Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2020

Tạp chí "Sáng tạo" & Mai Thảo / Lê Văn Nghĩa -- nguồn : Văn học Sài Gòn 1954- 1975 / Nxb Tổng hợp TP. HCM, quý 4/ 20205

 

                                                    TẠP CHÍ SÁNG TẠO & MAI THẢO


                                                                      Lê Văn Nghĩa


Khi nghiên cứu văn học Sài Gòn người ta không thể bỏ qua tạp chí Sáng tạo và chủ tướng đại ca nhà văn Mai Thảo. Cái tên tạp chí Sáng tạo & chủ nhiệm Mai Thảo là một sự có mặt rất là "tùy duyên" định đoạt từ sự nhún nhường của họa sĩ Duy Thanh: tiến cử bạn mình với nhân viên đại sứ quán Mỹ. 

Theo lời kể của nhà văn Thế Phong, nhà thơ Nguyên Sa  & Tô Kiều Ngân khoảng 1954- 1975, họa sĩ Duy Thanh triển lãm tranh nhiều lần ở Alliance Francaise, có một nhân viên Đại sứ quán Mỹ tên William Tucker đến xem tranh, và rất thích tranh Duy Thanh. Một lần nọ, nhân viên Đại sứ quán đề nghị Duy Thanh đứng tên chủ nhiệm một tạp chí, tài chính sẽ do Đại sứ quán Mỹ đài thọ. Duy Thanh trả lời là ông dành thời gian để vẽ tranh nghệ thuật, không thích làm báo nhưng nếu cần, họa sĩ sẽ giới thiệu một nhà văn di cư ở Hà Nội vào, chống Cộng triệt để (đã thể hiện trong tác phẩm đã xuất bản) có thể làm chủ nhiệm. Đó là nhà văn Mai Thảo. Nhân viên Đại sứ quán Mỹ đồng ý, và cuối tháng 10/ 1956, tạp chí Sáng tạo ra đời, tòa soạn ở 133 đường Ký Con, chủ nhiệm là Mai Thảo, và một quản lý đứng tên ở bìa sau. Đặng Lê Kim (người nhân viên Đại sứ quán Hoa Kỳ "gài vào" kiểm soát). Cũng nên biết thêm, tạp chí Sáng tạo do Mai Thảo lấy theo tên tạp chí đã xuất bản ở Khu Tư. Thời ấy, ở Khu Tư có một trường Văn hóa mà giám đốc là Đặng Thai Mai còn Nguyễn Đăng Quý (tên thật của nhà văn Mai Thảo), Minh Đức Hoài Trinh, Vũ Tú Nam ... là học trò.

Nếu như Duy Thanh nhận lời hoặc tiến cử một người khác thì văn học Sài Gòn sẽ không có tờ tạp chí Sáng tạo mà là tạp chí A,B,C,D gì đó do Duy Thanh hay nhà văn X, Y nào đó làm sếp. Tờ Sáng tạo số ra mắt - xác định là một tạp chí văn nghệ có sự đóng góp của Mai Thảo, Nguyên Sa (viết một bài về giáo dục chớ không phải thơ), Lê Văn Siêu, Mặc Đỗ, Lê Thương, Vũ Khắc Khoan, Thái Tuấn, Nguyễn Sỹ Tế.

Số 2 xuất hiện Nguyễn Văn Trung với buát hiệu Hoàng Thái Linh, Doãn Quốc Sỹ, Lê Văn Siêu, Vũ Khắc Khoan, Thanh Tâm Tuyền (với một đoản văn viết về ngày khai trường chứ không phải thơ). Số 2 có thơ tự do của Trần Thanh Hiệp, Quách Thoại, Nguyên Sa, Mặc Đỗ viết giới thiệu  sách, Duy Thanh nói về "Trường hợp Picasso". Số 3 có Lê Văn Siêu, Đào Sĩ Chu, Lê Thương, Mai Thảo, Duy Thanh, Nguyễn Sỹ Tế, Nguyên Sa ...

Nhóm Sáng tạo thực ra  để chỉ những người tham gia viết trên tờ tạp chí Sáng tạo thường xuyên chứ không phải là một văn đoàn hay một tổ chức. Sau này,  có một số cây bút tách ra như Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Viên Linh ...

31 số của bộ Sáng tạo của bộ đầu không có ghi tên bộ biên tập mà chỉ có tên Mai Thảo là chủ trương biên tập, quản lý Đặng Lê Kim. Sáng tạo bộ mới(năm 1960), từ số 1 đã có tên của bộ biên tập là: Doãn Quốc Sỹ - Duy Thanh - Tô Thùy Yên và Trần Thanh Hiệp. Có phải chăng đây là nòng cốt của nhóm Sáng tạo?, quản lý vẫn là Đặng Lê Kim. Chú ý trong bộ mới bộ biên tập xác định Sáng tạo là " Diễn đàn văn học nghệ thuật hôm nay".

 Sáng tạo số 1 tới số 4 (bộ mới) có đăng một loạt các cuộc thảo luận giữa Doãn Quốc Sỹ, Duy Thanh, Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Tô Thùy Yên, Thái Tuấn về tiểu thuyết và thơ ca và hội họa.

Nói về tạp chí Sáng tạo như Gs Nguyễn Văn Trung "...Bây giờ viết lịch sử văn học , báo chí văn học thời đệ nhất Cộng hòa, thiết tưởng về xuất xứ, không thể không nhắc đến vai trò của USIS đối với Sáng tạo, còn có thể đi xa hơn để xem USIS như cơ quan chủ trương Sáng tạo, vì Mai Thảo chỉ là người được ủy nhiệm thực hiện chủ trương mà USIS đã đề ra, ít ra cũng trong giai đoạn đầu của tạp chí ...Tuy nhiên xác định về nguồn gốc xuất xứ chính trị không có nghĩa là bỏ việc nghiên cứu, tìm hiểu ý nghĩa, giá trị nghệ thuật của một tác phẩm, một tạp chí (Nhìn lại những chặng đường đã qua, tr. 147).

Và đường hướng nghệ thuật của Sáng tạo là gỉ? Gs Nguyễn Văn Trung trong Tản mạn văn học cho biết:"Sáng tạo ra mắt trong khí thế tưng bừng như ngày hội. Một vận hội mới cho văn học miền Nam. Hứa hẹn đổi mới, sáng tạo như tên của tờ báo. Một thứ văn nghệ hôm nay. Văn nghệ hôm nay là cái gì? Cứ biết thế đã. Tiền bạc rủng rỉnh do Sở Nghiên cứu chính trị - xã hội chu cấp cho Mai Thào. Cạnh đó là phòng trà, quán nhậu với những tên quen thuộc như La Pagode, Brodard, Givral, Kim Sơn, Thanh Thế hay Đêm Màu Hồng".

Trong bài"Nhìn lại một số tạp chí miền Nam", ông Lục (*) ;"Sáng tạo sớm gây ồn ào dư luận chỉ vì lối thơ được gọi là thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền đã tạo phản ứng dẫn đến một chiến dịch bài bác bằng hình thức giễu cợt, mỉa mai trên một số báo, đặc biệt là tờ Văn nghệ Tiền phong. Dù không lâu sau, gần như chính người mở đường cho lối thơ tự do là Thanh Tâm Tuyền cũng không chú trọng nhiều đến lối thơ này, nhưng không thể bác bỏ chủ hướng của tạp chí Sáng tạo là tìm tòi, khai phá trong lãnh vực nghệ thuật. Tuy nhiên phải thành thực nhìn nhận rằng ảnh hưởng thực sự của tạp chí Sáng tạo không đạt tới một tầm vóc đáng kể nào để so sánh với Tự lực Văn đoàn vào thập niên 1930".

-------

(*) - Nguyễn Văn Lục (Bt)


"Trên thực tế, Sáng tạo quy tụ được một số người viết có trình độ kiến thức, có ý hướng xây dựng nghệ thuật, nhưng tất cả chỉ có thế. Bởi những người này gần như đến với tờ báo chỉ để có điều kiện quây quần trong không khí bạn bè, nhất là có dịp trình diễn tên tuổi trước dư luận thay vì do quyết tâm đạt tới một công trình nào đó. Chủ hướng của tờ tạp chí là"Suy tưởng & Sáng tạo" như người chủ biên nêu trong số báo ra mắt có vẻ hoàn toàn thiếu hấp lực ngay đối với cộng sự viên, thậm chí đối với cả người chủ trương. Bởi cho tới khi tờ báo ngưng hoạt động, chính Mai Thảo cũng không bước xa hơn việc đẽo gọt chữ nghĩa khiến đã đưa đến sự mô tả bằng hình ảnh hài hước"nhà văn ưỡn ẹo" (tr. 492- 493).

Riêng nhà phê bình P. Vĩnh Lộc còn"soi" kỹ hơn: "Vì có hoàn cảnh & và gặp hoàn cảnh tốt nên tên tuổi Mai Thảo được nhắc đến bằng tạp chí Sáng tạo năm xưa. Mai Thảo nếu so tuổi cũng không hơn những tác giả như Nguyễn Đình Toàn, Dương Nghiễm Mậu ... là mấy. Nhiều lắm ông chỉ quá 35. Cái tuổi nhiều bay bướm nên ông vẫn sống độc thân. Khởi đầu người ta biết Mai Thảo qua tạp chí Sáng tạo do ông chủ xướng. Thành quả đem đến cho Mai Thảo bước đầu là tạo được tạp chí Sáng tạo, một tạp chí của lớp người trẻ sau thế chiến thứ hai. Nơi quy tụ những kẻ đi khai phá văn nghệ sau chiến tranh & đang chiến tranh.

Nhưng khi Mai Thảo còn tờ Sáng tạo trong tay nhiều người quý mến và tin tưởng ở bút pháp ông. Sau khi Sáng tạo ngưng xuất bản tên tuổi Mai Thảo cũng quên lãng. Quên lãng vì ông đã thay đổi kỹ thuật sáng tác. Tác phẩm của Mai Thảo sau này lại những truyện dài dành cho các nhật báo để gửi đến độc giả qua ngày mệt nhọc. Độc giả của Mai Thảo là những người dễ tính. Như cô nữ sinh cầm tập sách trên tay, như trang giấy học trò. Như những người con gái không vất vả ngược xuôi tháng ngày vẫn có thừa tiền sinh sống. Ăn ngủ và đọc tiểu thuyết.

Mai Thảo đôi khi bàn chuyện văn nghệ.. Viết những nhận định văn chương mới. Lĩnh vực này ông lại được nhiều người tán thưởng & đồng ý với ông. Mai Thảo làm báo tuy có hoàn cảnh & phương tiện đầy đủ. Nhưng báo ông chủ trương lại không thọ. Chắc Mai Thảo mệt mỏi quá hoặc phung phí nên tan rã. Đôi lúc  hiện nay được đọc truyện ngắn của Mai Thảo người đọc còn thấy bóng dáng Mai Thảo của Sáng tạo năm xưa. Của những người đã góp nhiều tài sức cho sinh hoạt văn nghệ thời hậu chiến. Năm 1966 Mai Thảo lại chủ biên tờ tuần báo Nghệ thuật với nhiều tin tưởng nhưng thất bại đến với Mai Thảo sau mấy tháng kéo dài mệt mỏi. Nghệ thuật đình bản. Mai Thảo hiện nay hầu như đã bỏ cuộc trong số những người đang đi khai phá. Tác phẩm của Mai Thảo hiện tại là dành cho nhật báo. Cho những độc giả thật dễ dàng." Tạp chí Văn học, số 72, tháng 3/1967).

Một cách nhìn khách quan, hai mặt trong Tổng quan văn học miền Nam, Võ Phiến cũng nhìn nhận sự đóng góp của Sáng tạo:"... Trong lối "khai tử" nền văn nghệ tiền chiến có một cách thế kiêu căng; chẳng hạn trong lối diễn đạt của những vị trong nhóm chủ trương có một cách thế kiêu kỳ; hoặc hoa hòe hoa sói, kiểu cách ưỡn ẹo, hoặc tối tăm rối rắm". ...  "Tuy nhiên Sáng tạo đã có những đóng góp đáng kể. Mặc dầu chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn 31 tháng, nó đã phát huy được một số văn tài đông đảo. Nhiều người trong đó về sau, sau khi tờ tạp chí đình bản, tiến lên giữ vai trò quan trọng trong những hoạt động văn nghệ riêng biệt của mình ... " . 


Lê Văn Nghĩa

 (tr. 204 -  209)


                                                                     ===========


 

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ