Thứ Năm, 18 tháng 6, 2020

Trí thức miền Nam - 20 năm nhập cuộc ( 1955 - 1975 ) / Nguyễn Văn Lục -- source : 2005 talawas

Nguyễn Văn Lục

Trí thức miền Nam - Hai mươi năm nhập cuộc (1955-1975)
5 kì
 1   2   3   4   5 
3. Giai đoạn 1963-1966: Biến cố Phật giáo

A. Cao trào đòi hỏi bình đẳng tôn giáo

Nhận xét về biến cố Phật giáo và sự sụp đổ của nền đệ nhất Cộng hòa, Stanley Karnow viết:

“La fin du régime commenca par une controverse religieuse qui, au départ, parut sans importance. Mais elle cristallisa rapidement les autres griefs accumulés contre le gouvernement et prit les proportions d’un soulèvement politique.” [1]

(Tạm dịch: “Sự cáo chung của chế độ khởi đầu bằng một chuyện rắc rối tôn giáo mà lúc đầu tưởng không có gì là quan trọng. Nhưng nó đã mau chóng kết tụ những bất mãn khác và chẳng mấy chốc sự bất mãn với chính quyền tích lũy nay lan rộng mau chóng và mang kích thước một cuộc nổi dậy về chính trị.”]

Ðiều này cho thấy, biến cố Phật giáo 1963, lúc ban đầu chỉ là một phong trào đòi hỏi thực thi quyền bình đẳng tôn giáo và hầu như có tính cách tự phát, thuần tín ngưỡng, sử dụng phương pháp bất bạo động, mục tiêu nhằm đòi bình đẳng và tự do tín ngưỡng Phật giáo. Tính cách bột khởi bùng lên như một trận cuồng phong, cuốn phăng tất cả trên đường đi của nó, đến mức không ai tiên đoán được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Từ một vụ treo cờ, đến biến cố đài phát thanh, cái chết của Nhất Linh, sự từ chức Bộ trưởng Ngoại giao của Vũ Văn Mẫu, rồi đến vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Ðức. Thượng tọa Thích Trí Quang, linh hồn của biến cố Phật giáo 63, đã phải thừa nhận, [đây là] “một sự vận động kỳ quái”. [2]

Lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo, có cuộc vận động lớn lao và ý nghĩa mang tầm Quốc gia và thế giới như vậy. Nó cũng chứng tỏ, cuộc vận động đó, dù tự phát, đã lôi kéo đuợc đa số dân chúng miền Nam, nhất là giới học sinh, sinh viên trí thức thành thị, và được sự ủng hộ tinh thần của thế giới bên ngoài. Theo anh Hoàng Văn Giàu, trưởng đoàn Sinh viên Phật tử (SVPT) Huế, “Lực lượng trẻ có học này đem lại cho phong trào một sinh khí và sắc diện mới chứng tỏ Phật giáo không chỉ lôi cuốn thành phần vong niên hay cao niên đã chán sự đời mà còn hấp dẫn thế hệ đang hăm hở hướng về tương lai dân tộc và tín ngưỡng.” [3]

Trong “Phượng trên trời, Hải đường dưới đất”, Thái Kim Lan, phó trưởng đoàn SVPT, đã ghi lại tâm trạng giới trẻ trí thức như sau:

“1963 đã đánh dấu một chặng đường tuổi trẻ làm nền cho thao thức dấn thân của cả đời... cho nên, 1963 khó quên... hay không thể quên. Những ngày tháng ấy từ đó là hành trang giấu trong ‘túi-áo-bên-tim’ mang theo trên đường đi 40 năm. Phong ba đã lắm, gian truân cũng nhiều cho tất cả những ai thời ấy... ‘mày ngài chìm đắm trong cát bụi’ dặm trường, bạn bè kẻ còn người mất. Rốt cục cũng chỉ còn lại hai chữ Vô Thường.” [4]

Trong số những lãnh đạo của phong trào Phật giáo thời kỳ này, có Thượng tọa Thích Trí Quang, Trưởng ban Trị sự Hội Phật giáo Việt Nam Trung phần, Thượng Tọa Thích Thiện Minh [5] , Tổng Ủy viên Thanh niên Phật tử của Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Nhưng đối với bên ngoài, với dư luận Quốc tế, biến động Phật giáo 63 gắn liền với hình ảnh của Thượng tọa Thích Trí Quang. Phải chăng đó cũng là nguyên nhân gây ra sự bất đồng giữa một số nhà lãnh đạo phong trào lúc đó? Bình thường, họ chỉ là những nhà sư trí thức, khổ hạnh. Vậy mà nay họ trở thành những nhà sư trí thức, có sức mạnh tinh thần đến mức có thể làm sụp đổ một chế độ. Việc tranh đấu cho bình đẳng tôn giáo lúc đầu mau chóng trở thành ước vọng lật đổ chế độ Ngô Ðình Diệm. Do vậy, dù muốn dù không, biến cố Phật đản 1963 tại Huế cũng biến một số tác nhân trở thành những lãnh tụ trí thức hàng đầu, cả về phạm vi tôn giáo và chính trị ở miền Nam Việt Nam, điều trước đây chưa từng có.


B. Vai trò lãnh đạo của Thượng tọa Trí Quang

Ðối với báo chí nước ngoài, Thượng tọa Trí Quang là linh hồn của biến cố Phật giáo 63. Bìa tờ Time, số ra ngày 22-04-1966, in hình Thượng tọa. Trong bài “A talk with Thich Tri Quang”, Thượng tọa đã dành một giờ để trả lời phỏng vấn của các phóng viên Frank McCulloch và James Wilde, tại Sài Gòn, qua lời thông dịch của ông Thân Trọng Huề, một nhân viên trong ban biên tập tờ Time.

Trong một bài khác “Politician from the pagoda”, phóng viên đã dùng những lời lẽ trân trọng để nói về Thượng tọa:

“The frail, elegant hands of the Buddhist bonze who had ignited the trouble gestured- and the mobs went home, the air cleared. The crisis itself had not ended, but its course had been changed and channeled, sometimes subtly, sometimes imperiously, by one of South Viet Nam’s most extraordinary men. As a result of the power and discipline he displayed in last week...”

(Tạm dịch: “Ðôi bàn tay yếu ớt nhưng thanh nhã của vị tu sĩ Phật giáo, người đã châm ngòi cho sự biến động, đưa lên ra dấu và đám đông trở về nhà, bầu không khí trở lại trong trẻo. Tuy sự khủng hoảng chưa hẳn chấm dứt, nhưng đường lối đã thay đổi và được điều vi, lúc thì tế nhị lúc thì oai nghiêm, dưới sự điều khiển của một trong những người phi thường nhất của miền Nam Việt Nam. Như là kết quả của quyền lực và kỷ luật mà ông đã chứng minh tuần vừa qua…”) [6]

Cũng trong thời kỳ này, người ta đã đặt nghi vấn về những hoạt động tôn giáo và chính trị của TT Trí Quang: Phải chăng TT Trí Quang có liên hệ với Cộng sản? Phúc trình của CIA vào ngày 28-08-1964 như sau:

“An analysis ot Thich Tri Quang’s possible Communist Affiliations, Personality anh Goals: Situation Report as of 27 August 1964: Assessment is that Tri Quang is not a Communist, he would like to establish a theocracy in South Viet Nam.” [7]

(Tạm dịch: “Một phân tích xem thử Trí Quang có thể có liên hệ tới đảng phái, nhân cách và những mục tiêu Cộng sản: Cơ sở tường trình ngày 27 tháng 8 năm 1964: Ðánh giá rằng Trí Quang không phải là Cộng sản, ông ta có thể mong muốn xây dựng một thể chế thần quyền tại Việt Nam.”)

Nhân dịp này, cũng xin nói rõ một lần, để dẹp tan những dư luận đồn đại không đúng về TT Trí Quang. Trên tờ Lập Trường, cơ quan tranh đấu của Phật giáo ngoài Huế, số ra ngày 17-10-1964, TT Trí Quang tuyên bố: “Tôi tin tưởng vững chắc rằng chủ nghĩa Cộng sản không bao giờ có thể thắng được. Tôi tin tưởng vững chắc rằng chủ nghĩa Cộng Sản không phải là lý tưởng của loài người.” [8] Một lần khác, khi trả lời ký giả Nhật Bản Takhasi Oka, Thượng tọa nói: “Cộng sản chống chúng tôi, vì Phật giáo nằm trong lòng dân tộc. Cộng sản luôn luôn muốn tổ chức quần chúng mà Phật giáo lại là quần chúng. Ðiều đó gây khó khăn cho cả Cộng sản lẫn cho cả chúng tôi.” [9]

Dù không có bằng chứng chứng minh được TT Trí Quang là người của Cộng sản, nhưng những hoạt động của TT đương nhiên bị Cộng sản lợi dụng và khai thác. Ðiều trớ trêu là Cộng sản e ngại sự sụp đổ của ông Ngô Ðình Diệm, bởi vì trong trường hợp đó, Phật giáo sẽ chẳng còn ích lợi gì dưới mắt chính quyền miền Bắc.

“The government of South Viet Nam lacks evidence to support the conclusion that the Buddhist movement was instigated by the Viet Cong, however, there is evidence that the Viet Cong exploited the crisis.” [10] ... “North Vietnamese plans to increase military pressure in South Viet Nam during the Buddhist crisis. Hanoi fears the U.S. will try to depose South Vietnamese President Ngo Dinh Diem, and if successful, the Buddhist will no longer be useful to North Viet Nam.” [11]

(Tạm dịch: “Chính quyền Nam Việt Nam không có đủ bằng cớ để kết luận rằng phong trào Phật giáo Việt Nam là do Việt cộng giật dây, tuy nhiên, hiển nhiên là Việt cộng biết khai thác cuộc khủng hoảng đó... Kế hoạch của miền Bắc là tạo ra những áp lực quân sự đối với miền Nam Việt Nam trong cuộc khủng hoảng Phật giáo. Hà Nội sợ rằng người Mỹ sẽ lật đổ Tổng thống Ngô Ðình Diệm của miền Nam, và nếu cuộc lật đổ đó thành công thì Phật giáo sẽ không còn có ích lợi gì nữa cho miền Bắc.”)

Cuối cùng thì chính thể Ngô Ðình Diệm đã bị lật đổ. Nhưng trước đó, có ba sự cố mang lại tầm vóc lớn cho cuộc tranh đấu của Phật giáo, và đẩy mạnh gia tốc sự sụp đổ của ông Diệm: vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Ðức, vụ tự tử của nhà văn Nhất Linh và vụ từ chức của Giáo sư Vũ Văn Mẫu.


C. Hòa thượng Thích Quảng Ðức: Ngọn lửa từ bi

Ðã có rất nhiều người xúc động và rơi lệ vì nghe tin Hòa thượng Thích Quảng Ðức tự thiêu tại góc đường Phan Ðình Phùng – Lê Văn Duyệt (tức góc đường Nguyễn Ðình Chiểu và Cách Mạng Tháng 8 bây giờ), nay nhắc lại có thể vẫn bùi ngùi cảm xúc. Cái chết như một bi kịch quá đau lòng, nhưng lại thắp sáng lên niềm tin của Phật tử. Có một lần tôi đã viết, nay nhắc lại, là: Người ta có thể nói gì cũng được về Biến cố Phật giáo 63, nhưng cái chết tự nguyện của nhà sư làm mọi người phải câm lặng, phải cúi đầu, phải suy nghĩ, phải đánh động tâm tư và phải thức tỉnh. Cái chết ấy gióng lên một niềm tin. Nó mang vóc dáng của một người vượt cảnh giới bình thường, trở thành biểu tượng của Phật giáo và của người dân miền Nam. Ðể giải thích khi sinh viên Phật tử hỏi về cái chết ấy, ý nghĩa nó là gì, có phải là hành vi chính trị nhằm lật đổ chế độ và tự thiêu có nghĩa là tự tử không, thầy Trí Quang trả lời: “Thân người khó được”. [12] (Theo người viết, trả lời gì cũng không đủ. Tự thân việc tự thiêu của Hòa thượng TQÐ đủ nghĩa cho chính nó, không cần lời biện bạch nào nữa.)

Người viết bài này có tất cả 5 tấm hình khác nhau về Hòa thượng Quảng Ðức tự thiêu. Từ những tấm chụp đầu tiên, mầu áo còn trắng, lửa bốc cao, tỏa lan rộng ra như chưa táp vào người của Hòa thượng. Bên cạnh, thùng xăng nhựa còn để đó. Mắt Hòa thượng nhắm, lưng thẳng, tay buông xuôi theo kiểu ngồi kiết già - nghiêm chỉnh và tự tại -như thể đã đạt tới cảnh giới hư vô, bên ngoài là sức nóng, lửa táp. Ngài không tỏ lộ một nét nhăn mặt hay đau khổ, gần như vô cảm. Khó có thể tưởng tượng được sức người thường có thể trấn áp được những cơn đau đụng chạm đến thần kinh cảm giá như vậy. Thói thường, con người phải quằn quại vùng vẫy, la hét, lăn lộn. Các cơ bắp thịt phải co bóp lại, giật tay, giật chân. Khi chết, miệng mồm có thể méo mó, mắt trợn, tay chân co dúm lại, khòng khoèo. Ở đây, có điều gì đó thật lạ lùng, phi thường. Những bức hình kế tiếp, áo ngài đã đen vì cháy rụi, mặt nhám đen nhìn đã không rõ. Nhưng tư thế ngồi vẫn thế. Vẫn bất di bất dịch. Vẫn kiết đàn. Vẫn bình thân tự tại. Thân hình ngài như nhỏ thót lại, không còn nhận ra được nữa. Ðến tấm hình chót, lửa đã hầu tắt, tay ngài vẫn đặt ngang bụng. Có hai tấm vải hay tấm nhựa gì đó vẫn còn nguyên vẹn, mặt dường nhiều chỗ đen xì, nhưng toàn bộ vẫn không bị cháy (Không biết tấm vải làm bằng chất gì mà không cháy). Xin trích dẫn đôi dòng ghi lại của nhà báo David Halberstam, phóng viên tờ New York Times, như sau:

“Behind me I could hear the sobbing of the Vietnamese who were now gathering. I was too shock to cry, too confused to take notes or ask question, too bewildered to even think… As he burned, he never moved a muscle, never uttered a sound, his outward composure in sharp contrast to the waiting people around him.” [13]

(Tạm dịch: “Ðằng sau tôi là những tiếng sụt sùi của những người Việt Nam đã tụ tập ở đó. Tôi xúc động đến không kêu lên được, lúng túng không biết đường ghi chép hay đặt câu hỏi, đầu óc quá luẫn quẫn không nghĩ được gì nữa. Trong khi bị lửa đốt, không thấy bắp thịt Hòa thượng co giật, không thấy ngài thốt ra một tiếng kêu, dáng bên ngoài vẫn thẳng, khác hẳn với đám dân chúng đang chờ đợi chung quanh ngài.”)

Cái thế ngồi thẳng, không một chút lay động, trước lúc tự thiêu và sau tự thiêu vẫn thế, cho thấy một sự điềm nhiên tọa thị thật đẹp và thật ấn tượng, trong khi đồng đạo của nhà sư đứng bên ngoài khóc than. Có một cái gì vượt tầm nhận thức con người, một sức mạnh siêu thường, bất chấp quy luật tự nhiên.

Khó có thể có tư thế chết nào đẹp hơn.

Chết vì đạo, hy sinh tấm thân để cứu đạo, cứu đời, nhưng trong bản chúc thư của Hòa thượng Thích Quảng Ðức, lời lẽ vẫn ôn nhu, trân trọng đối với kẻ đáng nhẽ bị coi là kẻ thù. Cái quý chính là trái tim đó, tấm lòng đó. Nào, ta hãy lắng nghe lời di chúc còn vẳng đâu đây, và hãy học hỏi từ lời di chúc ấy.

Cầu hồng ơn Phật Tổ gia hộ cho Tổng thống Ngô Ðình Diệm sáng suốt. Cầu cho Phật giáo Việt Nam được trường tồn. Cầu Ðức Phật gia hộ cho Ðại Ðức, Tăng Ni tránh khỏi kiếp nạn. Cầu cho đất nước thanh bình. Cuối cùng thì một lần nữa kính gởi lời cho Tổng thống Ngô Ðình Diệm lấy lòng Từ Bi bác ái đối với quốc dân.

Miền Nam cần những tấm lòng như thế. Ðất nước Việt Nam cần những tấm lòng như thế. Thầy Trí Quang trên đường từ Huế vào Sài Gòn viết: “Lửa Quảng Ðức đang đốt cháy chế độ của ông, khắp cả nước và thế giới.” [14] Không hẳn chỉ là như thế. Cũng không cần là như thế. Lửa Quảng Ðức còn dạy cho các thế hệ mai sau bài học của lòng nhân ái ngay đối với kẻ thù. Lòng nhân ái đó, nói theo tinh thần nhà Phật, chính là ngọn lửa từ bi.

Nhân đây, người viết xin trân trọng trích lại một phần bài thơ của Bùi Khải Nguyên, dự định đăng trên tờ Hành Trình, nhưng chưa có cơ hội, gửi tới độc giả bài viết này, để ghi nhớ một lần cái chết đẹp của nữ sinh Quách Thị Trang tại chợ Bến Thành.

Quách Thị Trang

Có một cô nữ sinh Sài Gòn
Tóc ngọc lan xõa vai
Xinh Lolita
Ngây thơ Juliette
Ngày hôm qua
Cô còn thức thì thầm bên gối chiếc
Cô còn ép cánh hồng giữa trang tiểu thuyết
Công trường Diên Hồng
25 tháng 8
Cô gái yếu đuối như sên
Hiền như đất
Xinh Lolita
Ngây thơ Juliette
Trái tim Sài Gòn - Việt Nam thổn thức.
“Ðoàng”. Phát súng dã man
Cô nữ sinh ôm tim gục xuống
Ðể chúng ta
Mỗi lần qua công trường Diên Hồng ngợp hương hoa nắng
Nhớ giùm cho
Một phút: 60 giây
Quách Thị Trang
Ơi em gái nằm đây
Yếu như sên
Hiền như đất
Xinh Lolita
Ngây thơ Juliette
Ðã can đảm dám yêu, dám ghét
Ðã dám sống đủ 60 giây, một phút
Rất hồn nhiên… Không tính toán… Chẳng băn khoăn…
(Bùi Khải Nguyên) [15]


D. Cái chết của nhà văn Nhất Linh: Hồi chuông báo tử chế độ

Cái chết của Nhất Linh phải chăng muốn theo gương Hòa thượng Thích Quảng Ðức? Xem lại cuộc đời nhà văn Nhất Linh, điều làm cho chúng ta suy nghĩ là phải chăng ông có nên dấn thân vào con đường chính trị hay không? Ông là một trong những nhà văn, nhà trí thức hàng đầu của nhóm Tự Lực Văn Ðoàn (điều này không có nghĩa văn nghiệp của ông hơn những nhà văn khác trong nhóm, như Khái Hưng hay Thạch Lam...), nhưng rõ ràng chỗ của ông là ở đó. Khi tình thế đất nước đòi hỏi, với tư cách nhà trí thức, ông đã dấn thân vào chính trị đến gần nửa đời còn lại. Tiếc thay, mỗi lần tham chính, ông mỗi gặp thất bại. Trước tiên, ông thất bại khi nhận làm Bộ trưởng Ngoại giao trong chính phủ Liên hiệp Kháng chiến và dự cuộc họp với Pháp tại Ðà Lạt. Thất bại với Việt Minh trong việc giành chính quyền ở Hà Nội. Vì thế, từ 1946, ông đã trốn qua biên giới rồi bôn ba sang Trung Quốc, hết ở Côn Minh, Trùng Khánh rồi Thượng Hải, cho đến 1951. Ở Thượng Hải, ông đã ở chung với các ông Trần Văn Tuyên, Phan Quang Ðán, Nguyễn Văn Hợi và Nguyễn Gia Trí. Từ 1951, ông về sống tại Sài Gòn. Người con là Nguyễn Tường Thiết kể lại về tình trạng của bố mình:

“Có đêm lũ chúng tôi lồm cồm bò dậy còn nghe tiếng khóc trong phòng cha tôi. Tiếng khóc lúc đầu còn nhỏ sau lớn dần không kìm hãm được. Lũ chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau. Sau này khám phá ra rằng cha tôi là người cô đơn và đau khổ”. [16]

Trương Bảo Sơn cũng có nhận xét tương tự:

“Tuy làm việc đấy, nhưng ông xuống tinh thần, như người thất chí, chán đời, mệt mỏi chỉ tiếp một số bạn bè thân. Ông tuyên bố không làm chính trị nữa và đưa con lên ở Ðà Lạt, lấy thú đi rừng kiếm lan, chơi lan để giải buồn”. [17]

Nhất Linh có nhiều lý do để cô đơn và đau khổ: Sự thất bại cay đắng của Hội nghị ở Ðà Lạt; Cái chết của Hoàng Ðạo Nguyễn Tường Long; Rồi Nguyễn Tường Bắc, người em út của Nhất Linh, một hôm từ Quảng Châu đến Hồng Kông đề nghị Nhất Linh nên từ bỏ chủ nghĩa Tam Dân; Sự phân rẽ hệ phái Quốc dân Ðảng làm hai; Mặt trận Quốc dân Ðoàn kết, do ba người đứng tên là Phan Khắc Sửu, Nguyễn Xuân Chữ và Nguyễn Tường Tam bị thất bại. Vì thế, ngay từ 1954, sức khỏe của ông đã suy sụp lắm rồi, như Nguyễn Ngu Ý “bùi ngùi vô hạn” kể lại:

“Anh dường như yếu nhiều và chẳng những tay anh hơi run, mà phía dưới hai gò má anh cũng giựt lia, giọng anh liu líu, hơi nói chẳng được dài. Và cả người anh một cái gì mệt mỏi chán chường”. [18]

Mặc dầu sức khỏe suy sụp, Nhất Linh vẫn thiết tha gắn bó với những hoạt động chính trị nhằm lật đổ chế độ ông Diệm. Ông đã tham gia vào cuộc đảo chánh bất thành ngày 11-11-1960, và sau đó bị mời vào Tổng nha Cảnh sát Quốc gia cùng với các ông Trần Văn Hương, Trần Văn Văn. Có 35 người bị đưa ra trước tòa án Quân sự Ðặc biệt sáng 09-07-63, trừ Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, vì ông đã tự tử trước đó. Cái chết của ông đã gây tiếng vang và xúc động lớn đối với toàn thể dân chúng miền Nam. Có lẽ duy chỉ có Bác sĩ Phan Quang Ðán đã trả lời hơi khác người (trong báo Tiếng dội miền Nam, ngày thứ năm 11-7-63), như sau:

Hỏi: “Bác sĩ nghe tin ông Nhất Linh từ trần? Bác sĩ nghĩ sao?” Ðáp: “Có, tôi có được tin. Tôi nghĩ rằng, thời gian này là lúc ông Nhất Linh cần sống hơn là chết. Chúng tôi thương tiếc ông lắm và không rõ vì sao lại có sự đáng tiếc ấy.” [19]

Cái chết của Nhất Linh mang hai ý nghĩa. Ðối với riêng cá nhân ông, nó hoàn tất và chấm dứt một cuộc đời đầy bi lụy với những thất bại chính trị. Phải chăng cái chết đó đã trở thành chiến thắng cuối cùng mà ông từng mong đợi? Ðối với toàn thể dân chúng miền Nam, cái chết của Nhất Linh như một lời cảnh cáo chế độ, thêm một ngọn lửa, đem thêm một niềm tin, một sức sống cho những người còn đang tiếp tục chiến đấu cho tiến trình dân chủ.

Nhất Linh là biểu tượng sáng chói cho người trí thức miền Nam trong giai đoạn này. Xin trích dẫn hai câu thơ của Phạm Thiên Thư để nói về cái chết của ông:

Những người chấp nhận đấu tranh
Là khai tử để khai sinh lại mình.


E. Việc từ chức của giáo sư Vũ Văn Mẫu: nhân chứng cho sự sụp đổ chế độ

Nếu tìm một mẫu mực về một người công chức cao cấp điển hình, khó có ai hơn ông Mẫu (hay ông Huỳnh Hữu Nghĩa. Cả hai đều giữ ghế Bộ trưởng từ lúc đầu đến lúc chót trong suốt 9 năm tồn tại của chế độ Ngô Ðình Diệm). Ông thuộc mẫu người trí thức chín chắn, dè dặt, được ông Diệm nể vì, nhưng vai trò Tổng trưởng Ngoại giao của ông lại tương đối mờ nhạt.

Ngày 21-08-63, để chống lại quyết định tấn công chùa chiền của ông Diệm, ông Vũ Văn Mẫu đã về nhà cạo đầu, rồi đến bộ Ngoại giao tuyên bố từ chức để phản đối chính sách của chính quyền.

Sau khi từ chức, ông định trốn ra ngoại quốc, nhưng đã bị bắt tại phi trường Tân Sơn Nhứt. Chính phủ ông Diệm đã dàn xếp với ông Mẫu với điều kiện: Ông Mẫu không công khai tuyên bố từ chức, trái lại chính phủ để ông ra đi với lý do hành hương ba tháng tại Ấn Ðộ. Cuộc dàn xếp cuối cùng đi đến quyết định để ông Mẫu ra đi vào ngày 28-8-1963. [20] Trong chuyến bay, có cả Giáo sư Bửu Hội. Một người đi hành hương, một người sang Nữu Ước bênh vực cho chính sách của ông Diệm về Phật giáo.

Một người bạn mới quen của tôi, anh NMT, tâm sự cho biết, khi được tin ông Mẫu từ chức, giới sinh viên như được thổi một làn gió mát và cảm thấy thêm hăng say tin tưởng.

Tưởng nên nhắc, vào thời kỳ này, có Giáo sư Phạm Biểu Tâm cũng xin từ chức, rồi cũng bị bắt. Trong số những trí thức bị bắt còn có Luật sư Bùi Tường Chiểu, Giáo sư Âu Trường Thanh, ông Ðinh Thạch Bích, ông Trần Thanh Bổng v.v...

Cho đến giờ phút mà Giáo sư Vũ Văn Mẫu từ chức và xin đi hành hương Ấn Ðộ, có thể nói chính phủ Ngô Ðình Diệm hoàn toàn mất hậu thuẫn của mọi thành phần dân chúng: từ trí thức đại học, giới sinh viên, học sinh, đông đảo đồng bào Phật tử, một thiểu sổ công giáo trí thức và có thẩm quyền ở cấp cao (kể cả của Giáo hoàng Paul VI lúc bấy giờ). Lòng dân đã đổi. Giới trí thức đủ thành phần đã lên tiếng phản đối. Người Mỹ đã bỏ rơi. Quân đội với tướng lãnh rắp tâm đảo chính. Một tình hình như thế, GS Vũ văn Mẫu hẳn không thể không biết. Do đó, việc từ chức của một số trí thức có vẻ như một hồi chuông báo tử cho chế độ. Hơi trễ, nhưng vẫn cần thiết. Lúc dầu sôi lửa bỏng, lúc sống còn trong gang tấc cũng chính là lúc cần đến trí thức ra mặt.


Kết luận: Một cái nhìn chung về vai trò của trí thức trong 9 năm Ngô Ðình Diệm cầm quyền

Miền Bắc có một số lợi thế là được thừa kế di sản tinh thần của những nhà trí thức Cách mạng thập niên 1930. Họ đều xuất thân từ môi trường đào tạo làm cách mạng, tại những nhà tù như Côn Ðảo, Sơn La... [21] Chính người Pháp đã tự tay thiết lập trường đào tạo những nhà cách mạng này. Học trò tốt nghiệp sẽ có mảnh bằng có tên gọi là: chủ nghĩa yêu nước anh hùng, trộn lẫn chính trị và lòng yêu nước. Ngoài ra, để tuyên truyền, Ðảng Cộng sản Việt Nam còn có những tác phẩm đề cao chủ nghĩa anh hùng Cách mạng như Le procès de la colonisation (Paris 1925); Ðường cách mệnh (1927); Trần Hữu Ðộ viết Hồn độc lập và Tiếng chuông truy hồn (1926); Trần Huy Liệu viết Một bầu tâm sự (Sài Gòn, 1927); Nguyễn Ðức Quỳnh viết Một lời thề (1936); Bùi Công Trừng viết Từ lòng yêu nước chân chính, tôi đã đi đến chủ nghĩa cộng sản và Người trước ngã, người sau tiến lên (Hà Nội 1960); Ngô Văn Triển viết Lịch sử Nam tiến của dân tộc ta (Hà Nội 1929); Dương Bá Trạc viết Tiếng gọi đàn (Hà Nội 1925); Trần Huy Liệu dịch Dân sinh chủ nghĩa của Tôn Dật Tiên; Rồi Gương chiến đấu của những người cộng sản (xb lần thứ 3, Hà Nội 1965), trong đó đề cao những người như Lê Hồng Sơn, Châu Văn Liêm, Lý Tự Trọng, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Nghiêm, Trần Phú và Hoàng Văn Thụ. Bên cạnh đó, người Cộng sản còn quảng bá và đề cao các phong trào Sô Viết Nghệ Tĩnh (1930), Bắc Sơn và cuộc nổi dậy Nam Kỳ khởi nghĩa 1940, v.v... [22]

Tóm lại, người Cộng sản tạo được lợi thế có chính nghĩa và có lý tưởng. Từ lợi thế đó, họ tiến hành cuộc xâm chiếm miền Nam, cũng vẫn dưới những chiêu bài như thời kỳ chống thực dân Pháp, cũng vẫn kích động lòng yêu nước bằng những huyền thoại các anh hùng chống xâm lăng cũ. Trước chống thực dân Pháp, nay chống thực dân kiểu mới là Mỹ.

Ngược lại, người miền Nam, trí thức miền Nam đã đưa ra được biểu tượng nào để bảo vệ miền Nam? Sau 1963, trước tình hình chính trị nhiều biến động, với vụ Trí thức Caravelle và nhất là vụ Phật giáo, trí thức miền Nam đã dời bỏ thái độ trí thức phòng trà và trí thức phi chính trị. Họ không thể đứng ngoài để chỉ nhìn như một người khách, mà thấy cần phải dấn thân, nhập cuộc.

Một lần nữa, người ta thấy ảnh hưởng của chủ nghĩa Hiện sinh đối với giới trí thức sinh viên thành thị. Những khái niệm con người-hoàn cảnh, con người-trách nhiệm, con người-dấn thân, rồi con người-chọn lựa-nhập cuộc đã trở thành chỉ hướng cho họ. Mỗi con người không thể không sống trong một hoàn cảnh nhất định, một thời đại nhất định. Từ đó ta có trách nhiệm với đời mình và với thời đại mình. Trách nhiệm bao hàm phải dấn thân, phải nhập cuộc, phải lên đường, phải hành động, phải phản kháng. Ta không thể ngồi yên được. Phải tỏ ra trung thành với chính mình và với người khác, có can đảm chọn lựa. Chọn lựa đứng về phía lý tưởng, chống lại mọi áp bức, bạo lực bất cứ từ đâu tới… Do đó, không thể chọn một chế độ với chủ nghĩa giáo điều, quan liêu, phản dân… để đứng về phía những kẻ bị áp bức, về phía người nghèo.

Trong khi đó, giới trí thức tích cực dấn thân dưới chế độ Ngô Ðình Diệm phần đông đã lớn tuổi, đã có những hoạt động chính trị, đã trực tiếp tham gia chính quyền, và nhất là đã tham gia các đảng phái. Ðây là đặc điểm của thời kỳ này. Họ là những đảng viên còn sống sót của thời kỳ trước 1954, sau khi đã bị Việt Minh xua đuổi, tàn sát. Thực chất của các đảng phái này có thể chỉ có mục tiêu là nắm chính quyền, nhưng lại thiếu hậu thuẫn nhân dân. Vì thế, thường họ ở thế ngồi chờ và nhất là ở thế đối lập với chính quyền, chẳng hạn như Việt Nam Quốc dân Ðảng và Ðảng Ðại Việt. (Cũng cần nên xác định một chút về tính chất độc tài của chế độ ông Diệm. Ðộc tài cũng có năm bảy thứ độc tài. Ngay khi ông Diệm vừa bị lật đổ thì đài BBC đã bình luận là: Ông Diệm là một trong những nhà độc tài ít độc tài nhất. Thật oái ăm, nghịch lý của sự độc tài này là đã nhân danh “tự do dân chủ” theo khái niệm của “thế giới tự do”. Thất bại của ông Ngô Ðình Diệm là đã lấy chiêu bài “tự do dân chủ” để “độc tài” và trí thức miền Nam đã đòi chính quyền “tự do dân chủ” ấy, có nghĩa là họ lấy cái quyền mà ông Diệm hứa trao cho họ nhưng không thực hiện.)

Có một điều cần nhìn lại và cùng nhau suy nghĩ: các sinh viên, trí thức đã từng tranh đấu chống chính thể độc tài Ngô Ðình Diệm, bây giờ tại sao họ đành lòng im lặng khi Trung tâm Bồ tát Quảng Ðức bị chiếm hữu? Việt Nam Quốc tự, cơ sở biểu tượng của Phật giáo trước 75, với 4 chục ngàn mét vuông bị lấy không, tại sao ta đành ngồi im thin thít? Trái tim Quảng Ðức, linh hồn của cuộc tranh đấu Phật giáo nay còn hay mất? Mất đi đâu? Mà người ta chiếm trái tim để làm gì mới được? Tất cả những điều này, lạ thay, chưa hề thấy ai lên tiếng. Trong nước sợ đã đành, nhưng ngoài nước thì vì lý do gì lại im lặng? Chính quyền hiện thời tuyên bố người Việt có tự do tôn giáo, được tự do đi chùa, tự do đi nhà thờ. Nhưng những phương tiện để hành đạo thì bị hạn chế cấm đoán. Trong khoảng 4000 chùa trên toàn miền Nam, người ta thấy có sự giảm sút rõ rệt về số sư sãi, từ 30.000 xuống còn 10.000. Ðạo Phật có cơ nguy xuống cấp và rã ngũ. Trong bài phỏng vấn dành cho đài TF1, truyền đi ngày 11-05-1978, Thượng tọa Trí Thủ [23] , trụ trì chùa Già Lâm, cho rằng ở Việt Nam hoàn toàn có tự do theo đạo, và rằng những nhà sư bị bắt là do những hành vi cá nhân của họ, không liên quan gì đến tôn giáo. Giải thích về lý do số nam tu sĩ Phật giáo giảm đi được cắt nghĩa rằng một số bọn họ trước đây đi tu là chỉ là để trốn quân dịch. Bằng chứng là số nữ tu sĩ vẫn không giảm. Giải thích như thế thật không ổn. Không lẽ đến 20.000 nam tu sĩ đều là những người trốn lính cả sao? Khi Hòa thượng Thích Quảng Ðức tự thiêu, ngài nuôi một niềm hy vọng, tin tưởng nhờ cái chết của mình có thể chuyển hóa tình thế, chuyển hóa lòng người. Trong suốt 30 năm (60 năm nếu chỉ tính miền Bắc) dưới chế độ Cộng sản, từ Bắc vào Nam, thử hỏi đã có bao nhiêu cuộc biểu tình? Bao nhiêu cuộc có màu sắc tôn giáo? Tại sao không có một cuộc tự thiêu nào? Phải chăng không thể tự thiêu hoặc trẫm mình dưới chế độ Cộng sản, vì chế độ này không đem lại bất cứ một hy vọng nào?

9 năm dưới chính thể đệ nhất Cộng hòa, ít ra chúng ta cũng có cơ hội học bài học chính trị dân chủ, đòi tự do, công bằng xã hội, bình đẳng và tự do tôn giáo. Tuy nhiên, phê bình thể chế (miền Bắc trước đây) Việt Nam hiện nay, so sánh nó với chế độ ông Diệm và các lãnh đạo kế tiếp tại miền Nam không có nghĩa là tìm cách tô son chế độ miền Nam như một thời hoàng kim. Trong bản chất tiêu cực của chế độ miền Nam, thật là bi hài (ironique) để nói rằng, chính sự phản kháng chế độ này từ tầng lớp trí thức miền Nam đã đem lại điểm son (tích cực) cho nó. [24]

Một số trí thức có thể đã đóng trọn vai trò của họ trong một tình thế đầy thử thách và gian nan. Những người như Thượng tọa Trí Quang, Hòa thượng Quảng Ðức, và rất nhiều vị khác, đã hi sinh cho chính nghĩa; Những trí thức dấn thân, nhận lãnh trách nhiệm trước thời cuộc như Trần Văn Văn, Trần Văn Hương, Trần Văn Tuyên (ông Trần Văn Tuyên sau đó chết trong tù ở ngoài Bắc vào ngày 28-10-1976), cụ Phan Khắc Sửu, Trần Văn Ðỗ, Vũ Văn Mẫu, Phan Huy Quát và tất cả những người thuộc nhóm Caravelle hay những tên tuổi như nhà văn Nhất Linh.

Trí thức, thanh niên, sinh viên trong giai đoạn này đã lớn lên và trưởng thành trong trải nghiệm của những tháng ngày dấn thân cho đại cuộc, trong các cuộc bãi khóa, xuống đường... Trong 6 tháng pháp nạn, họ đã từng bị giam cầm, đánh đập, tra tấn, nhưng ít ra họ cũng giành được quyền phản đối, biểu tình, tuyệt thực, hô hào đả đảo. Ðối với nhiều thanh niên, sinh viên, học sinh, có một cái gì đó hăng say phấn khích, cuốn hút họ. Có lẽ, đối với họ, đó là giấc mơ tự do dân chủ, công bằng xã hội, khiến cho cuộc đời họ có ý nghĩa hơn. Những ngày tháng đấu tranh ấy cũng cấp cho một hành trang lên đường, với số vốn tù đày, giam lỏng. Ðã có rất nhiều thanh thiếu niên coi đây như cái vốn vào đời của mình.

Tuy nhiên, vấn đề là sau khi tranh đấu, lật đổ ông Diệm, giành được quyền làm chủ đất nước vào tay, chúng ta đã hành xử thế nào? Ðã xảy ra chuyện gì sau khi anh em ông Diệm nằm xuống? Giáo sư Lý Chánh Trung viết:

“Trong tình trạng đất nước, phải lựa chọn: Hoặc chúng ta đòi hỏi dân chủ, hoặc chúng ta đòi hỏi cách mạng. Sau ngày chính biến 1-11-63, các nhà cầm quyền với nhiều thiện chí, đã nghĩ rằng: sau chín năm gò bó, tự nhiên phải có tự do, sau chín năm độc tài, tự nhiên phải có dân chủ. Một năm nay, chúng ta đã dân chủ, và tự do như thế nào, chắc không cần phải nhắc lại. Cho nên đòi hỏi dân chủ trong lúc này là đánh lạc mục tiêu tranh đấu của người dân. Người dân cần Cách mạng để được có dân chủ. Người dân không cần dân chủ khi chưa có Cách mạng”. [25]

(Nhưng phải chăng cuộc cách mạng này, với cái chết của anh em ông Ngô Ðình Diệm, đã mở đầu cho một khoảng trống chính trị, đưa đến những xáo trộn liên tiếp? Nhân cơ hội đó, Hà Nội đã triệu tập ngay Hội nghị Trung ương Ðảng lần thứ 9 [khoá ba]. Cuộc họp kéo dài hai tuần lễ, từ 7 đến 20 tháng 12, chia làm 2 phần: “Cách mạng miền Nam” và “Nhiệm vụ Quốc tế của đảng”. Quân ủy Trung ương đưa gấp một số Trung đoàn vào quân khu V và Tây Nguyên, mở rộng đường vận chuyển chiến lược 559, cấp tốc vận chuyển B40 để chống thiết vận xa 113 và trực thăng. Miền Bắc đã lợi dụng cuộc khủng hoảng trầm trọng này của Mỹ và chế độ Sài Gòn, tranh thủ thời cơ để giành cho được thắng lợi có ý nghĩa quyết định trong mấy năm tiếp theo.)

Tôi sẽ bàn về điều này trong phần còn lại của bài viết.

NGUYỄN VĂN LỤC

© 2005 talawas

---------

[1]Vietnam, trang 159.
[2]Trích "Tinh thần buổi họp mật ngày 7- tháng 5, năm 1963, ở chùa Từ Ðàm", Ghi nhận của Thầy Trí Quang về biến cố Phật giáo tại Huế. Trích từ Tạp chí Liên Hoa, số 29-1-1964. Trích lại trên Giao Ðiểm.
[3]Trích "Ánh đuốc Quảng Ðức và một vài điều chưa nói về Phật Ðản 1963" trong Chuyển Luân số tháng 05-2005 (www.chuyenluan.com)
[4]Thái Kim Lan, Phượng trên trời, hải đường dưới đất.
[5]Theo anh Hoàng Nguyên Nhuận, Thượng tọa Thích Thiện Minh là nhà kiến trúc và cũng là đầu não chiến lược của phong trào Phật giáo 63.
[6]Trích bài “Politician from the Pagoda”, trong Time Archives, số ra ngày 22-02-1966.
[7]Trích từ phúc trình của CIA Intellignece Information Cable, TDCS 314/02342-64. Aug.28, 1964. 8p. Confidential/No Foreign Dissem. Sanitezed copy. Release May 24, 1976.
[8]Trả lời cho John J.A. Rose. Trích “Bộ mặt mới của nhà Phật”, bản dịch của Việt tấn xã, in ronêo, 1973. Trích trong Hồ sơ Hành Trình, bài viết của Lữ Phương, trang 219.
[9]Trích dẫn lại trong Việt Nam máu lửa, quê hương tôi của Hoàng Linh Ðỗ Mậu. Hồi ký chính trị. 1988, trg 900.
[10]Trích từ phúc trình của CIA Intellignece Information Cable, TDCS 314/02342-64.
[11]Như trên.
[12]Theo thiền sư Nhất Hạnh và Russell Mc Cutcheon. Trích dẫn Thái Kim Lan trong bài “Hòa thượng Thích Quảng Ðức tự thiêu”.
[13]Trích dẫn bởi Jolie Hicks.
[14]Trích Thái Kim Lan, “Hòa Thượng Thích Quảng Ðức tự thiêu”.
[15]Trích trong Hồ sơ về Tạp chí Hành trình, (nxb Nam Sơn, 2000): không đề số trang.
[16]Trích trong bài “Ðọc bản thảo của Nhất Linh” của Võ Phiến. Võ Phiến trích lại bài: “Nhất Linh, cha tôi” của Nguyễn Tường Thiết, đăng trong Văn học Nghệ thuật, California, Hoa Kỳ.
[17]Như trên.
[18]Trích Nguyễn Ngu Ý, Sống và viết, (Sàigòn, 1966). Trích lại trong bài của Võ Phiến vừa nêu trên.
[19]Trích “Dư luận báo chí Thủ Ðô”, trong Biến cố 1-11-60 của Trần Tương (nxb Ðại Nam): tr. 335.
[20]Trích Việt Nam máu lửa quê hương tôi, Hoàng Linh Ðỗ Mậu, 1988, trg 635. Trong Việt Nam niên biểu, Vũ Ngự Chiêu cho biết ông Vũ Văn Mẫu dời VN ngày 29-8 thay vì 28-8.
[21]Dưới đây là lời chứng năm 1946 của Thiếu Tá Têrêyrơ, trước kia cai quản banh Côn Nôn, khai trước Ban điều tra về những trách nhiệm ở Ðông Dương. “Dưới chính phủ Decoux, có 5000 tù ở ngục Côn Nôn. Trong tháng tôi mới đến thì có 172 người chết, trội hơn chút ít số trung bình người chết trong một năm trước kia. Những tù chính trị khổ sở vô cùng, chịu đựng ít nổi hơn thường phạm vạm vỡ hơn họ. Khám banh 3 dành riêng cho họ, sức chứa mỗi gian khám là 20 người, hoặc 30 người, tôi thấy trong đó đến 110 người, 120, 130 người. Một y sĩ người Ðông Dương khai với tôi rằng có khi một buổi sáng, ông thấy 5 xác chết trong banh tù chánh trị. Những người tù chính trị không chịu nổi chế độ ăn uống, họ thuộc trình độ cao hơn người thường phạm, họ là điền chủ, kỹ sư, đốc tờ. Lúc ấy có độ 1500 đến 2000 tù chính trị. Khi tôi đến, vấn đề quan trọng hơn hết là vấn đề tù chết, nhứt là tù chính trị. Họ vong mạng một cách liệt sạp. Họ bị nhốt chen chúc trong các gian khám nhơ nhớp bẩn thỉu. Họ không được đi ra ngoài, đó thì các ông thấy, về phương diện vệ sanh. họ có một cái thùng bằng gỗ, người ta xối ụp nước vào đó. 390 người bịnh ỉa chảy trong banh tù chính trị chỉ có một cái gáo để múc ngay nước ấy, chỉ một người ỉa chảy rớ vào nước không trong sạch ấy thì đủ làm cho nó truyền nhiễm. Rồi sáng mai, luôn luôn chúng ta có thêm số người chết.” ( G.Chaffard. Les deux guerres du Viet Nam, Paris 1969, tr.115) Trích lại trong Việt Nam 1920-1945 của Ngô Văn: Trg 401.
[22]Tất cả những phần tóm tắt các tác phẩm trên dựa trên cuốn sách của David G Marr, Vietnamese Tradition on Trial: 1920-1945 (nxb University of California Press), trong chương “Perception of the past”: từ 253-287.
[23]Vivre au Viet Nam, Alain Ruscio. (Éditions sociales, 1971): trg 171.
[24]Thái Kim Lan, Phượng trên trời, hải đường dưới đất.
[25]Trích “Cách mạng và dân chủ” của Lý Chánh Trung. Hành Trình, số 3-4, tháng giêng, 1965.






                                                                             ***



                                               -----------------------------------------------------------------


                                                                         chúc mừng



                                           
                                                    giáo sư, nhà bình luận văn học tài danh
                                                               NGUYỄN VĂN LỤC

                                                                 sống & viết ở hải ngoại
                                                                       



                                                                       vào tuổi 82



                                                                   blog Virgil Gheorghiu
                                                                   Saigon, June 19, 2020


                                              ---------------------------------------------------------------------------

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ