Phỏng vấn nhà văn Cung Tích Biền [ i.e. Trần ngọc Thao 1938 - ] Phạm Viêm Phương --- trích : Bạn Văn Nghệ / Trần Yên Hòa
Phỏng Vấn Nhà Văn
Cung Tích Biền
(Kỳ 1)
Kỳ I. Một cách Ra-Đi. Một Đời viết.
“Cái đuôi con thằn lằn đứt lìa này
biết bao giờ ráp lại
cái thân mình thương tật Việt Nam”
[Lời Nhà văn Cung Tích Biền trả lời phỏng vấn]
Phạm Viêm Phương: Thưa Nhà văn, ông đã qua xứ người được hơn ba năm rồi, và chắc mọi sinh hoạt đã đi vào nề nếp ổn định?
Cung Tích Biền: Thưa anh, nói về sự ổn định của một người cầm bút thì hơi khó, dù “ổn định” hiểu theo cái nghĩa thông thường nhất.
Tôi xin nói thật một điều. Tôi nguyện ở lại với quê nhà, và đã ở được hơn bốn mươi một [41] năm, kể từ tháng Tư năm 1975. Nay phải sang Mỹ định cư, vì vợ, các con và các cháu của tôi đã có quốc tịch từ lâu bên ấy; và, vì tuổi tác gia đình không đành để tôi sống một mình thiếu người chăm sóc tại Sàigòn; những điều kiện ấy buộc tôi phải đành lòng.
Tôi vốn thức ngủ, từ hơn ba mươi năm nay, với nhiều căn bệnh nan nguy lẫn những bệnh mãn tính cần thường trực phải có thuốc chữa trị hằng ngày tới suốt đời. Tôi là một bệnh-nhân-chuyên-nghiệp của nhiều khoa, mà tiêu biểu là hai khoa ung thư và tiểu đường, tại bệnh viện FV [Pháp Việt] Sàigòn, rất hao tiền tốn của. Tại Xứ người, tôi được cung cấp đầy đủ không sót một món thuốc trị bệnh và vật dụng y khoa nào. Có thể nói là được cấp thừa những thứ mình cần có. Bốn tháng bắt buộc xét nghiệm máu toàn bộ, và tái khám một lần. Tất cả chi phí khám bệnh, chăm sóc y tế, tiền thuốc men là do nhà nước cho không, tôi không phải chi trả một đồng cắc nào. Lại được sống trong một đất nước tương đối là có đủ các quyền tự do hành xử, một xã hội văn minh, mọi người luôn dành lòng thân ái cho nhau.
Tôi xin mở một dấu ngoặc. Tôi không có ý ca ngợi nước Mỹ, điều ấy là không cần thiết. Văn minh hay lạc hậu, giàu nghèo, xấu tốt, nơi đáng sống hay nơi đang bị cướp mất quyền sống của con người, đó là những hiện thực, cái đang-là, trên mỗi đất nước. Định mệnh đã sẵn vậy rồi. Khi trả lời,nếu những điều tôi nói có liên quan tới người Mỹ, nước Mỹ, đó chỉ là những cứ liệu cần thiết phải nêu ra, để minh chứng, khi trả lời câu hỏi, mà thôi.
Vậy, hiện nay, là ổn định, là sung túc. Ngồi trước bàn viết đủ mọi phương tiện; tự do rất mực, muốn đọc gì trên mạng Internet thì đọc, không phải vượt tường lửa; không hề có một quyển sách nào bị chính quyền cấm đoán tịch thu, phải chuyền tay xem chui; muốn viết gì thì viết, in ấn tha hồ; viết cái gì in ra cái đó, không hề có ai kiểm duyệt; chẳng bị ai tóm cổ cho vào nhà giam; hoặc cảnh cáo bằng cách cho xe cán gãy xương sườn, hoặc lọt tỏm trong lòng chiếc xe tải may mà sống sót.
Nhưng giờ đây, trong tôi, lây lất tâm thức, lại có một bất ổn khác. Đó là cái cách Ra-đi.
Với tôi, hãy còn đâu đây, trong thân phận, một cái đuôi con thằn lằn run rẩy khi phải bị đứt lìa thân mình.
Anh ra đi từ đâu? Đâu phải đến Mỹ, từ Tokyo, Luân Đôn, một Paris hoa lệ. Đâu phải chỉ thay đổi cư trú từ một nơi bình an này đến một chốn an lạc khác. Ra-Đi! Rời bỏ quê hương tôi đã có, mới ngày hôm qua, hôm nay, và những ngày mai còn xa lắc lơ, vẫn một Việt Nam trong hoàn cảnh xót xa như anh hiểu. Tất cả tình cảm, những tài sản tâm linh, đâu phải cái va-ly hành lý muốn mang theo, là gởi máy bay đi theo. Ổn định làm sao trong bước đi, mắt nhìn!
Đến một xứ sở không riêng con người, tới con vật cũng có luật lệ bảo vệ, công bình. Một nền văn hóa đã rất đỗi quen thuộc, rằng con người có thật lòng yêu thương nhau, vì mối tương sinh, trường tồn chung cùng trên một mặt đất. Sống trong một cõi người cõi vật như thế, tôi thấy mình mang một nỗi đau ám ảnh; khắc khoải hơn khi ở ngay trên quê nhà.
Nay tôi đã ngoài tám mươi tuổi. Cái kiếp bình sinh đã hóa màu, chẳng còn bừng sáng rực rỡ của nắng mai. Mỗi chiều xuống, mỗi khuya lơ, vào các blog, các facebook của bà con anh em ở quê nhà, là đầy rẫy những lời than oán, căm hờn, những tâm sự sâu thẳm, những cõi lòng khao khát tự do, những tiếc nuối bao la danh dự con người bị bất ngờ tước đoạt.
Mà, lời-trên-mạng ấy là của ai? Chỉ những ai còn tấm lòng yêu quê hương, những tâm thức lung linh, trong ngần mong mỏi một xã hội có tự do công bằng, quyền con người được tôn trọng, bản đồ của đất nước nghìn năm mỗi ngày không bị mòn nhỏ lại, như một thân thể bị teo cơ.
Quả thật, bên kia biển, nơi bãi bờ cố quận, một trời nguy hãi, triệu con người đang trong vực thẳm. Nghĩ quẩn nghĩ lung, phải chăng mình là một kẻ ích kỷ, kẻ phụ tình, không còn cái tình chung trong chịu đựng một số phận cùng bà con anh em, với quê nhà.
Tôi thật sự thấy mình luôn không chút nào bình an.
Cái đuôi con thằn lằn đứt lìa này biết bao giờ ráp lại cái thân mình thương tật Việt Nam.
Phạm Viêm Phương: Tôi trân trọng những điều ông vừa tâm sự. Chúng tôi hiểu ông ở lại quê nhà, sau 1975 đến nay, cũng đã hơn bốn mươi mốt năm, cũng đẫm mình đầy đủ trong cuộc trầm luân như chúng tôi. Nhưng dẫu sao, và đầu tiên, ông cũng có thể kể về một ngày thường lệ, một ngày thường gặp nhất trong cuộc sống của ông không, để bạn đọc dễ hình dung ra kiểu sống và làm việc của một người cầm bút hơn sáu mươi năm?
Cung Tích Biền: Nói cho rốt ruột, một ngày đời của tôi, hô hoán cho vênh vang, Đời một nhà văn, ngày nào cũng chỉ là một ngày cằm cụi làm ra “Cái-vô-dụng”.
Nhân loại hôm nay có bao nhiêu nhu cầu thiết cấp đều đã được đáp ứng đầy đủ. Cần gì thì cần, chẳng ai cần văn chương. Đã qua thời văn chương là vũ khí, là vận động cách mạng, chấn hưng dân trí, tấm gương soi đạo lý làm người. Với “giặc corona”, người ta trữ gạo, thuốc men khẩu trang mỳ gói, chẳng ai mua về nhà vài quyển tiểu thuyết, tập truyện ngắn.
Vậy mà “Vô dụng đã hơn sáu mươi năm?” Hẳn, tôi là một người vô-dụng-chuyên-nghiệp.
Một đời thành bại nhục vinh, đói no lây lất cũng chỉ với ngòi bút và chữ nghĩa của mình. Xem Cái-Viết như một định mệnh, một hành nghiệp trọn đời.
Nơi “nhất thốn tâm tư”, chỗ tấc lòng, nghiệp oan nghiệp chướng! chỉ tự nơi người thừa nghiệp riêng biết, riêng chịu.
Tôi không ảo tưởng, chỗ tháp ngà, cho rằng việc cầm bút là một thiêng liêng cao cả, nhà văn là một kẻ cao quý hơn người. Chỉ là trời đày vào chỗ “Oan, chướng”, mà thôi. Cái nghề tồi, ta có thể đổi nghề xịn. Nghiệp chướng, thì luôn khó thoát.
Có người cho rằng viết lách chỉ là một trò chơi, tác phẩm là một đồ chơi. Chao ơi, được vầy vui sướng quá.
Những bậc tài danh cổ kim, từng lưu đời những danh tác, tất thảy đều có một lời nấu-cao-nỗi-lòng:
Với Viên Mai, “Lập thân tối hạ thị văn chương – tệ mạt nhất là dùng văn chương để lập thân”.
Nguyễn Du, “Văn tự hà tằng vi ngã dụng – chữ nghĩa ta dùng giúp được gì cho ta”
Nguyễn Khuyến cũng từa tựa Nguyễn Du thuở kia, “Sách vở ích gì cho buổi ấy!”
Nguyễn Vỹ thì chén cơm manh áo hơn, “Nhà văn An Nam khổ như chó”.
Biết vậy, được răn đe vậy, nhưng tôi đã trót chọn Con đường chữ nghĩa từ thuở đầu đời, lúc hồn lâng lâng, trái tim hai mươi bừng nở tình yêu, hy vọng. Hôm nay, già mái đầu mới thấy ra, Tản Đà phán đúng bon, “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”. Tuy vậy cũng đành sùng bái cái nghiệp đã trót mang. Khó mà giữa đàng “dứt gánh tương tư”.
Trả lại cho ai đây? Trả lại ông Phật, Đức Chúa, Mẹ cha!
Chết đi, được ông Trời cho vào trại học tập cải tạo, đề mần người kiếp sau; kiếp sau, tôi vẫn nguyện làm cái việc “tối hạ”. Tôi, kẻ vớt bèo.
Đôi khi nghĩ xà quần, y rằng đánh lận con đen, là vầy:
Làm ra cái “hữu dụng”, sẽ luôn bâng khuâng, “Có một ngày nó chẳng còn hữu dụng”.
Làm ra cái “vô dụng” ta luôn nuôi hy vọng, “Sẽ một ngày nó hữu dụng”.
Có gì thảm trạng hơn, bám vào cái vô dụng mà sống, suốt cả một đời người.
Phạm Viêm Phương: Đành vậy, mong ông trở lại với câu hỏi, chỗ sinh hoạt bình thường, nơi ông gọi là một kiếp-phận-đã-rồi.
Cung Tích Biền: Một ngày thường lệ, một ngày thường gặp nhất trong cuộc sống của một nhà văn? Đó luôn là một ngày bất thường so với cuộc sống bình thường của mọi người.
Hắn, cái từ thân yêu nhất để gọi, cũng như mọi người, một ngày như mọi ngày, cần ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí, làm việc. Được liệt vào loại “lao động trí óc”, hắn lại khác với những nghề “lao động trí óc” khác.
Luôn riêng biệt trong mọi sinh hoạt cộng đồng, và luôn cô đơn dù ngay trong gia đình, họ hàng. Có thể, được nhiều người quý trọng, nhưng người được quý trọng ấy luôn lánh mặt, ẩn mình để được riêng cõi tịch mịch.
Cho dù có dịp uống cùng bữa rượu, cốc cà phê, trò chuyện chỗ đông anh em, hắn vẫn luôn là kẻ một-mình. Một hắn chỗ chung chạ, và một hắn nữa là cái phần phân thân, tách thoát. Ăn ngủ trong đời thực, viết lách với cõi riêng tây, mộng ảo.
Cầm bút, với hắn, không là nghề tay trái. Không công sở, không lệ thuộc vào bất cứ giờ giấc nào do tập thể quy định. Nếu có sự quy định, sự lệ thuộc, ra kỷ luật, hoặc “vô kỷ luật”, giả dụ khi khỏe mạnh đi rong chơi, không muốn làm việc, lại lúc mệt mỏi, nhưng được gợi hứng, có thể làm việc cực lực thâu đêm; ấy là do tự thân quyết định.
Suy tư kịch liệt hay mộng mơ thơ thẩn, nhà văn cũng phải ra công lao động, miệt mài tối sớm mới có tác phẩm. Nhưng sự gia công ấy qua một thể thái thoát thường.
Một ngày, mọi người có tám giờ đồng hồ để làm việc, hắn có thể không làm gì cả, vì không chút hứng gợi. Đêm, khi mọi người yên ngủ, bên ánh đèn, hắn một mình, cặm cụi thâu đêm. Ấy là lúc, bị thao túng bởi cuộc viễn du trong mộng tưởng. Thế giới của hắn là từ một cõi đời có thật, một nhân gian cụ thể, được mang vào trí tưởng, và tu sửa nó, biến hóa nó theo mực độ trí tuệ và tài năng riêng mình có. Nhà văn, ăn ngủ, yêu đương, làm tình, đi về, hít thở trong hoa cỏ bụi bặm, vạn sự có thật ấy, và “tác phẩm của hắn đi ra”, phải/ là /có /của, một thế giới khác, có khi huyền ảo, trừu tượng, siêu thực.
Một cách khác, nhà văn “hành nghề”, có thể, với-một-cái-không-có-thật, lẫn một-cái-gì-chỉ-có-thật-qua-biểu-cảm-trừu-tượng. Thường hằng “vật liệu, chất liệu” để viết, là những hoằng viễn liên tưởng, mộng tưởng; luôn là nối kết hiện thực với tiềm thức; cả với cái đã mất tích là vô thức, nay bỗng hiện về, điều động nhà văn lúc sáng tác. Hắn có thể nương nhờ thần linh biến hóa qua ngòi bút, để cái tục lụy, cõi nhân gian này trở nên đa biểu hiện, rõ mặt hơn.
Vì câu hỏi anh nêu, có dính dấp tới “cái sống“, “kiểu sống” và của “sáu mươi năm cầm bút của tôi”, nên tôi phải nói rộng ra, cho cạn nguồn cơn.
Một ngày của tôi, luôn là viết và đọc. Ham đó đây, tâm tình với người trong trang sách, đánh cờ tướng với một hảo thủ ảo trên màn vi tính, rong chơi thơ thẩn với chim chóc hươu nai nhảy nhót trong trí tưởng. Lúc nhắm mắt, tôi thấy cõi đời thần tiên hơn khi mở mắt thấy rõ hạt bụi con ruồi bay.
Khi viết, nếu lúc không gõ ngón tay lên bàn phím, tôi thường ngửa đầu ra phía sau, nhắm tít hai con mắt, không gặp thần linh thì cũng có lũ quỷ quây vờn. Truyện của tôi, anh thấy, hào phóng là những cái chết, kiểu cách chết, buồn nản chết, hăng hái chết, ma quỷ thánh thần luôn thay đổi chỗ ngồi cho nhau.
Mỗi ngày sống, mỗi đêm ngủ, chừng là tôi có gian díu với cõi vô hình, bị trói cột vào những đời đã mất; lọt tỏm vào cái hồ cái hang tiền kiếp. Chừng có thần linh vây bủa, có bọn âm binh tác động; tôi nhờ chúng, như ca sĩ nhờ ban nhạc, thêm nhịp điệu, thanh âm hô hoán. Tôi luôn nhờ cái hoang mị, huyền ảo, những cảm hứng “ngoài cõi” nghi ngút trợ lực. Anh đọc truyện tôi viết, là, đầy rẫy Xác-xương-máu-mùi-bóng-quỷ, hẳn anh hiểu. `
Tuy nhiên may mắn có nhiều đêm êm đềm, tôi thường mơ thấy những cảnh trí thơ mộng, những thị trấn nắng mới, bến sông, vòm biển với ghe thuyền. Cái lạ, thường lúc về sáng, chen lẫn trong cơn ngủ lơ mơ, là văng vẳng tiếng người, kể như ru, một câu chuyện, rất rõ đầu đuôi. Trong các sáng tác của tôi, có rất nhiều ảnh hưởng từ những câu chuyện kể, của kẻ vắng mặt này.
Phạm Viêm Phương: Nhưng hiện nay ông đang sống tại Mỹ, một xứ sở bên kia trái đất, thực tế là vạn sự khác biệt, hẳn nó tác động một cách triệt để tới việc sáng tác [suy nghĩ và làm việc] của ông? Ông có thể nói rõ hơn.
Cung Tích Biền: Ở trong nước, tôi như con mèo bị trụng nước...“sôi”, sang tới đây tôi là con mèo được tắm nước lạnh, nước lại được lọc sạch kỹ lưỡng. Cả hai hoàn cảnh, đều làm cho ta phải kinh ngạc.
Ở một nơi toàn bóng tối, một nơi thường trực chói lòa ánh dương, cả hai đều là sự bất bình thường.
Trong hai cái bất bình thường đông tây, tôi chọn Việt Nam, nơi, mới đúng nghĩa bất bình thường.
Quê nhà, bao nhiêu năm, là một kịch trường, bi hài đâu ra đó, hí lộng tràn đầy, kích động mê man; ác lạ, bạt mạng, cuồng si, đều ở đỉnh. Là, quyến rũ, thôi thúc người cầm bút phải nên-viết-một-cái-gì. Muốn viết một-triệu-cái-gì, cuộc thế quê hương tôi sẵn sàng có hơn một triệu cái gì, để viết. Lòng người, luôn cơn lốc, bộ não núi lửa, trái tim chập điện. Ngôn ngữ không êm đềm, đã thường trực trở ra hằn học, u uất. Dân chúng rất thừa mứa những nỗi oan, quan lại thì heo hút lương tri.
Nói túm cái quần què, những chất liệu phi luân tồi tệ, bãi rác vũng lầy, ruồi nhặng thần linh trà trộn, quỷ ma thánh thần chào bái nhau chia nhau tro cốt những xác chết dân lành, là nguồn cung cấp vô bờ, là thác đổ vào sự phong phú trên những trang chữ cho những ai dụng chữ thành văn.
Nhà văn đứng sừng sững trên bãi oan khiên. Chỗ này, tựa là lúc nhà vua đã an tọa vững chãi trên ngai vàng.
Ví rằng, xã hội thời nàng Thúy Kiều nếu không đầy mùi xú ế, quan lại không là đám diều quạ kên kên, em gái xinh đẹp Vương Thúy Kiều, gốc người An Giang, miền Tây Nam bộ không bị gia oan, thì đâu đến nỗi phải “xung phong mần đĩ” “ký hợp đồng dài hạn mười lăm năm lưu lạc” chỉ để thay cha, cứu nhà! Nếu không ứa máu đỉnh núi oan, Nguyễn Du mần răng trở thành thiên tài sẽ nghìn năm trong văn học.
Nhà văn, con bò gặm cỏ, bỏ đồng cỏ xanh Việt Nam hôm nay mà ra đi, thì thật uổng của. Lão nhà văn Cung Tích Biền nhất thiết không nên rời bỏ “Nơi tràn đầy thức ăn cho ngòi bút”; đồng xanh bao la, con bò Biền ăn no bụng, ăn thừa mứa, lúc khuya lơ trăng bạc thì ói ra, nhai lại trên trang giấy; hà tất đành chốn nơi mà ra đi.
Một nhà đấu tranh cho tự do nhân quyền, Việt Nam Hôm nay, cũng vậy. Tới được bến bờ tự do, thì, “Hết việc để làm”. Là, chìm lỉm xuống cái đáy tịch mịch. Bọn trẻ Phây với Búc chúng gọi là hết xíu quách.
Trong đấu tranh, để cấp cứu lâm nguy cấp thời, tình trạng ngộp thở nơi “quê ta hôm nay”, không có loại “Cách mạng từ xa”- remote. Một sống một chết phải ngay chỗ máu lửa, không thể cách ly hiện trường.
Phạm Viêm Phương: Nhưng một nhà văn hãy còn biết bao đề tài khác, những tình yêu khác, giảm đi sự thù hận thì ta ca ngợi tự do! Ông nghĩ sao về hai thế sự này.
Cung Tích Biền: Tôi hiểu, không phải chỉ trong môi trường sống đầy khổ nhục, bất công, mất quyền làm người mới có văn chương. Nhưng là một nhà văn Việt Nam hôm nay, không có gì khác hơn, để làm mồi nhóm lửa. Bếp lửa, trong nồi nấu không có gì ngoài máu thịt Việt Nam anh em của nhau. Luộc chín bạn bè. Nấu rục thiếu niên lấy xíu quách tính số lượng anh hùng. Văn chương không tự có bằng cách thủ dâm với những hạnh phúc, những tình người không có thực. Nhà văn, không sẵn sàng mang xà phòng thau nước đến rửa những bàn máu cho bọn sát nhân. Hãy cứ Viết ra sự thật. Hãy cứ nói về sự thật đi. Đành lòng dùng dao kéo mổ tử thi.
Đúng là như anh hỏi,“Hãy còn biết bao đề tài khác, những tình yêu khác, giảm đi sự thù hận thì ta ca ngợi tự do!”
Trong hiện tình, với tôi, là chưa đủ bình tâm, sẵn một cõi lòng say đắm để ca ngợi những tình yêu không kém phần cao quý, tình yêu thiên nhiên, tình yêu nam nữ, vợ chồng.
Nói theo cách gồng mình hô khẩu hiệu là như vầy: “Bao nhiêu tình yêu đều nằm dưới tình yêu đất nước. Bao nhiêu nỗi âu lo riêng tư đều phải nằm dưới nỗi lo chung của cộng đồng, nòi giống”. Ác nỗi, khẩu hiệu thì chán, nhưng khẩu hiệu này ta luôn phải thuộc nằm lòng.
Để có món ăn lạ, khổ đau và hạnh phúc, tự do và bất hạnh, tôi xin đưa ra một đề tài để bàn luận chơi. “Đời sống mấy con chó”.
Một nơi, nuôi một con chó – gọi chung là pet, vật nuôi -- phải làm sao cho nó ngày ngày sung sướng. Nó được gắn vào người một con chíp, để tiện theo dõi, phòng khi nó đi lạc, nhờ cảnh sát tìm về. Anh phải nộp tiền phạt vì lỗi thiếu chăm sóc con pet để cho nó đi lạc.
Nó có cái “nhân vị”. Anh đánh đập hành hạ nó, bỏ nó đói, đau không đưa đi bác sĩ thú y chữa trị, nó chết thảm, nếu bị khám phá ra, tùy mỗi trường hợp anh sẽ bị phạt tiền, tù. Có cửa hàng thức ăn, bánh kẹo đóng hộp, khu bán thuốc chữa bệnh, khu bán hàng đồ chơi, có cả khách sạn, tất cả là dành riêng cho pet. Tất cả là phải được kiểm nghiệm, thẩm tra, phải hợp vệ sinh, không nhiễm độc, đúng tiêu chuẩn.
Mỗi vài tuần đưa con chó tới thẩm mỹ viện – đương nhiên là dành riêng cho chó - chăm sóc sắc đẹp, tỉa lông, lông mi mày, ráy tai, nhỏ thuốc vào mắt... chi phí một trăm đô la Mỹ. Tất cả những việc làm này dành cho con vật là với tình thương, sự âu yếm rất mực của người chủ vật nuôi.
Lại một nơi khác, thường xuyên trên con đường quốc lộ xuyện Việt, từ Sàigòn ra Hà Nội; anh thử ra ngóng gió, vừa ngáp, và nhìn vẻ đẹp quê ta; thời tiết nắng nóng nung người; anh sẽ thấy từng tốp xe tải, hầu hết là chạy về phương Bắc. Hàng chục cái mõm chó tội nghiệp thò ra khỏi cái ô lưới sắt. Xe chạy vun vút. Chúng thở dốc, cái lưỡi trắng nhợt thè ra, thòng gần xuống cổ. Chúng tìm chút gió thoảng. Chúng sắp chết khát, qua những đôi mắt lạc thần cầu xin vài giọt nước. Một chuyến xe hôi thối mùi súc vật lâu ngày không hề được tắm rửa. Chuyến đi này là “Đường về Tây phương cực lạc” của số phận.
Anh nên ca ngợi hạnh phúc của loài pet kia, hay dành đáy lòng chia sẻ với những con vật bất hạnh này.
Anh nghĩ dùm tôi, chừng non một trăm năm nữa, con chó thè lưỡi, có thể có được một “cuộc đời” như con chó từ thẩm mỹ viện kia không.
Phạm Viêm Phương: Tuy thế, với một nhà văn chuyên nghiệp, theo quy luật thích ứng, được tiếp cận vùng đất mới, mọi sự mới, hẳn ông sẽ còn cảm hứng để viết?
Cung Tích Biền: Tôi vẫn viết, nhưng không với một cái não u uất, và một trái-tim-thuốc-nổ như khi còn ở quê nhà. Mỗi sớm mai, mở cửa nhà bước ra, là nơi chốn cách biệt nửa vòng trái đất. Nam California, miền Tây Mỹ, nơi được thiên nhiên ưu đãi, mùa hè không quá nóng, mùa đông không tuyết đổ dày như ở miền Đông. Khí hậu trong lành, vòm trời luôn thanh thản, mây từng sợi nhỏ như tro bụi loãng tan trong nền cao rộng xanh lơ, quanh năm không bão lũ. Môi trường nhân gian để hòa mình, là phẳng lặng, dịu êm.
Ác nhơn, sự ưu đãi này lại là một cái hại cho văn chương, ít ra là với riêng tôi, lúc này. Lúc viết, chữ nghĩa có thoáng đãng, bay lộng, thể hiện sự thông tuệ. “Viết”, chừng là một thú tiêu dao. Phong vận ấy, cũng là một hữu ích cho sáng tác, đối với một nhà văn khi đã thoát ly đất nước tù đày của mình.
Được tiếp cận cái mới, xã hội mới, được tự do với ngòi bút; tĩnh lặng trong hồi tưởng; thoát ra khỏi cuộc trùng vây của bất hạnh; người sáng tạo ấy có thể, mất cái này nhưng được cái kia; sẽ tạo nên những tác phẩm lớn lao, vượt thoát, khác xa với những gì mình đã viết trước đó. Nói chung, có thể là tác phẩm để đời. Nhưng sự may mắn này, hãy còn là một điều đang chờ đợi đối với tôi. Chữ nghĩa không dễ thay như thay áo. Vì tôi đã sống, đã quen, hơn nửa thế kỷ trong tuổi đời, với những điều đáng rùng mình hơn là những nụ cười hạnh phúc.
Phạm Viêm Phương: Nhưng kinh nghiệm cho thấy, trong bất cứ hoàn cảnh nào bấy nay, ông cũng có tác phẩm mới. Mong ông cho biết những dự án hay chương trình nào về văn chương học thuật, trong tương lai?
Cung Tích Biền: Về những dự phóng tương lai? Tôi không có dự án, hoặc chương trình nào về văn nghệ như anh hỏi. Không phải từ bây giờ, mà trước đây cũng vậy. Hành trình viết của tôi, là con tằm ăn dâu. Tà tà. Từ tốn. Thế giới của nó là trong cái nong, cái nia nhỏ bé. Cuộc đời, cõi đời, chỉ là cái vòng tròn quanh quẩn. Nhưng mỗi giai đoạn trong tiến trình của nó, từ trứng ra con sâu, sâu ra tằm, từ màu xanh lá dâu biến ra sợi tơ vàng, mỗi/ một giai đoạn là mỗi lột xác, hóa thân một cách triệt để. Rất nhiều kiếp trong một “đời” nó.
Bây giờ con kén đã bị cho vào nồi nước sôi; nó bị lột hết, trả sạch cho cuộc-hóa-ra-sợi-tơ rồi; tôi đã thành con nhộng. Một loài không lông không cánh, không đầu chẳng đuôi, lòng ruột nó đã làm hết việc hiến dâng của đời nó rồi.
Tôi không tự mãn, hài lòng với những gì mình đã viết, cho là quá đủ rồi. Nhưng là một người đã trọng tuổi, nay, viết được gì nữa thì viết, không thì thôi. Không tìm kiếm gì nữa. Chẳng mong đợi gì thêm. Không còn gì buồn vui. Thành tựu hay thất bại, đều có thể. Có hay không, gọi “Có” rằng “Không”, hay gọi ngược lại, đều không sai trái gì.
Những người cùng thế hệ với tôi, tập tành lai rai, nhưng đầy đam mê, đi vào con đường văn chương nghệ thuật khoảng những năm 1950s, đã thành danh từ thời Cộng Hòa. Vì nhiều lý do, thời cuộc, số mệnh, anh em đã buông bút, không còn viết gì nữa, đã trên dưới hai mươi năm nay. Phần lớn khác, đã ra người trăm năm cũ. Nhìn lại, một nẻo dài hun hút. Chúng tôi như khoét sâu lịch sử mà rúc vô.
Đi cùng cuộc chiến hay bên lề cuộc chiến; vào quân trường với cây súng hay tìm mọi cách trốn quân dịch; sống thực tiễn hay mơ màng, buồn nôn phi lý; là một người hào sảng phung phí cả trí tuệ, lý tưởng, máu xương cho số phận chung, hay một kẻ ti tiện thu vén cho riêng mình; và, sau cuộc hoang tàn, những ai được tự do dù thân phận lưu vong, hay một “lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa”- [thơ Vũ Hoàng Chương], ở lại quê nhà với khốn nhục tù đày; tất cả, đối với lớp chúng tôi, giờ đây chừng là hình bóng xa xăm như từ kiếp trước. Chừng là bỏ lại dọc dài trên hành trình lịch sử là những chiếc mề đay lẫn những đôi nạng. Chừng là những mái đầu bạc, hôm nay, thầm chia sẻ cùng nhau một thời đại Việt Nam, một thời hiếm hoi, lạ lùng nhất trong lịch sử nhân loại.
Tôi cùng đi một thời với những số phận ấy. May mắn, một ít chúng tôi, còn sống rán. Chỉ thủ vai, “Một sinh-vật-trong-sổ-đỏ, chờ diệt chủng”, như các anh thường nói đùa mỗi lần nhậu mút chỉ với tôi. Trong nụ cười, chúng ta vẫn nghe xa xăm những tiếng khóc.
Tôi cũng hiểu một ít đạo lý Đông phương, tia sáng an thiền. Một người vào bực thềm tuổi 85 như tôi, thì chẳng nên hứa hẹn gì với tương lai. Không nên vung vít, va vịn vào những tham lam không phải đạo.
Đêm đặt lưng xuống giường, đêm nào của tôi hôm nay, cũng có thể là đêm cuối cùng. Tôi viết một truyện luôn nghĩ là truyện cuối cùng. Mỗi câu, mỗi chữ là mỗi cái bắt tay, rất thân ái, trên đường tiễn biệt. “Chào chữ nghĩa, Ta đi”
Nghĩ vậy, sớm mai lỡ mình còn thức dậy, còn nở nụ cười dưới ánh dương, nhận ra mình còn tràn đầy hạnh phúc trời cho. Đặt bước chân lên con đường hôm qua, luôn nghĩ đây là một con đường mới, con đường đứa bé vừa bước đi những bước đầu đời... Mỗi sớm mai, một ngỡ ngàng. Đứa bé, chưa có quá khứ, đang còn chờ tương lai! Nó chưa dám hứa hẹn gì với Những-Ngày-Sẽ-Lớn.
Tái sinh! Vậy cũng nên viết thêm một cái gì. Viết thêm được một cái gì, ấy là do cái phận tái sinh.
Tôi hằng nghĩ ra câu chuyện như vầy. Xưa, có ba người bạn già đi trong đường núi. Thấy một viên đá tảng nâu đen, quá đẹp quá lớn, một người bỗng chỉ tay vào tảng đá, mà nói: “Kiếp trước Ta là tảng đá này. Kiếp sau, Ta là tảng đá này”. Nhiều năm sau ba lão đã ra người thiên cổ. Nơi đường núi ba người từng đi qua, bên cạnh tảng đá có sẵn đã hiện thêm hai tảng nữa. Một cụm ba. Đã hóa đá, vẫn còn Tìm nhau.
Phạm Viêm Phương: Xem ra ông rất còn yêu đời, một điều đáng quý. Theo chỗ tôi biết, hầu hết các tác gia sau khi viết xong một tác phẩm thường là cho công bố và in thành sách sau đó không bao lâu. Điều này rất tiện lợi cho độc giả, khỏi phải lục tìm rời rạc đó đây trên các báo giấy hoặc trên các trang mạng.
Riêng ông, một đời dài làm việc, ông viết rất nhiều, và liên tục, từ trước 1975, sau 1975 ở trong nước, và bây giờ ra khỏi nước ông vẫn công bố nhiều tác phẩm mới viết gần đây. Nhưng đầu sách ông cho in ra là rất ít so với những gì ông đã viết. Vì lý do gì? Ông nghĩ gì về việc này?
Cung Tích Biền: Câu hỏi rất thú vị. Ngày nay có những phương cách lưu giữ tài liệu theo kỹ thuật tân tiến, có thể trăm năm còn. Trước 1975, chỉ có cách in ra thành một quyển sách mới lưu giữ được lâu bền những gì mình đã viết, lại tiện cho người đời về sau, muốn truy tìm tài/ tư liệu về một tác giả.
Nói về thời Cộng Hòa, tôi có nhiều sai quấy về việc in sách. Phụ bạc cái chữ mình viết ra. Do nhiều lý do:
- Thời chinh chiến, tôi là một người lính, sống chết biết lúc nào, viết rồi, báo hỏi bài, đưa đăng ngay. Không ít trong đó, chỉ là bản sơ thảo. Rất may, nó đã khá hoàn chỉnh.
- Mỗi sớm mai, chiều chiều, khuya khoắt, hễ ngồi vào bàn viết là tôi bị ý tưởng trào dâng, chỉ có viết và viết cái mới, không có khoảng trống cho việc đọc lại cái gì mình đã viết qua. Do vậy, bản thảo quá nhiều, bài chưa đăng cũng còn rất nhiều.
Hiện nay, số bài viết, loại sơ thảo, xem như tài liệu trong ngăn kéo của tôi, tôi in ra trên giấy A4 [không phải sách] để lưu lại cho vợ con. Về sau người ta muốn in thì in bằng không thì bỏ/vất đi.
- Thời trai trẻ đầy tự mãn, nghĩ rằng, nếu tác phẩm mình có giá trị, đời nay mình không in, thì mai sau, cũng có kẻ liên tài, vì chữ nghĩa, vì đòi hỏi của người đọc, người ta sẽ in tác phẩm của mình.
Hóa ra, sau 1975, sách báo bị đốt bỏ, bị cấm in ấn lưu hành. Tất cả là trụi hủi. Một thời viết, trở ra đồi hoang núi trọc.
Nếu trước kia tôi in cho xong phần đã viết – đương nhiên một mớ, nay nó có thể lỗi thời, xưa rồi Tám – nhưng hãy còn những sách trong thân phận sống sót. Bây giờ nếu muốn in lại những tác phẩm của tôi trước 1975, xem là tương đối còn chút giá trị lưu đời, thì không thể. Xem như tuyệt bản.
Tất cả thư viện tại Việt Nam, người ta vừa muốn lưu trữ vừa muốn “Cho chết mẹ mày đi”, nên việc sưu tầm rất khó. Tất cả các tạp chí có giá trị, như Bách Khoa, Văn Học, Sáng Tạo, Nghệ Thuật, Khởi Hành... đều không còn trọn bộ, có số này mất số kia.
Mà chẳng dễ gì tự thân nhà văn Miền Nam, trong trường hợp của tôi, làm được cái việc sao lục tác phẩm của mình.
Một lần, năm 2005, tôi đã làm đơn xin phép sao lục. Bao lần khó khăn, sao lục được một mớ, nhưng sau cùng thư viện xét lại, không cho tôi đem ra khỏi thư viện.
Lý do, văn chương phản động.
Phạm Viêm Phương: Theo chỗ tôi biết, có nhiều thư viện lớn của Mỹ hiện vẫn còn lưu trữ tất cả những gì được in ấn thời Việt Nam Công Hòa, rất tiện cho việc sưu tập. Ông có nghĩ rằng những gì ông cho là tuyệt bản vẫn có thể tìm thấy ở những nơi này?
Cung Tích Biền: Đúng là như vậy. Một số tác phẩm tôi nghĩ là nay nó chẳng còn vết tích, nhà văn Trần Hoài Thư đã tìm thấy tại các thư viện Mỹ. Phần lớn nằm trong thư viện Đại học Corneil. Truy tầm ra, ông đã rải rác cho đăng lại trên Thư Quán Bản thảo -- một tạp chí do ông chủ trương tại Mỹ, mục đích bảo tồn văn học Miền Nam 1954-1975. Nhân đây, một Lời nặng tình, tôi xin cảm ơn Nhà văn Trần Hoài Thư.
Từ nay, sang được nơi có tự do in ấn, tôi sẽ cố gắng, được chừng nào hay chừng đó, thu dọn, một cách làm vườn, đốt lá khô chiều tà, để rồi lần lượt in thành sách những gì mình đã viết. Nhiều lắm, rất nhiều, những sáng tác thuộc nhiều thể loại, cả những tác phẩm xuất hiện trên các trang mạng Internet, nay vẫn chưa in thành sách.
Không hiểu ra làm sao, mỗi thể tài dù nhỏ nhoi, tôi cũng viết một phùa tới ba bốn nghìn chữ. Mỗi truyện “Cây đa đầu làng”, tôi viết đăng bốn kỳ tuần báo Đời, 1968, một thiên thời sự, nhiều độc giả rất ưa thích, nay đã không còn lưu giữ được một trang nào. Nhiều truyện vừa, những truyện dài, đăng báo Nghệ Thuật, Khởi Hành, Đời, Quần Chúng, chưa kể nhiều tiểu thuyết feuilleton, xuất hiện trên các nhật báo Độc Lập, Đông Phương, Dân Chúng, Điện Tín, Sóng Thần, Hòa Bình... nay tôi chưa hề in một quyển nào.
Nói vậy, giày dép còn có số. Đã vậy hay vậy. Từ từ “ Gỡ rối tơ lòng...thòng”. ./.
(Hết kỳ 1)
PHẠM VIÊM PHƯƠNG
source: DIỄN ĐÀN THẾ KỶ
- 0 -
Nhà văn Cung Tích Biền với Bạn Văn
từ trái: Nhà văn Phạm Quốc Bào, Trần Yên Hòa, Phạm Phú Minh, Thành Tôn, Cung Tích Biền
(...)
***
----------------------------------------------------------------------
chúc mừng
cựu sĩ quan Quân đội VNCH, nhà báo, nhà văn
CUNG TÍCH BIỀN
sống & viết ở Hoa Kỳ
vào tuổi 82
Thế Phong
blog Virgil Gheorghiu
Saigon, July 27, 2020
----------------------------------------------------------------------------------
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ