bài đọc thêm: Phan Khôi: nhà văn, nhà báo, nhà lý luận xuất sắc / Huyền Viêm -- source: www.VanDanViet
Phan Khôi- Nhà văn, nhà báo, nhà lý luận xuất sắc – Huyền Viêm (Sài Gòn)
Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016
Ngày 6-10-2014, tại Quảng Nam, quê hương của Phan Khôi, đã mở cuộc hội thảo khoa học về ông nhân 127 năm ngày sinh của ông để vinh danh một con người đa tài. Nhà sử học Dương Trung Quốc kiến nghị tỉnh Quảng Nam cần quan tâm bảo tồn, phát huy những di sản liên quan đến Phan Khôi, tổng hợp những dữ liệu để cùng các nhà chuyên môn xây dựng bộ toàn tập về Phan Khôi đầu tiên, kể cả việc đặt tên đường Phan Khôi tại Quảng Nam (hiện Đà Nẵng đã có đường Phan Khôi).
Sinh năm 1930
Quê quán: Điện Bàn, Quảng Nam
Tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn
Hiện sống và viết tại TP Sài Gòn
_____
Huyền Viêm
Tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn
Hiện sống và viết tại TP Sài Gòn
_____
Huyền Viêm
PHAN KHÔI- NHÀ VĂN, NHÀ BÁO, NHÀ LÝ LUẬN XUẤT SẮC
Ngày 6-10-2014, tại Quảng Nam, quê hương của Phan Khôi, đã mở cuộc hội thảo khoa học về ông nhân 127 năm ngày sinh của ông để vinh danh một con người đa tài. Nhà sử học Dương Trung Quốc kiến nghị tỉnh Quảng Nam cần quan tâm bảo tồn, phát huy những di sản liên quan đến Phan Khôi, tổng hợp những dữ liệu để cùng các nhà chuyên môn xây dựng bộ toàn tập về Phan Khôi đầu tiên, kể cả việc đặt tên đường Phan Khôi tại Quảng Nam (hiện Đà Nẵng đã có đường Phan Khôi).
Có người còn đề nghị sau Hội thảo về “Phan Khôi – Nhà văn hóa” ở Quảng Nam ngày 6.10.2014, cần có hội thảo “Phan Khôi – Nhân vật lịch sử”. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam dự kiến mở hội thảo về Phan Khôi với phạm vi nghiên cứu toàn diện hơn vào năm 2017 tại Hà Nội, nhân dịp 130 năm ngày sinh Phan Khôi (HXH).
Phan Khôi sinh ngày 20 tháng 8 năm Đinh Hợi (6.10.1887) tại làng Bảo An (Gò Nổi), nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, bút danh Chương Dân, Thông Reo, Tú Sơn (do chữ Pháp tout seul nghĩa là cô đơn, một mình). Gia đình ông thuộc dòng dõi khoa bảng, thân phụ ông là Phan Trân, thi đậu Phó bảng, Tri phủ Diên Khánh (Khánh Hòa), mẹ là bà Hoàng Thị Lệ, con gái Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu, người đã tuẫn tiết khi thành Hà Nội lọt vào tay Pháp.
Ông học chữ nho từ nhỏ rất giỏi, đỗ tú tài chữ Hán năm 19 tuổi (1905), sau đó học quốc ngữ và chữ Pháp trong tù cùng với những công chức bị giam.
Năm 1907 Phan Khôi ra Hà Nội, tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Thời gian này ông viết những bài báo đầu tiên cho tờ Đăng cổ tùng báo (báo khêu đèn gióng trống). Pháp khủng bố Đông Kinh Nghĩa Thục,ông trở về Quảng Nam hoạt động trong phong trào Văn thân cùng với Huỳnh Thúc Kháng. Trong cuộc biểu tình đòi giảm thuế,ông bị Pháp bắt giam ba năm (1908-1911). Ra tù, ông tạm ngưng hoạt động cách mạng.
Năm 1916, ông ra Hải Phòng làm thư ký cho Công ty Vận tải đường thủy của Bạch Thái Bưởi. Ông nhận thấy công việc ở đây chỉ để kiếm tiền chứ không hợp với chí hướng của mình nên xin nghỉ mặc dù Bạch Thái Bưởi cố năn nỉ mời ông ở lại..
Phan Khôi nhà báo
Năm 1918, Phan Khôi chính thức bước vào làng báo bằng việc viết cho tờ Nam Phong với bút danh Chương Dân. Trên tờ báo này, ông viết nghị luận, khảo cứu và cả sáng tác bằng chữ quốc ngữ và chữ Hán. Từ đây, ông dành hết thì giờ cho việc viết báo, viết văn. Ngoài Nam Phong, ông còn viết cho nhiều báo: Thực Nghiệp dân báo, Hữu Thanh, Thần Chung, Phụ Nữ Tân Văn, Phụ Nữ Thời Đàm, Đông Pháp Thời Báo, Trung Lập, Đông Tây, Tràng An, Hà Nội Báo, Tao Đàn, Tri Tân…
Năm 1920, ông trở ra Hà Nội viết cho tờ Thực Nghiệp dân báo và Hữu Thanh tạp chí, đồng thời cộng tác với vợ chồng mục sư người Mỹ là W.C. Cadman để dịch Kinh Thánh (Bible) của Cơ Đốc giáo ra chữ quốc ngữ.
Giữa năm 1936, ông xin được giấy phép sáng lập tờ tuần báo Sông Hương ở Huế. Vì chỉ có lưng vốn một ngàn đồng khi ra báo nên ông, vợ và các con phải xung phong vào làm báo và … không lãnh lương. Báo này ra được 32 số trong tám tháng thì chết vì hết tiền (1.8.1936–27.3.1937)
Sau khi báo đình bản, Phan Khôi nhượng lại tờ báo cho nhóm Phan Đăng Lưu, đi dạy học tại các trường tư thục ở Huế và Sài Gòn một thời gian rồi trở về quê nhà. Cũng trong thời gian này (1936), ông tái bản cuốn Nam âm thi thoại và đổi tên là Chương Dân thi thoại. Năm 1939, ông xuất bản cuốn tiểu thuyết “ Trở vỏ lửa ra”.
Thời Pháp thuộc, Phan Khôi viết khoảng một ngàn bài báo lớn nhỏ về các lĩnh vực văn học nghệ thuật, chữ viết, sử học, triết học, ngôn ngữ học, văn hóa, xã hội, luân lý, chính trị, thời sự…
Trên Đông Pháp thời báo, ông có những bài bàn về các vấn đề dân sinh, xã hội, đề cao công lý, tinh thần tự trọng và truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam. Trên Phụ Nữ Tân Văn, ông có các bài về mở mang dân trí.
Bài “Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ” của ông giới thiệu bài thơ “Tình già” như một đột phá khẩu mở đường cho phong trào thơ mới, được các tác giả Thi nhân Việt Nam (Hoài Thanh và Hoài Chân) xem là sự kiện đánh dấu một cuộc cách mạng về thi ca. Bài thơ này trước đăng trong Tập văn mùa xuân, phụ trương của báo Đông Tây ở Hà Nội, sau đó đăng lại trên tuần báo Phụ Nữ Tân Văn vào dịp Tết Nhâm Thân (1932).
Phan Khôi cũng từng tham gia những cuộc bút chiến với các nhà văn khác như: bút chiến với Nguyễn Phan Long và đảng Lập Hiến Nam kỳ về trách nhiệm của người làm chính trị trước thời cuộc và vận mệnh của người dân, bút chiến về Nho giáo với Trần Trọng Kim, về Truyện Kiều với Phạm Quỳnh, về Quốc học với Phạm Đình Rư, về duy tâm hay duy vật với Hải Triều. Trong cuộc bút chiến này, Phan Khôi, Hoài Thanh và Thiếu Sơn đứng hẳn về một phía. Các cuộc bút chiến này cuối cùng vẫn không phân thắng bại.
Trong cuốn “Nắng được thì cứ nắng” của Phan An Sa (2013), người con út của ông, nhà văn Lại Nguyên Ân viết:“Phan Khôi là một trong những tác gia rất đáng kể trong lịch sử tư tưởng, lịch sử văn học Việt Nam. Ông thuộc trong số những trí thức hàng đầu có công tạo nên mặt bằng tri thức và văn hóa cho xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX…”
Đi về Việt Bắc: Tháng 6 năm 1946 Phan Khôi ra Hà Nội. Đầu năm 1947, ông gia nhập “Đoàn văn hóa kháng chiến”. Từ đây đến năm 1954 là năm đình chiến, ông theo kháng chiến ở Việt Bắc. Thời gian này, ông nghiên cứu tiếng Việt và được giao công tác phiên dịch sách chữ Pháp và chữ Hán. Ông đã cố gắng làm tròn nhiệm vụ.
Từ năm 1954 đến năm 1959 là năm ông mất, ông viết cho tờ Văn Nghệ nhưng không thường xuyên. Ông xuất bản cuốn “Việt ngữ nghiên cứu” (1955), dịch tiểu thuyết và tản văn của Lỗ Tấn, ghi chép, phân loại ca dao, tục ngữ và làm chủ nhiệm báo “Nhân văn”.
Năm 1956, ông được Bộ Văn Hóa và Hội Văn Nghệ Việt Nam cử sang Trung Quốc dự lễ kỷ niệm 20 năm ngày Lỗ Tấn mất. Ông có bài phát biểu tại lễ kỷ niệm này.
Phan Khôi nhà thơ
Là một nhà nghiên cứu, Phan Khôi ít làm thơ nhưng bài nào ý tứ cũng sâu sắc. Năm 1948, khi còn hăng say, nhân gặp một người lính, ông làm bài thơ “Thăm bộ đội”:
Vượt núi trèo non tôi đến đây,
Về thăm anh nghỉ dưới chân mây.
Chúc anh mạnh khỏe rồi ra trận,
Máu sức càng hăng để đánh Tây.
Đánh đến bao giờ độc lập thành,
Tôi dù già rụi ở quê anh
Cũng nguyền nhắm mắt không ân hận,
Nằm dưới mồ nghe khúc thái bình.
(Văn Nghệ số 7, tháng 12 năm 1948)
Đôi khi thơ Phan Khôi cũng pha chút trào lộng nhẹ nhàng như trong bài “Hồng gai”:
Hồng nào hồng chẳng có gai,
Miễn là đừng thứ hồng rài không hoa.
Là hồng thì phải có hoa,
Không hoa, chỉ có gai mà ai chơi.
Ta yêu hồng lắm hồng ơi!
Có gai mà cũng có mùi hương thơm.
Vì khí hậu độc địa nên ông sinh bệnh, phải vào bệnh viện nằm một thời gian. Ra khỏi bệnh viện, ông đi cắt tóc và cảm hứng làm nên bốn câu thơ:
Tuổi già thêm bệnh hoạn,
Kháng chiến thấy thừa ta.
Nỗi sầu như tóc bạc
Cứ cắt lại dài ra.
Một năm, vào đêm trừ tịch, Phan Khôi sống lẻ loi, thiếu thốn một mình, ông đã cảm xúc thành thơ, bài thơ bằng chữ Hán:
Độc dạ quá trừ tịch
Cánh vô đăng khả thân.
Trùng khâm cái suy hủ,
Thiểm mộng trước toan tân.
Hữu ái cam sinh biệt,
Vô doanh nhiệm thực bần.
Văn kê hận khởi tọa,
Kháng chiến tứ phùng xuân.
Dịch thơ:
Giao thừa một bóng một hình,
Ngọn đèn làm bạn bên mình cũng không.
Chăn sui đắp tấm thân còm,
Nằm suông gặp mộng miệng còn cay tê.
Hữu tình cam sống xa quê,
Túi không, nếm vị hoắc lê bấy chầy.
Giận nghe gà gáy ngồi ngay,
Tính ra kháng chiến xuân rày… bốn xuân.
Câu cuối cho biết ông làm bài thơ này năm 1950 vì cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu năm 1946, bốn xuân sau là 1950.
Phan Khôi rời bỏ cõi trần
Cuộc đời của Phan Khôi gặp nhiều lao đao lận đận cho đến lúc lìa đời. Ngày 16.1.1959 ông đã trút hơi thở cuối cùng tại số 73 Phố Thuốc Bắc Hà Nội. Đám tang diễn ra lặng lẽ. “Một cỗ quan tài gỗ mộc đơn sơ, một cỗ xe tang hai ngựa kéo, một nhúm người ruột thịt đi sau xe tang.
Và trùm lên họ là một khung trời chật hẹp màu chì, nặng trịch, rét buốt và sụt sùi mưa…” (*) Ông được an táng tại nghĩa trang Hợp Thiện Hà Nội.
Năm 1975, sau khi chiến tranh chấm dứt, các con ông xuống Hợp Thiện thăm mộ ông thì mộ không còn nữa, tất cả đã đổi thay, nghĩa trang đã bị san phẳng, chuẩn bị xây nhà máy dệt MinhKhai. Mấy năm sau, họ bàn nhau lấy một ít đất ở sân nhà máy, chỗ nghi là nơi có mộ ông ngày trước, cho vào một cái quách bằng gỗ rồi mang vào Nam làm một cái mộ gió cho ông ở nghĩa trang Bạc Hà (Quảng Nam) để con cháu có nơi đến thắp hương tưởng nhớ.
Phan Khôi là người có công lớn đối với nền văn học nước nhà. Nhà văn Thanh Lãng nhận định :“Phan Khôi là khuôn mặt đẹp đẽ nhất của thời đại ta, một tổng hợp kỳ diệu được hình thành do những gì tinh túy nhất của nền cổ học vô cùng tế nhị Đông phương và nền học thuật minh bạch khúc triết của Tây phương”. (Tạp chí Văn học Sài Gòn số 122 ngày 15-2-1971) ./.
----------
(*) Theo cuốn “Nắng được thì cứ nắng” của Phan An Sa, con trai út của Phan Khôi.
(*) Theo cuốn “Nắng được thì cứ nắng” của Phan An Sa, con trai út của Phan Khôi.
© Tác giả giữ bản quyền.
-. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hà Nội ngày 19/03/2016 Xin vui lòng ghi rõ nguồn VanDanViet Khi trích đăng lại.
_______________________________________________
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ