.Tôi cũng biết tin tức về sức khỏe của anh mấy tháng nay không còn tốt lắm và anh đã phải ngưng việc viết lách.

Rất thật lòng, trong tâm trạng có chút mệt mỏi vì những bầm dập khổ hạnh đã qua, phần khác sự chấp nhận sang Mỹ đối với tôi cũng là điều vạn bất đắc dĩ chẳng đặng đừng,cho nên hình như lúc nào tôi vẫn cứ luôn muốn thu nhỏ con người mình lại trong cái vỏ ốc cô đơn. Từ đó, tôi cho rằng bao năm tháng dâu bể dằng dặc như thế, với vô vàn những gặp gỡ, thân tình mới nơi những khung cảnh sinh hoạt mới ở đây, sôi nổi cuốn hút và tràn ngập trong đủ thứ công việc, hẳn rằng anh cũng đã quên lãng và cất hết các thứ ngày xưa cũ đi rồi, đáng kể gì cái thời đoạn tạp chí Quần Chúng ngắn ngủi có tôi bên cạnh anh. Điều ấy nếu đúng thì cũng là điều tất nhiên dễ hiểu thôi.

Nhưng đây là một sai lầm tệ bạc quá.Lúc biết tin anh mất, rồi qua chi tiết tìm đọc trên Cáo phó, tôi đã liên lạc được với tang quyến và chuyện trò cùng cháu Hương, cô con gái lớn của anh. Trong câu chuyện, cháu Hương bùi ngùi nói với tôi rằng, thỉnh thoảng anh Cao Thế Dungvẫn luôn nhắc kể cho các con cháu trong nhà về tháng năm anh làm báo ở Sàigòn, mà tờ Quần Chúng là một trong những kỷ niệm đẹp đẽ anh hằng luôn nhớ đến.

Thưa anh Cao Thế Dung quý mến, đứa em ngày xưa xin được tạ lỗi với anh, vì đã có những ý nghĩ thiển cận không đúng về anh như thế và đã không một lần có lời thưa chào thăm anh, từ ngày đặt chân đến đất ngụ cư này.

Tôi nhớ ngay đến nụ cười đôn hậu của anh và thấy lòng mình nhẹ nhàng thanh thản.

Có ai mà không phải đi đến cái chặng cuối cùng của cuộc sống.Ngày hôm nay tang sự của anh đã xong xuôi.Thế là thân xác anh đành đoạn gửi nhờ nơi đất khách quê người chứ không phải trong lòng đất quê hương Việt Nam. Người ta thường nói cái quan định luận. Cuộc đời anh, cũng chưa phải là có những điều gì to tát cho lắm, nhưng chắc chắn rằng với tất cả những gì anh đã thực hiện, anh đã đi trọn vẹn đến cuối cuộc đời của một kẻ sĩ đúng nghĩa.

Mấy ngày qua, biết bao nhiêu những vô vàn thương nhớ, yêu kính và quý mến được chân thành bầy tỏ, hướng vọng trao gửi đến anh, từ trong gia đình thân thuộc, con cháu; rồi bằng hữu huynh đệ, những người cùng chung chí hướng với anh, ở khắp nơi. Và chắc hẳn không thiếu những ngậm ngùi thầm lặng từ những độc giả thân quý của anh.

Có những bầy tỏ thống thiết vì thâm tình đồng nghiệp và chiến hữu với anh lúc sau này tại Hoa Kỳ. Có tâm cảm thành ý của người học trò cũ nhắc nhớ đến kỷ niệm với thầy Cao Thế Dung ở Ban Mê Thuột năm 1964. Và hẳn nhiên đâu thể nào thiếu những nặng lòng bồi hồi nhớ tưởng nhiều hơn nữa của các anh Nguyễn Công Luận, Trần Quốc Minh, hiền hữu chí thân cùng tâm hướng với anh từ thuở đi học xa xưa nơi quê nhà Nam Định, vẫn còn hiện diện tới hôm nay của các anh Khải Triều, hay Thế Phongvà những ngày tháng vất vả mưu sinh cơm áo nơi gác trọ trong xóm nhỏ lao động bờ tường ga xe lửa cuối đường Nguyễn Thông Saigòn buổi nào (sẽ phảng phất bóng dáng đã khuất của anh Đỗ Tất Phú). Thêm vào đấy, nhỏ nhoi thôi nhưng chan chứa tâm thành tưởng nhớ của những huynh đệ của anh: Khải Triều, Chu Vương Miện, Đỗ Đức Thịnh, Bùi Đức Uyên, Trần Nguyên Sơn, Trần Ngọc Tự và một thời Tạp chí Quần Chúng, Sàigòn 1967-1971.

Nơi chốn nghỉ yên nghỉ an bình ấy, anh được gặp lại những bằng hữu thân quen một thời đã ra đi trước anh, cũng như thật nhiều những con người khác nữa. Và hẳn rồi anh sẽ vẫn còn phải tiếp tục công việc trao đổi luận bàn về nhiều thứ vấn đề.Ai cũng biết anh đã nói về việc người ta làm thế nào để giết một Tổng Thống. Và mọi người cũng muốn nghe anh trình bầy, tố cáo và lên án cái thế lực nào, những con người nào đã giết chết và đang tiếp tục giết cả một đất nước, một dân tộc Việt Nam;mà chừng như anh chưa kịp nói hết, còn đang dở dang nửa chừng nơi cõi nhân gian dương thế. ./.

ngọctự.

(Houston 11.11.2017)

 

 

©T.Vấn 2017

 

Phụ Lục:

GS Cao Thế Dung Từ Trần Tại Maryland, Thọ 85 Tuổi

(Nguồn: Việt Báo)


SILVER SPRING, Maryland (VB) — Giáo sư Cao Thế Dung — cũng là nhà biên khảo với các bút hiệu Cao Vị Hoàng, Cao Đan Hồ, Hà Nhân Văn — đã từ trần hôm 31 tháng  10 năm 2017 tại Silver Spring, Maryland, USA.

Ông nổi tiếng từ trước năm 1975 trong ngành giáo dục.

Theo Cáo Phó, GS Cao Thế Dung sinh ngày 28 tháng 11 năm 1933 tại huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Như thế, ông hưởng thọ 85 tuổi.

Cao Thế Dung là giáo chức lâu năm của hệ thống giáo dục Lasan Taberd Sài Gòn, từng giữ chức Phụ Tá Viện Trưởng Viện Khoa Học Giáo Dục Sài Gòn, nguyên Phó Khoa Trường Đại Học Bách Khoa Nông Nghiệp Viện Đại Học HH tại Sài Gòn.

Năm 1973, Giáo Sư Dung làm Tổng Quản Trị Hiệp Hội Nông Dân Trung Ương thuộc Bộ Canh Nông, một tổ hợp nông doanh lớn của Việt Nam Cộng Hòa.

Theo tiểu sử Giáo sư phổ biến nhiều năm trước, vào lúc ấn hành một số sách, GS Cao Thế Dung di tản qua Mỹ năm 1975.

Ông từng đuợc Cơ Quan Văn Hóa The Ford Foundation cấp cho học bổng toàn thì (Research Fellownship) để nghiên cứu thị trường lúa gạo (1975-1977), đồng thời trở lại trường theo học tại Đại Học Georgetown, Columbia. Sau khi tốt nghiệp văn bằng Tiến Sĩ (Ph.D), Giáo Sư Dung trở thành chuyên gia phân tích thị trường, chuyên biệt về phó sản và gạo lúa…

Về văn nghệ và báo chí: 1959 Giáo Sư Dung cùng với Nhà Văn Thế Phong thành lập nhóm Đại Nam Văn Hiến. Từ 1966, ông trở thành một trong mấy cây viết trụ cột của nhật báo Chính Luận. Cùng với Nhà Thơ Nguyên Sa, phụ trách mục ‘’Một Bông Hồng Cho Văn Nghệ’’ trên báo Sống của Nhà Văn Chu Tử. Chủ bút tạp chí tranh đấu Quần Chúng (SG 1968-1970), Thư Ký tòa soạn tạp chí Giáo Dục (Viện Khoa Học Giáo Dục Sài Gòn 1970-1972), Chủ Nhiệm, Chủ Bút tạp chí Hành Trình (Hoa Kỳ 1978-1979)

GS Cao Thế Dung có nhiều tác phẩm ấn hành trước và sau 1975.


==========



0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ