Phan Ngọc Thường Đoan [ P.N. THƯỜNG ĐOAN ] - nhà thơ của sự " cô đơn" / bài viết: Nguyễn Văn Hòa -- nguồn tổ quốc. vn >
Phan Ngọc Thường Đoan
- Nhà thơ của sự “Cô đơn”
NGUYỄN VĂN HÒA
(Tổ Quốc)- Thơ Phan Ngọc Thường Đoan là những tâm trạng miên man buồn. Nỗi buồn, nỗi đau đớn và có cả sự thẫn thờ, cô đơn đến chạnh lòng, cô đơn đến chới với. Đọc thơ Thường Đoan, tôi nhận thấy chị là nhà thơ của sự “cô đơn”.
Nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan (P.N Thường Đoan) tên thật là Nguyễn Thanh Bình, Hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo TP.HCM, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Hiện chị đang công tác tại Báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh.
Đến nay, Phan Ngọc Thường Đoan đã ra mắt 5 tập thơ: Lục bát cho khát vọng (1992), Người đàn bà làm thơ và trăng (1995), Đếm cát (2003), Rũ người (2006), Buổi sáng có nhiều chuyện kể (2009).
Chị là một người phụ nữ sống nội tâm và rất giản dị. Phan Ngọc Thường Đoan cũng rất kín tiếng về chuyện đời tư của mình. Thơ Phan Ngọc Thường Đoan được bạn đọc yêu mến và biết từ những năm 90 của thế kỉ trước. Thơ chị là tiếng lòng của một người đàn bà khát yêu, khát sống nhưng mang nhiều nỗi buồn và cô đơn. Cái cô đơn của người đàn bà khi cuộc sống không được vẹn toàn và gặp những trắc trở.
Nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan từng tâm sự: “Mỗi người sinh ra là đã ban cho một tính cách, một số phận. Nếu được chọn lại, tôi cũng sẽ chọn thơ ca. Tôi nghĩ bất kỳ người phụ nữ nào, cho dù có chồng hay không, một khi làm thơ thì họ đều là những người rất cô đơn, mà xa hơn nữa là sự cô độc”.
Nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan (ảnh: Phụ nữ)
Phan Ngọc Thường Đoan được báo chí nói nhiều, người đọc biết nhiều hơn từ vụ lùm xùm về bài thơ Bạch lộ của Phan Huyền Thư đạo thơ bài thơ Buổi sáng của chị vào năm 2015. Từ vụ lùm xùm này tôi lại càng quý chị hơn. Phan Ngọc Thường Đoan là người không muốn ồn ào nhưng bất đắc dĩ chị phải lên tiếng. Sự lên tiếng ấy là để bảo vệ danh dự và uy tín của mình. Sau “tai nạn” bất thường trong nghiệp cầm bút chị nghiễm nhiên trở thành người nổi tiếng. Nhiều người nghĩ chị sẽ “ăn theo” sau sự việc này. Nhưng với một nhà thơ chân chính, lấy thơ làm bạn, làm thơ là để gửi gắm những niềm vui, nỗi buồn vào đấy; làm thơ là để trải lòng chứ không phải mượn thơ để kinh doanh nên chị không thể và không bao giờ làm cái điều mà như nhiều người nghĩ. Giữa xô bồ, thực - giả, trắng - đen, vàng - thau lẫn lộn; văn nghệ nhiều khi cũng biến tướng, chạy theo thị trường, sống vì danh lợi… Vậy mà có một Phan Ngọc Thường Đoan với cách hành xử đáng quý và đáng trân trọng làm sao.
Đọc thơ chị, người đọc nhận thấy có nhiều suy tư, trăn trở mà chị gửi gắm trong đó. Cái suy tư, trăn trở của thân phận một người đàn bà đầy ắp những nỗi niềm trắc ẩn. Đó là những khắc khoải, thua thiệt, cam chịu… trong tình yêu; những day dứt, chiêm nghiệm trước cuộc đời.
Nỗi buồn, sự cô đơn, cam chịu trong thơ Phan Ngọc Thường Đoan trở thành nỗi ám ảnh. Viết về tình yêu, thể hiện khát vọng cá nhân, đó là giây phút nhà thơ hướng về tâm hồn mình ở độ sâu thẳm nhất.
Ở bài Rượu xuân, nỗi buồn cứ âm thần lan tỏa trong tâm hồn của chủ thể trữ tình. Tất cả cái gì cũng chỉ một nửa, một sự thiếu hụt, trống vắng, nửa vời. Bản thể cô đơn khi nhận thức đầy đủ trực diện chính bản thân mình. Và rồi chủ thể trữ tình phải thốt lên: Ai cùng ta uống giờ trừ tịch? Giờ khắc ấy ai sẽ uống với ta? Một câu hỏi trong vô vọng, hỏi chỉ để hỏi mà thôi. Bình thường đã cũng chỉ một nửa, bình thường cũng chỉ có mình ta, thì đến giờ trừ tịch thì làm gì có người để cùng ta mà uống! Câu hỏi cũng chính là tiếng khóc nấc nghẹn ngào. Giờ đây “ta” không phải là cô đơn mà là cô độc. Câu hỏi cứ vang lên, nhức buốt tận đáy sâu tâm hồn.
Một nửa mơ hồ/ một nửa say/ một nửa ngọt ngào/ một nửa cay/ ai cùng ta uống giờ trừ tịch?
Một nửa cạn cùng/ một nửa vơi/ một nửa vầng trăng/ một nửa đồi/ một nửa mặt trời, một nửa biển/ một nửa yêu/ và một nửa thôi!.
Tình yêu là một sự tận hưởng và nếm trải. Hạnh phúc ngọt bùi hay khổ đau, cay đắng đều không do mình định đoạt. Đôi lúc trắng tay, cái nhận về là sự đợi chờ vô vọng, khắc khoải, đau đớn. Người đàn bà phải ngồi Đếm cát, Người đàn bà ngồi vọc sóng đêm trong lặng lẽ, đơn chiếc, cam chịu.
Tôi ngồi trước biển mùa đông / Đếm từng hạt cát mà không muốn về (Đếm cát).
người đàn bà ngồi vọc sóng đêm khuya
uống lạnh đơn độc
nghe cát hát trong ngàn âm sóng
nghe tiếng ốc của loài ốc mượn hồn...
và trăm nhánh rong nâu
những vốc cát tràn tay rồi rơi lại biển sâu
hạt nồng ấm cuối cùng chìm mất
chỉ còn lại mành trăng và bọt sóng
xô vào nhau mặn ngọt
phù du...
Trước những bất trắc của những cuộc tình, nhân vật trữ tình nhận thức rõ: No rượu mà không say/ khát tình chứ không đói/ ta trút xuống dòng sông bóng trăng phản bội/ ngồi trên cầu vỗ tay hát tình tan (Uống rượu).
No rượu mà không say/ khát tình chứ không đói: Khi nỗi đau quá lớn, khi sự thiếu hụt không thể lấp đầy thì con người hình như trở nên trơ lì hơn và họ cũng trở nên mạnh mẽ hơn. Sẵn sàng trút bỏ mọi muộn phiền, sự phản bội và ngồi vỗ tay hát tình tang.
Trong thơ của P.N Thường Đoan thường trở đi trở lại hình ảnh người đàn bà cô đơn (đại từ nhân xưng: tôi, ta, em), buồn thảm, vò võ than thở, bộc bạch nỗi niềm… Nhưng càng giãi bày lại càng thấy đơn chiếc, lẻ loi và cô độc.
Cái quý nhất của đời người là tuổi trẻ. Đời người chỉ sống một lần. Tuổi trẻ qua đi thì tiếc lắm. Nhà thơ ý thức rõ điều đó nên chị sống hết mình cho tình yêu và tuổi trẻ: Cuối cùng trăng cũng tàn thôi, em như ngọn nến kia đã sống hết mình rồi (Sóng đêm).
Phụ nữ sinh ra trên cõi đời này là để được yêu. Yêu là nhung nhớ, là chờ đợi, là hi sinh, là có những cuộc hội ngộ và chia ly… Có những cuộc gặp gỡ bất ngờ, thoáng chốc nhưng cũng để lại trong lòng người phụ nữ những dấu ấn khó phai mờ. Và nếu như đừng có những cuộc gặp như thế thì trái tim người phụ nữ sẽ biết đâu sẽ đỡ tổn thương.
Cái tôi cô đơn khắc khoải hiển hiện trên nhiều trang thơ của chị. Nhà thơ sợ nhất là sự cô đơn ăn mòn vào đời sống con người. Thâm nhập vào thế giới thơ P.N Thường Đoan ta thấy nỗi cô đơn đến rợn ngợp. Con người đa tình ấy đã yêu rất nhiều, nhưng những mối tình lần lượt đến rồi lặng lẽ ra đi, để lại một khoảng trống mênh mông trong lòng người thi sĩ ấy. Có những lúc hạnh phúc chợt đến rồi đi, đi mãi không bao giờ trở lại. Đôi khi niềm vui chưa thấm vào đâu thì thay vào đó là sự chia ly, cách biệt.
Em cuộn tròn rét buốt trong tay/ Ghìm nỗi nhớ qua từng con dốc nhỏ/ Đường vắng lạnh một mình trong mưa gió/ Điếu thuốc tàn nỗi nhớ cũng ùa theo
Thành phố mù sương xa khuất chân đèo/ Sương mù tan tan kỷ niệm/ Mai em về xin gửi lại niềm lưu luyến/ Bất chợt một lần ta đã gặp nhau
Giả sử như…/ Dalat không ở miền cao/ Thì giá rét không bao giờ vây phủ/ Giả sử như…/ không chút tình tri ngộ/ Thì chẳng bao giờ/ anh tiễn đưa em!!!
Mai về rồi, xa thành phố mù sương/ Xa con dốc phủ hương thông đêm vắng/ Giả sử như…/ Một đêm nào/ Bên tách café đắng ấm/ Có gợn lòng… nhớ đến em không?/ Dalat ơi! Gió rét tận cõi lòng.
(Còn nhớ còn thương)
Nỗ lực và cố gắng đến tột cùng nhưng cuối cùng vẫn vô ích. Vì vậy, “ta” phải: “bỏ núi về sông”: Thôi ta bỏ núi về sông/ Hái bần chua với ròng ròng mùa mưa/ Bẻ bông so đũa cuối mùa/ Lượm mù u rụng vườn trưa nắng tàn.
Ta về vun lại vồng lang/ Tát con mương nhỏ tìm hang bống kèo/ Ta tìm ta giữa hàng keo/ Bóng liêu xiêu với cánh diều đứt dây/ Diều băng tiếng sáo cũng bay/ Cỏ may xước rách bàn tay hẹn rồi.
... Thôi ta bỏ núi về đồng
Đem vầng trăng khuyết treo dòng sông xưa.
(Rũ người)
Thơ P.N Thường Đoan có nhiều bài viết về mẹ với một niềm yêu kính. Bài thơ Nhớ mẹ là một trong những bài viết xúc động. Đó là nỗi lòng của đứa con nơi xa quê nghĩ về mẹ, đứa con ấy giờ cũng đã làm mẹ nên mới thấu hiểu hơn tấm lòng bao dung, sự khổ đau, hi sinh, chịu đựng của mẹ. Nhà thơ chợt nhận ra trong bóng dáng âm thầm, khổ đau của mẹ có chút hình bóng thân phận mình. Để rồi chị phải giàn giụa trong nước mắt:
Đêm ngồi nghe nước mắt rơi từng giọt/ Làm mẹ rồi! - Mới thương mẹ nhiều hơn/ Dòng sông xưa mỗi chiều con nước lớn/ Ai qua đò mà cứ tưởng con về!/ Con của mẹ giờ làm dâu xứ lạ/ Thèm khói thơm bếp rạ thổi cơm chiều/ Trăm dòng sông vẫn đổ về biển cả/ Bao dung một đời sao mẹ vẫn quạnh hiu?.
Nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan cũng có nỗi lo canh cánh bên lòng khi đối diện với đời sống. Nỗi lo ấy được chị phản ánh vào thơ. Chị có cách bày tỏ rất độc đáo, cách nói đầy ám gợi: Mưa không về trên hàng cây cụt ngọn.
Tôi ngạc nhiên trước con đường quen/ Bóng mát đi vắng/ Nắng bốc lửa dưới chân
tin ngày mai bão về/ Đêm qua hàng cây bị cưa cụt ngọn/ thành phố sáng nay cụt ngọn/ Sài Gòn như cái hộp vuông
Sợ ngày mai bão về/ những tàn cổ thụ bị vạt bằng/ Tiếng cười dây leo đắc thắng/ thân ký sinh phút chốc đổi màu
Sài Gòn bao nhiêu hàng cây đại thọ/ để chim non tập tiếng hát chào ngày?/ để ve ngân?/ để áo bay?/ để bông phượng thắp lồng đèn đỏ!
Bao nhiêu câu hỏi đặt ra cho thành phố trẻ này. Những câu hỏi nhẹ nhàng nhưng cũng đầy day dứt. Các câu hỏi ấy đang đặt ra cho nhiều cấp, nhiều ngành, cho ý thức trách nhiệm của từng công dân trước yêu cầu của thời đại.
Đọc thơ Phan Ngọc Thường Đoan càng về sau càng đậm chất thế sự. Nếu trước đây phần lớn chị viết về những trải nghiệm trong tình yêu, nỗi buồn, sự cô đơn thì giờ đây chị nói nhiều đến vấn đề thế sự.
Từ chiếc “mặt nạ”, Phan Ngọc Thường Đoan gợi ra bao điều. Đến cuối bài thơ chị lại đặt ra câu hỏi: Ta còn nhận ra nhau/ dáng trước mặt hao hao tình cũ/ Mặt nạ che người/ dấu hỏi nào cong? Không đơn giản chỉ là câu chuyện tình mà đó là câu chuyện của đời sống, chuyện của muôn đời.
Thơ P.N Thường Đoan, bên cạnh những bài thơ câu chữ giản dị, mộc mạc còn có nhiều bài có sự gia công, rèn giũa để lời thơ không nôm na mà giàu tính hình tượng thông qua các biện pháp tu từ. Thơ Phan Ngọc Thường Đoan sử dụng nhiều ẩn dụ, nhân hóa, điệp từ, điệp ngữ và câu hỏi tu từ. Đó chính là thế mạnh của thơ chị. Thơ P.N Thường Đoan có chiều sâu. Nhiều bài, nhiều câu giàu hình ảnh và có sự liên tưởng thú vị. Điều này làm cho thơ chị chứa nhiều tầng ý nghĩa, tạo nên sự độc đáo và giàu giá trị biểu cảm.
ta quảy nắng đi ngược rừng thông chết… (Ô hay bỗng thấy lòng buồn).
xa rồi cái thuở xa xôi
Khói rơm rạ giỡn trắng trời mùa đông
Thôi
ta bỏ núi về đồng
đem vầng trăng khuyết treo dòng sông xưa
(Rũ người)
Đêm nay ấm dẫu trời cao nguyên đang bão
đằng kia có phải là khói núi?
đằng kia có phải là bóng người ta đang chờ?
(Đằng kia có phải là khói núi)
tiếng kêu rách quá khứ buồn/ thị thành trên vai áo/ ngọt ngào đã xa tầm tay với/ tơ nhện giăng lấp bóng mẹ rồi/ ước mơ rất gần từ những giấc chiêm bao/ ngắn/ bụi phố mòn chân lưa lạc mồ côi/ vỉa hè cô đơn/ tiếng cuốc cô đơn/ bông vông đỏ sống sót sau tháng ba đỏ rực.
(Chiêm bao giữa phố)
Ở dọc đường đứng gió/ tôi không thấy sắc vàng quen/ dã quỳ không nở/ trăng chiều không nghiêng/ tôi chao về phía vực/ chớp nắp trên đỉnh thông xa/ đẩy nỗi buồn khỏi bàn tay con gái/ lưng đá núi che nụ cười/ bây giờ/ rạn vỡ mây/ rơi bàng hoàng/ rơi hoảng hốt.
(Mùa không có dã quỳ)
P.N Thường Đoan đã có những câu thơ, bài thơ hay, những hình ảnh độc đáo, gieo vào lòng người đọc những ấn tượng. Tôi rất thích những câu như: ta quảy nắng đi ngược rừng thông chết…; Khói rơm rạ giỡn trắng trời mùa đông; tiếng kêu rách quá khứ buồn; buổi sáng ngồi một mình/ uống cạn kiệt/ lạ/ quen!...
Đọc thơ P.N Thường Đoan, đặc biệt là những bài thơ viết về tình yêu, ta thấy những khát khao của một người yêu rất nhiều, hy sinh rất nhiều trong tình yêu, cho rất nhiều nhưng nhận lại chẳng được bao nhiêu. Để rồi đơn độc đi trong cuộc đời và lúc nào cũng cảm thấy cô đơn, khắc khoải, lúc nào cũng cảm thấy phía trước là bất hạnh, là bão tố. Càng cô đơn, càng bất hạnh nhân vật trữ tình lại càng khao khát yêu và muốn lấp đầy nỗi quạnh hiu, đơn chiếc của cuộc đời mình. Nhưng oái oăm thay, càng yêu thì lại càng gặp bất hạnh, mất mát gấp bội phần ./.
NGUYỄN VĂN HÒA
***
------------------------------------------------
chúc mừng
văn nhân, thi sĩ P.N.THƯỜNG ĐOAN
sống & viết ở Sài Gòn
Thế Phong
blog Virgil Gheorghiu
Saigon, Sept. 15, 2020
-----------------------------------------------
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ