bài đọc thêm ( 2 ) : " Viếng mộ học giả Nguyễn Hiến Lê" / Huỳnh Ái Tông -- source : huynhaitong.blogspot.com>
Friday, October 19, 2018
Viếng mộ học giả Nguyễn Hiến Lê
Nguyễn Hiến Lê (1912-1984)
Lần nầy về thăm nhà, tôi quyết định tìm ra cho được nơi chôn cất tro cốt học giả Nguyễn Hiến Lê, nơi chùa Phước Ân ở Cái Bường. Trước tiên, tôi lên mạng tìm chùa Phước Ân, được biết chùa nầy nằm gần chùa Cái Bường, gần chợ Vĩnh Thạnh, thuộc huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.
Sau khi xe qua khỏi huyện lỵ Lai Vung, xe chạy một đoạn xa, gần tới nơi nhà cửa đông đúc, tôi cho xe dừng lại tại một nơi sửa xe gắn máy, hỏi thăm chợ Vĩnh Thạnh, người ta chỉ qua khỏi cầu là tới. Xe chạy đến cầu, tôi đọc được bảng ghi Cầu Cái Bường, nơi đây còn một Lô Cốt cũ (blockhaus, gốc tiếng Đức), có lẽ nó là Lô Cốt duy nhất trên đất nước Việt Nam còn sót lại, nhắc nhớ thời chiến tranh chống Pháp vào những năm 1950, bên cạnh mỗi cây cầu có một Lô Cốt có lính canh gát ngày đêm, để giữ cầu tránh bị những lực lượng chống Pháp phá hủy cầu, làm tắc nghẽn giao thông đường bộ.
Chợ Vĩnh Thạnh có lẽ tục danh là chợ Cái Bường, con rạch Cái Bường sẽ chạy ra cắt ngang Kênh Lấp Vò, ở đó có địa danh là ngã tư Cái Bường, nhưng ở trên đường lộ không có ngã tư tại đây, mặc dù ở đây có ngôi chợ nằm cạnh đường xe chạy. Do có người cho biết, gần ngã tư Cái Bường, nên lần trước, cũng như lần nầy tôi cố gắng chăm chú để ý ngã tư, nhưng thật sự nó không phải là ngã tư đường mà là ngã tư sông, như Ngã Bảy ở Phụng Hiệp, Ngã Sáu ở trong vùng Đồng Tháp giáp với Long An và Mỹ Tho.
Tôi vào chợ hỏi Phước Ân Tự, được người ta chỉ dẫn, cho xe chạy cặp theo hông chợ, vào tận cùng đường, chừng 100 thước, quẹo tay trái, chạy cùng đường chừng 30 thước, quẹo phải theo con đường nhỏ tráng xi-măng cặp theo con rạch, chạy chừng 200 thước là gặp Phước Ân Tự. Chùa có cổng vào có mái che và bảng ghi tên chùa hai hàng chữ Hán, Việt..
Qua khỏi cổng, bên tay phải là một tiền đình thờ đức Quán Thế Âm, tiếp theo là sân chùa rồi mới đến Chánh Điện, sau Chánh điện có sân gạch nhỏ, cách khoảng chừng 8 thước là Hậu tổ.
Một con đường dẫn vào trong, phía tay phải là khu vườn, tiếp theo là nghĩa trang, gồm 2 khu liền nhau, trước tiên là khu dành cho Phật tử, kế đó là khu của chư Tăng Ni, khu chư Tăng Ni có tường rào thấp chung quanh, mộ của Tăng Ni cũng như của Phật tử đều xây tháp hình vuông. Chư Tăng Ni 3 tầng, sơn màu vàng, chữ đỏ, còn Phật tử 1 tầng hoặc 2 tầng, quét vôi hay sơn trắng với bia trắng đen.
Chúng tôi trước tiên vào bên trong nhà khách, gặp Sư cô đã ngoài 70, tôi cho biết xin phép đi viếng mộ ông Nguyễn Hiến Lê và cô Nguyễn Thị Liệp. Sư Cô gọi một người trai trẻ đưa tôi đi, để chỉ dẫn. Được biết anh ta tên Hải là con của Sư Cô, anh ta ở chùa và bán tương chao ở ngoài chợ.
Tôi đã gặp Sư cô mẹ anh Hải, Sư cô cũng như cô Nguyễn Thị Liệp vợ của nhà văn Nguyền Hiến Lê, sau khi ông qua đời rồi, cô mới xuất gia đầu Phật được gọi là Bán thế xuất gia, còn hạng trẻ vào chùa tu được gọi là Đồng chơn xuất gia. Cô Liệp đã xuất gia thế phát tại chùa nầy, sau thọ giới trở thành Tỳ Kheo Ni Thích Nữ Huệ Đức.
Trên bàn thờ chư vị Tăng Ni, có ảnh và bài vị của Tỳ Kheo Ni Huệ Đức, bên cạnh bài vị nầy, chắc là thân nhân có đính thêm ảnh của học giả Nguyễn Hiến Lê.
Theo như anh Hải cho biết, chính anh đặt tro cất vào bên trong tháp, ở dưới nền là mộ của cô Liệp, tầng tháp trên nền là 4 hủ tro cốt, thân nhân của cô Liệp, còn tầng tháp trên cùng là tro cốt của học giả Nguyễn Hiến Lê. Nhưng tôi thấy phía sau tháp, mỗi tầng có một tấm bia, mỗi tấm bia có 4 tên của những người quá vãng:
Tấm bia mộ của Nguyễn Hiến Lê theo anh Hải cho biết vì bia cũ bị nứt nên làm bia mới, đã có ảnh nhưng chưa gắn vào, không có ghi năm sinh, chỉ ghi ngày mất và thọ 74 tuổi.
Còn bia mộ của cô Nguyễn Thị Liệp, ghi rõ pháp danh và thế danh của Cô, năm sinh 1909 và năm viên tịch 1999.
Sau khi viếng mộ học giả Nguyễn Hiến Lê, tôi có được Sư cô bảo anh Hải đưa vào Chánh Đìện Lễ Phật, sau đó tôi đến thắp nén hương tại bàn thờ vong có bài vị Sư cô Huệ Đức, trên bài vị của Sư cô có ảnh của học giả Nguyễn Hiến Lê.
Chúng tôi chào cáo từ Sư cô thân mẫu anh Hải và anh Hải. Hài lòng vì đã tìm viếng được nơi chôn cất tro cốt học giả Nguyễn Hiến Lê. Thắp mấy nén hương để tưởng niệm ông và cô Liệp, người mà cô và tôi có trò chuyện trên chuyến ghe, đưa đám tang nhà giáo Trương Gia Mô từ cù lao Giêng về thành phố Long Xuyên.
Những nhà văn chúng tôi mến mộ có thể kể gồm Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, Vương Hồng Sển, Hồ Hữu Tường, Sơn Nam và Nguyễn Hiến Lê với quyển Đại Cương Triết Học Trung Quốc ông soạn chung với Giản Chi. Quyển nầy được giải Văn học thời Việt Nam Cộng Hòa, nhưng học giả Nguyễn Hiến Lê từ chối nhận giải thưởng, còn cho biết số tiền ấy nên làm từ thiện. Sau 1975, ông bệnh nghe nói có người đề nghị đưa ông vào Bệnh Viện Vì Dân ở ngã tư Bảy Hiền, dành để chữa trị những người có công với Cách mạng, ông từ chối vì sợ người ta hiểu lầm, gọi ông là "đồng chí". Cho nên quyển Hồi ký Nguyễn Hiến Lê bị cắt bỏ mấy chương cuối đời, vì ông phê phán cái xã hội xã hội chủ nghĩa đang trên đà đổi mới.
Dù sự nghiệp văn chương của học giả Nguyễn Hiến Lê có một phần soạn dịch nhiều sách về "làm người tốt, hữu ích cho xã hội", nhưng tấm bia mộ khiêm nhường nơi chốn u tịch kia, thua xa anh hùng Lê Văn Tám, một nhân vật không hề có trên thế gian nầy, chỉ là sản phẩm của Trần Huy Liệu dựng nên đã đánh lừa cả địch lẫn ta.
Những nhà văn chúng tôi mến mộ có thể kể gồm Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, Vương Hồng Sển, Hồ Hữu Tường, Sơn Nam và Nguyễn Hiến Lê với quyển Đại Cương Triết Học Trung Quốc ông soạn chung với Giản Chi. Quyển nầy được giải Văn học thời Việt Nam Cộng Hòa, nhưng học giả Nguyễn Hiến Lê từ chối nhận giải thưởng, còn cho biết số tiền ấy nên làm từ thiện. Sau 1975, ông bệnh nghe nói có người đề nghị đưa ông vào Bệnh Viện Vì Dân ở ngã tư Bảy Hiền, dành để chữa trị những người có công với Cách mạng, ông từ chối vì sợ người ta hiểu lầm, gọi ông là "đồng chí". Cho nên quyển Hồi ký Nguyễn Hiến Lê bị cắt bỏ mấy chương cuối đời, vì ông phê phán cái xã hội xã hội chủ nghĩa đang trên đà đổi mới.
Dù sự nghiệp văn chương của học giả Nguyễn Hiến Lê có một phần soạn dịch nhiều sách về "làm người tốt, hữu ích cho xã hội", nhưng tấm bia mộ khiêm nhường nơi chốn u tịch kia, thua xa anh hùng Lê Văn Tám, một nhân vật không hề có trên thế gian nầy, chỉ là sản phẩm của Trần Huy Liệu dựng nên đã đánh lừa cả địch lẫn ta.
866419102018
HUỲNH ÁI TÔNG
source : Huỳnh Ái Tông blog
==============
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ