VỢ TÔI / truyện ngắn KIM JU-YONG / Từ Vũ phỏng dịch -- source : Việt Văn Mới- Newvietart/ Fr. -- số ra ngày 21/ 11/ 2020
tranh của họa sĩ ĐaịHàn Kim Whanki (1913–1974)
VỢ TÔI
phỏng dịch
từ truyện Anhae của Kim Yu-Jong
T ôi xin cam kết với ông rằng chẳng một người nào lại có thể nói với ông là mụ vợ của tôi đẹp, nếu có chăng thì chỉ hoạ may chỉ là một người hoàn toàn thật sự gàn dở.
Tôi, kẻ đã phải chịu đựng mụ ấy hết ngày này sang ngày khác từ suốt mấy năm nay; tôi xin được thưa với ông: thực sự mụ ta chẳng đẹp đẽ gì, thế mà tôi đã cố hết sức để có được một cái nhìn rộng thoáng hơn, độ lượng hơn. Một người đàn bà , không phải chỉ cần có một khuôn mặt xinh xắn là đã đủ đâu mà cũng còn cần để sản xuất con cái cho mình nữa chứ , sản xuất những đứa con khoẻ mạnh , cứng cỏi như trâu .. mới được phải không thưa ông ?. Những kẻ nghèo nàn thảm hại như chúng tôi, lúc về già mà không có con có cái thì chỉ còn con đường chết đói thôi nhất lại là khi trong tay mình chẳng có lấy được một khoảnh ruộng để cắm dùi chứ chưa nói đến chuyện cầy cấy thì thật hết đường xoay sở, lấy ai nuôi dưỡng mình ? Chính vì thế mà tôi nghĩ, khi còn trẻ, mình phải sản xuất con cái càng nhiều bao nhiêu càng tốt để sau này còn đường mà nương tựa.
Theo tôi thì không phải vì lẽ người mẹ chẳng ra gì mà lũ trẻ cũng tồi tệ. Chỉ cần nhìn vào thằng con trai của tôi , thằng Ton Ton đây, là rõ ngay. Mẹ nó, mụ vợ tôi, với dáng dấp một chiếc bánh gạo tẻ bị thiu nhưng thằng con tôi, vừa kháu trai lại vừa thông minh... Duy có một điều là nó chỉ biết ăn, làm như nó đói cả ngày không bằng !. Tuy nhiên, việc này không quan trọng đối với tôi, chẳng có gì có thể thay thế được nó, nó thật là qúy báu đối với tôi, qúy hơn cả cha tôi, hơn cả ông cố nội tôi nữa.
Cái mụ vợ khốn kiếp của tôi đó, kể từ ngày nó đẻ cho tôi thằng Ton Ton này là nó lên mặt lên mày với tôi. Trước đây, với cái đầu tóc như một ổ quạ của mụ, mụ đâu bao giờ dám lên mặt hãnh diện như vậy . Người ta hay nói phải có thứ này thứ khác, thứ tốt thứ xấu nhưng mụ vợ tôi, ngay đối với những người ương ương gàn gàn cũng chẳng ai thèm nhìn đến mụ dù chỉ nhìn một giây đồng hồ. Người ta cũng lại thường nói rằng người đàn bà nào mà có cái trán rộng toạc với đôi chân mày xa nhau hơn cả một gang tay là những kẻ không có đầu óc rộng rãi. Nếu ở mụ vợ tôi chỉ có vậy thôi thì cũng còn tàm tạm được đi, đàng này mụ lại còn có thêm một cái hàm vuông nặng chịch, đôi môi thì vẩu ra với những nét kệch cỡm : tất cả là một sự thô tục , thực như thế ! Còn nữa, cái môi trên của mụ lại vừa dầy vừa thường trực vểnh lên . Mỗi khi mà mụ mở miệng để nói điều gì thì nguyên cả hàm răng trên triển lãm ra những chiếc răng vô cùng ... mất trật tự. Nói cho ngay thì mụ cũng có được một cái mũi tạm coi được : chiếc mũi gọi là xinh xẻo mà người ta nhìn thấy trước tiên, ở giữa khuôn mặt... Khốn nỗi, nơi mụ vợ tôi (ở đây có vẻ như tôi nói xấu vợ tôi nhiều quá thì phải...nhưng nếu tôi có nói ra cũng là để cố gắng "thu xếp" cho mụ được chút nào hay chút đó) cái mũi làm người ta nghĩ ngay đến mõm của một con lợn đang nghếch về một mé xa nào đó để đánh hơi.
Lại đến cái điểm về ban đêm mụ rình mò theo dõi tôi, rồi có thể vì lo âu, mụ nghĩ rằng tôi sẽ xỉ nhục hoặc ngược đãi mụ. Song tôi đã thương hại mụ, mặc dù mệt nhọc vì công việc ban ngày, tôi cũng phải hạ mình xuống để chuyện trò với mụ. Tôi hỏi mụ ngày hôm đó như thế nào ? đã sửa chữa xong cái cửa con con theo lời căn dặn của tôi chưa ? Tôi cũng nói với mụ rằng cái mũi của mụ, không hiểu tại sao, đêm nay trông lại có vẻ đẹp hơn, và nhiều chuyện đại loại lẩm cẩm như vậy. Lúc bấy giờ , mụ tỏ ra hí hửng, đúng là mụ ngốc, sự sung sướng đã làm cho mụ há hốc cả miệng, lết nhanh lại ngồi cạnh tôi để cạ sát vai mụ vào vai tôi.
Khi tôi nói với mụ rằng cái mũi càng ngày càng xinh hơn, mụ không ngớt hỏi đi hỏi lại tôi rằng điều đó có thực hay không. Trong thâm tâm của mụ thì mụ cũng đã biết rành ràng rằng điều này không có thực một chút nào nhưng chỉ cần nghe tôi nói thôi cũng đã đủ để an ủi mụ, đủ để mụ yên tâm. Và như vậy (tôi, tôi hiểu mụ rất rõ), tôi lại càng nói toáng lên, tôi bảo rằng cái mũi của mụ đang dần dần thẳng ra, thanh tao, nhẹ nhàng hơn. Mụ trả lời tôi rằng điều này có thể đúng vì nhờ vào việc mỗi khi phải vào chuồng xí để làm "nghĩa vụ tối cao", mụ kẹp mũi mạnh hơn khi trước. Ối trời ơi, mụ ta khoái ơi là khoái ! Nhiều khi tôi về đến nhà mệt lả sau một ngày lao động vất vả ở ngoài đồng, tôi nằm sóng soài dưới đất, chẳng nói với mụ lời nào. Tức thời, mụ ngốc, mụ nghĩ là tôi đang làm mặt thượng, mặt hạ với mụ vì mụ xấu xí, mụ thu mình vào một xó nhà bộ dạng ủ rũ, tinh thần hoàn toàn suy sụp. Cái đầu của mụ cũng quay đi một chút, chiếc cầm hướng về đàng trước, như cố để trưng bầy một tư thế tốt hơn với dáng ngồi nghiêng nghiêng của mụ. Đúng thật là một mụ ngốc : mụ tin rằng dáng người nghiêng nghiêng thì mụ sẽ đẹp hơn! Hỡi ơi, chẳng thay đổi được lấy một sợi lông chân nào cả ...
Bây giờ, mụ vợ ngốc của tôi đó, từ khi mụ đẻ ra đưọc thằng Ton Ton thì mụ tỏ vẻ khiêu khích với tôi đến độ ông khó lòng mà tưởng tượng được ! . Mỗi khi tôi về nhà, mụ chẳng thèm nhìn tôi nữa, đúng như là mụ chẳng cần biết đến tôi. Mụ đang cho con bú, mắt nhìn xuống, chẳng thèm ngó ngàng một thứ gì khác. Tôi vừa đưa tay lên rờ đầu thằng Ton Ton nói :
- Nó cứ ngủ suốt cả ngày, cả đêm hay sao !
Thế là tức khắc, mụ phát mạnh một cái trên tay tôi và đối đáp lại tôi :
- Để yên cho nó ngủ ! Ông muốn đánh thức nó dạy phải không !
Thời gian đầu thì tôi chẳng hiểu ất giáp gì, nên tôi cứ ngẩn người đứng yên ngửa mặt nhìn trần nhà, vẻ đần độn. Khi tôi đụng đến thằng con trai tôi thì đâu có cái gì làm cho mụ vợ tôi phải có phản ứng như vậy được chứ ? Sau khi suy nghĩ, tôi tự nhủ, dù sao thì tôi cũng chẳng có gì cần phải phàn nàn. Thực vậy, mụ vợ tôi cũng có quyền đòi hỏi chớ ...
Thế rồi, từ đó, hai chúng tôi lời qua tiếng lại bốp chát đối đáp nhau. Mỗi lần tôi thét lên : "Này! con ngốc!", thì mụ lập tức trả đũa : "Cái gì đó hở thằng ngu !".
Người trong làng họ chẳng hiểu gì nhiều cho lắm, nói rằng cả hai chúng tôi là những người ác mồm ác miệng, cũng chỉ vì lẽ : không một ngày nào là chúng tôi không ầm ĩ gấu ó nhau. Chỉ vừa gặp nhau là hai chúng tôi quẳng vào mặt nhau những tiếng "ngốc", "ngu", nếu không phải do tôi khởi sự trước thì cũng do mụ ấy trước. Trong khi đó thì ở nhà họ, khi gặp nhau, vào buồi tối, thì nào là "Cưng ơi, em đã ăn cơm chưa ? - Chưa, em chờ anh , chúng mình cùng ăn chung với nhau anh ạ"...
Hơn nữa ở nhà họ, vợ họ đứng phắt ngay lên để chào đón khi ông chồng vừa từ ngoài đi về . Còn ở nhà tôi thì đâu có như thế. Vả lại, tình tứ để làm cái gì chớ ? Tôi, việc đầu tiên tôi làm khi vừa về đến nhà là cho mụ vợ tôi một cú đá đít (cái đít vợ tôi cũng kha khá phì nhiêu !).
- Đứng dạy! đồ khốn ! dọn cơm cho tao ăn !
- Bộ ong nào vừa chích ông hay sao chớ? Ông muốn tôi phang cho mấy cây gạy phải không ?
Hay là khi tôi vừa ngoảnh lại thì mụ ta ném vào mặt tôi một câu chẳng hạn như :
- Tiền vừa bán củi ông đã làm gì hết rồi? lại đem đi nhậu nữa phải không ?
Đấy là "nghi lễ" mà mụ đem ra để chào đón tôi. Song, cũng chính thế mà chúng tôi thương yêu nhau nhiều, chính như thế là vẻ quyến rũ của cuộc sống lứa đôi. Nhẹ nhàng, mơn trớn hoặc làm duyên như lũ trẻ, như thế làm tôi đau cả bụng. Một mụ đàn bà sinh ra là để cho đàn ông mình xỉ vả, hành hạ, đá đít... đàn bà để cho mình làm như vậy. Ít ra thì đấy là ý nghĩ của một người đàn ông có cuộc sống không dễ dàng như tôi, khùng lên bởi những điều kiện khốn khổ mà mình phải chịu đựng...Với cách nhìn này tôi đánh cuộc với ông là tất cả những ai ở trong hoàn cảnh đó đều chia xẻ, đồng ý với tôi . Không lúc này thì cũng lúc khác khi người ta bực bội, thì cơn khùng sẽ sôi sùng sục trong ruột gan , trong gan. Trồng trọt thì chẳng đem lại được cái gì, nợ nần thì càng ngày càng chồng chất, khi về đến nhà, những đứa con thì rên rỉ khóc lóc, mụ vợ thì lập cập run như cầy xấy vì chẳng có gì để đắp trên lưng trong khi trời lạnh như cắt...Như thế thử hỏi làm sao người ta có thể ngồi yên cho được? Bởi vậy người ta sẽ kiếm ra được những lý do (cái này thì chẳng bao giờ thiếu đươc), để túm tóc mụ vợ rồi cứ thế tha hồ mà thụi. Thụi một chập, chán chê, mồ hôi, mồ kê nhễ nhại, thở hồng hộc như trâu, và cơn điên cũng ... dịu xuống, chỉ còn mỗi một việc là để mụ vợ khốn kiếp yên thân ... tà tà ra ngoài sân châm một điều thuốc .
Bởi lẽ đó mà tôi thấy rằng người đàn bà đỡ đần cho đàn ông chúng ta rất nhiều. Cũng vì thế mà tôi không thể thiếu được. Nếu không vì như thế thì vì lý do gì nhỉ ? Thỉnh thoảng tôi cố sức lấy tay vỗ trên vai mụ vợ tôi và nói với mụ rằng cái mũi của mụ xinh xắn hơn trước. Nhưng lúc mà mụ ngồi rên rỉ trong một góc nhà thì thật là chẳng thể nào còn cười được nổi nữa. Lẽ cố nhiên khi nói đến chuyện cãi cọ và đánh nhau thì mụ ta không thể tài nào ngang hàng với tôi được : dù cho mụ ầy là người mở đầu trận đấu hay không, bao giờ mụ ta cũng bị tôi đè bẹp.
- Lại ngay đây, mang cái bị thịt của bà lại đây.
- Để tôi được yên, ông nhắm mắt lại ngủ đi.
Đấy, như thế đấy, chẳng thèm quay lại nhìn tôi mụ đáp lại như thế, hệt như một con rắn độc phun nọc. Song nếu tôi nhấn mạnh (nài nỉ) một chút thì sau cùng mụ cũng nằm tựa sát vào tôi, rồi nhìn thẳng vào mặt tôi, mắt đầy những giọt lệ. Rất có thể là mụ vợ tôi đã quen mùi với việc phải bị đánh đập hay bị mắng chửi mới xong.
Nếu nghĩ rằng chúng tôi không yêu thương nhau vì lý do là suốt ngày vợ chồng tôi cãi cọ thì đó là một điều hoàn toàn sai lầm. Bây giờ nói chuyện tới mục tình yêu, thưa vâng, về đề tài tình yêu, chẳng thể có ai như chúng tôi được, chúng tôi cứ dính vào nhau, người ta có thể nói là hệt như hai con sam. Vợ tôi càng khó chịu, chúng tôi càng cãi cọ thì chúng tôi lại càng yêu nhau hơn. Bằng chứng hiển nhiên là chúng tôi không thể thiếu vắng nhau được lấy một ngày. Rất có thể đấy là sự quyến luyến của một cặp vợ chồng. Thế nào đi chăng nữa, vợ chồng tôi luôn luôn dính vào nhau hệt như hai con đỉa đói. Tôi nghĩ rằng vợ tôi, vợ tôi cũng không nghĩ khác tôi. Sau mỗi trận đánh nhau, chúng tôi lại nằm dính vào nhau, vợ tôi thủ thỉ hỏi tôi :
- Này, cái mặt tôi, dù sao thì cũng đâu đến nỗi nào xấu đau xấu đớn phải không ?
Dứt lời, vợ tôi chui cái đầu vào dưới mũi tôi, có vẻ hãnh diện. Trong tình trạng như thế, tôi biết nói với mụ như thế nào được nhỉ ? Tôi biết rằng thực sự tôi không trả lời được, thế là tôi ngửa mặt lên nhìn trần nhà và sau đó tôi cũng nói với một nụ cười mỉm tinh quái :
- Mặt bà hở...bà nghĩ là người ta có thể gọi đó là một khuôn mặt được hay sao ?
- Nếu không phải là cái mặt thì....?
- Chỉ có tôi mới phải đành lòng chịu sống với cái mặt xấu đau xấu đớn như vậy. Ai, hử? Ai lại có thể quan tâm đến một cái banh bao thiu ?
- Thế còn ông ?, bánh bao thiu, ông nghĩ rằng cái bánh bao thiu của ông đáng giá hơn à ? Chỉ có tôi mới sống với một cái bánh bao thiu lại nhão nhèm nhẹp..., vả lại...!
Ở ngay điểm này, tôi phải ngồi nhỏm dạy tức thời oánh cho mụ vợ tôi một trận đòn nữa ,rồi sau đó nằm xuống mình mảy lại đẫm mồ hôi .
Sao mụ lại dám bảo là cái mặt tôi giống như một cái bánh bao thiu, trong khi mẹ tôi, lúc mới đẻ ra tôi, mẹ tôi thật hài lòng, bà đã nói rằng một ngày nào đó tôi sẽ trở thành một chủ điền...Nhưng vì qúa thật mỏi mệt , tôi buột miệng :
- Thôi, tôi sẽ chiều chuộng bà nhưng bà phải đẻ cho tôi nhiều đứa con... - Để làm gì hử ? Vô lý đẻ nhiều con trong lúc mình chẳng nuôi nổi chúng ? Để cho chúng chết đói à ?
- Đồ ngu ! Bộ bà không bao giờ nghĩ đến chuyện đi vay mượn tiền của thiên hạ hả ?
Thực ra mà nói, khi tôi thốt ra những lời lẽ như vậy tôi cũng chẳng chắc chắn với chính tôi cho lắm...Đúng thế, khi mà nhà đông người, làm thế nào để nuôi đây ? Một việc nhức đầu...mà mình cũng lại chẳng có thể vất bỏ chúng đi được...như thế bọn chúng nhất định sẽ chết đói mất...Nói qua , nói lại, thì ở điểm này, mụ vợ tôi có lý hơn tôi. Vả chăng chỉ cần nhìn cập chân mày cách quãng của mụ ấy, điều này nói lên rằng mụ vợ tôi có một khả năng khác hẳn tôi.
Những ngày gần đây cả nhà sống qua ngày được là nhờ vào việc bán củi của tôi. Vào muà hè, tôi có thể làm thợ cầy, thợ cấy nhưng với tất cả những núi tuyết như hiện nay ngay cả khi không muốn bị trơn hộc máu mồm vì những tảng băng thì tôi cũng chẳng có sự chọn lựa nào khác. Sống gần núi, tôi làm củi cũng giống như những người khác có hoàn cảnh như tôi. Ngày hôm trước vào núi kiếm củi, hôm sau đem ra chợ bán. Với khả năng của tôi, tôi có thể làm được đầy hai chiếc giỏ. Tôi vào núi với chiếc giỏ đeo trên lưng rồi trở xuống với một giỏ thật đầy. Sau khi nghỉ thở tôi trở lên lần thứ hai. Khi làm như thế là tôi đã phải đi lên đi xuống hơn vài chục cây số một ngày. Nếu chỉ với một giỏ thôi thì thử hỏi liệu lấy gì mà ăn cho ngày hôm sau. Với một chút may mắn tôi có thể bán được 10 đồng, thường thì 15 hay đúng ra là 10 thôi. Trước khi quay về nhà sau buổi chợ, với đồng tiến tôi vừa bán củi , tôi mua một chút kê, đậu , rong khô, những thứ đại loại như vậy. Nếu cả nhà chỉ ăn cháo thì tiền bán hai giỏ củi có thể kéo dài được khá lâu nhưng chúng tôi thì chẳng ăn uống nhấm nháp như vậy nên cũng rất có thể sẽ có ngày phải nhịn đói nhưng trong khi chờ đợi phải đến lúc đó, chúng tôi vẫn ngày hai bữa cơm nước đầy đủ. Thằng Ton Ton (4 tuổi rồi), riêng phần nó là 1 bát. Tôi, vì lẽ tôi là cha nó, tôi ăn 1 bát rưỡi. Nhưng còn mụ vợ tôi , mụ ngốn đến hai bát lận ông ơi . Chưa hết đâu : sau khi ngốn hết cơm trong bát của mụ, theo thói quen mụ thọc đôi đũa của mụ vào bát của tôi đang ăn nữa mới chết chứ ! Lúc đầu, khi mà tôi nói với ông rằng thật là một điều tốt khi có một người vợ, tôi không trở lại vấn đề này nữa. Mụ vợ tôi, qủa là một con hạm cơm ông ạ. Những kẻ như chúng tôi, khi không có gì, thường thì phải ăn uống càng ít bao nhiêu càng tốt. Lúc ấy tôi tròn mắt nói vài tiếng nhận xét với mụ ta :
- Làm thế nào mà bà ngốn được nhiều như vậy nhỉ ?
Ngay tức thời, mụ hỏi vặn lại tôi :
- Vì...thằng bé, tôi phải đẻ nó bằng cái bụng của tôi. Ông thử làm như tôi rồi sẽ biết như thế nào.
Tiếp theo, mụ bắt đầu dỗi. Nếu như thế thì mụ ta có lý. Cứ ăn đi, cứ nuốt đi vì chính trong bụng của mụ mà chúng tôi sẽ tìm được bữa ăn tương lai của chúng tôi.
Có nhiều lần tôi đã phải đưa bát đang ăn dở của tôi cho mụ, tôi có thể nhịn ăn để cho vợ tôi mà. Nhưng dù sao thì mụ vợ của tôi ngốn qúa lố.
Thế rồi mụ có những ý kiến, hoàn toàn gàn dở, gàn dở còn hơn tôi nữa. Bữa hôm đó mụ bảo tôi :
-Tội vạ gì mà mình phải cứ tiếp tục vất vả khốn khó với cái nghề làm ruộng nhỉ? Tại sao không làm một gánh bán rượu rong ?
Ý nghĩ như vậy quả thực từ trước đến giờ chưa bao giờ đến trong đầu tôi. Tôi thấy thật tuyệt vời. Chắc chắn đi bán rượu phải hơn là làm ruộng rồi.
Trồng trọt thì càng lúc càng làm cho chúng tôi tăng thêm nợ. Đi bán rượu chắc hẳn tôi sẽ phải được ăn cơm , loại cơm ngon có thịt có cá, ăn mặc chỉnh tề...Chao ôi, vợ chồng tôi sẽ nằm trên đống vàng!...Nhưng khi ngắm nghía kỹ lại mụ vợ tôi, mụ vợ vừa ngốc lại vừa xấu, xấu đau xấu đớn...trời đất ơi ! một sự thất vọng não nề ! Khi mà một người đàn ông đến mua bán rượu lậu với một người đàn bà bán rượu rong cũng là để có được cơ hội ngấp nghé người đàn bà này. Chẳng có một tên mua bán rượu nào, ngay cả một tên "rỗng đầu", lại để cho một cái bản mặt như mụ vợ tôi quyến rũ. Đi đến điểm suy luận này thì tôi cảm thấy hoàn toàn bế tắc. Nếu mà mụ coi đường được một chút thôi thì tình thế sẽ có thể tốt đẹp ngay. Tôi đành nhìn mụ vợ tôi, bâng quâng rồi tặc lưỡi thất vọng. Mụ như đã đoán được là tôi đang nghĩ gì :
- Một bộ mặt đẹp, chưa đủ để trở thành một người đàn bà bán rượu rong đâu ông ơi. Cho dù có đẹp đi chăng nữa cũng còn phải biết làm duyên làm dáng nữa đấy!
- Thế còn bà, bộ bà biết làm duyên là dáng hay sao chứ ?
- Nếu mà tôi bỏ công ra một tý thì chẳng lý do gì mà tôi lại làm không được !
Đấy, mụ vợ tôi trả lời tôi như thế đấy. Thật mụ chẳng biết sợ gì nữa cả, tất cả những gì mà mụ ta muốn là trở thành một người đàn bá bán rượu rong để mụ có thể ăn uống thoả thích. Tôi hỏi đi hỏi lại nhiều lần rằng thực sự là mụ ta có thể làm được không thì mụ vợ tôi đã thề với tôi rằng chắc chắn sẽ làm được. Nếu như vậy thì việc gì mà không làm thử, có tốn hao gì cho cam ? Bây giờ thì chỉ cần dạy cho mụ hát vài điệu hát và đưa mụ đi bán vài chai xem sao ...
Ngay chiều hôm đó, sau khi đi làm củi về, tôi khởi sự dạy mụ vợ tôi hát bắt đầu bằng một bản Ariang*. Tôi vừa hát vừa đánh nhịp trên đùi :
A ri ang, a ri ang, a ri a ri o,
Giã từ Xuân Thơ,
Giã từ đồi núi mùa xuân,
Tôi lên thuyền
Neo bên bờ Tương giang
Giã từ, giã từ...
Sinh trưởng trong vùng núi này lẽ ra thì mụ phải biết điệu hát Ariang giống như những người ở đây đằng này mụ ngốc của tôi lại chẳng biết một chút nào vì vậy trước tiên tôi bắt buộc phải dạy mụ bằng những bài hát thật dễ. Mụ bắt chước theo tôi, ngồi xệp dưới đất, vừa hát vừa nhịp hai bàn tay vào hai mông đít mụ. Trời ơi, mụ hát như trâu rống...tuy thế tôi cũng phải tự an uỉ rằng với sự tập luyện kết quả sẽ ngon lành hơn. Giờ thì, điều quan trọng là mụ phải hát cho đúng cái đã...Nhưng hỡi ơi mụ hát cứ trật lên trật xuống !.
Lúc tôi hát để mụ ngố của tôi hát theo phải nói rằng hệt như mụ đang tập đọc một quyển truyện, thật chẳng ra cái gì gọi là ca với hát nữa cả. Cứ thế lập đi lập lại, tôi đã nghe tiếng gà gáy báo hiệu một ngày mới. Bởi lẽ mụ hát sai lên sai xuống buộc lòng tôi phải tập đi tập lại hàng ngàn lần kết qủa chính tôi lại là người tiến bộ trong việc hát hỏng này mới chết chứ.
Rồi thì cơn buồn ngủ của mụ kéo đến, cái mụ ngốc này, miệng mụ há ra toạc ngoạc ngáp liên tục vì đã buồn ngủ muốn chết song mụ lại chẳng dám đề nghị đi ngủ mà cố ý để chính tôi là người phải lên tiếng trước (đúng là thủ đoạn vặt của mụ, tôi đâu dễ gì mà mắc bãy). Mụ là người đã muốn trở thành một người đàn bà đi bán rượu rong mà ? Chính mụ là người nói chuyện này trước mà...Khi nghĩ đến đó, tôi nổi cáu, thụi vào sườn mụ một cú :
- Tỉnh ngủ chứ đồ ngu. Bộ bà muốn để tôi hát một mình à ?
- Coi chừng tui nghe...
- Bà dám cãi à ? Chính vì bà, đồ ngu, mà tôi phải thức khuya...đâu phải để cho tôi...
Nói xong tôi để ngón tay trỏ ngay trên trán mụ và đẩy một cái làm cho mụ ngã bật ngữa ra đằng sau. Mọi lần nếu tôi mà làm vậy thì mụ tức giận lập tức bỏ đi ngay nhưng lần này vì chính công việc của mụ nên mụ ngồi dạy tỉnh táo lại một chút đợi tôi để tiếp tục tập.
Thực sự thì cả hai chúng tôi cũng đang ở trong một hoàn cảnh khó xử: Tôi thì chẳng chắc chắn rằng một ngày nào đó mụ vợ tôi có thể hát được ... phần khác thì hết tôi rồi lại đến mụ, chúng tôi thay phiên nhau ngáp, ngáp ngắn, ngáp dài... chẳng lẽ lại bỏ dở công việc tập tành nhưng cũng lại chẳng thể tiếp tục để tình trạng như thế kéo dài. Phải tìm cách thay đổi ngay , phải làm tất cả những gì có thể làm được để cứu vãn được tình thế nguy ngập này.
Thế rồi, tập trung hết sức, chúng tôi cố gắng tiếp tục suốt đêm đó tuy nhiều lần tôi đã lại phải bắt buộc nổi cáu la toáng lên.
Thành thực nhìn nhận rằng mụ vợ tôi cũng có nhiều nhiệt tâm trong việc tập luyện. Thật vậy, nếu mụ mà không sốt sắng thì nhất định sẽ chẳng thể nào trở thành một người bán rượu rong hay bất cứ một thứ gì khác.
Những khi giặt giũ mụ thường vừa đập quần áo hát theo nhịp vừa lại bài "Những Người Mười Sáu Xuân Xanh" hoặc những lúc khâu vá mấy chiếc vớ lủng mụ vừa hát vừa lắc lư hai vai của mụ cũng chính vì vừa bận sỏ chỉ vào lỗ kim lại vừa lắc lư đánh nhịp nên mỗi một chiếc vớ mụ phải khâu mất cả tuần lễ mới xong tuy nhiên cứ thử nghĩ xem : khâu xong một chiếc vớ lủng đi chăng nữa cũng có đem lại được chút lợi nhuận gì không ? "Cố lên , mụ ngốc, phải lập đi lập lại, phải cố tập hát" tôi lẩm bẩm ... Nói cho đúng thì mụ vợ ngốc của tôi cũng ham trở thành người bán rượu rong muốn chết đi được, để có thể sống thoải mái, để có thể ăn cơm với thịt...nên nhiều lần, về nhà bằng ngả sau, tôi nghe tiếng hát "nghẹn ngào" của mụ, với chiếc mũi đã bị mụ kẹp lại, mụ đang ngồi trong cầu tiêu ông ạ, chỉ nội việc này cũng đủ làm tôi thấy hồ hởi tinh thần.
"- Lúc nào thì mình sẽ có thể bước sang giai đoạn tiếp theo?"-
Mới chỉ vừa biết sơ sơ vài bài hát... mà mụ đã không ngần ngại yêu cầu tôi như vậy để học những bài hát mới, những bài hát hiện nay người ta thường hay hát, bởi lẽ người đàn bà bán rượu rong vào thời buổi này không thể hát những bài hát cổ lỗ sĩ được, mụ bảo với tôi như thế . Có thể là mụ có lý. Tôi, một kẻ tối ngày chúi đầu quần quật vào việc đồng áng , làm thế nào tôi có thể dạy cho mụ những bài hát tân thời được ? Tôi bèn ngốc nghếch trả lời mụ là .... "tôi không biết". Vài ngày sau, mụ nói với tôi rằng mụ đã biết được một bài. Nói xong vừa đập nhịp vào chiếc lò nấu ăn (khi đó cà hai chúng tôi đang ngồi ngay bên cạnh) vừa vênh mặt lên nhìn tôi vừa hát cho tôi nghe :
… Nở ra ,
Những chùm hoa sen,
nở.
Những cánh sen mới chỉ vừa hé,
Vừa đủ cho ta nhìn,
Giờ đã úa tàn
Mụ học được ở đâu nhỉ ? đáng phục ! đáng phục ! Mụ ngốc này giỏi thực, mụ tự xoay xở giỏi hơn cả tôi, đúng như thế, hoan nghênh !
Sau này thì tôi biết là mụ học lóm được ở lớp học bình dân ban đêm. Đó là những lớp học hoàn toàn miễn phí vào mùa đông cho trẻ con và ngay cả cho những nông dân nào muốn học viết và học đọc
Lớp học đêm được tổ chức cũng không xa nhà tôi cho lắm, trong một cái chòi ở mé đồi bên kia. Khi đám trẻ học hát thì mụ vợ tôi vểnh tai lắng nghe, mụ chẳng ngại lạnh lẽo gì cả ông ơi. Thằng con trai nhỏ của tôi, thằng Ton Ton, mụ đeo nó trên lưng, đứng nép ở ngoài cửa chòi nghe bọn trẻ con ở trong hát rồi bắt chước nho nhỏ hát theo cho đến khi thuộc lòng cả bài hát. Quay về nhà, mụ hát rống lên. Với cái điệu như thế thì chỉ vài ngày sau là mụ hát được ngon lành những bài hát mới mà chính tôi cũng còn không biết nữa.
Song nghĩ đi nghĩ lại, vần đề chính ở đây là cái khuôn mặt bánh bao thiu của mụ. Chuyện hát hỏng kể ra đã tiến nhanh, tiến mạnh rồi, song cái bản mặt của mụ thì phải bó tay. Thật bực mình cái mụ ngốc này, nếu như mụ đừng bị nặn ra với cái mặt mẹt như vậy thì cuộc đời của tôi, của chúng tôi chắc hẳn tốt đẹp hơn biết là bao nhiêu! Chỉ cần nghĩ đến điều này là tôi đã nổi điên lên và chắc không thể kềm chế được , tôi sẽ thụi vài cái vào bụng mụ để thoả cơn tức giận trong người. Lúc đó chắc chắn rằng mụ chẳng hiểu nguyên cớ nào mà bị oánh nên mụ cứ tròn mắt lên nhìn tôi... Ngốc đến độ đó thì thử hỏi ai mà chịu cho nổi chỉ còn nước là thụi thêm mấy cú nữa cho nư giận. Cái bản mặt như vậy mà dám lấy tôi chứ ? thật là quân mặt dầy mày dạn...Tuy vậy tôi biết là mụ cũng có vẻ nghi ngờ cái khuôn mặt bánh bao thiu của mụ vì nhiều lần tôi bắt gặp mụ nhìn vào gương ,mảnh gương vỡ nhỏ xíu nhặt ở đâu mà tôi cũng không biết nữa, mụ nhìn đi nhìn lại ngắm ngía và trên mặt mụ để lộ ra đìều cũng giống như tôi nghĩ : chẳng có gì khá hơn. Thề rồi mụ rầu rĩ thở ra. Lúc có tôi ở đó, trong buồng, mụ quay lại hỏi tôi :
- Này, bây giờ ông có thấy tôi đẹp hơn trước tý nào không ?
- Ừ, có thể ...
- Nói thật đi.
Dứt lời là mụ lao vào người tôi , véo lấy véo để . Mụ biết rõ mà (nếu mà nói về chuyện tinh ranh thì mụ còn qủy quái tinh ma hơn tôi nữa đấy) tôi sẽ trả lời là mụ đẹp hơn trước mà...vì vậy mụ mới hỏi chứ nếu đối với người khác, một người không ngại phải nói ra sự thật phũ phàng thì mụ chẳng bao giờ dám hỏi . Nếu tôi phỉnh mụ một chút mà cứ xác định thêm rằng thực sự mụ đẹp hơn trước thì mụ tỏ ra rất sung sướng mà bảo tôi đó là kết quả của nước cám gạo mà mụ xoa lên mặt mấy hôm nay. Sau đó mụ lại nói thêm là những người đàn bà bán rượu rong chẳng cần phải thật đẹp .
Theo tôi thì đàn bà họ sợ xấu xí còn hơn là sợ bị đâm bằng dao găm nữa ông ạ nên cho dù tôi có chửi rủa, đánh đập mụ thậm tệ thế nào chăng nữa thì chỉ một lát sau cũng chẳng có thể ngăn cản được mụ cười cợt rồi lăn xả vào vòng tay tôi. Nhưng nếu tôi mà nói rằng cái mặt của mụ thấy mà sợ thì mụ sẽ làm mình làm mẩy, giận hờn tôi ba bốn ngày liên tiếp, suốt thời gian đó nếu có dịp nào để trả thù được tôi thì mụ chẳng chần trờ gì mà không ra tay ngay.
Thật là đồ ngốc, nếu mà mụ nghĩ là mặt mụ không đẹp thì cứ việc lấy khăn chùm kín đầu lại như mấy bà người ả-rập là xong ngay. Tuy thế nghĩ đi nghĩ lại thì...nếu mà mụ đẹp đẽ chắc hẳn mụ đã cắp đít theo một thằng đàn ông khác khá giả hơn tôi từ lâu rồi. Thực thế, những mụ đàn bà xinh xắn thường biết đem cái nhan sắc của mình để tìm chỗ nương tựa cho ấm thân chớ chẳng mụ nào đem nhan sắc của mình ra biếu không đâu ông ơi. Nghĩ như vậy tôi lại tự nhủ rằng biết đâu chừng đây lại là một điều may cho tôi !... Nói chung thì những mụ đàn bà thường cũng hay rình cơ hội để gạt chồng nên khi mụ vợ tôi bảo là mụ có thể đi bán rượu rong tôi cũng tự hỏi liệu mụ có âm mưu qủy kế gì hay không đây.
Lần đó, buổi sáng sớm hôm đó, trên đường đi ra cầu tiêu, tôi nghe có tiếng hát. Nhìn qua những kẽ thưa của tấm mành tre treo ở cửa bếp : mụ đang vừa hát lại vừa nấu cơm. Bên ngoài, tuyết đổ dồn dập nhưng mụ thì ngồi chồm hổm trước ngọn lửa vừa hát một bài hát mới với điệu u sầu vừa gõ "tóc... tóc...tóc" trên cái vung nồi bằng cái gắp than. Bỗng chợt cơm sôi, trào ra miệng nồi, mụ giở nắp vung và tiếp tục :
chiếc cỏ bạch đầu ông hoang dã
chỉ mới còn non
đã giống như
bà lão còng lưng,
già nua, ......
Ối trời ối đất ơi, "cỏ bạch đầu ông mà còng như bà lão" ! cái con ngốc ! Thú thật chắc là vì ít học nên khi nghe hát những bài hát mới (nghe đâu là lấy từ lời những bài thơ gọi là Thơ Mới hay thơ Trân Mình Tức gì đó ) tôi ít hiểu nổi muốn nói cái gì, có lẽ tác giả muốn chứng tỏ đây là ... mới, là tối tân, mà lại nữa, chao ơi sao mà trong những bài hát mới người ta lại thích được chết nhỉ !... Nhưng, khi tôi đề nghị mụ hát bài "Bài hát của chiếc cối xay gió" thì mụ lại chẳng muốn hát...thôi tốt hơn là mình cũng chẳng thèm quan tâm làm gì cho mệt người...
Bất chợt, tôi ngạc nhiên tự hỏi, trước mắt tôi, tôi đang chứng kiến một màn kịch gì đây nhỉ ? : Mụ thò tay lục lọi trong tuí áo mụ đang mặc...lôi ra một vật... một cái tẩu hút thuốc. Nhìn trước nhìn sau, mụ đưa chiếc tẩu ngậm trên miệng rồi kề sát ngọn lửa thu sức hút vào một hơi ... kết quả mụ bị sặc rồi ho hàng tràng dài, nước mắt nước mũi mụ chảy lòng thòng...Hai bữa trước đó tôi đã giáng cho mụ một cái bạt tai vì mụ dám lấy trộm thuốc lá của tôi bây giờ mụ lại tiếp tục hút...Tập hát thì chẳng hao tốn gì nhưng phí phạn thuốc lá của tôi thì chẳng thể nào được , nếu lúc đó mà tôi không bận làm nghĩa vụ "giải phóng khẩn cấp cho cái bụng" thì tôi đã vặt lông mụ ra ngay. Còn một việc nữa cũng khó thể tha thứ được vì có liên can đến thằng Ton Ton của tôi, nó bị cảm lạnh bởi vì cái mụ ngốc vợ tôi đã cõng nó trên lưng để đi học hát trộm ở lớp học tối. Mụ ngốc này dám ngược đãi con tôi hả ? phải chăng đấy là cách xử sự của một người bán rượu rong hay sao chứ ? Chưa đủ ! mụ còn tập tành học đòi cung cách "chảnh" nữa chớ ! Mụ bảo với tôi rằng để có thể là một người bàn rượu rong thì hát hay cũng chưa đủ, phải biết hút tẩu (pipe), săn sóc khách hàng...Mụ bảo đấy là lời của một người đàn bà bán rượu rong đã đi bán qua làng mấy ngày trước. Từ ngày đó, mụ vội vã để tập tành trong lúc mụ chưa hát nổi được "Bài hát của chiếc cối xay gió " mà nói chung một cách thật giản dị thì chỉ về việc hát hỏng thôi cũng còn lâu mụ mới đạt được kết quả tốt.
Có một kẻ đã hiểu được những gì đang diễn ra trong đầu mụ vợ tôi, đó là thằng Toại. Tên này cư ngụ ở dưới triền đồi, một tên thuộc loại bẩn thỉu. Cái bản mặt chèn bẹt cuả mụ vợ tôi làm cho hắn dậm dật, hắn, điều này đã đủ nói lên cái "khả năng thẩm mỹ" cuả hắn rồi ! Để quanh quẩn bên váy mụ vợ ngốc của tôi thì hẳn hắn cũng đã phải có gì với những mụ đàn bà khác ở đây rồi. Đồ rác rưởi thối tha! Hắn đã đến rủ rê mụ vợ ngốc của tôi đi uống rượu với hắn. Đúng vào ngay đêm 30 Tết, một cơ hội tốt. Lúc đầu thì mụ vợ tôi từ chối viện lẽ là tôi sắp về nhưng thằng Toại nài nỉ, thuyết phục : chỉ uống một chút thôi vì muốn trở thành một người đàn bà bán rượu rong phải có kinh nghiệm chứ...Cuối cùng, mụ vợ tôi, con mụ ngốc đã bị thuyết phục rồi đi theo hắn. Đồ đĩ thoã, mụ sắp sửa tung hê hết hạnh phúc gia đình mà mụ đang có. Thay vì ở nhà để sửa soạn bữa ăn tối trong lúc thằng chồng khốn khổ của mụ phải quần quật hết lượm củi lại đến bán cuỉ cả mười mấy cây số, lặn lội trong tối tăm hối hả trở về nhà. Vào tháng này tuyết xuống dầy, chân buốt cứng vì chịu lạnh đã lâu, thật là một khổ hình !
Khi tôi vừa về đến được đầu làng, bụng đói dạ khát, tôi tự nhủ mình sẽ được ăn một chén cơm nóng rồi sau đó lại tiếp tục tập cho mụ vợ tôi hát. Ngay đúng lúc đó tôi nghe một tràng cười lớn vang ra từ quán trọ: giọng cười của vợ tôi! Tôi hối hả đến bên vách quán, nhìn qua kẽ vách : đúng là mụ vợ đĩ thoã của tôi. Nó đang cụng ly uống rượu với thằng Toại.
Từ trước đến giờ những gì xảy ra giữa vợ tôi và thằng Toại đối với tôi , không hơn không kém, chỉ là chuyện đùa nhưng như thế này thì tôi không thể để bỏ lỡ cơ hội được. Tôi quẳng chiếc gùi đang đeo sau lưng, xé toạc tấm chắn cửa quán trọ, nhanh như một luồng gió, tôi phải ra tay cho cái thằng dụ dỗ tán tỉnh vợ người ta một bài học. Chỉ một cú đá là chiếc bàn của hai đứa đang ngồi bay tung vào vách quán vỡ từng mảnh. Sau đó đến lượt con vợ đĩ thõa. Tôi túm tóc lôi mụ ra ngoài đường. Chỉ cần một cú tát như trời giáng là mụ sẽ tỉnh cơn say . Tôi ngồi trên người mụ rồi cứ thế mà thụi nhưng tôi càng thụi thì mụ càng lún sâu trong tuyết : mụ đã quá say. Thật chẳng có gì là thú vị khi mình đánh mà đối thủ không phản ứng. Thế là tôi bỏ mặc mụ quay vào quán tìm thằng lưu manh Toại nhưng đúng là một thằng hèn, nó đã lẻn trốn đi như một con chuột cống từ lúc nào không biết nữa. Chỉ vì trong làng có những kẻ như nó mà lắm chuyện lộn xộn. Khi dám cợt nhả với vợ người khác thì phải biết đối đầu và chấp nhận vỡ mày vỡ mặt với chồng họ chớ...đàng này thằng Toại lại chạy mất tiêu! Thật là một tên hèn nhát vô dụng.
Thế là tôi chỉ còn nước lội về nhà trên lưng cõng con mụ vợ thối tha còn đang trong cơn say tít mù trời đất , thêm một "nghĩa vụ lao động" mà trời thì càng lúc càng lạnh, bụng thì càng lúc càng đói: tôi thật sự kiệt sức, ngay cả khi đó tôi có muốn làm điều gì khác đi nữa cũng chắng tài nào làm được . Cứ thế, tôi hì hụi leo dốc, gần đến cửa nhà tôi tự buông rũ người dưới đất, ngồi xổm để thở, con vợ ngốc của tôi ngã ngửa dưới nền tuyết.
Trong nhà, thằng Ton Ton đang vừa khóc gọi mẹ vừa mò mẫm đút vào mồm bất cứ thứ gì nó vớ được. Mụ vợ tôi lại có thể đối đãi với thằng con trai tôi như vậy được sao , đồ đĩ thoã này ? Cứ nhìn vào cung cách cư cử của mụ thì kế hoạch của chúng tôi coi như vất đi rồi. Ngày mà mụ bắt tay vào việc bán rượu rong rất có thể là mụ sẽ tung hê tôi rồi cắp đít đi theo thằng khác. "Thôi tốt hơn hết là mày hãy ở nhà, tốt hơn hết là mày cũng đừng nên thử kiếm ra tiền ra bạc gì nữa. Hãy bằng lòng với những gì mà tao kiếm ra được, giữ gìn thân thể khoẻ mạnh của mày và sản xuất cho tao những đứa con", tôi tự nhủ. Tôi cũng chẳng cần đầy đàn đầy đống như lời người ta thường chúc tụng nhau, chỉ cần khoảng 15 trự, 15 thằng con trai, khoẻ mạnh, rắn chắc . Hãy thử làm một bài tính nhẩm thì sẽ biết ngay : nếu một thằng con trai cứ mỗi năm đem về nhà 200 bao gạo, 15 đứa là 3.000 bao gạo; 10 đô-la một bao (tôi chẳng đòi cao giá hơn) là được 30.000 đô – la... Trời , Ba Mươi Ngàn ĐôLa , 30.000 đô – la ?...Tôi có nằm mơ hay không đây ?...30.000 đô – la...trời đất ơi : một tài sản kếch xù!...
Và tôi, bây giờ tôi mới nhận ra được rằng mụ vợ tôi có 30.000 đô–la trong bụng của mụ! mụ vợ ngốc của tôi!. Tính ra thì mụ còn có giá trị hơn tôi rất nhiều.
* Ariang : một bài hát cổ truyền lừng danh nhất của người Hàn quốc.
Phóng dịch từ truyện Anhae của Kim Yu-Jong .
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ