Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

Một lời góp ý cho ĐÊM GIÃ TỪ HÀ NỘI / Lê Văn Nghĩa -- nguồn : Văn học Sài Gòn 1954- 1975 ... / Nxb Tổng hợp Tp. HCM, quý 4/ 2020

 


                                       MỘT LỜI GÓP Ý CH0 TÁC GIẢ

                        ĐÊM GIÃ TỪ HÀ NỘI


                                          Lê Văn Nghĩa


Tập truyện Đêm giã từ Hà Nội (Người Việt, 1956) là tập truyện đầu tay khẳng định thế đứng văn chương của Mai Thảo.

 Ngay từ khi mới xuất bản, trong tập truyện này, cách viết của ông được một số nhà văn khen là làm mới văn chương. Tuy nhiên, cũng có một số bài viết của nhà phê bình cùng thời với Vũ Bằng, Vũ Hoàng Chương ... dám lội ngược dòng "với cái mới", phê bình Đêm giã từ Hà Nội là khó hiểu, làm dáng văn chương, chữ nghĩa uốn éo, nhiều hình dung từ, chấm tùy nghi theo sự tùy hứng của tác giả.  Trong Nhà văn hậu chiến (Thế Phong, tr. 202) đã trích dẫn bài của Thượng Sỹ- Nguyễn Đức Long - báo Cải tiến ngày 13/9/1956). 

 "Suốt cả tập truyện ngắn, đoạn văn trong Đêm giã từ Hà Nội, ông mai Thảo đều dùng một lối văn rất cầu kỳ để diễn đạt tư tưởng. Tôi đã nặng đầu khi đọc cuốn Đêm giã từ Hà Nội bởi lẽ rất giản dị là dùng chữ cầu kỳ, đọc phải suy nghĩ nhiều, phải hình dung nhiều mới hiểu được tác giả định nói gì.  Chẳng phải câu văn quá hàm súc, chẳng phải chữ dùng quá thâm thúy, nhưng vì quá cầu kỳ nên tối nghĩa và đặt chữ không đúng chỗ. Tôi không tin rằng ông Mai Thảo thành công rực rỡ, nếu ông cứ tiếp tục mãi. Viết theo cái thể văn đúng như ông viết trong Đêm giã từ Hà Nội -- đọc Đêm giã từ Hà Nội người ta có cảm giác nặng nề, khó hiểu. Do đó mà người đọc không thể rung cảm nổi, không say mê được.  Đêm giã từ Hà Nội là cuốn sách đầu tiên của ông Mai Thảo. Tôi thành thực mến phục ông đã cố gắng lắm khi đưa ra một lối văn mới mẻ. Ông không muốn sa vào chỗ tầm thường, đó là điều tôi mến ông. Nhưng tôi cũng cứ khuyên ông nên giản dị hơn. Viết cho sáng sủa, giản dị, người đọc hiểu mình hơn và mình gần người đọc hơn, nếu ông giản dị hơn. Không cần gì phải làm ra khác người mới thành công. Vả lại viết truyện ngắn, viết tiểu thuyết không phải là một luận án văn chương, một luận án triết học thì sao không cố gắng giản dị trong lối hành văn và cách dùng chữ.  Có cần gì phải đánh đố độc giả ... Tôi nghĩ không gì sung sướng bằng khi mình nói, mình viết mà người nghe, người đọc hiểu mình, để có thể lòng cùng rung động  cùng vui, buồn, sướng khoái như tác giả. Viết ra, in lên sách là vì người khác, chứ chẳng phải để thỏa mãn cái ý thích riêng mình. Vì nếu chỉ để thỏa riêng mình, thì khi viết xong, khỏi phải in ra cứ để trong hòm thỉnh thoảng lấy ra mà đọc ..." 

Chỉ khoảng chưa đầy một tháng sau bài viết phê bình này, tạp chí Sáng tạo ra đời và Mai Thảo vẫn tiếp tục viết theo phong cách chữ nghĩa của riêng mình 'mớ chữ nghĩa lộn xộn được đặt nằm trong một cấu trúc văn phong với cách chấm, phết bừa bãi vô trật tự." (Trần Thị Bông Giấy - Một truyện dài không có tên, tr. 341). Và từ Sáng tạo, một vài nhà văn đã  cố bắt chước lối viết của ông mà có thời Lữ Phương gọi là văn chương "hũ nút".


Lê Văn Nghĩa


(tr.  113 - 114) 


                                     ===========

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ