về nhà thơ PHAN THỊ THANH NHÀN ( 1943 - ) -- nguồn: www.nguyenluongbang.edu.vn>
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn
(1943)
TIỂU SỬ:
Sinh ngày 9-8-1943. Quê ở phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ðảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Ðã từng theo học: Khoa báo chí trường tuyên giáo Trung ương, Khóa 5 lớp bồi dưỡng những người viết văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam, Khóa cao học dành cho các nhà văn trẻ Việt Nam tại học viện Gorky (Liên Xô).
TÁC PHẨM CHÍNH:
Thơ: Tháng giêng hai (Văn học, 1969, in chung với Thúy Bắc và Hoàng Thị Minh Khanh); Hương thầm (Văn học, 1973); Chân dung người chiến thắng (Tác phẩm mới, 1977); Bông hoa không tặng (Tác phẩm mới, 1987); Nghiêng về anh (Hội Nhà văn, 1992); Bài thơ cuộc đời (Hà Nội, 1999); Thơ với tuổi thơ (Kim Ðồng - 2002).
Văn xuôi: Xóm đê ngày ấy (tái bản ba lần, Kim Ðồng - 1975, Hà Nội, 1982, Kim ?ỒNG - 1999); HOA MẶT TRỜI (PHỤ NỮ, 1981); ÁNH sáng của anh (Kim Ðồng, 1978); Tuổi trăng rằm (Kim Ðồng, 1982); Bỏ trốn (Kim Ðồng, 1995 - 1996 - 1999).
Ðã nhận được các giải thưởng văn học: Giải nhì cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1969; Giải A của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội các năm 1974 và 1980; Giải C Nhà xuất bản Kim Ðồng cho tác phẩm Tuổi trăng rằm năm 1982; Giải A Nhà xuất bản Kim Ðồng cho tác phẩm Bỏ trốn năm 1995. Năm 1996 tác phẩm này được xưởng phim truyện Việt Nam dựng phim nhựa và đoạt giải Bạc của Hội Ðiện ảnh Việt Nam năm 1996.
TỰ BẠCH:
Nhờ có bố tôi là người rất thuộc truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương và hay đọc các sách cổ như Tam quốc chí, Ðông chu liệt quốc, Tây Du, Phạm Tải Ngọc Hoa, Phạm Công Cúc Hoa... nên từ bé tôi đã rất mê văn học. Mẹ tôi thường kể là vào những lúc cả nhà bận rộn, lúc hỏi đến tôi rồi đi tìm, thì lại thấy tôi trốn ở một góc khuất nào đó say sưa đọc sách. Tôi cũng mơ ước viết được những cuốn truyện, những bài thơ làm cho những người không quen biết tôi khi đọc cũng hiểu tôi, thông cảm với tôi và yêu mến tôi như tình cảm của tôi đối với các tác giả và tác phẩm mà tôi đang đọc. Nhưng đó chỉ là mơ ước. Cho đến nay, nghĩ về nghề, tôi vẫn thấy mình chưa làm được gì như trong một bài thơ tôi đã viết năm 1997:
Và tôi cũng kiên trì kéo lưới
Cuối chiều rồi câu chữ vẫn hư vô
(Kéo lưới)
Văn học là con đường vô tận, cao đẹp mà tôi thấy mình dù suốt đời cố gắng vẫn mới chỉ là đặt chân vào.
NHẬN ĐỊNH:
Thanh Nhàn có thơ đăng báo từ những năm đầu thập niên 60, nhưng bà được đông đảo độc giả biết đến là từ khi bài Hương thầm được giải nhì trong cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ năm 1969. Bài thơ này tập trung được nhiều nét đặc sắc của thơ Thanh Nhàn. Thơ bà khá đậm nữ tính. Nhân vật trữ tình của bà thường là các cô gái bán tỉnh bán quê, e lệ nhưng thông minh như cô gái trong Hương thầm gói chùm hoa bưởi vào chiếc khăn tay sang thăm người con trai hàng xóm ngày mai ra trận. Vào cuối thế kỷ 20 rồi, cái lối tỏ tình ấy chỉ còn lưu lại ở những vùng quê ngoại thành. Không gian thân thuộc của thơ Thanh Nhàn chính là đất ngoại thành quê gốc, nơi sinh trưởng của bà, vùng Yên Phụ - Hồ Tây, Hà Nội. Những con người lam làm vất vả nghèo khó đất ngoại ô này: ông mù quét rác, bà chè chai đồng nát... chiếm một cảm tình sâu nặng trong thơ bà. Thanh Nhàn viết bằng những kỷ niệm ấu thơ, và bằng cả chất liệu của chính cuộc sống thường nhật. Bà không tìm thơ xa xôi, cũng không kiễng lên với những chủ đề lớn. Thơ bà giản dị, cảm xúc chân thực. Bà không mạnh tưởng tượng nhưng lại giỏi phát hiện chất thơ sinh động trong đời sống thật như ở một đám cưới ngày mùa.
Các cụ ông say thuốc
Các cụ bà say trầu
Còn con trai con gái
Chỉ nhìn mà say nhau.
Và nhất là ở chính nội tâm bà. Ðây là mặt mạnh trong cảm xúc trữ tình của Thanh Nhàn. Thơ bà cho thấy cuộc đời của bà. Tình cảm với những người thân trong gia đình: mẹ, em gái, em trai..., và nhất là vùng thơ tình yêu. Bà ít viết những đề tài ngoài mình, những đề tài xã hội. Bà viết như tâm sự, giãi bày chính nỗi lòng mình. Rất nhiều cung bậc tình yêu đầy nữ tính được lưu giữ chân thật cảm động trong thơ Thanh Nhàn, thuở ban đầu:
Tay anh cầm lần ấy
Tôi xấu hổ cúi đầu
Cửa đừng nghe trộm đấy
Tôi chả bằng lòng đâu
Rồi lúc vào tuổi lớn:
Mắt đeo kính tóc rụng thưa
Gặp người yêu cũ muốn vờ rằng quên.
Thanh Nhàn có nhiều trăn trở trong duyên phận và bà đã chuyển tải chúng vào thơ khá tinh tế. Khi chia sẻ với gương mặt hạnh phúc sau xe đạp người ta, khi chạnh lòng trong ngày vui em gái.
Nhìn hai em thật đẹp đôi
Vu vơ lòng chị bỗng hơi hơi buồn
Một lời giao hẹn rất đàn bà:
Nếu anh đi với người yêu
Chỉ xin anh nhớ một điều nhỏ thôi
Con đường ta đã dạo chơi
Xin đừng đi với một người khác em.
Một quan sát tâm lý trong đời sống gia đình:
Chiều nay chắc giận em ghê lắm
Anh bực mình triết lý lung tung.
Thanh Nhàn tự biết mình là người đa mang, đa cảm. Bà diễn tả tài tình nhiều cung bậc về sự cô đơn. Khi thì an ủi bông hoa nở một mình:
Một mình đâu? Có trời cao
Có heo may lạnh rì rào cùng hoa.
Hoa có trời cao và gió lạnh ở bên. Hình thức là an ủi nhưng thực chất là lời than xót xa. Nhạy cảm với cô đơn, bà lắng nghe mình và tự cảnh giác:
Xin đừng bước lại gần hơn
Xin đừng gửi kẹo cho con ở nhà
Xin đừng trò chuyện gần xa
Xin đừng điện thoại, đừng qua trước thềm.
Quay nhìn lại, ngót bốn mươi năm làm thơ, Thanh Nhàn không bâng khuâng về thơ mà bâng khuâng về đời, về duyên phận:
Bây giờ tóc bạc tuổi cao
Thơ mình mình đọc câu nào cũng thương
(...) Người yêu ngày ấy đâu rồi
Chỉ câu thơ sống cùng tôi tuổi già.
Với Thanh Nhàn, thơ như lý lịch cuộc đời. Ðó là một hướng đi đúng, nhất là đối với các cây bút nữ, vốn mạnh cảm xúc nội tâm. Thanh Nhàn lấy chính mình làm đối tượng khám phá, làm đề tài lẫn chủ đề cho thơ. Bà tìm ra cái bất ngờ ở tuổi bốn mươi Băn khoăn bỡ ngỡ như hồi mười lăm. Lại có khi tạ lỗi rất thật thà Tạ lỗi người thương tôi/ Bởi người tôi thương mến/Ðã thờ ơ mất rồi. Ðọc Thanh Nhàn đừng bận tâm đi tìm tư tưởng. Bù lại, thơ bà dễ thân, dễ thành bạn tâm tình chia sẻ với mọi người. Giọng thơ giản dị, câu thơ càng ngày càng được chăm sóc tỉ mỉ. Tình cảm chín dần trong nỗi thấm thía nội tâm. Bước tiến của Thanh Nhàn song hành với sự lịch lãm từng trải và sự lao động kiên trì của bà. Thanh Nhàn ngày càng lặn sâu vào lòng mình, mạnh dạn mà cũng khá nhuần nhuyễn bộc lộ nỗi riêng tư rất cá thể trước cuộc đời. Bà cảm tạ cuộc đời, cảm tạ bạn đọc tri kỷ, lời lẽ chân thành như nói với mai sau:
Ai sẽ đọc thơ tôi
Với tấm lòng trân trọng
Ai có cảm thương tôi
Suốt một đời lận đận
(...) Lặng im trong lặng im
Có nghe lời cảm tạ.
Hà Nội, 10-5-2002
VŨ QUẦN PHƯƠNG
TRÍCH TÁC PHẨM:
Hương thầm
Cửa sổ hai nhà cuối phố
Không hiểu vì sao không khép bao giờ
Ðôi bạn ngày xưa học cùng một lớp
Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưaGiấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay
Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm
Bên ấy có người ngày mai ra trậnHọ ngồi im không biết nói năng chi
Mặt chợt tìm nhau rồi lại quay đi
Nào ai đã một lần dám nói?Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối
Anh không dám xin
cô gái chẳng dám trao
Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao
Không giấu được cứ bay dịu nhẹ
Cô gái như chùm hoa lặng lẽ
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu
(Anh vô tình mà chẳng biết điều
Tôi đã đến với anh rồi đấy...)Rồi theo từng hơi thở của anh
Hương thơm ấy thấm sâu vào lồng ngực
Anh lên đường
hương sẽ theo đi khắp
Họ chia tay
vẫn chẳng nói điều gì
Mà hương thầm thơm mãi bước người đi.
1969
Con đường
Nếu anh đi với người yêu
Chỉ xin anh nhớ một điều, nhỏ thôi
Con đường ta đã dạo chơi
Xin đừng đi với một người khác em
Hàng cây nay đã lớn lên
Vươn cành để lá êm đềm chạm nhau
Hai ta ai biết vì đâu
Hai con đường rẽ lên nhau xa hoàiNếu cùng người mới dạo chơi
Xin anh tránh nẻo đường vui ban đầu
Với mùa thu
Bỗng dưng lạnh nhạt với đời
Không còn rung động trước lời yêu thương
Nhiều khi điện thoại rung chuông
Giả vờ đi vắng không buồn cầm nghe
Soi gương, mình ngán mình ghê
Nếp nhăn đuôi mắt tràn về khóe môi.
Họp hành chỉ lặng im thôi
Hình như hết cả niềm vui nỗi buồn!Chiều nay lòng bỗng bồn chồn
Chiều nay sao chợt tơ vương mơ hồ
Hóa ra trời chớm vào thu
Se se gió lạnh, lá vừa rơi nghiêng...Thì ra lòng vẫn còn duyên
Với trời đất với thiên nhiên tuyệt vời.
Ðám cưới ngày mùa
Lúa đồng đang gặt rộ
Cau chín ngang mái nhà
Gió heo may gọi rét
Cây rơm vàng như hoaChú rể là bộ đội
Về phép rồi đi xa
Cô dâu bằng lòng cưới
Má ửng lên thẹn thòThóc vun thành luống cao
Máy tuốt lúa ngừng reo
Loáng cái, sân hợp tác
Ðã hoa dăng đèn treoNước chè tươi sóng sánh
Làm say ông trăng tròn
Bọn trẻ say tiếng hát
Miệng cứ hò reo luônCác cụ ông say thuốc
Các cụ bà say trầu
Còn con trai con gái
Chỉ nhìn mà say nhau.Làng quê
Như chưa hề nghe bom rơi
Làng quê vẫn tự bao đời bình yênKhói cơm chiều nhẹ bay lên
đường thôn vương vít mùi thơm ngọt ngào
Hoa xoan thả tím mặt ao
hoa ngâu hoa bưởi lẫn vào hoa chanh
Rơm phơi quấn quít bàn chân
lại mùi đất ải lẫn cùng cỏ tươiCánh đồng vẫn lúa vẫn khoai
bàn chân đất vệt tay chai cần cù
Dẫu bom đạn của quân thù
qua mưa lụt đến hanh khô xé đồng
Hết hè thu lại chiêm xuân
Vẫn nuôi cả nước tảo tần - làng quêThế mà nép dưới chân đê
rì rào ao cá bờ tre dịu hiền
ẦU ơ ru cháu ru em
Cái nôi nhân ái làm nên cuộc đờiLàng quê - gốc của tình người
sáng trong sâu nặng như lời mẹ ru.
Bài thơ cuộc đời
- Nếu anh thực yêu em
sao anh không tặng hoa?
- Nếu anh thực yêu em
Sao anh không giúp đỡ?
- Nếu anh thực yêu em
Sao anh không bỏ vợ?
Nàng hỏi. Chàng lặng im
Rồi rụt rè bào chữa:
- Ðến với nhau đã khó
Anh thực lòng yêu thương ...
Nàng cúi đầu nức nở
Chàng dịu dàng nhẹ ôm
Ôi mối tình trắc trở
Bao nhiêu là đa đoan!
Dù thế nào đi nữa
Vẫn đang là mùa xuân
Không còn ai lừa gạt
Mới thực là cô đơn.Tuyết
Ai như là mặt đất
Với cồn cào biển sâu
Với núi cao rừng thẳm
Với bùn lầy đớn đauVà ai như tuyết trắng
Cứ dịu dàng rơi rơi
Mặt đất thành thanh sạch
Trắng một màu tinh khôiAnh có là tuyết ấy
Chở che em một đời?
PHAN THỊ THANH NHÀN
nguồn: www. nguyenluongbang.edu.vn>
=====================
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ