"ĐƯỜNG VÀO TÌNH SỬ" suýt mất giải [ " Văn chương Tổng thống VNCH"] / bài viết : Lê Văn Nghĩa -- nguồn : Văn học Sài Gòn 1954- 1975/ Nxb Tổng hợp Tp. HCM,. quý 4/ 2020
ĐƯỜNG VÀO TÌNH SỬ SUÝT MẤT GIẢI ...
Lê Văn Nghĩa
Không phải được giải nhất một cuộc thi văn chương nào đó, nhất là cuộc thi có tên gọi rất quan trọng, mà nhà thơ (văn) không bị tiếng bấc tiếng chì mà có thể lãnh quả tạ dư luận nặng nề hơn nữa .
Năm 1961, tập thơ Đường vào tình sử của nhà thơ Đinh Hùng tham dự giải thưởng thơ của cấp nhà nước.
Theo nhà văn Thế Phong kể lại thì trong hai ba vị giám khảo bộ môn thơ là Đông Hồ và Thanh Tâm Tuyền đã bỏ phiếu Đường vào tình sử được giải nhất. Nhưng trước khi giải được chấp thuận thì phải được Tổng thống Ngô Đình Diệm chuẩn y qua Bộ trưởng Bộ Công dân vụ Ngô Trọng Hiếu.
Ghê chưa, đâu có phải ngon ăn.
Nhưng lúc ấy, ông Phạm Đình Tân, chủ soái Tinh Việt Văn đoàn, chủ báo Văn đàn, muốn cho con gà của mình là nhà thơ Bàng Bá Lân đoạt giải, nên đã nhờ ông Phạm Kim Tuyến (Giám đốc Sở Nghiên cứu Chính trị - xã hội) chuyển một bản phúc trình lên Tổng thống, rằng nhóm Tinh Việt Văn Đoàn không đồng ý treo giải nhất cho Đường vào tình sử. Vẫn theo Thế Phong cho biết thì sau khi đọc phúc trình, Tổng thống Ngô Đình Diệm cho gọi ông Lê Văn Thái vào dinh và phán:
" ... Sao treo giải cuốn như ri".
(Công nhận ông Diệm quan tâm đến văn nghệ ghê).
Nguyên Sa đã kể trong hồi ký của mình là đã được Tổng thống Ngô Đình Diệm tiếp riêng trong Dinh Độc Lập).
Ông Lê Văn Thái, cánh tay phải của ông Trần Kim Tuyến, chắc chưa đọc nên khất với Tổng thống là sẽ trả lời sau.
Ộng Thái ra La Pagode để tìm gặp Thế Phong. Khi được hỏi ý, Thế Phong trả lời đại ý là so Bàng Bá Lân với Đinh Hùng thì " Đinh Hùng làm vinh dự cho giải, giải thơ không tạo cho Đinh Hùng". Được biết sau đó người nhận giải thơ chính là Đinh Hùng.
Cũng có lời ra tiếng vào về việc in ấn tập thơ này. Lúc đó nhà thơ Đinh Hùng rất nghèo, làm sao có tiền để in tập thơ với kỹ thuật đẹp ở Kim Lai Ấn Quán của thi sĩ Lãng Nhân? Muốn vậy Đinh Hùng nghĩ cách phải nhờ ông Đoàn Thêm, [phó] Đổng lý Văn phòng Phủ Tổng thống đề tựa và làm"bình nguyên quân". Vì vậy, cũng có dư luận đồn ầm là nhờ ông Đoàn Thêm viết tựa nên Đường vào tình sử đi vào con đường ẵm giải (Thế Phong), Chiêu niệm 4 nhà văn Sài Gòn, Nxb Đồng Nai, 1999. tr. 27).
Đúng là văn chương thời nào có mùi giải, có tiền là có kiện thưa và đồn thổi, chém gió!
Lê Văn Nghĩa
(tr. 326 - 327)
===========
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ