Thứ Hai, 8 tháng 6, 2020

' về mục sư ĐOÀN VĂN MIÊNG / bài viết: Mục sư Trần Thái Sơn -- source: Vietnamese Theological Review

MỤC SƯ ĐOÀN VĂN MIÊNG

Mục sư Trần Thái Sơn 



Hầu hết những người tin Chúa tại Việt Nam quen thuộc với Cụ Phó hơn là tên tộc của Cụ Mục sư là Đoàn văn Miêng, nhất là chữ Miêng lại có ‘g’. Tôi cứ theo lệ xưng gọi Cụ Mục sư Đoàn văn Miêng trong phần viết về Những Người Đi Trước Tôi nầy là Cụ Phó.

Đa số quen gọi Cụ Phó là vì sau biến cố 30-4-1975, dưới áp lực của Chính quyền chế độ mới không đồng ý Mục sư Đoàn văn Miêng giữ chức vụ Hội Trưởng Hội thánh Tin Lành Việt Nam, lại đúng vào lúc nhiệm kỳ hai Hội Đồng Tổng Liên Hội của Mục sư Miêng vừa mãn, do đó Ban Trị Sự Tổng Liên Hội đã họp để ứng phó áp lực của Chính quyền. Kết quả buổi họp là Ban Trị Sự Tổng Liên Hội sẽ giới thiệu Cụ Mục sư Ông văn Huyên ứng cử chức vụ Hội Trưởng trong Hội Đồng và Cụ Mục sư Vũ văn Cư đương chức Phó Hội Trưởng sẽ tự từ chức vì bịnh ung thư xương hàm trầm trọng, mở đường cho Mục sư Đoàn văn Miêng ứng cử vào chức vụ Phó Hội Trưởng thay Mục sư Cư. Kết quả Hội Đồng Tổng Liên Hội năm 1976 đã bầu Mục sư Đoàn văn Miêng vừa mãn nhiệm chức vụ Hội Trưởng, được đắc cử chức vụ Phó Hội Trưởng, từ lúc đó Mục sư Đoàn văn Miêng được Hội thánh chung biết đến là Cụ Phó.

Thật ra Mục sư Đoàn văn Miêng đã được Hội Đồng Tổng Liên Hội năm 1960 bầu vào chức vụ Hội Trưởng Hội thánh Tin Lành Việt Nam, thay cho Mục sư Lê văn Thái là vị Hội Trưởng vừa mãn nhiệm quyết định không tái ứng cử vì muốn thế hệ đồng vắng đến lúc nhường lại cho thế hệ Đất Hứa. Và năm 1960, Mục sư Đoàn văn Miêng đắc cử Hội Trưởng Hội thánh Tin Lành Việt Nam.

Đức Chúa Trời đã yêu thương Hội thánh Tin Lành Việt Nam nên đã ban cho Hội thánh của Chúa một người giảng dạy Kinh thánh cách đặc biệt, rõ ràng, dễ hiểu với những ý tưởng dạy dỗ không thể đoán trước được, thích hợp mọi lứa tuổi. Rất tiếc tôi không được nghe Mục sư Miêng dạy thư Rô-ma như đã được nghe nhiều người thuật lại, điều đáng tiếc hơn nữa là những người thuật lại chỉ thuật rằng ‘rất hay, rất sâu nhiệm’, nhưng những người thuật đó không diễn lại cho lớp người hậu bối như tôi nếm được hay làm sao, sâu nhiệm làm sao, xin mượn câu thơ của Nguyễn Du chế lại:

Rằng hay thì thật là hay,
Nghe qua, nghe lại, (chẳng) biết hay thế nào.


Rốt lại chỉ biết là qua cách giảng giải Kinh thánh mà Mục sư Đoàn văn Miêng đã được Trường Kinh thánh Đà Nẵng mời về dạy.

Tôi đã được nghe:

Mục sư Miêng trực tiếp thuật lại những ngày Mục sư làm chủ tọa Hội thánh tại Tiên Thủy (Bến Tre), vì tình hình loạn lạc, nhiều vụ cướp giết thường xảy ra, nên tín đồ ở vùng sâu vùng xa đem của cải vàng bạc họ có được gởi nơi Mục sư chủ tọa. Bất ngờ, một đêm khuya, bọn cướp xông vào tư thất chủ tọa bắt Mục sư Miêng trói lại đánh đập rồi hỏi Mục sư Miêng: “Vàng bạc của ông để đâu?” Mục sư Miêng dù bị đánh đập vẫn trả lời: “Tôi không có vàng bạc gì cả”. Bọn cướp tra khảo nhiều lần không được nên rút lui. Sáng hôm sau, tín đồ nghe tin kéo ra nhà thờ thăm Mục sư Miêng và nói: “Sao Mục sư đã bị đánh đập như vậy, chúng hỏi thì Mục ư cứ chỉ cho chúng thì đâu đến nỗi”. Mục sư Miêng trả lời: “Bọn cướp hỏi vàng bạc của tôi giấu ở đâu, tôi đâu có vàng bạc gì. Nếu bọn cướp hỏi ‘vàng bạc của tín đổ gởi giấu ở đâu’ thì tôi đã chỉ rồi”.

Năm 1971, tôi từ Bến Cát có dịp về Sàigòn ghé lại thăm một Mục sư chủ tọa Hội thánh tại Sàigòn, được biết có một nhóm xưng là “Nhóm Mục sư Truyền Đạo Trẻ” mà vị Mục sư nầy là Trưởng Nhóm, đã cùng với một mục sư và một Truyền đạo vào Văn Phòng Tổng Liên Hội để chất vấn Mục sư Hội Trưởng Đoàn văn Miêng. Buổi chất vấn được thâu băng, và vị Mục sư Trưởng Nhóm đã cho tôi được nghe cuộn băng đó. Có nhiều vấn đề được nêu ra trong buổi chất vấn, nói chung là những bất mãn hoặc bất đồng về cách làm việc của Mục sư Đoàn văn Miêng, trong đó có vấn đề ‘Một Nhà Có Ba Hội Trưởng”. Lý do chất vấn được nêu ra là vì Mục sư Miêng đương chức Hội Trưởng Hội thánh Tin Lành Việt Nam, lại có con trai là Đoàn văn Sĩ làm Hội Trưởng Hội Osborn Foundation, mà Mục sư Osborn là tà giáo lợi dụng việc cung cấp xe cùng những phương tiện giảng lưu động như máy phóng thanh, phát điện, máy chiếu phim, tiền bạc, để chiếu những phim của Mục sư Osborn giảng chữa bịnh, phát những sách báo của Hội Osborn in những bài giảng chữa bịnh của Mục sư Osborn. Toàn bộ phương tiện và chi phí điều hành, lương hướng của xe giảng lưu động Osborn Foundation đều do hội đó cung cấp. Nhóm chất vấn không đồng ý việc Mục sư Miêng là Hội Trưởng Hội thánh Tin Lành lại giới thiệu con của ông làm việc với một Hội tà giáo, nhất là vì uy tín của Mục sư Miêng nên Hội Osborn nhận Đoàn văn Sĩ làm Hội Trưởng Hội nầy tại Việt Nam. Thêm vào đó, Mục sư Hội Trưởng Đoàn văn Miêng đã lấy uy tín của ông để giới thiệu cho con trai là Đoàn Trung Tín một Truyền đạo sinh của Thánh Kinh Thần Học Viện Nha Trang, đáng lẽ phải trở về Viện tiếp tục học thì được Mục sư Johann Lee Tổng Thơ Ký Hội Truyền Giảng Tin Lành Cho Mỗi Gia Đình nhận làm Hội Trưởng của Hội đó tại Việt Nam, phá vỡ qui định của Thánh Kinh Thần Học Viện.

Trước những chất vấn gay gắt như vậy, Mục sư Miêng đã trả lời – qua giọng nói, tôi nhận thấy Mục sư rất bình tỉnh để trả lời -  rằng Mục sư Osborn quen biết Đoàn văn Sĩ khi Sĩ còn đang học tại London; còn việc Hội đó có tà giáo hay không thì Sĩ đã lớn rồi tự biết quyết định. Về việc giới thiệu Đoàn Trung Tín thì Mục sư cho biết: Lúc bấy giờ Ủy Ban Truyền Đạo Sâu Rộng Trung Ương của Tổng Liên Hội đang họp trong tư thất của Mục sư Hội Trưởng với Mục sư Johann Lee. Mục sư Lee tỏ ý muốn có một mục sư Việt Nam trực tiếp làm việc với Mục sư Lee, thì một Mục sư trong Ủy Ban đã giới thiệu Truyền đạo sinh Đoàn Trung Tín. Mục sư Lee hỏi Truyền đạo sinh Tín là ai? Ở đâu? Mục sư đó nói rõ Tín là Truyền đạo sinh, con của Mục sư Miêng và đang ở trong nhà Mục sư Miêng. Theo lời Mục sư Miêng thì Mục sư đó muốn giới thiệu Tín để gây chú ý mọi người về chính mình, do Tín đang là Truyền đạo sinh cần về Thánh Kinh Thần Học Viện học tiếp, không ngờ khi tiếp xúc với Tín thì Mục sư Lee chấp nhận Tín làm việc cho Hội của ông tại Việt Nam. Sự việc diễn biến ngoài ý muốn nầy khiến Ủy Ban Truyền Đạo Sâu Rộng Trung Ương phải linh động giới thiệu Mục sư đó đi Đài Loan học về Truyền Thanh Truyền Hình 6 tháng. Mục sư Miêng khẳng định ông không giới thiệu Tín. Cuối cùng, khi Nhóm Chất Vấn cho rằng từ trước đến nay, Hội thánh chưa bao giờ có một Nhà Ba Hội Trưởng, Mục sư Miêng đã trả lời một câu không còn có thể bàn cãi nữa: “Trước chưa có, bây giờ có đã sao”. Thuật lãnh đạo bình tỉnh.

Hội Đồng Tổng Liên Hội lần thứ 41 đã họp lại vào ngày 15 đến 17 tháng 6 ngay sau biến cố lịch sử 30-4-1975 của Đất Nước, tại nhà thờ số 155 Trần Hưng Đạo. Tình hình tại Sài gòn rất nghiêm trọng, đang ở dưới sự điều hành của Chánh quyền mới được gọi là Quân Quản (Quân đội quản lý), dân chúng Sài
gòn đang hoang mang lo sợ, dĩ nhiên Hội thánh cũng không tránh khỏi ảnh hưởng, nhất là trước những người được gọi là 30-4 lợi dụng thời cơ chính trị để dựa hơi Chánh quyền mới gây bất lợi cho xã hội cũng như Hội thánh tại địa phương và Hội thánh chung. Hội Đồng Tổng Liên Hội được phép Chánh quyền mới cho họp lại tại nhà thờ Sài gòn. Việc đầu tiên trước giờ khai mạc là tất cả Đại Biểu Hội Đồng được Chánh quyên mời dự buổi nói chuyện của Đại Diện Chánh quyền tại rạp Thống Nhất (Nhà Xổ Số Kiến Thiết). Những Đại Biểu Hội Đồng đến dự buổi nói chuyện đều có phiếu mời và phải ghi tên rõ ràng để kiểm soát. Trong buổi nói chuyện, Đại Diện Chánh quyền khen ngợi ông Nguyễn Châu Ân là một tín đồ Tin Lành tốt đã tham gia chống Mỹ. Trong phần đáp từ, Mục sư Hội Trưởng Đoàn văn Miêng đại diện Hội thánh chung nói: “Tôi tin rằng Hội thánh Tin Lành Việt Nam không chỉ một Nguyễn Châu Ân, mà có nhiều Nguyễn Châu Ân”.

Rồi Hội Đồng được khai mạc với sự giám sát chặt chẽ của Chánh quyền và với sự hoang mang của Đại Biểu không biết tình hình sẽ ra sao. Như đã có ý định trước, một số Đại Biểu đã đứng lên với sự hung hăng gay gắt chất vấn Mục sư Hội Trưởng Đoàn văn Miêng mấy điều chính:

* Việc trốn chạy ra nước ngoài không thành của Mục sư Miêng vào những ngày cuối của chế độ Sàigòn cũ, họ cho rằng Mục sư Đoàn văn Miêng là Hội Trưởng mà muốn bỏ Hội thánh ra đi, như vậy có còn xứng đáng với chức vụ Hội Trưởng nữa không?

* Họ nói Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp đã để lại cho Mục sư Miêng vàng và đô-la, bây giờ số tiền đó ở đâu?

Dĩ nhiên, những lời chất vấn gay gắt nầy là từ những nhân vật có liên hệ với Chánh quyền mới và với dụng ý không tốt đối với Mục sư Hội Trưởng Đoàn văn Miêng. Trong lúc những người tố cáo thay nhau phát biểu lớn tiếng, Mục sư Miêng ngồi trên ghế chủ tọa Hội Đồng im lặng không nói gì. Khi những lời tố cáo lắng dịu, Mục sư Miêng đã đứng lên với giọng nói khoan hòa, bình tỉnh tự nhiên trả lời hai điểm chính:

(1)   Mục sư Miêng cho biết rằng vào tháng 3 năm 1975, Mục sư Hội Trưởng Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp có cho ông biết tình hình Đất Nước và muốn ông đi khỏi Việt Nam, có thể đến Pháp để lo cho cộng đồng Việt Nam tại đó. Mục sư Miêng đã từ chối, nhưng với sự thuyết phục của Hội Truyền Giáo, Mục sư đã đồng ý ra đi với điều kiện phải có 65 người trong gia đình của ông cùng đi. Hội Truyền Giáo hẹn trả lời sau vì số người quá khả năng của Hội Truyền Giáo. Đến gần cuối tháng 4-1975, thì Hội Truyền Giáo báo tin cho Mục sư Miêng biết là Hội Hoàn Cầu Khải Tượng (World Vision) bằng lòng trả tiền vé máy bay cho 65 người trong gia đình của Mục sư Miêng. Tuy nhiên, Mục sư Miêng đã từ chối ra đi vì chờ đợi quá lâu và ông không muốn đi nữa. Mục sư Miêng nói ngày 29-4-1975, ông chỉ đưa một người bạn đến Tòa Đại Sứ Mỹ để người đó ra đi, cá nhân ông chỉ ngồi trong xe cho đến khi người Bạn đó vào hẳn trong Tòa Đại Sứ (những người chất vấn thì cho rằng Mục sư Miêng ngồi chờ người đó vào trong Tòa Đại Sứ liên hệ và hứa sẽ trở ra đón Mục sư Miêng vào nhưng vì tình hình khẩn cấp khiến người đó có vào mà không có trở ra [?]).

(2)   Việc tiền và vàng của Hội Truyền Giáo. Mục sư Miêng cho biết: Hội Truyền Giáo có giao cho ông 1.000 đô-la và ông đã gởi Ngân Hàng Nhà Nước, có biên nhận.

Sau khi trả lời chất vấn, Mục sư Miêng đã nhẹ nhàng tuyên bố: “Xin Hội Đồng cứ bỏ phiếu tín nhiệm tôi (Mục sư Miêng) với chức vụ Hội Trưởng”. Và Hội Đồng đã tín nhiệm Mục sư Đoàn văn Miêng tiếp tục chức vụ Hội Trưởng Hội thánh Tin Lành Việt Nam.

Phải nói là vai trò lãnh đạo Hội thánh hoàn toàn khác với vai trò lãnh đạo các Hội đoàn hoặc quốc gia, đặc biệt khi phải ứng phó với những tình huống mà tổ phụ chúng ta chưa từng đi qua, nhưng Chúa cho Mục sư Miêng đã có sự khôn ngoan cần thiết để giữ vững Hội thánh.

Tôi được nghe Mục sư Miêng nói với tôi tình hình trước cuộc đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm, hai tôn giáo lớn tại Việt Nam là Công Giáo La Mã với Phật Giáo đang sôi sục và va chạm. Chánh quyền của Tổng Thống Ngô Đình Diệm rất lưu ý Hội thánh Tin Lành Việt Nam xem ngã về bên nào. Do đó, hằng ngày có những Mật Vụ, những người lạ qua lại hoặc lởn vởn trước tư thất của Mục sư Hội Trưởng Đoàn văn Miêng.

Tôi thuật lại những sự kiện trên để Người Người Đi Sau nhìn thấy được thuật lãnh đạo của Những Người Đi Trước thể hiện qua những giờ phút căng thẳng tột cùng, vì những giờ phút đó có thể gặp bất lợi, nguy hiểm vô cùng cho cá nhân và công việc Chúa chung.

Mục sư Miêng cũng tâm sự rằng: Đầu năm 1975, có một Mục sư người Đại Hàn (cách gọi quốc gia nầy lúc đó, sau nầy gọi là Hàn quốc) đến gặp Mục sư Hội Trưởng hỏi: “Hiện nay có tin Giáo hội Công giáo La Mã và Phật giáo đều lên kế hoạch di cư đến nước khác khi Cộng sản vào Miền Nam. Mục sư Hội Trưởng có chương trình di cư nào cho Hội thánh Tin Lành Việt Nam?”. Mục sư Hội Trưởng Miêng đã trả lời: “Nếu phải đưa Hội thánh ra đi thì đi đâu? Tôi (Mục sư Miêng) đã theo Lời Chúa trong Sáng thế ký đoạn 12 câu 1-3 để xin Chúa ba điều trong tình hình nầy: (1) Xin Chúa ban cho Hội thánh của Chúa tại Việt Nam nước Việt Nam nầy; (2) Xin Chúa ban cho Hội thánh Tin Lành Việt Nam của Chúa trở thành một Hội thánh lớn trên đất nước Việt Nam; và  (3) Xin Chúa ban cho Hội thánh Tin Lành Việt Nam làm Nguồn Phước cho các dân tộc trên thế giới”. Và Mục sư Miêng nói với vị Mục sư người Hàn quốc: Chúng tôi không có kế hoạch ra đi.

Mỗi khi có dịp vào Văn Phòng của Mục sư Đoàn văn Miêng, tôi nhìn thấy những hàng sách tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Anh. Tôi biết rằng Mục sư Miêng là người Đọc Sách nên những bài giảng của Mục sư có những ý tưởng không ngờ được dù với những câu Kinh thánh quen thuộc. Cá nhân tôi đã được trực tiếp nghe những lời nói như những những câu danh ngôn mà Mục sư Miêng đã dùng từ những sách ông đã đọc và tìm được để khuyên dạy tôi. 

Thí dụ:

1.      Mục sư Miêng đã nói với tôi về vấn đề Đạo Đức và Vĩ Đại. Mục sư nói, có những người vĩ đại mà không đạo đức như Hitler; cũng có những người đạo đức mà không vĩ đại như Y-sác; nhưng Áp-ra-ham là người vừa vĩ đại và vừa đạo đức.

2.      Mục sư Miêng nói: Làm được mọi sự là khó, nhưng nín chịu mọi sự càng khó hơn, như Phaolô đã dạy trong thư Cô-lô-se 1:10-11. Chí lý thay!

Hình ảnh của Mục sư Miêng khi đứng giảng luôn ẩn hiện trong tâm trí tôi một tư thế đứng khoan hòa, trang trọng, giọng nói rõ ràng; câu nói giản dị bình dân ai cũng hiểu được. Khi viết đến điều nầy, tôi nhớ lời khuyên của Tổng Thống Abraham Lincoln của Hoa Kỳ mà quyển Thiên Tài Lãnh đạo Abraham Lincoln của Donald T. Phillips đã ghi: Thực vậy, ông (Abraham Lincoln) đã thành công khi gọt dũa các bài diễn văn của mình sao cho thật dễ hiểu với mọi người. Có một lần, Lincoln tư vấn cho đồng nghiệp trong ngành luật của mình, William Herndon, về việc này: ‘Này Billy, đừng bắn quá cao – hãy nhắm thấp hơn và người bình dân sẽ hiểu anh. Họ chính là những người mà anh muốn vươn tới – ít nhất họ là những người mà anh phải vươn tới. Những con người có giáo dục và tài giỏi rồi cũng sẽ hiểu anh tôi. Nếu anh nhắm quá cao thì ý nghĩ của anh sẽ bay ngang qua đầu của quần chúng và chỉ trúng những kẻ không cần phải bắn trúng’[19] Tôi cũng tâm đắc để chia sẻ cách giảng dạy bình dân nầy khi có dịp hướng dẫn Phương Pháp Giảng cho một số Người Đi Sau: ‘Cần nói đủ lời thôi, phải biết dùng lời nói gợi lên cảm nghĩ, giúp cho người nghe suy nghĩ, đừng suy nghĩ thay người nghe, nghĩa là phải biết tiết kiệm lời nói, đừng thao thao bất tuyệt, đừng sợ không nói hết, đừng sợ người nghe không hiểu, đừng dành quyền suy nghĩ của người nghe. Tiếng đàn hay là ở dư âm, lời nói hay là ở vắn tắt mà hậu ý thâm trầm, man mác. Lời nói hay có khi bóng bẩy, có khi súc tích gọn gàng, có khi cân phân nhạc điệu… Nhưng hay nhất vẫn là Sáng Sủa - Giản Dị - Tự Nhiên. Sáng sủa là nói lên, người nghe hiểu liền; muốn sáng sủa thì phải Giản dị; muốn Giản dị thì phải Tự nhiên. Muốn Sáng sủa, Giản dị, và Tự nhiên, thì phải gọt dũa. Gọt dũa khéo để đừng ai thấy. Gọt dũa cho đúng chính tả, đúng văn phạm…

Phải nói Chúa cho Hội thánh Tin Lành Việt Nam 100 năm mới có một người giảng và dạy Lời Chúa như Mục sư Đoàn văn Miêng, người nghe ở trình độ nào cũng hiểu được. Vì cớ đó nên Mục sư Miêng đã được Hội thánh chung giao việc soạn bài học Trường Chúa Nhật, những đêm Mục sư Miêng dạy Kinh thánh tại nhà thờ Sài gòn – dù tình thế khó khăn kể cả khó khăn phương tiện di chuyển, nhưng các con cái Chúa cũng rất hăng say vượt những quãng đường xa về học từ năm nầy sang năm khác. Chỉ một đáng tiếc là Mục sư Miêng đã không viết để lại quyển sách nào, ngoài những tài liệu mà Mục sư đã soạn cho việc dạy Kinh thánh.                     ./.
               


Mục sư TRẦN THÁI SƠN


                                            ***


                                             -------------------------------------------------------------------------


                                                                    tưởng nhớ





                                                                      cố  Mục sư 
                                             ĐOÀN VĂN MIÊNG
                                           nguyên Hội Trưởng [ Phó] Hội Thánh Tin lành Việt Nam







                                                                  blog Virgil Gheorghiu
                                                                  Saigon, June 8, 2020


                                             ------------------------------------------------------------------------




0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ