Thứ Ba, 9 tháng 2, 2021

bài đọc thêm (1) : ngọc tự: Dòng chữ đánh thức những điều chuyện -- source : blog T-Vấn & bạn hữu

 ngọc tự: Dòng chữ đánh thức những điều chuyện

(Tạp văn)

Mới rồi, tôi đã có chuyến về Việt Nam hơn ba tuần lễ để thăm gia đình con cháu. Có lẽ đây cũng là lần đi để dối già. Đã gần mười ba năm qua, kể từ ngày đến ngụ cư tại Houston đây hồi cuối năm 2006, trong một chuyến tầu vét được mở lại thuộc chương trình định cư tỵ nạn của chính phủ Hoa Kỳ, dành cho các sĩ quan QLVNCH phải đi tù Cải tạo dưới chế độ Cộng sản sau ngày 30.4.1975; tôi chưa bao giờ được thuận dịp để có thể về như lần này, dù rằng vẫn hằng luôn mong mỏi trong lòng.

Gia đình con trai, con gái với các cháu nội ngoại và nhiều thân bằng quyến thuộc của tôi vẫn còn ở lại Sàigòn.

Cùng trong chuyến về thăm quê nhà này, ngoài các sinh hoạt sum họp gia đình, thân tộc, tôi có đi đến một vài nơi chỗ đây đó ở xa Sàigòn. Tôi cũng đã được gặp gỡ những thân tình bằng hữu quý mến trong nỗi xúc động khôn nguôi.

Khi quay lại Houston, được nhiều bạn hữu hỏi han gợi nhắc, tôi khởi thảo một bài viết, định tâm ghi lại những hồi cảm, chút tâm tình bâng khuâng vụn vặt về nơi chốn cũ ấy, sau những tháng năm xa lìa. Có những khuôn mặt thương yêu hằn sâu mãi trong ký ức theo thời gian. Có những nơi chỗ lưu giữ đầy ắp kỷ niệm, bây giờ đã hoàn toàn đổi thay lạ lẫm cả hồn lẫn xác; như cái xóm nhỏ cố cựu ven bờ kênh Nhiêu Lộc của tôi, rồi khắp cả thành phố Sàigòn, hoặc một ĐàLạt của biết bao nhung nhớ ngày tháng cũ.

Bên cạnh đó, tôi cũng muốn bầy tỏ đôi điều về chuyện đời, chuyện đạo, chuyện liên quan đến quê hương đất nước, trong suy nghĩ và nhận định của một người Việt tha hương xứ người, vừa mới tìm về cố quận.

Rất thật lòng, tôi dễ dàng và mau chóng nhận ra rằng mình đã trở thành một người  khách xa lạ ở ngay cố thổ, quá đỗi lạc lõng cô đơn giữa từng dấu vết còn bàng bạc chút gì thân quen, gần gũi đâu đó của tháng ngày những năm xưa. Hụt hẫng quá, như thể tôi vừa bị lấy mất một thứ gì đó, mà sao vẫn không thể nhìn thấy rõ được cái thứ đã bị mất ấy. Cũng may là còn nguyên vẹn những thương yêu gắn bó, để nhắc nhớ về cội nguồn chưa bị lãng quên.

Bài viết đã được gần năm trang chữ, bỗng dưng tôi bỏ dở dang nửa chừng, dù nguồn cảm hứng vẫn còn nguyên vẹn. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao lại như vậy. Có lẽ tôi muốn lặng thinh ôm giữ lấy mọi thứ cho riêng mình, không muốn một bầy tỏ, phơi trải nào chăng. Cũng có thêm đôi chút ngần ngại vì nghĩ rằng một vài nội dung được nói đến, sẽ tạo ra phản ứng tranh luận không cần thiết, dù chỉ trong vòng bạn hữu hạn hẹp.

Thỉnh thoảng bạn hữu thân quen có ý nhắc, vẫn cứ đinh ninh đợi chờ bài viết của tôi, rồi thất vọng dần trong quên lãng.

Tôi cũng quên bẵng mấy trang viết còn nằm trong computer. Đây không phải là lần đầu tiên. Tôi đã từng để hai ba bài viết dở dang khác rồi bỏ lửng, không hoàn tất cho xong như vậy. Cũng từ một lý do vu vơ bất chợt nào đó chẳng rõ ràng, nhưng thường là do tình trạng tự nhiên đâm ra lười chán với nhiều thứ chung quanh, mà đâu hiểu tại sao. Trong đó có việc bỗng cảm thấy không còn mấy háo hức và tha thiết với chuyện văn chương chữ nghĩa của mình như trước nữa, dù chỉ là thứ văn chương lẻ loại hạng bét, ăn đong vặt vãnh nửa mùa.

Hình như nói theo ngôn ngữ “văn chương hậu hiện đại” gì đó, có thể tôi đã bị rơi vào tình trạng “liệt dương hay bất lực với chữ nghĩa”cũng nên.

Tôi cũng đã già và cũng không phải là một ông thi sĩ đàng hoàng thứ thiệt, nhưng  rất thấm thía đoạn văn trong một tác phẩm của ông thi sĩ Rilke người Áo (1875-1926), đại ý thế này:

“Nếu đời sống thường nhật trở nên nhạt nhẽo nghèo nàn đối với ông thì ông đừng bao giờ qui trách nó. Ông hãy tự trách chính ông rằng ông không đủ tâm hồn thi nhân để mà có thể gợi dậy trong lòng mình tất cả sự phong phú miên man của đời sống thường nhật.”

[trích từ Thư gửi người thi sĩ trẻ tuổi của Rainer Maria Rilke, bản dịch Hoàng Thu Uyên (bút hiệu khác của Phạm Công Thiện), nhà xuất bản An Tiêm, Sàigòn, 1969]

Thế rồi hơn ba tháng trôi qua, mới đây anh Thế Phong, phục vụ cùng đơn vị Chiến Tranh Chính Trị Bộ Tư Lệnh Không quân (CTCT/BTLKQ) ngày trước, và cũng là một nhà văn tên tuổi quen thuộc trên văn đàn, gửi email báo tin đã bắt đầu viết lại trang blog mà anh đã tạm ngưng ngắn hạn nhiều lần và phải ngưng rất lâu từ cuối năm ngoái (thang-phai.blogspot.com VIRGIL GHEORGHIU), vì vấn đề sức khỏe tuổi già. Anh cũng nói thực hiện được việc này là do cảm hứng từ buổi tôi đến thăm anh và chuyện trò hàn huyên, trong lần tôi về Việt Nam đó. Thật ngạc nhiên đầy bất ngờ cho tôi.

Rất thật lòng, theo dõi trang blog của anh trong suốt thời gian qua, tôi đã bắt gặp nhiều điều thích thú.

Bất chợt như có một sự đánh thức, rồi tác động mạnh mẽ vào từng gợi nhớ và thôi thúc, tôi cũng nghĩ ngay đến việc tiếp tục bài viết nửa chừng, để ghi lại một vài điều chuyện quên nhớ trong chuyến về ấy. Thì cũng chỉ viết cho riêng mình để thử trí tưởng xem sao, và thêm nữa, cho các bạn hữu thân quý, như từ trước tới nay vậy thôi.

Hình như có một tài liệu nghiên cứu phổ biến lâu rồi, đã khuyến khích người trẻ lớn tuổi nên sử dụng computer thường xuyên để trao đổi emails, truy cập và tìm đọc các thứ trên mạng, hay thỉnh thoảng thử viết một cái gì đó… sẽ giúp trí não luôn được vận động, là cách tốt cho việc ngừa chống Alzheimer, thường gặp nơi tuổi già. Tôi chưa đến nỗi lú lẫn vì bệnh này, nhưng cũng có dấu hiệu bắt đầu hơi lơ tơ mơ. Vậy chắc phải nghe theo lời khuyên như thế để mà cố gắng áp dụng, dẫu cho trình độ thuộc loại i tờ net, hãy còn phải mầy mò lõm bõm nhiều thứ.

*

Quả thật, chuyến về thăm quê nhà sau hơn mười hai năm xa cách, đã để lại trong tôi thật nhiều nỗi xao xuyến bồi hồi và thật nhiều thứ cảm xúc lẫn lộn khác nhau. Trong bài viết này, tôi không nói gì đến phạm vi riêng tư nơi gia đình con cháu, hay những vấn đề liên quan tới chính sự, xã hội, tôn giáo; mà chỉ vụn vặt quanh vài chuyện tình nghĩa thân thiết gần xa của mình với bạn hữu anh em.

Bởi vì như dự định lúc đầu, có lẽ cũng rất thường tình giống như nhiều người khác, làm sao tôi tránh khỏi việc không thể không có sự suy tư và muốn bầy tỏ về những điều chuyện đã nhận biết và cảm nhận chung quanh hiện trạng quê hương đất nước.

Như chuyện chính sự và kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như giáo dục… trong nước hôm nay, đang trong tình trạng phát triển bất cân xứng và lệch lạc với nhiều điều mâu thuẫn nghịch lý đầy rối ren, làm băng hoại nhiều thứ, tiềm ẩn những đợt sóng ngầm nào đó.

Thế nhưng đối sánh với các sinh hoạt (lên án hay phản kháng, đấu tranh…) của người Việt tại hải ngoại, có thật nhiều những vấn đề để nói tới.

Dường như mọi thứ đang diễn ra ở ngoài này mới chỉ là những tiêu ngữ, khẩu hiệu của phong trào theo từng giai đoạn. Có hình thành được chưa một tiêu đích chung nhất như thế nào, cụ thể và khả thi, với nỗ lực phải đồng tâm đạt cho được, bằng một hệ thống tổ chức chủ đạo, kỷ luật chặt chẽ, hiệu quả và bền bỉ; hay tất cả vẫn còn đang tiếp tục loanh quanh trong sự hô hào, giữa các vụn rời phân hóa.

Tuy nhiên, có lẽ nên tránh nói tới những chuyện như vậy vì dễ gây ra tranh luận mà tôi đã tự nhắc chừng. Và cũng rất dễ bị ngộ nhận là muốn làm một vị Tuyên úy chính trị.

Còn nữa, trong đời sống và sinh hoạt nhà đạo ở một hai nơi chỗ quen thuộc rất nổi tiếng mà tôi biết và có ghé đến (như Giáo điểm Tin Mừng Nhà Bè với phong trào Lòng Chúa Thương Xót, nay đã thôi sinh hoạt, hay Trung tâm Hành hương cha F.X.Trương Bửu Diệp dưới Giá Rai, Bạc Liêu…); qua một vài quan sát thực tế rồi tìm hiểu đôi chút, tôi suy nghĩ cũng như cảm nhận về đức tin chân chính hay đức tin theo cảm tính, trong cách biểu tỏ lòng đạo đức bình dân, dễ xa rời chính tín, của số đông người tại mấy nơi đó.

Đây là vấn đề thuộc phạm vi thần học tín lý đức tin trong tôn giáo. Nếu cứ đi xa quá trong luận bàn thiển cận chủ quan, dễ đưa đến sự xét đoán theo ý mình là điều không nên và không được phép.

Kinh thánh dậy rằng: “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán”. (Sách Mát-thêu 7, 1).

Hay hơn cả, thôi thì chỉ nên nói về các điều chuyện liên quan đến quanh mình. Cũng là học theo ông Rilke, nơi một đoạn văn khác, cùng trong tác phẩm đã giới thiệu bên trên, viết rằng:

“Hãy tìm cách dùng những sự vật vây quanh mình để tự diễn đạt mình, những hình ảnh của mộng mị, những sự vật của kỷ niệm xa xôi.” (sách đã dẫn)

Hoặc nữa:

“Vì thế hãy tránh những chủ đề to lớn và chỉ nên chọn những chủ đề mà đời sống tầm thường hàng ngày cống hiến cho ông;hãy nói lên những nỗi buồn, những khát vọng, những tư tưởng thoáng hiện trong hồn ông và niềm tin của ông vào một vẻ đẹp mênh mang nào đó. Hãy nói lên những cái ấy với lòng chân thành thắm thiết, lặng lẽ và khiêm tốn.” (sách đã dẫn).

Xin được vụng về trải lòng lẩn thẩn về những điều nhỏ nhoi, nơi một lần tôi quay bước chân tìm về cố lý xa xôi, trong tâm niệm phần nào tương tự như thế.

*

Tôi nhớ mãi cái tâm trạng chẳng biết sao cứ ngẩn ngơ và xao xuyến quá, rồi bỗng có lúc cảm thấy như thể mình đã vấp phải một lỗi lầm mơ hồ mông lung nào đó, trong việc đã chọn lấy sự ra đi. Trước đây, dù đã từng có thể ra đi vào thời điểm những ngày cuối đầy sôi động của tháng 4/1975, hay sau này khi chương trình quen gọi là HO được mở ra lần đầu hồi 1990, tôi không bao giờ nghĩ đến việc rời khỏi đất nước.

Tôi đã bắt gặp thật nhiều nỗi vui và cũng có những điều tự tiếc trách vì không thực hiện được tất cả mọi chuyện như dự trù. Những năm tháng xưa cũ ấy vẫn luôn mãi như đang còn hiển hiện tiếp nối, bạn hữu anh em tôi đã dành cho tôi biết bao thương mến. Quên sao được nỗi bịn rịn lưu luyến khi nói lời từ biệt trước lúc chia tay nhau hôm nào mà tưởng như mới đây.

Tôi đã đi thăm hỏi, được mừng vui gặp gỡ chuyện trò hàn huyên với các hiền huynh và những anh em huynh đệ quý mến, dù chưa đầy đủ tất cả như mong muốn. Mỗi người một tình trạng sức khỏe khác nhau, khi bước vào buổi hoàng hôn cuộc đời. Dường như không một ai còn khỏe như hồi còn trẻ, hoặc ít ra như ngày giã từ nhau hơn mười hai năm trước đây (đương nhiên tôi cũng thế thôi). Thậm chí có người đã phải nằm phều phào một chỗ trên giường bệnh từ bao giờ như Bùi Đức Dung, ông sĩ quan viết văn làm thơ thuộc Lực lượng đặc biệt, lẫy lừng cao to thuở nào.

Tôi nhận được thật nhiều ân cần chăm chút, ngập đầy tình thân và nhiều nỗi vui nơi mỗi cuộc hạnh ngộ, với người này người kia hay từng nhóm bạn hữu huynh đệ khác nhau.

Và trong quãng thời gian ly tán, đã có những bằng hữu huynh đệ giã từ cuộc đời, để lại trong tôi một khoảng trống lặng buồn biết mấy. Ngoài buổi tối đến nhà cháu út Dương Phụng Hoàng bên Phú Thọ để thắp nhang cho anh chị Dương Hùng Cường, tôi cũng chỉ tìm đến được vài nhà bạn hữu khác, đứng nhìn lên di ảnh trên bàn thờ, nghẹn ngào cầm nén hương tưởng nhớ, nước mắt ứa ra. Tôi bồi hồi nhớ đến từng khuôn mặt huynh đệ thân quen của những tháng năm dài ngập tràn nhắc nhở biết bao kỷ niệm ấy, này một Tô Duy Khiêm, Hoàng Vũ Đông Sơn, Phổ Đức, Nguyễn Mai, anh Nguyễn Thụy Long, anh Hồ Nam, anh Lữ Quốc Văn… rồi nữa Nguyễn Văn Thuyết, các anh Đặng Khuyến, Võ Văn Thời, Nguyễn Văn Hảo…cùng ở CTCT/BTLKQ ngày xưa và vẫn còn liên lạc, gặp gỡ gắn bó với nhau cho tới ngày tôi chào từ giã lên đường đi định cư.

Hãy dấu kín nỗi buồn để nói về những điều vui đã trở thành từng dấu ấn đậm nét nơi những khuôn mặt vẫn đi theo cùng năm tháng.

Anh Khải Triều, dù bất ngờ và thoáng xúc động khi nhìn thấy tôi, vẫn giữ một phong thái trầm tĩnh điềm đạm quen thuộc như xưa. Cũng thế, anh Hồ Phong vẫn vô cùng sôi nổi trong cách chuyện trò và nhất định bắt tôi phải cùng uống cạn mấy lon bia để giải khát. Đây là hai trong số các hiền huynh giao tình thân gần với tôi quanh sinh hoạt báo chí, nơi tháng năm quân ngũ tại căn cứ Không quân Tân Sơn Nhất.

Nhà văn Thế Phong và tác giả

Một buổi gần trưa, tôi đến thăm anh Thế Phong gặp lúc anh còn đang ngồi gặm nốt cái đùi gà. Nhìn đĩa đựng xương gà trên mặt bàn chưa dọn đi, tôi tỏ ý thán phục quá. Anh nói nhờ hai hàm răng ngoại thật tốt, do một ông cựu sĩ quan Quân Y đi tù cải tạo về, đã làm cho từ rất lâu, để thay thế toàn bộ hai hàm răng cơ hữu có vấn đề, nên việc ăn uống luôn được dễ dàng bình thường. Nhìn anh vẫn khỏe mạnh, tuy dáng vóc có vẻ hơi gầy so với trước đây, chắc tại vì nhiều lần phải ra vào bệnh viện.

Thoắt vèo, anh cũng đã gần tới tuổi chín mươi rồi còn gì. Trong đầu tôi thoáng hình dung rất nhanh một vài hình ảnh đánh dấu từng chặng đường trên hành trình cuộc đời anh. Từ chàng trai trẻ đang lớn, vạm vỡ to khỏe, phóng ngựa vun vút dọc ngang những nương đồi, khe suối vùng Nghĩa Lộ Yên Bái. Rồi tuổi thanh niên bắt đầu bước chân vào làng văn xóm chữ Hànội đầu thập niên 1950. Và thành danh như một chân dung văn nghệ riêng biệt thật đa dạng, phong phú trên văn đàn Sàigòn suốt chiều dài thời gian, từ 1954 cho đến sau này.

Tôi nhớ mãi dáng người anh hồi biết anh lần đầu tiên, những năm 1966-1967 tại nhà anh Cao Thế Dung, một hiền huynh của tôi. Rồi thời gian gặp anh hàng ngày ở đơn vị trong phi trường Tân Sơn Nhất, từ cuối năm 1969 khi tôi mãn khóa Thủ Đức về trình diện. Rồi những thời điểm khác nhau sau tháng Tư năm 1975 và bây giờ. Tôi thoáng bồi hồi với một chút bâng khuâng khi cũng vừa nhớ đến tháng năm đời mình.

Chúng tôi thăm hỏi nhau và trao đổi chút ít chuyện văn chương chữ nghĩa, về trang blog của anh, nhắc đến những người thân quen nơi này nơi kia. Anh ngỏ ý muốn rủ tôi đi uống cà phê, chắc để có thể chuyện trò nhiều hơn. Biết tình trạng sức khỏe của anh và giũa thời tiết mùa hè Sàigòn hôm ấy, quá sức oi nồng nắng nóng gay gắt, tôi tỏ ý ngần ngại không dám nhận lời.

Khi tôi chào và chuẩn bị ra về, anh lên gác lấy xuống một quyển sách to và dầy, bìa cứng rất đẹp, ngồi ghi mấy dòng chữ lưu niệm tặng tôi. Đây là quyển sách mới xuất bản năm rồi, giới thiệu bộ tranh sơn mài của một họa sĩ có tiếng tăm, được chụp ảnh lại để in ấn, mà tác giả đã trân trọng ký tặng anh. Anh tặng lại tôi để ghi nhớ ngày gặp nhau. Xin cám ơn anh thật nhiều, thưa anh Thế Phong.

Thủ Bút của Thế Phong

Một hôm khác, tôi đến khu Chung cư Nguyễn Thiện Thuật thăm anh Văn Quang, người mà tôi cũng vô cùng quý mến. Trước nay, anh vẫn coi tôi như một đứa em, giống như Nguyễn Quang Thắng, con trai độc nhất của ông chú ruột anh. Thắng là bạn chí thân với tôi từ hồi học đệ Ngũ, đệ Tứ những năm 1962, 1963. Vì thường xuyên đi chơi cùng nhau suốt, kể cả việc vẫn hay có mặt trong nhiều sinh hoạt gia đình, họ hàng nhà bạn, nên tôi cũng đã biết ông anh nhà văn của bạn mình từ dạo đó. Hồi đi tù cải tạo của Cộng sản ngoài Bắc, tôi có thời gian mấy năm ở chung trại Phong Quang (Lào Cai) rồi Vĩnh Quang (Vĩnh Phú) với anh Nguyễn Quang Hà, người em kế anh, nên thêm gần gũi.

Nhà văn Văn Quang và tác giả

Khi tôi bấm chuông, chị Ngân là người mở cửa, và anh ngồi nhỏm dậy từ  giường trong, chậm chạp bước ra salon phía trước ngồi tiếp chuyện tôi, giọng nói hơi yếu. Dù ánh sáng căn phòng mờ tối, tôi vẫn nhận thấy anh gầy đi nhiều so với trước và dáng người không mấy khỏe. Tôi biết anh cũng nhiều lần ra vào bệnh viện như anh Thế Phong vậy. Anh và anh Thế phong, anh Hoàng Hải Thủy cùng độ tuổi ngang nhau, nhưng lúc này, có lẽ sức khỏe của anh và anh Thế Phong còn khá tốt hơn anh Hoàng Hải Thủy nhiều. Anh nói hàng ngày chỉ nằm nhà theo dõi các chương trình thể thao trên TV. Việc ăn uống cũng tạm ổn, trợ lực thêm bằng sữa Ensure nên không gặp vấn đề gì. Và anh chỉ đọc emails của bạn hữu rồi trả lời chứ không còn viết lách gì từ lâu. Cách đây vài năm, tôi biết anh đã có lời chào từ giã bạn đọc rồi.

Một dạo, sau khi đi tù cải tạo về, ngoài chuyện văn chữ của anh rất quen thuộc với độc giả hải ngoại, anh có nghề tay trái là dàn trang, trình bầy sách trên computer (layout). Anh vào nghề do mầy mò tự học với cháu anh và là một trong số những người đi đầu, hồi mới có kỹ thuật này ở Sàigòn lúc ấy. Cũng có vài học trò theo học nghề với thầy. Công việc thật bận rộn trong niềm vui, kéo dài được ít lâu trước khi anh chuyển về sống dưới Lộc Ninh một thời gian, rồi quay lại căn nhà cũ ở Chung cư này.

Anh nói thỉnh thoảng cũng có thể đi loanh quanh trong giới hạn nơi hành lang tầng lầu, chứ không dám xuống tầng trệt dưới đất hay đi xa hơn. Tôi thầm nghĩ, thật mừng cho anh, vì bây giờ đã luôn có chị Ngân bên cạnh để lo lắng mọi thứ. Chị thật hiền và nhỏ nhẹ ít nói. Chị là người phụ nữ ở bên cạnh anh Văn Quang lâu dài nhất, trong số những người phụ nữ đã đi qua đời anh; dễ chừng cũng đến hai mươi năm rồi, và hẳn nhiên chị cũng sẽ là người cuối cùng đấy.

Tôi cũng có biết về cuộc tình và mái gia đình đầu tiên của anh với chị N.D., cô thiếu nữ duyên dáng gốc Hànội, dân Trưng Vương, yêu thích văn thơ và vô cùng mộng mơ lãng mạn, nhưng cũng thật mạnh mẽ, đầy quyết đoán. Tiếc rằng gia đình anh chị đã tan vỡ chia ly sau khoảng bẩy năm ngắn ngủi, dù đã có con cái (có thể vì con người nhà văn thời danh khi đó quá đào hoa chăng). Cũng thật đẹp là dù chia tay, anh chị luôn tôn trọng nhau, xem nhau như bạn bè và vẫn giữ liên lạc.

Do hoàn cảnh đưa đẩy, chị N.D. đưa các con có với anh Văn Quang sang Hoa Kỳ rất sớm, từ trước thời điểm 30.4.1975 vài năm.

Và rồi một thời gian sau, chị là khuôn mặt hoạt động văn học nghệ thuật quen thuộc trong Cộng đồng Việt Nam tại vùng Virginia-Hoa Thịnh Đốn, qua hàng chục năm cho tới bây giờ. Tác giả N.T.N.D. đã có 9 tựa sách các loại được xuất bản, cùng rất nhiều sáng tác thơ văn, xuất hiện đều đặn trên tờ báo mạng cũng như báo in định kỳ Cỏ Thơm do chị chủ trương và phụ trách điều hành, từ hơn hai mươi năm nay ở vùng đó. Văn tài như thế đâu thua kém gì ông nhà văn Văn Quang.

Còn nhớ hồi tháng 12/2006, khi tôi đến chào anh trước ngày lên đường đi Mỹ, anh Văn Quang có nói chị N.D. sắp về Việt Nam thăm họ hàng, và cậu con trai lớn của ngày tháng ấy cũng sẽ về theo thăm bố.

Khi nhắc tới anh Văn Quang, anh Hoàng Hải Thủy hay nói vui về hình ảnh ông “thuyền trưởng hai tầu”. Nhưng như vậy chỉ có tính khái quát, chứ căn cứ vào tổng số mười người con mà anh âu yếm nhắc đến, hiện tất cả đều đang sinh sống ở hải ngoại, chắc phải nói tới tiến trình “ba dòng thác cách mạng”, cách nói vui hay nghe thấy ở bên nhà một thời, để diễn tả về các nguồn xuất xứ của một sự việc.

Hỏi thêm chuyện sinh hoạt gia đình, anh cho biết dạo trước còn khỏe, cũng từng tính đến chuyện sang Hoa Kỳ một chuyến để thăm con cháu và bạn hữu, nhưng nhiều người nói không nên nộp đơn. Ngoài sự có thể không cho phép từ phía chính quyền Việt Nam đối với anh, chừng như Lãnh sự quán Hoa Kỳ cũng có một nguyên tắc là sẽ từ chối cấp Visa du lịch, thăm thân nhân, cho ai đã được làm hồ sơ bảo lãnh định cư. Cô con gái lớn của tôi đã rơi vào trường hợp như thế, khi đi phỏng vấn xin Visa sang đây thăm bố mẹ.

Hồi trước, hồ sơ bảo lãnh đoàn tụ ODP của anh cũng đã hoàn tất, nhưng rồi cuối cùng anh chọn ở lại. Lúc phỏng vấn, từ một lý do gia đình hơi tế nhị biết được hơi trễ, anh muốn xin chuyển sang chương trình tỵ nạn HO. Phía cơ quan trách nhiệm cho biết phải xem như đơn mới bắt đầu nộp, không thể chuyển ngay theo nguyện vọng của anh. Như vậy chắc chắn thời gian phải đợi chờ sẽ rất lâu, suy nghĩ này đã khiến anh thôi không nghĩ đến việc ra đi là thế.

Anh nói với tôi về việc chị Hoàng Hải Thủy từ trần bên Hoa Kỳ hồi cuối năm 2018 mới rồi và tỏ ra rất ưu tư cho anh Hoàng Hải Thủy, người bạn thân thiết của anh, nơi tháng năm còn lại. Tôi cũng biết điều đó.

Không dám ngồi chơi lâu hơn, tôi xin kiếu từ ra về. Anh cám ơn tôi vì đã đến thăm anh trong tâm tình quý mến. Anh chuyển lời thăm hỏi tới các bạn hữu của anh bên Hoa Kỳ, cũng là những hiền huynh của tôi.

*

Khi ghé đến quán Hoa Vàng của anh Phạm Thiên Thư trong khu Bắc Hải, những tưởng tôi sẽ được ngồi hút thuốc, uống cà phê tán gẫu chuyện đời với ông lão nông thi sĩ, thân tình như những buổi sáng trước đây cùng với nhiều bạn hữu, nhưng thật hụt hẫng. Quán đã đổi chủ khác từ bao giờ và người chủ mới không cho tôi biết được một tin tức nào về anh Phạm Thiên Thư, người bạn hơn tuổi mà tôi  quen biết từ những năm 1967-1968 qua bạn tôi, Phan Lạc Giang Đông. Tôi đứng tần ngần một lúc rồi thẫn thờ lên xe chạy đi thẳng, không ngoảnh đầu nhìn lại cái bảng hiệu quen thuộc.

Tôi cũng bỏ lỡ dự định sang vùng Tân Thuận thăm vợ chồng Lý Thụy Ý. Cũng thật tiếc vì không thể tìm thăm anh Lê Hoàng Long, anh Kha Thùy Châu, anh Nguyễn Cái Thế…

Có những việc không thực hiện được như dự trù, một phần do thời tiết Sàigòn luôn nắng nóng, gay gắt cực độ. Thêm vào đấy, tình trạng giao thông ngoài đường phố  của đủ các loại phương tiện, luôn luôn quá sức hỗn độn vô trật tự, bất chấp luật lệ, cùng nhiều thứ tệ nạn khác, là mối đe dọa đầy bất an cho một người đã có tuổi, chân chậm mắt mờ vì cận thị nặng như tôi. Con cháu muốn trực tiếp đưa tôi đi các nơi chỗ và giới hạn việc tôi đi ra đường một mình bằng xe gắn máy, hay cho dù bằng phương tiện tắc xi Uber rất thông dụng. Tôi thì ngần ngại vì sợ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt thường nhật của con cháu.Thôi, cũng là những điều suy nghĩ  cần thiết.

Đọng lại trong tôi một vài câu chuyện vui buồn thật đáng nhớ nữa, khi gặp nhóm mấy anh em khác cũng cùng đơn vị cũ trong phi trường Tân Sơn Nhất, nơi cuộc rượu nhỏ hay lúc ngồi với nhau quanh bàn cà phê.

Chúng tôi cùng trạc tuổi nhau và hồi tôi chưa đi sang Hoa Kỳ, vẫn có nhiều dịp gặp gỡ nhau luôn, nhất là vào những lúc vui buồn, khi có cưới hỏi hay tang sự trong gia đình một anh em nào đó, hoặc họp mặt dịp tất niên, tân niên…nên chuyện trò thân mật, gần gũi tự nhiên hơn.

Tuy không được đầy đủ tất cả mọi người như mong muốn, nhưng thật cảm động vì có người chạy xe gắn máy lên từ Lái Thiêu, bất chấp đường xá và tuổi già sức yếu. Người thì tạm gác lại mọi thứ công việc riêng tư để góp mặt trong các buổi hẹn hò gặp gỡ.

Ngay khi tay bắt mặt mừng nhìn thấy nhau, một người đã hỏi tôi có gặp phiền phức gì lúc về tới phi trường Tân Sơn Nhất không. Ông bạn này nói vẫn thường hay truy cập các thứ trên mạng, nên mấy năm trước, khi một lần đánh tên tôi, để tìm các bài viết liên quan, tình cờ bỗng gặp đường dẫn của cơ quan giáo dục nào đó, giới thiệu nhiều đoạn video clip ngắn, về cuộc phỏng vấn tôi xoay quanh nhiều thứ vấn đề, trong đó có chỗ liên quan đến chế độ và nhà nước Cộng sản hiện tại. Vì thế nghe báo tin tôi về Việt Nam, thấy lo ngại cho tôi quá.

Lúc ấy mới chợt nhớ ra, tôi cũng hơi giật mình. Tôi nói để bạn mình biết, đấy là cuộc phỏng vấn do Hội Bảo tồn Lịch sử & Văn hóa người Mỹ gốc Việt thực hiện từ hồi giữa năm 2011. Không chỉ riêng tôi, mà hội còn phỏng vấn rất nhiều người, để tiến hành chương trình “500 cuộc phỏng vấn người Mỹ gốc Việt”, nhằm mục đích giới thiệu với người bản xứ, cũng như các thế hệ con em người Việt mai sau, biết về sự hiện diện của người Việt Nam tại đất nước Hoa Kỳ. Chương trình hình như được sự tài trợ của đại học Rice, và nằm trong dự trù sẽ soạn thành giáo trình sử học.

Vidéo clip này đâu ai biết đến, ngay cả tôi mãi hơn mấy năm sau cũng mới được xem, cũng là do tình cờ tìm thấy trên mạng, chứ không có thông tin nào hướng dẫn. (Oral history interview and transcript_https://scholarship.rice.edu>…).

Tôi tham dự chương trình phỏng vấn từ sự mời chọn ngẫu nhiên, dù lúc đó mới sang đây được hơn bốn năm. Hoàn toàn không biết trước nội dung để chuẩn bị. Khi thu hình trực tiếp, người phỏng vấn hỏi đến đâu, về điều gì, theo đó trả lời thẳng vào vấn đề. Cũng chỉ xoay quanh cuộc sống nơi từng thời đoạn của cá nhân một con người, qua từng thời đoạn của đất nước, bắt đầu từ nơi chôn nhau cắt rốn cho tới khi đặt chân đến xứ sở Hoa Kỳ.

Ngoài bạn hữu thân tình, chắc chẳng ai để ý chuyện một con người bình thường như tôi đâu.

Có điều mấy tháng vừa đây, vidéo clip này được Viet Stories nối lại liên tục, không còn ngắt rời từng đoạn như cũ, và đưa lên youtube, cùng với hàng loạt các vidéo clip phỏng vấn rất nhiều người khác, thuộc chương trình mà tôi nói tới bên trên.

Tôi cũng đọc được những dòng comments đầy hảo ý, thật ngạc nhiên với con số hơn sáu ngàn người đã xem vidéo clip phỏng vấn tôi, thời lượng dài hơn một giờ đồng hồ. Con số người mở xem hình như có tăng thêm dần.

Thật may, nếu việc này xẩy ra trước ngày tôi về Việt Nam, có lẽ đúng như sự lo ngại của bạn tôi, không chừng tôi sẽ gặp phiền phức với mấy tay cán bộ an ninh Cộng sản cũng nên. Ai mà không biết đám này luôn đa nghi mọi thứ còn hơn ông Tào Tháo nhiều.

Hàn huyên thăm hỏi nhau đủ thứ chuyện gần xa cũ mới, chúng tôi không quên nhắc lại những tháng ngày buồn vui phi trường, và từng khuôn mặt người còn người mất. Bắt đầu điểm danh, Nguyễn Trung Cang qua đời rất sớm ở Sài gòn hồi 1985. Phan Lạc Giang Đông năm 2001 ở Seattle, tiếp theo là anh Ngô Mạnh Thu năm 2004 bên Cali, rồi Duy Quang năm 2012 ở Cali, sau thời gian về Việt Nam ca hát. Và gần đây nhất là Minh Phúc, tháng 4/2019 cũng bên Cali. Hồi nghe tin Minh Phúc vướng phải một chứng bệnh nan y, tôi có gọi điện thoại rồi email liên lạc thăm hỏi để trấn an.

Tiếp đến là những người khác nữa, cũng cùng đơn vị. lần lượt từ trần vào thời gian sau này.

Thôi thì chuyện tử biệt cũng là điều đâu thể tránh khỏi trong cõi người.

Đây là mấy anh em trong số anh em huynh đệ thật thân gần hàng ngày tại Đoàn Công Tác Chính Huấn, Văn Phòng Tham Mưu Phó CTCT/ BTLKQ, nơi tôi phục vụ trực tiếp, suốt những năm đời lính ngắn ngủi trong vòng rào phi trường Tân Sơn Nhất, từ cuối 1969 cho đến ngày 30 tháng Tư năm 1975. Họ đều là những người có chút ít tiếng tăm trong sinh hoạt văn nghệ, ca nhạc ngoài xã hội, trước khi nhập ngũ vào Không Quân.

Nhân nhắc đến Nguyễn Trung Cang và Minh Phúc, một người anh em khác, thuộc giới nhạc sĩ, hiện nay vẫn còn đang tiếp tục sinh hoạt ca nhạc, hỏi tôi có biết bản nhạc Oẳn Tù Tì của ông nhạc sĩ Tôn Thất Lập. Bài này sáng tác vào thời gian sau, mà nhan đề và nội dung cũng như tiết tấu, giai điệu có vẻ như na ná với bài Oẳn Tù Tì của Nguyễn Trung Cang, viết từ năm 1971-1972, phổ theo một bài thơ cùng tên của tôi. Bài này Minh Phúc và bà xã Minh Xuân (ban nhạc Ba Con Mèo ngày xưa) đã hát lại trong băng cassette hồi thập niên 1980 bên Cali. Ông ca sĩ Elvis Phương cũng có trình bầy bài này.

Tôi nói Nguyễn Trung Cang đã mất lâu rồi, và tôi cũng không thể là người thẩm định. Chuyện trùng hợp hay chịu ảnh hưởng trong việc khai thác một đề tài thông dụng như thế, cứ cho là điều thường tình, dễ hiểu. Vả lại, cũng không nên bận tâm vì chẳng phải là vấn đề được chú ý. Việc gì liên quan đến âm nhạc là công việc của những người sinh hoạt âm nhạc.

Thoáng vui với gợi nhắc, tôi nhớ được ngay hai đoạn đầu của bài thơ Oẳn Tù Tì:

oẳn tù tì ra cái gì ra cái này

                    ngập ngừng em giơ đằng trước một bàn tay

                    những ngón thon mềm đã kết hình cái kéo

                    mặc dù ra búa tôi vẫn chịu thua ngay.

 

                   bởi em không được sẽ khóc lại phải đền

                   như lần chơi rải gianh mà tôi trót quên

                   bảo đục ăn giấy thành ra em làm giận

                   bắt bướm xin hòa tôi xuống mãi dưới đền.

Còn mấy đoạn tiếp theo sau nữa thì quên hẳn không nhớ nổi nguyên văn, chỉ nhớ đại ý tả nhân vật tôi ấy bị ngã xuống ao, ướt bẩn cái áo chúc bâu mới. Về nhà được trận đòn đau, nhưng không dám khóc, sợ xấu hổ với cô bạn nhà bên. Nơi đoạn kết, thời gian trôi đi xa lắm, bất chợt có lần mở đọc lại bài thơ cũ viết về kỷ niệm trò chơi trẻ con ngày cũ, nét chữ đã phai mầu, lòng bỗng bâng khuâng.

Tác giả bài thơ là một “ông thi sĩ Thi văn đoàn”, học trò đệ Tam, đệ Nhị, Nội dung kể lại chuyện một lần chơi trò chơi thuở lên chín, lên mười, với cô bạn hàng xóm tuổi nhỏ, nơi những ngày nghỉ hè ở một trại định cư vùng Thủ Đức. Thời gian ấy trại mới được thành lập, chung quanh còn bao bọc bởi rừng thưa, có những ao chuôm, đình chùa, miếu đền khắp vùng, chứ không phải đã bị đô thị hóa như về sau.

Ngoài bài này, tôi còn có thêm ít nhiều kỷ niệm chữ nghĩa với Nguyễn Trung Cang khi bắt đầu có ban nhạc Phượng Hoàng.

Ban nhạc Phượng Hoàng do Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà thành lập năm 1971, mọi người đều đã biết. Dù Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang khi ấy đều đang trong lính, nhưng phục vụ đơn vị tại Sài gòn nên có nhiều thuận lợi với sinh hoạt ca nhạc.

Lê Hựu Hà học khóa 4/69 Sĩ quan trừ bị trên trường Bộ Binh Thủ Đức, sau tôi một khóa. Ra trường được về Cục Quân Nhu. Hồi đó, nhiều buổi tối trong tuần, tôi vẫn thường xuống Câu lạc bộ sinh viên sĩ quan, ngồi uống chai bia nhỏ, xem Ban Văn nghệ do Lê Hựu Hà phụ trách, trình diễn ca nhạc. Tôi nhớ dáng người nghệ sĩ của Lê Hựu Hà, đứng ôm đàn và say sưa hát liên tục những bản nhạc ngoại quốc, rồi nhạc ngoại quốc lời Việt.

Riêng với Nguyễn Trung Cang, rất thân gần và tin tưởng tôi như người bạn tâm giao, để thổ lộ mọi chuyện gia đình cũng như cuộc sống. Nguyễn Trung Cang bầy tỏ ý định muốn viết một loạt nhạc trẻ bằng lời Việt thuần túy, cùng với Lê Hựu Hà, để ban Phượng Hoàng được chủ động theo phong cách riêng khi trình diễn, không  muốn sử dụng nhạc ngoại quốc được Việt hóa, qua việc đặt lại lời bằng tiếng Việt của các tác giả khác. Thế nhưng, vì từ nhỏ theo học chương trình Pháp, nên vốn liếng văn chương, ngôn ngữ tiếng Việt của Nguyễn Trung Cang rất thiếu, không đủ để có thể diễn tả các đề tài lãng mạn hay suy tưởng. Và Nguyễn Trung Cang muốn tôi giúp điều này.

Tôi giới thiệu cho Nguyễn Trung Cang tìm đọc những thi phẩm của các nhà thơ thời danh lúc đó, đồng thời cũng đưa thêm quyển Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học của Phạm Công Thiện, để Cang có tài liệu về những tư tưởng các triết gia hiện sinh, mà tuổi trẻ Việt Nam chịu ảnh hưởng, hầu sử dụng nếu cần đến.

Nguyễn Trung Cang nói chỉ muốn có những gì của anh em gần gũi trong nhà, thuận lợi và dễ dàng hơn, tránh việc có thể sẽ gặp phiền phức như vấn đề bản quyền. Thêm nữa, chắc chẳng tác giả nổi tiếng nào muốn một nhạc sĩ vô danh chạm đến các tác phẩm của họ.

Tôi đã đưa cho người anh em của tôi toàn bộ “gia tài chữ nghĩa”, gồm bốn tập thơ tự do đã ấn hành, không phải được in trang trọng, mà thực hiện theo hình thức Ronéo Type, với số lượng trên dưới hai trăm quyển mỗi tập, chỉ dành phổ biến trong thân hữu. Và cả tập thơ tình còn ở dạng bản thảo chép tay đóng tập, thuở học trò mới lớn, bắt đầu tập tễnh văn chương thơ phú, trong đó có bài Oẳn Tù Tì nói trên.

Sau đấy, cùng với sự xuất hiện gây chú ý của ban nhạc Phượng Hoàng, là các nhạc phẩm thể loại nhạc trẻ của Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang. Riêng nhạc của Nguyễn Trung Cang, có một vài bài phổ từ thơ tôi hay lấy ý và hình ảnh. Có bài được chào đón khi mới ra đời, mấy bài khác thì giới hạn hơn, hay chỉ được Phượng Hoàng trình bầy trong chương trình riêng. Lúc in ấn dạng rời, bên cạnh tên tác giả Nguyễn Trung Cang, còn ghi kèm chữ phổ thơ hay ý thơ ở trước tên tôiTôi nói với Nguyễn Trung Cang bỏ đi vì chi tiết này không cần thiết. Sau in thành Tuyển tập nhạc, vẫn còn để lại nơi một hai bài gì đó. Tôi được tặng tập nhạc này và cuốn băng phát hành ngoài thị trường, trong đó có những bài của Nguyễn Trung Cang.

Có lần, Nguyễn Trung Cang đưa cho tôi một số tiền, nói là phần của tôi trong khoản tiền mà nhà sản xuất chương trình trả cho bản nhạc Thương Nhau Ngày Mưa vừa được thu âm. Tôi từ chối không nhận, Nguyễn Trung Cang bảo là nguyên tắc phải tôn trọng. Dù không ghi kèm chữ ý thơ của tôi trên bản nhạc như tôi muốn, nhưng rất thật lòng, khi viết bài này, Cang nói đã lấy cảm hứng và sử dụng những ý tưởng, nhiều hình ảnh thật đẹp, cùng mạch chữ trong mấy bài thơ của tôi nói về tình yêu, giũa khung cảnh dưới mưa lãng mạn. Mấy bài thơ này nằm trong một các tập thơ tôi đã đưa cho Nguyễn Trung Cang.

Hồi đầu năm 1981, khi vừa ra khỏi trại tù Cải tạo ngoài Bắc về, tôi có ghé nhà Nguyễn Trung Cang ở Khu cư xá bên hông chùa Xá Lợi, tưởng sẽ vui mừng gặp nhau, đâu ngờ Nguyễn Trung Cang đang trong Trung Tâm Bình Triệu. Hôm đó là ngày giữa tuần, mẹ Cang nói đến Chủ Nhật sẽ đi thăm nuôi. Tôi ghi mấy chữ thăm hỏi thân tình gửi theo. Tuần sau quay lại để biết tin tức của Cang, bác gái nói Cang cầm tờ thư tôi đọc rồi ngồi khóc.

Ngày còn ở đơn vị, tôi đã biết Nguyễn Trung Cang có vướng vào chuyện nghiện ngập. Ngoài việc để chống chỏi với căn bệnh suyễn kinh niên luôn hành hạ, hình như còn một nỗi u uẩn nào đó. Cũng mấy lần, Nguyễn Trung Cang quyết tâm từ bỏ, nhưng rồi…

Nguyễn Trung Cang mất hồi 1985, lúc chưa tới tuổi bốn mươi. Thời gian ấy, tôi lại đang ngồi tù lần nữa từ tháng 5/1984, trong vụ án liên lạc với Văn bút Hải ngoại, mà sau này quen gọi theo nhan đề quyển sách “Những tên biệt kích cầm bút”, nên không biết việc Nguyễn Trung Cang từ trần . Đến ngày mãn án về lại đời thường, không còn liên lạc với gia đình Nguyễn Trung Cang, nhưng tôi có biết cô em gia đình bên vợ của Cang chỗ đường Phạm Ngũ Lão Sàigòn. Tôi nghe nói đến điều không vui (theo cách nhìn chủ quan cực đoan của cá nhân tôi) trong gia đình riêng của người bạn thân mến của mình nên buồn quá. Thời gian sau, tôi cũng biết một điều vui, đó là cô con gái của Nguyễn Trung Cang về làm dâu trong gia đình một nhà may nổi tiếng ở Đakao.

Chừng như những con người tài hoa thường mệnh yểu.

Câu chuyện giữa anh em chúng tôi được chuyển sang nhân vật khác, khi một người bạn nhắc tôi có đi thăm gia đình Phan Lạc Giang Đông không. Liên quan đến ông bạn thi sĩ tài hoa cũng thật thân thiết một thời này của tôi thì vô số chuyện, nhất là về tình trường. Mấy người ngồi quanh ngạc nhiên với câu hỏi như thế, vì đều biết gia đình Phan Lạc Giang Đông xuất cảnh đi Hoa Kỳ định cư từ năm 1994, theo chương trình H.O. Ít người biết rằng, được mấy năm, Phan Lạc Giang Đông đã sớm quay về Việt Nam một lần, và có thêm một cô con gái với người vợ sau ở vùng xóm đạo Tân Phú Bà Quẹo, mà chàng đã nặng tình và hò hẹn đâu từ trước lâu rồi. Có tổ chức đám cưới hẳn hoi đâu ra đó.

Lần ấy, anh chàng âm thầm tiến hành mọi việc và dấu tất cả mọi người thân quen, kể cả tôi, nên không một ai được biết chuyện này. Chỉ riêng một ông anh lớn tuổi, cũng thân tình trong đơn vị, rất đạo hạnh và là người kín tiếng, được Phan Lạc Giang Đông nhờ cậy làm đại diện nhà trai cùng mọi thứ liên quan đến cưới hỏi, vì cô dâu (hình như là dân tu xuất) cũng như nhà gái là con nhà đạo gốc.

Bạn tôi được Rửa tội, gia nhập đạo Công giáo với tên Thánh là Phêrô trong hoàn cảnh như thế. Chẳng hiểu, ông bạn tôi được ơn gọi làm con cái Chúa thật lòng hay chỉ vì quá yêu thương mà chiều theo ý chị P.N. Tôi cũng không biết thủ tục đạo đời của cuộc hôn phối này tiến hành như thế nào, và cuộc hôn nhân cũ với chị T.K. của bạn tôi đã giải quyết ra sao. Dẫu vậy, sau mấy mươi năm, chỉ có hai ông con trai, cuối đời thêm được một cô con gái, cũng là niềm vui cho lão bạng Phan Lạc Giang Đông.

(Dĩ nhiên tôi cũng đã biết và thật cảm thông về những chuyện buồn bã, đầy phức tạp và tế nhị lẫn ê chề cay đắng của gia đình bạn tôi sau ngày 30 tháng Tư năm 1975. Cũng chỉ vì sự trở về của người anh Phan Lạc Tuyên, con người từng đậm chất mộng mơ nghệ sĩ tính và nặng tình quê hương từ thuở trai trẻ, nhưng đã hoàn toàn thay đổi tất cả, sau những tháng năm luân lạc, trong một thời đoạn lịch sử của đất nước. Đâu có ai quên trường hợp ông Đại úy Biệt Động Quân Phan Lạc Tuyên, tham gia vào cuộc đảo chánh 11.11.1960, nhằm lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm nhưng thất bại. Đào thoát kịp sang Campuchia sống một thời gian, rồi sau đó đi theo Cộng sản Hànội. Con người này đã trở về trong một dung mạo và tâm tính khác hẳn, trở thành nỗi bất an cho gia tộc).

Cứ tưởng chuyện lấy vợ mới ấy sẽ mãi là bí mật riêng tư của bạn tôi, đâu ngờ thật tình cờ, anh chàng phụ trách quay Vidéo cho đám cưới mà nhà gái thuê mướn, lại là con trai của ông Thượng sĩ trong Ban Điện ảnh thuộc đơn vị. Anh chàng này  biết mặt người đại diện nhà trai và chú rể Việt kiều, là những người có giao tình và hay lui tới với bố mình, từ ngày trước cho tới sau này. Để ông bố có thể tin một chuyện như khó tin đến thế, liên quan đến người thân quen, cần phải minh chứng cụ thể, rõ ràng khi được nói lại. Thật đơn giản và quá dễ dàng. Tôi sớm biết chuyện Giang Đông lấy vợ qua những tình tiết như vậy, nhưng luôn im lặng, tôn trọng sự bí mật riêng tư của bạn mình.

Ngày 8.11.2001, Phan Lạc Giang Đông từ trần bên Seattle Hoa Kỳ, khi vừa bước qua ngưỡng tuổi sáu mươi, và tên tuổi đang được thêm nhiều người biết đến. Tại Việt Nam, tôi cũng được báo tin ngay kịp thời. Cùng một vài thân hữu, chúng tôi đến gia đình mới của bạn mình để chia buồn. Tôi cũng là người Chủ sự lễ Phát tang và Nghi thức cầu nguyện cho Linh hồn Phêrô Phan Lạc Giang Đông. Nhìn vành khăn tang sương phụ trên đầu chị P.N., và nhất là hình ảnh cháu gái Phan Lạc H.A., mới khoảng lên hai, lòng tôi chùng xuống trong những suy nghĩ mông lung.

Vào tuần lễ sau đó, Phổ Đức và một nhóm anh em thân hữu khác, tổ chức buổi Cầu siêu cho Phan Lạc Giang Đông tại chùa Giác Minh. Khi tụng niệm, đến phần xướng danh người quá cố, vị sư thầy trẻ tuổi đọc thành Phan Lạc Văn Đông. Chắc có lẽ vì cái tên Phan Lạc Giang Đông đã là con cái của Chúa rồi chăng.

Thời gian tôi chưa xuất cảnh, anh em hay nói vui tôi là sĩ quan cao cấp nhất của đơn vị còn ở lại, dù là ông tân Đại úy chưa kịp đeo lon. (anh bạn bên Phòng Quản trị Nhân viên và Thăng thưởng Huy chương cho biết tôi có tên trong danh sách đính kèm nghị định thăng cấp Đại úy kể từ 1.4.1975. Lẽ ra sau ngày nghỉ lễ Lao động 1/5, trong khoảng tháng 5 ấy, tôi sẽ được gắn lon mới). Vì vậy, tôi vẫn luôn được ủy thác hay được nhờ để làm các thứ công việc đại diện, thay mặt; chẳng những nơi tang sự như thế, mà còn trong những dịp gia đình các anh em có việc cưới hỏi của con cái. Không nhớ chính xác nhưng cũng phải trên dưới mười lần, tôi đã là ông chủ hôn hay đại diện nhà trai, nhà gái, làm người chứng hôn phối, thậm chí là người dẫn chương trình cho tiệc cưới, mà bây giờ hay gọi là MC.

Nhắc kể về Phan Lạc Giang Đông, tôi mường tượng lại thêm một chuỗi dài những điều quanh bạn mình, mà chỉ riêng chuyện tình trường, cũng làm nhớ đến nhiều khung cảnh đây đó nơi năm tháng đã qua.

Tôi quen biết với Giang Đông từ năm 1966 tại nhà một người bạn ở khu Khuông Việt Ông Tạ. Đám tuổi trẻ bắt đầu hào hứng chuyện văn chương báo chí chúng tôi vẫn thường tụ họp nhau ở nơi này hàng tuần. Nhiều giao du văn nghệ của tôi (và những ảo vọng tuổi trẻ một thời) cũng khởi đi từ đấy,Trần Nguyên Sơn, Chu Vương Miện, Hoàng Thụy Kha, Hoàng Vũ Đông Sơn, anh Khải Triều, anh Chu Tấn Trần Như Huỳnh…

Tôi vừa vào năm đầu trường Luật, Giang Đông thì đã có gia đình và đang mặc áo lính, phục vụ trong Căn cứ Tân Sơn Nhất. Giang Đông hơn tôi nhiều  tuổi, nhưng dù cách biệt tuổi tác, chúng tôi vẫn như bạn hữu ngang hàng trong cư xử và giao tiếp.

Cuối năm 1969, sau khi mãn khóa Thủ Đức và được chuyển về phục vụ cùng chỗ với Giang Đông trong ngành CTCT/BTLKQ, chúng tôi thêm thân thiết với nhau hơn. Cũng thời gian đó, Giang Đông đã được chấp thuận cho đi học khóa Sĩ quan Trừ bị trên Trường Bộ Binh Thủ Đức. Mãn khóa lại được về ngay đơn vị cũ. Đây là sự ưu ái nâng đỡ đầy thương mến, mà các cấp chỉ huy dành cho bạn tôi, khi can thiệp với các cấp thẩm quyền cao hơn về trường hợp của Giang Đông. Và đây cũng là một trường hợp rất đặc biệt. Chỉ riêng việc có người anh ruột Phan Lạc Tuyên đi theo Cộng sản, đã là một vết đen nặng nề trong lý lịch quân nhân, vô cùng khó khăn và cản trở cho sự tiến thân ở binh nghiệp. Thêm nữa, thường ra trong quân đội, dù ở Quân Binh Chủng nào cũng thế, khi người Hạ sĩ quan hội đủ điều kiện để được thụ huấn khóa sĩ quan, bao giờ cũng phải đi đơn vị khác sau khi mãn khóa.

Và rồi, so với hồi còn mang lon Trung sĩ trước đây, chừng như ông Chuẩn úy Phan Lạc Giang Đông tự tin và mạnh dạn hơn trong các giao tiếp với mọi người, nhất là với các cô bạn văn nghệ. Hắn cũng xấu giai như tôi, nhưng ăn nói hoạt bát hơn nhiều và rất có duyên trong các cử chỉ, điệu bộ khi săn sóc người khác, dễ làm xiêu lòng nữ giới. Nhiều lần tôi phải ra Cổng Phi Long của căn cứ để giúp bạn tôi làm  thủ tục an ninh tại Ban Tiếp Kiến Dân sự, khi có một cô bạn muốn vào thăm. Các cô bên Phân đoàn Nữ quân nhân Không quân cũng hay dò hỏi tôi về chàng, mà các cô bảo là thổ công kỳ cựu trong phi trường.

Không thể nhớ hết các mối giao thiệp văn nghệ trao nhau ánh mắt của ông thi sĩ này với các cô bạn văn nghệ đây đó.

Mấy tháng cuối năm 1970, chúng tôi cùng lên Đà Lạt để theo học khóa Sĩ quan căn bản CTCT tại Trường Đại học CTCT. Một sáng Chủ nhật, đâu chỉ hai tuần sau ngày nhập trường, tôi đã thấy chàng hớn hở tươi cười, dung dăng dung dẻ bên cạnh mấy cô học trò trường Bùi Thị Xuân đi vòng quanh khu Hòa Bình, rồi ríu ra ríu rít trong vườn hoa Bích Câu, ven bờ hồ Xuân Hương.

Cũng chẳng biết anh chàng gặp gỡ và trao đổi cách nào với vị giáo sư chủ nhà sách Nhân Văn ngoài phố, chắc có uy tín trong trường Bùi Thị Xuân, để rồi vào một buổi chiều Chủ Nhật, nhà trường chấp thuận cho nhóm anh em khóa sinh bọn tôi được sử dụng Hội trường, tổ chức buổi sinh hoạt thơ nhạc rất phong phú. Buổi sinh hoạt khá thành công với mấy trăm người tham dự, đủ mọi thành phần. Và gây tiếng vang trong thành phố Đà Lạt nhỏ bé, mà thời gian dài đã im vắng các sinh hoạt như vậy.

Sau đấy thì các cô bạn văn nghệ của Phan Lạc Giang Đông như nhiều thêm. Có buổi sáng ngày nghỉ vừa ra tới ngoài phố, tôi đã phải vội chỉ đường cho một nhóm hai ba cô, quẹo theo hướng khác ngược hẳn, khi các cô đang lơ ngơ đi tìm anh chàng, mà lại định bước chân về đúng nơi chỗ tôi biết chắc Giang Đông có mặt ở đấy. Cũng là giúp cho bạn tôi đỡ lúng túng khó xử, khi cùng lúc phải gặp hai nhóm bạn, dường như họ không hợp nhau.

Tôi biết một trong số các cô đó còn duy trì liên lạc với Phan Lạc Giang Đông cho tới mãi tận sau này, khi anh chàng đi tù cải tạo về.

Thời gian này, bạn tôi xoay sở đủ thứ nghề để mưu sinh. Thỉnh thoảng vào buổi tối, cứ cách một hai tháng, thường ghé qua nhà rủ tôi đi uống cà phê hay ra quán cóc đầu hẻm uống xị rượu thuốc lãng quên đời, vì có chuyện buồn ở nhà. Và mỗi lần như thế, lại thấy một cô bạn khác nhau đi cùng, không phải cô lần trước. Hình như đã là thi sĩ thì bên cạnh luôn phải có thấp thoáng bóng dáng một giai nhân mới phải lẽ hay sao.

Phan Lạc Giang Đông rất say mê và thần tượng Quang Dũng của Đôi bờ, Tây Tiến, Đôi mắt người Sơn Tây…. Và hình như cái chất lãng mạn mộng mơ của ông thi sĩ  Quang Dũng đã thấm nhập trọn vẹn vào con người ông thi sĩ Phan Lạc Giang Đông, suốt cả cuộc đời.

Có điều, chuyện tình trường của bạn tôi lúc nào cũng chỉ phất phơ qua cầu gió bay trong vòng lễ giáo, không thấy điều tiếng gì bao giờ.

Việc anh chàng chính thức lấy vợ lần thứ hai khi đã luống tuổi, có cưới hỏi đàng hoàng, quả thật tôi cũng chịu, đâu thể lý giải nổi. Người ta thường nói không ai giải thích được tình yêu.

Phan Lạc Giang Đông từ trần vì một cơn bệnh bột phát khi sức sáng tác đang sung mãn. Có nhiều bài thơ tạo được sự chú ý, như bài Những dòng sông đều chẩy, Chào kỷ nguyên mới… Cũng còn có nhiều bài thơ được phổ nhạc, được dịch sang Anh ngữ và chọn đăng trong Tuyển tập Thi ca Hoa Kỳ. Và thêm nữa là những sinh hoạt văn học nghệ thuật một thời tại nơi đất sống mới Seattle, còn để lại đôi chút dấu ấn.

Biết nói gì về phận người mong manh, Phan Lạc Giang Đông ơi. Sao bỗng dưng tôi lại nhớ đến cậu nhiều như vậy và tháng năm cuộc đời ấy. Hình như tôi nhớ đến bạn mình để nhớ và suy nghĩ cho chính mình. Có điều gì đã đến, dù với cách thế nào, thì rồi cũng phải qua đi, và sẽ để lại những dấu tích.

Lần trở về thăm lại nơi chốn cũ của tôi, một người bình thường giữa mọi người và cũng chẳng có gì đáng để ý. Có chăng, chỉ đọng lại chút dư vang của vài điều chuyện vui buồn quên nhớ, lan man vặt vãnh riêng tư, như một bản tường trình nhạt phèo, không cần thiết cho một ai khác.

*

Trong suốt chiều dài quãng đời đã qua của mỗi người, hẳn phải có biết bao nhiêu điều chuyện tại từng nơi chỗ, bên cạnh từng khuôn dáng thân quen một thời. Và vây quanh là những sắc mầu thời gian khi ấy, ẩn hiện ghi dấu thành các vết tích đậm nét. Rồi mọi thứ như thể được sắp xếp cẩn thận, nằm im khuất loanh quanh trong từng ngăn kéo ký ức.

Bỗng nhiên những điều chuyện trong ký vãng dài xa như thể đã bị quên lãng ấy, từ một đánh thức khe khẽ bất chợt nào đó, sẽ lại lần lượt ùa về trong ta, đem theo thật nhiều tâm tưởng bồi hồi làm xao xuyến.

Xin cám ơn những dòng chữ xuất hiện vô tình, như những nhịp tay vừa được gõ xuống từng phím chữ, thêm một động tác trên mặt bàn phím quên nhớ, đã đánh thức trong tôi bao điều chuyện, lưu trữ rải rác đâu đấy ở mạch chiều dài thời gian. Rồi bây giờ đây, lần lượt chuyển hiện lên màn hình trí tưởng, những khung ảnh đầy ngỡ ngàng bâng khuâng.  ./.

ngọctự.

Houston tháng 8 &9 /2019


==============

 

 


0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ