bài đọc thêm: " 30 tháng 4, đọc" Người Mỹ Cô Đơn" / Việt Nguyên -- source: www.nguoi-viet.com>
30 Tháng Tư, đọc ‘Người Mỹ Cô Đơn’
Việt Nguyên/Người Việt
HOUSTON, Texas (NV) – Tháng Tư, cầm đọc truyện “Người Mỹ Cô Đơn” của nhà văn nhà báo Thanh Thương Hoàng, tôi lại nhớ về khoảng thời gian đã mất, thời gian của những năm 1966-1968 ngày tôi còn trẻ, tập tành cầm bút theo các bạn học trường Chu Văn An, các bạn Thế Huy, Hải Hậu…
Thỉnh thoảng sáng tác được vài bài gửi đến Chính Luận, nhật báo lớn nhất ở Sài Gòn, trong khi ký giả Thanh Thương Hoàng đã nổi tiếng. Khi ấy ông là tổng thư ký hội ký giả, chủ tịch làng báo Thủ Đức.
A Lonely American by Thanh Thuong Hoang
(bản Anh ngữ 'Người Mỹ Cô Đơn')
(Bt)
Thanh Thương Hoàng
dưới mắt họa sĩ Phan Diên
(Bt)
Thanh Thương Hoàng, người cùng nguyên quán Nghệ An với tôi, đã cầm bút viết từ năm 1954, năm hiệp định Genève chia đôi đất nước.
“Người Mỹ Cô Đơn,” cuốn truyện viết trong bối cảnh chính trị, văn hóa thời Mỹ vào Việt Nam đầu thập niên 1970 có vẻ như tiếp theo cuốn “Người Mỹ Trầm Lặng” của Graham Greene, nhà văn người Anh, viết năm 1955 với bối cảnh khi người Mỹ vào Việt Nam đẩy thực dân Pháp đi. Graham Greene dự đoán chiến tranh Việt Nam với Hoa Kỳ đóng vai trò chính sau Pháp.
“Người Mỹ Trầm Lặng” với mối tình tay ba giữa Alden Pyle nhân viên chính quyền Mỹ, Thomas Fowler ký giả Anh và Phượng. Phượng tên của loài hoa rực rỡ mùa Hè. Một Phượng nỗi nhớ dịu dàng trong truyện “Đêm Giã Từ Hà Nội” của Mai Thảo năm 1954. Một Phượng giấc mơ của các chàng phi công trong “Đời Phi Công” của nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh năm 1959.
Với “Người Mỹ Cô Đơn,” Ngọc Lan là nhân vật chính. Ngọc Lan và mối tình với John Wagner, người đến phục vụ Việt Nam trong thời chiến tranh. Một Ngọc Lan “tên loài hoa với cánh lan mảnh mai và mùi thơm nhẹ nhàng,” “dâng hoa cúng Phật ưu phiền sẽ tan” như lời nhạc Phạm Duy. “Loài hoa khi tàn vẫn để lại một mùi dịu dàng” khiến John mỉm cười khi nhớ đến cô bạn gái Việt.
“Người Mỹ Cô Đơn” đã khiến tôi nhớ về Sài Gòn, một Sài Gòn vẫn còn trong tâm tưởng của những ngày mới lớn, dù tôi xa Sài Gòn hơn 40 năm. Một Sài Gòn hai mùa mưa nắng, một Sài Gòn với những con đường đẹp đầy bóng cây yên tĩnh. Sài Gòn của tôi được John Wagner, qua lời văn đẹp của Thanh Thương Hoàng, nhìn từ văn phòng lầu ba tòa cao ốc: “Sài Gòn giữa mùa mưa, Sài Gòn đông đúc, Sài Gòn bận rộn nhìn từ trên xuống, dân Sài Gòn vẫn sống trong khi chiến tranh lan tràn, chiến tranh khắp nơi, Sài Gòn yên tĩnh mang không khí hòa bình bị phá vỡ vì tiếng máy bay chiến đấu phản lực bay trên trời để lại những làn khói trắng bay mịt mù nhuộm bẩn bầu trời trong sáng.”
Một Sài Gòn “buổi hoàng hôn, mặt trời lặn, bên bờ sông đông người hưởng một không khí mát lạnh, người giàu ăn uống trong những nhà hàng bên bờ sông còn người nghèo ngồi ngắm cảnh trên ghế đá, ăn uống giản dị ngắm nhìn trẻ em chơi đùa chung quanh.” Một Sài Gòn đã làm John Wagner, một người Mỹ mới đến Việt Nam trong đầu lúc nào cũng nghĩ đến xứ sở chiến tranh ngạc nhiên: “Sài Gòn như là một thành phố hòa bình không chiến tranh,” “một chiến tranh đã giết chết những giấc mơ của tuổi trẻ.”
Thanh Thương Hoàng, nhà báo nổi tiếng, lại có những giọng văn tình cảm nhẹ nhàng của nhà văn, tả lại Ngọc Lan và John Wagner, hai nhân vật tượng trưng Việt-Mỹ trong thời gian xung đột văn hóa thời chiến tranh Việt Nam.
Ngọc Lan, thư ký văn phòng của John Wagner, “có khuôn mặt nhỏ nhắn, mắt sáng che giấu những nỗi buồn khiến John nhớ lại những kỷ niệm xưa,” “Ngọc Lan quyến rũ với mái tóc đen dài xõa xuống lưng, một sắc đẹp Á Đông điển hình với mái tóc làm lụy anh hùng đánh gục cả một đoàn quân như trong truyện cổ Trung Hoa.”
John yêu một “Ngọc Lan ít nói trầm lặng, làm thư ký ban ngày, sinh viên Văn Khoa buổi tối. Nguyễn Thị Ngọc Lan, 20 tuổi, sinh quán Hà Nội di cư vào Nam năm 1954, tốt nghiệp trung học thông thạo tiếng Anh, cô giáo trung học, ít nói chuyện với các nhân viên đồng sở ngay cả với John.”
John Wagner 30 tuổi, “gia đình danh giá, cha làm thượng nghị sĩ, đã phục vụ ở Phi Châu hai năm, hiểu những nỗi khổ của dân các xứ chậm tiến đói kém, sau hai năm anh tình nguyện qua Việt Nam, trước khi đến Việt Nam anh đã xem Việt Nam, một nước đã trải qua hàng chục năm chiến tranh không khác gì Phi Châu.”
Đến Việt Nam, cũng như những người Mỹ khác John dùng sức mạnh đồng đô la để chinh phục phụ nữ, sức mạnh đồng đô la luôn luôn chiến thắng trong một nước tự hào với 4,000 năm văn hiến! Đồng tiền đã giúp John mua một mối tình trước Ngọc Lan nhưng đã dạy cho John một bài học, mối tình đầu ở Sài Gòn đã tan vỡ khi người đẹp chạy theo một người có nhiều tiền hơn.
“Ngọc Lan đã làm John ngạc nhiên khi nàng từ chối món quà đắt tiền, chiếc đồng hồ kim cương Longines. Khác với những người con gái John đã gặp, Ngọc Lan chỉ muốn John mua tặng một cuốn sách, trong tay cầm sách Ngọc Lan như một cành hoa, tươi hơn!”
Bối cảnh xã hội ở Sài Gòn trong thời chiến tranh đã được nhà văn Thanh Thương Hoàng ghi lại qua những nghịch cảnh trong gia đình thầy giáo Nghĩa, cha của Ngọc Lan. Căn nhà trong ngõ hẻm ở khu xóm bình thường, gia đình trung lưu. Ông giáo 50 tuổi ở tuổi biết mệnh trời “ngũ thập tri thiên mệnh” của nhà Nho theo giáo dục Khổng Mạnh mặc dù theo văn hóa Tây phương.
Thầy giáo Nghĩa có vợ, ba con, vợ là nội trợ, một người mẹ điển hình sống cả đời cho chồng con, ở nhà cả ngày trong bếp, ra đường mỗi ngày chỉ để đi chợ. Con lớn nhất Nguyễn Trọng Nhân học luật sau theo sinh viên phản chiến. Cậu con trai kế Nguyễn Trọng Lê vào quân đội lên cấp thiếu úy. Các con chịu ảnh hưởng giáo dục Tây phương trong xã hội mới, mặc dù kính trọng bố mẹ nhưng không vâng lời tuyệt đối, không theo “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó.”
Cô con gái cưng cãi lời cha đi làm sở Mỹ mặc dù thầy giáo Nghĩa đã dạy “con gái đi làm sở Mỹ trong 10 người đã có 9 người có đời đổ vỡ.” Ông giáo dạy học trên 20 năm, ít nói, đi làm về tắm rửa ngồi đọc báo, cấm con gái đi dự tiệc tùng. Với đời sống đồng lương cố định trong khi vật giá leo thang nhưng vẫn cố giữ giá trị cổ truyền ông dặn cô con gái đi làm sở Mỹ phải cố giữ hai điều kiện, “không được có bồ ngoại quốc và sau giờ làm việc 30 phút phải có mặt ở nhà!”
Nguyễn Trọng Nhân theo phong trào sinh viên phản chiến trong một khung cảnh trước 1973, “chiến tranh gia tăng quanh vùng ngoại ô Sài Gòn, Việt Cộng đặt mìn, đặt bom, pháo kích vào thành phố, ám sát giết người mỗi tuần, sinh viên xuống đường chống đối đòi đuổi Mỹ về nước, thầy tu Phật Giáo tuyệt thực, các cha Công Giáo cũng chống chính quyền.”
Chiến tranh đến phòng khách mỗi gia đình Mỹ vì ký giả phản chiến (chứ không phải đến phòng ngủ như trong sách, thời ấy ti vi – một kỹ thuật mới – còn đắt chưa được sản xuất ở Nhật). Các ký giả ngoại quốc cung cấp “tin nóng” bất lợi cho chính quyền Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trong khi Đại Sứ Mỹ Bunker (Đại Sứ Tilmar trong truyện) có gương mặt lạnh lùng không cười, được báo chí Việt Nam thời ấy gọi là gương mặt tủ lạnh” pháo đài, lô cốt (như nghĩa chữ Bunker).
Nguyễn Trọng Nhân xem người Mỹ như kẻ thù đã choáng váng khi thấy cô em Ngọc Lan săn sóc cánh tay bị thương của John ở phòng khách trong nhà (John đến nhà sau khi ăn tiệc ở nhà hàng bị Việt Cộng đặt bom nổ). Nhân xem chuyện Ngọc Lan đem John về nhà là chuyện xấu hổ cho gia đình. Trong khi thầy giáo Nghĩa đặt vấn đề nhân đạo trên hết, quên chuyện gia phong “không bao giờ chấp nhận hành động khủng bố, một hành động vô đạo đức không thể chấp nhận bởi những người văn minh.”
Truyện của Thanh Thương Hoàng đầy người anh hùng. Ngọc Lan yêu John nhiều hơn khi John đã nhảy xuống hồ cứu đứa con nuôi của Newday. Newday, 25 tuổi, người Mỹ da đen, con mồ côi mẹ lúc nhỏ, không đến trường, theo cha đi thổi saxophone, chơi đùa với các bạn da đen vô gia cư khác sau trở thành võ sĩ đánh box và thổi kèn saxophone.
Năm 16 tuổi, Newday khai gian để tình nguyện vào lính, đi Việt Nam để “chiến đấu cho tự do dân chủ” như được dạy trong trường huấn luyện quân sự. Ở Việt Nam, Newday như các dân Mỹ da đen khác không cảm thấy bị kỳ thị như ở Hoa Kỳ, trái lại đôi khi Newday tự thấy xấu hổ vì đôi khi có mặc cảm tự tôn của một người ở xứ văn minh đến giúp dân chậm tiến.
Newday như những người da đen trong truyện của nhà văn da đen Chester Himes: “Người da đen chỉ thấy tự do khi ra khỏi nước vì ở Mỹ đời sống như nhà tù bốc cháy với quyền lực và màu da, tự do chỉ có khi chết hay khi bị giết.” Xã hội Mỹ kỳ thị trong thời kỳ 1968 với phòng trào tranh đấu chống kỳ thị chủng tộc. “Newday nhìn thấy quá khích ở mọi nơi gây ra bởi những con người đầu óc hẹp hòi không hẳn vì màu da.”
Ở Phi Châu trước khi đến Việt Nam, Newday đã cứu một em bé Phi Châu. Đến Việt Nam, khi Việt Cộng vào làng đốt nhà, mẹ bé Nam chết, Newday bồng bé Nam một tuổi chạy ra khỏi nhà, “anh bị bắn vào ngực trái.” Vết thương chưa lành hẳn Newday đã làm đơn xin chính quyền VNCH nhận bé Nam làm con nuôi, nhờ vậy Newday nổi tiếng được vào làm trong tòa đại sứ. Giấc mộng của Newday là đem bé Nam về Mỹ cho đi học để trở thành bác sĩ hay khoa học gia nhưng giấc mộng không thành khi cha của bé Nam, Việt Cộng, từ quê đến đòi con.
Năm 1973, Đại Sứ Tilmar đã có một thái độ bi quan, nhìn VNCH dưới lăng kính sai lầm. Một ông đại sứ tự hào với dòng dõi gia đình quý phái đến Việt Nam sau khi lật đổ một chính quyền ở Nam Mỹ. Ông đến Việt Nam với chương trình nghị sự trong túi, người được báo chí Hoa Kỳ xem là “người có thể thay đổi tình thế Việt Nam” có thiên kiến xem Tổng Thống “Văn” là một nhà độc tài, tướng lãnh VNCH tham nhũng, lính không tin vào sĩ quan lãnh đạo, Cộng Sản đã kiểm soát 80% miền Nam nhưng ngược lại “dân miền Nam xứng đáng để người Mỹ đổ tiền và máu vào Việt Nam.” Tư tưởng của Tilmar đại diện cho chính sách của Nixon chuẩn bị rút quân khỏi miền Nam.
Nhà báo Thanh Thương Hoàng đã gợi lại không khí khách sạn Continental nơi họp của các ký giả và gián điệp trong thời chiến tranh Việt Nam với buổi đàm thoại giữa John và một trí thức người Pháp 60 tuổi bên cạnh những chai bia 33 và gói thuốc Bastos. John tự hào người Mỹ chưa bao giờ thua trận. Nhà trí thức Pháp cảnh cáo quân đội VNCH không được tân trang giống quân Bắc Việt. “Người Mỹ đã đem gươm đến Việt Nam nhưng lại không trao gươm cho người lãnh đạo VNCN cho nên tình trạng chiến tranh Việt Nam càng ngày càng tệ.”
Truyện kể về ký giả Lê Thanh, ngoài 30 đã tốt nghiệp Thủ Đức (phảng phất hình ảnh Thanh Thương Hoàng) khi hiệp định Paris được ký vào ngày 27 Tháng Giêng, 1973, đã xem “hiệp định Paris là án tử hình cho VNCH.” Một hiệp định bán đứng miền Nam của ông Henry Kissinger cho phép Hà Nội để lại 300,000 quân ở miền Nam và sau đó cắt viện trợ quân sự cho VNCH trái với lời hứa.
John ngạc nhiên khi Lê Thanh đổ tội cho Hoa Kỳ: “Chúng tôi đã đem tiền, vũ khí, máu đến giúp, bù lại chúng tôi nhận những lời phàn nàn.” Đối thoại giữa ký giả Lê Thanh và John là đối thoại của những người điếc. Lê Thanh: “Lính Việt Nam thiếu tất cả, phải đánh giặc và nuôi gia đình trong khi lính Mỹ đều có đầy đủ với đời sống cao.” John: “Lính miền Bắc bỏ tất cả để vào Nam, sinh Bắc tử Nam, hy sinh trong khi thanh niên miền Nam trốn lính.” Lê Thanh: “Dân miền Bắc không có sự lựa chọn hay chỉ có chọn lựa giữa chết và đói, nếu không vào Nam không đi lính chính quyền bắt bỏ tù.” Một Lê Thanh đã có cái nhìn xa: “Chúng tôi không thua cuộc chiến này trên chiến trường, chúng tôi sẽ thua vì Hoa Thịnh Đốn.”
Đoạn kết của “Người Mỹ Cô Đơn” không có hậu, John muốn lấy Ngọc Lan nhưng gia đình không chấp thuận, người mẹ cổ điển chỉ trả lời một tiếng “không,” người cha tự hào thuộc thành phần tiến bộ sẽ không đi dự đám cưới vì tình hình Việt Nam không an ninh, cô em của John theo phong trào phản chiến ghét đi Sài Gòn (khác với hình ảnh của một bà mẹ có con chết trận ở Việt Nam trong phim “Chiến Tranh Việt Nam” của Ken Burns. Bà đã nhổ nước bọt vào mặt bọn phản chiến Berkerley đến nhà rủ bà đi biểu tình. Bà còn hăm “Nếu trở lại tao sẽ bắn tụi mày bể đầu”).
John đến nhà Ngọc Lan ăn giỗ, ra về mở cửa xe bị hai tên Việt Cộng khủng bố lái xe honda chạy ngang qua bắn gục. Ngọc Lan ngất xỉu. Quan tài John được đem về Mỹ. Vài ngày sau Trung Úy Nguyễn Trọng Lê chết trận. Gia đình thầy giáo Nghĩa chịu hết tất cả bi kịch của chiến tranh.
Newday lên máy bay, để lại đứa con nuôi 3 tuổi, mang tấm plaque hình nước Việt Nam chữ S và lá cờ vàng ba sọc đỏ theo anh về Mỹ.
Người Mỹ bỏ miền Nam Việt Nam để ngày 30 Tháng Tư, 1975, xảy ra, nghĩ cho cùng chỉ là chính sách “Mỹ trên hết” có từ thời Tổng Thống Andrew Jackson.
Sau 30 Tháng Tư, 1975, những thảm kịch đã xảy ra trên miền Nam nước Việt thê thảm hơn cảnh gia đình thầy giáo Nghĩa, John và Newday. Hàng triệu người Việt đã bỏ quê hương ra đi, hàng trăm ngàn người vào tù “cải tạo” tập trung. Riêng nhà báo Thanh Thương Hoàng đi tù “cải tạo” 10 năm, đến Mỹ năm 1999.
Người Việt tị nạn không quên ngày 30 Tháng Tư, 1975, với chính sách hận thù của đảng CSVN trong thời chiến tranh qua đến “hòa bình.” Ngược lại trong chiến tranh, miền Nam khác miền Bắc, người miền Nam chiến đấu không phải vì hận thù mà chiến đấu để gìn giữ “tình yêu,” tình yêu quê hương, tình yêu tổ quốc, tình người, và tình yêu tự do dân chủ. ./.
(Việt Nguyên)
source: nguoiviet-com>
========================
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ