Thứ Ba, 8 tháng 12, 2020

bài đọc thêm về nhà báo, thi nhân HUY PHƯƠNG " ... như một lời chia tay ..." / Đằng Giao -- source: www.nguoi-viet.com>

 

Tuyển Tập Huy Phương,’ như một lời chia tay cùng độc giả

Đằng-Giao/Người Việt

ANAHEIM, California (NV) – Tác giả Huy Phương muốn dùng “Tuyển Tập Huy Phương” thay cho lời từ giã độc giả của bao nhiêu năm qua.

“Tuyển Tập Huy Phương,” bộ sưu tập tạp ghi suốt 50 năm của Huy Phương. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

“Đây là cuốn sách ‘cuối đời’ của tôi,” ông nói bằng giọng nghiêm chỉnh pha chút chán chường, bất lực trước cơn lốc thời gian.

“Tuyển Tập Huy Phương” là một bộ sưu tập gồm những bài viết ưng ý nhất của ông trong suốt nửa thế kỷ cầm bút, chia sẻ những tâm tư sâu thẳm, những trăn trở ray rứt và những tiếng thở dài não lòng, rũ rượi.

Là cuốn sách “cuối đời,” ngay phần thay lời tựa, Huy Phương đã mượn tựa đề nhạc phẩm “Như Một Lời Chia Tay” của Trịnh Công Sơn để nói… lời chia tay cùng độc giả.

Ông viết: “Tính đến ngày 25 Tháng Sáu, 2020, chúng tôi đã được 83 tuổi chẵn. Người xưa có nói ‘thất thập cổ lai hy,’ thì nay sống đến trên 80 tuổi cũng là điều khá hiếm trên cõi đời này. Là một người Việt Nam bình thường, chúng tôi cũng đã trải qua những ngày loạn lạc, đau khổ, bom đạn tù đày… và giờ đây, theo số phận phải rời bỏ quê hương để làm một người lưu vong, rồi đây phải gởi thân nơi đất khách.”

“Rồi đây phải gởi thân nơi đất khách,” ông đã ung dung chấp nhận cái thân phận của một người lính già không còn quê hương để bảo vệ.

Ông “tính sổ đời” một cách bình thản: “Hạnh phúc, giàu sang thì ít, mà nghèo đói, bất hạnh thì nhiều, ngẫm lại cuộc đời buồn nhiều hơn vui, đành phải tin vào số phận an bài mà vui sống. Tuy vậy, chúng tôi cũng biết mang ơn cuộc đời, đất nước, những người lính, gia đình, bạn bè…”

Ông không quên độc giả: “… Và trong nửa cuối cuộc đời, chúng tôi mang ơn thêm độc giả, những người đã cho tôi niềm vui trong cuộc sống văn chương, chữ nghĩa, giúp cho chúng tôi sống hạnh phúc trong quãng thời gian còn lại của cuộc đời lưu lạc.”

Qua những gì ông đã viết, ông thường ví cuộc đời như một chuyến du hành và “Tuyển Tập Huy Phương” là món quà ông muốn gởi lại trước khi “xuống tàu.” Ý niệm này đã nảy nở khi ông viết cuốn “Ga Cuối Đường Tàu” hồi 2018.

“Nói gì hơn nữa với độc giả? Những gì muốn nói, tôi đã nói bằng những bài viết trong những năm qua rồi,” Huy Phương cười. “Thôi, nói nhiều chưa dễ đã bằng không.”

Và độc giả đã trả lời ông bằng nhiều lần tái bản. Sách ông, cuốn nào cũng được tái bản. Ông nói: “Với người cầm bút, không gì hạnh phúc hơn là được tái bản sách của mình. Điều đó nói lên rằng những gì mình viết đã đi sâu vào lòng người đọc.”

Khi được hỏi là một tác giả sung mãn, điều gì khiến ông hãnh diện nhất, ông chia sẻ: “Khi được độc giả cho biết họ thấy chính họ trong những dòng chữ của tôi.”

“Tuyển Tập Huy Phương” gồm 12 tuyển tập tạp ghi của Huy Phương, viết từ ngày ông sang Mỹ đến giờ.

Sau cuốn tạp ghi đầu tay “Nước Mỹ Lạnh Lùng” (1991-2003,) ông viết không mệt mỏi với “Đi Lấy Chồng Xa,” “Ấm Lạnh Quê Người,” “Hạnh Phúc Xót Xa,” “Quê Nhà – Quê Người,” “Những Người Thua Trận, “Nhìn Xuống Cuộc Đời, “Ngậm Ngùi Tháng Tư,” “Quê Hương Khuất Bóng,” “Nước Non Ngàn Dặm,” “Ga Cuối Đường Tàu” và “Sóng Vỗ Bèo Trôi.”


Bài “Sống Và Chết Trong Lãng Quên” trong cuốn “Hạnh Phúc Xót Xa,” Huy Phương viết về những vị cao niên phải sống lây lất âm thầm vì con cái ở xa.
Cái chết đơn độc của người cao niên trên đất Mỹ đã là một đề tài thường thu hút ông.

Một ông cụ ngồi chết trước máy truyền hình hơn một năm mới có người biết. Lại có một cựu tướng lãnh gốc Việt chết trong một nhà dành cho người cao niên, phải ba ngày sau người ta mới biết. Một người khác té quỵ trong phòng tắm, sáng hôm sau người ở tầng dưới mới phát giác ra vì nước tràn xuống cả đêm. Một học giả cũng lặng lẽ với giấc ngủ dài mà không ai hay.

Ông viết: “Nhiều người bạn già của tôi tâm sự muốn sau khi chết, thi hài của họ phải được thiêu đốt rồi ‘gởi gió cho mây ngàn bay.’ Họ không muốn nằm trong phần mộ để rồi bị quên lãng, không ai thăm viếng, như những đứa con đã quên cha mẹ trong những ‘hộp cao ốc’ người già, quên cha mẹ lạnh lẽo trong nursing home.”

-tác giả Huy Phương trong buổi ra mắt “Chân Dung H.O.” tại Dallas, Texas. (Hình: Huy Phương cung cấp)

Rồi ông âm thầm thắc mắc cho thân phận mình: “…Nhưng bao nhiêu người Việt sau những biến cố đổi đời, trôi dạt đến đây, nghĩ sao khi cuối đời sống lạnh lẽo trong những căn nhà hộp không sinh khí và đôi khi ra đi trong sự quên lãng của mọi người?”

Bài “Tuổi Đá Buồn” cũng nói về nỗi quạnh quẽ của tuổi già. Một cụ già sống cô độc trong một chung cư. Ông chết lúc ngồi coi truyền hình, chung quanh đầy những vòng cườm phúng điếu mang những dòng chữ: “Vĩnh Biệt Bạn Hiền,” “Muôn Vàn Thương Tiếc”…, dưới vòng hoa là những hàng chữ đề tên người hay nhóm người phúng điếu như: “Ban Giám Đốc Chung Cư Hoàng Hạc,” “Hội Cựu Chiến Binh,” “Công Ty Bảo Hiểm Vạn Thọ”…

Ông bùi ngùi: “Ông cụ đã sợ khi chết đi, đám tang lạnh lẽo không ai thăm viếng đưa tiễn nên ông đã đặt mua những vòng hoa này, giấu giếm đem về trong những lúc vắng người để sau này tự phúng điếu cho mình.”

Kể lại những mẩu chuyện đầy thương tâm như vậy là sở trường của Huy Phương.

Là một cựu quân nhân lại là một ký giả, văn phong của ông, bề ngoài, như một bài phóng sự nhưng bên trong lại chất chứa những tiếng thở dài trĩu nặng muộn phiền, sầu não cho thân phận những người gốc Việt.

Ông viết về đủ mọi đề tài, từ bất công chính trị, tệ nạn xã hội đến những mẩu chuyện đầy nhân bản bằng ngòi bút ôn hòa. Về chính trị, ông không ồn ào công kích và về con người, những bài thâm thúy nhất, lắng đọng nhất của Huy Phương là những bài viết đi sâu nhất vào lòng người.

Quan trọng nhất là ở tận cùng những bài viết, dù ở bất cứ thể loại nào, là một tấm lòng canh cánh yêu nước, yêu nòi khôn nguôi của ông.

Và nếu thong thả nghiền ngẫm, qua “Tuyển Tập Huy Phương,” người ta có thể nghe được âm thanh của một cái vẫy tay từ biệt.

“Tiếng thì thầm từng đêm nhớ lại/ Ngỡ chỉ là cơn say/ Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời/ Như một lời chia tay…”

Với bao nhiêu tâm tư gởi gắm trong từng dòng chữ về con người và cuộc sống, chắc chắn tác giả Huy Phương sẽ để lại cho đời nhiều hơn là một đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời.

Mong rằng đây không thực sự là cuốn sách “cuối đời” của ông.

“Tuyển Tập Huy Phương” có bán tại tòa soạn báo Người Việt, hay trực tuyến tại nguoivietshop.com, hoặc liên lạc Huy Phương: (949) 241-0488. (Đằng-Giao) [qd]

—–
Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com


source : nguoi- viet.com>


                                         ==========

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ