Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2020

Hà nội cùng thơ / Cao Mỵ Nhân -- source: blog Cao Mỵ Nhân



Hà Nội cùng thơ
 Ta đã về đây, em dấu yêu
Thăng Long rồng vẫn cuộn muôn chiều
Cho anh nỗi nhớ thôi biền biệt
Để bạn niềm tin khỏi hắt hiu
Văn Miếu có người chờ khắc chữ
Hồ Gươm còn khách đợi buông chèo
Liễu rơi cành mộng trên hồn nước
Hà Nội cùng thơ thổn thức theo…
CAO MỴ NHÂN

Tình khuya

Ba giờ thức giấc, buồn ơi
Trăng còn lênh láng thả rơi ánh vàng
Đêm còn tức tủi lang thang
Nghe như mất mát, lỡ làng tình khuya
Đêm theo ánh lửa tìm về
Em theo nỗi khổ tỉ tê trăng sầu
Chúng mình ba đứa theo nhau
Đêm, trăng cùng với nát nhàu hồn thơ
Có anh thì mới đợi chờ
Vắng anh đêm hết mộng mơ trăng, tình
Chúng mình ba đứa trường sinh
Ai nơi cõi thế cũng trình tự thôi
Giữa khi quá nửa khuya rồi
Một đời, bán kiếp, một tôi vỗ về
Mảnh trăng chia mái tóc thề
Một bâng khuâng suốt cận kề rồi xa…
CAO MỴ NHÂN

Bác sĩ Ghép

Có những lúc tôi phải tự nén lòng để không thoát ra lời trách móc hay chê bai một sự việc cụ thể, mà không nói không được vì thiên hạ sẽ bảo là biết sao không cho người ta hay
Nhưng cái điều quan trọng lại là hay để làm gì, có thay đổi được sự việc đó không, nói cho sướng miệng, chứ gặp hoàn cảnh vậy, bạn có làm hơn được, hay cũng chỉ phê bình, rồi… ngó vậy thôi?
Tôi hỏi quý vị, một ông bác sĩ gốc rừng Trường Sơn về được thành phố sang trọng Sài Gòn hoa lệ đã nắm cứng lấy chân chị lao công VNCH, để chỉ hỏi cái chai nước gì mùi rượu đế vậy?
Chị lao công tên S. chuyên làm vệ sinh ở khoa Dưỡng sinh khu ngoại trú nơi tôi hằng ngày tới đó hướng dẫn cho người già và người bệnh tập thể dục dưỡng sinh.
Chị lao công nói với tôi:
Cô Mỵ Nhân có biết không. Ông Ghép hỏi tôi cái chai cồn 90 độ ngửi như mùi rượu đế để làm gì, ý nói sao lại có trong bệnh viện vậy? Ha ha…
Tôi còn tưởng chị S. muốn… tiếu lâm, bèn hỏi lại chị nói ông Ghép là ai.
Trời, cô làm việc ở đây mà không biết bác sĩ Ghép à? Ông làm trưởng toán bảo vệ đó thôi.
Tôi thất kinh hồn vía, hỏi đi hỏi lại chị S. về ông… bác sĩ Ghép làm… bảo vệ.
Hoá ra ông tên Ghép ấy là một chiến sĩ ngành y của quân đội nhân dân ta, tức quân Cộng sản Bắc Việt, cũng khá nhiều năm phục vụ ở Trường Sơn, chuyên băng bó vết thương cho cán binh trên đường xâm nhập miền Nam…
Thế thì phải biết cồn 90 độ để rửa vết thương, sao còn hỏi ấm ớ vậy?
 ( tạm lược  4 dòng. (Bt xin lỗi tác giả)
Thiếu niên Ghép quê ở vùng mỏ Quảng Ninh tối tăm, u ám đã ghi tên xung phong ngay từ bản danh sách đầu để sinh Bắc tử Nam.
Và cũng muốn thoát cuộc sống than bùn lem luốc quanh năm, đồng thời gia đình chuẩn bị đón danh hiệu liệt sĩ để được chút nào đãi ngộ vì bệnh đói khát đã trầm kha mấy đời…
Ghép được phần hành chính trị nghiên cứu, muốn sử dụng lâu dài khả năng cuồng tín nên bổ sung Ghép cho tổ quân y Trường Sơn kể từ thủa mang dép râu trèo núi.
Sau rất nhiều lần bị bom Mỹ cày nát lý tưởng ở Trường Sơn, cắt vụn đoàn thiêu thân ở hành lang núi phía Tây dải đất VNCH, Ghép trở thành gan dạ.
Vẫn cái đòn chính trị tàn nhẫn, ác độc trên con lộ Trường Sơn ấy, một hôm người bác sĩ có học y thực sự bị đặt trước một hoàn cảnh dã man tiền sử là phải phẫu thuật một số thương binh đứng giữa đường, đòi bắn máy bay Mỹ bằng B40!
Những tín đồ vô sản đó nếu đầu lìa khỏi xác thì dễ, chỉ việc hất xuống vực sâu thay cho việc đào đất chôn mất thì giờ, còn những ai mang cánh tay lủng lẳng, đùi hoặc cổ chân lướt thướt, bàn chân thê lê thì làm sao đây?
Quân y nhân dân lập tức giao quyền quyết định cho lũ bác sĩ Ghép, là những người mà có phải làm ác, làm sai cũng đành trong giai đoạn ấy.
Họ đã lấy muối hột ngâm cho tan trong thứ nước rừng, chớ có nấu gì đâu, dội lên những vết thương, những chân những tay nếu nối lại được thì tốt mà không được thì phải hủy hoại đi thôi. Ghép dẫn đầu công việc tàn nhẫn đó. Cũng chẳng còn cách nào hơn.
Mười lăm năm theo nghề đồ tể giết người, Ghép được tâng bốc như một anh hùng thạo việc làm liều khi bác sĩ thật nào đó rùng mình trước khó khăn tội ác.
Ba mươi bảy ngày đêm không ăn, không ngủ, không nghỉ để theo kịp đoàn quân cướp cuộc, tới Sài Gòn thì Ghép được vinh danh trong số bác sĩ nhân dân đó.
Tất nhiên hắn mới ngoài 30 tuổi, nếu thực sự có kiến thức, khả năng, v.v. thì còn học hành tiến lên… XHCN được, đằng này chỉ là một tên mổ… lợn còn may ra, chứ làm bác sĩ chữa trị ai đây?
Được điều tới Viện Y dược học Dân tộc là cả một sự sắp xếp khó khăn cho các bác sĩ thực thụ ở cả hai bên chiến tuyến. Tất cả đều ngao ngán nhưng chẳng lẽ truất quyền danh nghĩa bác sĩ mà nhà nước đã tôn phong ở Trường Sơn không lâu cho hắn?
Cuối cùng, bác sĩ Trương Thìn viện trưởng Viện Y Dược Học Dân Tộc mời Ghép lên văn phòng hỏi xem nguyện vọng người Bên cướp cuộc muốn thế nào?
Ghép lặng thinh không có ý kiến. Bác sĩ Trương Thìn vốn là y sĩ trung uý VNCH phản chiến nhưng không đần độn, đã đề nghị bác sĩ Ghép từ Trường Sơn về thành phố sang trọng được giữ chức… trưởng toá bảo vệ cho viện.
Từ đó, bác sĩ Ghép không mặc chiếc áo choàng trắng có thêu ở miệng túi ngực dòng chữ bác sĩ Ghép như hơn một lần tôi thấy nữa.
Đó cũng là thời gian tôi học và làm huấn luyện viên ở Câu lạc bộ Dưỡng sinh, mới biết được sự việc không phải tưởng tượng mà chính như vậy đó.
CAO MỴ NHÂN
source: Blog Cao Mỵ Nhân

                                                -------------------------------------

                                                            chúc mừng
         
                                            cựu thiếu tá nữ quân nhânVNCH,
                                                  nhà báo,  văn nhân, thi sĩ
                                                       CAO MỴ NHÂN

                                                    vào  tuổi " xưa nay hiếm"

                                                          
                                                     blog Virgil Gheorghiu
                                                     Saigon, August 8, 2020

                                 ----------------------------------------------------------
                                      


0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ