Nhà thơ " đại ca " ở Khu Mã Lạng / bài viết : Lê Văn Nghĩa -- nguồn: Văn học Sài Gòn 1954- 1975 / Nxb Tổng hợp TP. HCM. quý 4/ 2020
NHÀ THƠ ĐẠI CA Ở KHU MÃ LẠNG
Lê Văn Nghĩa
Những bài thơ của Trần Tuấn Kiệt - với bút hiệu Sa Giang - khi còn chơi đờn có cho một gánh cải lương gửi đến tạp chí Văn hóa ngày nay đều được nhà văn Nhất Linh rất thích.
Theo lời kể của nhà văn Hồ Nam khi hai người lần gặp nhau lần đầu tiên ở tạp chí Phổ thông, cùng ngất ngưởng bên chai bia, Trần Tuấn kiệt kể là đã bỏ nghề dờn cò lên Sài Gòn mở lớp dạy võ.
" Và qua thập niên 60 lấy vợ và sống tại khu Mã Lạng như một "đại ca" giang hồ, suốt ngày lang thang hết tòa báo này tới tòa báo kia " (Hồ Nam, 100 gương mặt văn nghệ sĩ).
Sau này, ông được Chu Tử thu nhận làm đặc phái viên riêng, làm việc thì rất chu đáo nhưng có tật ham bạn bè, và khi ngồi vào bàn nhậu thì không còn nhớ gì cả.
Trần Tuấn Kiệt là con người của thơ, của giang hồ, của bạn bè. Vẫn theo lời kể của Hồ Nam là khi nhận được tiền giải thưởng Văn chương toàn quốc cho tập thơ Lời gửi cây bông vải được tiền triệu vậy mà từ chỗ lãnh giải thưởng đến khi về nhà Kiệt không còn đồng nào dính túi vì trên đường về Kiệt phải cho bạn bè mỗi người một chút đỉnh đi ... nhậu.
Còn nhà văn Thế Phong kể có lúc túng tiền mua sữa cho con, ông phải cầu cứu Trần Tuấn Kiệt:
"Chẳng thể quên có lần túng quá, xuống tìm Kiệt, anh bạn nhà thơ trẻ tuổi này đã cho tôi năm trăm đồng để mua hộp sữa đặc. Lúc này Kiệt viết báo, làm xuất bản cũng có đồng vào. Nhớ đến Kiệt, lại không quên lần đầu anh bạn giới thiệu tôi viết tựa thơ, tập đầu tay của Du Tử Lê, và Kiệt thuê nhà ở khu lụp xụp đường Trần Kế Xương bên Gia Định. Đôi khi tôi ở VũngTàu về thăm Kiệt, gặp Du Tử Lê ở đây, nhà thơ hào hoa này có số đào hoa nên gửi cô vợ hai ở nhà vợ chồng Kiệt. Vợ của Kiệt rất tốt với bạn bè văn chương của chồng nên cũng chấp nhận, mặc dầu chị biết cô cả của Du Tử Lê sống với chồng ở khu nhà ngõ hẻm bình dân Ngả Bảy". (Hồi ký ngoài văn chương).
Trần Tuấn Kiệt cũng có một nhà xuất bản với tên Hồng Lĩnh, chuyên in sách dạy đánh võ. Nghe nói Kiệt cũng là một tay võ nghệ vì đã từng mở lò dạy võ. Có lần nhà báo Cung Văn "thách đấu" với Trần Tuấn kiệt. Chứng kiến "sự thách đấu trọng đại giữa hai văn nghệ sĩ ốm o này:, nhà thơ Từ Kế Tường kể Trần Tuấn Kiệt hay bẻ ngón tay nghe răng rắc.
Cái ngón võ bẻ tay kêu rắc rắc này Nguyễn Vạn Hồng tức Cung Văn cũng có, chưa biết ai học của ai, học lò nào. Nhưng có lần hai ông nhà thơ, nhà báo này định tỉ thí, nhưng Trần Tuấn Kiệt và Cung Văn cứ đối đầu, vờn nhau và cả hai cùng bẻ tay rắc rắc như hai con gà chọi sửng cồ mà không nhảy vào đá nhau vì ... ngại địch thủ hay sao đó, cuối cùng Trần Tuấn Kiệt la lên:
-Thôi huề cho rồi mày ơi, tao bẻ mấy ngón tay kêu lớn hơn mày, tao thắng rồi, nhưng cho mày huề đó.
Và vẫn theo lời kể của Từ Kế Tường thì Trần Tuấn Kiệt là "vua trốn lính", tức trốn quân dịch.
Nhà thơ chuyên đi bộ để tránh cảnh sát xét xe bắt quân dịch vì cảnh sát chỉ khám xét người đi xe, không bao giờ khám người đi bộ trên lề đường. Nhưng có một lần xui rủi, đang đi bộ gần tòa soạn báo Sống anh bị một cảnh sát chặn lại xét giấy tờ. Trần Tuấn Kiệt có giấy tờ gì mà đưa, có cũng không dám đưa.Nhưng anh cứ đưa tay vào trong áo sơ mi, loay hoay sao đó, rớt ra một xấp bản thảo truyện ngắn nhét ở lưng quần. Anh cảnh sát tưởng truyền đơn nên nhặt lên coi, khi thấy tòan bản thảo truyện ngắn của độc giả dự thi mục truyện ngắn mà anh Trần Tuấn Kiệt đang đọc, chọn. Anh cảnh sát liền hỏi Trần Tuấn Kiệt lý do sao giữ nhiều bản thảo truyện ngắn dự thi vậy. Trần Tuấn Kiệt nói anh đang giữ mục truyện ngắn dự thi của báo Sống. Anh cảnh sát trả lại và nói:
- Em cũng có cái truyện ngắn dự thi gửi cho mục này, anh coi giùm em nhé.
Và thả cho Trần Tuấn Kiệt đi ...
Lê Văn Nghĩa
(tr. 310 - 312)
===========
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ