Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2021

bài đọc thêm (2) : Hiểu thêm về thơ NGUYỄN KHOA ĐIỀM / Hoàng Thị Thu Thủy -- nguồn: vanhocsaigon

 

Hiểu thêm về thơ Nguyễn Khoa Điềm


HOÀNG THỊ THU THỦY

VHSG- Trong thế hệ những nhà thơ chống Mỹ, Nguyễn Khoa Điềm đã để lại những ấn tượng khó quên đối với người đọc qua hai tập thơ “Đất ngoại ô” (1972) và “Mặt đường khát vọng” (1974), đến cuối năm 1984, hai tập thơ được in gộp lại và lấy tên “Đất và khát vọng”. Năm 1986, anh tiếp tục in tập thơ “Ngôi nhà có ngọn lửa ấm” và năm sau đó (1987), tập thơ được giải thưởng của hội đồng thơ Hội nhà văn Việt Nam. Năm 2010, anh tiếp tục được trao giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô (giải B) với tập thơ “Cõi lặng”.



Nguyễn Khoa Điềm là người lao động nghệ thuật nghiêm túc, anh khắt khe với chính mình, có lẽ vì thế mà thơ anh chính là “Cái kết tinh của vần thơ là muối biển/ muối lắng ở ô nề và thơ đọng ở bề sâu” (Chế Lan Viên). Thơ anh được tuyển chọn và đưa vào giảng dạy ở nhà trường, bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” ở Chương trình Ngữ văn THCS và chương thơ “Đất nước” (trích trường ca “Mặt đường khát vọng”) ở Chương trình Ngữ văn THPT.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm

Từ những năm 80 của thế kỷ XX, có nhà phê bình đã cho rằng: “Đã từ sớm thơ Nguyễn Khoa Điềm thừa chất trí tuệ. Có lẽ vì thế mà anh trăn trở với mình. Sang thời bình, anh ít viết, vì có lẽ vào thời điểm đó anh quá bận rộn với những công việc cùng những trọng trách mà anh đang đảm đương và gánh vác, và cũng có lẽ một phần do cái nhìn cuộc sống trong trong sự đổi thay từ thời chiến sang thời bình nên chất sống dạt dào của cái thời “Tôi ở xa Seng Phan nghe tiếng bom gầm như tiếng thú,/ Tôi ở giữa Seng Phan nghe tiếng bom rất nhỏ” (thơ Phạm Tiến Duật) khó trở lại cùng anh”.
Giải thưởng thơ năm 1987 cho tập thơ “Ngôi nhà có ngọn lửa ấm“, đã chứng minh rằng Nguyễn Khoa Điềm ít viết bởi anh không thuộc dạng những nhà thơ sáng tác ôm đồm với nhiều đề tài bề bộn và phức tạp, mà anh dằn vặt, suy tư về mình, về những con người vừa bước ra từ cuộc chiến trở về với cuộc sống thường nhật, và trăn trở với “mai sau”: “Mai này con ta lớn lên,/ Con sẽ mang Đất Nước đi xa,/ Đến những tháng ngày mơ mộng…” (Trích chương thơ “Đất nước”). Cảm xúc của nhà thơ dường như dồn nén vào vùng sâu thẳm của tâm hồn, để bật ra đường dây liên tưởng của miền nội tâm sâu kín.

Nếu như trong chiến tranh, ở 2 tập thơ “Đất ngoại ô” và “Mặt đường khát vọng” nhà thơ khai thác những rung cảm tâm hồn, những cảm xúc sâu lắng qua chủ đề đất nước – nhân dân – cách mạng, thì sau chiến tranh chủ đề đó vẫn trở lại trong thơ anh nhưng không gân guốc, mạnh mẽ như trước mà có phần bồi hồi, sâu lắng hơn. Nếu thơ viết trong chiến tranh sử dụng nhiều tri thức về văn hóa, lịch sử, âm nhạc… thì càng về sau những tri thức đó được khai thác ở diện hẹp hơn, nhường lại cho tri thức cuộc đời…

Đề tài về người mẹ trong thơ Nguyễn Khoa Điềm thường trực từ trong những năm chiến tranh ác liệt, cho đến cả thời bình. Ra Bắc từ năm 12 tuổi, anh phải sống xa mẹ, nên hình ảnh người mẹ thân thương, người mẹ Việt Nam anh hùng luôn ám ảnh trong thơ anh. Đi qua chiến tranh, cầm súng đứng trong chiến hào làm thơ, nhà thơ càng ý thức về hình ảnh người mẹ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Đó là những giây phút xuất thần trong thi hứng giúp anh viết bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” trôi chảy trong ngôn từ, sâu sắc trong ý tứ, vừa cụ thể, giản dị, vừa khái quát, ngợi ca… Hình ảnh người mẹ “ngoại ô” tảo tần qua năm tháng, người mẹ tiễn con ra trận chỉ dặn theo hai chữ hiếu trung (Thưa mẹ, con đi) với lời hứa “Chúng con thề/ chúng con sẽ ra đi” (Mặt đường khát vọng)… và hình ảnh người mẹ định hình trong anh một nỗi lo âu, nỗi lo âu đó chính là lòng hiếu thảo của những người con có trách nhiệm với bản thân, với đất nước: “Và chúng tôi một thứ quả trên đời/ Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái/ Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi/ Mình vẫn còn một thứ quả non xanh” (Mẹ và quả)

Mặt đường khát vọng” được Nguyễn Khoa Điềm sáng tác ở chiến khu Trị Thiên vào năm 1971… Tác phẩm thể hiện quá trình thức tỉnh của tuổi trẻ các đô thị ở vùng tạm chiến miền Nam, họ nhận ra bộ mặt xâm lược của đế quốc Mĩ để nhận thức về vai trò trách nhiệm của mình với dân tộc, nhân dân… Đoạn trích “Đất nước” thuộc phần đầu của Chương V trường ca “Mặt đường khát vọng”, đây là chương thơ nhận chân giá trị của đất nước – đất nước của nhân dân là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chương thơ này…

Kết cấu của trường ca “Mặt đường khát vọng” được xây dựng từ những ám ảnh của giai điệu âm nhạc trong bản giao hưởng số V của Beethoven…

Trong 42 câu mở đầu chương thơ, nhà thơ tập trung các cứ liệu để nhận diện về “Đất nước” có nguồn gốc lâu đời và đưa độc giả ngược thời gian trở về cội nguồn Đất Nước. Phải chăng thành công của đoạn thơ ngoài việc khẳng định đất nước – cội nguồn của dân tộc còn ở việc sử dụng những chất liệu văn hóa, văn học dân gian? Và chính tư tưởng đất nước của nhân dân đã quy tụ mọi cách nhìn và đưa đến những phát hiện độc đáo của nhà thơ về đất nước. Ở chương thơ này cũng thể hiện nét phong cách trữ tình – chính luận của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Cách cảm nhận về Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm mang nét riêng, độc đáo… Chương thơ thể hiện chất suy tưởng, các tầng liên tưởng trong bề sâu, bề xa của các giá trị về Đất nước – Nhân dân… Sử dụng chất liệu văn hóa, văn học dân gian với hình ảnh bình dị, ngôn từ giàu sức gợi và chất chính luận kết hợp nhuần nhuyễn cùng chất trữ tình tạo nên sức truyền cảm sâu xa…

Nhà phê bình Hoàng Thị Thu Thủy

Thơ Nguyễn Khoa Điềm giàu liên tưởng, từ những điều tưởng chừng giản dị, những cảm nhận đơn sơ nhưng lại có sức khái quát và trở thành chiêm nghiệm đời người: “Cha mẹ đi làm, con một mình tha thẩn/ Ngã, đứng dậy, cười, khóc một mình/ Bốn mươi tuổi rồi, lắm khi/ Cha cũng ngã, đứng dậy, cười khóc một mình” (Buổi đầu), hoặc trong bài “Mẹ và quả”: “Lũ chúng ta từ tay mẹ lớn lên/ Còn những bí và bầu thì lớn xuống/ Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn/ Giỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi”…

Thơ Nguyễn Khoa Điềm giàu triết lý suy tư và thấm đẫm chất trữ tình, bởi vậy câu thơ của anh thường nhiều ký tự, anh muốn trải dài câu thơ ra, trên đó khảm đầy những suy tư, một cách có ý thức, với một thái độ tích cực, sẻ chia tấm lòng của mình trước thực tại (Viết từ Đà Nẵng, Kính tặng cụ Nguyên Hồng, Một lần dừng chân trước Đồng Hới…). Nguyễn Khoa Điềm nắm vững đặc trưng của thơ ca, bảo đảm cho tư duy thơ đông đặc và nhảy vọt, anh lựa chọn những từ ngữ, hình ảnh hàm súc, triệt để khai thác “âm vang của khoảng cách trong thơ”, ngôn ngữ thơ tinh lọc để làm toát lên vẻ đẹp của hiện thực. Thi pháp thể hiện của nhà thơ đạt đến độ chín, mới tạo nên một không gian nghệ thuật xóa nhòa giữa ảo và thật, trầm tích những giá trị văn hóa ngàn đời của dân tộc…

Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ những nhà thơ được học hành, lớn lên ở miền Bắc vào những năm hòa bình rồi vào chiến trường (năm 1964, cùng đợt với các nhà thơ Lê Anh Xuân, Dương Hương Ly…), nhưng đọc thơ chống Mỹ của anh ta thấy thơ anh gần với thơ tranh đấu của phong trào đô thị, là gạch nối của phong trào nội thành và chiến khu, vì vậy thi pháp thơ anh là sự vận động từ sự gân guốc, mạnh khỏe một cách điềm tĩnh đến độ sâu sắc, đến mức tĩnh tại, chạm vào phần sâu kín nhất của tâm hồn con người, làm bật lên những hiệu ứng thẩm mĩ phong phú.

Nguyễn Khoa Điềm là người lao động nghệ thuật nghiêm túc, anh khắt khe với chính mình và vì thế mà khi sáng tác thơ, anh cần quý hồ tinh hơn quý hồ đa. Do vậy, hành trình thơ ca của anh đã định hình về phong cách, về nét riêng, và thơ anh là tinh hoa của thơ ca Việt Nam hiện đại. Truyền thống gia đình, tình cảm yêu nước, một lòng một dạ với Tổ quốc và nhân dân cùng tâm hồn cao đẹp đã chắp cánh hồn thơ Nguyễn Khoa Điềm. Nguyễn Khoa Điềm cho rằng nếu thiếu đi tấm lòng nhân hậu, cao thượng thì không thể có thơ hay được. Sự sống chín đầy trong tâm hồn người làm thơ là cơ sở của sự thăng hoa, sáng tạo. Thơ phải góp phần làm đẹp tâm hồn…

Trải qua những chặng đường, Nguyễn Khoa Điềm vẫn giữ vững bản lĩnh sáng tác của mình, và đó là điều mà anh tâm niệm khi cầm bút: “văn học không phải là nghề mà là số phận mà người ta nhận lấy”. Anh đã bước qua cái hăm hở phơi phới của một sinh viên rời ghế nhà trường khoác áo lính, vừa cầm súng, vừa cầm bút; tất cả sự bồng bột, hứng khởi dần nhường chỗ cho sự đắn đo, lựa chọn, và anh đã tìm cho mình “Cõi lặng”: “Anh soi thấy mặt mình/ Với nỗi buồn trong sạch/ Cõi lặng./ Không tiếng động nào khác/ Tiếng đập trái tim anh/ Người ơi, tôi yêu người tha thiết/ tôi sống với người, chết vì người/ Cõi lặng. Tôi vượt qua ghềnh thác/ Đến những miền trong xanh…” Những miền trong xanh sẽ mãi là bến bờ bình yên với nhà thơ, bởi lẽ ngôi nhà tâm hồn anh luôn có ngọn lửa ấm và ngôi nhà anh bên thôn Vỹ Dạ vẫn mãi hồng lên ánh lửa nhỏ của tình yêu cuộc đời.

Xin mượn những dòng thơ trong chương thơ “Đất nước” thay cho lời kết: “Nhưng lạ lùng sao nhân dân ta, thông minh,/  Không hề lừa ta dù ca dao, cổ tích,/ Ta lớn lên với niềm tin, chân thật…“  ./.


TS HOÀNG THỊ THU THỦY


nguồn: vanhocsaigon


===========

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ