Thứ Năm, 9 tháng 7, 2020

Huỳnh Như Phương (*) : Diễm Châu - Những bài thơ ngày cũ -- trích ; Hội Nhà văn T.P. Hồ Chí Minh.

Huỳnh Như Phương (*):

 Diễm Châu - Những bài thơ ngày cũ


Nhà thơ, dịch giả Diễm Châu (1937 - 2006) là một trong những nghệ sĩ tài hoa lặng lẽ nhất ở miền Nam những năm chiến tranh. 
Diễm Châu tên thật là Phạm Văn Rao, sinh năm 1937 tại Hải Phòng. Vào Nam năm 1953, ông theo học và tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn, ra trường dạy Anh văn, từng đi tu nghiệp tại Đại học Indiana, Hoa Kỳ, và có thời gian làm giám đốc một trung tâm sinh ngữ thuộc Viện đại học Sài Gòn. 

Sự nghiệp văn học, báo chí và xuất bản của Diễm Châu thời trẻ gắn liền với hoạt động của nhóm trí thức khuynh tả ở miền Nam. Từ năm 1966, cùng với Thế Nguyên, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Lý Chánh Trung, Phạm Cao Dương, Nguyễn Khắc Ngữ, Đỗ Long Vân…, ông ở trong ban chủ trương Nhà xuất bản Trình Bầy. Tháng 11-1967, tạp chí Đất Nước do Nguyễn Văn Trung làm chủ nhiệm ra số đầu tiên, Diễm Châu là một cây bút chủ lực của báo. Năm 1970, khi Đất Nước phải đình bản, ê-kíp làm báo này tập hợp quanh tạp chí Trình Bầy, với một ban biên tập được mở rộng đa dạng hơn. Dưới sự điều hành của chủ nhiệm kiêm chủ bút Thế Nguyên và tổng thư ký Diễm Châu, có thể nói Trình Bầy là một trong những tờ tạp chí giàu chất trí thức và có khuynh hướng xã hội rõ rệt nhất ở Sài Gòn thời kỳ đó. Nhưng tuổi đời của Trình Bầy không dài hơn tuổi đời của Đất Nước: sau 42 số báo, sắc luật 007 của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, với những biện pháp khắc nghiệt đối với báo chí, đã buộc Trình Bầy phải tự đóng cửa vào tháng 9-1972. Trong thời gian ấy, Thế Nguyên, Diễm Châu và đồng sự còn xuất bản nhật báo Làm Dân, nhưng tờ báo này cũng không tồn tại nổi với lệnh tịch thu liên tục của nhà cầm quyền. 

Cùng số phận với Trình Bầy, nhưng tạp chí Đối Diện tìm cách kháng cự lại bằng cách đổi tên là Đồng Dao rồi Đứng Dậy, in ronéotypé và phát hành bất hợp pháp. Diễm Châu – với bút danh Võ Hồng Ngự – cùng Thế Nguyên cộng tác với Đứng Dậy cho đến hết chiến tranh, và từ tháng 8-1975, khi tờ báo này được phép chính thức tục bản, thì Võ Hồng Ngự là thư ký toà soạn cho đến năm 1978, khi Đứng Dậy “hoàn thành nhiệm vụ”. 

Là một nhà bình luận thời sự sắc sảo, đầu những năm 1970, Diễm Châu - Võ Hồng Ngự đã viết một loạt bài vạch trần tội ác và những tàn phá về sinh thái của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, tố cáo những nanh vuốt của các chế độ độc tài lúc đó ở Braxin, Hy Lạp, Cộng hoà Dominique… Ông đã cộng tác với Thế Nguyên và Đoàn Tường để biên soạn một tập tài liệu công phu về những sự kiện lịch sử liên quan đến chiến tranh Đông Dương 1945-1973 (Đối Diệnấn hành, tháng 5-1973). 

Là người am hiểu sâu sắc những trào lưu mới của văn học thế giới, Diễm Châu đã chọn dịch sang Việt ngữ những tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật: Nhà chung của Ferreira de Castro, Vâng ý cha của Fritz Hochwalder (cùng dịch với Thế Nguyên), Thân phận con người (ấn bản khác:Truyện của một người lãng trí hayXã hội Kappa) của Akutagawa Ryunosuke,Câu chuyện năm mới của Vladimir Dudintsev, Natasha (Câu chuyện mùa đông) của Abram Tertz, Một cái chết ngoạn mục của Friedrich Duerrenmatt,Con voi của Slawomir Mrozek, Nuôi thù của Oe Kenzaburo… Ông còn là thành viên của Nhóm nghiên cứu văn hoá quốc tế thuộc Nhà xuất bản Trình Bầy, nhóm đã chuyển ngữ Miền đất hung bạo của Jorge Amado, Một vòng hoa cho người cách mạng và Trên đường sấm dậy của Peter Abrahams. Sau thất bại của ê-kíp Trình Bầy, năm 1972 ông khởi xướng thành lập nhà xuất bản Từ Chương với ý định quảng bá những tác phẩm văn học thế giới hiện đại, nhưng do những biến đổi của thời cuộc, dự án đó đã phải dừng lại sau khi ấn hành vài ba dịch phẩm. 

Cùng gia đình định cư ở Strasbourg, Pháp quốc, từ năm 1983 cho đến ngày từ trần (28-12-2006), Diễm Châu dành nhiều thời gian và tâm sức để dịch và giới thiệu thơ nước ngoài ra tiếng Việt. Nhờ ông, bạn đọc Việt Nam có điều kiện tiếp xúc với thơ và tiểu luận văn học của những tên tuổi như Jorge Louis Borges, Antonin Bartusek, Umberto Saba, Ana Blandiana, Rolf Jacobsen, Ted Hughes, Fernando Pessoa, Johannes Bobrowski, Mahmoud Darwich… Đặc biệt, là người nhạy cảm với cái mới, Diễm Châu đã sớm nhận biết những tài năng lớn của văn học thế giới: ông đã dịch và giới thiệu Oe Kenzaburo 24 năm trước khi nhà văn Nhật này được Giải thưởng Nobel về văn học năm 1994. Gần đây nhất, vào dịp nhà thơ Thuỵ Điển Tomas Transtroemer được Giải thưởng Nobel về văn học năm 2011, chúng ta mới hay rằng trong khi tên tuổi tác giả này còn xa lạ với nhiều độc giả, thì thơ ông đã được Diễm Châu dịch ra tiếng Việt từ những năm 1980. Đến đầu thế kỷ XXI, Diễm Châu lại hoàn thiện bản dịch 17 bài thơ của Tomas Transtroemer. 

Tuy nhiên, sáng tác thơ mới chính là lãnh vực thể hiện rõ nhất con người Diễm Châu. Bạn đọc ngày nay, nếu không sử dụng internet, thì ít biết về thơ ông vì hầu hết chỉ đăng rải rác trên báo chí ở miền Nam trước 1975 và trong các tập thơ đã tuyệt bảnhoặc phổ biến hạn chế:Hạnh hoa; Sáng muôn thu;Việt Nam, Tổ quốc và em; Thơ Diễm Châu; Mười bài ở Paris và những mảnh rời. Thơ Diễm Châu là cảm xúc nồng ấm pha nỗi ngậm ngùi của một lương tâm trí thức đau đáu trước thân phận quê hương và tình yêu qua một bút pháp hài hoà giữa truyền thống và cách tân. Nhân dịp kỷ niệm năm năm ngày mất của nhà thơ, dịch giả Diễm Châu, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc hai bài thơ của ông.   ./.


NHƯ MỘT ĐƯỜNG DÂY HÚT GIÓ 

tặng Ngô Kha 
Từ biển cả mênh mang với những cánh đồng cát trắng 

tôi trở về thành phố ngủ yên 

buổi chiều thức dậy trong khe núi 

đá khô chờ giọt mưa rưng rưng 

ôi quê hương của một dòng sông 

với những triền ngô tỏa mềm ánh sáng 

những con đò đan những vết thương 

lên mình nước dàn đi 

những mảnh đời rách nát 

tôi trở về để nhìn tôi thiêu thân 

và nhìn em đội vòng gai hận thù rướm máu 

những ngọn đuốc năm xưa thắp màu hỏa hoàng lên áo ấy 

và chiều buồn ru mình vào tiếng ve 

những cánh dơi bay về cổ thành 

và em làm giọt mưa lăn xuống má 

ấy thương yêu gầy trong vành nón 

và khổ đau lay từng gót chân nai. 

một buổi mai tôi tung tăng ngoài lộ 

như bóng mây hồng còn đợi nắng phất phơ 

tôi ngửa mặt đón làn sương mai 

từ mẩu tre ngà khum vòng tay gió biếc 

em lặng lờ như tiếng hát 

trong vườn cây vả đã đơm bông 

tôi níu chùm hoa dâng một ngày đã mất 

và hương hoa làm ngây ngất hồn tôi 

tôi đưa tinh tú về bên dẫy núi 

đón tay em từng ngón vuốt ve 

và thảm cỏ thở mùi tóc trầm 

và viền môi quyện áng mây đưa 

tôi ngửa mặt nhìn tôi trong ánh mắt 

thấy em về trong cánh bướm hư vô. 

vào trong ngõ lá thuôn xác xơ màu tưởng niệm 

tôi lạc mất tôi trong thành phố và em 

khi những bước đi của loài rắn quanh co 

còn vần vi bên trái táo 

những vết chân của loài rất độc 

còn cày sâu trên vừng trán dòng sông 

những bụi cỏ lấp dần tiếng hót 

của loài chim mang định mệnh trong hồn 

tôi ngỡ ngàng đuổi theo em như một đường dây hút gió... 

Huế, 1969 

DIỄM CHÂU 

(Tạp chí Đất Nước số 14, tháng 10-1969) 

PHÚN THẠCH CỦA MÙA XUÂN KHẢI HUYỀN 
Trên cánh tay mỏi mệt 


trên nét mặt buồn thiu 

trên chiếc áo sơ-mi nhàu nát 

trên đôi giày gót vẹt 

trên đôi vai xiêu xiêu chĩu đổ 

trên trái tim mười bốn chặng đường khổ nạn 

trên vừng trán tầm tã mồ hôi của cơn sốt xuất huyết 

trên đôi môi héo khô của mật đắng giấm chua 

mùa xuân trở về như lưỡi đòng đâm suốt bên người 

những bông hoa đỏ thắm một ngọn đồi trọc. 

mùa xuân trở về với tiếng gà eo óc ở thôn xưa 

với người lính già bần thần chối bỏ bình yên 

với tình yêu run rẩy 

trong ánh sáng xanh xao của đức tin hèn mọn 

mùa xuân trở về với ba mươi chín lằn roi 

với mão gai làm triều thiên cho người khốn khổ 

với áo đỏ bết máu với cây sậy quyền uy 

mùa xuân trở về với bảy mươi bảy lần sấp ngã 

với những tảng đá loang máu người vô tội 

với con đường bụi bặm dốc cao 

với cánh đồng trống trơn lỗ chỗ những hố bom 

rừng lớp lớp bày ra cảnh đìu hiu cách lạ: 

những thân cây làm thập tự giữa trời. 

mùa xuân trở về với bầy thú săn đuổi con người 

với tiếng reo hò của loài kên kên đói khát 

năm mươi vì sao giữa một nền trời gạch mặt quay cuồng 

năm mươi cánh tay bạch tuộc 

chụp bắt 

giằng xé 

hỏa thiêu 

phún thạch đã khô trong ống điếu của nhà trí thức 

ở phòng bột đen của hãng Pin lớn người công nhân không tìm thấy ánh sáng 

những con chuột chũi mãi đi trong bóng tối sự chết 

trên lề đường nhân ái Chúa bị quăng ra 

mùa xuân xối nước rửa tay 

tiếng hò reo của bầy kên kên 

bầy kên kên 

bầy kên kên. 


DIỄM CHÂU 
(Tạp chí Trình Bầy số 36 & 37, Xuân Nhâm Tý, tháng 02-1972)
Nguồn: Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.
............................
(*) Huỳnh Như Phương: 
GS-TS. Trường Đại học Khoa học XH&NV TP. Hồ Chí Minh.


                                                             ***


                        ------------------- -------------------------------------------------


                                                    tưởng nhớ 



                                            giáo sư, thi sĩ DIỄM CHÂU
                              [i.e. Phạm Văn Rao 1937 - 2006 Strasbourg)


                                                tác giả tập thơ đầu tay
                                               SÁNG MUÔN THU (*)

                                        * phu nhân : PHẠM THỊ SÁNG







                                                     blog Virgil Gheorghiu
                                                     Saigon, July 10, 2020

                            -------------------------------------------------------------------------


0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ