một nhạc sĩ tiền bối hiện ở Hoa Kỳ, nhạc sĩ TUẤN KHANH [ i.e. Trần Trung Ngọc 1933- ] -- bài viết: Nguyễn Thụy Kha ( Hà Nội ) -- nguồn: nld.cm.vn>
Gặp Tuấn Khanh "Chiếc lá cuối cùng" ở Mỹ
NGUYỂN THỤY KHA
Nhạc sĩ Tuấn Khanh năm nay đã vào tuổi 85. Sinh kế chính của gia đình ông là quán phở mang tên một ca khúc cũng nổi tiếng của ông "Hoa xoan bên thềm cũ"
Trong không khí văn nghệ cởi mở của ngày hôm nay, việc tìm hiểu những đóng góp thuần túy âm nhạc của các nhạc sĩ Sài Gòn trước năm 1975 là cần làm. Mùa hè năm ngoái, khi được tin Hà Nội sẽ tổ chức đêm nhạc Vũ Thành An, tôi thầm hỏi vậy sau đó là ai? Tôi liền nghĩ đến Tuấn Khanh. Nhưng làm sao tìm hiểu được về người nhạc sĩ này nhỉ? Song đúng là duyên trời. Chuyện tưởng như "không thể" đã biến thành "có thể". Nhân chuyến sang Mỹ dự lễ kỷ niệm và Festival Thơ - Nhạc qua 30 năm thành lập Trung tâm William Joiner (thuộc Đại học Massachusetts) tại Boston (Mỹ), sau một tuần tham dự, tôi bay về Los Angeles và được người bạn vong niên là anh Bùi Xuân Hiến đón về Quận Cam. Trong câu chuyện về những văn nghệ sĩ Sài Gòn đang cư trú ở đây, anh Hiến nhắc đến Tuấn Khanh. Tôi thấy trúng ý mình quá nên yêu cầu anh Hiến bố trí gặp người nhạc sĩ của "Chiếc lá cuối cùng".
Xuất thân là ca sĩ
Một sáng đẹp trời ở Quận Cam, anh Bùi Xuân Hiến đưa tôi đến nhà nhạc sĩ Tuấn Khanh, sau khi ăn sáng ở quán phở "Hoa xoan bên thềm cũ" của gia đình nhạc sĩ. Nhà Tuấn Khanh ở một nơi xa Phúc - Lộc - Thọ của Little Sài Gòn. Ở cửa nhà ông bên cạnh là cây xương rồng đất Mỹ khổng lồ. Cửa mở ra là nụ cười hiền của ông đón chúng tôi. Nhìn ông ở tuổi 85 mầm mập, thâm thấp, không ai nghĩ chàng nhạc sĩ Tuấn Khanh đã từng có một thanh xuân đẹp trai như mộng. Khi ông đưa tôi xem bức ảnh thời trai tráng, thật không ngờ ông điển trai đến thế!
Tác giả (trái) và nhạc sĩ Tuấn Khanh tại nhà riêng của ông ở Mỹ. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Tuấn Khanh tên khai sinh là Trần Trọng Ngọc. Ông sinh ngày 10-12-1933 tại Nam Định. Vào năm 1950, gia đình ông về Hà Nội. Lúc ấy, Tuấn Khanh đã 17 tuổi. Mê âm nhạc từ nhỏ, Tuấn Khanh được người anh cả là Trần Trọng Tuấn dạy chơi violin. Sau đó, học thầy Nguyễn Văn Diệp (vốn là học sinh trường "Pháp quốc Viễn đông âm nhạc viện" từ năm 1927). Từ thầy Diệp, Tuấn Khanh lại được học thầy người Pháp tên là De Haut. Khi thầy về Pháp thì Tuấn Khanh lại được giới thiệu học thầy Rits. Tuy học violin nhưng Tuấn Khanh lại có cả giọng hát bẩm sinh khá hay. Nhân kỳ thi giọng hát hay do Đài Pháp - Á tổ chức năm 1953, Tuấn Khanh (khi ấy vẫn tên là Trần Trọng Ngọc hay Trần Ngọc) đã đăng ký thi và đoạt giải nhì sau nữ ca sĩ Thanh Hằng (sau này là ca sĩ Lệ Hằng), "Tà áo xanh" của Đoàn Chuẩn và cũng là người tạo cảm hứng để Đoàn Chuẩn viết "Chiếc lá cuối cùng" của ông.
Câu chuyện đoạt á quân mà không phải là quán quân cuộc thi này được nhạc sĩ Tuấn Khanh kể lại như một chuyện vui mà ông mang theo suốt cuộc đời: "Tôi đâu ngờ vẻ đẹp của Thanh Hằng chỉ có mình mê. Hóa ra ông bạn Tu My - tác giả bài "Tan tác" nổi tiếng cũng mê. Tu My muốn chiều mỹ nhân nên hại tôi. Anh ta lên phòng âm thanh, lén kéo chân chiếc đèn điện từ ở tầng công suất vừa phải lên một chút khi tôi hát. Việc đó gây ra tiếng rè bất chợt. Vậy là tôi bị chấm điểm kém vì giám khảo nghe không rõ. Chánh chủ khảo cuộc thi là nhạc sĩ Thẩm Oánh, khi tôi vào Sài Gòn hát ở Đài Phát thanh Sài Gòn, ông ấy đã gặp tôi xin lỗi".
Điều ít biết về tác giả "Chiếc lá cuối cùng" là trong gia đình ông, ngoài ông làm nghề âm nhạc, còn có cô em út Diệu Thúy. Diệu Thúy đã là giọng đơn ca nổi tiếng từ thời niên thiếu khi cô hát ca khúc thiếu nhi "Lúa thu" của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát. Khi trưởng thành, học thanh nhạc rất giỏi và trở thành giảng viên thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam).
Viết nhạc là duyên nghiệp
Sau Hiệp định Genève, có nhiều người Hà Nội di cư vào Sài Gòn. Mỗi người đều có một lý do riêng. Với Tuấn Khanh, lý do rất đơn giản: mê học violin thầy Rits nên theo thầy vào Sài Gòn. Ở Sài Gòn, vừa học violin, Tuấn Khanh vừa đi hát để có tiền sinh sống và học tập. Với cái mác ca sĩ á quân cuộc thi Đài Pháp - Á, Tuấn Khanh kiếm đủ tiền để vừa sinh sống vừa học violin. Ở Sài Gòn dạo đó, ngoài các nhạc sĩ đã thành danh từ trước, nhiều nhạc sĩ trẻ xuất hiện. Nhờ thân quen với nhạc sĩ Y Vân, đồng niên (cùng sinh năm 1933), Tuấn Khanh được Y Vân vận động viết ca khúc. "Nói thật với chú, khi một mình bơ vơ ở đất Sài thành, tôi nhớ nhà lắm. Y Vân khuyến khích tôi nên viết ca khúc. Vậy là tôi đem nỗi nhớ ra để trang trải cảm xúc vào giai điệu. Cũng may, khi ấy tôi tham gia một ban nhạc ủng hộ các nhạc công nào có tác phẩm mới. Bài nào viết ra cũng được biểu diễn vài lần nên nhiều người nghe được. Họ thích là mình thành công rồi" - nhạc sĩ Tuấn Khanh nhớ lại.
Từ đó, Sài Gòn bắt đầu xuất hiện nhạc sĩ Tuấn Khanh. Để viết nhạc, phải có bút danh. Sở dĩ Trần Trọng Ngọc lấy tên là Tuấn Khanh, theo ông, vì nỗi nhớ người anh cả Trần Trọng Tuấn và cậu con trai của anh Tuấn là Trần Trọng Khanh. Tuấn Khanh ghép lại tên anh Tuấn và cháu Khanh. Tuấn Khanh đã trở thành một trong những nhạc sĩ thuộc trang lứa các nhạc sĩ đầu tiên xuất hiện ở Sài Gòn sau Hiệp định Genève. Tuấn Khanh cứ viết đều đều như thế cho đến khi viết ra "Chiếc lá cuối cùng".
Muốn được đêm nhạc ở quê nhà
Tuấn Khanh năm nay đã vào tuổi 85. Sinh kế chính của gia đình ông là quán phở mang tên một ca khúc cũng nổi tiếng của ông "Hoa xoan bên thềm cũ". Mấy năm nay, ông viết nhiều ca khúc về thiền, về Phật giáo.
Tôi hỏi bây giờ nhiều nhạc sĩ hải ngoại đã được giới thiệu trong nước, anh có muốn như thế không? Tuấn Khanh nói: "Muốn lắm chứ! Song cũng phải xem sức khỏe của tôi ra sao, không biết có về nổi không?".
Trong dự định của mình, Công ty Vàng son một thuở tại Hà Nội hồi năm 2018 muốn giới thiệu thêm một số tác giả của dòng "nhạc xưa", trong đó có Tuấn Khanh. Chắc chắn trong chương trình này, "Chiếc lá cuối cùng" sẽ là cái đinh vững chãi treo tên Tuấn Khanh vào lịch sử tân nhạc Việt Nam.
Cô gái tuổi 13 và "Chiếc lá cuối cùng"
Đoàn Chuẩn viết "Lá đổ muôn chiều" rồi "Chiếc lá cuối cùng" dành tặng cho "Người tình áo xanh" ngày nàng cưới chồng. Tuấn Khanh thì viết "Chiếc lá cuối cùng" dành tặng cho người tình mà mình chợt nhớ nhung trong chính ngày cưới của mình.
Ngọn nguồn của ca khúc được ông kể thật đặc biệt. Chuyện tình của Tuấn Khanh với cô gái 13 tuổi là chuyện tình bảng lảng như chuyện tình tưởng tượng giữa Hàn Mặc Tử với Thương Thương để rồi sinh ra những câu thơ bất hủ. Còn ở Tuấn Khanh với cô bé này là sinh ra ca khúc "Chiếc lá cuối cùng".
Cô gái 13 tuổi ngây thơ, trinh trắng là học trò thanh nhạc của Tuấn Khanh trong thời gian dài đã ám ảnh thầy. Ngày cưới của mình mà thầy không vui, chỉ thấy bâng khuâng, thẫn thờ, ngơ ngác như kẻ mộng du. Ở bên vợ mới cưới mà lòng cứ ngoái về hình bóng bé nhỏ thân thương. Chính lúc ấy, chàng nhận ra mình đã yêu cô gái ấy tận đáy lòng bằng tình yêu Platonique - tình yêu tâm hồn không xác thịt.
Với Tuấn Khanh, đấy là một đêm cô đơn nhưng sao thấy trôi đi rất nhanh. Trạng thái đó khiến kẻ mộng du là nhạc sĩ phải đặt câu hỏi nghi vấn ngay câu hát mở đầu: "Đêm qua chưa? Mà trời sao vội sáng - Một đàn chim cánh nhỏ chở mùa sang". Hình ảnh thật xi-nê! Tâm trạng của kẻ si tình như tâm trạng thiên nhiên lúc vào thu, lá bắt đầu rơi rụng: "Chiều vào thu tiễn em sầu lạnh giá - Lá trên cành từng chiếc cuốn bay xa".
"Chiếc lá cuối cùng" chuyển sang đoạn phát triển độc đáo và bất ngờ bởi bước lùi của giai điệu như sự nén chặt - rồi tập trung trong sôi réo của đau đớn: "Mộng về một đêm trăng thanh - Em thì thầm ngày đó thương anh". Sự sôi réo trào tuôn như dòng nước mắt không sao kìm nén, cứ cuốn phăng phăng như một cơn lũ lớn: "Thuyền về một đêm trăng thanh - Say mộng vàng đậu bến sông xanh - Mộng tàn tạ đêm trăng sao - Sao ngậm ngùi từng chiếc lấp lánh…".
Cơn lũ này chạy ngược thời gian về dĩ vãng với một thứ ánh sáng mờ ảo của đêm trăng sao chiếu qua màn sương giá của bi kịch. Âm nhạc lại quay về giai điệu đầu của hình thức ba đoạn đơn rất đặc trưng cho âm nhạc Sài Gòn trước 1975. Lại một câu hỏi được đặt ra: "Xa nhau chưa? Mà lòng nghe quạnh vắng - Đường thênh thang gió lộng một mình ta - Rượu cạn ly uống say lòng còn giá - Lá trên cành một chiếc cuốn bay xa".
Đến bây giờ, giọng hát thể hiện "Chiếc lá cuối cùng" mà Tuấn Khanh còn lưu giữ được là Sĩ Phú. Gần đây, trong một chương trình giới thiệu Tuấn Khanh và Từ Công Phụng của "Thúy Nga Paris", ca sĩ Trần Thu Hà đã hát rất điệu nghệ "Chiếc lá cuối cùng". "Chiếc lá cuối cùng" có trong giáo trình thanh nhạc chính quy của học sinh, sinh viên trường nhạc nhiều năm nay. ./.
NGUYỄN THỤY KHA
source : báo Người lao động (t.p. HCM)
***
----------------------------------------------
chúc mừng
nhạc sĩ TUẤN KHANH
[ i.e. Trần Trung Ngọc 1933 - ]
sống & sáng tác ở Hoa Kỳ
vào tuổi 87
blog Virgil Gheorghiu
Saigon, July 27, 2020
-----------------------------------------------
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ