Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2020

về nữ văn sĩ DƯƠNG THU HƯƠNG [ 1947 - ] -- source : blog Phan Nguyên ( 2013)

 

Friday, 6 December 2013

Dương Thu Hương













Dương Thu Hương
(1947 - ........) Thái Bình

Nhà văn
Huân chương Chevalier de l'ordre des Arts et des Lettres 
(Pháp 1994)





























Dương Thu Hương hiện sống tại Paris, Pháp quốc.
Là tác giả nhiều tiểu thuyết nổi tiếng đã được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp như Bên Kia Bờ Ảo Vọng, Những Thiên Đường Mù, Chốn Vắng, Lưu Ly, Đỉnh Cao Chói Lọi v.v ... 

Dương Thu Hương từng là Thanh niên xung phong năm 20 tuổi, phục vụ trong đoàn văn công tại vùng Bình Trị Thiên những năm bom đạn ác liệt nhất.

Dương Thu Hương cũng từng bị bắt bỏ tù vì tội viết sách phê phán việc áp dụng Chủ nghĩa Mác Lê tại Việt Nam.

Năm 1980 Dương Thu Hương Tham dự khóa đầu tiên Trường Viết văn Nguyễn Du.

Năm 1994 được chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Chevalier de l'ordre des Arts et des Lettres.

Năm 2009 được đề cử vào danh sách cứu xét cho giải Nobel văn chương.

Dương Thu Hương còn là tác giả Việt Nam đầu tiên có bốn tác phẩm được đưa vào bộ sách Bouquins của Pháp.

Hiện nay các tác phẩm của Dương Thu Hương bị cấm lưu hành tại Việt Nam vì lý do chính trị.











"Tất cả những tiểu thuyết của tôi đều dựa trên những câu chuyện thật"

Dương Thu Hương

































Bài nói chuyện mới nhất







Nhà văn Dương Thu Hương: 40 năm, nhìn lại về ngôn từ



Tường An, thông tín viên RFA


2015-03-11



Nhà văn Dương Thu Hương tại văn phòng RSF

Photo by Tuong An


Trong hồi ức 40 năm, đài Á Châu Tự Do hỏi chuyện nhà văn Dương Thu Hương về quan điểm của bà về những vấn đề liên quan đến cuộc chiến Bắc-Nam cũng như những hệ luỵ của nó.

Tường An: Thưa bà, cách đây đã lâu, trong một bài viết, bà có nói ngày 30/4, vào đến miền Nam bà đã ngồi trên vỉa hè và khóc. Nhân đây bà có thể giải thích về những giọt nước mắt ngày 30/4, 40 năm về trước không ạ ?
Dương Thu Hương: Vào miền Nam tôi khóc vì sao? Là bởi vì tôi hiểu đạo quân chiến thắng ở miền Bắc phụ thuộc vào một chế độ man rợ. Rất nhiều dân tộc văn minh bị tiêu diệt bởi một chế độ man rợ hơn, bởi vì họ hung hăng hơn, vì họ có thể văn minh hơn vì văn hoá nhưng họ kém về phương diện tổ chức quân sự.
Sau này tôi mới hiểu tôi cũng ngây thơ tôi khóc thế thôi. 30/4 tôi còn khóc vì một lý do khác nữa là vì chúng tôi bị lừa. Chúng tôi đi không nghĩ ngày về, nhưng mà chúng tôi tưởng chiến thắng quân ngoại xâm nhưng thực sự hoàn toàn là không phải. Và tất cả tuổi trẻ của chúng tôi đã bị tiêu huỷ đi. Và vì vậy mà tôi khóc, trong những giọt nước mắt của tôi có cái phần chung cho dân tộc và có phần riêng của chúng tôi, của những người bạn tôi đã chết và của bản thân tôi đã hy sinh tuổi xuân một cách vô ích.»

Tường An: Thưa bà, cuộc chiến dài 21 năm mà miền Bắc gọi là «Chống Mỹ cứu nước» đã chấm dứt vào ngày 30/4, bà có nhận xét gì về cái ngày mà Việt Nam ngưng tiếng súng, ngày mà đại tướng Văn Tiến Dũng gọi là «thiên anh hùng ca vĩ đại của chiến tranh nhân Việt Nam trong thế kỷ XX » ạ?
Dương Thu Hương: Đối với tôi ngày 30/4 có 2 phía : phía những người Việt ở miền nam thì gọi là ngày «Quốc hận», phía những người Việt ở miền Bắc thì gọi là «ngày Giải phóng của dân tộc» thì tất cả 2 cái đó thì tôi cho là cần phải xét lại ngôn từ , bởi vì ngôn từ nó cũng bấp bênh và nó cũng chao đảo với thời gian, nói tuỳ theo quan niệm con người , tuỳ theo cách nhìn con người để mà thay đổi.
Về phía những người miền Bắc tưởng rằng đó là một sự sung sướng, một chiến công lừng lẫy, một thắng lợi vô tiền khoáng hậu trong lịch sử. Bây giờ nhìn lại tôi thấy nó chỉ là một ánh đèn loé lên trên một chặng đường, mà cái chặng đường ấy phía sau khi ánh đèn ấy loé lên thì nó đã dần dần trôi vào bóng tối. Thắng lợi ngày 30/4 là một thứ mà người ta gọi là « illusion » tức là một ảo ảnh. Bởi vì sau cái ảo ảnh ấy thì có những thực tại chồm đến và người Cộng sản ngập trong những cái thực tại ấy.
Sự thất bại liên tục của họ trên tất cả những chính trường, trên ngoại giao cũng như là đối nội.

Tường An: Bà có thể giải thích tại sao từ một chiến thắng mà người Cộng sản gọi là «cuộc kháng chiến thần thánh » họ lại trở nên thất bại sau này như bà nhận định ?
Dương Thu Hương: Cái sự chiến thắng đó đem cho họ một lòng kiêu hãnh quá độ. Cho nên cái chiến thắng ấy là mở màn cho tất cả những thất bại sau này. Và bây giờ, mặc dù họ còn giữ được chính quyền nhưng cái thất bại thì rõ ràng không ai có thể chối cãi được là họ đã trở thành một bộ phận nô lệ của triều đình Cộng sản phương Bắc và cái sự bán nước của họ dù diễn ra trong bóng tối, nhưng nhân dân và tất cả những người có lương tâm đều đoán được một cách chính xác.
Chiến thắng 30/4 khiến cho những người Cộng sản có món mồi bở béo giống như ông Nguyễn văn Trấn viết trong cuốn «Viết cho Mẹ và Quốc hộ » - tôi cho ông Nguyễn văn Trấn là một người rất chính trực - ông ấy nói : nhà của người ta lấy, vợ của người ta ngủ v.v… và tức là một sự chiếm đoạt về mặt tài sản đối với tất cả những người mà đã chiến bại.
Họ đã thực hiện phương sách của Mao Trạch Đông, tức là «Toạ sơn quan hổ đấu» tức là để chọ người Việt đánh nhau với người Mỹ, một cuộc chiến tranh sức tàn lực kiệt để mà dễ biến thành một thứ thuộc địa nghìn năm Bắc thuộc lần thứ hai.

Tường An: Tại sao bà cho là phải xét lại chữ «Quốc hận" của những người miền Nam, những người đã thua trong cuộc chiến này, thưa bà ?
Dương Thu Hương: Về mặt những người miền Nam mà gọi là « Quốc hận » thì họ cũng phải nhìn lại. Tại sao ? Tại sao lại là « Quốc hận » Trước khi hận những người khác họ phải hận chính họ . Tại sao cùng một thời điểm, người Mỹ tạo ra những điều kiện để tạo ra chính sách dân chủ của 2 nơi : miền nam Việt Nam và miền Nam Hàn Quốc. Tại sao Hàn Quốc chiến thắng mà Việt Nam chiến bại ? Tại sao cùng một cơ hội lịch sử như thế, người Nam Triều Tiên họ đã chớp lấy cơ hội để biến đất nước của họ thành một xứ sở văn minh phồn thịnh, còn miền Nam thì không ? Cái đó phải xét lại.

Tường An: Từ khi sang Pháp năm 2006 cho đến nay, có vẽ như bà ít tiếp xúc với cộng đồng người Việt hải ngoại, phe chống Cộng cũng như phe thân Cộng, chắc là phải có lý do nào đó có phải không ạ?
Dương Thu Hương: Bây giờ nhìn lại những phong trào chống Cộng của người Việt hải ngoại, ta thấy cái gì ? Trừ những vụ treo đầu dê bán thịt chó như Hoàng Cơ Minh ra, rất nhiều chính khách khác chỉ chờ cơ hội để về Việt Nam thương thuyết với Cộng sản để chia ghế. Những nhà chống Cộng ở đây tôi biết thì hoàn toàn là một thứ trò du hí để thoả mãn cái lòng tự tôn của họ. Bởi vì sống ở nước ngoài họ không có một gương mặt hãnh diện, một vị trí xứng đáng cho nên là họ nêu chiêu bài chống Cộng, nhưng lúc nào cũng ngóng chờ Cộng sản chìa tay ra để trở về chia ghế. Và có những ông Cộng sản chưa cần mời đã vội vàng đến sứ quán làm lành trước . Vì sao . vì họ thấy đấu tranh mệt mỏi quá, hàng Cộng sản đi kiếm được một chút vui thú trong cuối đời. Cho nên bây giờ muốn chiến thắng Cộng sản thì trước tiên phải chiến thắng chính bản thân mình.
Bây giờ rất nhiều Việt kiều ở nước ngoài chửi Cộng sản nhưng về trong nước lại vui thú, cho làm ăn, cho kiếm tiền, cho chơi gái rẻ. Cho nên cái tinh thần chống Cộng của tôi cũng giống như cái đuôi con chó, vẫy lên rồi vẫy xuống theo cái lợi ích của họ.»

Tường An: Từ sự phân tích những tiêu cực của phe Cộng sản cũng như phe chống Cộng, bà có kết luận gì về cuộc đấu tranh trên chiến trường mới này ạ ?
Dương Thu Hương: Tóm lại, tôi thấy cần phải chống Cộng, nhưng trước hết cần phải soi lại bản thân mình. Thế còn người Cộng sản nhìn lại ngày 30/4 như một điều hãnh diện thì tôi đó là sự ngu ngốc . Bởi vì bây giờ, cái đứa ngu nhất thì cũng hiểu là họ đang bán nước và sẽ còn bán nước một cách trầm trọng hơn. Và nếu không có một sự kiện nào có thể thay đổi được vận mệnh quốc gia thì chắc chắn 1000 năm Bắc thuộc lần thứ hai sẽ diễn ra. Không phải với một đoàn quân phương Bắc kéo sang nữa mà là một sự khống chế toàn bộ về mặt chính trị và kinh tế bắt đầu từ đảng Cộng sản Trung quốc đối với đảng Cộng sản Việt Nam và sau đó là hai nhà nước cùng một hệ thống mà tôi gọi là một thứ phong kiến trá hình.

Tường An: Xin cám ơn bà đã dành thì giờ cho đài Á Châu Tự Do.







































Tác phẩm tiêu biểu












Tiểu Thuyết













Quầng Trăng Lơ
Truyện thiếu nhi 1981















Chàng Trai Trên Sân Thượng
1985























Hành Trình Ngày Thơ Ấu

(Itinéraire d'enfance) 1985
Dịch giả Đặng Trần Phương chuyển ngữ sang tiếng Pháp




























Bên Kia Bờ Ảo Vọng 

(Au-Delà des Illusions) 1987
Dịch giả Phan Huy Đường chuyển ngữ sang tiếng Pháp


























Những Thiên Đường Mù

(Paradis Aveugles) 1988
Phan Huy Đường chuyển ngữ

Quãng Đời Đánh Mất
1989

























Tiểu Thuyết Vô Đề

(Novel without a name)
 Nina Mac Pherson chuyển ngữ 
(Roman sans titre)
Phan Huy Đường chuyển ngữ

























Lưu Ly

 ( Myosotis 1998)
Dịch giả Phan Huy Đường chuyển ngữ sang tiếng Pháp

























Chốn Vắng

No Man's Land 
Dịch giả Nina McPherson 


Terre des oublis
Dịch giả Phan Huy Đường








Dương Thu Hương và Chốn vắng



 

Ký tên vào sách cho khách viếng Liên hoan sách Paris 2006


Nhà văn Dương Thu Hương đang ở Paris để cùng với nhà xuất bản Sabine Wespieser ra mắt cuốn sách mới của bà nhan đề là Terre Des Oublis, bản tiếng Pháp dịch từ tác phẩm Chốn vắng.
Cuốn sách được giới thiệu tại Liên hoan sách lần thứ 26 tại Paris, qui tụ sách của trên dưới 2.000 tác giả đến từ nhiều nơi trên thế giới.
Trong khung cảnh nhộn nhịp của một quán cafe ở thủ đô nước Pháp, nhà văn Dương Thu Hương (DTH) đã trò chuyện với Christine Nguyễn (CN), cộng tác viên của đài BBC tại Pháp.

CN: Bà nói rằng những nhân vật trong truyện có thực ngoài đời, đó là những người đàn bà Việt Nam trong chiến tranh và họ đã thôi thúc bà viết cuốn Chốn vắng?
DTH: Vâng, hoàn toàn tất cả những tiểu thuyết của tôi đều dựa trên những câu chuyện thật và Chốn vắng cũng như vậy, tức là những nhân vật này tôi đã gặp họ và câu chuyện của họ xảy ra ở tại Quảng Bình. Tất nhiên là khi tôi viết thì tôi có gia cố vào đó tất cả những suy tưởng của tôi, những giấc mộng của tôi và những ý tưởng và những quan niệm sống của tôi. Và đương nhiên là tôi phải nói một cách rành rọt: phần kết chính là phần mà tôi sáng tạo. Cái đoạn kết người ta gọi là có hậu đó chính là giấc mơ của tôi cho số phận những người đàn bà như Miên. Còn trong cuộc sống thì có lẽ mọi người đều biết rằng sau cuộc chiến tranh này hàng vạn người đàn bà chết già bởi vì không có ai lấy họ nữa và họ bị dồn vào những nông trường xa xôi, những nông trường trồng cam ở Hòa Bình và các tỉnh miền núi khác, trồng cam, trồng lạc, trồng sắn và những nông trường toàn đàn bà đến nỗi ở một cái chân trời không bao giờ hiện lên một người đàn ông nào cả. Và nếu có một vài thi thoảng hiện lên một người đàn ông thì đối với họ đấy là những cái hạnh phúc rất là hiếm hoi, mặc dù nó chỉ là một cái thứ hạnh phúc vay mượn và chụp giật.

CN: Với ba nhân vật: cô Miên, anh Bôn và anh Hoan thì ba nhân vật này tạo thành một cái bi kịch trong xã hội sau thời chiến. Ý đồ sáng tác của bà khi viết tác phẩm Chốn vắng này là gì?
DTH: Thật ra tôi là người viết văn không có ý đồ. Khi nào tôi định viết, khi nào có thời gian và khi nào có đủ điều kiện để có thể ngồi viết được thì những câu chuyện mà nó còn tích trữ trong óc tôi thì nó tự nó mở đường chui ra và tôi viết là dưới sức ép của nó như người ta nói là viết như một sự ám ảnh và tôi hoàn toàn không có ý đồ gì cả. Khi tôi đã bắt đầu viết thì câu chuyện đó nó sống dậy và những nhân vật đấy nó kéo tôi theo chứ tôi không kéo họ theo.

CN: Như vậy thì phải chăng sự ám ảnh đó chính là những thân phận của những người lính cũng như là của những người phụ nữ sau chiến tranh thống nhất đất nước, thưa bà?
DTH: Vâng, chính là những lịch sử, những con người cụ thể họ luôn luôn ám ảnh tôi và tôi như một thứ tù nhân của họ vậy. Đấy là cái nhà tù lớn nhất mà tôi phải chịu đựng.

CN: Cô Miên là một trong 3 nhân vật chính, vì phải đối đầu với những sức ép truyền thống, sức ép xã hội mà phải quay về với người chồng cũ sau bao nhiêu năm thất lạc. Phải chăng sự phát triển của nhân vật này nó có một cái gì đó không được bình thường, hay là nói khác đi là nó không có đại diện cho đa số những cái trường hợp đại loại như thế có thật xảy ra ở Việt Nam, thưa bà?
DTH: Nó rất bình thường với thế hệ của chúng tôi và nó xa lạ với thế hệ của các chị. Vì bây giờ các chị trẻ tuổi và các chị đã tự cho mình quyền được sống cuộc đời của các chị. Các chị không chịu sức ép của truyền thống và sự hy sinh một cách vô tận như chúng tôi. Cho nên tôi đã nói lại là cái thích của người này có thể là cái không thích của người khác. Cái của đối với người này là tất nhiên thì đối với người khác là hoàn toàn ngược với lý chí và có thể là không tất nhiên.

CN: Cũng là một người phụ nữ đã từng tham gia vào cuộc chiến tranh Việt Nam thì bà nghĩ gì về thân phận những người phụ nữ sau cuộc chiến hiện nay?
DTH: Tôi nghĩ rằng những thế hệ sau chiến tranh đã tiêu mòn và đã già rồi như tôi rồi và tất cả những thế hệ ấy là những cuộc đời bị đánh mất trong hoàn toàn câm lặng và quên lãng. Tôi hy vọng là các chị và những người trẻ hơn các chị sẽ không bao giờ nếm trải lại những cái địa ngục mà chúng tôi đã trải qua.

CN: Phải chăng ngoài những điều bà vừa tâm sự ra, đâu đó cũng chính là cuộc đời thật của bà được dàn trải trong quyển sách này?
DTH: Cuộc đời thật của tôi thì nó có giống cô Miên, tức là tôi luôn luôn phải hy sinh thân tôi vì người khác, và cuộc đời của tôi là một cuộc đời tù đày vì người khác. Tù đày đây không phải nghĩa là trong nhà giam của cộng sản, mà còn tù đày trong một cái nhà giam lớn hơn, vì đối với tôi thì con người ta luôn luôn phải gánh vác trách nhiệm. Và cái trách nhiệm đối với tôi thì nó cao cả hơn là cái hạnh phúc của chính bản thân mình. Cho nên khi tôi viết cô Miên thì tôi cảm thất rất là dễ dàng bởi vì tôi hiểu được cái tâm trạng của người đàn bà đó. Bản thân cuộc đời tôi cũng là một mảnh của cuộc đời người ta.





























Đỉnh Cao Chói Lọi

(Au Zénith  2009)
Dịch giả Đặng Trần Phương chuyển ngữ sang tiếng Pháp
Sanctuaire du Coeur
2011
Đặng Trần Phương chuyển ngữ 








































Tập Truyện













Những Bông Bần Ly 
1980





















Một Bờ Cây Đỏ Thắm

1980



























Ban Mai Yên Ả 
1985




























Đối Thoại Sau Bức Tường 
1985


























Chân Dung Người Hàng Xóm 
1985
Chuyện Tình Kể Trước Lúc Rạng Đông 
1986

(Histoire d'amour racontée avant l'aube)

Kim lefèvre chuyển ngữ sang tiếng Pháp

http://motsach.info/story.php?story=chuyen_tinh_ke_truoc_luc_rang_dong__duong_thu_huong






















Các Vĩ Nhân Tỉnh Lẻ 
1988























Và những truyện khác:










Hoa Tầm Xuân Của Mùa Thu








Loài Hoa Biến Sắc
(truyện ngắn)








Miền Cỏ Tơ
(truyện ngắn)


















Thơ Xuân Sách
tặng Dương Thu Hương




Tay em cầm bông bần ly
Bờ cây đỏ thắm làm chi não lòng
Chuyện tình kể trước lúc rạng đông
Hoàng hôn ảo vọng vẫn không tới bờ
Thiên đường thì quá  mờ
Vĩ nhân tỉnh lẻ vật vờ bóng ma
Hành trình thơ ấu đã qua
Hỡi người hàng xóm còn ta với mình






























Đọc Truyện DươngThu Hương
































Tham khảo thêm về tác giả Dương Thu Hương:








Phỏng vấn người đề cử giải Nobel cho Dương Thu Hương


























Sự Cứu Rỗi Cuối Cùng
(Tham luận đọc tại liên hoan Văn học do Hội Văn bút Quốc tế tổ chức)













 

Bà Dương Thu Hương ký tên vào sách cho khách thăm Liên hoan sách Paris 2006




Lần đầu tiên nhà văn Dương Thu Hương đã đến Mỹ và hiện đang có mặt ở New York, tham dự một liên hoan văn học do Hội Văn bút Quốc tế (PEN) tổ chức.

Hôm thứ Tư, 26-4, bà Dương Thu Hương có bài tham luận đọc tại liên hoan "Faith & Reason: Writers Speak."
Đi cùng bà là dịch giả Nina McPherson, người dịch tác phẩm mới nhất của Dương Thu Hương sang tiếng Anh, Chốn vắng (No Man's Land, dịch chung với Phan Huy Đường, 2005)
Chủ đề của liên hoan xoay quanh lý trí và đức tin, và vai trò của văn học trong mối quan hệ này.
Tham dự liên hoan này còn có nhiều nhà văn nổi tiếng quốc tế như Chinua Achebe, Martin Amis, Nadine Gordimer, Toni Morrison, Salman Rushdie và Zadie Smith.
Theo lịch, vào Chủ nhật, tác giả sẽ có buổi nói chuyện, với người dẫn chương trình là nhà văn Mỹ Robert Stone, tại Thư viện New York.
Được sự cho phép của tác giả, chúng tôi xin đăng lại toàn văn bài tham luận vừa đọc hôm thứ Tư, có tựa đề "Sự cứu rỗi cuối cùng."



Nhu cầu được cứu rỗi có lẽ là nhu cầu sớm nhất của nhân loại. Nó xuất hiện cùng lúc với con người đầu tiên đi bằng hai chân, lưng thẳng đứng, quyết định rời bỏ cánh rừng để tiến về chân trời phía trước. Chân trời hoang vắng kia chính là định mệnh của loài người, vừa cám dỗ vừa hàm chứa hiểm nguy, đem lại cùng một lần hy vọng và lo âu, say đắm và khắc khoải. Chính bởi con đường dẫn đến tương lai bao giờ cũng được cắm mốc bởi những bất an, nên con người cần có sự cứu rỗi. Nhu cầu về sự cứu rỗi là một hằng số, kể từ con người đầu tiên, đầu tóc đầy chấy rận, che thân bằng lá rừng cho đến nhân loại ngày hôm nay, một năm tiêu thụ hàng chục triệu lọ thuốc nhuộm tóc và hàng chục vạn tấn quần jean.

Trên con đường dài đặc của lịch sử, tấm áo giáp tinh thần đầu tiên che chắn cho tâm hồn mong manh của con người chính là niềm tin. Một quyền năng tối cao phải ra đời để mang đến cho họ sức mạnh đặng có thể vượt qua mọi thử thách, đứng vững trước những chân trời giông bão, trước những ngọn sóng thần, những hỏa diệm sơn, những bệnh dịch ma quái và những cuộc cạnh tranh sinh tồn khốc liệt. Nhưng vì đã có tháp Baben để con người chịu lời nguyền chia rẽ về ngôn ngữ nên phải có một thứ Baben khác để con người chịu lời nguyền thứ hai: Sự chia rẽ về niềm tin. Đấng Omnipussant xuất hiện dưới những gương mặt khác nhau, mặc những thứ trang phục khác nhau, đòi những món ăn khác nhau trong ngày lễ và sau rốt, ra những chỉ định khác nhau cho con chiên của họ. Vì những khác biệt này, sự cứu rỗi của nhân loại đã trở thành duyên cớ cho biết bao cuộc chiến tranh kinh khủng, tàn độc trong lịch sử.

Vì cớ gì Chúa của người Do Thái khác Chúa của người Thiên Chúa giáo, từ những dữ kiện nào, được ghi nhận vào năm tháng nào, và do ai chịu trách nhiệm về tính chân thật?...Dường như không có lời giải đáp. Vậy mà trong gần hai mươi thế kỉ, những cuộc tàn sát người Do Thái diễn ra không ngưng nghỉ cho đến tận ngày Giáo Hoàng Paul II chính thức nói lời đề nghị tha thứ trước toàn thể dân cư trên hành tinh.

Thêm nữa, dưới chỉ định nào của Jesus mà suốt mấy trăm năm những người Thiên Chúa giáo dồn những người theo đạo tin Lành lên các vùng núi trong một cuộc chiến tranh tàn khốc cho đến nỗi những giáo dân Tin Lành chỉ được quyền làm bánh mì một lần trong năm, chỉ được ăn bánh mới một ngày độc nhất trong 365 ngày. Nhiều thế kỉ đã trôi qua, nhưng ngày hội bánh mới vẫn còn và những ngôi nhà của người Tin Lành trên các vùng núi nước Pháp vẫn nguyên vẹn với những bức tường dày hơn cả tường của các pháo đài xưa cũ.

Giờ đây, nếu nhìn lại quá khứ, liệu có lý thuyết nào xứng đáng để biện minh cho những tầng xác chết của giáo dân vùi dưới lòng đất, những con người cùng đeo thánh giá, cùng múc những nguồn cảm xúc tinh thần trong Kinh Phúc Âm và cùng quỳ gối trước một ông thánh bị đóng đinh?

Chỉ có thể lý giải: Mọi niềm tin đều có khả năng điên rồ và chúng đã dẫn tới sự điên rồ.

Có lẽ vì mệt mỏi với những cuộc chiến tranh tôn giáo, con người tìm nguồn cứu rỗi trong lý trí trong sự khôn ngoan, trong các loại biện chứng pháp, và sức mạnh thần kỳ của nền kĩ trị. Vào thế kỷ 18 và 19, đã có lúc con người của chủ nghĩa duy lý tin rằng họ là những Pha-ra-on cuối cùng của nhân loại và từ nay về sau, mọi chân trời đều khép kín, hạnh phúc đã vĩnh định trong các sơ đồ vẽ sẵn.

Từ năm 1968 cho tới gần đây, nhiều giáo sư triết học Pháp đã hớn hở tìm những vấn đề trong tương lai còn khiến dân chúng quan tâm. Nói cách khác, họ đặt từ cuối cùng cho nhân loại: Người thì tin rằng từ đó là Tiện Nghi, người gọi từ tối hậu là Sex…Họ tin chắc rằng sau cuộc cách mạng tình dục, nước Pháp sẽ không còn con bệnh tâm thần, và mọi cuộc cởi trói sẽ biến xã hội Pháp thành cõi thiên đường nơi hạ giới…

Nhưng ngày hôm nay, người ta có thể gặp những người mất thăng bằng tinh thần, những con bệnh tâm thần thực thụ ngay trên đường phố Paris, ấy là chưa kể đến những khu vực bidon-ville ở ngoại ô.

Như vậy là sự thông minh cũng có thể nhầm lẫn, cũng có thể hàm hồ. Những hy vọng thái quá ở sức mạnh của lý trí cũng dẫn đến một sự điên rồ khác. Sự điên rồ của nền kĩ trị, sức tàn phá không thể so sánh của nó trong việc hủy hoại môi sinh và sỉ nhục con người. Những vấn đề ấy không còn là mới mẻ.

Vậy chúng ta sẽ sống ra sao đây giữa hai làn đạn chéo? Sự điên rồ của niềm tin và Sức mạnh phá hủy của sự duy lý?...Chúng ta sẽ sống ra sao đây giữa các tầng mây nhiễm phóng xa và tiếng gào thét của những phần tử cực đoan đạo Hồi?

Liệu chúng ta có thể lấp đầy vực thẳm phân ly giữa niềm tin và lý trí? Câu hỏi này có vẻ như ngớ ngẩn bởi dù đức tin hay lý trí, chúng cũng đều xuất phát từ con người, cấu thành một phần bản thể Người.

Đức tin khi bị dẫn dắt bởi sự vị ngã sẽ dẫn nhân loại tới sự suy đồi, độc ác. Bởi lúc đó, dù là đấng Tối cao của người Do Thái, chúa Jesus, hay thánh Allah thì họ cũng chỉ là những cái cớ sang trọng để biện minh cho sự phóng chiếu bản năng gốc của con người. Nhân loại cần những ông thánh để hợp lý hóa sự tham tàn của họ, nhu cầu thù ghét tha nhân mà họ được nuôi dưỡng từ thuở hồng hoang khi phải tranh cướp con mồi. Bản năng xâm kích song sinh với bản năng tình dục, một kẻ dẫn đường không kém phần uy lực trong suốt cuộc tồn sinh.

Lý trí khi bị dẫn dắt bởi vị ngã cũng dẫn con người tới cùng một vực sâu như đức tin, vì nó là thành phẩm của con người, do con người sáng chế, nó không thể tránh khỏi vòng quay ma quỷ của dục vọng. Dục vọng được biểu tượng như một chiếc túi không có đáy. Với số đông, ý thức được sự vô bờ bến của dục vọng dường như quá khó khăn.

Nhưng có lẽ nhiệm vụ của những người cầm bút là ở nơi khó khăn này.

Họ cần phải thức tỉnh lương tâm con người. Bởi lương tâm thường mệt mỏi và luôn thiu thiu ngủ. Họ cần kêu gọi lòng từ ái, bởi trước những bản năng sâu xa nhất tồn tại vĩnh cửu nơi con người, lòng từ ái, sự hy sinh quả là điều rất đỗi mong manh.

Nếu như cả đức tin lẫn lý trí đã chứng minh khả năng tàn phá, hủy diệt với tất thảy những chiều kích của sự điên rồ, thì chỉ còn lại phẩm chất duy nhất có thể cứu rỗi chúng sinh, ấy là lòng tốt. Một mai đây, nếu hành tinh này còn có thể tồn tại được, chắc chắn là nhờ ơn phước của những con người từ ái, cao thượng, những người có Trái tim vàng, chứ không thể là các lãnh tụ tôn giáo hoặc các kĩ trị gia.

Để kết thúc bài viết này, tôi xin được mượn lời Nguyễn Du, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam:

Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
Có đâu thiên vị người nào,
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai,
Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với chữ tai một vần.
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Lời quê chắp nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài trống canh.


Tiểu sử Dương Thu Hương
Sinh năm 1947, hiện sống ở Hà Nội
Từ 1991, tiểu thuyết bị cấm ở VN và được gửi ra nước ngoài để in
Nhận huân chương chính phủ Pháp (1994)
Chung kết giải Prix Femina (1992, 1996)
Một số tiểu thuyết:
Những thiên đường mù
Tiểu thuyết vô đề
Chốn vắng



























Dương Thu Hương vào tuyển tập Bouquins


































Thủ bút Dương Thu Hương gởi Ý Nhi khi mới ra tù.
(MDTG Công bố với sự đồng ý của nhà thơ Ý Nhi)

















































































Đông Trình, Nguyễn Duy, Dương Thu Hương, Nguyễn Quang Lập






























Dương Thu Hương, Phan Huy ĐườngPhan Nguyên
(Paris 1994 )















 Hiện sống và làm việc tại Paris (Pháp)














Trở về 











source: blog Phan Nguyên


***


-------------------------------------


chúc mừng

nữ văn sĩ 
DƯƠNG THU HƯƠNG


vào tuổi 73



blog Virgil Gheorghiu
Saigon, October, 5, 2020

------------------------------------






  





0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ